Truyện ngắn
Bến Mưng lấp lóa
15:58 | 22/12/2023

NGUYỄN NGỌC LỢI

Làng Thượng nằm trên phần đất kẹp giữa hai con sông, dòng phía bắc gọi là sông Phố, dòng phía nam gọi là sông Sâu. Đường lên biên giới chạy ngay trước mặt làng dưới chân những dãy núi trập trùng nối vào dãy Trường Sơn.

Bến Mưng lấp lóa
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Dọc theo con đường là xóm làng trù mật với những mái ngói rêu phong, những gốc thị gốc mít cổ thụ thâm nghiêm. Có phải là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi có thế phong thủy linh diệu mà vùng đất này đã sản sinh ra nhiều dòng họ trâm anh thế phiệt. Đời nào cũng có người đỗ đạt trong khoa cử, thăng tiến trong chốn quan trường. Chỗ sông Phố và sông Sâu gặp nhau có một bến nước rất đẹp. Bến nước này có tên gọi dân dã là bến Mưng. Nằm giữa một vùng núi non sông nước soi bóng núi bóng rừng, bến nước như một thiếu nữ mơ màng giữa chốn liêu trai. Bến nước này nghe nói trước đây còn được gọi là bến Rồng. Không ai bỏ công tìm hiểu cái tên “bến Rồng” mà người ta chỉ quen gọi là “bến Mưng”. Từ làng Thượng xuống bến Mưng chỉ một bãi sông mùa nào thức ấy xanh mướt ngô, lạc. Mỗi chiều kéo sang tối, mấy cô mấy bà cắp nón đựng áo quần đi tắm, bàn chân trần mềm mại đặt trên lối mòn cát mịn giữa hai vệ cỏ ngoằn ngoèo mà xuống bến. Đàn ông ít khi tắm ở bến Mưng, họ bạ đâu là ùm đó. Sông Phố chạy dọc trước làng, cũng chỉ cách một bãi dọc đất bồi dành trồng màu hết ngô sang lạc, hết lạc sang rau. Bến Mưng hầu như chỉ dành cho đàn bà con gái. Trừ mùa rét mướt, lũ lụt, còn không bến không mấy khi vắng bóng người. Người làm cỏ xới đất cho ngô lạc, người chăn trâu cắt cỏ, người công việc nhà thích cũng xuống bến, đông người thì khoát nước rửa mặt mũi chân tay, vắng không có ai thì mắt trước mắt sau rồi tuột hết ngụp khỏa mấy cái, rồi nhoáng mặc quần áo vào là xong. Bến tắm thoai thoải cát sỏi, nước căng tràn trong xanh lấp lóa ánh nắng dưới tán lá những trưa hè. Trên bến có nhiều bờ bụi làm nơi thay áo, thay quần rất tiện lợi và kín đáo.

Bến Mưng là một phần củacái làng Thượng trù phú, bình yên và có con gái nổi tiếng xinh đẹp. Hóa ra tên đất, tên làng, tên vùng đất được dân gian gọi lên đều có nguyên do, xuất xứ cả. Ví như gọi bến nước này là “bến Mưng” vì chỗ đó có gốc mưng cổ thụ oằn oại nằm choãi ra tận mép nước, tán lá xanh đậm, mỗi mùa thu về buông màn hoa đỏ thắm, in bóng lung linh dưới làn nước trong xanh. Rồi một ngày dân làng đồn bến Mưng có ma…

Con gái. Chỉ tầm mười bảy, mười tám là cùng. Da trắng, người eo dong dỏng và bộ tóc dài đến bắp chân. Một bà người làng quả quyết. Cứ nguyên bộ quần áo đen, người con gái vươn sải tay bơi ra tận giữa sông rồi vòng lại. Mái tóc đen nhanh nhánh buông dập dờn lỏa tỏa rung rinh theo dợn sóng. Tối đó xuống bến, tới chỗ gốc mưng bà dừng lại rồi đứng như trời trồng nhìn xuống. Trời tối một lúc rồi, và núi đồi, rừng cây, làng xóm cũng đã chìm trong màn đêm tĩnh mịch mà ngoài kia, cô gái bơi đến đâu là mặt nước chỗ đó sáng rực lên như có luồng đèn pha rọi tới. Bơi lội thỏa thuê cô quay vào gần bờ, dừng lại nơi nước ngập ngang gối. Mặt cô ngửa, ngực ưỡn ra nhô cao bầu vú, cánh tay vung mái tóc quay vù vù, bụi nước bắn tung những hạt thủy tinh lóng lánh như châu sa. Và các vòng sóng từ chỗ cô đứng cứ loang rộng, loang rộng nhấp nhô, lóng lánh như ánh bạc…

