Truyện ngắn
Hoàn lương
09:16 | 28/10/2024

VÕ ĐÀO PHƯƠNG TRÂM

Khải ôm cái túi vải trên tay, bước ra khỏi cổng trại giam. Khải ngước mặt nhìn lên trời, khoảng trời bao la, trong xanh với những tia nắng đầu ngày tỏa dịu ấm áp.

Hoàn lương
Minh họa: Ngô Lan Hương

Bầu trời bên ngoài cổng trại giam rộng lớn hơn nhiều so với khoảng trời bên trong khuôn viên của khám, dù có những lúc phạm nhân ra ngoài lao động thì cũng không thấy mênh mông đến vậy.

Mười lăm năm trả án trọng tội, Khải với những ngày tháng trong tù mới thấm thía nỗi nhớ vợ, nhớ con, mới cảm nhận tự do bên ngoài là quý giá ra sao, đời sống sinh hoạt bình thường của con người là quan trọng thế nào. Khải ôm bọc đồ bước ra cổng trại, mắt Khải nhìn quanh một lượt rồi gương mặt bỗng sáng lên, đôi mắt trũng sâu chợt đầy thần sắc khi bóng vợ Khải tất tả chạy đến, bên cạnh là đứa con trai.

Người đàn bà với chiếc áo sơ mi màu nâu và cái quần vải đen cũ kỹ, đội một chiếc mũ vải che gương mặt; đứa con trai ngày Khải đi tù chỉ mới lên năm, nay trở thành cậu thiếu niên nhưng trông nó vẫn có vẻ buồn buồn, dáng vẻ nhỏ nhắn, gầy ốm hơn so với tuổi ăn tuổi lớn, ánh mắt nó nhìn Khải vừa thương nhưng cũng vừa lạ. Từ ngày Khải rời gia đình đi nhận án, Khải chỉ gặp thằng bé vài lần khi nó còn nhỏ, hôm nay gặp Khải, nó có vẻ bần thần, nhút nhát cũng đúng thôi.

Khải ôm chầm lấy vợ, người vợ đã xa cách 15 năm, Khải nghe lại mùi tóc, mùi áo vải cũ và cả mùi mồ hôi trên cổ người đàn bà, vốn đã đầu ấp tay gối nhiều năm, nay Khải mới nghe lại mùi thân quen ấy, mắt Khải nhòe đi, giọng nghẹn ngào, đuôi mắt hằn sâu run lên liên tục, Khải đặt những cái hôn lên tóc vợ

- Em khỏe không? Đến đây lâu chưa?

- Vâng, em khỏe, em đến đây từ sáng.

Khải khẽ gật đầu rồi quay sang đứa con trai bên cạnh, Khải đặt bàn tay lên tóc đứa con rồi vuốt tóc nó, Khải ôm thằng bé vào lòng, cảm giác sau bao nhiêu năm không được bồng ẵm, chăm sóc cho con, ngày hôm nay tình cha con trong Khải trỗi dậy mãnh liệt, thằng bé cũng ôm chặt lưng Khải, gương mặt thằng con trai tuổi hai mươi cũng thoáng vẻ trầm buồn. Giọt nước mắt lăn dài từ khóe mắt rơi xuống tóc đứa con trai, giọng Khải lẫn trong nước mắt nghe khàn đặc.

- Con lớn quá, con khỏe không? Có nhớ bố không?

Thằng bé khẽ gật đầu, nước mắt nó bỗng chảy xuống, giọt nước mắt của những người đàn ông vốn mạnh mẽ, bỗng cũng trở nên đầy cảm xúc.

- Con khỏe, con cũng nhớ bố!

Cánh tay Khải siết chặt tấm lưng gầy gò của cậu con trai nhỏ, Khải khẽ gật đầu.

- Con gầy quá, phải ăn nhiều vào, nhé con!

Khải quay sang vợ, nắm tay chị, nói nhỏ:

- Thôi, về đi em!

