Truyện ngắn
A-One
15:39 | 16/12/2024

NGUYỄN THỊ THÁI

Bà Bên xuất viện. Già làng rất vui, mặt mày phơi phới nói cười vui vẻ, phân công ai làm việc gì cũng kết thúc bằng câu: - Bà Bên về rồi! Vì già đã đăng ký bà Bên. Ngày giờ cận kề tới nơi rồi.

A-One
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Già tức tốc tới nhà bà Bên. Mấy Ama, Amí trong buôn đang ngồi chuyện trò với bà thì Ama Thin nhổm lên hô: - Ô, già làng đến kìa! Amí Don ngoái ra:

- Mấy bữa nay già đứng ngồi không yên đó.

Già làng to khỏe bước lên.

- Ồi. Tui mong bà như mong Giàng đổ mưa mùa tưới, ngày nào tui cũng hỏi thằng A-One bà bớt chưa, bây giờ người bà khỏe hẳn rồi chứ?

- Khỏe. - Bà Bên móm mém cười. Lẽ ra bà Bên chưa già vậy đâu, sáu mươi lăm tuổi thời này nhiều người còn khỏe mạnh hồng hào, bà thì lụm cụm như người trăm tuổi. Ấy là bệnh tật nó hành bà.

- Khỏe à. Vậy bà gắng ăn uống, ngủ nghê cho khỏe thêm, sắp đến ngày rồi. Quay sang Ama Thin già nói:

- Ama Thin bảo lũ làng đến thăm ít thôi để bà nghỉ cho có sức, mai mốt đến thăm cũng được.

- Ừ! Già làng nói đúng đấy. Trưa rồi tất cả mình về thôi. Chào bà Bên nghe.

Mọi người lục tục ra về, già đứng dậy.

- Tui cũng về, để ra tỉnh đưa cái giấy mời.

Bà Bên chống gậy ra cửa đứng tiễn mọi người. Bà thấy vui trong bụng, vì bà luôn được mọi người quan tâm thăm hỏi. Quay vào bà nói với đứa cháu nội mới từ dưới bếp đi lên.

- Cháu coi mấy giờ, ăn cơm trước còn đi học, ba mí mày bảo đi một chút mà giờ chưa về.

- Cháu nghe Amí bảo ba chở ra chợ mua mấy thứ và dép quai nhung cho bà.

- Chà, mua làm gì.

- Cho đẹp chứ bà, bà là hoa khôi bây giờ phải đẹp chứ. Hôm chơi ở nhà Rông cháu nghe già làng nói với mấy người, ngày xưa bà đẹp nhất buôn lại gan dạ thủy chung.

- À bà ơi. Trường cháu cũng qua dự đó, thầy hiệu trưởng còn sai học sinh lớn khiêng ghế của năm phòng học qua xếp hàng ở sân nhà Rông nữa kìa.

- Thôi ăn đi, cà kê trễ học.

- Bà đói không, chắc cháo được rồi cháu lấy cho bà.

- Thôi đợi ba mí mày về bà ăn luôn.

- Vậy bà đi nằm cho khỏe.

- Ừ.

Bà nuốt khan, chống gậy vô giường. Con bé kê gối cho bà rồi ra ăn cơm tiếp. Bà ứa nước mắt, ngày xưa những lần uống bột ngọt mà không thể cho ói ra được là bà mệt mấy ngày liền. Bà mệt mà có ông nội nó ở bên là ông nó thường nói: -Em đi nằm cho khỏe, rồi dìu bà vô giường kê gối,        vuốt tóc bà, nhiều khi bà ngủ lúc nào không hay. Biểu bà kể bà biết kể chi đây. Bà chỉ nhớ ông thôi. Thương ông vô danh với đất nước. Cái danh bà hưởng, cái bằng bà treo, huân chương nặng trên ngực áo mà không một ngày bà vui trọn vẹn. Không biết vong linh ông có biết mình có thằng A-One không nữa. Hồi nhỏ nó không giống ông mấy, càng lớn tuổi càng giống ông như lá, cái miệng khi nói có duyên y ông ngày xưa. Bà rất mừng là cái nết nó cũng giống ông, thương người thương vật, làm cái gì ra cái đó. Vợ nó thường khen với bà: - Anh A-One vừa giỏi việc nước vừa giỏi việc nhà. Mỗi lần nghe con dâu nói vậy, ngoài mặt bà vui, trong bụng lại héo hon.

