Truyện ngắn
Chứng nghiệm
15:09 | 23/11/2023

NGUYỄN BẢN

Truyện ngắn dự thi 1993

Chứng nghiệm
Minh họa: Phạm Đại

Trước khi đi Huế tham gia biên khảo một cuốn sách, ông Cao có k cho tôi nghe câu chuyện v một học trò cũ mới gặp lại năm ngoái và bảo tôi thấy được gì thì viết, nhưng lại dặn cố tránh việc thay đổi, thêm bớt.

Đã có lời dặn, tôi cứ nguyên văn chép lại. Sau đây là lời ông Cao.

 

Thông, vâng, anh tên là Thông, học liền tôi suốt mấy năm cấp ba, là lớp trưởng và phó bí thư Đoàn trường mấy năm liền, Thông lớn tuổi hơn các bạn do lỡ làng vì hồi cải cách gia đình bị qui oan ít lâu. Anh học giỏi, thuộc nhiều thơ Đường, nên khá gắn bó với tôi, thường lui tới phòng tôi trò chuyện, mượn thêm tài liệu sách vở đọc thêm, nhất là dịp chuẩn bị cho việc thi học sinh giỏi văn cuối cấp. Các thầy, nhất là tôi, đều đặt nhiều hi vọng vào anh, nhưng kết quả lại quá đỗi bất ngờ, Thông bị đánh liệt bài thi tuyển chọn đội tuyển toàn quốc.

Cả hai thầy trò tôi đều choáng váng. Nhưng khi hỏi lại Thông, tôi hiểu ngay ra nguyên nhân chính do anh đã muốn tỏ ra uyên bác, có phần nào lạm dụng khi dẫn thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, lấy ở tài liệu tham khảo của Bộ giáo dục do tôi cho anh mượn, thứ thơ mà lúc đó người ta vốn đánh giá như những biểu tượng suy đồi.

Tuy vậy, cả hai chúng tôi vẫn cứ lên gặp ông Thân, hiệu trưởng. Quả nhiên, tôi đoán không sai, vừa thấy chúng tôi, chẳng mời vào, ông Thân đã hầm hầm nổi giận:

- Nào, ông và cậu vào đây,... cán bộ đoàn trường lại bị đánh liệt về lập trường tư tưởng... thật là loạn... tương ra toàn văn thơ lãng mạn đồi trụy... chỉ còn thiếu nước phá trường.

Cả Thông và tôi đều tái mặt, Thông lúng túng:

- Nhưng thưa thầy, em dẫn để...

Ông Thân líu lưỡi ngắt lời:

- Dẫn, dẫn cái gì? Cậu học ở đâu? Có trong chương trình không? Có ở sách giáo khoa không? Thầy nào dạy? - Ông ném cái nhìn giận dỗi về phía tôi vốn là đồng nghiệp dạy cấp hai với ông hồi chống Pháp, mà ông vẫn còn e nể đôi chút về học vấn - Nội dung chương trình là pháp lệnh, cậu hiểu chưa? Cái gì cần học Bộ đã tuyển chọn đủ trong sách giáo khoa, cậu hiểu chứ? - Rồi hạ giọng - lại còn tương cho tận mười hai trang mới chết chứ? Ai, ai bắt cậu làm mười hai trang. Sao cậu không làm bốn năm trang như bài những người khác?

Tôi cố giữ bình tĩnh:

- Tôi thấy trường mình đề nghị nên đưa ra công khai tranh cãi, chứ không thể...

Ông Thân ngắt lời tôi:

- Đấy, ông cần tranh cãi lên thẳng Ty mà cãi với ông Ngạo, ông ấy cũng đang muốn gặp ông đấy.

Rồi ông đuổi Thông:

- Thôi cậu về đi... Tiếng tăm lan khắp tỉnh...

Ông Thân hồi đi học trung học vốn có tên Thân "lừa" để phân biệt với Thân "bò" cùng lớp vốn hay gây gổ, ngờ đâu từ ngày thăng hiệu trưởng lại dữ dằn như thế.

Ông đi phao tin khắp nơi, tất nhiên là vắng mặt tôi, rằng tôi làm hỏng học trò, làm biến chất cán bộ Đoàn. Ông ghét tôi vì tôi thường chống việc ông lạm dụng quỹ trường để thết khách Bộ, khách Ty, nhưng cái chính là ông thù tôi vì tôi đã không ủng hộ ông trong việc đẩy khỏi trường một thương binh chống Pháp làm văn thư kiêm đánh trống, để vợ ông vốn làm cấp dưỡng ở một trường khác được về thay thế.

