PHẠM GIAI QUỲNH
Linh hồn ta là ánh chiếu của một vì sao đã chết
1.
Được rồi, đây là phần mở đầu câu chuyện, mi nói khi vạch những nét đầu tiên lên trang giấy.
Bạn châm một điếu thuốc, gác xuống chiếc đĩa con trên bàn.
Mi chưa bao giờ dùng gạt tàn, đây là chiếc đĩa với tác dụng tương tự đã theo mi nhiều năm. Hình bầu dục. Dày, thô, nặng. Sắc men trắng điểm họa tiết dây cúc ở giữa đã ố vàng bởi tác dụng nhiệt. Mi có thể tả nó một cách chi tiết hơn song lại không cần thiết, có thể chiếc đĩa ấy chẳng có mấy tác dụng trong câu chuyện này.
Vẫn duy trì thói quen viết bằng tay, mi ưa việc vẽ hình ảnh nhân vật, bối cảnh hoặc biểu tượng nổi bật trong câu chuyện vào sổ con rồi dùng ngôn ngữ phác lại chúng trên bản thảo. Trong trang giấy lật mở có hai câu chuyện khác nhau, một thuộc về những cây nấm và khu rừng xa xôi - những sợi nấm tựa như các mao mạch li ti, trải rộng và ken dày khắp thảm rừng, tự thân chúng đã tạo thành một mạng lưới thông tin mà con người khó bề giải thích, dưới sự bảo vệ của muôn nghìn tầng tán, ngôn ngữ của chúng lại càng trở nên bí ẩn, hòa với ngôn ngữ của cây, tạo thành tử ngữ - thứ mà có lẽ Darwin đã gần chạm tới khi nghiên cứu về phong lan ma; một vẫn đang thành hình.
Bạn thấy mi ngồi yên, cũng lẳng lặng theo. Mi vô thức nhấc điếu thuốc lên. Rõ ràng, bạn không hút, nhưng bạn biết mi có thói quen này mỗi khi sáng tác nên bạn làm trước một số việc hòng khiến mi tránh phân tâm.
Mi trông thấy một cánh cửa, rồi sau đó là một ngôi nhà. Cánh cửa trước, ngôi nhà sau, mi bảo. Đó là một huyện miền núi. Tại sao? Bạn hỏi. Mi nghiêng đầu suy nghĩ, phải, tại sao nhỉ? Các câu chuyện của mi thường vậy, mi không cố tình, ở đây ở kia lại hiện lên một vùng núi, một ngọn đồi, những cái cây, một cái chợ lúp xúp dành cho dân khai hoang. Thảy đều là ám ảnh thời thơ ấu, bạn bảo.
Hẳn thế, mi đáp. Tôi đã từng khiếp đảm những gì xảy ra ở xung quanh mình hồi bé, cơ man lọc lừa, nước mắt, chuyện trốn chúa lộn chồng, chuyện bỏ bê con cái, sau rốt, thảy chẳng phải là bản chất sâu kín nhất của con người sao? Hiểu. Nhưng không thông cảm. Ngay từ nhỏ, mi đã nhận ra mình là kẻ khắc nghiệt, và sự khắc nghiệt này vẫn chẳng suy suyển sau nhiều năm. Nó chỉ lớn lên từng ngày.
Đấy là bản chất của mi.
Hoặc không.
Rốt cuộc thì mi đã hiểu được thế nào là nói nước đôi, nhưng đôi khi buộc phải vậy. Thời niên thiếu, mi là người luôn cho rằng mình là kẻ nắm đằng chuôi, đưa ra đủ loại phán đoán - cả về người lẫn việc - hầu hết đều đúng, nhưng rồi vẫn có một đôi chuyện sai, và điều này khiến mi hoang mang.
Người đàn ông xuất hiện ở khúc quanh, tay xách một sợi lạt xỏ hai con cá, nhìn từ xa, chẳng ai hay đấy là loại cá gì, nhưng chúng vẫn sống, miệng hấp háy hớp lấy luồng không khí vốn thuộc về kẻ khác như vô vàn đồng loại mắc cạn của mình, những cặp mắt trong trợn tròn loáng nước, và nước từ nơi chúng sống vẫn rỏ dọc chảy từ thân xuống, kéo thành từng vệt lấm tấm trên nền đất vàng hanh.
