Truyện ngắn
Chu Nhan
10:08 | 03/10/2023

CHÂU SA

Dạo ấy trời rất lạ. Suốt vùng Phụng Hóa mấy tháng trời không có một giọt mưa. Nắng dữ dằn hun hầm hập lớp ngói đỏ trên mái nhà lão Nhân, hun cả tính khí vốn thất thường của lão. Lão cài thật chặt hai cánh cổng, không buồn tiếp ai. Lò gốm của lão đã hơn tháng trời không đốt lửa.

Chu Nhan
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Lão ngồi rất lâu dưới hiên, ngơ ngẩn ngắm đôi bàn tay mình.  Đôi tay kì lạ gắn với tấm thân đàn ông thô mộc, dù đã quá ngũ tuần mà vẫn dẻo dai cường tráng. Chỉ có bàn tay mãi mãi như thuộc về một thiếu nữ. Chúng trắng muốt, mềm mại như cọng cỏ xanh. Chúng tạo tác ra những dáng hình tuyệt diệu. Lão yêu đôi tay hơn mọi thứ. Lão không bao giờ làm việc nặng để giữ những ngón tay mãi xanh mềm. Mỗi lần nung một mẻ gốm mới, nếu bàn tay đỏ rựng lên, hay chợt bừng nóng như có lửa cháy bên trong, lão biết thế nào mẻ gốm ấy cũng đẹp xuất thần. Nhưng cả năm qua, đôi tay lão êm đềm ngủ lịm, mười ngón thon mảnh, buốt lạnh, xếp im lìm trên đùi không còn sinh khí. Những mẻ nung của lão vẫn đẹp, vẻ đẹp của thói quen và những thao tác thuần thục đã nhớ như chôn trong lòng. Lão Nhân chờ đợi một cơn cuồng dã khác. Lão phơi tay dưới nắng, mong bắt được trong mình khoảnh khắc thịt da sống dậy. Nhưng nắng tháng Tư chang chang xối xả, tàn nhẫn dội lửa trên ruộng đồng và trên những tấm lưng người, chỉ làm cháy bỏng thịt da, nhưng tuyệt không thể hun lên trong lão một cơn hưng phấn nào. Buổi chiều, đợi nắng ngớt, lão gọi Châu Sa cùng ra sông.

Lần nào từ lò gốm ra sông lão Nhân cũng choáng ngợp. Choáng ngợp như mọi lần lão nhìn Châu Sa, suốt bao năm nay không biết thỏa. Bờ bãi rộng ngút mắt không một bóng cây xanh. Sông êm chảy giữa hai bờ đất lặng. Ráng chiều vỡ trên vai, phủ quanh thân hình mảnh dẻ của Châu Sa vầng sáng dịu ấm. Châu Sa ngẩng đầu đón gió, đôi môi đẫm nắng, hai má đỏ như máu đọng, mặc cho lão Nhân mân mê từng lọn tóc. Mỗi lần cùng nhau ra sông, nhìn mớ áo lụa tứ thân ấp lấy tấm thân Châu Sa óng ả, gót chân hồng thoáng lộ sau đôi guốc cong, gan ruột lão lại nở bừng sung sướng.

Lão Nhân ở miết bãi sông, đến khi trời chiều tắt nắng mới xuống sông tắm. Châu Sa vẩn vơ nhìn trời, ngó mây mặc cho lão Nhân điên cuồng quẫy nước. Đến khi vùng vẫy thỏa thuê, lão trườn lên bãi đất, cạnh mấy vồng khoai non mướt, lồng ngực màu đất mở phanh. Lão nhìn trời, nhìn Châu Sa rũ tóc, lòng ngập an tâm và hả hê, những thứ đẹp nhất đời vẫn đang ở trước mắt lão.

Ngày ấy, cả đất Phụng Hóa ai cũng biết tiếng tăm lò gốm lão Nhân. Phải nhìn lão Nhân lúc vuốt gốm mới thấy hết sự khéo léo mười ngón tay ấy. Lão thọc tay vào khối đất mịn mát, cẩn thận đặt lên bàn xoay, vuốt ve như mơn man người tình. Chuốt, ngắt, vỗ, nén, kéo, tỉ mỉ, nhịp nhàng, âu yếm hơn cả khi mân mê cần cổ Châu Sa trắng nõn. Thứ gốm vuốt tay của lão mỏng như giấy, nai rượu, chóe, đô, đĩa, bình... món nào dưới tay lão làm ra cũng là độc bản. Lão từng kiêu hãnh tuyên bố rằng cả đời lão chỉ muốn làm ra thứ gốm không giống ai, và cũng không lặp lại cả chính mình. Lão còn có tài vẽ dưới men, từng nét ám họa tứ linh, chữ vạn, sóng nước, bát quái, lá lật… sống động tinh xảo. Ai muốn vẽ theo tích cổ, lão Nhân cũng làm theo rất khéo. Những thợ gốm hạng nhất quanh vùng cũng không có được một phần tài hoa ấy. Người ta đặt nhiều quá, lão làm không xuể. Những nhà giàu ở mạn sông Đáy cũng tới tìm lão. Lão đâm ra khủng khỉnh, ai đến cũng phải lựa lời nói ngọt ngào để lão xuôi tai, và chồng tiền trước. Những đồng tiền kẽm, tiền đồng, lão cất thật kĩ trong rương, giấu dưới giường ngủ. Tối nào trước lúc đi nằm, lão cũng lúi húi mở rương tiền, xòe ra đếm, từng xâu, từng chuỗi, hơi đồng ẩm lạnh xông lên như một đám sương xanh.