Lớp chính trị hè chống Mỹ giáo viên cấp ba năm ấy, Trưởng ty Ngạo đến nói chuyện, nửa chừng cao hứng: "Tất... tất nhiên tiền, gái, địa vị mấy thứ ấy chưa ai chịu nhường ai...". Một số cười, vỗ tay ran, có ai đó, không hiểu vui miệng hay giễu cợt, để thêm: "Cả lẩu nữa chứ?" Ngạo toét miệng làm ra vẻ quần chúng, cười: "Cả lẩu nữa!", rồi kịp thời nghiêm mặt, át tiếng vỗ tay bằng một giọng cổ con trai to đầy xúc động: "Nhưng nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh, làm cho thế giới phải cúi đầu khâm phục, nhiệm vụ nhà trường là phải đào tạo những chiến sỹ, những công dân, những cán bộ tư tưởng tốt, lập trường vững chắc, bất cứ hòn đá cản đường nào cũng bị hất phăng, nghiến nát...". Lúc giải lao, mấy anh em thân quen hậm hực đến gặp tôi đang đứng riêng một chỗ vắng: "Thế là thế nào? Hắn nói thứ lập trường gì vậy?" Tôi trả lời, lập trường gì các ông rõ cả, còn đá cản đường, có lẽ muốn ám chỉ tôi".

Hết hè, vào năm học mới tôi bị đẩy đi trường khác, rồi chuyển đi dạy hàm thụ cho giáo viên các huyện. Anh em quen biết đùa: "Bác Huấn Cao được ông Ngạo thăng đại sứ lưu động". Diễu nhau vậy nhưng chắc muốn tỏ bụng hiểu nhau, tôi chỉ cười đáp lại, và thật ra không còn biểu tượng nào sinh động hơn thế nữa.

Thầy trò mỗi người một nơi, Thông có đến tìm tôi một lần nhưng không gặp. Ít lâu sau tôi được biết hai lớp mười năm ấy, gần một phần tư được chọn đi học nước ngoài, còn lại hầu hết được vào đại học trong nước, không phải thi cử gì, còn lại năm người, trong đó có Thông tôi áy náy lắm.

Ít năm sau nữa lại hay tin, Thông chẳng những không được đi đại học, đến bộ đội, thanh niên xung phong đều không đất, vì vấn đề lí lịch gia đình gì đó. Về phần mình tôi đỡ áy náy, nhưng mỗi khi nghĩ đến Thông, tôi lại kém thanh thản hơn. Mấy lần cứ định đến thăm, nhưng rồi chính tôi cũng không kém long đong, nên không đến được.

Rồi tôi được chuyển về Hà Đông, cho gần vợ gần con, từ đó bặt tin.

Cuối thu năm ngoái, nhân về Hà Nội dự cuộc họp ban kỷ niệm bốn mươi năm chúng tôi rời trường tham gia kháng chiến, anh em bảo có thể sẽ vắng một người ở tận Hiệp Hòa, chợt nghĩ tới Thông, tôi mượn xe máy đi báo cho bạn, lúc về sẽ đi đường tắt rẽ vào thăm Thông, âu cũng là một cuộc viễn du nho nhỏ để xem thế gian biến đổi. Mấy chục năm trời, lúc về tắt, đường đi, cảnh vật đã khác xưa nhiều, khiến tôi không khỏi bỡ ngỡ, thỉnh thoảng phải dừng lại hỏi thăm, nhưng rồi cũng tới bến phà. May mắn sao, tôi vừa qua phà tới chỗ đầu làng thì gặp Thông. Chúng tôi nhận ra nhau ngay và khẽ reo lên mừng rỡ. Thông cắt tóc cao như ngày xưa, giọng nói vẫn mộc mạc âm sắc quê hương. Chúng tôi đều khen nhau không thay đổi mấy, có thể do tình thầy trò xưa đậm đà, cũng có thể đường đời chúng tôi cùng một vận tốc biến thiên, nên ít nhận ra sự phôi pha.