Ba bóng dáng nhỏ thó, liêu xiêu trong cái nắng sớm, trông khắc khổ nhưng đủ để làm ấm áp một cuộc hội ngộ đặc biệt của một gia đình.

*

Chiều trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ với mái tôn rỉ sét, những cánh cửa xập xệ vì không có bóng đàn ông để giúp cải tạo sửa sang, Khải lục lọi mớ đồ nghề trong gian bếp cũ, hộp đồ nghề sửa chữa linh tinh trong nhà vẫn được vợ Khải cất giữ kỹ ở một góc nhỏ, dù đã nhuộm màu thời gian, bụi bặm bám nhiều nhưng vẫn còn đầy đủ. Khải khuân cái hộp ra ngoài, rồi bắt đầu sửa chữa từng cái cửa, từng cái bàn trong nhà cho cứng cáp, nay thằng bé con của Khải được nghỉ học nên cũng ở nhà phụ Khải.

- Chiều nay bố con mình lên lợp lại cái mái nhà con nhá! Nó bị thủng nhiều chỗ rồi, mưa ướt hết đấy!

- Dạ vâng!

Thằng bé khẽ gật đầu rồi lẽo đẽo đi theo Khải để giúp bố một tay, khi thì lấy giúp đồ nghề, khi thì khuân vác giúp cái này cái nọ, sau một buổi chiều gần gũi và cùng nhau sửa lại căn nhà, gương mặt thằng bé trở nên tươi tắn và vui hơn, dường như nó đã bắt đầu thân quen hơn với bố.

Cái giàn hoa mướp xiêu vẹo trước sân được Khải chống dựng lại, hai bố con ra đồng chặt tre, khiêng mớ tre dài ngoằng trên vai, đi trên con đường đồng đang mùa lúa chín, Khải thấy hạnh phúc đến khó tả, một hạnh phúc mà mười lăm năm trước Khải chưa từng nhận ra, nhưng giờ mới thấy quý biết dường nào. Khải nghe mùi thơm của những bông lúa chín, khoảng trời mênh mông trên đầu với những tầng mây xanh vô tận như một sự tự do của con người không bị ràng buộc, bí bách bởi không gian chật hẹp chốn tù đày. Dưới chân Khải, những mảng đất nâu cứng cỏi vì mùa nắng làm cho Khải chạm đến sự gần gũi với thiên nhiên, trước giờ Khải vẫn có thói quen đi chân trần ra đồng ruộng nhưng hôm nay, Khải mới cảm nhận rõ rệt sự thô ráp của đất, nghe thân quen, gần gũi đến lạ kỳ.

Hai bố con loay hoay dựng lại cái giàn hoa mướp, chưa đầy nửa tiếng, cái giàn đã ngay ngắn, gọn gàng cho mớ dây leo nằm gọn. Vợ Khải mang ca nước lọc cùng vài viên đá nhỏ cho hai bố con cùng uống.

- Hai bố con nghỉ tay, uống ngụm nước cho mát dạ.

- Em nhìn xem, được chưa? Cái giàn đẹp rồi đấy!

Khải nhắc vợ như một cách khoe khéo công trạng, người vợ nở nụ cười tươi tắn, dường như lâu rồi, chị mới có nụ cười như vậy khi ngôi nhà đã có bóng đàn ông.

- Thế là đẹp rồi, hai bố con ngồi nghỉ ngơi, lát vào ăn cơm nhá.

- Ừ, thế con vào phụ mẹ nhá. -Khải quay sang đứa con trai nhắc khẽ.

- Thôi, hai bố con cứ ngồi đấy mà nói chuyện, nó vào cũng làm được gì đâu.

