Truyện ngắn
Tập vồng vông tay không tay có...
08:28 | 28/03/2024

HỒ NGỌC ÁNH

    Truyện ngắn dự thi 1993

Tập vồng vông tay không tay có...
Minh họa: Trương Bé

Làng Bụi trong chợ Thanh Ba có khoảng ba trăm kẻ bơ vơ gồm nhiều lứa tuổi, lắm gốc gác. Có năm gặp ngày lễ lớn, người ta gom chúng lại, lùa ra ngoại ô để quản lý vài ngày. Nhưng rồi lá rụng về cội, đám người đó lại chui vào ổ chợ.

Trong những kẻ đáng thương nhất có thằng bé tật nguyền mà về sau này rất được mọi người chú ý, nhất là đám dân cầu vận đỏ.

Con cái nhà ai, quê quán ở đâu không ai biết nữa. Cái tuổi mười sáu chưa thành nhân thì có ai quản lý nó làm gì! Nó cứ sống.

Thằng bé đi lại rất vất vả. Một bước chân đặt xuống đất là phải mượn toàn thân đánh lắc tới một cái, nghiêng trái nghiêng phải mà đi. Hai bắp chân nhỏ mà ngắn, một cánh tay co quắp luôn kẹp bên sườn. So với đám con trai cùng lứa thì nó bé choắt lại, khô héo. Chắc hồi nhỏ bị bệnh bại liệt rồi biến chứng thành dị tật. Khốn nỗi cái đầu to hơn bình thường, trông nặng nề mỗi khi nó ngước mặt lên với người đời.

Biết thân phận, nó tự kiếm một chỗ ngủ. Cái sạp xi-măng của người bán rau quả trong ngày nó tới lau qua loa, phủ lên tấm ni-lông để ngủ qua đêm. Bọn con nít bụi đời chui rúc trong chợ thường tới phá phách thằng bé. Chúng đè nó ra, giữ chặt tay chân, móc túi vét hết tiền rồi lột quần búng vào con chim. Thằng bé khóc la, quằn quại. Lũ kia cười hả hê.

Sống không nổi ở chợ, thằng bé đi lang thang.

Trong những ngày vất vưởng nằm trên đường phố nó nhìn thấy những người bán vé sổ xố kiến thiết. Họ chả có vốn liếng gì. Chỉ cần hai cái chân và cái mồm.

Có một ngày thằng bé tìm tới bà đại lý, một phụ nữ mập bự, hai cái tai to, mắt lim dim ngồi trên ghế. Nó sụp ngay xuống đất vái lạy. Lạy sấp lạy ngửa cầu xin. Cuối cùng bà đại lý chấp thuận cho thằng bé hàng ngày nhận vé số đi bán.

Dân trong vùng cứ gọi là "thằng-vé-số", còn có người khi thấy mặt chỉ kêu: "ê, số!". Nó bán vé số trong khu vực những người nghèo nàn, số dân "thợ đụng" này làm đủ nghề nhưng không giỏi một nghề nào. Họ kiếm tiền trong ngày, gặp hôm thì tiền dôi ra đem mua vé số cầu lấy vận may trúng thưởng.

Nó biết rõ từng người, từng cảnh ngộ trong khu vực. Nó biết nên đưa vé số mời ai, mời vào lúc nào.

- Cậu ơi! Cậu muốn cát-xét, tivi chứ? Đây! Nó giơ tập vé vẫy vẫy và nở cười với các chàng trai.

- Dì Hai ạ! Sáng nay cháu thấy dì tươi tắn lắm, chắc phát tài to! Dì lấy mười vé đi, cháu cầu may cho dì trúng to đó. Nó xô người tới, dúi tập vé vào tay chị bán buôn đang cười cười nói nói. Thế là nó có tiền rồi.

- Ôi chú! Xin chú bớt đi một xị thôi, mua luôn cặp vé này, tối xổ trúng hai con sau cũng tốt. Chú có thì cháu cũng được hưởng xái mà.

- Vé số này!!!

- Tối xổ này!!!

Nó đi không biết mỏi, cũng không tính được đi bao nhiêu cây số trong ngày. Mặt luôn tươi vui, lạc quan. Nó phải giữ cái bộ mặt ấy đến với mọi người. Nó nghĩ rằng mình đang đem đến vận may cho mọi người.

Một ngày nó kiếm được hơn mười ngàn đồng tiền hoa hồng, thu nhập bằng lương một cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Nó ăn uống chỉ hết một phần năm. Nó biết trước cuộc sống nay mai nên phải dè xẻn, cất giấu.