Những ngày nắng oi ả cứ thế nối nhau qua. Nắng làm khô nhanh chóng những món đồ gốm lão Nhân xếp đều tăm tắp trên sân lát gạch đỏ rộng mênh mông, nhưng hàng hiên trước nhà lúc nào cũng mát rượi. Khí nóng không lọt nổi vào dãy nhà ba gian đồ sộ làm từ gỗ sơn huyết đỏ au mà lão thuê người xẻ và chở từ miền ngược về. Vòm nhà lúc nào cũng  tối,  chỉ thi thoảng lọt vào luồng nắng mỏng manh lẩn quất giữa những hàng cột kèo nặng trĩu đổ bóng lên người. Gian giữa kê tấm phản gỗ cẩm đỏ dày cả gang tay, bàn thờ trên cao ẩn sau nhiễu đỏ rùng lộng, mà lão Nhân kính cẩn vào thắp hương mỗi lần đốt lò.

Dù ở đã lâu, Châu Sa cũng không sao quen nổi tiếng vỡ tách đột ngột của mái ngói trên đầu, cùng tiếng gỗ vặn vào nhau rin rít mỗi đêm. Căn nhà như ngấm cả thanh âm bên ngoài, chứa trong khoảng sâu chập chờn bên trong bao nhiêu im lặng và bí mật. Mỗi lần phải đi qua gian giữa, Châu Sa chờn chợn, bước mau mau, sống lưng tê cứng tưởng như sau gáy đang có cặp mắt đỏ ngầu nhìn theo dọa dẫm. Lão Nhân thấy thế, ha hả cười trêu Châu Sa, nhưng từ ấy gian nhà chính lúc nào cũng cài then im lìm, chỉ trước ngày đốt lò mới được mở ra.

Cả vùng Phụng Hóa ai cũng biết lão Nhân si mê Châu Sa đắm đuối. Năm ấy Châu Sa mới mười lăm, còn lão Nhân đã quá ngũ tuần. Bức tường đá xanh quanh nhà chính lão thuê người xây, sừng sững vững vàng, vậy mà vẫn không làm lão yên lòng nổi. Sáng nào thức dậy lão cũng quờ tay sang bên tìm Châu Sa, thấy giường trống là lão giật thót mình, hốt hoảng chồm ngay dậy. Ngoài lúc ra lò gốm, lão giữ rịt Châu Sa không cho đi đâu một mình. Lão tự nhận là kẻ khùng điên, cái gì không có được thì phải đưa tay đoạt lấy. Lão tham lam đến độ tưởng như muốn thâu trọn lấy từng hơi thở Châu Sa, tóm chặt từng nét đầu mày cuối mắt, muốn uống cạn cả giọng cười thiếu nữ ngọt lịm vang vang khắp ba gian nhà vắng gió. Lão Nhân ghen tuông khủng khiếp. Ra đường, lão bắt Châu Sa cúi mặt, áo cài kín cổ, cấm chỉ Châu Sa không được nói chuyện với đám đàn ông. Đám trai làng mê Châu Sa đến mấy cũng chỉ dám lởn vởn quanh nhà, ngắm từ phía xa, mong được nhìn thấy một góc áo lụa thêu những đốm trắng như cụm mây buổi nắng. Chỉ có thằng Khanh là dám trâng tráo ngó Châu Sa, tay xoa xoa háng, mắt nhơn nhơn như không thấy lão Nhân đang hậm hực canh giữ. Thằng con hoang trơ tráo ấy đã mấy lần lẻn vào chùa toan sàm sỡ ni cô. Lão Nhân trừng mắt nhìn thằng Khanh căm tức. Lão xếp sẵn trên sân đống đá to bằng nắm tay. Mỗi lần nó lảng vảng quanh nhà đều bị lão ném ra những trận mưa đá xối xả.

Mặt trời vừa lên Châu Sa đã kêu nóng, nói muốn tắm. Lão Nhân khép cổng, ra chợ mua cho Châu Sa cả mấy xấp vải may quần áo, thứ vải thượng hạng, mịn óng như mây, về đến nhà nắng đã xối đỉnh đầu. Châu Sa nằm trên chõng, thiu thiu ngủ, chân trắng cong cong rũ xuống không lấm một hạt bụi. Lão Nhân bắt lấy gan bàn chân hồng ửng, mê dại phủ lên cả trăm cái hôn xoắn xuýt. Lão vẫn nhớ như in năm mười ba tuổi, lão đã theo thầy học làm gốm. Lần đầu run run chạm vào tảng đất sét trắng ngà, mịn mát, lão đã rụt phắt tay lại vì thành kính lẫn mê say.