Là tại nó làm ở phòng thương binh xã hội huyện, giải quyết bao trường hợp liệt sĩ, thương binh, có công với cách mạng vậy mà ngày xưa bà để cho cha nó vô danh. Sau này chính sách cởi mở thì đã yên mọi bề, nó bảo: - Mí ghi công cha là con cho cha, con nghĩ cha vui lắm. Đừng sao lục lại nữa người ta tưởng con háo danh hưởng lợi cha không ưng đâu. Lúc đó bà ôm con khóc rấm rứt.

Nghe tiếng xe con về ngại con thấy mình khóc, bà lau nước mắt nghiêng người vô trong giả ngủ. Vợ nó bước lên hỏi: - Bà đâu con?

- Bà đợi ba mí lâu bà đi nằm chắc đã ngủ.

- Vậy con cất dép cho bà rồi thử cái áo xem vừa không.

- Hơi rộng mí này.

- Đem mí xem. Kệ, rộng chút cũng được. Cô Lan người Kinh thợ may ngoài buôn thường hay nói con nít may ra mụ tra may vào. Con còn con nít vài bữa là chật liền à. Bà tức cười quá phải ngồi dậy đi ra.

- Ơ, bà dậy rồi bà mang thử dép đi bà.

- Mí ăn cháo chưa mí?

- Chưa, chưa đói.

- Bà đợi ba mí về mới ăn, bà mang đi bà.

- Nhìn là vừa rồi không phải thử, cháu đứng dậy bà xem áo đẹp không... đẹp đấy.

- Cho con mặc đi học luôn.

- Hừ, giặt đã chứ, tưởng đồ mới là sạch à.

A-One nãy giờ đi tắm, mới lên hỏi bà vài điều rồi hối vợ dọn cơm. Ở nhà sàn nhưng nơi tắm rửa vệ sinh giặt giũ A-One xây kế sau nhà sàn bằng tường gạch ốp rất sạch sẽ hiện đại. Đi đâu về muốn tắm hay vệ sinh cứ đi thẳng ra sau không cần lên nhà, ở đó có bậc tam cấp để lên bếp vô nhà. Đến tối hoặc nhà vắng người mới chốt khóa cửa sau lại.

*

Mới rợn trời, già Pan đã đứng ngõ bà Bên gọi vóng lên:

- A-One ơi mày giúp tao không tao thua mất.

A-One vừa mặc áo khoác vừa bước xuống cầu thang.

- Sao già lại thua?

- Tao loay hoay đủ thứ quên mất chưa viết lời phát biểu giới thiệu, giờ tao mà ngồi viết thì lâu lắm, mày viết cho tao đi.

- À. Nhưng mà nếu cháu viết thì không khách quan, thôi để cháu sang nhờ Chủ tịch Hội Phụ nữ buôn mình viết cho.

- Hầy!

- Già thích viết dài hay ngắn?

- Ngắn thôi. Lời giới thiệu thôi mà, dài tao đọc mệt mắt, có nói chi thêm về mí mày thì tao biết hết tao nói thôi khỏi viết.

- Vậy già cứ yên tâm, rửa mặt xong cháu sang nhờ bà viết liền rồi cháu đem ra nhà Rông cho già.

- Ừ, nhanh nhanh lên. Mày lo chở mí mày ra đúng giờ đó. Mặc ấm cho bà, ra ngoài lạnh lắm. Tao về đây.

Già phăm phăm ra ngõ, trời đã sáng rõ.

Tám giờ mọi việc đã đâu vào đấy. Các đoàn của buôn bạn và người đến dự cùng người già buôn Bin tất cả đã ngồi vào ghế. Lớp thanh niên học sinh và trẻ nhỏ đứng đầy ba phía chữ U, chỉ đợi lãnh đạo tỉnh vô là khai mạc thì già Pan hớt hải tìm A-One, già bảo già quên cái bài trong túi.

- Là thế này, mày đưa tao, tao cẩn thận cất vào túi sau cài lại, rồi về nhà ăn thêm chút chi, kẻo nửa chừng tao đói không chịu được, tao đau cái bụng mà. Khi đi tao thay bộ đồ mới cho đàng hoàng nên bây giờ nó đang ở nhà, mày có xe mày về lấy cho tao đi.

A-One chưa kịp đi thì già nhăn nhó nói “Thôi!” khi thấy mũi ô tô lò ra phía trường học.

- Tỉnh vô, không kịp rồi. Tao nói như mấy ông nói cũng được.

Rồi già phăm phăm đi chào khách mới vô.