Căn nhà gỗ đứng trơ trọi, chung quanh không có hộ dân nào khác.
Là người gác đồi truyền hình, y cũng hiếm khi về nhà. Sau khi đổi ca trực xong, nhìn đồng hồ rồi lại trông ra bầu trời mịt sương bên ngoài, mi lần khần mãi với việc có nên quay về hay chăng. Ở đâu cũng như nhau cả. Đồng nghiệp là một chàng trai trẻ, khá điển trai, sinh năm 2000, khi cậu ta mới tới, y hơi bất ngờ bởi đa số thanh niên trong vùng ở độ tuổi này đều đã xuống thành phố. Lúc đẩy cửa vào, cậu luôn miệng than lạnh. Phải, cái lạnh năm nay khác với mọi năm, nó khiến y nhớ tới mùa đông quãng 2016 - 2017, rét đến mức băng kết trên mặt lá cải trong vườn, y phải mang con gà duy nhất vào trong nhà. Gà mái. Nuôi từ bé. Ăn quẩn quanh chân người như con chó con mèo.
Y phải có một gương mặt, bạn nói, không phải người bản địa, y mang gương mặt của kẻ xa lạ, trốn chạy khỏi thực tại, thế giới mà y sống dường như tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, y là kẻ khước từ. Và độ tuổi...
Tầm ba lăm ba sáu, chẳng vợ con gì, chẳng tình yêu và cũng không tình dục? Mi bật cười hỏi lại. Vậy đó không còn là con người nữa. Có cần thiết không?, bạn nhìn xoáy vào mắt kẻ trước mắt mình, vặn lại. Mi lắc đầu rồi lại gật.
Phải, rất khó. Đến giờ chính mi vẫn chưa rõ bối cảnh của người đàn ông này, căn cước cá nhân của y là gì, bối cảnh phát triển ra sao, môi trường giáo dục thế nào, và tính cách thực sự của y? Trước “nhân” là “vật”, bạn nói, dẫu không có tên đi chăng nữa... Một khi khuyết đi bản tính, thảy chỉ còn là những món đồ vô tri vô giác. Vậy nếu chỉ chăm chăm vào bản tính?
Mi dụi tắt điếu thuốc đã cháy đến tận đầu lọc: Thì chỉ còn là thú vật. Chính trung, khó thay. “Chúng ta có thú tính và ác ma tính, nhưng đồng thời cũng có cả thần tính”1.
2.
Không, y từng yêu một người, bằng một lý do gì đó y chẳng thể nhớ rõ khuôn mặt ấy, nhưng y biết mình đang yêu và điều này khắc sâu trong tiềm thức. Như thể có một thế lực nào đó muốn y quên đi, càng vậy y càng gượng nhớ lại, và càng vậy y càng quên nhiều chi tiết hơn.
Cỏ mọc dày quanh vườn áy úa vì thời tiết, đất khô khiến việc phát cỏ càng khó khăn. Mở cửa vào nhà, y xuống bếp lật cái chậu ra rồi thả cá vào.
Nước bị quẫy tung lên, đôi cá lộn mình rồi bơi một vòng, vì không gian quá hẹp, chúng chỉ có thể châu đầu châu đuôi, nhìn thoáng qua, như thể một bức tranh âm dương sai lệch. Thay quần áo, y chui vào chăn đánh một giấc. Tuy chỗ làm có phòng ngủ nhưng dẫu sao vẫn chẳng phải nhà mình, y không ngủ được.
Ba giờ chiều, ánh nắng xỏ thẳng vào trong buồng đánh thức y. Thời tiết khiến các khớp xương trong cơ thể như động cơ hết nhớt, cựa mình cũng thấy đau nhức, hoặc có lẽ đó là dấu hiệu của tuổi tác cũng nên. Y xem đồng hồ một lần nữa rồi buông chân lần tìm đôi dép, chẳng biết con mèo đã bò lên nằm ở cuối giường tự bao giờ, thấy chủ dậy, nó cũng nhổm đầu lên nhìn rồi lại cuộn mình rúc vào trong chăn hòng ruổi theo hơi ấm còn sót lại.
