Truyện ngắn
Dòng chảy thời gian
08:27 | 26/07/2024

NGUYỄN SƠN HÀ

      Truyện ngắn dự thi 1993

Dòng chảy thời gian
Ảnh: Nam Bắc

Tôi nhìn quanh. Tiếng cô bé gọi the thé: Êu êu ra mà ăn cơm. Không một bóng con chó rách quê ta. Cũng không một bóng béc-giê giống Tây. Càng không thể là chó xồm Nhật bé tẹo mà tinh khôn. Khôn đến mức giá cao tới bốn, năm triệu bạc. Loại này thì ăn bằng đĩa quý, nằm lồng bàn màn tuyn và giường êm ghế nệm. Vậy thì cô bé gọi the thé con chó nào vậy? Vắng lặng quá xung quanh. Bóng dãy núi đá 99 ngọn phả lạnh hơi chiều xuống mái nhà thờ xóm nhỏ. Cạnh sân nhà thờ nổi lên ngôi mộ ông cha đạo theo kháng chiến có huân chương. Tháp nhà thờ: Tượng chúa Giê-Su chịu nạn trên cây thánh giá, từng giọt máu tươi đang nhỏ xuống. Nhà ai đang mở to buổi phát thanh nước ngoài bình luận về quyền con người. Sự tĩnh lặng buổi chiều xóm núi. “Êu, êu ra mà ăn”. Cô bé lại the thé giọng sốt ruột. Từ trong gian nhà cũi bây giờ mới có tiếng xích sắt kéo lê mặt đất. Một con người bị xích chân, bò lê ra. Anh ta xanh tái như người tù cầm cố, da bủng beo, nhiều nốt ghẻ lở. Gian nhà cũi tái xám màu đá, nửa nổi nửa chìm. Cô bé cúi vươn qua bức tường lửng chăng lưới sắt, đặt bát sành to trộn cơm cá và canh xuống nền gạch. Giọng trẻ con, cô bé ra lệnh:

- Ăn đi, đến giờ rồi,

Người bị xích nói uể oải:

- Để đấy, mặc anh.

Cô bé như được sổ lồng, ù té chạy đi chơi. Có tiếng nhai tóp tép. Không gian trở nên vắng lặng hơn trước. Gió núi ngày một to. Một vệt chim đen cứa vào bầu trời.

Bốc từng miếng cơm ở bát đút miệng, uể oải nhai, gục đầu nuốt, người bị xích như tự mình lắng nghe tiếng nhai của mình. Bóng tháp nhà thờ rơi nghiêng, bóng cây thánh giá đổ ập vào gian nhà nửa nổi nửa chìm. Anh ta xanh bung bủng, tóc húi trọc nham nhở. Người thanh niên ốm yếu thế này mà sao bà dì ghẻ lại bảo anh hung dữ như chó điên, hễ để sổng ra là đập phá hết, còn định chém cả bà nếu bà không chạy kịp. Bà phải thuê cánh dân quân xã liều chết xong lại trói anh rồi nhốt anh vào ngôi nhà cũi đó. Bà thừa một cái xích sắt đặc biệt dành cho con chồng. Bố anh thì hiền như đất, hiền và hèn quá đến mụ mị để cho vợ bé muốn làm gì thì làm. Bà ta là tay buôn xuyên các tỉnh, không nơi nào là không có mặt và kiếm tiền như rác. Bà đã rất hào phóng cho tiền cánh dân quân xã và quà cáp khá sộp cho chính quyền xã núi. Cho nên không thấy phản ứng gì ở đây trước việc biến người thành chó.

* * *

Tôi góp ý với bà chị ruột, là không nên đẩy con trai mình làm rể chỗ đó. Bà chị tôi không nghe vì coi tôi là "loại lý thuyết suông", suốt đời không một đồng xu dính túi. Chị đã cười, cái cười đầy hạt na đen ở hàm răng, có điều hàng hạt na ấy nham nhở vì ai đó ăn na không kỹ, còn để thịt na dính lại. Chị bảo là bà mẹ vợ tương lai của cháu Trực hứa cho tiền cháu ăn học nghề may, rồi sau này mở hiệu may cho vợ chồng cháu. Còn cậu..., cậu nói gì cũng hay, có điều, cậu giúp cháu tiền mua đầu máy khâu "con bướm" nhớ? Tôi chết đứng với lý thuyết ấy. Quả thật thời nay không có vàng bảo đảm cho lời nói thì xin đừng có nói.