Bến Mưng ở chỗ ngã ba sông và cũng gần ngã ba đường, đường từ ngoài vào tới đây lối đi thẳng sẽ vào Nam, rẽ trái là lối lên biên giới. Thời chiến tranh vùng này ngập bom đạn. Con đường chiến lược cho xe chở quân chở lương thực súng đạn vào các chiến trường qua đây phải vượt bến phà ngay phía dưới cách bến Mưng một quãng ngắn luôn bị máy bay địch đánh phá. Đường sá nham nhở. Ở các sườn đồi hố bom chồng hố bom, đất cát tanh bành. Bảo vệ bến phà lúc này là một tiểu đoàn pháo phòng không có trận địa đóng rải trên những ngọn đồi quanh đó. Nơi đây quả là một vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cho việc bố trí các trận địa phòng không bảo vệ huyết mạch giao thông. Vùng đồi nhấp nhô cao hẳn lên nên có tầm quan sát rộng, cây rừng lúp xúp chen giữa những thảm cỏ xanh nhấp nhô khiến sau khi được ngụy trang súng pháo lán trại lẫn trong những mảng xanh kéo dài lên tận những dải rừng trùng điệp phía tây.

Tuy chỉ có ba đại đội pháo 37 hai nòng nhưng tiểu đoàn có đến năm sáu trận địa, cách nhau trên dưới cây số. Đất đồi cứng sỏi đá, đường cho xe vào kéo pháo di chuyển chỉ để lại hai vệt cỏ bị dập lờ mờ xen giữa những cụm cây thấp nên rất dễ xóa dấu vết. Mỗi trận địa có bốn hầm cho pháo được bộ đội trồng cỏ và bứng nguyên từng cụm sim, mua trồng lên xanh tốt tự nhiên. Các hầm cho trinh sát, thông tin và chỉ huy cũng được trồng cỏ ngụy trang như vậy. Lán cho bộ đội nghỉ là những khung nhà bằng ống sắt phủ bạt, tấp lá ngụy trang lẫn giữa đồi cây khiến máy bay trinh sát địch rất khó phát hiện. Mỗi lần sau trận đánh, chập tối pháo được kéo sang chỗ khác, để lại các hầm có ống mét quét hắc ín giương cao, có ngụy trang trông xa rất giống trận địa thật. Mỗi khi pháo nổ đánh máy bay địch trận địa nào cũng mù mịt khói lửa. Để có thêm các trận địa dự phòng và nghi binh đánh lừa địch, dân quân các xã trong vùng được huy động, đêm đêm nghe tiếng kẻng từng tốp con gái cuốc xẻng kéo nhau đi chật đường làng. Tiếng í ới gọi nhau, những tiếng cười đùa, tiếng bước chân rộn ràng. Dân quân chỉ toàn con gái mười bảy mười tám, áo nâu áo đen, da trắng tóc dài. Cũng là việc hằng ngày, đào đất đắp hầm, vừa làm nhiệm vụ “chống Mỹ cứu nước” vừa được gặp nhau, được tiếp xúc được quen biết các anh bộ đội trẻ khỏe, vui nhộn, đẹp trai. Họ vừa làm vừa bông đùa chọc ghẹo. Không chỉ đào giúp công sự, mỗi lần sau trận đánh, khi khói bom khói đạn hẵng còn mịt mù là các chị các cô ùa ra trận địa cứu giúp thương binh, giải quyết tử sĩ và tiếp tế nước nôi cho các pháo thủ. Các cô gái trẻ và pháo thủ gặp nhau trong gần gũi, trong những tình huống sống chết máu lửa. Rất nhiều chiều như thế, rất nhiều đêm như thế. Nghe hơi thở nhau, nghe mùi mồ hôi nhau, mắt chạm mắt trong ánh lửa bom. Và điều gì đến cũng đến, trai gái gần nhau như lửa gần rơm.

