Truyện ngắn
Hai người cha
14:17 | 16/08/2024

LÊ NGUYÊN NGỮ
          Truyện ngắn dự thi 1993

Jack quỳ xuống trước mặt tôi và thằng con, chảy nước mắt. Mái tóc nâu xỉn tuổi tác của anh ta nhàu rối vào ngực áo thằng Chiến, con tôi.

Hai người cha
Minh họa: Phạm Đại

Hai bàn tay đầy lông, một choàng ghì qua vai, một ôm lấy đùi thằng Chiến. Còn Chiến thì đứng chết trân, ngỡ ngàng. Nó còn quá nhỏ cho những xúc động lớn lao như vậy! Giữa im lặng bao trùm ba người là tiếng kêu như nấc cụt trong cổ họng của Jack. Từng cơn và lặng lẽ.

Tôi đứng lên và bước trái ra ngoài, để mặc hai người với xúc động cha - con. Chẳng phải đây là lần đầu tiên tôi thấy một người Mỹ bằng xương, bằng thịt khóc, song nhìn vẫn kỳ kỳ thế nào! Cảm giác cứ xót xa giống như một người nghèo đứng trước cái khóc của anh bá hộ. Chẳng thà mình khóc, đằng này lại là... một người Mỹ! Trước khi bước ra ngoài, tôi bắt gặp ánh nhìn hoảng hốt, van lơn của thằng Chiến, mười bốn tuổi, con tôi, phải, con tôi mà đồng thời cũng là con của... Jack. Mặc nó, dù sao đây cũng là dịp phụ tử trùng phùng hiếm hoi. Lúc khép lại cửa cổng, mấy đứa nhỏ hàng xóm tò mò ù té chạy, tôi mới nhớ ra là cha con nó sẽ chẳng tâm sự gì được với nhau vì ngôn ngữ bất đồng...!!. "Tình máu mủ sẽ giúp hai người vượt qua được khoảng cách đó" - tôi chậc lưỡi nghĩ vậy và tìm cách nấn ná lại lâu hơn bên mấy khóm hoa hồng.

Hôm đám cưới chúng tôi, cách đây trên mười lăm năm, cũng là hôm Jack thuyên chuyển đến toán cố vấn A.237 lực lượng đặc biệt Mỹ. Khi đám cưới còn mươi phút nữa nhập tiệc thì chiếc si-núch từ trên không chém gió xà xuống. Thế là khách mời dự ngoài quan chức biệt kích, toán cố vấn Mỹ ra, giờ lại thêm đại tá Erward - chỉ huy phó B.23 - phi hành đoàn chiếc si-núch và Jack từ Buôn Ma Thuột đến.

Tiệc cưới bỗng trở nên long trọng và vui hơn bởi cuộc viếng thăm đầy bất ngờ này. Nhất là với sự có mặt của Jack. Jack và con khỉ tên Stonny của anh - quà cưới bất ngờ vừa tặng vợ chồng chúng tôi - là hai hoạt náo viên tuyệt vời trong tiệc cưới. Tôi khiêu vũ không sành lắm nên trong suốt cuộc vui, Jack là người nhảy nhiều nhất với Hà, vợ tôi. Cùng nhảy với hai người là con khỉ vừa quay cuồng, vừa làm trò trên cổ Jack. Tiệc cưới kéo dài đến quá nửa đêm, làm bay đi hơn hai phần ba số rượu dự trữ dành cho toán cố vấn Mỹ.

Sau lễ cưới, vợ chồng tôi được nghỉ phép bảy ngày. Đường sá lúc ấy lại gián đoạn và mất an ninh (!), nên chúng tôi về hưởng tuần trăng mật luôn ở nhà Hà, một làng nằm sát căn cứ trại. Vả lại, tôi cũng như Hà chỉ còn một mẹ già, nhà ở vùng "xôi đậu", cách xa trên năm cây số, khó đưa cô dâu về giới thiệu. Hết tuần lễ đầy hạnh phúc của thằng con trai trước đó chưa hề biết thế nào là đàn bà, tôi hể hả đưa Hà vào trại. Vào đến đơn vị, tôi chưa kịp quen lại với công việc thì một đợt hành quân dài ngày ập tới. Thắng, thông dịch viên tác chiến, bệnh đột xuất, tôi phải đi thay. Tôi bằng lòng ngay vì dù gì mình cũng vừa trả phép. Hà đã quyến luyến tiễn tôi ra tận chân càng chiếc trực thăng.