Tôi nghĩ là cả bà thông gia tương lai ấy và chị ruột tôi đều ngoan đạo nên tôi liền đánh bạo nói:

- Chúa Giê-Su cũng nghèo mà lời Chúa dạy con chiên chúng ta vẫn tin.

Chị tôi vội làm dấu thánh giá rồi chửi tôi té tát:

- Cái đồ ngạo ngược dám nhắc tên Chúa, chết sẽ sa hỏa ngục đầy lửa diêm lửa sinh. Cậu biết một mà không biết hai, Chúa giàu có đến mức cả trời đất là của Chúa.

Tôi đỏ tai cãi cù nhằng:

- Nhưng Chúa cũng chết vì 30 đồng bạc trắng của quân dữ đã mua được tên Zu-đa, để tên này bán Chúa.

- Láo, cậu này láo quá, Chúa chết vì tội lỗi của tất cả chúng ta như tội ngạo ngược vừa rồi của cậu.

Chị tôi không thèm nói gì nữa, lim dim đọc kinh cầu Chúa tha tội cho tôi vừa mắc.

Và thế là tình cảm chị em tôi sứt mẻ. Tôi rời quê, lại về tỉnh rừng công tác.

* * *

Tình máu mủ không thể bỏ nhau được, một năm sau, nhớ quê tôi lại tìm đường về thăm quê. Thằng con bà chị đã lấy vợ. Vợ nó là em cái thằng bị xích ở xóm núi. Nó đưa vợ về thị xã mở hiệu may, đang phất. Việc của nó do sắp xếp của thằng anh cả nó đang học đại học trên Hà Nội, giờ đã ra trường về Vũng Tàu công tác rồi. Mẹ nó chỉ là người làm theo con cả, chứ chẳng có mưu mẹo gì.

Nó còn cho biết là anh vợ nó ở quê ven núi đã đỡ điên đi nhiều. Ông bà nhạc nó đang mua nhà ở thị xã để mở hiệu, đứng tên nó. Bà nhạc hứa là sau này ngôi nhà hiệu ấy sẽ cho vợ chồng nó. Nó đang đứng tên, lo gì. Quả thật là hồng phúc cho cháu tôi, nó được sa vào đúng "chĩnh gạo". Bà chị tôi cười răng hạt na hãy còn chưa hết đen tuyền một cách thỏa mãn. Bà nửa kín nửa hở cho biết: Nếu ông bà nhạc không lấy tên cháu thì không thể mua nhà ở thị xã được vì hộ tịch ông bà ấy trong quê. Thời đó dân quê ra sống ở tỉnh thành khó lắm, nên bà nhạc cháu Trực phải lập mưu, bước đầu mua cái nhà ở thị xã đã rồi sau tính tiếp.

Cháu Trực được như thế là bởi cháu có hộ tịch thị xã! Thì ra có những cái tưởng vô nghĩa, ở một thời điểm nào đó lại giá trị to lớn. Có điều, mình có biết chộp ngay lấy không? Bà xích con chồng tính kỹ và chị tôi cũng có tính theo. Nói cho đúng thì thằng con cả chị tôi đã vào Vũng Tàu công tác nó tính thế...

