TRẦN BĂNG KHUÊ
1.
Ngày hôm ấy, bầu trời mang một chiếc mặt nạ màu xám. Sương đeo bám khắp mọi nơi. Sương bủa vây từ trong vô tận. Sương giăng mắc trong từng hơi thở của đất trời. Nhân vật chính chỉ nhớ lại rằng, bà không thể nhận diện được thêm điều gì ngoài sương, cái gam màu xam xám đáng ghét hầu như ám ảnh suốt cuộc đời bà. Tôi thì khác, tôi thích sương. Nhưng, tôi không thích sự bất lực của con người trước cái bóng của sương. Tôi nghĩ, sương cũng muốn chơi trò phủ mờ cả mắt bà ấy (hay mắt tôi). Như bóng tối. Và mắt nó nữa.
Thứ tôi muốn người ta mường tượng ra là nó. Tôi không nên dài dòng. Dù sao, nó ngay lúc này có thể xem là lý do cho mọi diễn biến của câu chuyện sắp xảy ra (hoặc đã xảy ra). Một con chim gỗ có chiếc mỏ màu xanh đang im lặng giữa những nan lồng. Giá, tôi có thể mở toang cánh cửa cho nó bay đi. Ánh sáng bên ngoài chỉ vừa đủ xuyên qua để chơi trò giễu cợt. Vì nó là chim mà chưa hề cất tiếng hót bao giờ. Người đàn ông duy nhất trong nhà tôi cách đây không lâu đã quyết định nuôi duy nhất một con chim gỗ mỏ xanh. Chẳng phải lo tốn kém gì, ngoài việc mỗi ngày mở cửa cho ánh sáng xuyên qua nan lồng. Ông ta nuôi nó bằng ánh sáng. Trước đấy, ông đã từng nuôi rất nhiều loại chim có da có lông. Đó là tháng năm tuổi trẻ của ông ấy. Sau giờ tan tầm của một công chức mẫn cán ngày tám tiếng chẳng hạn, (hoặc những hôm không hứng thú tụ tập bù khú cờ bạc, rượu chè với bạn bè, đồng nghiệp), ông nuôi chim và chơi với chim.
Tôi chẳng bao giờ thắc mắc, tại sao ông lại có hứng thú với việc nuôi chim. Thời điểm ấy, những khu rừng vẫn rậm rạp, vẫn tràn ngập âm thanh lộng lẫy hát ca trong sương mù và cả khi nắng lên. Chẳng đến nỗi, chim không có tổ để ríu ra ríu rít. Ấy thế, mỗi lần có dịp vào rừng, ông vẫn tha lôi về một vài con chim nhỏ để nhốt vào lồng. Những con chim sống động nhảy nhót loi choi líu lo cất tiếng hót, đều không ở lại được với ông lâu. Tôi quan sát, từ khi tôi còn bé cho đến khi ông vào tuổi về hưu, chúng, các loại chim từ se sẻ, hay sáo sậu đen, chưa con nào sống sót nổi dăm ngày, nửa tháng. Kể đến thì tôi cũng cảm thấy khá thắc mắc về điều đó. Nhiều lần, kỳ lạ hơn nữa là chúng tự biến mất khỏi những nan lồng. Chẳng một ai trong nhà tôi biết rõ nguyên nhân, tại sao bọn chúng biến mất. Thỉnh thoảng, chỉ mình tôi nhìn thấy chúng nằm im lặng, cứng đơ. Điều đó khiến tôi nhớ đến việc tôi đã từng chứng kiến cái chết của những con chim bị bắn bằng chiếc ná thun từ thời bé. Anh chị họ tôi bảo rằng, “thịt chúng ngon lắm”. Đến giờ, tôi vẫn còn rùng mình, mỗi lần hình dung ra cách nói về miếng thịt con chim se sẻ của họ.
Từ khi những con chim được nuôi nhốt trong lồng biến mất không rõ nguyên nhân. Ông ấy trở nên tư lự và im lặng. Thậm chí, tôi còn nhận ra sự kiểm soát bản thân của ông bắt đầu có dấu hiệu tiến triển tốt hơn. Ông hạn chế rời khỏi nhà sau giờ tan tầm để bù khú với đám bạn bè công chức bàn giấy. Ông vào rừng, lên nương rẫy chăm chút cây cối như một anh nông dân chăm chỉ.
Cái hôm nắng lên muộn, núi rừng đầy sương mù. Ông đi đâu đó từ sớm và tha về một chiếc nan lồng lạ màu nâu, cùng với một con chim gỗ mỏ xanh. Tôi phì cười, nhìn những tia nắng lướt qua chiếc mỏ của con chim gỗ. Màu xanh óng ánh rạng ngời. Nỗi hân hoan vui mừng reo ca chốc lát cũng chiếu cố liếc qua đọng lại bên má tôi làn sương mỏng vô hình mát rượi. Hệt như một dấu hiệu chữa lành. Nhưng, chính ngay lúc đó, tôi phải trở về với thực tại rằng, những giọt sương chỉ là thứ hình ảnh tưởng tượng mà tôi cố tình vẽ ra dưới cơn nắng hè chan chứa, gắt nồng. Đôi mắt của con chim gỗ vẫn bất động. Tôi dám chắc nó chẳng cảm thấy gì từ ánh nhìn của tôi. Hoặc mắt tôi có sương, “Những giọt sương ẩn nấp trong nỗi buồn thăm thẳm của núi rừng”.
Tôi mường tượng về nó lâu lắm rồi. Ấy thế mà trí não tôi mờ mịt.