Gần tháng trường lội rừng, vượt núi ở Trường Sơn thì tôi nhận được tin mẹ mất. Thắng đã khỏi bệnh - Jack bấy giờ là chỉ huy phó toán cố vấn - cho anh lên thay để tôi về chịu tang. Tiện đường bay của chiếc trực thăng ghé qua trại, Jack xin cho tôi "quá giang" về nhà. Hà được tin cũng chạy ra bãi đáp. Chúng tôi thăm hỏi nhau mấy phút, tiếng được tiếng mất dưới quầng cánh quạt quay ầm ào.

Tôi về đến quê thì đã "bảy ngày" của mẹ. Bà chết vì đạn cối trong lúc hai bên đang giao tranh. Mẹ tôi và cả chính tôi cũng không biết được bà chết là do súng của bên nào...

Từ sau vụ giúp tôi về thọ tang đó, vợ chồng tôi rất thân thiết với Jack một cách đặc biệt. Jack còn tiếp tục là ân nhân của chúng tôi qua nhiều vụ giúp đỡ rất tận tình khác, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Jack lớn hơn tôi năm tuổi nên vợ chồng tôi xem anh như anh của mình. Những lúc bù khú tâm sự, Jack thường hay kể về nguồn gốc da đỏ của anh và về bang Boston quê quán, nơi mà sự kỳ thị chủng tộc còn khá là nặng nề giữa những người da trắng và da đỏ bản xứ; và về người vợ vừa gửi giấy ly dị sang xin chữ ký của anh... Ngoài giờ giấc làm việc hành quân ra, ba chúng tôi - cả con khỉ Stonny nữa là bốn - đã trải qua những ngày vui vẻ nhất. Dường như Jack thân chúng tôi hơn là với những người da trắng, tuy cùng tổ quốc song đầy kỳ thị của anh. Chúng tôi tiệc tùng và săn đón nhau luôn. Riêng tôi lại vô cùng hạnh phúc vì Hà đã có thai. Tôi sắp được làm cha. Ôi, thật là tuyệt vời! Ngoài hai tôi, Stonny có lẽ cũng linh cảm được sự kỳ diệu này, nên đã tỏ ra quyến luyến Hà hơn.

Giữa những ngày đầy hạnh phúc ấy thì đùng một cái: Trại biệt kích Mỹ được đồng hóa sang địa phương quân và Jack về nước sớm hơn một năm so với hạn định. Trước sự "tan đàn, xẻ nghé" đột ngột này, ba chúng tôi lại càng thấy quyến luyến nhau hơn. Vợ chồng tôi quyết định tặng lại Jack con Stonny, cho anh sau này có cái để mà nhớ đến chúng tôi, khi về bên kia Thái Bình Dương.

Ngày Jack về nước, bốn chúng tôi đã ngậm ngùi chia tay nhau nơi sân bay. Jack chúc chúng tôi ở lại tiếp tục hạnh phúc và Hà, rồi thì mẹ tròn con vuông. Hà đã ôm chầm lấy con khỉ khóc như mưa gió trên cổng ra. Tôi phải giằng đến mấy lần, Stonny mới thoát đi với Jack được.

Khi Jack về nước được ít lâu thì Hà băng huyết vào tháng thai thứ bảy, phải cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Do thai nhi bị rau tiền đạo và Hà lại uống nhầm thuốc sao đó, nên dù cố gắng đến mấy, các bác sĩ sản khoa cũng chỉ cứu được có mỗi đứa con.

Ở đơn vị hay tin về, chưa kịp cất mũ, tôi đã phải lao ngay vào việc an táng Hà; rồi đi, về cứ như con thoi giữa nhà và phòng dưỡng nhi khoa sản. Tưởng như tôi không còn hơi sức để mà đau buồn nữa. Ngày về lại đơn vị, tôi đến phòng dưỡng nhi thăm con lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng để lên đường. Ôi, đứa con trai của tôi, vừa chào đời cũng vừa không còn trông thấy mặt mẹ!