Mỗi lần về quê, vì là cậu ruột cháu Trực, tôi thường được bà nhạc cháu mời tiệc ở cái nhà hiệu sang trọng mới mua. Quả là tôi rất sợ bữa tiệc này. Bởi bữa đó bao giờ cũng có bày tràn mâm các đĩa rau, các loại rau rất khéo kiểu Hà Thành điểm hoa cắt bằng đu đủ, nhưng còn thịt cá thì xin hãy kiên trì thăm dò, may ra kiếm được miếng nhỏ xíu lẫn trong rừng rau xào nấu ấy. Chỉ đặc biệt trong bữa đó là MÓN LIẾC của bà chủ, nó vừa sắc, vừa khinh khỉnh hợm của, nhưng phải cô tìm vì bà chủ luôn luôn cúi mặt lúc tiếp chuyện với khách. Thỉnh thoảng bà ngửng lên liếc xéo ngang mặt khách. Tôi có cảm tưởng bị đứt mặt bởi lưỡi dao cạo quá sắc, nhưng khi sờ lên má thì may quá không thấy vết máu. Quả là cái liếc của bà nhạc cháu tôi thật sắc ngọt. Để bớt căng, tôi nhìn đôi mắt rất quê của ông nhạc cháu tôi. Sao mà hiền và đần đến thế. Tôi thương và mến ông. Giê-su-Ma lạy Chúa tôi! Tôi vội đưa tay lên làm dấu thánh giá mỗi lần được mời cơm như thế. Không gian như nồi thạch găng lạnh đá bị tiếng chuông nhà thờ rung lên sắt ra từng miếng. Đã đến giờ ngọ, ông bà nhạc cháu tôi ngừng đũa, đọc kinh cảm ơn Chúa. Bữa cơm kết thúc. Tôi vội vã ra về quên hỏi thằng con ông ấy với bà vợ trước giờ đã được cởi xích chưa?

Bóng xám của 99 ngọn núi đá đang đổ ập lên quê ông!

* * *

Tôi lại rời quê. Đi đâu? Quạ đất nào cũng đen. Bạc nước nào cũng trắng. Đi đâu cho thoát hai màu đó. Thôi thì tôi lại vào rừng.

Hình ảnh thằng người bị trói bằng dây xích chó da xanh bủng, đầu trọc lởm chởm tóc đâm lên trời và đôi mắt vừa cam chịu vừa uất chứa điên dại, cứ bám riết lấy tôi như một thứ dây trói ngày càng thiết chặt.

Tôi không chịu nổi nữa nên lại lần về quê, để cố tìm hiểu cho ra nhẽ.

Mới chưa đầy hai năm, thằng cháu tôi và bà nhạc nó đã xảy ra xô xát lớn. Chả là bây giờ ông bà nhạc đã vững chân ở thị xã, bà đã ngoại giao kỹ từ ông tổ trưởng khu phố đến công an hộ tịch và lên cao nữa. Vững chân rồi, bà liền giở giọng không cho cháu tôi cái nhà ở thị xã nữa. Thằng cháu tôi không chịu vì cái nhà đó lấy tên của nó để mua. Thế là nó dọn thẳng đến ở ngay gian chính giữa, để ông bà nhạc và em vợ phải lên gác ở. Nó đàng hoàng tiếp khách như một ông chủ. Bà nhạc liền lồng thách đách trôn lên. Ông nhạc và vợ nó không biết nói gì. Một đằng là vợ, một đằng là con rể. Một đằng là chồng, một đằng là mẹ đẻ. Hai người ấy bị dính lưỡi. Ngôi nhà như địa ngục. Bà chị tôi đã theo con cả chuyển vào Vũng Tàu rồi...

Cuối cùng bà nhạc phải dàn hòa. Bà cho cháu Trực sáu chỉ vàng và cái máy khâu con bướm cùng cửa hàng ở gần ga. Đổi lại, nó cho mẹ vợ cái tên để đứng làm chủ nhà đất. Giê-Su-Ma lạy Chúa tôi! Cuộc đời chắc thế là công bằng.

Boong! Chuông nhà thờ buổi trưa điểm đúng một dấu chấm than, nối tiếp theo hàng loạt dấu chấm lửng...

Trong hoàn cảnh ấy, tôi thoát được bị mời cơm, thoát được cái nguýt sắc như dao cạo của bà mẹ vợ cháu tôi, thoát được mâm cỗ hoa hòe hoa sói nhưng toàn rau là rau đến xanh lè của gia đình người đã xích trói con trai mình.