Lát sau chúng tôi đã tới chiếc cổng mát rượi dưới tán nhãn cổ thụ um tùm như lần tôi đến thăm khi Thông còn đang học tôi. Thông vừa mở khóa cổng vừa bảo tôi cả nhà chiều nay sang bên nhà chị anh.

Trong khi Thông pha chè, tôi lại ngước nhìn bức hoành phi NHẤT DĨ QUÁN CHI lấy từ sách Luận Ngữ: "Trò sâm, đạo của ta là nhất dĩ quán chi", có từ thời cụ nội, dở dang thi cử vì họa xâm lăng, ngồi nhà dạy học. Tôi lại bùi ngùi nhớ lại cha Thông khi giảng cho tôi xuất xứ bức hoành như thể muốn trao vào tay tôi tương lai của đứa con trai. Nhưng bây giờ Thông làm gì, ra sao? Một nông dân rơi rụng hết kiến thức, gạt bỏ mọi ước mơ, mong sao tồn tại? Cái lí lịch gia đình kia là cái gì vậy, vì sao, vì sao đến nỗi thanh niên xung phong cũng không đất? Có cần làm tấy lại vết thương nhức nhối đã được thời gian đóng sẹo hay không? Nhưng tôi đến đây chẳng vì những cái đó sao? Vả lại nhìn bộ mặt rạng rỡ, đôi mắt sáng ngời của Thông, rồi lại nhìn quanh đồ đạc trong nhà, máy thu hình Sam Sung, rađiô cátxét, tôi không thấy còn dấu hiệu gì u uẩn. Mà dẫu quả thật, vẫn còn gì u uẩn, thì đây cũng là dịp để Thông được giãi bày, con người buồn khổ có khi cần phải giãi bày ngay cả với con ngựa còm như trong truyện "Nỗi nhớ" của Sêkhốp, một truyện ngày xưa thầy trò tôi rất tâm đắc với nhau.

Tôi nhắc lại luôn truyện đó để mở đầu câu chuyện.

Thông cười và cũng hóm hỉnh nhắc lại mấy câu:

- phỏng lng ngực vỡ bung, nỗi khổ tràn ra, anh ng nó sẽ ngập lụt cả thiên hạ... Việc đời là như thế đy, con ngựa cái của ta ơi... À thầy còn nhớ chị em không?

Tôi hơi lúng túng:

- Có nhớ... lần tôi đến thăm, cô ấy có sang...

Tôi lúng túng, bởi tôi làm sao có thể quên người phụ nữ trẻ, mang siêu nước cho cha, ngước mắt chào tôi và chỉ khi cô ngước mắt nhìn, tôi mới chợt thấy cô đẹp quá. Tôi vội vã quay đi để khỏi bối rối trước đôi mắt đen, to, hơi tò mò mà vẫn hồn nhiên, có lẽ do mấy giọt mồ hôi lấm tấm ở bờ mi mắt. Rồi khi cô thấp thoáng ngoài sân cùng đứa con trai, tôi lại thấy nôn nao và thấy buồn. Rồi buổi tối ấy, tôi cứ vẽ lại trong đầu mớ tóc búi rối trên chiếc gáy trắng hồng để ấm ức nỗi buồn, sao lại đẹp khuất vắng ở nơi thôn dã, sao lại như đẹp hơn mỗi khi quay lại mỉm cười chờ đứa con trai lẫm chẫm theo sau...

Tôi đang bần thần nhớ lại bỗng Thông hỏi tôi:

- Chắc thầy không thể tưởng nổi chị em lại là nguyên nhân... Mà thôi, cứ để em kể...

***

Cách đây lâu lắm, từ thời Pháp thuộc, làng Thông có người tên Bường, bỏ làng, lang thang kiếm ăn, lấy được người vợ bố Tầu, mẹ Thổ bán mía tấm ở ga Cốc Lếu, rủ nhau về dọn chõng cơm ở đầu tỉnh bán cho các bác phu xe và phu lục lộ. Ông Bường thêm việc giết trâu, giết bò mướn cho ba toa, mang tiết trâu, lòng trâu về chợ bán.

Kháng chiến toàn quốc, thị xã tiêu thổ bằng địa, vợ chồng ông mang theo đứa con trai mười hai tuổi tên là Mạnh Dũng, dọn về quê, ở nhờ một người bà con.