Cô y tá phòng dưỡng nhi đưa thằng bé quấn trong bọc khăn lông cho tôi. Khuôn mặt xa lạ của đứa bé hiện ra nơi cuộn khăn khiến tôi rụng rời! Nó hoàn toàn là một thằng bé mắt xanh, mũi lõ! Trời, có phải là con tôi đây không?! Cô y tá thương hại nhìn tôi rồi quay đi. Con của tôi vầy đây ư? Câu hỏi lại một lần nữa vang lên trong lòng tôi, cay đắng. Uất hờn dâng lên mỗi lúc một ứ tràn, không biết trút về đâu. Tất nhiên không thể hận thù gì Hà, người đàn bà vừa nằm dưới ba tấc đất sau một cơn vượt cạn hiểm nghèo. Lại càng không thể với thằng bé, nó rõ ràng là vô tội. Tôi đau khổ ngắm kỹ khuôn mặt của sinh vật bé bỏng trong tay mình. Jack, Touch, Stevenson, King, Douglas...? Ai? Thằng nào trong toán cố vấn Mỹ đã "ngụy trang" lại "trái mìn" giữa hạnh phúc chúng tôi? Tôi không quen nhận xét mặt trẻ sơ sinh, song có lẽ trên hết vẫn là Jack với các quan hệ cùng vợ chồng tôi trong những ngày còn lại ở trại biệt kích. Tôi rên khẽ và nhớ lại sự bi lụy thái quá của Hà với con khỉ, khi Jack về nước. Trời ơi, đúng rồi! Con khỉ chỉ là nhịp cầu thông minh, khôn khéo giữa Jack và Hà, Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ... Tôi và Hà đã ngu muội rước con vật hay làm theo và đầy phản trắc này vào ngôi nhà hạnh phúc của mình, ngay từ điệu luân vũ đầu tiên trong tiệc cưới. Tôi làm sao biết được Jack đã làm trò khỉ gì với Hà trong suốt tháng rưỡi trời mình đi hành quân và về chịu tang mẹ. Jack, Hà và thằng bé ơi! Phải chi nó giống con Stonny có lẽ còn đỡ khổ cho tôi hơn nhiều. Từ người thằng bé, hơi ấm qua lớp khăn lông liên tiếp lan truyền sang ngực tôi. Thấy tôi động đậy, mắt nó hấp háy, đoạn toét miệng cười ra. Ôi nụ cười ngây thơ và tin cậy biết bao với người mà hàng mấy tháng trời, nhất là gần đây đã lao tâm, khổ tứ vì nó. Và, đâu phải vô cớ mà tạo hoá đã ban cho mọi loài bắt đầu vào đời bằng sự bé bỏng và những cái cười thơ ngây như vậy.

Nụ cười ngây thơ và đầy tin cậy của thằng bé đã ám ảnh, giằng xé tôi suốt nhiều ngày ở đơn vị, đã níu kéo tôi về thăm lại nó nhiều lần. Dù mỗi lần về là một lần vất vả như người phụ nữ có con mọn chính tông. Hết đẹn đến sài, rồi trăm thứ "bà chằng” nóng tướt của trẻ con. May là có bà ngoại nhiều kinh nghiệm trông nom. Theo sự ra đời và nuôi dưỡng nó, tất cả tiền bạc, của cải tôi và Hà dành dụm trước đây đều "đội nón" ra đi... Sau dần, cùng với sự cực khổ là sự mến chân mến tay. Giờ thì không những nụ cười, tiếng khóc, mà ngay cả đến chăn chiếu khai rền mùi nước đái của nó cũng níu kéo tôi nữa. Tất cả biến thành nỗi nhớ khiến nó không thể tách rời tôi. Tất cả, nó là con tôi hay còn hơn thế nữa. “Trâu ai thì trâu, miễn là nghé của mình, phương chi, trâu bây giờ vĩnh viễn không còn là của bất cứ ai trên cõi đời này nữa”. Sự khao khát làm cha đã khiến tất cả tình cảm tôi với thằng bé phải nhảy múa, hân hoan.