Vợ Khải nhanh nhẹn quay vào nhà. Khải nhìn theo bóng vợ mà thấy lòng tràn dâng niềm thương và xúc động. Ngẫm lại Khải vẫn thấy mình còn hạnh phúc khi ngày ra tù, Khải vẫn còn vợ con đến đón vì có biết bao nhiêu người, khi chồng nhận án đã bỏ nhà, bỏ con để đi theo người đàn ông khác. Khải nghĩ: “Nhưng làm sao trách được họ vì tuổi xuân của đàn bà có được bao nhiêu, họ phải chờ đợi một người chồng tù tội ngần ấy năm trời, chưa kể danh dự với bà con làng xóm, đàm tiếu của dư luận xung quanh, bao nhiêu gánh nặng đặt vào đời họ, họ ở vậy chờ chồng, lo cho con thì mừng, họ có bỏ đi cũng là lựa chọn, người đàn ông vốn đã sa vào tù tội là đã không nghĩ đến vợ con, thì làm sao trách được người phụ nữ”.

Khải lẳng lặng vào nhà, đứa con trai cùng đi theo Khải. Mâm cơm đạm bạc với chén cá kho, đĩa rau muống luộc và tô nước canh dầm cà, hôm nay Khải về, vợ Khải hái mớ đọt mướp, đọt bầu để làm món rau xào mà Khải thích.

Khải bần thần lùa những đũa cơm đầu tiên vào miệng, một cảm giác xúc động đến nỗi Khải nuốt nghe nghèn nghẹn, mười lăm năm rồi, Khải mới được trở lại ăn một bữa cơm đúng nghĩa gia đình, bên cạnh những người thân yêu của Khải.

- Vài hôm nữa anh đi xin việc, để còn lo được cho mẹ con em.

- Vâng, nếu được thì làm, còn không thì phụ đồng áng với mẹ con em.

- Ừ.

Ba bóng người lầm lũi trong bữa cơm chiều khi trời đã phủ màu trầm tịch lên ngôi nhà tiêu sơ giữa miền quê vắng lặng. Ngoài đường, những triền đê đã nhuộm ánh nâu trầm pha lẫn trong màu đất và chạng vạng của hoàng hôn.

*

Ba tháng trước khi mãn hạn tù, Khải và một số phạm nhân khác đã được cơ quan chức năng cho học nghề sửa xe để khi ra trại thì tái hòa nhập cộng đồng. Ra trại, Khải không có vốn liếng, nhà lại ở vùng thôn quê, ít người qua lại nên Khải tự mang đơn đi xin việc khác.

Buổi sáng, Khải cầm một tờ đơn viết tay rồi đạp chiếc xe cũ kỹ ra ngoài thị xã, con đường ngoằn ngoèo khiến chiếc xe như rung lên từng hồi mỗi khi va vấp vào những mỏm đất trên con đường ruộng, chiếc áo sơ mi sờn cũ ướt đầm mồ hôi khi ánh nắng bắt đầu rượm vàng lên những tàng cây cổ thụ.

Khải dựng chiếc xe trước cổng một công ty nhỏ, bên ngoài người ta đăng bảng tuyển bảo vệ trông xe, Khải từ tốn và e dè bước vào bên trong, khi qua cổng bảo vệ, người giữ cổng cất giọng hỏi:

- Anh đi đâu đấy?

- Dạ, tôi đi xin việc.

- Anh xin việc gì?

- Dạ tôi xin làm bảo vệ.

Người gác cổng thoáng nhìn Khải rồi đánh giọng:

- Anh đi thẳng, lên lầu, phòng 201.

- Dạ vâng, cảm ơn anh.

Khải đi theo hướng dẫn của người bảo vệ, anh chậm rãi bước lên từng bậc thang rồi dừng lại ở phòng 201. Khải hồi hộp gõ cửa, có tiếng phát ra từ bên trong “vào đi”. Khải nhẹ nhàng rón rén mở cửa bước vào. Khi khuôn mặt vừa đưa qua khe cửa, Khải nghe không khí mát lạnh phả ra từ phía trong căn phòng làm Khải vừa bất ngờ vừa dễ chịu khi ngoài kia là cái nắng oi ả giấc trưa.

Khải gật đầu chào những người nhân viên trong phòng, họ ngồi mỗi người một bàn, những ánh mắt nhìn về phía Khải rồi nhanh chóng tập trung vào màn hình máy tính. Trông họ thật sang trọng và lịch sự với những bộ trang phục lịch thiệp nơi công sở nhưng kèm theo đó là gương mặt khá lạnh lùng, khiến Khải thấy bối rối và dè dặt.