Tôi không có ý định mô tả gì về một thực thể tự nhiên là những giọt sương. Mặc kệ màu sương xám lạnh trong tâm tưởng. Tôi trở lại với trí não u ám của mình, hòng tìm kiếm một chút ánh sáng. Và, cả hình bóng của nó. Tôi biết về nó khá lâu, nhưng nhiều khi tôi lờ tịt nó đi. Sự tồn tại của nó cũng là một điều hiển nhiên hệt như mọi sự tồn tại khác, kể cả con người.
Nó. Một con chim bằng gỗ có chiếc mỏ màu xanh. Chắc chắn phải màu xanh. (Cho dù, đôi lúc dưới ánh nắng và những màn sương, tôi lại nhìn ra thứ màu sắc dị biệt khác). Tôi khao khát thứ màu xanh ấy từ lâu lắm rồi. Bởi vậy, con chim gỗ mỏ xanh mà ông ấy đưa về, khả năng sẽ giúp tôi nhận diện được sự mờ mịt của trí não. Tôi tin rằng, chỉ cần biết cách tập trung ý niệm, linh giác trong thần thức để biến mong muốn đó thành hiện thực, thì chắc chắn tôi sẽ được toại nguyện.
Thứ ý nghĩ đầu tiên về nó, so với những con chim có lông có cánh, có tiếng hót vang vọng ông ấy đã nuôi trước kia, rồi chết, rồi biến mất không một dấu vết. Con chim gỗ mỏ xanh bất động ấy sẽ mang đến điềm lành chứ không phải câu chuyện của kẻ dữ. Thế mà trong cơn đại dịch chết chóc chưa dứt, vào cuối tháng giêng hai, năm đó, đúng cái ngày ngây thơ của thế giới loài người, kẻ dữ với hình hài nhân diện của Vlad Dracula đã ra lệnh nã pháo, tên lửa và khói và nát tan xuống những thành phố hòa bình. Tôi thực chẳng muốn để ý nhiều hơn đến các sự kiện xung quanh, nhưng người tôi đã bắt đầu bị những chiếc gai vô hình đâm chọt đau nhức. Thế giới lớn, thế giới nhỏ hệt như một cuộn rơm bị rối. Người đàn ông nuôi những con chim đã chết và sau đó nuôi một con chim gỗ sống mãi không chết, may mắn thay dù là kẻ trước đây vẫn thường gây ra những cuộc chiến tranh trong nhà, nhưng ông ta chưa bao giờ thích những kẻ gây chiến tranh bên ngoài cánh cửa.
2.
Diễn giải như thế nào để mọi người đều hiểu được lý do tôi phải luôn sống trong sự phấp phỏng lo âu về một thứ gì đó trước cánh cửa phòng mình. Hoặc ngay trong góc tối vô hình của tâm tưởng tôi? Việc tôi tồn tại hay không tồn tại. Việc tôi nhìn thấy thứ ánh sáng mơ ước ở một chân trời khác chẳng hạn. Ấy thế mà, tôi vẫn chẳng thể nào giải mật được hình ảnh lấp lửng thoắt ẩn thoắt hiện của một con chim gỗ có chiếc mỏ màu xanh. Vậy là tôi tự đánh lừa việc tôi có tồn tại thay vì sự tồn tại của con chim gỗ ấy.
Tôi cũng giống như một con chim gỗ mỏ xanh, chỉ là bức tượng không thể cất tiếng hót trong trẻo giữa rừng với ánh sáng bình minh.
Mùa sương lấp lánh năm tiếp theo. Con chim gỗ mỏ xanh được người đàn ông ấy nuôi, bắt đầu có những chuyển biến kì lạ. Đôi mắt nó thỉnh thoảng thoạt trông hệt như có sự sống, có linh hồn. Chiếc mỏ bằng gỗ được sơn màu xanh thi thoảng tôi lại thấy nó cử động. Và rồi, những tiếng hót bất thình lình được cất lên. Dù chỉ vài ba chục giây, rồi sau đó im bặt. Tôi nhớ, mẹ tôi từng kể về một ngôi nhà sàn trong giấc mơ của bà ấy. Có thể là nơi bà ấy sinh ra, cũng có thể là nơi bà ấy lớn lên. Có thể chỉ là một giấc mơ. Sự gắn kết của những giấc mơ luôn khiến cho cuộc đời con người có một ý nghĩa nào đó. Mẹ tôi không chú ý đến con chim gỗ mỏ xanh của ông ấy. Nhưng, mẹ luôn thắc mắc rằng: “Nó từ đâu đến?”. Hẳn, mẹ cũng đang tự hỏi, mẹ từ đâu đến vậy?
Tôi quyết định thử thách tìm kiếm, hòng biến giấc mơ của mẹ thành hiện thực. Đầu tiên phải là địa điểm có ngôi nhà sàn dài miên man mà mẹ thường bị ám ảnh. Tôi thử vài từ khóa trên Google. Những ngôi nhà sàn dài miên man hiển thị đầy đủ mọi sắc màu cổ điển nâu xám, cánh gián, kể cả lấp lánh chêm xen màu đất đỏ bazan. Tôi cho mẹ xem một vài hình ảnh. Mẹ bảo, “vẫn không có ngôi nhà sàn dài miên man trong sương khói đó. Chắc chắn sẽ chẳng bao giờ con tìm được”. “Vậy nó ở đâu hở mẹ?”.
Bà không trả lời ngay, mà rời khỏi bàn tôi và nói lửng thửng như kẻ mộng du đã hơn sáu mươi năm tuổi, “ký ức là một câu chuyện dài con gái ạ.”
(Tôi nghĩ, tôi sẽ không bỏ cuộc với thử thách này).