Bàn tay lão cũng run lên thành kính lúc cởi áo, vấn tóc, múc từng gáo nước rưới lên mình Châu Sa. Nước ngát thơm, chảy trên da thịt lạnh như men sứ. Bàn tay lão khẽ nắm, dìu đỡ Châu Sa đứng lõa thể trên nền giếng trơn ướt. Những vệt nắng trưa loang loang như khói, lồng lên tấm thân ngà ngọc còn ủ hơi nóng như bông lúa ngậm sữa. Nước thánh thót rơi trên xương quai xanh mảnh dẻ, vương theo đường nét đôi vai xuôi mềm, cuồn cuộn lóng lánh trên mảnh ngực trắng. Châu Sa khép tay đặt hờ giữa bụng, đầu ngón tay chụm lại như mầm xanh non nớt. Lão dùng đôi bàn tay tài hoa đổ những trận mưa trên mình Châu Sa, đầu ngón nảy lên tê lịm, ve vuốt dọc tấm lưng thon, say sưa như thể đang nhào nặn một dáng gốm tuyệt diệu mê hồn. Mắt lão khi ấy thật hiền từ, si mê từ ái nhìn xuống Châu Sa. Châu Sa ngước lên nhìn lão bằng cặp mắt nâu sẫm mở to, ngập hơi nước.

Ngày rằm nào Châu Sa cũng  đòi lão Nhân cho đi lễ chùa. Chiều ý Châu Sa, nhưng trong bụng lão Nhân không tin Trời - Phật. Lão cho tài hoa con người cũng là một thứ thần thánh, đủ làm lóa mắt những kẻ bình phàm. Lão đong thời gian trong năm bằng các đám hội. Tháng Giêng đi lễ chùa Tiên, đi chợ Cồn, Châu Sa nhìn cái gì vẻ háo hức, lão vung tiền mua ngay món ấy. Tháng Ba chen chúc đi theo đám rước Thành hoàng. Lão nắm tay Châu Sa nhìn hoàng hôn đỏ nhức vỡ rơi trên mái ngói chính điện. Những ngày thảnh thơi lão Nhân kéo Châu Sa đi nghe hát chầu văn. Châu Sa níu vạt áo lão, đứng trong đám người đến cung nghinh, tò mò ngó giá văn lên đồng. Nghe chưa hết một vấn hầu Châu Sa đã chóng chán, đòi bỏ về, lão dùng dằng bắt Châu Sa ở lại, chờ lão nghe cho thỏa thuê, đến khuya muộn, người thiếu nữ mềm rũ ngủ quên trên đùi mà lão vẫn ngả nghiêng trong điệu hát Cờn. Lão say sưa trong đám khói mơ màng, tự mãn với ý nghĩ biết đâu Châu Sa còn đẹp hơn cả nữ thần trong điệu hát. Đêm lão quạt cho Châu Sa nằm ngủ. Trăng trước rằm vàng như mật chảy tràn vào gian buồng trong, lão Nhân âu yếm ngắm tấm thân con gái chớm thì trong giấc ngủ ngoan dịu, cổ hằn vệt mờ mờ đo đỏ của dây buộc dải yếm, vạt áo mỏng thốc lên theo gió, thoáng lộ đường viền mềm mại của phần eo trắng ngà. Hai cánh tay mịn màng áp vào má, hơi thở nhẹ và ấm… Lão ngắm Châu Sa đêm ngày không biết thỏa. Những giấc ngủ của lão đong đầy thỏa mãn. Từ ngày có Châu Sa, lão không còn mơ giấc chiêm bao nào khác.

*

Trời vừa hừng đông, lão  Nhân đã khép cổng đi chợ. Lão hớn hở bảo Châu Sa thế nào nội trong chiều nay lão Đại cũng về. Lão xoay xỏa, tất bật y như lúc làm cỗ cúng giao thừa. Lần đầu lão để Châu Sa một mình đi Tứ Đền dâng lễ. Ngôi đền đã từng có một người con gái bị chôn làm thần giữ của nên rất thiêng. Hôm nghe ông Từ kể lại, Châu Sa rùng sống lưng, nghĩ đến người con gái tầm tuổi mình bị trói ngồi dưới căn hầm tối om, ẩm lạnh, với một mảnh nhân sâm ngậm trong lưỡi, chờ đợi cái chết đến từ từ, chết trong cùng cực sợ hãi. Trước người ấy, có bao nhiêu tấm thân con gái đã thành vật tế cho những tham vọng vô độ? Mắt Châu Sa rớm nước lúc kể chuyện ấy với lão Nhân. Lão Nhân đặt ngón tay lên vành môi đang hé mở, không muốn Châu Sa phải sớm nghĩ đến cảnh bạo tàn.

Bữa rượu trưa yên lặng khác thường. Châu Sa bới cơm, phấp phỏng chờ đợi một trận mưa sắp nổ. Cùng học chung một thầy, từng cùng nhào gốm dưới một lò, vậy mà lần nào hai lão cùng ngồi với nhau, uống chưa quá be rượu thứ hai đã đỏ mặt sừng sộ. Lão Đại là một tay buôn và sưu tầm gốm có hạng, đi cùng Nam chí Bắc, cái việc lão Nhân gọi là đi làm gian thương. Lão Nhân tự hào vì giữ được nghề gốm, giữ được tiếng tăm của lò, lão tự hào cả với cái tên thầy đặt cho. Chữ Nhân. Lão Đại chỉ nhếch môi,  bảo:  “Viết  chữ  ấy  khó  quái  gì, làm  người  mới  khó!”.  Đi  nhiều,  lão cố tình kể cho lão Nhân nghe những điều mình thấy được ở mọi làng nghề tứ xứ. Lão nói ở vùng Sơn Tây có một nhà làm gốm cực giỏi, rất giàu có, mỗi lần ra ngoài đều ngồi võng bốn người khiêng, và còn được dân vùng ấy nhường đường trong những đám hội… Những câu chuyện như thế đốt lửa trong lòng lão Nhân. Lão không chịu nổi khi biết có ai đó trong nghề mới phất lên, giàu có hơn, tài hoa hơn lão. Be rượu trong tay lão sóng sánh đổ loang, thứ rượu mơ trong miệng lão trở vị chua gắt rúng đầu lưỡi. Lần nào trở về lão Đại cũng nhắc nhở rằng tài hoa của lão chưa là gì dưới trời đất này. Mỗi lần xong một bữa rượu, lão Đại đi biền biệt cả năm trời, những ngày sau đó lão Nhân lại chìm trong cơn ngổn ngang vật vã. Châu Sa phải quạt cho lão hàng đêm, lựa lời dỗ mãi, cơn cáu giận của lão mới dịu nguôi.

