Truyện ngắn
Cõi ấy có nghìn trùng
14:32 | 25/09/2024

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

   Truyện ngắn dự thi 1993

Cõi ấy có nghìn trùng
Minh họa: Vĩnh Phối

Chuyến xe đò khởi hành từ bến xe Văn Thánh đi Long Khánh chật ních người. Tôi cố tình ngồi ở mép ngoài để nhìn cho rõ những địa danh khi xe đi qua để còn kêu bác tài dừng lại. Nhưng cuối cùng tôi cũng bị đẩy vào tận trong góc, chèn giữa một đống bao bì và mồ hôi người. Đôi mắt tôi bị giới hạn bởi gương mặt già nua của người đàn bà Bắc trước mặt, bà ta cứ nhẩn nha nhai trầu. Nơi đây tôi không thể nào tìm ra một khuôn mặt quen thuộc. Vì giữa mấy triệu người của cái thành phố công nghiệp này tôi lại chỉ có một người quen. Mà người quen đó thì tôi đang tìm đến.

Tôi nhắm mắt lại. Ly cà phê uống vội buổi sáng giờ lại tạo cho chiếc bao tử một cảm giác cồn cào khó chịu. Chiều hôm qua, từ Nha Trang vào đây, tôi mới chỉ ăn một ổ bánh mì thịt. Tánh tôi từ xưa đến giờ là vậy, rất ngại vào hàng quán một mình, cho nên mỗi lần đi xa gần như chỉ biết ăn bánh mì. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn không thể hình dung ra nổi tòa "lâu đài tình ái" của Lan ở đâu trên bản đồ Việt Nam? Tôi cũng không hiểu động cơ nào lại thúc đẩy mình lên đường như thế này! Nhưng dù muốn dù không, tôi lại cứ lần lượt leo lên những chuyến xe, cái địa chỉ: "Uốn tóc Mai Lan" là một địa chỉ rất mơ hồ. Cuộc sống cứ đẩy đưa con người trôi đi, như sóng biển đẩy đưa những rong rêu - rồi cứ thế mà sống, mà nói, mà cười.

Lan lấy chồng vào một mùa đông - lấy chàng thanh niên đã đeo đuổi Lan suốt mười năm ròng vẫn không nhận được một cái liếc mắt của em. Giữa đêm mưa đổ, chuyến tàu vượt biên ở Rạch Giá không thành. Lan lếch tha lếch thếch trở lại thành phố với một nỗi tuyệt vọng vô bờ. Hỷ đã tìm đến, quỳ xuống chân Lan. Rồi cuộc đời Lan cứ thế mà trôi dạt.

Đôi lần chúng tôi gặp nhau. Những lần gặp nhau không tình cờ ấy đã khiến tôi tự đặt câu hỏi có phải vì tôi mà Lan đã lấy người mình không yêu? Chúng tôi là đôi bạn học lớp chính trị kinh doanh chung nhóm, chung đường về. Thỉnh thoảng lại rủ nhau lang thang dọc sân Cù hoặc vào Ngọc Hiệp xem phim. Chúng tôi sống vô tư, nếu không nói là rất vô tư và chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ tán tỉnh Lan.

Rồi tôi trở về Nha Trang sau ngày giải phóng. Ba của Lan là thiếu tá cảnh sát nên phải đi tập trung cải tạo. Cả gia đình Lan rời bỏ Đà Lạt vào Sài Gòn, rồi chúng tôi mất tin nhau. Đúng hơn là tôi không nhớ tới Lan.

Tôi lấy vợ vào cuối mùa hạ, đó là một cô bạn học ngày xưa. Với chúng tôi có biết bao nhiêu là kỷ niệm. Tôi quyết định sẽ đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật.

Tôi nhớ đêm trở lại Đà Lạt sau năm năm xa cách, khắp các dốc đồi đều tỏa hương thơm. Tôi và Hạ bước vào một nhà hàng ở đường Yersin. Ở giữa những sang trọng ấy, hai chúng tôi nâng ly uống cạn, ly Rhum có trái sơ-ri đỏ mọng - thì tôi bắt gặp một ánh mắt quen - đúng ra là ánh mắt Lan. Lan đang ngồi khuất ở góc tối với một thanh niên. Tôi nhíu mày, nhìn - nhưng giữa những âm thanh lướt thướt của một bản nhạc hòa tấu đang lan tỏa và cái hạnh phúc đang cảm nhận đã làm cho tôi không nhớ kịp. Khi tôi và Hạ ra về, trong vùng sáng của những ánh đèn, Lan đã lướt qua. Cái cổ trắng ngần với một nốt ruồi son đã làm tôi giật mình.