Cũng như bao làng khác, làng Thượng vắng bóng con trai, số nhập ngũ vào lính, số gia nhập thanh niên xung phong đi tít tận trong khe Giao, trong đường 10, đường 16, chỉ sót vài anh bị tật. Anh Bính thấp nhỏ, thọt chân, tuyển quân hai ba lần đều trượt, vui vẻ ở nhà tham gia dân quân, có việc gì cũng vác xẻng cuốc khập khiễng chạy theo đám gái làng thơm tho, mơn mởn. Gái làng nhiều cô đẹp, mỗi người một vẻ. Cô thì răng khểnh mắt đen, cô mắt bồ câu má lúm đồng tiền. Biết phận mình không thể với tới nhưng Bính chết mê chết mệt một cô. Dạo đó Bính cũng đã hai mốt hai hai. Vì cái chân, nếu không Bính cũng đã bằng anh bằng em. Nghĩ mình thua thiệt, không với tới nhưng cái sự mê gái đẹp thì ai cấm được, sự mê mẩn có đâu trong tim trong máu, trong bản năng mạnh mẽ của gã trai chỉ thua kém những người đàn ông khác một cái chân bị ngắn thôi. Người con gái Bính mê mẩn là Loan. Năm đó Loan sang tuổi mười bảy, cái tuổi rực rỡ tươi mơn mởn nhất của người con gái. Loan ngây thơ với vẻ mặt trái xoan trắng trẻo, mắt bồ câu, hai vệt mày đen nhánh trên vầng trán mịn màng, cặp má phơn phớt lông tơ. Bính mê nhất là cái miệng của Loan, cái miệng khi nói, làn môi he hé mở ra mới ưng làm sao. Hàm răng tăm tắp như những hạt bắp nếp trắng như sứ lấp ló dưới cặp môi hồng. Bầu ngực đến độ căng tròn tươi trẻ, eo hông lượn một đường thật mềm xuống khiến Bính run rẩy. Khổ nỗi Loan đã yêu một chàng pháo thủ. Chính Bính đã từng thấy họ trao nhau ánh mắt nồng nàn cháy bỏng. Và Bính còn trông thấy họ hôn nhau trong cái đêm không trăng mà Bính tham gia cùng đám dân quân đi đào hầm pháo giúp bộ đội ấy.

Chàng pháo thủ ấy nói giọng Bắc, dong dỏng cao, trắng trẻo, dáng thư sinh nhưng vẻ mặt đầy nam tính. Nhìn cặp đôi đó mỗi lần họ đứng bên nhau, lòng Bính dâng lên nỗi tủi hờn, than thân trách phận. Bính chỉ còn cách lẳng lặng vác cuốc xẻng lên vai mỗi khi nghe tiếng kẻng, trong đáy lòng sâu thẳm hy vọng đợi chờ điều gì đó thật mơ hồ. Biết đâu được…

*

Hồi đó mười bốn tuổi, ông Bài nhớ và kể lại, không ngày nào vùng này ngớt tiếng bom. Máy bay địch lên sáng lên trưa lên chiều, không theo quy luật nào. Từ tàu ngoài biển, từng tốp ba chiếc, năm chiếc, nào “con ma”, “thần sấm” A4, A6 từ Cửa Nhượng, Cửa Sót bay vào. Chúng men theo bờ biển ra dãy núi Hồng vòng lên phía tây vòng xuống, khi xộc thẳng theo đường 8 mà vào. Hết tốp này đến tốp khác, chúng bổ nhào đủ các hướng thả bom xuống bến phà, phản ứng vào các trận địa pháo. Những cột nước dựng cao nơi ngã ba sông. Con phà chở xe chao đi trong ánh lửa bom đỏ khé trùm khói đen kịt. Thả trâu, hái củi trên đồi, Bài thường núp cạnh những khối đá trên sườn đồi nhìn ra thấy rất rõ từng chiếc máy bay bổ nhào và những chùm bom lao vun vút cắm xuống mặt sông, cắm xuống trận địa. Có những lúc Bài thót tim khi khói bom trùm kín trận địa mà không thấy pháo bắn lên. Nhưng rồi pháo vẫn bắn lên, nổ lục bục làm bung những bụm khói trắng như bông vây quanh máy bay.

Bến phà đã có nhiều đơn vị cao xạ về bảo vệ nên Bài biết, Bài hiểu nhiều điều. Pháo 57 nổ từng tiếng bùm, bùm, pháo 37 nổ liên hồi bành bành bành không dứt. Bài biết hết, cậu phân biệt được hết. Xe xích ATN kéo pháo 57 li tiếng nổ trầm nặng phun khói đen kịt. Pháo 37 hai nòng chỉ cần xe Zin 157 kéo đi nhẹ nhàng. Mỗi lần báo động, các pháo thủ đội mũ sắt bóng loáng từ các lán túa ra trèo nhanh lên mâm pháo, quay tầm quay hướng vù vù, chú nào cũng đẹp, khỏe, cười răng lóa nắng. Mỗi trận đánh nhau, từng luồng đạn phóng vụt lên từng chùm đỏ lừ quây chặt lũ máy bay. Bài còn nhớ như in máy bay bị cháy rực lên như bó đuốc giữa trời, rồi bó đuốc vỡ ra, từng mảng lửa quay tròn rơi lả tả trên cánh đồng Đức Lâm, Đức Lạc.