Cháu tôi đã lại dọn về ở cái quán thợ may chật chội nhưng mà tôi thấy thở được, chứ ở ngôi nhà lầu của ông bà nhạc nó thì tôi đến tắc thở. Trong một góc nhỏ như lỗ mũi, xung quanh chất đầy hàng quần áo, cháu tôi tâm sự:

- Cậu có con mắt tinh đời, đã nhìn ra tình huống ngay từ khi mẹ cháu sắp lấy vợ cho cháu. Nhưng cậu không can được vì túi cậu bao giờ cũng rỗng. Cháu cũng không cưỡng lại được sự sắp xếp mặc cả chặt chẽ của anh trai cháu. Bây giờ thì anh ấy đã yên phận ở Vũng Tàu, mặc em trai muốn ra sao thì ra. Mẹ cháu thì chỉ biết nghe anh cả. Thế là cháu thành gia thất. Mẹ cháu lại nghe theo anh ấy, bán nhà ở thị xã này rồi chuyển vào Vũng Tàu, chả là anh cháu tốt nghiệp đại học luật được cử vào đó công tác. Mẹ cháu có cho cháu một ít tiền bán nhà, còn lại tất cả dắt lưng vào trong đó để cho anh cháu "vay" kinh doanh đất. Nghe nói anh "trúng" lắm. Mẹ cháu không hề về lại quê thăm mồ mả ông bà nên không thấy cháu sống với ông bà nhạc "sung sướng" ra sao? Không bao giờ mẹ cháu thấy kết quả của việc mình đã làm. Bà lúc nào cũng sung sướng một cách vô tư và tin tưởng tuyệt đối vào anh cả cháu. Mẹ cháu sĩ diện, chăng gì bà cũng đã dựng vợ gả chồng cho các con đều nhà cửa đàng hoàng. Mấy ai lo cho con cái được như vậy?

Thằng cháu nhìn tôi rất lâu và hun hút... Thì ra thằng anh nó sắp xếp nên tất cả... Anh nó có con mắt "mới mẻ" của người có bằng cấp. Loại này sẽ phất lên như diều. Còn nó mới đang học dở lớp 12 đã phá ngang, lấy vợ, mở hiệu may, mà dám mâu thuẫn với anh trai có bằng cấp có việc làm Nhà nước.

Tôi nhìn kỹ cháu tôi: Nó vẫn có cái nhìn "hoắm" như thằng anh nó, chỉ có cái đầu gồ ghề sắc cạnh hơn anh trai nó, đầu cá trê. Nhìn kỹ thì thằng anh nó lại cá trê ở bên trong còn bên ngoài thì nhẵn lỳ, trơn nhớt, chui vào đâu cũng lọt.

Tôi chuyển câu chuyện:

- Thế bà nhạc đã cởi trói cho anh vợ cháu chưa?

- Cậu nói ai bị trói?

- …

- A, thằng cháu tôi a lên, nó đã nghĩ ra.

Thì ra cái điều "người trói người" đã như cơm bữa ở đây nên cháu tôi coi bình thường đến nỗi không nghĩ ngợi gì, đến Chúa còn bị đóng đanh hàng hai ngàn năm nay mà ngày thường mấy ai đã nhớ tới? Và tôi không khỏi không nghĩ, vì buôn bán giàu có mà bà nhạc cháu tôi mới có thể thuê được người trói con chồng vào cũi. Khổ cho thằng bé.

- A, cậu hỏi chuyện anh Nhịn cháu chứ gì?

Bây giờ tôi mới biết con người bị trói ấy tên là Nhịn.

- Cởi trói rồi, thằng cháu Trực khoe. Bà nhạc cháu sợ ngôi nhà trong quê bị phá nên mới nghĩ ra cái mẹo cởi trói.

- Sao bảo nếu cởi trói cho Nhịn nó sẽ phá nhà, chém người.

Thằng Trực dường như đã quên tịt câu chuyện do mẹ vợ thêu dệt. Bây giờ mới nhớ ra, nó cười:

- Chịu cậu, cậu nhớ dai thật. Đó là cái mưu của bà nhạc cháu. Sở dĩ bà làm được như vậy vì bà có nhiều tiền tung ra mua tất cả. Đến cháu lúc đó cũng tưởng anh Nhịn điên thật.