Đến cuối cùng trước khi rời Đà Lạt về Nha Trang cùng Hạ, tôi tìm đến nhà Lan. Ngôi nhà với những luống hoa đã được xới lên để trồng rau. Ánh đèn mù mù và Lan đang ngồi trên chiếc ghế trong góc tối với một con chó nhỏ. Lan ngước mắt nhìn lên:

- Thì ra anh vẫn nhớ!

- Anh đến thử thôi. Hôm qua anh không nhận ra được.

- Khi hạnh phúc người ta dễ bị mù.

- Lan ở đây một mình à?

- Và một đôi đũa gãy, một con chó và một vùng bóng tối.

- Cả nhà đâu?

Em mới lên đây lại mấy ngày, xem thử gia tài còn gì không và để đi thăm nuôi ba. Đêm rồi...

Trong bóng tối mờ mờ, Lan bẻ đôi một củ khoai mời tôi ăn một nửa. Tôi chợt nhớ ngày nào em chỉ uống lưng hớp nước, ăn lưng ly chè. Tôi im lặng và không biết nói gì!

- Anh lấy vợ rồi à?

- Ừ!

- Hạnh phúc không?

- …

Tiếng thở dài của Lan:

- Thế là em mất thêm một người bạn.

Rồi em khóc. Em khóc ngon.

- Khuê, anh không biết gì sao?

- …

- Khuê, anh đến đây làm gì?

Em và bóng tối đã níu tôi. Khi tôi chạm lên bờ tóc mềm đầy hương hoa dạ lý, tôi chợt hiểu rằng, Lan đã không quên tôi như tôi đã quên em. Tất cả đều muộn màng.

Đêm ấy trở về, cái linh cảm của người đàn bà thật ghê gớm. Hạ nhặt một sợi tóc vướng trên áo tôi. Em soi sợi tóc dưới ánh đèn, rồi nhẹ nhàng em hỏi:

- Anh Khuê, anh có biết người đàn ông nào đã ngoại tình ngay tuần trăng mật không?

Tôi cứ nghĩ miên man như thế cho đến khi loáng thoáng ở chỗ trống của thành xe, tôi nhìn thấy những dãy cao su thẳng tắp lướt qua. Tôi hốt hoảng hỏi người ngồi bên:

- Đã tới Trảng Bom chưa vậy anh?

- Trảng Bom hả! Ông này ngủ sao mà hỏi? Tới rừng cao su Xuân Lộc rồi thì có.

- Cho tôi xuống, cho tôi xuống đây.

Xe dừng lại, thả tôi giữa đường. Trả tôi nhập vào rừng cao su đang rụng lá. Tôi đã đi vượt quá xa chỗ ở của Lan: "Anh đi xe tới Trảng Bom, ngay ngã ba thì xuống... đợi đón xe lam vào Vĩnh Cửu, tới bến xe lam đi bộ khoảng một cây nữa". Thôi kệ. Cứ vào rừng cao su mà nếm mùi vị của thu vàng. Tôi đi theo đường mòn, đứng lại, với nhặt một chiếc lá vừa rụng xuống.

Tôi chìa chiếc lá vàng nhặt được đó cho Lan tại ngôi nhà che bằng cót, mái lá trên con dốc Vĩnh Cửu như em mô tả, thì đã bốn giờ chiều. Tôi nói:

- Đây là bằng chứng của một chuyến đi lạc.

Lan trả lời.

- Cám ơn anh.

Ngôi nhà trơ trọi và buồn. Tôi ngoái đầu nhìn tấm bảng "Uốn tóc Mai Lan" và tức cười vì sự thậm xưng của Lan. Tấm bảng kẻ bằng sơn xanh nguệch ngoạc. Tiệm uốn tóc chỉ có một chiếc gương, một chiếc ghế và vài đồ nghề trang điểm. Vậy mà tôi cứ hình dung ra một cơ ngơi làm ăn to lớn. Tôi nheo mắt:

- Ông bà sống được không?

Hỷ cười thật thà:

- Chưa được. Nhưng nếu Lan chịu ở lại đây thì tôi tin sẽ được.