Bụp. Già Pan gõ vào micro kiểm tra tiếng. Đằng hắng:

- Dạ, kính thưa quý vị quan khách, kính thưa các buôn bạn, kính thưa lũ làng Bin, tôi là già Pan, là già làng buôn Bin xin kính chúc tất cả sức khỏe dẻo dai, gia đình hạnh phúc ấm no.

Khách vỗ tay. Lớp chữ U vỗ theo rào rào.

- Chương trình và thành phần tham dự hôm nay thanh niên buôn Bin đã làm vi tính in ra dán khắp buôn và nhà Rông rồi, nên tôi không phải nhắc lại. Hôm nay buôn Bin chúng tôi đã xin phép cấp trên tổ chức ngày giao lưu các buôn trong huyện để mỗi buôn kể về một thành tích, một người hay đông người đều được, đã làm trong những năm kháng chiến giành độc lập cho đất nước.

Buôn Bin xin kể sau nhưng các buôn bạn không cho nên bây giờ, chiêng đã đánh gọi Giàng, tù và đã thổi gọi núi, ché thơm đã cắm cần, đất dưới chân đã ấm, mời quan khách, mời lũ làng nhấp tay rượu ngọt, nếm trái rừng buôn Bin để nghe A-duôn Bên, lũ làng Bin chúng tôi thường gọi là bà Bên, kể lại cuộc đời hoạt động của bà. Tưởng là đơn giản...

Già Pan nói ngang đây thì loa phát, có tiếng gọi nhỏ: “Già làng! Già làng!” Già ngó xuống người đang cúi thấp gần sau lưng, người đó thì thào trên loa: “Bà Bên lên cơn đau lại. A-One với Ama Thin đưa bà về rồi”. Trên loa nghe già hứ thiệt to. Ngồi hẳn xuống hỏi han vài câu nắm được tình hình, già đứng lên quay lại micro xin lỗi quan khách và lũ làng.

- Kính thưa quan khách, còn lũ làng buôn Bin thì ai cũng biết, bà Bên mấy năm nay nhiều bệnh, nặng thêm, bác sĩ giỏi bảo đấy là hội chứng bột ngọt. Bà mới đi nằm viện về. Hôm nay phần sức khỏe yếu, phần quá xúc động nên bà Bên không thể tự mình kể lại hoạt động thời trẻ của bà được. Tôi là con buôn Bin, là già làng buôn Bin, tôi rất thuộc chuyện về bà Bên nên tôi xin thay mặt bà và gia đình kể lại. Tôi xin kể đúng, có Giàng chứng giám. Mọi người khúc khích cười, già ngơ ngác cười theo rồi gãi tai kể.

*

- Hai mươi tuổi bà Bên đã tham gia cách mạng, bà nuôi một hai cán bộ, lúc đó tình hình bộ đội kham khổ, thiếu nhiều thứ, nhất là muối và bột ngọt. Muối đã có người lo, kẹt thì đốt cỏ tranh. Chỉ có bột ngọt là rất thiếu, bộ đội không có gì đưa cơm, ngày nào cũng suông rau tàu bay măng rừng, có tí bột ngọt nêm vô sẽ dễ nuốt. Vậy là bà Bên cung cấp bột ngọt cho bộ đội. Hồi đó bột ngọt là thứ địch kiểm soát nghiêm ngặt.

- Bà mở quán ở đầu buôn, bán đủ thứ cho lũ làng, bia, nước, cả rượu và thuốc lá thơm, bánh kẹo đen cho lính. - Một đứa mặc quần xanh áo trắng đứng ở vòng trong chữ U chừng mười hai, mười ba tuổi ngó lên già Pan nói to: “Kẹo Socola”. Già không nghe gì, vẫn điềm nhiên kể.

- Trại lính mới về đóng cách buôn trăm sải tay. Hồi đó bà Bên đẹp nhất buôn Bin nên lính đến quán bà rất đông. Đêm đêm bà xuống hầm, cái hầm đào công khai trong nhà, nhờ mấy anh lính đào giúp bảo để lỡ có chi chui xuống tránh bom đạn. Lúc đó bà hai lăm tuổi, rất đẹp lại chưa bắt chồng. Lại nói chuyện bà xuống hầm cho kín đáo là để tập ăn, tập uống bột ngọt. Khi ăn được một lúc cả nắm tay bột ngọt, uống được cả ly to bột ngọt thì bà sắp chương trình để thực hiện. - Đứa mặc quần xanh áo trắng hô to: “Lên kế hoạch, ui!”.