- Thế mà lại nhắm mắt à? Làng đó không còn ai nghĩ được lẽ phải nữa à?

- Nghĩ thì nhiều người có nghĩ nhưng... cũng như cậu ấy, cậu đã tận mắt thấy anh Nhịn cháu bị xích. Vậy cậu đã làm được gì?

Tôi cũng đành cứng họng.

Thằng cháu không muốn làm ngượng mặt cậu nên nói tiếp:

- Cái thời ông bà nhạc cháu ở trong quê xóm núi đá ấy mà thả anh Nhịn ra thì do uất ức quá có khi anh ấy chém chết người cũng nên. Nhưng bây giờ ông bà nhạc cháu đã ở tận thị xã, đã vững chân rồi, ông bà lại nghĩ khác. Bà nhạc cần người trông nom ngôi nhà trong quê kẻo hàng xóm ghét bỏ mẹ vợ cháu sẽ phá hết. Của một đồng tiền chứ ít gì. Bà nhạc cháu thuê một bác sĩ thần kinh, rỉ tai anh ta những gì cháu không được biết. Anh bác sĩ liền vào khám bệnh cho anh Nhịn cháu. Dần dà anh cháu nghe ra. Bác sĩ ấy liền thả anh Nhịn, đưa anh nhiều quà cáp... Từ đó anh chăm chỉ làm ăn, lại siêng đi lễ nhà thờ. Gần đây anh đã khỏi hẳn thần kinh và đã lấy vợ. Bố mẹ vợ cháu đã hứa cho anh Nhị cái nhà ở quê đó. Làng xóm thương anh Nhịn cháu nên không đụng đến một cái cây, một viên ngói. Cũng như trước kia, làng xóm vẫn chẳng ai nói sao.

Còn với tôi thì thấy cái gì cũng có lý cả khi người ta đã có vàng bảo đảm. Còn nếu tốt như Chúa thì bao giờ cũng bị đóng đanh thập giá.

* * *

Tôi từ giã quê hương, lại về nghiên cứu cây và con trong rừng Cúc Phương. Cháu Trực cho biết là nó sẽ đưa cả vợ con vào Vũng Tàu ở với mẹ và anh nó. Nó sẽ mở ra một trang làm ăn mới ở trong ấy. Bao giờ tôi lại được gặp cháu Trực? Bao giờ tôi còn được gặp chị tôi?

Bà nhạc cháu ở quê thì chắc không bao giờ tôi gặp lại nữa. Tôi sợ cái mặt luôn cúi gầm và cái liếc xéo ngang sắc như dao cạo cùng bữa cỗ đầy rau của bà. Tôi chỉ nhớ và thương anh Nhịn bị xích bao năm, thương ông nhạc cháu quá hiền và bị vợ bé xỏ mũi.

Tôi nhớ cháu Trực dô trán với cái đầu cá trê và cái nhìn hoăm hoắm của cháu. Tôi không bao giờ kể xong chuyện cháu, vì Trực đã vào sống trong Nam.

Không bao giờ kể hết câu chuyện vì nó ở trong dòng thời gian vô hạn mà tuổi đời của mình thì hữu hạn. Nếu tôi hư cấu câu chuyện như nghề văn đã dạy thì mới có thể gom chuyện cho gọn được. Tôi chỉ làm theo tự nhiên của dòng đời.

Vả lại, công việc chính của tôi lại ở khu rừng nguyên sinh Cúc Phương với bao cây và bao con. Tạm biệt quê hương, tôi lại đi vào với đôi VOỌC QUẦN ĐÙI TRẮNG đây. Loại voọc này rất hiếm và quý nó được nhà động vật học người Pháp phát hiện thấy ở Việt Nam từ xưa, bây giờ nó được mang tên nhà bác học đó, con Voọc Đờ-La-Cou-Ri.