Bà Bường lại dọn chõng quà ở điếm canh đê, bán cho dân tản cư qua đò. Bà Bường mũi mỏ quạ, để răng trắng nhưng lúc nào cũng đỏ lòm nước trầu nói năng còn nhịu, lúc vắng khách thường lấy dao cạo chuôi gỗ cạo lông tơ má và lông mép, những đêm nóng trời thường đánh nguyên quần đùi trắng, áo ba lỗ, tóc xõa, bắc chõng ra sân, hút thuốc lào sòng sọc, thở khói đằng mũi. Trẻ con đồn bà là ma cà rồng, đêm nào có tiếng chim lợn, lại thè lưỡi đỏ, dài mấy gang tay, bay qua cửa sổ, gà gáy mới bay về. Bà thích gây gổ với đàn ông, lúc hăng lên, mắt trợn tròn, xô đánh xầm một cái vào ngực đối phương, rồi túm lấy ngực mình, vừa đám thùm thụp vừa thách thức vừa vu vạ, ai cũng ngại.

Về làng, ông Bường lo gói bánh, luộc bánh... dọn hàng ra, gánh hàng về. Thỉnh thoảng gánh vã thuê cho dân tản cư, được tiền, uống rượu lại mơ màng kể chuyện tiêu thổ, vác búa tạ, xà beng, đi phá vỡ công sở, nhà ga,... hăng hái lắm.

Đứa con trai trước có tên khác, rồi sau khởi nghĩa ít lâu, mấy đứa bạn cùng đội trống ếch bảo: "Tên mày chán lắm, tai mày vểnh thật, nhưng đổi đi thôi, khối người đổi cả". Thằng con tức tốc chạy về "Từ nay tên tôi là Dũng, gọi Vểnh tôi không thưa đâu", ông Bường nhắm rượu với tiết canh bò, gật gù nghĩ bụng, thằng này chí lớn, nhà có khi phát, liền bảo: Sao không đổi hẳn là Mạnh Dũng cho oai? Rồi khoái chí gọi luôn: "Mạnh Dũng, cậu thưởng bát sực tắc", móc túi đưa luôn cho hai đồng.

Mạnh Dũng về làng, mang theo chiếc kèn ácmônica oách lắm, liếm mép một cái, thổi vèo bài: "Anh nghe chăng cung kèn rạng đông", vẩy nước bọt cái nữa, thổi tiếp bài "Khỏe vì nước...", rồi kể những chuyện linh tinh, chuyện gì cũng lạ, thiếu niên trong làng há mồm ra nghe phục lắm, ít lâu sau bầu làm đội trưởng.

Ông bà Bường hữu sinh vô dưỡng đã nhiều, được mỗi Mạnh Dũng quí như hòn vàng. Dũng được ăn uống đầy đủ chẳng phải làm gì, lêu lổng ga chợ, sớm biết chuyện tình ái, vỡ giọng đã mê mẩn chị Thông. Từ đấy ngày đêm nghĩ chuyện bỏ bùa yêu cho chị, có lần hỏi mẹ, bà Bường bào: "Đàn ông mợ có cách ngay, một ít lá lú... hay hỏi cậu xem". Ông Bường cười: "Mợ mày còn lẩn thẩn, cứ cố làm to, khắc khối gái theo".

Dũng cho ông chí lí, từ đấy tích cực công tác, tiến bộ rất nhanh, và không ngừng theo đuổi chị vừa thô bỉ vừa lố lăng mãi tới khi chị lấy chồng, một công nhân địa chất vùng quê. Dũng căm lắm, tuy vậy ngày cưới chị, Dũng vẫn đến uống rượu. Ngồi cùng mâm, mấy người châm chọc, Dũng chẳng nói chẳng rằng, lầm lì nhắc lên đặt xuống, uống nhiều mà vẫn tỉnh lắm, lúc sắp đứng lên mới nói: "Gái đẹp ai chẳng thích, nhưng lấy lại là chuyện khác, các cậu không sao, nhưng tớ có lấy, đảng bộ cũng không duyệt. Các cậu không biết chuyện gì đấy thôi". Lúc đó, Dũng là đảng ủy viên phụ trách thanh niên.

Sau đấy ít lâu, loang ra cái tin, con vợ lính mà mẹ Thông vẫn thường cất vải cho chị đem sang bên kia sông bán ngoài vùng tự do, là vợ lẽ một thằng đội phòng nhì, bản thân nó là một con chỉ điểm.