Lúc này ông Bài là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh làng Thượng. Sinh hoạt Chi hội lần nào, chuyện làng Thượng thời đánh Mỹ luôn được ông nhắc tới nhiều nhất. Tự hào mà nói rằng, làng Thượng có truyền thống đoàn kết, hết lòng yêu thương bộ đội. Đơn vị nào đi qua dừng lại, đơn vị nào chiến đấu ở đây đều được bà con cưu mang đùm bọc. Và con gái làng với bộ đội thì...

Nói đến đây ông Bài cười tủm tỉm.

- Nhiều cặp lắm! Nhiều lần Bài bắt gặp các chú các o hôn nhau. Họ gặp nhau bên rặng tre, gặp nhau nơi triền đồi. Trận địa rất tốn ngụy trang, sau mỗi trận đánh nhau là phải thay ngụy trang, thành thử các chú nhà ta thay nhau lên đồi. Bộ đội gánh ngụy trang đi trước, o nhà ta chạy lúp xúp theo, đến chỗ rẽ họ thả gánh đứng ôm nhau. Đang tuổi tò mò háo hức, Bài cứ rình coi nên chuyện o Loan và chú pháo thủ yêu nhau cậu biết rõ hơn hết. Gặp nhau, mắt trước mắt sau là ôm nhau đắm đuối. Nhưng rồi Bài bị anh pháo thủ phát hiện, anh véo tai cậu cười, thế là anh em quen nhau.

Tưởng đâu chỉ mỗi Bài biết chuyện o Loan và anh Nam, mà còn một người nữa, đó là Bính. Chết mê chết mệt Loan nên Bính ngày đêm để mắt đến Loan. Nhà cách nhau vài ngõ, hễ Loan đi đâu Bính đều biết. Đi cấy, đi làm cỏ ngô cỏ lạc, đi đào công sự, lên trận địa pháo sau trận đánh… Bính biết hết. Nếu thấy vắng, Bính chỉ cần hỏi bà, bà nói rành rọt. Bính chỉ hỏi bà chứ không hỏi con Phượng, em Loan, vì có hỏi là nó cắm cẳn, “hỏi chị tui làm chi” khiến Bính ngại?

Lại nói Bính biết nhiều chuyện về Loan và anh pháo thủ. Chiều đó Bính thấy anh pháo thủ ôm bọc gì đó vô nhà Loan. Hóa ra là một lọ hoa được làm bằng ống các tút đạn pháo 57 li. Lính pháo nhiều người khéo tay. Cái lọ hoa làm bằng các tút được cắt ngắn miệng, cưa chẻ rồi bẻ loe thành năm cánh hoa sen, gò thắt đoạn dưới và được đánh bóng sáng loáng nổi rõ bông hoa hồng và hàng chữ “Kỷ niệm bến sông yêu. Năm 1972” được khắc rất đẹp nơi thân lọ. Đó là bến Mưng rồi, họ yêu nhau yêu luôn cả bến nước làng Thượng này. Sở dĩ Bính xem được cái lọ hoa kĩ càng như thế là bởi, hôm sau ngoài bãi về, lấy cớ vào xin nước uống; mẹ Loan xách ra ấm nước, Bính vừa uống vừa nhìn cái lọ hoa. Bính tấm tắc, đẹp quá bà hè, đẹp quá. Mẹ Loan bưng xuống khoe, của anh bộ đội pháo mới mang đến cho. Bố Loan là liệt sĩ chống Pháp, hy sinh trong trận Điện Biên Phủ. Nhà chỉ có ba mẹ con, anh trai Loan đang ở chiến trường B nên ở nhà chỉ mẹ con đàn bà. Trên cái bục gỗ gian giữa, cạnh bằng “Tổ quốc ghi công” là cái lọ hoa. Bính tần ngần một lúc rồi bất giác ngước nhìn lên mái nhà. Bính chợt nghĩ ra… Bính nói:

- Mái nhà có chỗ dột bà tề, để mai con mang tranh sang dọi.

Vừa lúc Loan về, nghe thế nói:

- Tui làm được, anh không phải sang.

Con Phượng đã lên mười hai, cũng từ sân nói, “chú Bính không phải sang. Ai khiến!”. Vẻ mặt Phượng phụng phịu, đanh đá khiến Bính tẽn tò.