Lão Đại hay nhắc đến một thứ men gốm Chu Nhan đã thất  truyền  cả trăm năm. Lão nói loại gốm ấy nổi tiếng khó làm, không có một công thức nhất định nào, mỗi lần đốt lò chỉ trông chờ vào may rủi. Cả đất Thăng Long chỉ còn sót lại được vài món gốm ấy, ở trong tay những người sưu tầm cực công phu, mà mỗi món còn nguyên vẹn là cả một gia tài lớn. Lão Nhân vỗ tay cười ha hả, lắc đầu. Lão không tin còn một loại men nào dưới vòm trời này mà lão chưa từng làm, chưa từng biết. Lão không tin nổi trên đời còn có một thứ gốm ghê gớm đến mức không thể tái tạo lại suốt trăm năm. Lão vung tay nói rất gay gắt, lão Đại chỉ cười nhếch môi, không đáp lại.

Cuối cùng, lão Đại đã trở về sau một chuyến đi dài. Bữa rượu hôm ấy lão đặc biệt đắc ý, bởi sau gần nửa đời lăn lộn, lão đã tìm được một chiếc đĩa cổ mang màu gốm Chu Nhan.

Mục đích chuyến trở về này của lão chỉ có vậy. Lão đặt nó trước mặt lão Nhân.

Lão Nhân vẫn nhai trầu, mồm nhễu nhão đỏ. Cái nhìn đầu tiên chạm vào màu men gốm, lão đã lảo đảo,   bị choáng ngợp đến nỗi ý niệm về  thời gian bỗng dưng biến mất và lão đờ đẫn không còn biết mình đang ở đâu, ở Phụng Hóa, ở một xó núi rừng nào đó hay ở chính Thăng Long bởi lão tưởng như vừa nghe thấy tiếng chuông gõ leng keng và  giọng  rao lơ lớ của một lão người Tàu. Ba gian nhà sừng sững cũng trở nên kì quái lạ lùng như thể nó là của một người lạ nào khác. Rùng mình, lão thấy trong người ớn lạnh.

Đó không phải loại men nào lão từng biết, trơn nhẵn, mát như lụa. Hoàn hảo không tì vết. Láng mịn chết người. Đỏ tươi rói, vô tội. Hoặc đỏ ánh, đỏ bóng, đỏ biếc… Không hẳn. Lão không tìm ra từ nào để gợi về màu đỏ ngay trước mắt. Nó gợn thoáng lạnh sắc lẩn quất bên trong, chênh vênh giữa vẻ say mê và ghê rợn.

Lão chưa từng nhìn  thấy  thứ  gì đẹp như thế. Cái gì đẹp quá cũng khiến người ta đau. Run rẩy, lão cầm chiếc đĩa bằng cả hai tay. Đôi tay trắng muốt giơ lên giữa luồng sáng nhợt nhạt quái đản. Lão nhìn đến no nê, lão tham lam vồ lấy, ham mê níu chặt lấy nó, hút vào trong lòng. Một cơn đau ngấm ngầm quen thuộc thắt ở ngực, chạy ran ran xuống lòng bàn tay. Mười ngón tay vụt sống dậy sau giấc ngủ dài. Tưởng như từng mạch máu, từng đường gân đang trỗi bung muốn toang da phá thịt, giần giật run rẩy dưới lớp da như loài thú hoang trong cơn khát mồi. Chúng đã ngửi thấy máu.

Cơn choáng váng của lão Nhân kéo dài đến lúc bữa rượu tàn. Lão ngồi một mình trên chiếu suốt một đêm. Thành trì lão xây đắp bao năm kiêu hãnh phút chốc vỡ tan hoang. Nỗi buồn nén lặng thấu ruột gan, cồn lên như sóng tỏa lan tận vào hàng cột gỗ lim nơi Châu Sa đang đứng. Gần sáng, lão Nhân vụt đứng dậy. Lão lảo đảo bước ra góc sân, hai chân ríu lại, đầu ngẩng cao, mắt quắc lên vẻ quyết liệt của kẻ biết rõ điều mình đang toan tính. Lão rút thanh củi, vung tay đập hết mẻ gốm vừa nung, mà vừa ngày hôm qua lão còn cẩn thận xếp từng món từng hàng trên sân gạch đều tăm tắp. Thứ gốm vuốt tay, niềm tự hào ngấm ngầm mà lão từng chăm chú chuốt khắc từng dáng hình, tỉ mỉ cảm nhận từng độ mỏng dày trong xương gốm. Mắt lão vằn lên nghiệt ngã, lão tàn nhẫn phá tan tất thảy, tay vung lên vùn vụt như bị quỷ ám. Gốm dưới tay lão nát vụn, bắn tóe lên trời cả trăm nghìn mảnh vỡ. Lúc Châu Sa ra nhìn thì cuộc hành quyết đã xong. Lão đứng dưới luồng sáng ban mai nhợt nhạt, như đao phủ đang nhìn xuống đám tàn dư hỗn loạn của pháp trường, và thanh củi trong tay trở thành lưỡi đao vẫn còn nhỏ máu.