Mấy năm sau, khi đã là phó chủ tịch, trưởng công an xã, một lần đi họp về Mạnh Dũng tuyên bố: "Trưởng công an xã Thịnh Tráng huyện bạn, xác nhận du kích Thịnh Tráng đã "thịt" nó về tội chỉ điểm". Có thể du kích Thịnh Tráng đã xử một con chỉ điểm thật, nhưng nó có phải con vợ lính chợ huyện này không, lại thêm mẹ chị đã mất, lấy ai mà cãi, mà dù có phải, mẹ con chị có tội tình gì? Rồi hồ sơ tuyển đại học của Thông được ghi: "Gia đình địa chủ xuống thành phn, mẹ và chị có quan hệ với bọn Phòng nhì ch đim". Nhưng hồ sơ mật, ai được đọc, chẳng qua thầy hiệu phó nghe được ở Ban tuyển sinh nói lại thì biết vậy thôi.

Đại học không được, không được đi đâu, anh rể Thông bàn, hay đi công nhân địa chất, anh sẽ xin thẳng không cần qua xã. Làm thế nào Dũng cũng biết được, hắn nói bắn tin, đi đâu cũng thông báo gọi về, đi đâu chẳng phải hộ khẩu.

Phải mất bốn năm, năm 70, Thông được gọi nhập ngũ. Lý do thôi không giữ nữa, Thông không rõ lắm, có thể do chỉ tiêu nhiều, lí lịch không còn quan trọng nữa, cũng có thể để bù vào những thiếu hụt do một số người chưa hoặc không muốn cho con em đi. Mạnh Dũng bảo Thông: "Đợt này chiếu cố gọi anh, hãy xứng đáng truyền thống quê hương". Trời ơi đem xương máu đi bảo vệ đất nước, cũng phải chờ được chiếu cố, thân phận con người đến nông nỗi nầy ư? Nghĩ vậy, rồi lại chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du: "Thân lươn bao quản lấm đầu", anh không dám phản ứng chỉ lặng im, không trả lời. Tưởng anh còn nghi ngại điều gì. Mạnh Dũng động viên: "Cố lên, Đảng không bỏ rơi ai cả".

Nhưng thời gian sau đây, kẻ bị bỏ rơi lại chính là Mạnh Dũng vì tội lằng nhằng lần lượt với bốn người đàn bà có chồng là bộ đội đi B, và có con với một người.

***

Mặc dầu tai họa giáng xuống đầu Thông, nhưng tôi lại cảm thấy chua xót cho người chị nhiều hơn, chẳng phải vì chị đẹp, đẹp đến nỗi làm tôi phải buồn, nhưng chị là đàn bà, người đàn bà bị khép kín trong lũy tre xanh, chị làm sao có thể cắt nghĩa sâu xa và minh bạch mọi điều, chị sẽ hứng lấy tất cả, không có chị, nếu chị không đẹp, hoặc như Thông định nói ban đầu, chị không phải chị của Thông, Thông đâu đến nỗi. Nghĩ vậy tôi hỏi Thông:

- Trong chuyện này, chị Thông hẳn rất khổ tâm?

- Vâng, tội nghiệp lắm, mấy năm ấy cứ nói chuyện với em là khóc, phờ phạc hẳn đi, lắm lúc tự đổ lỗi cho mình, thỉnh thoảng lại bị ám ảnh bởi những giấc mơ quái dị, thật đúng lối đàn bà... Độ ấy, em buồn chán, thường đi kéo vó trắng đêm ngoài cánh đồng chiêm. Một đêm trăng tròn và trong xanh, trời đầy sao và yên tĩnh lạ thường, không có tiếng máy bay, tiếng đạn pháo, chỉ thỉnh thoảng rời rạc vài tiếng vạc ăn đêm, buông lõng lưng trời, càng thêm cô tịch. Khoảng gần nửa đêm, em đang ngắm trăng và nhớ lại những câu thơ trăng trong truyện Kiều và đối chiếu với tâm trạng mình, thì từ xa bỗng có người bước thấp, bước cao, tất tả đi tới, lại nghe như có tiếng thút thít. Nhìn dáng người, biết ngay chị em. Vừa đến nơi, chị em đã òa khóc, nức nở. "Có chuyện gì vậy? Sao đang đêm lại ra khóc giữa cánh đồng thế này, nào, chị có nín đi không?". Chị mơ thấy em kéo vó được rất nhiều cá, rồi đến mẻ ấy, kéo mãi không được, như mắc phải rào tre, nhưng vó mỗi lúc một bị vít xuống, rồi bị rút tụt, cả người lẫn vó chìm nghỉm, nước sủi tăm ùng ục xen lẫn tiếng cười khành khạch của bà Bường. Em bảo chị em: "Tại chị cứ nghĩ ngợi nhiều, sinh ra thế đó, có chuyện gì đâu, bây giờ chị ra kéo một mẻ đi cho vui, xem có bị rút không, rồi em đưa chị về". Chị lau nước mắt ra cạnh vó, bóng trăng trộn lung linh giữa bốn khung vó. "Chị kéo nhé?". "Chị kéo đi, nhè nhẹ tay chứ". Tay chị yếu, khung vó rung rung, bóng trăng vỡ ra lăn tăn trên mặt nước. Không được con cá nào, nhưng với em, em tưởng như chị đã kéo lên vầng trăng ấy, vầng trăng em đang tìm mà chưa thấy trong những câu thơ Kiều...