Loan biết anh ta muốn lấy lòng mẹ. Con Phượng cũng biết, Phượng ghét cay ghét đắng anh ta vì Bính lẳng nhẳng bám chị mình. Hàng xóm cũng biết anh Bính theo đuổi o Loan. Có người nói, trai làng đi hết, tuy thọt chút nhưng anh Bính cũng tốt, siêng năng, hiền lành. Biết thế nhưng Loan yêu anh pháo thủ mất rồi. Tình yêu đầu đời của cô gái quê trong veo như dòng nước sông La êm đềm xuôi chảy. Loan dõi theo anh pháo thủ từng giờ từng phút từng ngày. Loan thót tim mỗi lúc nghe tiếng máy bay gầm rú. Loan rụng rời những lúc máy bay địch bổ nhào như cắm xuống trận địa, từng chùm bom vun vút cắm xuống. Mỗi lúc như thế, Loan thập thò nơi bụi tre mé làng, chỉ chờ máy bay rút đi để lao ra trận địa. Loan đã để hết hồn vía nơi anh pháo thủ. Thời đạn bom sống chết này, hình ảnh những chàng trai cầm súng ra trận thật thiêng liêng và có sức hút mạnh mẽ với những cô gái làng như Loan.

Chiều đó mưa thật to, trận mưa cuối mùa. Loan thấy nóng ruột, bụng dạ cồn cào. Suốt cả chiều Loan không đi được đâu vì trời mưa. Mưa mù mịt, mưa trắng trời đến nỗi che hết núi non. Mưa to thế này nước sông sẽ lên rất nhanh. Loan khoác áo tơi ôm cột hiên ngó trời mưa, lo lắng nghe tiếng ì ầm xa xa. Sao âm u thế này mà máy bay vẫn lên?? Không phải, hình như tiếng ô tô. Đường lầy lội thế mà trận địa cũng cơ động? Trời âm u, những mảng mây nặng trĩu, đầu buổi sáng có một tốp máy bay lên lượn vòng rộng rồi mất hút, vắng từ trưa sang chiều. Tiếng động cơ vẫn ì ầm.

- Loan ơi… - Tiếng Bính gọi ngoài ngõ. Rồi Bính vào sân, nón tơi sẵn sàng. - Đi vớt củi đi? Củi trôi nhiều lắm, dưới bến ấy. Đi mau, đi mau.

- Đừng đi, chị! - Đang nhổ tóc sâu cho mẹ nơi giường, con Phượng dừng tay nhìn ra nói.

- Đừng đi con, nước sông to. - Mẹ Loan cũng can. - Củi đuốc chi lúc ni.

Loan bồn chồn. Loan không biết trước đó, lúc nửa chiều chưa mưa, các đơn vị pháo được lệnh cơ động đã rút dần, lần lượt rời trận địa, lần lượt qua phà. Đại đội rời sau cùng để bảo vệ cho các đơn vị qua sông là đại đội của anh Nam cũng đã rút. Phà lầm lũi đè sóng qua sông dưới bầu trời nặng trĩu. Tiếng ca nô bì bạch, tiếng giục giã quát tháo…

Đường xuống phà lồi lõm đá hộc, những hố bom vừa được công binh lấp đất cũng đã sục lên. Xe pháo nhích từng vòng bánh nặng nề. Chàng pháo thủ người yêu Loan lúc này như ngồi trên đống lửa. Lạy trời, máy bay đừng lên. Không kịp chia tay người yêu, Nam nhấp nhổm. Bộ đội được phát mỗi người một cân lương khô, anh cầm mãi trên tay. Chẳng biết qua phà có dừng không? Nếu dừng mình ù vào với Loan, một chút thôi, chỉ cần nhìn nhau và để Loan biết.

Rồi chiếc xe sau cùng có Nam ngồi cũng bò lên đường. Xê 8, xê 9, tiểu đoàn bộ đã đi trước khá xa và xê 5 cuối cố theo kịp đội hình. Trên thùng lính đội mũ sắt trùm áo mưa ngồi lên các thùng đạn, các bao gạo và đồ lán trại. Sau xe, các khẩu pháo trùm bạt ngụy trang. Đội hình xe pháo lầm lũi chạy. Lúc này trời đã tối, bóng núi, cây cối, thêm mây đen khiến không gian đen kịt. Đèn gầm đã bật soi một đoạn ngắn trước mỗi đầu xe. Đường hun hút, những làng xóm, những rặng tre, đồi núi mờ mịt lần lượt lùi về phía sau. Mọi người rì rầm bàn luận, lúc này Nam chỉ hướng về Loan. Họ không biết sau lưng, bầu trời bến phà sáng rực. Và tiếp đó là những tiếng nổ, những cột nước dựng lên…

Ông Bài kể tiếp.