Chơi xổ số, đánh "xổ số kiến thiết" ngày nay không còn bị lên án "loại đánh bạc cỡ lãnh thổ" nữa, mà người ta tìm thấy trong đó một kế sách làm tiền nhanh chóng. Và trở thành một mặt hoạt động kinh tế - xã hội được nhiệt liệt hưởng ứng. Có nhiều người nên mày nở mặt. Hàng chục vạn người có việc làm. Và cũng có được một vài công trình công nông mọc lên.

Có lẽ những điều ích lợi nói trên thằng bé cũng được nghe. Nó thấy yên lòng và quyết định tìm một chỗ ở cố định.

Một hôm nó la cà ở quán cà phê Hạ Trắng. Nó muốn mướn chỗ ở nhà bà bán bánh bột sắn lọc cô đơn. Bỗng nó bắt gặp một lão nhân trông dáng quái dị. Khuôn mặt to bè như cái chậu thau, bự bự thịt, mắt lồi, mồm rộng hoác, râu quai xồm xoàm, ở màng tai nổi lên một cục thịt đỏ. Ông ta đang gạ gẫm bà cô đơn, giọng cười oang oang. Rồi không hiểu sao bà ta chỉ tay về thằng-vé-số. Thế là lão nhân quái dị đứng lên, cái áo bành rộng thênh vung vẩy, cái mũ vải chụp lên đầu lắc lư, bàn tay thô tháp chống can đầu rồng đi tới. Nó cảm thấy bất an, thủ thế nép mình vào vách. Nó hy vọng lão ta gọi cà phê. Nhưng không, lão đưa cái can vào tận trán nó, cất giọng cha chú:

- Mi đó à!

- Mi cần chỗ ở à?

- Đi về với ông nội, con!

- Dạ không! Nó vùng vẫy khi lão dị nhân nắm lấy tay nó lôi đi.

- Sao lại không hở con? Lão hạ giọng rồi buông tay nó.

- Ông tha cho cháu! Nó thút thít khóc.

- Tao?... - lão cười hắc hắc - Tao bắt mi làm chi! Mụ bột lọc nói mi không có chỗ ở, sống bụi đời, tao rủ lòng thương cho mi một chỗ, hiểu không!

- Dạ hiểu.

- Ừ. Nhà tao rộng thênh, nhiều phòng. Có vườn ăn trái, có cái giếng khơi, có nơi ngủ ấm, có tấm lòng vàng...

- Cháu hiểu ông có lòng tốt...

- Mi sợ mang ơn đội nghĩa thì mi cứ sòng phẳng...

- Cháu muốn cũng vậy.

Thằng-vé-số ở nhà lão nhân quái dị hết một mùa đông.

Đây là ngôi nhà cổ nát. Có năm phòng. Meo mốc. Lão cho thằng-vé-số ở phòng cuối, sát bếp. Nó tự nấu ăn. Một cái giường ván ọp ẹp vừa nó nằm. Lúc đầu, lão sòng phẳng cho nó trả tiền thuê phòng một tháng, năm chục ngàn đồng. Hai tháng sau lão nói nó thu nhập cao phải tăng lên bảy chục ngàn đồng. Cũng tại nó thật thà khai báo...

Còn hiểu sao hơn, thằng-vé-số tăng cường đi. Nhiệt độ thời tiết càng thấp nó càng mở rộng địa bàn, khai thác sâu thêm tâm lý người cầu may, đồng thời phơi bày nỗi cơ hàn, thảm trạng của nó để móc nước mắt đám thị dân vốn có trái tim mềm yếu. Và thằng-vé-số phải lao động cực nhọc, thí mạng để tỏ ra người lớn biết chơi ngông với lão chủ.

Nhưng rồi mọi thứ không qua mắt được mụ bán bánh lọc. Mụ rỉ tai thằng-vé-số và nó bỗng thấy phải chuyển đổi chỗ ở. Đi đâu? Nhà bà bán bánh lọc trống trơn. Rồi nó lại nhìn cái gian rách nát, nơi có hai ông bà thuê ở. Ông đạp xích lô. Bà bán thuốc, nước. Ông bỏ vợ. Bà không chồng. Hai người thuê phòng để sống chung hạnh phúc, cũng cái giá bảy chục ngàn đồng.

- Mi à! Mi thắc mắc tao lấy tiền nhà đắt quá hả? Ở cái thành phố mà dân quê mùa cứ đạp nhau chui vào ở thì hỏi có thừa nhà đâu cho thuê rẻ. Làm nên một cái nhà để ở mi biết tốn bao nhiêu tiền không? Cái cũ nát này đây cũng tám chín cây vàng đó. Tám cây mà nhân cho năm triệu vị chi là bốn mươi triệu đồng. Ui chao! Biết đến khi mô mới thu lại được số tiền triệu đó, hử?