Thằng bé lẫy, bò, đi, chạy.. Thời gian vùn vụt trôi và quấn cha con tôi vào một tình thương kỳ lạ. Sau đó ít lâu, tôi tìm cách huỷ hoại thân thể, hòng giải ngũ để luôn được ở gần và chăm sóc nó. Lại nữa, bà ngoại thằng bé lúc này đã già, cặp mắt gần như không còn trông thấy chi. Chẳng may cho tôi, do không lường được chất nổ và cách đặt nó vào giấy (còn dám hỏi ai trong những việc như vậy nữa!); nó công phá mạnh cộng với sự nhiễm trùng vì tản thương chậm, đã cướp đi của tôi một phần phụ chi dưới trái. Thay vì chỉ chừng ngón chân cái là được giải ngũ. Tôi lại về với hai bà cháu bằng đôi nạng gỗ trên tay.

Kế đến miền Nam giải phóng, rồi mẹ Hà qua đời. Trước lúc ra đi, mẹ Hà đã cầm tay thằng Chiến áp vào nạng gỗ của tôi, thều thào: "Mẹ... cám ơn con đã ăn ở độ lượng, dù tật nguyền nhưng cũng đã hết lòng cưu mang hai bà cháu bấy nay. Mẹ đi, chúc... hai cha con ở lại mạnh giỏi, nuôi nhau...". Còn biết nói gì hơn, lúc ấy, tôi chới với trên đôi nạng gỗ để khỏi đổ ập lên người bà.

Rồi những biến cố trọng đại của đất nước, của đời tôi cũng qua đi. Hai cha con tôi lần hồi nuôi nhau bằng đủ thứ việc làm, cho đến ngày gặp Thắng. Anh cho tiền mua xe chở nước, hai cha con đạp đi đổ dạo. Ngày trước, khi ở trại biệt kích giải thể, Thắng vẫn làm cùng tôi. Lúc miền Nam được giải phóng, anh chạy đi Mỹ. Giờ lại về, Việt kiều. "Một hôm trên đường cao tốc mười hai, tao ghé trạm Ba đổ xăng thì bất ngờ gặp Jack. Hắn đã xin giải ngũ và hiện bán xăng thuê ở đấy". "Sao tệ vậy?" tôi hỏi. "Tệ gì nữa! Da đỏ, không nghề nghiệp, không gia đình, thân thích, hắn được vậy cũng đã là may rồi. Nó hỏi thăm nhiều về mày và Hà. Tao sực nhớ đến vụ thằng Chiến, định chửi Jack một trận; song thấy tình cảnh nó thảm quá nên tao chỉ trách sơ sơ. Chuyện đã qua rồi thì cho qua luôn, phải không mày?". Quả thật, qua thời gian và nhất là qua thằng bé, tôi đã "bình thường hoá" với hắn từ lâu. Trong lòng tôi giờ không còn thù hận gì Jack nữa. Thấy tôi nín thinh, Thắng tiếp: "Tao nói sang năm về Việt Nam, có nhắn gì không? Jack bảo về Việt Nam, tao cố gắng tìm cha con mày và nói rằng con Stonny đã chết vì không chịu được lạnh của nước Mỹ. Nếu mày và đứa con còn sống, Jack sẽ xin vào hội Hồng Thập Tự làm, rồi sẽ tìm cách sang thăm..."

Thế rồi mấy năm qua thư từ, Jack đã tìm đến cha con tôi theo địa chỉ Thắng cho. Con khỉ Stonny, biểu tượng của sự lừa dối đã chết, tôi thấy không lý gì ngăn cản cuộc viếng thăm đầy tình nghĩa của Jack.

* * *

"Pha thơ...pha thơ là cha, bố. Pha thơ, pha dơ, thơ, dơ..."

Thằng Chiến ngước mặt, cắn nhe hai hàm răng ra đọc như đứa trẻ bị ngứa nướu. Trông nó chẳng... Mỹ chút nào cả, dù năm mươi phần trăm trong người là máu Mỹ thứ thiệt.