Không nhìn đến Châu Sa, lão Nhân trượt dài xuống chõng, ngủ một giấc đến tận nửa đêm.

*

Mùa hè đỏ nắng mãi không qua. Thời gian kéo lê thê dưới nắng, bị hun nóng, hầm hập chảy quanh lò gốm lão Nhân. Ngày rồi ngày nối nhau dài vô tận, những khoảng liên miên trắng xóa, không gợn một vệt đen bóng tối. Lão Nhân không ngủ nữa. Ngày và đêm trộn xáo, lẫn lộn, lão không còn phân biệt nổi mặt trăng hay mặt trời chong chong trên đầu. Thứ gốm men đỏ vượt ra khỏi mọi loại men mà lão từng biết. Chưa từng sở hữu. Lão phải làm gì đó, phải đoạt lấy nó bằng cả hai tay.

Lão ở miết lò gốm. Lão mê mải thử những loại đất sét mới, lão quên cả ăn, ngủ, mệt, buồn. Đến khi cổ họng khô cháy không thể chịu được, lão vội vàng hục mặt vào chum nước dưới gốc chuối đầy lá mục, nuốt ực từng ngụm vội vã, làm như mỗi ngụm nước cướp đi cả khắc thời gian của lão. Người trong làng đến nhà tìm, đặt làm gốm, lão thét vào mặt người ta bằng cái giọng chua ngoa như của mấy mụ bán vải trong chợ Cồn: “Xéo ngay!” Lão lì lợm tồn tại bằng niềm đam mê kinh hoàng không cưỡng nổi. Lão tiêu tiểu ngay cạnh chõng. Ruồi bọ bay lên như một đám mây đen, mù mịt. Đất dưới chân, quanh sân, giữa lối đi biến thành bãi bùn, lầy lội, bẩn thỉu. Lão quên cả Châu Sa. Quên cả chợ phiên, hội hè, giá chầu văn, những đồng bạc dưới giường… Lão mặc kệ tất thảy. Tay lão dính đất và người ướt đầm vì cả ngày ngâm đất, khuấy, lắng, lọc… cho đến khi đất tinh, mịn trắng. Không kịp nghỉ, lão lại xoay lưng ra phơi, ủ đất, cái gáy nhễ nhại đỏ lừng và mồ hôi bốc lên chua lòm như khế rụng. Những ngày đốt lò, ngoài lúc tiếp củi, lão ngồi canh trước cửa lò nung, nhìn đăm đăm vào mắt lò, lưng còng trĩu xuống như con cóc rình mồi. Ngực lão thắt lại với nỗi sợ rằng một phút chợp mắt sẽ làm mẻ gốm tiêu biến đi; màu lửa hơi quá một độ, men sẽ hỏng không cứu chữa được. Lửa hắt bùng bùng trên má lão đã hóp lại, đầm đìa mồ hôi, và cái cằm chẻ như xẻ đôi khuôn mặt lão nửa âm nửa dương, nửa sáng nửa tối. Không, không phải thế này… Lão kêu thét lên sau mỗi mẻ gốm hỏng, mặt lão co rúm lại, cái cằm chẻ càng hằn thêm sâu như một vết chém trên đá. Mỗi mẻ nung hỏng là một cuộc hành hình diễn ra, lão lại sắm vai đao phủ bạo tàn, và mỗi ngày chỉ thêm tàn bạo hơn. Gắt gỏng dằn dữ hơn sau mỗi ngày đợi chờ đằng đẵng. Những đồng tiền trong tay lao đi vùn vụt như ma ám. Lão vung tiền không biết xót.

Thời gian đầu lão Nhân kinh ngạc tột độ. Lão bắt đầu hoài nghi mọi kinh nghiệm trong nghề và hoài nghi chính lão. Thứ gốm đỏ dưới men vượt xa những quy tắc cơ bản của nghề mà lão từng nhớ đến nằm lòng, mọi mẹo mánh lão từng biết bỗng trôi tuột, tay lão run rẩy vì với nỗi lo sợ rằng chỉ vò đất thôi cũng làm không xong. Ngày qua ngày. Lão quằn quại. Một đỉnh cao bí mật khuất trong bóng đêm lão chưa biết, và lão sẵn lòng hiến thân, hoặc đánh đổi bất cứ thứ gì để tiến vào bóng tối của nơi ấy.

Mới qua vài mẻ nung, lão Nhân đã gầy rộc hẳn đi. Lão vẫn ở miết ngoài sân, phơi mình dưới nắng, lưng phỏng nắng rộp lên như da một con vật trong kì lột. Lão chỉ chịu tạm nghỉ khi mắt đã mờ đi vì hơi lửa và ngón tay sưng đỏ không còn co duỗi được nữa.