Y gãi cằm con mèo mướp. Khi mới mang về, người nó vẫn ướt, vạt áo đâm ra sũng nước theo. Bấy giờ cơ thể của nó mềm rũ, hơi thở yếu đến mức tưởng như có thể ngưng bất cứ lúc nào, song sức nóng tỏa ra từ khối thịt tí hon ấy áp vào bụng khiến y có thể yên tâm một chút. Về tới nhà, giở ra, thấy nó vẫn cố ngóc đầu lên kêu mấy tiếng khe khẽ, run như cầy sấy. Y kéo máy sưởi ra, rút một cái khăn bông mà mình không dùng đến, bọc nó lại và thấm khô lông cho nó. Con mèo sấn lại gần nguồn nhiệt, chốc đã ngủ say. Y nhìn nó một lúc lâu, sau đó bắc nồi nấu một chút cháo loãng.
Sinh mệnh là thứ lạ đời, vận mệnh cũng vậy.
Kiểm tra lại bờ rào và nhổ vài nhánh rau cải non, y lộn vào chuẩn bị nấu bữa tối. Người sống một mình, mọi thứ đâm ra giản lược, trước đây có những ngày chỉ ăn rối một thứ gì đó, chiêu một ngụm nước rồi thôi. Từ buổi con mướp “về”, thành thử có thêm một mối ràng. Với cái rá treo trên vách bếp, y ra ngoài bể nước rửa rau. Chiều, trời trở tối nhanh, cánh đồng còn sót rơm nhà ai bây giờ mới đốt tỏa ra làn hương khen khét, nhạt suông dần theo ánh nắng tàn. Qua hai lần nước, mi vớt rau rồi túm lại thành bó, đập dập phần cuống bằng lòng bàn tay và vặn chia thành ba phần. Không cần tới dao, cách này sẽ khiến rau mềm hơn. Y chợt thần người ra, vì rõ ràng đây là cách sơ chế khi xào. Y định bụng nấu canh cá. Đành vậy.
Bạn chợt bật cười, đâm ra mi cũng cười theo.
Vách liếp kép với các mắt đan đã lên nước bóng như phủ sơn sau thời gian bị ám khói. Bếp được đào ở ngay trong nhà, cách lối ra vào một quãng ngắn, y dùng gạch và đá để lèn chung quanh, ở giữa kê chiếc kiềng ba chân, rồi dựng một cái giá ngay phía trên để trữ thịt khô, măng khô, một vài món đồ gỗ nhỏ cần hun khói. Khi nhà vắng người, con mướp thường cuộn mình làm ổ ở đây. Y kéo ghế, rút đóm ra bắt đầu nhóm lửa. Ngọn khói nhen lên rồi giãn dần ra, bốc, tuôn lên cao nom như một con rắn rời tổ kiếm mồi. Mẹ y từng bảo, nhà không có lửa như người thiếu hơi thở. Thời học đại học ở thành phố, y từng nghe nhiều câu tương tự như vậy song không mấy để tâm. Nhiều việc y làm bây giờ cũng chỉ như một chuỗi các việc đã được lập trình sẵn. Tháng tháng năm năm, ngày ngày giờ giờ, từng giây từng phút, hiếm khi nào xảy ra sự sai lệch, thảng hoặc, nếu có, thì chúng thuộc về tác động của tha nhân.
Hoặc một con mèo, mi nói.
Bạn bảo rằng, rất nhiều thứ mà mi thiết lập đều nhằm mục đích gây trở ngại cho nhân vật.
Tôi chỉ muốn quan sát xem một người có thể làm được những gì khi họ bị dồn vào thế bí, mi nhướng mày bảo. Đấy cũng là một tật xấu, sự kiêu ngạo, bạn nói, hoặc là sự phàm cận. Mi đáp lại bằng cái nhún vai rồi gác đầu vào ô cửa. Trời đổ mưa - cơn mưa không báo trước dữ dằn giội xuống tựa thác đổ, kéo thành từng vệt lớn nhỏ trên khung kính mờ.
Âm thanh ấy khiến mi nhức đầu.
3.
Rời khung cửa, mi trở lại với căn nhà của y.