Tiếng của mẹ vẫn tiếp tục giãn nở, vọng trong không gian tâm tưởng, kết đọng như một cơn gió dài thổi mãi tận rừng sâu. Tôi tự hứa, sẽ tiếp tục rủ rê mẹ. Người đàn bà câm lặng đã lâu. Người đàn bà hóa đá linh hồn đã lâu. Người đàn bà sinh ra từ núi rừng, nhưng chưa hề biết ngôi nhà sàn dài miên man của mình ở đâu. Tôi cần phải lên kế hoạch về một chuyến phiêu du cho tôi và mẹ.
“Nếu không tìm biết về nguồn cội, chúng ta chỉ là những kẻ mãi mãi lạc lối”. Lời này, tôi đã nghe ai đó nói khá nhiều lần. Chúng tôi cần phải đi. Đấy là một cuộc xê dịch bắt buộc. Có thể chuyến đi này dài lắm. Có thể chuyến đi này cũng chỉ dăm ba ngày. Như một vài bận, người đàn ông thích nuôi chim kia đã từng chở mẹ tôi sau lưng cả thời tuổi trẻ. Họ đi về phía biển, rồi lại lên rừng, để tìm những ảo mộng và những ký ức đã mất.
Trận đại dịch cách đây hai năm, tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh con ngựa máy đã thồ hẳn một chuyến đi dài với năm sinh linh, cả người lẫn chó. Một chuyến đi cổ tích. Một chuyến đi vào lịch sử của những cơn đau. Tôi định mơ về chuyến xe trong đại dịch kia, để lấy động lực cho mình và mẹ tìm kiếm con chim mỏ xanh có thực trong rừng, tìm kiếm ngôi nhà sàn dài miên man trong giấc mơ của bà ấy. Chỉ mới là ý nghĩ, nhưng tôi đã thấy lòng mình đầy tràn sự phấn khởi, những hân hoan reo cười về việc tìm kiếm một giấc mơ. Tôi nghe tiếng mẹ hát. Mẹ tôi thích hát và múa. Mẹ múa rất hồn nhiên, ở tuổi sáu mươi, tôi đã thấy mẹ mặc bộ trang phục được dệt từ những sợi chỉ đen chỉ đỏ của núi rừng và múa trong điệu cồng chiêng. Tiếng hát của mẹ róc rách hệt như tiếng suối. Mẹ đã hát những gì? Không phải là những lời vọng vang nỗi buồn của thế giới. Mẹ chẳng nghĩ đến việc hát những lời to tát thế đâu. Mẹ hát lời của một giấc mơ. Hoặc có khi mẹ đang hát mà không biết rằng, đời mẹ thì vẫn đứng yên trong bóng tối, chờ đợi sự trở về với một ngôi nhà sàn dài miên man đã từng tồn tại, (đã từng không). Còn người đàn ông ấy, mỗi sớm mỗi chiều, mỗi đêm nhắm mắt, mỗi ngày mở mắt vẫn mê đắm con chim gỗ mỏ xanh như tình nhân tri kỷ.
Tôi bắt đầu có những giấc mơ về hoa diên vỹ. Tôi mơ về nó mỗi đêm.
Dù vẫn chưa thể tìm thấy ngôi nhà sàn dài miên man cho mẹ. Những giấc mơ khác đã lân la lấn chiếm khoảng không gian tâm tưởng của tôi. Bởi vì tôi còn trẻ. Và bởi vì tôi còn khát thèm những giấc mộng đơn giản, chẳng hạn, được nằm dài trên những thảm cỏ xanh lớn rộng phủ trùm lên cơ thể và sự bé nhỏ của tôi. Thế giới riêng là một khoảng lặng tôi không muốn bị bất kỳ ai nhòm ngó xâm phạm. Giá mà tôi có hứng thú với những nơi chốn xô bồ, nhộn nhịp đèn xanh đèn đỏ của đời sống vui tươi nào khác. Tôi chỉ nghiện mỗi việc chiêm ngưỡng, quan sát, ngắm nghía những khuôn hình xung quanh mình. Chúng là những nhân dạng rất thích sự bày biện. Mâm cao cỗ đầy mãi cũng sẽ trở nên nhàm chán.
Tôi thường nghĩ nhiều về màu sắc. Thứ màu sắc khiến cho giấc mơ của tôi lúc nào cũng trở nên tràn ngập năng lượng một cách kỳ quặc, nở toang ánh sáng bên trong tâm thức trí não, và cả xác thể. Màu sắc mà tôi mộng tôi mơ là nó, một loài hoa thuộc họ Iris. Tên Pháp ngữ của nó cũng quý phái lắm, fleur-de-lis. Hay mỹ miều hơn theo ngôn ngữ của tôi là hoa diên vỹ. Màu sắc ấy đã rất nhiều lần cứu vớt tình trạng tinh thần ủ dột, trầm uất của tôi vì một căn bệnh rất quái đản trong thế giới hiện đại này. Theo tôi, chắc chắn nó là một căn bệnh, chứ không thể đơn thuần chỉ vô tình xuất hiện. Triệu chứng của nó, tưởng chừng chẳng có gì đáng lo ngại. Một số người bạn của tôi đã từng bị, và họ không phát hiện ra. Tôi thì ngược lại, tôi cảm nhận được sự bất ổn ấy. Tôi bị chìm vào sự rối loạn trong các luồng suy nghĩ của mình. Tôi tham lam ngốn gần như hết mọi thứ tồn tại, diễn ra xung quanh tôi. Thế giới. Con người. Các loại đại sự và tiểu sự. Kể cả việc tôi đã suy nghĩ quá nhiều về sự xuất hiện của bầy kiến. Tại sao chúng nó ở đó? Tại sao chúng nó ở kia? Tại sao chúng nó lại kéo đàn kéo lũ đi qua đi lại trước mắt tôi mỗi ngày, từ sáng đến khuya? Thậm chí, có khi một vài con lén lút chui vào quần áo tôi, trườn bò trên da thịt tôi rất hồn nhiên. Thật là điên rồ. Giá như tôi nghĩ đến các công việc có ích và thực hiện nó theo trình tự. Ấy thế, tôi lại mông lung chơi trò đánh đố này một mình trong bóng tối đến mệt nhoài về sự có mặt của cái này, sự tồn tại của cái kia, hoặc tại sao con người lại phải chết?