*

Bức tường đá xanh bao quanh nhà phủ dày dây leo tốt ngụt. Nắng vẫn dữ dội đến độ chỉ một ngày không tưới nước cây đã ủ ê rũ lá. Buổi sáng Châu Sa ngồi chải tóc, mắt buồn thăm thẳm. Gần như liều mạng, lão Nhân đã vét đến những đồng tiền cuối cùng trong rương. Những ngày sau lửa trong lò đỏ gắt cháy sừng sộ hơn bao giờ hết, lão Nhân bắt đầu lồng lên cơn cuồng dại. Lão lăn lộn trong vũng bùn khắm khú nước tiểu, đưa tay xé từng mảnh quần áo. Gần như trần truồng, lão quỳ trước lò nung, tay chắp trước ngực, môi lạnh ngắt, mấp máy nài nỉ… Lão cầu xin ông Trời. Lão đốt từng nắm hương cắm khắp lò. Khói hương nghi ngút đốt lên ước mơ man dại đời lão. Người làng nói lão quẫn trí rồi, không còn ai muốn đến gặp kẻ điên. Tiếng tăm gầy dựng suốt một đời dần dần tiêu tán, lão mất sạch, mất hết, thế mà vẫn ương ngạnh giương vây với cuộc đời. Ngày trước vốn đã khỏng khảnh, giờ lão Nhân còn khó ở hơn gấp trăm lần. Lúc trước còn giàn giụa nước mắt, chốc sau lão đã ngửa cổ phá lên tràng cười khằng khặc. Mặt lão bỗng vác lên vẻ tự mãn lạ lùng. Để rồi xem, lão lẩm bẩm, chờ tao làm được gốm Chu Nhan, rồi tao sẽ đái vào mặt đứa nào từng cười to nhất.

Cả mùa nắng thằng Khanh quanh quẩn bên nhà, lão Nhân cũng chẳng cần biết, chẳng cần hay. Châu Sa ra sông múc nước, nó xông lại nắm lấy cổ tay, phả vào Châu Sa giọng cười nhơn nhơn cợt nhả. Châu Sa vùng giẫy ra, chạy về nhà. Cả ngày Châu Sa theo lão Nhân ra lò gốm, bón cho lão từng thìa cơm, dấp vải ướt lau người cho lão. Lão gầy móp, chỉ còn cặp mắt vẫn sáng rực. Rồi ánh lửa trong đáy mắt lão tắt dần, tắt dần. Sáng sớm Châu Sa bưng chậu đến hầu lão rửa mặt, lão bất ngờ ngoảnh lại nhìn Châu Sa bằng cặp mắt trong veo. Và cười, tiếng cười lạnh khô như ngói vỡ. Lão nhìn trời, ngó đất, hỏi trống không “Khi  nào  tiết  xuân  mới  đến?”  Châu Sa không biết, đành mím môi vuốt  ve những dẻ xương sườn nhô trên mình lão, bất lực, xót xa. Lão cúi đầu với một vẻ cam chịu thầm lặng. Lại một mẻ gốm hỏng. Lão Nhân ốm liệt giường từ đấy.

Bắt đầu, một bọng nước vỡ bung trên mình lão. Chúng vỡ thành hàng trăm những vết lở loét lan mãi ra. Mỗi lần Châu Sa giúp lão thay áo, lại kéo theo cả một mảnh vải sền sệt lẫn máu và mủ. Lão đi kiết. Cả người rét run, lão nôn mửa ngay trên giường, đũng quần lầy nhầy một thứ phân sẫm như máu cá. Mùi hôi thối kinh tởm đặc quánh lại nồng nặc khắp gian nhà, tràn ra cả đường đi. Người qua lại nhà lão Nhân ai cũng rùng mình, đưa tay bịt mũi.

Trong mê man, lão nhìn thấy một màu đỏ ám đời lão. Lão đã nhận thua, thua đau đớn, vậy mà nó vẫn ray rứt cắn chặt lão không buông nhả. Lão ngã rạp giữa rừng. Rừng cây đỏ nhức màu gốm Chu Nhan. Lão thử nhắm mắt rồi lại mở mắt, nhưng khu rừng với những vầng mây đỏ ối vẫn in trong óc lão riết nóng. Lão cuống cuồng xô gạt tất thảy, chỉ muốn vội vàng chạy trốn. Những mảnh gốm vô tội vỡ tan như ước mơ đời lão, xếp thành từng đống cao ngất quanh lò, rền rĩ cất tiếng khóc than. Lão cúi đầu đứng giữa khu rừng trùng trùng sương đỏ, tàn tạ rã rời, nghe đám gốm quanh mình ri rỉ khóc, nghe thấy cả tiếng kêu thét của Châu Sa.

Châu Sa nằm trên đất, vạt áo mở bung, thằng Khanh cưỡi trên mình Châu Sa như cưỡi ngựa, bàn tay nó cuồn cuộn nổi gân xanh, ngón tay tước đoạt riết róng, những vết cào xước từ trên cổ chạy dọc xuống cả phần ức non. Nó muốn cưỡng đoạt Châu Sa theo bản năng của loài thú. Châu Sa khóc nấc, yếu ớt gọi lão Nhân.

Thân thể lão hôi thối, tả tơi  đứng sừng sững trước cửa như bóng quỷ. Thằng Khanh giật nảy người. “Đêm…  đêm  qua  lão  Đại  bảo  ông chết rồi cơ mà!”