- Anh ngồi đấy đi, chờ chút.

Một người đàn ông nhìn Khải rồi chỉ vào cái ghế nằm cạnh một cái bàn tròn đặt ở góc phòng, Khải rón rén bước lại phía người đàn ông hướng dẫn. Ngồi đấy, Khải bỗng nghe hồi hộp khi trống ngực đánh liên hồi, lần đầu tiên trở về sau mười lăm năm sống ở trại giam, Khải lần đầu tiên đi xin việc, trong nhân dáng một gã vừa khắc khổ, vừa khác lạ, Khải không biết người ta nhìn Khải vì lý do gì, họ nghĩ gì? Khải cũng không hình dung được, chỉ biết rằng trong lòng Khải đang lo âu, hồi hộp, một cảm giác khó lý giải bằng lời.

Người đàn ông trong áo sơ mi trắng đóng thùng, bước lại phía Khải, ông ngồi đối diện, nhìn Khải vài giây rồi hỏi:

- Anh xin vào vị trí nào?

- Dạ, tôi xin làm bảo vệ.

- Trước đây anh đã làm ở đâu rồi?

- Dạ… tôi mới ra trại…

Đáp lại vẻ ngập ngừng của Khải là ánh mắt khác lạ của người đàn ông:

- Anh mới ra trại à?

- Dạ vâng!

Người đàn ông im lặng vài giây, ông lật tờ đơn tay của Khải nhìn qua một lượt, đôi mày ông khẽ nhíu lại, Khải càng nghe lồng ngực đập nhanh hơn.

- Anh đi trại vì lý do gì?

- Dạ… tôi… hại người ta…

Người đàn ông im lặng, ông khẽ nhìn vào mắt Khải, rồi nhẹ giọng:

- Ừ, anh cứ để hồ sơ đây, vì chúng tôi cũng còn vài hồ sơ nữa nên cần xem xét lại, có gì chúng tôi sẽ liên lạc với anh sau nhé.

- Dạ vâng, cảm ơn anh!

- Vâng, chào anh.

Khải đứng dậy và bước ra cổng, trong đầu Khải mông lung không biết kết quả ra sao, Khải cũng không biết lời người đàn ông đó nói có nghĩa như thế nào. Khải dẫn chiếc xe đạp ra cổng trong ánh mắt lạnh lùng và có phần không thiện chí của người gác cổng, Khải chạy đi, chiếc xe cũ kỹ lại cất lên những tiếng lộc cộc đến nặng lòng.

Khải dựng chiếc xe đạp trước cổng, bước vào nhà, vợ Khải nhẹ giọng hỏi thăm:

- Được không anh?

Khải im lặng vài giây rồi cất giọng nghe nằng nặng:

- Anh cũng không biết, họ bảo chờ.

Chiều tối tịch mịch, trong căn nhà cũ kỹ, chẳng có gì đáng giá ngoài cái tivi màu vài trăm nghìn, Khải với gương mặt đượm buồn, khẽ rít điếu thuốc lá rẻ tiền rồi cất giọng thở dài, dường như Khải lờ mờ nhận ra một lý lịch tiền án tiền sự sẽ không dễ gì để người ta chấp nhận. Thế nhưng Khải không buông xuôi, Khải lại xách lá đơn thứ hai, thứ ba để đến nộp nơi tuyển dụng, nhưng rồi ngày qua ngày, Khải chỉ nhận được sự im lặng trong chờ đợi.

Một buổi chiều tháng sáu, tròn một tháng Khải được về nhà với cuộc sống tự do, Khải nghe có tiếng bước chân từ ngoài cổng đi vào, quay mặt nhìn ra, Khải thấy anh Đông, cảnh sát khu vực ở địa phương bước vào nhà, với bộ thường phục trên người, anh ta bước nhanh về phía Khải:

- Anh Khải, khỏe không?