Và, tôi không ngừng suy nghĩ, không ngừng đặt câu hỏi, không ngừng liên kết các sự kiện trong đời sống riêng của mình. Mỗi lần muốn rời bỏ sự mệt mỏi của thế giới bên trong, tôi lao ra thế giới bên ngoài. Chán thế giới bên ngoài, tôi lại loay hoay kiếm tìm thế giới bên trong đến uất ức, vì chẳng dễ dàng gì giữa cuộc chơi náo loạn bát nháo không phân định rõ sáng - tối. Tôi bắt não hoạt động. Tôi bắt não điên cuồng rơi vào hố đen của huyễn giác. Càng đi sâu vào vũ trụ của trí não tôi càng lạc. Chỉ có một cách duy nhất, tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để biết rằng, cần phải tìm cho bằng được sắc màu của hoa diên vỹ. Bởi chính nó, gam màu hoàng hôn ấy đã chữa lành mọi cơn rung chấn, rối loạn bên trong tôi. Im lặng là một trò chơi. Nhưng, cũng là một thứ cảm giác tối thượng giữa bóng tối và ánh sáng. Tôi nhắm mắt, tưởng tượng về thế giới của riêng tôi, để thứ màu sắc tôi mê đắm được lan tỏa bao bọc toàn bộ linh thể mình, khiến tôi chìm sâu hơn trong một giấc mơ trôi dạt. Kỳ diệu thay, căn bệnh kỳ quái kia biến mất.
Mỗi khoảnh khắc chỉ là một hiện cảnh tạm thời.
Sau một khoảnh khắc, khi bước chân ra khỏi căn phòng, bức tường, hoặc cánh cửa, thế giới động bên ngoài hệt như một bóng ma quen thuộc. Tôi tiếp tục bị căn bệnh ấy quấy nhiễu. Tôi nghĩ rất nhiều về những thứ bị nuôi nhốt trong lồng. Một số không phải là chim. Dĩ nhiên, sự tồn tại mà tôi ấn tượng nhất vẫn là con chim gỗ mỏ xanh không biết hót, bị nhốt trong lồng. Cùng với đó, là hình ảnh của một ngôi nhà sàn dài miên man. Những luồng mạch suy tư này bao chiếm trọn tâm trí tôi. Chúng trở đi trở lại từng khoảnh khắc. Tôi ước, có nhiều lần tôi đã ước rằng, chúng hãy biến mất hoàn toàn khỏi tôi. Chỉ cần màu sắc của hoa diên vỹ, chúng sẽ giúp tôi giải quyết việc kiểm soát những suy nghĩ đan bện ngày một rối rắm. Tôi biết, thật khó để tìm thấy nó ở bất cứ nơi nào trong chốn núi rừng này. Nó ở bên ngoài cánh cửa. Một cánh cửa khác. Một cánh cửa mà người ta không thể muốn với tay tới là chạm đến được. Nó ở bên ngoài thế giới, và một thế giới thật sự xa xôi về khoảng cách địa lý. Bởi thế, tôi phải mơ, cần những giấc mơ để còn biết rằng tôi đang thực sự tồn tại.
Mẹ tôi, thời điểm này dường như cũng mắc căn bệnh trầm cảm giống như tôi thì phải? Hẳn bà cũng bị chúng quấy nhiễu. Tôi thường thấy bà ẩn nấp trong góc phòng sau mỗi giờ mỗi phút tất bật với các loại công việc không tên. Người đàn ông duy nhất trong thế giới đàn bà thì vẫn đắm mê với việc chăm bẵm con chim gỗ mỏ xanh và luận bàn về những cuộc chiến tranh. Ông ấy vẫn không hề thích những kẻ gây chiến tranh bên ngoài cánh cửa. Thế nhưng, đêm hôm trước, đêm hôm trước. Và cả những đêm hôm trước trong tháng năm dĩ vãng, ông ấy lại là người nhen nhúm ngọn lửa chiến tranh thầm lặng dưới mái nhà.
Con chim gỗ mỏ xanh bất động trong chiếc lồng sắt bỗng dưng biến mất một cách kỳ lạ. Chẳng lẽ chỉ sau một đêm, nó đã mọc cánh và bay? Trí nhớ của tôi ồ ạt ùa về hình bóng của gã. Không. Tốt nhất tôi không nên nhắc đến một cái tên chẳng đáng để nhớ.
Diên vỹ đẹp lắm. Màu của nó thanh thoát tựa như một thứ ánh sáng xanh pha lẫn sắc tím huyền ảo tuyệt diệu trong vũ trụ. Thế mà, tôi vẫn thầm lặng nhắc đến gã trong một ký ức mơ hồ. Tôi thực sự không muốn nghĩ về gã thêm một phút giây nào nữa. Ấy vậy, những bông hoa diên vỹ bất giác khiến tôi liên tưởng đến gã để tự hành hạ mình. Nhưng, chắc chắn, tôi có thể kiểm soát được tất cả. Vấn đề của tôi lúc này không phải là gã, không phải cuộc tình tuổi trẻ bồng bột đó. Tôi chỉ muốn làm rõ câu chuyện của một người đàn ông thích nuôi chim và một người đàn bà lăn tăn với việc tìm kiếm thời gian đã mất về ngôi nhà sàn dài miên man bí ẩn nào khác.