Máu nóng trong lão bốc lên ngút đầu, thằng Khanh vẫn loay hoay với cái quần tụt đến gối, lão đã vung dao, thu hết sức lực cuối cùng bổ đến, lia một bên vành tai thằng Khanh. Nó ngã ngửa, rú lên, lão định bổ nhát thứ hai vào giữa háng, nhưng nó đã kịp chuồi ra sân như một con rắn nước. Châu Sa níu cánh tay lão, lảo đảo chúi ngã, lão vẫn đứng giữa nhà, chửi rất hăng.

Trở vào nhà, khép cửa, lão kì cọ Châu Sa cho đến khi toàn thân đỏ ửng. Lão lẩm bẩm: “Phải thật sạch…”. Những ngón tay Châu Sa bấu sướt đùi lão, nước mắt tí tách rơi mãi không ngừng.

Sau lần ấy lão Nhân hồi phục nhanh không ngờ. Chiều, lão tập tễnh ra vườn vơ một nắm lá thuốc, nhai ngấu nghiến. Thời gian sau đó sức lực nhanh chóng trở lại trên mình lão Nhân, da thịt lại đỏ au, hai má đầy lên, bắp tay không còn chùng nhão. Lão như một thứ cỏ dại, mọc lì lợm giữa đồng hoang. Nắng, mưa, giông bão, bạo bệnh không làm lão mảy may suy suyển. Những vết lở loét trên người mau chóng khép thịt, liền da. Hình như ác mộng đã làm lão tỉnh táo lại. Cơn cuồng điên đã cạn, lão lại quấn riết lấy Châu Sa. Lão ôm Châu Sa trong buồng nóng nhễ nhại, luồn tay vào mái tóc tơ vẫn còn dậy mùi nắng. Lão biết chỉ còn Châu Sa chịu ở lại làm mùa xuân của lão. Châu Sa vòng tay, vỗ về bả vai lão run lên mỗi đêm, đôi mắt đẹp không hờn không giận.

Mới mờ sáng lão Nhân đã đánh thức Châu Sa, rủ đi chùa Hương vãn cảnh. Lão mặc thật đẹp, áo lập lĩnh màu xanh lam, mặc Châu Sa che miệng cười lạ lẫm. Lão bắt Châu Sa ngồi yên, tự tay lão giúp Châu Sa chải đầu, vấn tóc, cài từng cúc áo, săn sóc cuống quýt như bù lại thời gian bị ruồng rẫy. Xong xuôi lão đẩy Châu Sa ra đứng giữa nhà bắt xoay mình cho lão ngắm, những kiêu mãn ngày xưa lại trở về ngập đầy trong lão.

Thuyền chậm trôi trên suối Yến, lão Nhân buông mái chèo, cố ý ghé lại sát bên bờ để Châu Sa hái đầy cả một thuyền hoa. Hoa súng nở giăng giăng mặt suối, cánh hoa màu tim tím  rất dịu, nhìn mung lung như một dải khói mờ. Những rặng cây xanh dợn yên ả trôi về phía sau, khói loang loang mặt nước trong ngắt. Thuyền ngược lên đền Trình, lão Nhân neo thuyền ở bến Đục, cùng Châu Sa bước lên những bậc thềm đá. Châu Sa cúi đầu khấn rất lâu. Lão Nhân hỏi Châu Sa cầu xin điều gì. Châu Sa bảo: “Cầu cho người được toại ý”.

Suốt chuyến trở về Châu Sa lặng lẽ khác thường. Đến quãng vắng, Châu Sa cởi áo nằm ngả trên thuyền, nằm như tư thế bao nhiêu năm trước lão Nhân lần đầu bắt gặp. Nằm như một bé gái bị bỏ rơi, co người nằm rất ngoan trên một chiếc mủng trôi dạt lên bờ bãi sông hoang vu, cạnh lò gốm. Lão nghĩ suốt mấy đêm mới tìm được cái tên đẹp nhất, đặt cho Châu Sa. Châu Sa từng nói có theo lão suốt đời cũng không đủ trả ơn. Bằng vẻ dịu dàng, Châu Sa hơi rướn người lên, đôi má mượt mà như lụa ngả vào những ngón tay lão xanh mềm. Môi đỏ tươi hơi hé, mắt sũng đen trong khói sương. Một vẻ đẹp quá đỗi mỏng manh như không có thực. Lão Nhân nhìn đến ngẩn ngơ. Lão biết thời gian tàn nhẫn, và buồn rầu nghĩ cách gì níu giữ cho vẻ đẹp ấy đừng tàn lụi hay   bị cướp đoạt đi. Lão đã già và tàn tạ. Lão thấy lòng mình chùng đi vì rung động, khi bàn tay nóng rực cảm thấy nhịp đập non nớt bên sườn má ấy.

Những ngày sau lão Nhân ở miết trong nhà. Lão không bước chân ra lò gốm nữa. Lão ngồi trước nhà, xoa nắn ve vuốt, kiên nhẫn ngồi phơi đôi bàn tay. Lão phơi tay dưới nắng, hong dưới trăng, mắt dịu đi. Lão nói muốn thử một cách làm đã nghĩ tới từ lâu. Châu Sa giúp lão đi kiếm những loại lá thơm nhất, ngày ngày đun nước ngâm tay. Nhìn ráng trời, lão biết, đã sắp hết mùa nắng.