Lan mặc bộ đồ bà ba. Hỷ hối Lan bắt một con gà bé xíu bằng nắm tay đang quanh quán để làm thịt. Với lấy chai rượu cam để trên bàn thờ, Hỷ cười:

- Ông lãng mạn quá, tôi chịu. Kệ, có gì nhậu nấy!

Tôi nhoái người nhìn ra nắng. Tôi thấy Lan đang bước cao bước thấp xuống triền dốc với cái xô nhôm trên tay. Giữa lấp lóa nắng, xa xa là những thân cây trụi lá cháy sém và một sự hoang vu. Tôi không nói gì, những dường như Hỷ hiểu:

- Ông thấy cảnh này nản không. Nhưng phải biết nhìn xa trông rộng. Tôi bàn với Lan là chỉ hai năm thôi khu vực này sẽ phát triển khi thủy điện Trị An hoạt động. Mình sẽ giàu... À, mà tại sao ông biết tụi tôi ở chỗ này mà đến?

- Lan viết thư. Vả lại có công chuyện ở Sài Gòn, tôi cũng muốn ngao du một chuyến thử xem sao.

- Ông ở vài ngày chơi cho biết nghe!

- Không, chiều nay tôi về thành phố. Hỷ vỗ đùi một cái đét cười khan:

- Không được đâu. Chuyến xe đưa ông vào đây là chuyến cuối cùng trong ngày đó. Tạm thời ông sẽ ở lại đêm nay.

- Ừ, ở lại.

- Ở lại. Tôi nhìn Lan và Hỷ. Tôi bỗng giật mình về cái ngông cuồng của mình. Một thằng đàn ông có vợ lặn lội bao nhiêu cây số để đến cái chốn xa xôi với mục đích là xem vợ chồng bạn sống ra sao? Có phải chỉ vậy thôi không? Hay là một thôi thúc nào trong tận cùng trái tim người đã nhen lên? Lửa đã đổ, dù ngọn lửa cháy thật muộn màng. Nhưng duy có một điều tôi biết được là Lan rất vui lòng khi tôi có mặt ở nơi chốn của em.

Khi trở về Sài Gòn tôi đã dừng chân ở bưu điện viết cho Lan một lá thư. Đêm ở Vĩnh Cửu, nằm ở phòng ngoài, tôi hút tàn hết một gói thuốc cùng với đám muỗi vo ve. Cách ngăn tôi một chiếc màn mỏng manh cứ chao lượn trong gió đêm, là Lan và Hỷ. Tôi hút thuốc đến rát lưỡi mà không ngủ được. Cái ý nghĩ trần tục của tôi cứ nghĩ về một nụ hôn, một sợi tóc cho đến khi gà gáy sáng. Đêm đã hết. Khi chạm ánh mắt Lan ở cửa bếp, em thổi lửa, lửa cháy bỏng và củi là những lá dừa khô, tôi biết cả đêm em cũng không ngủ. Còn Hỷ?

Trong lờ mờ của ánh rạng đông, tôi tìm lấy tay Lan, bóp chặt trong tay mình. Đôi tay mềm và ấm, đôi tay chưa kịp chai sạn theo vùng đất hoang vu này. Rồi nghe tiếng ho của Hỷ, Lan rụt tay về, em nói: "Muộn rồi". Tiếng nước bắt đầu reo, tiếng reo sao rõ ràng đến thế.

Khi tôi xếp gọn chiếc xách tay nhỏ lại, Hỷ nói:

- Sao ông lật đật thế? Ở lại chơi ít ngày. Lát nữa tôi vào xóm xem thử có gì lai rai không.

Tôi không nghĩ rằng Hỷ đang bung ra một cạm bẫy! Tôi không dám nhìn vào mắt Lan. Tôi sợ. Nhưng sợ gì? Sợ sự phản bội hay sự yếu lòng, hay là tất cả?

Tôi về Nha Trang bình yên trong chuyến xe lửa chiều. Đoàn tàu cứ lao, tôi dật dờ với cơn buồn ngủ. Lan đã từ Vĩnh Cửu theo xe về tận Sài Gòn. Khi em đặt chân đến thành phố thì tôi cũng vừa chia tay với nó. Tôi không biết lúc đó em buồn như thế nào? Nhưng có lẽ nào chúng tôi lại chỉ là hai đường song song không bao giờ gặp gỡ?

K.V.T
(TCSH58/11&12-1993)

 

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Các bài đã đăng
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)