Trong ánh sáng ít ỏi, bông hoa diên vỹ xanh mà tôi mơ mộng đã nở.
Rất rõ rệt. Dĩ nhiên, nó không nở trước mặt tôi. Đó là một bông hoa tưởng tượng. Thứ màu sắc mà tôi mơ ước được tan vào trong nó. Hoặc có thể ngược lại, nó sẽ tan vào trong tôi chẳng hạn. Giấc mộng của tôi nhiều khi khá giống với hai con người kia. Nhưng, thực ra, tôi biết nó rất khác. Giấc mộng của tôi tươi sáng hơn nhiều. Giấc mộng của tôi còn có cơ may biến thành sự thật. Bởi tôi hiểu rằng, người đàn ông thích nuôi chim, ghét những kẻ gây chiến tranh bên ngoài cánh cửa, hẳn đã rất mong con chim gỗ mỏ xanh nằm trong chiếc lồng sắt ấy biết ca hót. Người đàn bà đăm đắm về ngôi nhà sàn dài miên man kia, chắc chắn chưa biết làm cách nào để tìm ra ký ức đã mất.
Câu kinh nguyện cầu đêm qua đứt quãng trong bóng tối.
Tôi biết rằng, bên ngoài cánh cửa cuộc chiến đã thực sự diễn ra. Người đàn ông thích nuôi chim không bàn luận gì thêm về nó. Ông ấy chưa bao giờ có thiện cảm tốt lành gì với những kẻ thích gây chiến tranh bên ngoài cánh cửa. Ông ấy bắt đầu giảm bớt hành động gây chiến tranh dưới một mái nhà. Ông ấy lén lút đọc kinh cầu nguyện. (Như mẹ ông ấy, khi bà còn sống).
Tôi khá bất ngờ, khi bắt gặp ông ấy lén lút đọc kinh cầu nguyện. Trước đây, ông ấy khá coi thường việc đó. “Đàn bà bao giờ cũng yếu đuối. Họ luôn sợ điều không may sẽ xảy ra, vì thế họ sẽ cầu nguyện”, ông thường lẩm bẩm những thứ như vậy trong các cuộc chuyện trò. Chẳng hạn, tôi biết, mẹ ông ấy, bà đã nhiều lần kể lể câu chuyện chiến tranh loạn lạc trong đêm tối. Rồi sau đó đọc kinh và thủ thỉ, bà lặp đi lặp lại mỗi một câu, “bom rơi đạn nổ chàng ơi, thiếp xa chàng đã mấy mươi năm rồi” (như lời bà ấy hát, khi còn sống). Bà ấy thường thì thầm đọc kinh những lúc trời vừa hửng sáng.
Máu đã rụng xuống trên mặt đất. Hình hài của gã đồ tể với đôi mắt đầy bóng tối hiển thị rõ dần.
Người đàn ông thích nuôi chim đã dự đoán được từ sớm về những cuộc chiến bên ngoài cánh cửa. Vì thế, khi khói lửa bùng lên, máu rơi rụng xuống sự đổ nát, ông cũng không lấy làm lạ. Ngọn lửa của một cuộc chiến ngầm dưới mái nhà đang nguội dần. Mọi thành viên, mọi cá thể dường như bắt đầu biết cách nở nụ cười với nhau, dù vẫn còn khá gượng gạo. Riêng mẹ tôi thì vẫn rơi vào trạng thái cô lập hoàn toàn về cảm xúc vì dư âm của những cuộc chiến bên trong cánh cửa. Bà chỉ muốn tìm kiếm một ngôi nhà sàn dài miên man. Nó là thứ đã để lại trên mu bàn tay bà một dấu vết về sự tồn tại của ký ức.
Tôi và một góc tối nhìn nhau. Tôi ương ngạnh đùa giỡn với bóng tối bằng nhiều trò rất kỳ quái. Nhưng kiểu cách mà tôi thường chọn để chơi với bóng tối là ngồi im và tưởng tượng những thế giới khác giữa những bức tường. Trong bóng tối lúc này, tôi muốn chọn một vật thể duy nhất. Đó là bông hoa diên vỹ. Nó là hình ảnh tạo nhiều cảm xúc cho tôi. Trong bóng tối, nó sáng lấp lánh, ảo diệu. Trong bóng tối, nó khơi gợi lại tuổi trẻ, các loại đam mê kỳ quái của tuổi trẻ. Ấy vậy, khi tôi muốn nó là tuổi trẻ của tôi, thì nó lại biến thành một sự bỡn cợt rất buồn cười.
Lúc này, tôi khá mâu thuẫn với việc nhận diện giữa có và không; giữa tồn tại và không tồn tại. Đôi mắt của gã đồ tể với sự hình dung của tôi hiện lên những tia máu trong bóng tối. Giá như tôi có thể nghe thấy một vài âm thanh của sự sống còn sót lại. Hay chỉ là tiếng thì thầm của bông hoa diên vỹ thở lặng lẽ dịu dàng. Đó là thứ sắc màu không phải của chiến tranh. Và như thế, chính những lúc như thế, tôi mới đủ tỉnh trí để tiếp tục suy nghĩ về việc người đàn ông thích nuôi chim đang bắt đầu đọc kinh cầu nguyện trong đêm tối, hoặc tìm kiếm giúp người đàn bà một ngôi nhà sàn dài miên man đã bị quên lãng. Kể cả việc, tôi phải tìm biết cho được nguyên nhân tại sao con chim gỗ mỏ xanh lại biến mất một cách vô lý?
3.