- Tôi xin nói thêm, kể từ khi đêm đêm xuống hầm bà Bên ngày càng ốm o xanh xao, người xấu đi. Lũ làng Bin nói bà ngủ nhiều với lính nên thế. Ama, Amí xấu hổ từ con. Sau ngày giải phóng mới biết là đêm nào bà cũng khổ sở với bột ngọt. Ăn ít như mình ăn canh thì được, ăn nhiều độc hại về sau, bà tiến bộ hơn lũ làng nên bà biết. Bà biết nên tập ăn vào bà phải tập móc ra. Chòi chọc cho nôn bột ngọt thì thức ăn cũng tuôn theo, cổ họng đau rát. Bà tập đến khi ăn vào lấy ra dễ như không thì sức khỏe bà có phần đỡ lại.

Chọn hôm trời nắng to, bà pha ly nước bột ngọt uống cho đã khát trước mắt tốp lính. Thấy thế ngạc nhiên, chúng tò mò lại xem, nếm thử, khạc nhổ râm ran. Tin người đẹp uống bột ngọt giải khát lan nhanh trong các trại lính. Có dịp tới quán bà ai cũng tò mò hỏi, bà bảo thèm uống từ nhỏ nhưng nhà mí nghèo không có để uống. Bây giờ bán quán có tiền mua uống cho sướng, nhưng mà mua bột ngọt khó lắm, mua ít thì không đủ uống, mua nhiều qua trạm mấy ông lấy hết có khi còn bị bắt vì nghi là tiếp tế cho Cộng sản, mấy anh thương thì lâu lâu mua giùm cho em uống với. - Ok, dễ ợt.

Mọi việc suôn sẻ thì có chi để nói. Được vài ngày có kẻ phá, đó là cha thằng A-One sau này, cha nó mấy lần giật ly bột ngọt đổ đi, mắng: - Cô sẽ chết vì nó, tôi học y tôi không thể thờ ơ nhìn cô uống ngu xuẩn như vậy!

Bà Bên được yên ổn trước toàn là lính tráng xa vợ, ấy là nhờ có mấy thằng lười nhác trong buôn không đi nương rẫy chỉ muốn bà bắt chồng. Trong đó có thằng chặt cây rừng bị cây đè gãy quẹo tay là ngày nào cũng lè nhè quấy phá. Bà mắng chửi kiểu chi hắn cũng mặc kệ, cứ luôn đeo đẳng bà. Vậy mà hắn chịu thua trước cái người hay phá đổ bột ngọt.

Hoạt động được hai tháng thì quán bị vây, bà Bên bị tra vấn lục soát, bắt xét cả thằng quẹo tay, mặt đen như rẫy cháy đang ở đó. Chúng tìm thấy một gói bột ngọt dưới hầm, một gói trong người thằng quẹo tay, quăng hai gói bột ngọt xuống đất, thằng Đại úy nổ một phát vào gói gần bên thằng quẹo tay làm văng tung tóe, dằn giọng: - Cái gì đây? Mày giấu bột ngọt cho thằng này chuyển đi phải không? Hắn ấn mũi súng vào ngực thằng quẹo, hất hàm hỏi bà Bên. - Dạ không! Bà kể lúc đó bà chưa biết tính sao, nếu nói cất để uống vậy gói trong người thằng quẹo nói sao? Lúc này cái người học y dạ dạ sau vai thằng Đại úy.

- Dạ của em. Xin Đại úy tha cho em.

- Sao lại của mày? Mày cũng tiếp tế cho cộng sản.

- Dạ không. Tại cô này uống bột ngọt như uống nước, em cũng có khuyên không nên, sẽ rất độc hại cho nội tạng và thần kinh sau này nhưng cô ta không nghe, bảo thèm uống. Khuyên không được em mặc kệ, rồi gãi gãi tai ra vẻ ngượng. - Em chưa vợ mà Đại úy, nên em bảo nếu cho em gần gũi thì em mua bột ngọt cho uống. Còn thằng này tối qua em cho nó một gói bảo mày muốn đổi cái đó mày phải có cái này cho cô ấy uống, còn tối nay mày nhường cho tao. Dạ! xin Đại úy tha cho em, tối qua em chỉ trốn đi một lát xong về liền à.

- Đúng không? - Hắn chỉ mũi súng như khi nãy vào ngực thằng quẹo tay.

- Ừ, nó nói đúng cái bụng tao đấy. Mà tao đã đổi được đâu, mày bắn bay hết của tao rồi.