- Dạ, cảm ơn anh, tôi vẫn khỏe, anh ngồi nhé!

Khải loay hoay bê cái ghế đẩu và cái bàn gỗ cũ ra phía ngoài sân để người cán bộ dễ ngồi trao đổi.

- Thôi được rồi, không cần bày vẽ đâu anh.

- Anh ngồi nhá, nhà đơn sơ, không có bàn ghế gì chỉn chu cả, mong anh thông cảm.

- Không sao, đã bảo là không sao.

Người cảnh sát ngồi xuống, nhìn quanh nhà Khải một lượt như quan sát, Khải gọi với vào trong nhắc vợ:

- Em ơi, pha giúp anh bình trà nhé.

- Thôi, không cần đâu anh. - Người cảnh sát cất giọng có vẻ thân quen rồi hỏi Khải:

- Mấy nay anh về nhà, tình hình có ổn không?

- Dạ thưa anh, về nhà là hạnh phúc rồi, bao nhiêu năm rồi mới được gặp lại vợ con, được ăn bữa cơm nhà, làm lại cái bàn cái ghế cho mẹ con nhà nó.

- Ừ, vậy là tốt rồi, còn việc làm? Anh cần hỗ trợ gì không?

Lúc này, vợ Khải mang ra một bình trà lá vối nóng hổi, chị nhẹ nhàng đặt lên chiếc bàn gỗ cùng hai cái ly sành. Khải rót tách trà mời người cảnh sát rồi cất giọng nghe tư lự:

- Dạ vâng, anh hỏi thì tôi cũng xin thú thật. Mấy nay tôi cũng đi xin việc nhưng… chưa chỗ nào nhận, anh ạ!

- Anh xin nghề sửa xe à?

- Dạ không, tôi xin làm bảo vệ, sửa xe thì không có vốn, ở đây cũng không nhiều người qua lại, toàn ruộng với đồng. Ra thị xã thì không thấy ai đăng tuyển, chỉ thấy họ tuyển bảo vệ thôi anh ạ!

- Thế sao không liên hệ báo với em? Mấy lần anh vẫn lên trụ sở làm thủ tục, hỏi thì anh lại bảo để ở nhà phụ vợ một thời gian, nghĩ anh chưa cần tìm việc. Ai dè, lại âm thầm đi mà chẳng liên hệ với ai.

- Dạ, vì sợ phiền các anh, còn trăm công nghìn việc.

- Ôi trời! Nhiệm vụ mà, phiền là phiền cái gì hả anh? Anh mới mãn hạn tù, đi xin việc một mình mà không có cơ quan tổ chức giới thiệu thì ai dám nhận anh? Đấy là tâm lý chung. Phải xin đúng nơi đúng chỗ, phải có người đứng ra giới thiệu bảo lãnh nữa cơ.

- Dạ vâng, vì tôi chưa biết, nên hồ đồ, thôi thì nhờ anh giúp hộ.

- Đấy, em đến đây là vì lý do này. Ngày mai, anh theo em, đến trung tâm giới thiệu việc làm ở huyện, em đã liên hệ sẵn rồi, cho anh làm bảo vệ một công ty, đến đó để bên Trung tâm hướng dẫn anh làm thủ tục, rồi em đưa anh đến công ty gặp họ, thế nhé!

- Dạ vâng, vậy thì tốt quá! Tạ ơn anh, nhờ anh giúp tôi nhé! Tôi mong có việc làm để lo cho mẹ con nhà nó, chứ mười lăm năm rồi, giờ về lại còn làm gánh nặng cho mẹ con nó thì tôi dày vò lắm anh ạ!

- Ơn nghĩa gì chứ anh, nhiệm vụ chúng em mà. Anh đừng buồn nữa, chuyện gì qua rồi thì cho nó qua, con người phải phấn đấu ở hiện tại và nghĩ về tương lai. Trở về cuộc sống bình thường, phải giữ tâm lý cho ổn định, dù ai có nói gì, nghĩ gì, nhìn về mình thế nào cũng mặc, cứ bỏ qua mà sống cho lương thiện, có lỗi với cha mẹ, vợ con một lần rồi thì đừng có lỗi thêm lần nữa, anh nhé!