Tôi tiếp tục mơ mộng, mường tượng hình hài của một bông hoa diên vỹ xanh nở cho đến khi trời gần hửng sáng. Tôi chơi với bóng tối, và những bức tường. Vì, sau những cuộc chiến dưới mái nhà, chỉ còn lại cơn đau nhức nhối. Trong khi những tiếng thở khác vẫn đều đặn vút cao xuyên vào sâu màn đêm, tôi ngồi lặng yên, nghe tiếng thở của trí tưởng tượng. Tôi mơ. Giấc mơ về một thế giới khác thanh khiết, dịu dàng, bình yên. Tôi mơ. Những giấc mơ về cuộc chiến dưới mái nhà sẽ không bao giờ lặp lại.
Những buổi sớm, mặt trời vỡ bùng ánh sáng len lỏi chiếu thẳng vào đầu giường, tôi ngỡ như mình đang tỉnh giấc trong căn phòng cô độc của Van Gogh. Căn phòng ấy, và cả những bầu trời đầy sao lấp lánh tỏa chiếu xuống dòng sông đêm ám ảnh tôi. Đó là giấc mơ tuyệt đẹp. Đến nỗi, tôi quên mất bông hoa diên vỹ pha sắc tím mà tôi đang mong muốn được chiêm ngắm, được hòa tan trong một thứ màu ảo diệu. Giá tôi hãy cứ sống trong hiện thực, tôi có thể đắm mê trong các loại sắc màu giản dị đời thường quanh mình, hẳn là tôi không cần phải khốn khổ kiếm tìm. Tôi vẫn mơ về những loài hoa lạ ở một thế giới khác mà tôi biết rằng, chẳng phải dễ dàng gì để đạt được một giấc mơ.
Người đàn ông thích nuôi chim, ghét những cuộc chiến tranh bên ngoài cánh cửa đã bắt đầu có sự thay đổi khá rõ rệt.
Về diện mạo. Tôi ít cho phép mình tin vào những câu chuyện mang hơi hướng thần bí một chút. Trước đây, nhìn vào đôi mắt của ông ấy, tôi chỉ thấy những nỗi sợ hãi cuống cuồng của tôi. Và tôi chạy trốn. Những cá thể khác trong ngôi nhà ấy cũng chạy trốn. Từ khi những con chim có sự sống bị cái chết liên tục đến thăm. Từ khi con chim gỗ mỏ xanh biến mất. Từ khi ông học mẹ ông việc đọc kinh cầu nguyện vào mỗi lúc trời hửng sáng. Đôi mắt ông đã thay đổi hẳn trường năng lượng, nó không còn mây đen nữa. Mắt đã đủ đầy ánh sáng, thì cả khuôn mặt người cũng thế. Chúng bừng sáng thanh thoát khác hẳn những tháng ngày u tối.
Chỉ còn lại tôi. Một thực thể rối rắm, chứa đầy mâu thuẫn vẫn tiếp tục bị sa vào cái bẫy của những giấc mơ. Tôi chưa giải quyết được giấc mơ của mình. Và, cả giấc mơ của mẹ. Người đàn bà bị mất ký ức về một ngôi nhà sàn dài miên man.
4.
Những mùa mưa dài ngày ở rừng núi, không phải một giấc mơ.
Ngôi nhà lọt thỏm trong thung lũng. Lửa được nhen nhóm lên ở phía sau gian bếp phụ, hòng xua tan bầu không khí của mây mù xám đặc. Người đàn bà mất ký ức đang bụm miệng thổi phù phù vào những đốm than hồng khi trời chiều vừa tạm ngớt một cơn mưa. Khá lâu, tôi không được nghe tiếng bà hát khe khẽ khi đôi tay nhỏ bé sần sùi đang thoăn thoắt làm việc. Và tôi cũng chẳng còn thấy điệu múa hồn nhiên như một thánh nữ của núi rừng nữa. Tôi mường tượng lại thứ vũ điệu ấy, có khi nó vượt thoát khỏi những đau đớn, nhưng có khi nó để lại trong thẳm sâu của người múa một nỗi đau chồng lấp khác, lớn hơn nhiều. Tôi dứt khoát, trong mỗi phút giây tỉnh táo của tôi, tôi phải làm sao để gỡ cuộn tơ vò này. Tôi phải tìm ra ngôi nhà dài miên man trong ký ức đã bị đánh mất cho bà ấy. Nó có hình hài rõ ràng như thế rồi. Tôi chỉ việc đi tìm. Tôi nhớ về chi tiết của một ngọn lửa. Nó là điều có thực. Một ngọn lửa đã khô và thành một vết sẹo, nằm trên mu bàn tay trái của bà.
Như đã nói, tôi là một thực thể rối rắm và đầy mâu thuẫn. Tôi vừa muốn giúp người đàn ông thích nuôi chim bớt đi sự hậm hực với những cuộc chiến bên ngoài cánh cửa, bớt đi những sân si với một cuộc chiến dưới mái nhà. Tôi còn khao khát giúp người đàn bà mất ký ức tìm lại nguyên nhân ra đời của chiếc sẹo lửa trên mu bàn tay ở một ngôi nhà sàn dài miên man nào đó. Hẳn nó là một vết dấu của cái ác. Con người vốn dĩ chẳng phải là “nhân chi sơ tính bổn thiện” như thứ lý thuyết nào đó dai nhẳng bám riết.