Xe pháo vừa qua phà một lúc thì bom cắm xuống, trong cột nước dựng lên chỗ bến Mưng, cậu thấy rất rõ một người. Người con gái theo cột nước tung cao, hai tay vung ra chới với, mái tóc tõe ra, toàn thân đỏ khé trong lửa bom.

Lúc đó Bài cũng đi xuống bến. Cậu đi thế thôi và chẳng hiểu mình xuống bến làm gì. Cậu cứ bước thế, đi vớt cá, vớt củi? Làm gì nữa, cậu không biết. Sắp sửa ra khỏi bãi ngô, tới chỗ gốc mưng, Bài nghe tiếng máy bay bổ nhào. Thế rồi rít rít rít. Bom nổ gần, hơi bom hất cậu ngã ngửa xuống vệ cỏ. Cậu bật dậy và kịp nhìn thấy. Không thấy máy bay, khoảng trời nơi ngã ba sông lơ lửng hàng chục dây pháo sáng. Trong ánh hỏa châu sáng trưng, người con gái rơi thẳng xuống cùng cột nước làm mặt nước đang sôi cũng vỡ tung. Mặt sông loang đỏ, đỏ vì máu, đỏ vì lửa bom cuộn sóng nhấp nhô. Chưa kịp hoàn hồn, Bài thấy một bóng người từ gốc mưng vùng dậy rồi lại ngã xuống rồi vùng chạy ngược vào làng. Bóng người vụt qua, cậu kịp nhận ra đó là anh Bính, cái chân đi không lẫn vào đâu được.

Hai ngày sau dân mạn dưới, cách bến phà sáu bảy cây số vớt lên người con gái áo xanh sĩ lâm, quần vải đen… Là người làng Thượng. Đó là o Loan. Trong tốp người đi nhận o Loan về chôn cất có Bài và anh Bính thọt. Vừa nghe tin đã tìm thấy o Loan, anh Bính cuống cuồng, chạy xuôi chạy ngược. Nhìn anh, chẳng hiểu sao Bài vừa ghét vừa thương. Bài ghét là vì cậu thấy có điều gì đó mờ ám, rồi cậu lại thấy thương thương bởi vẻ cam chịu, vì thấy anh, chân cẳng thế mà không bỏ buổi dân quân nào. Và ngay lúc này cùng anh ta khiêng o Loan, đi phía sau, nhìn dáng còng còng khập khiễng, nhìn cái ót sâu hoắm của anh ta Bài thấy thương lạ. Anh ta làm gì dưới bến Mưng hôm đó? Anh ta làm gì khiến o Loan bị bom hất tung lên như thế?

Bài không thể biết lúc đó tâm trạng anh Bính cũng rất hỗn loạn. Bởi Bính cũng thấy Loan bị hất tung lên. Bính hoảng hồn quay đầu chạy. Nghĩ cũng chỉ hù cho Loan giật mình thôi. Rồi Bính sẽ xuống bến trước. Bính sẽ lội xuống kéo củi lên. Bao nhiêu củi vớt được sẽ mang về cho nhà Loan hết. Không ngờ Bính đã làm Loan giật mình, hết cả hồn và lao xuống nhằm lúc bom rơi… Bính quay ngược chạy về, chạy như điên hết ngõ nhà này sang ngõ nhà khác, miệng ú ớ kêu có người chết, có người chết dưới bến. Làng Thượng một đêm không ngủ. Tiếng chân chạy rậm rịch, người mang tơi đội nón túa ra trong mưa. Bính chạy sang nhà Loan, chưa tới ngõ đã lộn trở lại. Bính không dám giáp mặt mẹ Loan. Bà và em gái Loan, con Phượng cũng không có trong nhà, từ đâu đó trong màn mưa, tiếng mẹ Loan gào lên lúc to lúc nhỏ, “Loan ơi, Loan ơi, con mô rồi. Con ở mô, về với mẹ…”.

Chiều đó người ta đưa o Loan lên đồi, chỗ gần trận địa pháo. Cái trận địa mà có dạo đại đội anh Nam đóng quân ở đó.