Y vừa mới tắm xong, đang cắm máy sấy tóc. Thời đại thay đổi, sinh hoạt của con người cũng vậy. Chỉ có tính người là còn mãi, bạn bỗng bước tới bên cạnh mi và đùa một câu. Có đôi khi bạn đùa mà khiến người khác tưởng thật, trên thực tế một vài câu chuyện của bạn thuộc về tha nhân, và phần đa thuộc về những gì mà ông bạn kể lại. Ruổi từ thời Hà Thành còn bán lục tào xá, phở gánh, đến những khoảng rừng rậm xanh ngắt thẫm mặt người sốt rét, đất đen máu đỏ, rồi tới con nước phương nam “đỉa lội như bánh canh”, những đêm trăng suông lặn sông bắt cá, tới con khỉ được nuôi từ nhỏ khôn như trẻ con song buộc phải đuổi đi vì học người cầm súng, tới cặp vợ chồng người Việt ở Cam cho bộ đội nương náu chẳng nề gì thân mình, những người thanh niên trẻ trai mới vào chiến trường hôm trước còn đang cười nói vậy mà hôm sau đã chẳng còn trên nhân thế,… Tất thảy cấu thành bạn. Và cả mi.
Bạn bảo rằng ấy là sự kế thừa, rằng so với vật chất hiện hữu, ngôn ngữ và các câu chuyện có tính bền chắc hơn. Cho tới khi thế giới tìm vào cõi tịch lặng, tiêu vong; cho tới khi thảy chỉ còn là bóng ma của ánh sáng vạn năm, trăm vạn năm hoặc có thể là dài hơn thế truyền từ hành tinh này tới hành tinh khác - thứ ánh sáng lạnh lẽo của cái chết song lại tràn ngập hình ảnh sót lại của thời kỳ đã qua, dấn sâu chốn dĩ vãng.
Bằng cái lý thần kỳ nào đó, ở đây cũng đang mưa. Mái nhà chưa kịp tu sửa lại dột. Y thần người bởi cơn mưa đến quá đột ngột - giữa tiết trời hanh khô lạnh giá này.
Đó là cơn mưa đến từ thực tại, thực tại của mi, cái thực tại có thể ảnh hưởng đến toàn bộ câu chuyện, dù cho tới nay câu chuyện mới chỉ có một căn nhà gỗ, một người đàn ông, một con mèo mướp, một khu vườn nhỏ, một cái bếp lửa, một chiếc giường, một chiếc máy sấy tóc, à, và cả ngọn đồi nơi y làm việc, chàng trai trẻ đồng nghiệp lẫn con đường nhỏ dẫn về nhà với đôi hàng rào dựng bằng cây hóp. Đấy là cây nứa, y bảo. Mi ngẩng đầu lên. Y đang nhìn chòng chọc vào vị trí mà mi đang đứng. Mi biết y đã phát hiện ra mình (có lẽ), vội kéo bạn ra khỏi đó.
Mùi thuốc lá vờn quanh, hiềm rằng y không hút thuốc bao giờ. Hẳn là ảo giác, y biết có nhiều người bị đánh lừa bởi chúng, có đôi khi vừa chợp mắt, y đã ngửi thấy mùi cháy khét nhen lên ở một nơi nào đó và bật dậy tìm quanh, song chẳng có gì khác. Đám cháy…
Bạn vẫn nhớ như in đám cháy mười năm trước, lửa hừng hực liếm vào da thịt tạo thành các mảng rộp bỏng rát, bạn và mi trở thành kẻ cô độc giữa nhân thế.
Kê chiếc chậu vào nơi bị dột, nước đánh xuống chất nhôm tạo thành những tiếng leng keng đầu tiên rồi dần chuyển thành lách tách, y bần thần nhìn nước rỏ.
Một. Hai. Ba.
Bốn. Năm. Sáu.
Nước đầy lên song mưa vẫn chưa ngớt. Y tóm lấy gáy con mèo khi nó toan thò đầu vào uống nước mưa dột, nhấc chậu lên và hất ra ngoài.
4.
Chợt có tiếng gõ cửa vang lên, ban đầu không mấy rõ ràng, sau càng trở nên dồn dập, rồi ngừng lại như chờ một âm đồng vọng.