Tôi chưa kịp định hình sẽ bắt đầu ra sao, thì sự xuất hiện của con chim gỗ mỏ xanh đã khiến người đàn ông thích nuôi chim nhận ra sự vô thường của đời sống này. Ấy thế mà nó biến mất. Dẫu sao, may mắn thay, sự biến mất của nó ngược lại, khiến mắt ông sáng rõ. Tôi chỉ còn mỗi sự dày vò về ký ức của mẹ. Nhưng, trong khoảng trắng của những giấc mơ, tôi ích kỷ với trò chơi mộng mị, tìm kiếm sắc màu của hoa diên vỹ. Bông hoa quyến dụ ấy liệu có thể tồn tại được lâu, liệu có thể chờ đợi tôi? Mọi giác quan của tôi đang mong ngóng được mở toang cánh cửa để bóng tối biến mất, để bình minh xuất hiện. Đó là thứ ánh sáng tinh sạch, chữa lành mà tôi khao khát, như hoa diên vỹ vậy.
“Khi quyền lực nằm trong tay một kẻ bị mắc bệnh hoang tưởng, thì máu và nước mắt sẽ tiếp tục đổ xuống”. Mẹ từng lảm nhảm những lời ấy trong bóng tối. Tôi nhớ rằng, mẹ chưa bao giờ phản ứng bằng bất cứ hành động nào mạnh mẽ, cụ thể trước kẻ đã từng gây ra cuộc chiến dưới mái nhà. Rất nhiều lần tôi ám ảnh bởi những cơn mưa. Chẳng phải vì chúng xấu xí, hay không đủ mơ mộng trong thế giới của tôi. Nhưng, những nhân vật trong cuộc chiến kia dù không có máu thịt rơi, dù chỉ có tiếng mưa cũng đã khiến tôi phải ẩn nấp sâu hơn vào bóng tối của mình. Tôi sợ phải nhìn thấy người đàn bà ấy trong những đêm mưa cũ kỹ.
Tôi chọn việc mộng mơ với Những bông hoa nguyên âm - Iris, hòng vực dậy thứ tinh thần tối xám trong trí não tôi. Hẳn là, tôi đã mơ rất lâu, rất sâu. Đến bây giờ tôi vẫn còn thèm thuồng được tận mắt chiêm ngắm bông hoa Iris đó. Dù sao, nó, những bông hoa nguyên âm vẫn là một hình hài tưởng tượng đẹp nhất mà tôi có lúc này. Tôi nghĩ, mẹ cũng đã chọn ký ức về ngôi nhà sàn dài miên man kia để tiếp tục thờ ơ trước nỗi đau, tiếp tục lặng im và tha thứ. Nhưng, tôi dám chắc những cuộc chiến sẽ không bao giờ dừng lại. Thứ đó không phải là điều bất ngờ, nó vẫn theo đúng quy trình của vũ trụ. Cuộc chiến này qua đi, cuộc chiến khác sẽ tới. Chiến tranh, có thể là cách để thế giới này chuyển biến giai đoạn của sự tồn tại. Cái cũ chết đi, cái mới xuất hiện. Tôi bắt đầu học theo mẹ việc nói nhảm về những điều tôi biết.
“Chiến tranh vẫn đang ngấm ngầm diễn ra mỗi khoảnh khắc không tính bằng giây, bằng phút, mà tính bằng vận tốc của ánh sáng.”
5.
Ánh sáng hữu hình hay vô hình?
Tôi đi xuyên qua một cánh cơ thể đầy ánh sáng. Nơi tôi chạm chân đến đầu tiên không phải là địa điểm mà tôi đang day dứt nghĩ cách tìm kiếm ngôi nhà sàn dài miên man cho người đàn bà bị mất ký ức. Đó là một thị trấn. Tôi thường xuyên bị cảm giác ẩn ức về những thị trấn ám ảnh, bám riết. (Như trước kia ở thị trấn mà tôi sinh ra chẳng hạn, vì nó có khá nhiều thứ khiến tôi không muốn nhớ đến). Nhưng, khi rời khỏi nó, tôi gần như biết cách mơ về một thị trấn có sắc màu tươi sáng đẹp đẽ hơn. Thị trấn mũi tên là một địa chỉ nằm trong danh sách mà tôi mong muốn đến, để được đắm chìm trong cảm thức cô đơn của vũ trụ. Ấy thế, cánh cửa ánh sáng mở ra trước mặt tôi lúc này lại là một thị trấn tôi thường xuyên ngắm nghía bằng hình ảnh từ xa. Mặc nhiên, tôi cho rằng, xác suất tôi vẫn đang nằm mơ là rất cao.
Nhưng, trước mắt tôi, trong thứ ánh sáng chói lòa ấy, toàn cảnh của thị trấn mũi tên bên kia cánh cửa ánh sáng hiển hiện rất rõ. Tôi có thể cảm nhận được hơi đất, nắng và mùi hương của hoa thơm cỏ lạ. Và kể cả nó, cách mà tôi gọi tên chẳng hạn, những bông hoa nguyên âm - Iris. Tôi biết, sự quyến rũ Iris đem đến cho tôi, không chỉ có màu sắc. Nó là biểu tượng của việc hợp nhất ba dòng sông Mississippi, Missouri và Illinois. Nó là quyền năng thống trị, là cái đẹp, là sự trinh tiết đức hạnh của một người phụ nữ có tên bắt đầu bằng ký tự M. Với tôi, có thể nó chỉ là một nốt thăng trong hành trình tìm kiếm những ẩn ức về thế giới. Hoặc ngay cả việc tôi đang mong muốn tự soi chiếu vào vũ trụ, vào bản thể rằng, tại sao tôi tồn tại dưới hình dạng này, dưới ngữ ngôn kia mà không phải là một hình dạng khác, ngữ ngôn khác. Và, đơn giản hơn Iris chỉ là cái tên thật đẹp.