*

Hơn nửa năm sau, khi xóm làng đã bình yên, không còn bom đạn nữa, bên vệ đường, chỗ rẽ vào làng Thượng người ta treo một băng khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Và chiều đó, một đoàn xe pháo từ hướng biên giới về chạy ngang qua. Bộ đội ngồi trên xe anh nào anh nấy nhấp nhổm. Rồi họ đứng hẳn lên, hai tay vịn thùng xe nhoài người hét vô làng. “Hương ơi, Lan ơi, Bình ơi…”. Có anh kêu: “Bố ơi, mẹ ơi… Con về rồi”. “Anh về rồi…”. Họ cười, họ vỗ tay… . Người đi đường đưa tay vẫy bộ đội, rồi các anh vẫy lại. Người người vui mừng. Dân làng Thượng nhận ra đây là đơn vị bảo vệ bến phà dạo trước. Và lúc đó, đứng sát vệ đường Bài nhận ra anh Nam, người yêu chị Loan. Anh Nam trở về mà o Loan đã mất. Anh Nam ôm thùng xe, nhoài người ra ngó xuống. Bài muốn hét lên báo cho anh biết rằng chị Loan đã mất nhưng xe pháo đã vượt qua.

Hai ngày sau Bài gặp anh Nam trên lối rẽ vào làng với vẻ mặt vừa hăm hở vừa căng thẳng. Anh Nam… Bài thốt lên nghẹn ngào. Không để ý nét mặt cậu lúc đó, anh nắm tay Bài, rằng đơn vị đang tạm dừng chân chờ nhận nhiệm vụ tiếp, anh tranh thủ… Không để anh Nam nói hết câu Bài kêu lên: “Anh ơi, chị Loan”. “Chị Loan làm sao?” “Chị Loan… chết rồi”. Anh Nam buông rơi bọc gì đó trên tay xuống đường. Trời ơi, hóa ra là thế. Hôm đó, trên xe rời trận địa, qua phà chưa xa Nam đã rùng mình, cái rùng mình đưa anh vào một trạng thái lâng lâng bất định. Suốt mấy tháng bên kia, chiến dịch mở sâu, đội hình tiểu đoàn lúc tổ chức phục kích, lúc bám theo pháo đất, bám theo bộ binh đánh hiệp đồng anh luôn bồn chồn như mất hồn. Ra đi quá bất ngờ, thư cho Loan từ chiến trường gửi về cũng không có hồi âm, lòng chật chội bao nhiêu thắc mắc. Chẳng lẽ nào… Loan đã hẹn anh. Vậy mà… Loan đã không còn nữa.

Bài dẫn anh Nam vào làng. Hai anh em lặng lẽ đi, không ai nói thêm được điều gì. Đang buổi gần trưa, mẹ Loan ngoài bãi sông về đang đứng tần ngần bên thềm nhà thì nghe tiếng gọi: “Mẹ!” Bà quay ra, “Nam ơi, con Loan, con Loan”. “Con biết rồi…”. Nam nghẹn ngào. Khuôn mặt trắng trẻo, trẻ trung của anh bỗng như già sọm. Bài nem nép theo anh và bà vào nhà. Anh Nam đến trước bàn thờ trân trân nhìn ảnh Loan bằng vẻ mặt thẫn thờ. Anh buột miệng kêu khẽ, Loan ơi? Lòng anh pháo thủ lúc này đau nhói. Khuôn mặt non tơ xinh đẹp này đã in đậm trong tim anh. Mới đây thôi, khuôn mặt thân yêu này từng úp vào lồng ngực anh thỏ thẻ. Và mái tóc đen nhánh dài thơm mùi lá bưởi mùi bồ kết đã bao lần anh vuốt ve, cái miệng thơm tho với cặp môi cong chút hờn dỗi kia nữa... Hai người từng hò hẹn, ngày hết bom đạn anh sẽ đưa Loan về quê ra mắt bố mẹ, vậy mà… Anh Nam run rẩy đốt nhang. Mẹ Loan vào nhà bưng ra cái rương gỗ. Rương rỗng không, chỉ còn cái gương tròn, cái lược nhôm Nam làm tặng hôm nào, cuốn sổ nhỏ và tập thư anh gửi về. Thư anh về đủ cả, tất cả 21 lá. Thư Loan anh không nhận được lá nào. Lá thư gần nhất anh gửi về đề ngày 11 tháng 4, trước ngày đơn vị quay về chỉ hai mươi ngày. Nghĩ rằng sẽ vào thăm Loan, thăm mẹ và em một lúc rồi còn phải đi. Đơn vị chỉ dừng chân mấy ngày để còn tiếp tục hành quân. Nam không ngờ anh đã mất Loan, mất hẳn rồi. Nam đau quá, anh cố kìm tiếng hực sắp bùng lên trong lồng ngực.

- Giờ thì con lên thăm mộ nó đi, trưa về ăn cơm với mẹ. Bài dẫn anh đi hộ bà nhé.

- Đi thôi anh. Mộ o Loan gần trận địa anh hồi trước.