* * *

Con Voọc-quần-đùi-trắng thuộc họ vượn, lông đen trên đầu chóp lên như mào mũ miện vua chúa. Lông dưới háng và đùi lại trắng y hệt quần đùi trắng. Đuôi đen dài hơn thân. Thân hình nó là câu chuyện nghịch lý đến nực cười. Bởi vì đã là vua chúa mà còn phải mặc quần đùi ra ngoài. Người xứ Tây có câu chuyện cổ là "ông vua cởi truồng" buồn cười, có phải vì thế mà nhà khoa học Đức đã ở lỳ Cúc Phương nhiều năm để nghiên cứu cái giống Voọc này không? Loài Voọc này như thế đã từ ngàn năm, chỉ ăn lá, không ăn cơm nắm đỗ đen như giống khỉ ở Đảo Rều Quảng Ninh.

Còn tôi, tôi thì nghiên cứu các giống cây ngàn năm ở đây. Như cây Chò Chỉ ngàn năm cao hơn 40m có thân ở gốc bị chẻ đôi, đường kính tới 4m. Cây vù-hương cao 42m đường kính 2,5m. Cây sấu cao 45m đường kính 1,5m. Đặc biệt có cây-đa-bóp-cổ. Sao cái tên cây đa lại như vậy? Nó bóp cổ ai hay bị ai bóp cổ? Ở quê tôi xưa có cây đa treo cổ, bởi vì có người treo cổ tự tử ở đó. Đêm tối giữa rừng cây thâm u, nghĩ lại chuyện cây đa treo cổ quê tôi mà sởn gai ốc. Bỗng nổi gió, nghe như có tiếng hú hồn từ động-người-xưa vọng ra:

Dòng thời gian cuộn chảy
Oà khắp núi cùng rừng
Cuốn băng cây và con
Cuộn xoáy TRẦM LUÂN LUẬT

Tiếng hú từ hang động. Gió xào xạc rừng cây. Côn trùng rên rỉ. Các loài chim hòa tấu...

Từ trong rừng âm u này tôi không nhận được thư của cháu Trực ở Vũng Tàu gửi ra. Thôi, việc của con người thì vẫn thế dù là Bắc hay Nam, dù là Tây hay Đông, chỉ có vật chất khác nhau mà thôi.

Còn việc của cây rừng là việc của tôi. Tôi đặt giả thiết cho Cây-đa-bóp-cổ ở Cúc Phương như thế này, liệu có bị bác bỏ không:

Từ xa xưa, trong khu rừng rậm, có một con chim xanh vớ được quả đa chín đỏ đâu đó, bay về đậu trên ngọn cây VÔ DANH. Chim đánh rơi hạt đa trên ngọn cây VÔ DANH có chất mùi lưu lại lâu năm. Thế rồi hạt đa nẩy mầm trên ngọn cây. Lại không biết bao năm, tháng nữa, cây đa lớn bổng lên, xòe lá, thả rễ dần xuồng đất. Chùm rễ phần xuống đất phát triển thành thân cây đa, phần khác thì ôm bám thân cây mà nó sống nhờ. Những rễ này siết chặt, trói nghiến thân cây Vô-danh. Siết ngày càng sâu vào thịt cây mà nó sống nhờ. Năm tháng qua đi, nó bóp chết cây Vô-danh lúc nào không biết.

Tôi làm việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, tức là bảo vệ cây và con. Tôi chỉ thấy cây bóp cổ cây, con xích trói con.

Thế thì tôi bảo vệ Cây-đa-bóp-cổ hay cây bị bóp cổ? Bảo vệ con Voọc-quần-đùi-trắng, hay con người?

Bảo vệ cậu Nhịn xanh bủng, anh rể cháu Trực? Hay bảo vệ bà dì ghẻ gườm gườm nhìn xuống?

Những suy nghĩ của tôi chỉ là suy nghĩ suông, khi mà túi tôi lép kẹp như đôi vú của bà già ốm yếu xệ thõng xuống, vật vật đập vào cái ngực không sinh khí...

Ngày 22 tháng 4 năm 1993
N.S.H
(TCSH57/09&10-1993)

 

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Các bài đã đăng
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)