Thông đang kể thì chị Thông sang.

Người đàn bà có phần đẫy đà hơn xưa, hất mớ tóc đang hong khô, gió thổi xòa sang một bên má, ra sau lưng, vừa nhìn chiếc xe máy ngoài sân vừa bở ngỡ đi vào, khẽ gật đầu chào tôi:

- Chào...

- Thầy giáo em, chị Thi, chị không nhận ra à?

Chị xin phép, ngồi vào tràng kỷ đối diện, vui hẳn lên:

- Chị nhớ ra rồi, thầy Cao, thầy tới bao giờ ạ, mà sao cậu không mời thầy giáo sang ngay bên chị nói chuyện với ông, ông em vẫn nhắc tới thầy giáo luôn đấy.

Rồi mỉm cười nhìn tôi:

- Bao nhiêu năm rồi mà thầy giáo chẳng thay đổi mấy.

Trong lòng, tôi chỉ muốn đáp lại: Chính chị thì có, chính chị mới không thay đổi mấy, đôi mắt hai mí, dài và cong vẫn đẹp trên khuôn mặt tuy hơi đẫy ra cái gì cũng như nịnh chị, cả mớ tóc xòa vẫn nhẫy lên sau lưng, cả làn da nữa, ngoại trừ mấy nếp nhăn mờ dưới má. Và cái tên Thi, cái tên hôm nay tôi mới biết, cái tên cũng đẹp.

Tôi còn chưa kịp nói sao thì chị đã giục Thông mời tôi sang, rồi vui vẻ phân bua, không phải không pha đôi chút hãnh diện:

- Chả là cậu Thông sắp đi Hà Lan, chắc đã nói chuyện với thầy...

Tôi sững sờ ngắt lời chị, quay lại phía Thông:

- Đi Hà Lan, sao từ nãy tới giờ không nói gì với tôi?

Thông cười xí xóa:

- Thì tối thầy còn nghỉ đây với em, thầy trò ta còn phải nói với nhau bao nhiêu chuyện.

- Không, nghỉ lại thì không được, tôi sẽ nói sau, nhưng Thông nói đi - tôi nói, vừa mừng vừa trách - Thế mà không nói từ đầu cho tôi hay, mà tôi cũng vô tâm quá, cứ hỏi những chuyện đâu đâu.

Thông kể vắn tắt, sau khi nhập ngũ, anh được đưa vào chiến trường Tây Nguyên, lúc đó đang ác liệt, năm sau được kết nạp Đảng, năm sau nữa bị thương, rồi được đưa ra Bắc, ở trại thương binh, anh ôn thi và khóa thi 74, anh đủ điểm đi Bun, tốt nghiệp ở Bun, bà giáo dạy anh, bà tiến sĩ di truyền học giữ lại làm nghiên cứu sinh. Bảo vệ luận án phó tiến sĩ năm 1982, anh về nước công tác ở Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Mấy hôm nữa anh sẽ đi Hà Lan với đề tài: "Cấy di thể một loại virus gây đột biến gen tạo giống ngô đa bội giàu đạm".