- Dạ vâng! Tôi hứa sẽ không bao giờ làm khổ mẹ con nó lần nữa.

- Ừ, vậy 9 giờ sáng mai anh lên trụ sở công an gặp em nhé.

- Dạ vâng, cảm ơn anh.

- Thôi, em về.

- Dạ vâng, chào anh nhé!

Người cảnh sát bước ra về trong gương mặt thoáng nét vui, đôi mắt Khải cũng hiện lên niềm hạnh phúc khi nghĩ đến ngày sẽ có việc làm, một công việc đối với một người tái hòa nhập cộng đồng, sau bao nhiêu năm sống sau song sắt buồng giam, mất đi quyền tự do, giờ được về để làm việc, được lao động giúp vợ con, Khải thấy trong lòng dâng lên niềm vui thật lạ.

*

Thế là Khải vào làm nhân viên bảo vệ cho một công ty may mặc sau khi được sự giới thiệu và bảo lãnh của cơ quan chức năng, Khải quyết tâm làm việc chăm chỉ để không phụ lòng tin của người cảnh sát, không làm gánh nặng cho vợ con. Khải phải là trụ cột, phải lo được cho vợ con của Khải, mười lăm năm qua, vợ Khải đã chịu khổ nhiều rồi, khổ vì điều tiếng, vì một thân một mình với mớ rau mớ cải nuôi con, nắng sớm mưa chiều, ai kêu gì thì làm nấy, có khi phụ việc nhà, có khi hái chè, sạ lúa, có lúc gánh nước thuê, lặn lội qua bao nhiêu năm tháng không chồng, một mình lo cho con khôn lớn, những đồng tiền chắt mót, vợ Khải dành đóng tiền học cho con, những bữa ăn chỉ có cơm rau, một hai quả trứng luộc, con cá tự bắt dưới ruộng về làm món, phần ngon nhường con, phần rau thì vợ Khải ăn tạm bợ qua ngày. Nghĩ đến đó, Khải thấy mình khốn nạn, khốn nạn đến cùng cực vì đã làm khổ vợ con, chỉ vì cái man dại vô tri trong Khải, nó trỗi dậy như con thú hoang bởi không kiểm soát được hành vi mà gây ra cho người khác một kết cục thương tâm, để rồi Khải phải trải qua mười mấy năm trời không còn tự do, không còn nhìn thấy con Khải lớn lên từng ngày, cùng vợ Khải gánh gồng những tháng năm bĩ cực, tất cả, Khải trút hết lên vai vợ, cũng may, vợ Khải một lòng chung thủy nên ở vậy mà chờ Khải đến lúc mãn hạn tù.

Mỗi lần nghĩ lại chuỗi ngày đó, Khải lại cố gắng nhiều hơn, người ta làm đến giờ nghỉ trưa, Khải vẫn ở lại sau cùng thu dọn bãi xe ngăn nắp, việc gì nặng, Khải cũng ráng gánh gồng cho người khác, Khải vẫn tâm niệm “mình đã trượt ngã một lần, giờ đứng dậy thì phải sống sao cho xứng đáng”. Khải vẫn nhớ lời vị giám đốc đã từng ngồi ở cái ghế đá ngoài sân cạnh Khải, vỗ vai Khải động viên: “Người chưa từng phạm tội thì có khả năng sẽ phạm tội, còn người đã từng phạm tội thì họ sẽ biết quý trọng cuộc sống này hơn, bởi họ đã trả giá cho những năm tháng sai lầm của họ. Thế nên tôi không phân biệt một ai. Ai cũng có một quá khứ và ai cũng có một tương lai, không thể vì một quá khứ sai mà giết luôn cả tương lai của họ”.

Một tháng trôi qua từ khi đến làm bảo vệ công ty, ngày nhận tháng lương đầu tiên, Khải mừng đến rơi nước mắt, chị kế toán khi gửi tiền lương cho Khải đã nói nhỏ:

- Giám đốc gửi thêm cho anh một ít tiền hỗ trợ vì anh làm việc nhiệt tình.