Anh Nam vẫn thuộc đường, dù lối đi đã rậm cỏ và cây cối, xăm xăm đi trước, Bài chậm rãi theo sau. Hai anh em ra đường, đi ngược lên phía phà một đoạn rồi rẽ trái lên đồi. Dọc đường lên, hố bom cũ màu đất xỉn cây cỏ rùm ròa che lấp, hố bom mới nhiều hố màu đất còn tươi, hố nào cũng đựng nước mưa trong thật trong. Lối đi nhiều chỗ phải tránh hố bom mới. Lối này là lối ngày trước xe kéo pháo lên cũng như kéo cơ động sang trận địa khác, nhiều đoạn sim mua cây rừng đã che lấp. Vượt qua con lạch nhỏ bên chân ngọn đồi thoai thoải, mấy hầm pháo còn đó, giao thông hào có đoạn đã sụt lấp đôi chỗ do mưa. Mấy ngôi mộ nằm bên phải, cách hầm pháo độ năm sáu chục mét. Bài chỉ cho anh mộ Loan.

- Quanh mộ o Loan cỏ được dẫy sạch sẽ lắm. - Bài kể tiếp. - Bình hương cũng dày kín chân nhang, và trên mộ còn có một bó hoa, hoa hường hoa mua..

- Tui biết chỉ có anh Bính thôi. Chỉ có anh ấy.

Anh Nam vẻ mặt già sọp, đưa hai bàn tay úp lên mô đất rồi rờ rẫm từng ngọn cỏ. Rồi anh run run đốt hương, hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má, miệng anh lầm rầm. Nắm hương vừa cắm chợt bùng cháy rừng rực. Mắt anh Nam dại hẳn, vẻ mặt thất thần.

Trên đường về Bài quả quyết, o Loan thiêng lắm. Bài kể cho anh nghe o có về dưới bến tắm được nhiều người gặp. Anh Nam lẳng lặng bước.

Trưa đó Bài và anh Nam ăn cơm cùng mẹ và em gái o Loan. Ăn giữa chừng thì anh Bính đến, đứng trên thềm với vẻ mặt của người tội lỗi. Rồi anh Bính đột ngột cúi gập người, hai tay chắp vái lia lịa trước anh Nam và mẹ Loan. Xin bà tha tội, xin anh tha tội. Anh Bính khóc tồ tồ, nước mắt nước mũi dàn dụa…

- Tui không trách anh, đứng dậy đi, đừng làm rứa. Số con Loan rứa thì phải chịu thôi. -Mẹ o Loan thả bát nói.

Anh Nam cũng buông bát, sững sờ. Rồi anh đứng dậy bước đến đỡ anh Bính. “Chuyện gì vậy anh? Có chuyện gì”.

Em gái Loan lúc đó đã mười lăm tuổi, vụt vô buồng nằm khóc.

Bữa cơm chưa kịp ăn đã dừng lại.

*

Hôm đó mưa, dân làng Thượng thấy một người đàn ông trung niên, quần áo bộ đội còn mới, xuống xe đội mưa qua bãi sông xuống bến Mưng. Bến Mưng về sau còn được gọi là “bến o Loan”. Ngày thường “bến o Loan” nước vẫn trong xanh, và cây mưng già bị bom chặt cụt ngọn ngày nào nay đã lại sum suê tỏa bóng.

Bài lúc đó hăm lăm tuổi, từ chiến trường K mới trở về. Hôm nay là ngày giỗ chị Loan, anh dậy sớm dọn bàn thờ, lau sạch xong hai tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, tiếp đó anh bê tiếp cái lọ hoa làm bằng vỏ đạn đi ra giếng với ý định đánh cho thật bóng. Vừa chạm mép sân, ngoài ngõ có bóng người đi qua. Anh bước ra chăm chú nhìn theo rồi quay vô nói với vợ đang đặt nồi hông xôi trong bếp:

- Vợ ơi, ai như anh Nam? Đúng anh Nam rồi! Anh Nam vào em ơi!

- Rứa à, rứa à chồng?? - O Phượng từ bếp chạy ra, mặt mày đỏ ửng. - Có anh Nam, ta mời cả anh Bính nữa em nhé. Bài nói với vợ? O Phượng gật đầu.

Bóng anh Nam vẫn đổ dài phía bến.

N.N.L
(TCSH51SDB/12-2023)

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cây cảm xúc (04/12/2023)
Phấn Di (28/11/2023)
Chứng nghiệm (23/11/2023)
Tung đồng xu (06/11/2023)
Ảo ảnh Tây Thi (10/10/2023)