- Dạ, cháu định thưa..

- Mi muốn trả phòng lại?

- Mùa hè tới rồi, cháu ở đâu cũng được ạ.

- Mi sợ tốn tiền? Ngày nào thì thôi ở? À, mà phải ở cho hết tháng này đã con ạ.

- Dạ...

- Nghe đây này! Nếu sau một tháng mà không ai thuê cái phòng ấy thì mi phải trả nửa tiền dù không ở.

- Thưa... Ông?!!

- Vì... hắc hắc, mùa mưa tới đây mi trở lại thuê, như vậy tao bị thiệt...

- Nếu sau này cháu tìm được chỗ khác...

- Làm chi có cho mi, thằng tật nguyền, mà ngốc tử nữa!

Thằng-vé-số toát mồ hôi, ướt cả sống lưng. Đúng. Nó làm sao mà kiếm được một căn phòng giữa thành phố trống rộng này. Trong vốn hiểu biết của nó thì chưa từng nghe từng thấy nơi nào đó chứa chấp, nuôi dưỡng bọn chúng. Lão nhân quái dị biết vậy nên càng thắt ngặt nó hơn. Suy cho cùng thì đồng tiền nó làm ra ví như của nước nổi, như củi rều trôi về trên sông, ai nhanh tay lẹ mắt thì hốt được. Tiền hoa hồng lấy từ những đam mê cầu may, những cuộc chơi vung tay quá đầu... Thằng-vé-số cũng hiểu được như vậy càng ra sức vận dụng thủ pháp móc nước mắt, khoét sâu thêm tâm lý tung ra lời lẽ cho kêu thương hơn, ngọt hơn...

Không ngờ mùa đông ấy kéo lai rai tới tháng ba. Thằng-vé-số cứ ở lỳ trong căn phòng tối ẩm.

Một hôm, lão chủ co ro trong chiếc áo dạ lính tẩy năm xưa tới ngồi cạnh thằng-vé-số. Nó đang lúi húi nấu cơm.

- Con ạ! Mi tật nguyền, tự nấu nướng tao thương quá! Cái kiểu ngồi của mi như thế, thì thà nhịn đói còn hơn.

- Biết làm sao, thưa ông?

- Có cách chứ! Mi ăn chung với tao. Tao ăn chi mi ăn nấy, được chưa? Dẫu sao tao cũng phải nấu một lon gạo, có thêm cho mi một lon cũng chung nồi chung bếp đó thôi.

- Cháu không dám!

- Dám đi! Góp gạo nấu cơm chung, hiểu chứ?

- Nhưng mà...

- Không nhưng mà gì hết! Sòng phẳng thôi, chứ chả ai ân nghĩa với ai cả! Mi đi bán vé số được bao nhiêu tiền đem về cho tao. Như kiểu tao là bố đẻ mi vậy. Mi có nhiệm vụ làm ra tiền. Tao nội trợ.

Thằng-vé-số nghe bùi tai. Nhưng thăm dò:

- Nhỡ có ngày cháu không kiếm được?

- Ngày có ngày không, lẽ thường. Nhưng tao tin bụng mi được không?

- Cháu kiếm được cả chục ngàn đồng một ngày đó! Xin hỏi ông: lúc cháu ốm đau, lúc không còn xổ số?...

- Ồ, tích lũy con ạ. Bố già cất giữ cho con. Yên tâm đi!

Thế là từ đó thằng-vé-số không phải nấu ăn nữa. Sáng, tối đều có cơm canh sẵn trên bàn. Hàng ngày nó móc túi dốc hết tiền cho ông chủ. Nhưng đến đêm thì lão nhân quái dị tới lục xét trong người nó. Trẻ con đã ngủ thì có ném ra đường cũng chẳng hay biết.

Ngày hôm sau, thằng-vé-số ngồi trước cổng ngơ ngẩn một mình. Nó nhìn bầu trời xám xịt. Nó nghĩ không ra. Gói tiền ba trăm bốn mươi bảy ngàn đồng loại bạc năm ngàn cuộn lại luồn trong lưng quần đã không cánh mà bay. Tiền này nó dành dụm trong hai năm bán vé số. Còn tiền hàng ngày kiếm được thì nó không giấu lão chủ nhà một xu. Nó vắt óc ra tìm lấy một sơ xuất nào đó mà lần ra đầu mối. Cuối cùng chỉ thấy đau nhức đầu.

Trưa hôm đó, lão nhân quái dị mua một đĩa lòng lợn, hai cái bánh tráng, một xị rượu.

Hai "bố con" ngồi một bàn.