- Dạ vâng, cảm ơn giám đốc, cảm ơn chị!

Chiều hôm đó, Khải ra về trong tâm trạng hạnh phúc như một người vừa bước ra từ thế giới của chuyện cổ tích, chiếc xe đạp cũ kỹ treo một bịch thịt gà nướng, vài ổ bánh mì và mấy chai nước ngọt, Khải chạy xe trên con đường gồ ghề mà chẳng thấy nó va vấp như thường ngày bởi trong lòng Khải đang ngập tràn một niềm vui khi nghĩ đến chiều nay, Khải đã có tiền, những đồng tiền hoàn lương, từ mồ hôi nước mắt Khải mang về cho vợ, là một bữa cơm chiều thịnh soạn hơn mọi ngày, để vợ Khải không phải chỉ ăn cơm với rau, với chén cơm trắng chan tương.

Bữa cơm chiều hôm đó có những tiếng cười hạnh phúc, đứa con trai của Khải đang tuổi ăn tuổi lớn, hôm nay nó ăn ngon lành những miếng thịt gà bóng bẩy, chén nước chấm đậm đà ngoài hàng quán và những chiếc bánh mì, với người khác là bình thường nhưng với gia đình Khải thì thật ngon lành, thịnh soạn.

*

Khải ngồi ngoài chiếc bàn gỗ cũ, rít điếu thuốc lá rẻ tiền, vợ Khải vuốt gương mặt còn đẫm nước trên mái tóc, đi từ phía ngoài sau lên ngồi cùng chồng sau khi đã dọn dẹp xong chén bát. Khải quay sang nhìn vợ mỉm cười, trên gương mặt bết lại vì nước, Khải vẫn nhìn thấy nét đẹp giản dị của vợ, nét đẹp từ sự lam lũ, thủy chung và nhẫn nhục để chờ đợi Khải, một nét đẹp ấm áp của người đàn bà mong manh nhưng bền bỉ, không đến từ son phấn.

- Em giữ tiền mà lo cơm nước nhé! Tiền lương của anh đấy!

Khải dúi xấp tiền vào tay vợ, có những đồng bạc đã nhăn nhúm vì cái túi áo đẫm mồ hôi. Vợ Khải lặng lẽ với ánh mắt đầy thương cảm.

- Anh giữ lại một ít mà chi tiêu.

- Em cứ giữ, anh chỉ cần vài điếu thuốc cho tỉnh táo, cơm nước công ty đã có phần rồi. Sáng ăn tí cơm nguội ở nhà là đủ.

Vợ Khải im lặng, dường như người đàn bà cũng trở nên xúc động vì lâu rồi mới nhận được sự quan tâm, những cử chỉ thương yêu và chia sẻ của người chồng.

Sau vài tháng đi làm bảo vệ ở công ty, Khải vẫn nhận được sự quan tâm thăm hỏi của chính quyền địa phương, biết gia đình Khải khó khăn, họ cũng hỗ trợ xây sửa lại căn nhà cho khang trang một chút, con Khải đi học cũng được học bổng cho sinh viên nghèo. Từ khi Khải về, có công việc làm, căn nhà đã có được một chiếc tivi mới, cái bàn gỗ cũ hư mục, chỗ Khải hay ngồi uống trà đàm đạo đã được thay bằng cái bàn gỗ chắc. Gian bếp nhỏ đã có thêm vài cái nồi, cái thau tinh tươm, Khải mua thêm cái bếp dầu cho vợ để vợ nấu ăn đỡ phần vất vả. Cuộc sống gia đình dù không giàu có nhưng bình yên và ấm cúng, nhìn lại, Khải chẳng mong ước gì hơn, giờ Khải chỉ mong mình có đủ sức khỏe để đi làm, để có tiền mà lo cho vợ, cho con là đủ.