Bước qua cánh cửa ánh sáng thứ hai, tôi lại thấy con chim gỗ mỏ xanh của người đàn ông thích nuôi chim. Nó ở đó, ngay chính thị trấn mà tôi chạm chân đến trong giấc mơ của mình. Con chim gỗ mỏ xanh, ông ấy nuôi trong chiếc lồng sắt. Tôi quan sát nó một cách kỹ lưỡng, tôi phát hiện ra một hình ảnh thú vị, bông hoa nguyên âm. Iris, ở ngay phía trên đầu của nó. Vậy là, cuộc tìm kiếm của tôi, chỉ còn thiếu mỗi một ngôi nhà sàn dài miên man cho người đàn bà mất ký ức. Tôi thực sự rất muốn biết, dấu vết của chiếc sẹo lửa trên mu bàn tay của bà xuất hiện như thế nào?
Cánh cửa ánh sáng thứ ba chạm vào chân tôi giữa chênh vênh những ngọn núi thẳm sâu trong rừng. Khu rừng này khá quen, hình như nó chính là nơi người đàn ông thích nuôi chim đã từng đưa tôi đến. Ở đó có một thế giới xanh như cổ tích. Bước tiếp, tôi thấy những đốm lửa. Và tôi thấy trong sương mù hiện ra một ngôi nhà sàn dài miên man. Nó quả thật rất xa lạ. Có khi, đây là nơi giam cầm ký ức của người đàn bà có vết sẹo bỏng trên mu bàn tay. Tôi tò mò, nhưng vẫn hướng về việc kiếm tìm những hình dung khác của riêng mình về một khu rừng. Khi tỉnh thức, tôi trở về với thực tại, dù hai con ngươi vẫn mở đều đặn trong bóng tối chỉ để tìm kiếm hình hài của những đôi mắt. Tôi mơ hồ giữa thực và ảo, giữa cánh cửa của căn phòng nhỏ và cánh cửa ánh sáng. Chuyến đi vào tiềm thức của tôi chẳng chứng minh được điều gì về sự tồn tại. Tôi chỉ muốn chạy trốn. Thực tình là vậy. Giá tôi có thể bỏ lại cánh cửa bóng tối ở phía sau lưng và biến mất trong cánh cửa ánh sáng này.
6.
Diên. Tên tôi xuất hiện trong một giấc mơ của mẹ.
Nhiều khi tôi nghĩ mãi về những cái tên. Chúng là thứ đánh dấu mốc cho sự tồn tại của tôi dưới một hình hài, một ngôn ngữ và một số phận. Mọi thứ trên thế gian này đều đã được thượng đế sắp bày sẵn, vậy mà tôi vẫn luôn thắc mắc, tìm kiếm chính tôi qua các hình dạng ấy. Tôi không hài lòng với những cái tên bắt đầu bằng ký tự a, b, c bình thường. Ngay từ bé tôi đã phản ứng với mẹ về chữ lót trong cái tên của con gái, nó thực rất ủy mị. Ấy thế, khi chớm tuổi trăng tròn, tôi lại để ý đến cái tên của mình khi ghép với một chữ khác sẽ thành loài hoa mà tôi yêu thích.
Vỹ, là tên của chàng trai mười tám tuổi mà tôi vẫn thường thấy khá nhiều lần trong giấc mơ. Ánh mắt anh ta như màu hoa nguyên âm -Iris quyến rũ kỳ bí, như cái lưng áo màu xanh đại dương đã ngoảnh mặt rời khỏi con đường mùa thu năm tôi mười sáu. Ấy thế, anh ta không phải là tâm điểm trong cuộc tìm kiếm vật vã về nguồn cội của tôi và người đàn bà sinh ra từ rừng núi. Vào cái đêm tối trời, mưa như trút nước xuống thung lũng. Một mảnh sét rạch ngang trên nóc căn nhà đã qua ba thế hệ. Người đàn ông thích nuôi nhốt những con chim và thù ghét chiến tranh trong một cơn say đã hét lên trong bóng tối, “hãy mang súng đến đây, tao phải giết hết, phải bắn hết”. Trong chiếc lồng trống rỗng ngay góc nhà, một con chim mỏ xanh bất ngờ xuất hiện, và đang cất tiếng nhại theo, “mang súng đến đây, tao phải giết, phải bắn”.
Người đàn bà có vết sẹo bỏng trên mu bàn tay trái không biết mình đến từ đâu, mắt nhắm nghiền dưới chân bàn thờ đang lẩm bẩm lặp đi lặp lại những lời kỳ lạ, quyền lực là bóng tối, bóng tối là tôi, bóng tối là ta. Một làn khói mỏng như sương mù mờ quen thuộc đang bao phủ vây ráp trong khoảng không gian nhỏ hẹp của căn phòng lớn. Người đàn ông thích nuôi chim, chồng bà, kẻ ghét chiến tranh bên ngoài cánh cửa, kẻ đã biến cuộc đời bà thành một mảng sương mù dày đặc không bao giờ tan được, đang ngồi bất động nhìn xuống sàn nhà. Cô con gái của ông nằm bất động trên một vũng mây màu xám tối, hệt như bức tranh ông đã thấy đâu đó trong giấc mơ cũ kỹ thời trẻ dại. Ông nhớ ra, Diên đã từng tò mò hỏi về nó, một khẩu súng săn nhỏ. Ông cũng nhớ ra, ông đã từng đưa Diên vào rừng, khám phá thế giới cổ tích của trẻ con. Nhưng, chẳng biết từ khi nào, với ông, rừng chỉ còn là một cái chấm nhỏ, bé xíu như đôi mắt những con chim bị nhốt trong lồng vậy. Rừng giờ cũng đã nằm yên trong cả đôi mắt nhắm nghiền của Diên. Ông mấp máy môi đọc kinh cầu nguyện như mẹ già trước đây, và sau đó gào thét trong nỗi đau vô thức của một người cha, Bóng tối là tôi, bóng tối là ta.
T.B.K
(TCSH420/02-2024)