*

Tháng Bảy xá tội vong nhân. Lão Nhân cũng bày đồ cúng. Năm nào Châu Sa cũng nhận thổi xôi hoa cau. Năm nay lão chỉ bày một đĩa xôi đỗ. Ngọn đèn dầu lạc trên bàn thờ cháy lòe lòe, khói nhang vấn vít làm mắt lão cay đến xót. Ba gian nhà lặng lờ thiu vắng, rộng thênh, nghe rõ từng tiếng thở dài nén lặng chìm xuống tận đáy khoảng trống âm u. Đêm qua lão đã có một giấc chiêm bao đẹp. Lão thức dậy mà môi vẫn mỉm cười, lão có thể giữ nụ cười ấy trên hai vành môi tái nhợt đến tận ngày chết.

Rời ban thờ, lão Nhân chầm chậm đi dọc tường đá. Lão đi thật cẩn thận, bước thật chậm như đang thực hiện một thứ lễ nghi. Dây leo trên tường đã héo úa, nắng vàng nhức đổ lên đôi vai đang rung lên vì nôn nao. Vẫn giữ trên môi nụ cười lúc hừng đông, lão đưa tay mở cửa lò gốm.

Mẻ gốm cuối cùng. Thứ  men  đỏ cả trăm năm chỉ còn trong truyền thuyết, giờ hiển hiện đầy rực rỡ trước mắt lão Nhân. Chu Nhan tươi rói rờ rỡ, không gì sánh được, còn đẹp hơn cả đôi má hồng thiếu nữ. Lão Nhân thâu trọn trong mắt giấc mơ cuồng điên đời lão. Say mê, lão nhắm mắt, hôn không ngớt lên lớp men mát mịn, hôn lên đôi má đỏ như máu ngoài bãi sông, hôn say sưa màu men óng ả ướp bằng đôi môi đỏ tươi vô tội, hôn lên dòng máu từng chảy ấm thân thể con gái chớm thì, làn da mát rượi những trưa oi nóng… Nắng ở Phụng Hóa rưới lửa điên cuồng lên mình lão, làm bụng lão ứ đầy, ngập ngụa trong trận lửa bỏng cháy chẳng bao giờ tắt. Lão đứng trước lò như bao đêm đứng trước giường Châu Sa, nửa người ngập trong bóng tối, đăm đăm nhìn cánh tay thiếu nữ lộ ra dưới chăn, cổ tay rũ xuống gợi vẻ yếu mềm… Lão ôm hết Chu Nhan vào lòng, lão tự hỏi có phải cái gì đẹp quá cũng làm người ta đau?

Lão Nhân loạng choạng đi ra sân. Những tàn tro đỏ hực thiêu đốt, vãi vung khắp trời rơi cả xuống mình lão. Lão tắm trong cơn mưa tro bụi đỏ cháy, lão lảo đảo quỵ ngã, bơ vơ hoảng hốt như thể vừa hẫng mình xuống vực sâu. Lão Nhân cuống quýt muốn san sẻ sự sung sướng ngay khắc này, nhưng khu vườn quanh lão im lìm như đã chết. Sắc đỏ cháy trên men gốm đốt thủng tim gan, lão hiểu mùa xuân của lão chẳng bao giờ về nữa. Lão ứa nước mắt khuỵu xuống rên  rỉ, thân mình buông rơi đổ gục trên những ô gạch vỡ.

Lảo đảo, lão Nhân bước qua ngạch cửa, vạt áo phồng lên bắt nắng trưa. Lão nhấc đĩa đèn trên ban thờ, đổ dầu tẩm lên hai bàn tay. Đôi tay đang cuồng điên trỗi dậy, lửa chưa lan mà lòng bàn tay đã đỏ rừng rực lên như vừa cháy, những ngón tay cuồng nộ từng nhúng máu, chúng run giật nhảy nhót giữa không trung, lồng lộn muốn bứt mình khỏi thân xác lão. Lão Nhân nghiêng bấc đèn, lửa sa sầm đỏ rực, cháy lên bùng bùng trên mười ngón ngắn dài thon mảnh, mỗi ngón tay thắp lên một cơn đau vừa bung vỡ. Mắt lão trợn trừng tái hiện lại cuộc hỏa hình quỷ quái của nắng và lửa. Lửa mang màu đỏ của máu, chúng không còn nhảy múa hiền lành, chúng vừa chuyển mình thành kẻ ác độc muốn hủy hoại cho sạch muốn đốt thành tro tài hoa man dại đời lão. Chúng nhìn lão cười ha ha ha... Nỗi đau thân xác vô nghĩa, lão nghe trong mình nỗi bơ vơ mãn kiếp vừa bung, mười ngón tay nảy lên rên xiết trong cơn quằn quại hấp hối cuối cùng.

Những mùa hè sau đó, nắng vẫn rưng rức đổ lên bãi sông hoang vu, xối lên đất Phụng Hóa. Lão Nhân vào miền trong, mang theo mẻ gốm cuối cùng, bỏ lại cơ ngơi hoang phế. Bức tường đá xanh vẫn cao vợi, nhưng cánh cổng trước nhà đã đổ rũ vì mối mọt. Những người tò mò bước chân vào nhìn ngó, chỉ thấy lò gốm bỏ hoang trơ trọi giữa trời. Những vệt máu thiếu nữ vẫn còn vung vãi quanh lò như màu gốm Chu Nhan đỏ lịm, nở rộ trên mặt đất hóa đá.

C.S
(TCSH415/09-2023)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Vàng...! (26/09/2023)
Người cũ (06/09/2023)
Giếng trăng (31/08/2023)