*

Một buổi trưa như mọi ngày, Khải vẫn dắt xe ra vào cho nhân viên ở công ty, sau khi xong việc, Khải ngồi trực cổng, nhìn ra ngoài đường, Khải thấy một bà cụ chống gậy đi bán vé số, nhưng đó không phải là điều làm Khải bất ngờ, mà là điều khác.

Khải lao nhanh ra khỏi cổng, như một phản xạ, Khải nhào đến chụp lấy cái lưng nhỏ bé gầy gò của cụ bà rồi kéo mạnh về phía trước, cùng lúc đó, một tấm bảng hiệu từ phía trên cao rơi ầm xuống đất, Khải đã nhìn thấy sự bất thường khi nghe tiếng kêu khác lạ vang lên từ trên cái cổng, sự nhanh nhạy và quan sát của người bảo vệ đã khiến Khải lao ra như cơn lốc, không nghĩ đến nguy hiểm bản thân, bởi chỉ cần một vài giây nữa thôi, cụ già bán vé số gầy gò sẽ nằm dưới tấm bảng sắt rơi từ độ cao hơn bốn mét.

Tấm bảng dài đã quẹt vào tay Khải, tạo ra một vết cắt lớn, máu chảy ướt cả cánh tay, người ta bu lại xung quanh thăm hỏi, cũng may là không ai bị thương vong vì giấc trưa, đường vắng, chỉ có Khải vì nhào ra giữa chừng nên bị nạn. Người đàn bà được cứu thoát trong gang tấc, vết thương Khải sau khi băng bó, chuyển đến trạm y tế khâu lại cũng không đến nỗi nào. Khải được công ty cho nghỉ phép vài ngày đến khi vết thương lành lại, người chủ công ty còn cho Khải một khoản tiền để điều trị vết thương bởi tai nạn này không ai mong muốn.

Điều không ai nghĩ là ngày hôm sau, hình ảnh Khải đã được nhiều người biết đến, vì chỗ Khải làm có một vài hàng quán gắn camera nên họ quay lại được…

Một ngày, khi đang dọn dẹp trong nhà, Khải nhận được thư mời từ một người cảnh sát địa phương, họ mời Khải đến nhận bằng khen “Dũng cảm cứu người”. Khải ngạc nhiên, gương mặt của người từng mang trọng tội bỗng trở nên chân phương như đất khi Khải nói: “Em có dũng cảm gì đâu, ngay mắt mình thì chạy ra kéo bà cụ đi thôi.”

Ngày Khải lên tỉnh nhận bằng khen, anh cảnh sát trẻ ở địa phương, người từng theo dõi và giúp Khải cũng đi theo với Khải, nhìn hình ảnh Khải đứng trên bục tuyên dương, mắt anh bỗng long lanh, môi mím lại vì những cảm xúc dâng trào.

Tấm bằng khen cùng bó hoa tươi thắm trên tay Khải, trong dáng vẻ gầy gò khắc khổ, với một cánh tay còn băng bó vết thương, gương mặt Khải như vẫn chưa tin là sự thật, mười lăm năm ở chốn nhà giam, và một ngày đứng trên bục vinh danh trọng thể, những tràng pháo tay, những ống kính phóng viên, Khải run run khi nhận cái bắt tay từ người lãnh đạo. Nhìn xuống phía hàng ghế bên dưới hội trường, Khải loay hoay tìm bóng vợ, vợ Khải đang ngồi lặng im nhìn lên phía lễ đài.

Buổi lễ kết thúc, Khải vẫn còn nhận vài câu hỏi của phóng viên, vợ Khải lặng lẽ đứng một góc chờ chồng. Khi mọi người đã giãn ra, Khải đi về phía vợ, đặt bó hoa vào tay vợ, vội vã vuốt lại mái tóc lòa xòa cho chị. Họ nắm tay nhau, lặng lẽ đi ra cổng hội trường, người cảnh sát trẻ đi ở phía sau lưng.

Một ngày, thị trấn bình yên đến lạ.

V.Đ.P.T
(TCSH427/09-2024)

 

 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Các bài đã đăng
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)