***

Bữa cơm chiều đó bên chị rất vui. Đứa cháu nội trèo lên lưng bà Thi rúc rích cười làm nhàu rối mớ tóc còn óng ả của bà. Vợ Thông, một cô giáo cấp hai dạy ở trường làng, kém Thông tới chục tuổi lại có vẻ đẹp khác, vẻ đẹp của người Anh-điêng da ngăm đen. Anh rể Thông đang công tác vắng ở miền Trung. Cha Thông, ngoài tám mươi tuổi, vẫn còn khang kiện và hóm hỉnh, nhất định giữ tôi nghỉ lại. Tôi phải nói rõ cuộc họp bạn ngày mai, mười bẩy người, nay trên dưới sáu mươi, nhà báo, nhà văn, đại tá, cục trưởng, dược sĩ, giáo viên... chắc xúc động lắm, mấy bà thế nào cũng có người hoe hoe nước mắt, nhớ lại thời học sinh trung học, vô tư, lãng mạn, đầy những hoài bão ước mơ và không ít người nghiệm ra chỉ là giả tưởng. Thấy nói vậy, chị Thi, vợ chồng Thông cũng không dám giữ.

Dắt xe sắp tới đường làng, tôi gặp một người đội mũ lưỡi trai, mặc chiếc áo bốn túi màu vàng đã sờn bạc mắt đục ngầu, da vàng ệch thất thểu đánh một con lợn trắng đi về.

Một bà đi sau tôi, mau miệng hỏi:

- Ông Dũng hôm nay về muộn thế?

Tôi giật mình nhìn người chăn lợn rồi chăm chú nhìn đôi tai vểnh lên khỏi vành mũ.

- Độ rày vòng vèo đi xa bà ạ.

- Ừ, thôi cũng phải chịu khó đi xa chứ, sợ những nơi lấy đực thế này rồi cũng hết dần.

- Hết, hết để tôi chết à?

Bà này nhìn con lợn lông cứng đơ, mắt đỏ hơi nhèm rử, bụng nhẽo nhèo và bộ cà lõng thõng trông rất đặc trưng, ái ngại:

- Sao trông cứ như nó mắc bệnh phậm phòng ấy?

Người chăn lợn lườm bà:

- Phậm phòng là thế nào, đại bạch thuần chủng, chính khựa đấy.

- Khựa cái phí gió.

- Thì bà đã lấy thử bao giờ đâu mà kêu phí gió?

- Ô, cái lão mất dậy, ăn với nói, lại khố đái ra quần phải không?

- Lỉu ấy à - Hắn cười hô hố - Đời ngắn và buồn lắm bà ơi! Rụi, rụi, đồ ma đói - Hắn vung roi quất vào chiếc mông hẹp, chồi xương của con lợn đang ghé mõm, giựt mấy gié lúa ruộng ven đường.

Rồi ngất ngưỡng vừa đi vừa nghêu ngao một câu vọng cổ:

"Than ôi thành trì sụp đổ... từ đây tiêu tán mộng... vương ờ... hầu".

Lúc chiếc mũ lưỡi trai và chiếc áo bạc phếch như mầu lá tre vàng khô đang xào xạc rụng khuất hẳn vào một ngõ hẹp nhờ nhờ sương thu, cũng là lúc tín hiệu thu thanh nhà ai đó vang lên "tuýt, tuýt" khép kín thời khắc ban ngày...

Kể tới đây ông Cao dừng lại, tôi hi:

- Chưa thấy nói gì ông Ngạo?

- À, năm sáu năm sau gì đó, tôi gặp một người bạn, anh ta bảo: này Ngạo nó bị k luật giờ về làm nhân viên văn phòng của tớ. Cách đây my năm nghe đâu công an phạt giam mấy ngày v tội đánh bạc.

- Thế còn ông Thân?

- Ông Thân giàu lắm, nhà cửa mặt đường ở Hà Nội, con cái đi nước ngoài như đi chợ, toàn gặp may, ngoại trừ đứa con trai ging ông ta nhất, bị chó dại cắn chết, nhưng cũng hơn chục năm rồi.

- Có cho những chi tiết này vào không?

Ông Cao nhún vai:

- Tùy ông, toàn sự thực cả đấy mà.

Tháng 7-1991
N.B
(TCSH55/05&6-1993)

 

Các bài mới
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Tung đồng xu (06/11/2023)
Ảo ảnh Tây Thi (10/10/2023)
Chu Nhan (03/10/2023)
Vàng...! (26/09/2023)