Đêm đã khuya, cùng với tiếng học phát âm ngọng nghịu của thằng con, tôi cũng quai búa đóng nốt cây đinh, cho chiếc giày "ăn chết" vào bàn chân giả. Sau lần Jack ghé thăm con và tâm sự với tôi; và qua nhiều đêm đắn đo, dằn vặt, cuối cùng tôi đã đồng ý cho thằng Chiến đi Mỹ, theo cha. Hoàn cảnh cô đơn ở Mỹ mà Jack kể đã làm tôi động lòng. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, tôi thấy mình không lý gì chia cắt tình cha con của Jack. Thằng bé thoạt đầu đã không chịu, sau nghe tôi thuyết riết cũng bùi tai, vâng lời. Sáng nay, do đạp xe nước thay cho nó đi bỏ thư, gửi Jack, bàn giấy đã xoay ngang cổ chân giả, nên tôi phải vặn ra, đóng lại. Khác với trước, lần này thì tôi đóng "chết" luôn bàn vào cổ chân. Mai đây, thằng bé về với Jack rồi, tôi chỉ đạp xe một mình, chứ không còn kẻ đạp, người đẩy luân phiên như trước nữa. Bởi vậy, chân cẳng phải lo cho chắc chắn.

Cặm cụi một lúc với cái chân, tôi đứng lên mang thử. Bàn chân giờ đã hết chìa ra "chữ bát" nhưng lại khoá "nghiêm chỉnh" quá. Để bàn thẳng thớm kiểu này, điệu đi sẽ cà dợm, cà giựt như kim giây đồng hồ điện nhảy, kỳ lắm! Tôi đành phải tháo ra, đóng lại.

Pha-thơ, má-thơ, nô, dé-sờ... "Chiến xuống cầm kềm kẹp chặt cây đinh này giùm ba, con!". Thằng bé bỏ dở câu học, tụt xuống bộ ván. Sau bốn năm búa trầy trật, cây đinh mới chịu lút vào. "Ít bữa con đi rồi, chân hư lại vầy, ai cầm kềm cho ba đóng, hở ba?" - Thằng bé thỏ thẻ hỏi. "Ờ... ừ... hàng xóm! Ba sẽ nhờ tụi thằng Hải, thằng Tèo... bạn con đó". Im lặng một lúc lâu, không thấy nó nói gì, tôi ngẩng lên. Thằng bé bấy giờ đang trân trân ngó tôi qua màn nước mắt. Bắt gặp ba nhìn, nó nhào ôm vào tôi và oà lên, nức nở: "Không, không, ba của con! Con không đi đâu hết. không học tiếng Mỹ nữa. Con chỉ ở lại Việt Nam cầm kềm giúp ba thôi...!" Tôi bỗng cay tràn cả sống mũi trước xúc động đột ngột của thằng bé, vội ôm ngang lưng nó, vỗ về: "Nín đi con. Nín mất! Ba Jack cũng là ba của con đấy thôi!". "Không, không phải!" - Thằng bé la lên và càng nức nở hơn: "Ba mới là ba của con!". Tôi lật đật đứng dậy trên một chân của mình và dìu nó ngồi xuống bộ ván: “Ừ, thì ba của con... Khuya rồi, con nín và ngủ đi. Mai hẵng tính". Cơn thổn thức của thằng bé dịu dần. Nó đòi tôi phải nằm xuống ngủ cùng lúc với nó, mới chịu.

Giờ thì thằng bé đã ngủ say với những vệt nước mắt còn hoen một bên má. Tôi chuồi xuống ván, khẽ dọn dẹp lại đồ lề. Vừa dọn dẹp, tôi lại vừa nghĩ đến nó, đến Jack và khoảng cách xa vời của đôi bờ Thái Bình Dương. Giá hai nước sớm có quan hệ bình thường hay gần gũi, có lẽ ba người chúng tôi sẽ đỡ khổ hơn.

“Nô... Nô... Không... không... ba ơi!”

Câu nói của thằng bé trong mơ chìm vào những tiếng nấc nhẹ và thưa dần. Dù trong mơ, chọn ai trong hai chúng tôi vẫn là quyền quyết định của nó. Tôi tuy tàn tật song được đùm bọc bởi xóm giềng; còn Jack sẽ sống ra sao, khi anh nguyên lành nhưng bị phân chia giữa một trời kỳ thị?

Một mình trong quầng sáng tù mù của ngọn đèn dầu, như từ giữa nỗi cô đơn sau này xa thằng bé, tôi lại nghĩ lung về hoàn cảnh của Jack...

L.N.N
(TCSH58/11&12-1993)

 

 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Các bài đã đăng
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)