- Con ạ! Con để tiền trong người nguy hiểm lắm. Bọn cướp giật như rươi!

- Dạ. Lâu nay cháu dành dụm được..

- Ăn đi! Số tiền ấy bố cất trong tủ kia.

- Dạ. Nó mừng rơn.

- Bố giữ cho con!

- Có lúc nào đó cháu muốn lấy lại được không?

- Không.

-...?

- Bố công khai tài chính đây: tiền hàng ngày của mi không đủ xài ba bữa ăn, trượt giá, hiểu không! Bố phải bù vào. Nhưng thôi! Bố cũng có ăn vào đó.

Thế là sạch trơn. Có đó, không đó. Nó sực nhớ câu hát, hay là đang nghe ai hát: "tập vồng vông tay không tay có. Tập vò vọ tay có tay không". Thằng-vé-số nuốt không trôi miếng lòng lợn. Nước mắt trào ra. Nó bỏ đũa.

Lại phải tăng cường đi. Mở rộng địa bàn. Khai thác triệt để tâm lý đám người nghèo cầu may. Moi nước mắt đám thị dân có trái tim nhạy cảm... Vài ngày sau, xấp vé số trong tay thằng-vé-số có một hàng số đúng như hàng số trúng thưởng giải đặc biệt hai mươi lăm triệu đồng. Thường thường những vé trúng thưởng trong ngày người bán vé được thân chủ "lì xì". Mà nó thì rất nhanh nhậy chạy tới nhà báo tin và chúc mừng. Hôm nay lòng dạ nó rối reng, ngớ ngẩn vì lưng túi không còn đồng tiền nào nữa. Nó vừa rao bán vé số, vừa cố lết khắp thành phố dòm ngó có nơi nào có thể gửi tấm thân tật nguyền trong mùa đông tới.

Thằng-vé-số tần ngần đứng trước khách sạn năm tầng mới khai trương: cờ xí, xe cộ, khách khứa, xác pháo... Đây, tất yếu không có chỗ cho thằng-vé-số rồi. Nó mon men tới một ngôi trường phổ thông: cửa sổ và mái ngói mới choang. Thằng-vé-số đứng nhìn, lòng nao nao buồn tủi. Đó gồm những học sinh cùng lứa nhưng áo quần bảnh bao, mặt tươi vui, thân hình khỏe mạnh. Cũng không phải chỗ cho nó!...

Thằng-vé-số lật cái thân hình oằn ẹo lướt đi.

Bỗng có tiếng quát nghe thật thanh đằng sau:

- Thằng-vé-số!

- Ê, số!!!

Nó quay lại nhìn thì một ông già từ trên chiếc xe hon-da nhảy xuống, chạy lại ôm choàng lấy nó. Thằng-vé-số hết hồn, muốn té sấp.

- Hà hà! Tao tìm mi khắp... rồi đó. Không có địa chỉ! Hà hà, đừng sợ! Ông trúng số đặc biệt đây, cái vé mua của mày hiểu chưa?

- A, a! Ông trúng... Ôi, cháu đại mừng cho ông! Nó nhảy tưng lên, người đổ xiêu đổ vẹo.

- Cười đi! Tao tìm mi để lì xì. Ông ta mở nắp túi áo bộ đội lôi ra một tập giấy bạc toàn tờ mười ngàn đồng mới cứng.

- Cho cháu. Tặng cháu thì đúng hơn. Xong. Ông già lạ lẫm ấy nhảy lên hon-đa, ôm lấy người lái rồi vẫy tay chào thằng-vé-số.

Nó khựng đi một lúc lâu, tay ôm giữ tập bạc giấy có chừng năm trăm ngàn. Cả người nó bắn run lên. Ôi! Một đời nó cật lực đi cật lực nói cũng không được chừng ấy.

Nó sực nhớ về cái ngôi nhà đổ nát. Nó lật cái thân oằn ẹo lướt đi. Không! Nó không đi về phía đó, nơi có cái lão chủ cho thuê cắt cổ và độc ác. Phải lánh cho thật xa cái nơi đã lột hết sạch chỗ tiền của nó.

Thằng-vé-số lận, nhét cuộn giấy bạc mới cứng vào ngực áo, vào cái lưng quần rộng thênh của nó. Nó tiếp tục đi. Nó lẩm nhẩm: "Có rồi không. Không rồi có. Nó không cần tính đi bao nhiêu cây số trong ngày. Chỉ một nỗi lo sợ đến khiếp đảm là mùa đông tới nơi rồi mà nó không biết ném cái thân tật nguyền, côi cút này vào đâu?

Huế, 2-1993
H.N.A
(TCSH57/09&10-1993)

 

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Mê cung (12/01/2024)