Hắn nổ tiếp một viên nữa vào gói còn lại.

- Còn mày, mày uống bột ngọt à? Không cần uống, mày ăn như ăn cơm cho tao xem.

Bà Bên mỉm cười nói. - Đại úy cũng bắn bay của em rồi, lấy đâu ăn.

- Mày không thoát đâu. - Hắn lôi gói bột ngọt trong túi ra.

- Mày chỉ cần ăn một chén, không cần ăn nhiều.

Nó sai lấy chén muỗng đổ đầy bột ngọt rồi ngồi xem. Bà Bên ăn ngon lành như ăn cơm. Bà ăn xong nó nói tiếp. - Mày không được đi đâu trong hai tiếng mà phải đứng không được ngồi, xem ruột mày đầu mày có chịu được không. Tụi bay phải canh chừng. Cứ mỗi lần nói với ai hắn lại chĩa súng vào người đó.

Hai tiếng đã qua. Bà Bên vẫn bình thường. Hắn lại nói.

- Mày đi lại vài vòng cho tao xem.

- Mày liệu hồn. Lần này tao tha cho mày. Ngày mai phải lấp ngay cái hầm.

- Còn mày. Về trại tao cho mày chạy quanh sân đến sáng và cấm trại một tuần.

Rồi vẫy súng gọi quân về.

Đêm đó thằng quẹo giúp bà Bên nôn bột ngọt ra nhưng hai tiếng cộng với thời gian hoạnh họe của thằng đại úy, rồi còn chờ cho nó đi khuất thì đã quá lâu. Thằng quẹo bắt bà uống rất nhiều nước để súc nôn ra nhưng bột ngọt đã đi xuống ruột. Thằng quẹo thương quá cầm tay bà ứa nước mắt. Đó là Ama Thin bây giờ. Ama Thin làm thằng bê tha say xỉn, ngày ngày ra quán quấy phá bà Bên là để bảo vệ bà và lấy bột ngọt chuyển đi. Bà kể hôm đó Ama Thin phải ra ban đêm là để có thời gian nói cho bà biết Ama Amí luôn nhớ và thương con, họ biết việc bà làm nên nhắn bà yên tâm. Bà Bên được tiếp thêm sức lực thì nuốt bao nhiêu bột ngọt bà cũng vui lòng.

Bà với Ama Thin suy nghĩ rất nhiều về người lính đã giải vây cho mình. Bà nói với Ama Thin: - Thôi, tất cả nhờ Giàng.

Cái việc giải vây đã đem lại không ít rắc rối cho bà Bên. Những kẻ sàm sỡ lâu nay còn e ngại chưa lộ ra hết, bây giờ bùng lên thèm khát. Bà lo lắng không yên. Một đêm, có thằng sàm sỡ nhất bị xuyên mũi tên vào háng khi vừa lẻn ra khỏi trại lính vài sải tay. Đến ngày giải phóng, Amí mới kể với bà là Ama rất lo cho con nên ông ấy rình mấy đêm mới bắn được thằng đó để cho con yên.

Được yên ổn, ngày ngày bà vẫn uống bột ngọt để làm tin nhưng bây giờ ít người nhận mua giúp, họ sợ liên lụy. Chỉ có người giải vây không hiểu cách gì mà ngày nào cũng giấu cho bà một gói, trừ khi đi hành quân hay bị cấm trại.

Đã lâu mọi việc suôn sẻ mà đêm xuống bà vẫn thao thức. Tiếng cuốc, tiếng từ quy, tiếng mang tác ngoài rừng vọng về buồn lắm. Không ngủ được bà dậy ngồi nghe lích kích tiếng đồng hồ treo trên vách ván.

Sau trận càn, một đêm xả trại bà Bên đã bắt chồng địch rồi sau đó hễ có dịp là tìm tới nhau. Chuyện tình của bà bí mật như bột ngọt âm thầm lên núi.

Tôi đã nói rồi. Suôn sẻ thì có chi để nói. Bà Bên bị một thằng lạ mặt bắt tại trận khi đang móc cổ nôn ra nước bột ngọt vừa uống. Bà bảo bà đau nghén nó không tin. Thằng Đại úy ở đâu xông vào đá thốc vào bụng rít lên: - Mày diễn này.

Đau quá bà ngã xuống, nó đá thêm mấy đá vào hông và sườn. Bà ậc lên co quắp nhìn nó, máu thành dòng từ Yêng chảy ra, nó thoáng nhíu mày rồi chuồn về với tên kia. Mấy anh lính đang ngồi bên ngoài xô vô, ông lớn tuổi xem xét bảo: - Cô ấy bị sẩy thai.

Một tuần sau cha thằng A-One đi hành quân về mặt mày húp híp. Cha nó ức quá mà chịu, mí nó phân tích thiệt hơn nên cha nó nghe: - Thôi, từ nay em với quẹo phải cẩn thận hơn, rồi đưa ra cái bi đông, cười như ông địa của người Kinh: - Đại úy bắt tiểu đội anh vô rừng bắt tổ đặc công, tụi anh bắt được toàn tổ ong lấy đầy mấy bi đông mật, em uống ngày hai muỗng sáng tối cho mau lại sức.

Sau lần ấy cha thằng A-One liều lĩnh hơn. Ông thường gợi ý đưa tiểu đội vô rừng lùng địch, để mang rất nhiều bột ngọt vô rừng giấu sau vách đá bên dưới có cái hang chồn để Ama Thin chuyển đi.

Mí nó vô cùng lo sợ, vì liều lĩnh không có tổ chức rất nguy hiểm. Mí nó khuyên can không được, cha nó bảo: - Nó đá em sẩy thai giờ đang sợ buôn trả thù như thằng bị xuyên háng nên em cứ để anh làm để chuộc lỗi không bảo vệ được mẹ con em. Anh có làm sao thì em chớ để ý mà liên lụy đến công việc của em. Bà kể lúc đó bà đưa tay bịt miệng ông: - Đừng nói lời không hay.

Chỉ được ba lần trót lọt, ông bị quân của mình bực tức, để ý bắn hạ vì cứ phải theo ông đi rừng. Ông chết khi bụng bà vừa ươm con. Ama Thin và bà bị kỷ luật mất liên lạc rất lâu. Ngày ấy Ama Thin bắt đầu làm chồng không ngủ với bà cho đến hồi thống nhất mới thôi. Sau ngày giải phóng mí con bà tìm nhà cha nó nhưng chiến tranh đã làm thay đổi hết. Năm 2000, bà Bên gặp được người lính xưa hay vô quán bà, ông cho biết người nhà cha nó chạy qua Mỹ hồi bảy lăm, bây giờ vẫn còn sống bên đó. Ông hứa sẽ tìm giúp nhưng mãi không thấy.

Vách đá hang chồn trong rừng buôn Bin còn đó, bây giờ hằng năm mí con bà vào thăm như viếng mồ chưa bỏ mả.

- Năm ngoái thằng A-One đã viết thư gửi chương trình Bao giờ có cuộc chia tay. Đứa mặc quần xanh áo trắng lại gãi đầu ré lên: - Như chưa hề có cuộc chia ly. Nó đỏ mặt ngồi xuống đất trong khi già Pan dáng bộ tự tin vẫn tiếp tục.

- Nó muốn chương trình tìm giúp người nhà của cha nó. Nó đã ghi rõ hết và còn ghi mí nói cha có vết mổ ở bụng vì ruột thừa. Nó mong tìm được để xin người nhà của cha giúp đỡ, cho nó xin... Già Pan thở dài, vọng vào loa nghe như tiếng gió vù qua của mùa khô Tây Nguyên: - Nó chỉ xin tấm hình của cha để thờ cho yên lòng mí, ấm vong linh cha theo phong tục Kinh, thay cho cái đồng hồ kim không còn chạy treo trên vách ván ngày xưa.

- Dạ thưa quan khách, thưa lũ làng Bin, tôi đã kể xong chuyện của bà Bên. Bây giờ lũ làng Bin xin bưng thêm ché, chất thêm củi, gọt thêm trái rừng mời buôn Mơ Trăng kể gương sáng buôn mình. Trong lúc buôn Mơ Trăng kể tôi xin phép chạy về xem bà Bên thế nào. Tôi xin kính chào.

Già bước chưa xong ba bục gỗ, quan khách vỗ tay ầm ầm. Lũ làng Bin và lớp chữ U mặt mày hớn hở. Đợi mấy vị quan khách bắt tay chào già xong đứa mặc quần xanh áo trắng chạy lại phụng phịu nói gì đó. Già nghe rồi cười ngó liếc quan khách, lũ làng, bẹo má dắt tay nó đi. Té ra nó là cháu nội già làng Pan.

N.T.T
(TCSH429/11-2024)

 

 

Các bài đã đăng
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)