Mi nhìn bạn và đứng dậy. Ít tiếp xúc với người khác, những từ mà mi dùng đâm ra trở nên khuôn sáo với thời đại này, thảng hoặc mi bối rối về điều đó nhưng rồi cũng chẳng mấy quan tâm. Như hiểu được sự nghi ngờ của mi, bạn giơ điếu thuốc mới châm ra, mi nhận lấy, rít một hơi song không nuốt, chỉ để lấy dũng khí mà thôi.
Thế giới cá nhân quá ư nhỏ bé khiến con người ta e dè với tất cả. Bên ngoài cánh cửa kia là gì, mi không rõ, bạn cũng vậy. Đó có thể là một người đàn ông hoặc phụ nữ, hoặc không gì cả, biết đâu chừng chỉ là trò đùa dai, mi bảo. Tiếng Saxophone chợt vang lên, tràn vào không gian, quyện lẫn với tiếng mưa khoan nhặt bên ngoài. Cũng chưa chắc, bạn nói, nhỡ đó chỉ là hiện tượng ảo thanh mà thôi, trí não vốn dĩ dễ trở nên mơ hồ trước những cơn mưa.
Lang thang giữa huyễn ảnh và thực tại, dần dà mi chẳng rõ những gì mình nghe và thấy có thực sự tồn tại hay chăng. Thế nhân có thể đi hết một đời mà không thực sự hiểu rốt ráo những gì diễn ra chung quanh mình, cứ mù mờ như vậy, rốt cùng là một xẻng đất.
Lại hình ảnh này, mi bảo, chúng ta đã dùng nó quá nhiều. Một số thứ, một số lời, một số từ được lặp lại với các ý nghĩa và mục đích khác nhau, một số thì không, đâm ra tầm thường đi.
Vậy còn bố mẹ y? Bạn hỏi.
Họ đã mất, y đáp cậu trai trẻ đồng nghiệp khi cậu hỏi về họ. Cậu sững người một lúc lâu. Y hiểu mọi người sẽ nghĩ ra sao sau câu trả lời của mình nên thường sử dụng ngữ khí bình thản nhất có thể, với tâm thế của kẻ bên lề và cô tuyệt.
Họ mất trong một cơn lũ, y nói, đất lẫn nước quét qua, thảy đều bị san phẳng chẳng còn lại gì. Bấy giờ y đi theo xe cứu trợ từ thành phố về nhà, mưa rát mặt rát da, trời sắp chuyển thu, nước ngấm vào người buốt giá, song không bì được cái lạnh ngấm từ trong ra ngoài, cái lạnh rờn lên khắp cơ thể chuyển từ buốt giá sang điếng lặng, báo hiệu rằng từ nay y chỉ còn lại một mình.
Một mình.
Bất chấp những điều đó, y vẫn cố gắng tìm kiếm, chung quanh là hàng xóm cũng đang đi tìm người thân, họ nhận ra nhau nhưng chỉ im lặng, nước mắt đầm đìa chảy, không ai còn tâm trí để chào hỏi hay nói gì nữa. Từ ấy y bỏ phố.
Đời là vậy. Có vô khối người đã mất đi vào thời điểm đó, mỗi người đều ôm nỗi đau riêng mà y chỉ là một phần trong đó, một phần của một khối vuông đầy những vết rạn nứt và hàn dán. Bạn có biết loại gốm được hàn bằng vàng của Nhật?, y hỏi và bật cười, thực ra không có mấy sự lãng mạn trong đó, đấy chỉ là một trong những cách để ta có thể sử dụng tiếp món đồ đã vỡ, tương tự, chính con người cũng thế.
Còn nếu món đồ ấy đã vỡ vụn hoàn toàn thì sao?, mi hỏi.
Vậy chỉ còn cách chôn lấp hoặc cất sâu ở đâu đó mà thôi, bạn nói rồi bước ra cạnh cánh cửa, rờ tay lên chốt và buông một câu, có những người kết liễu bản thân bởi họ không còn cách nào để sống, chỉ làm lữ khách trên nhân thế, dạo qua thế gian ô trọc này.
Cửa mở.
Có tiếng người đang gọi, y đẩy cửa, song trước mắt chỉ có khoảng trống lẫn bóng tối vô biên chìm khuất trong cơn mưa.
Như thể trò đùa dai.
Mưa đánh vào tấm bạt bên ngoài, quang cảnh quen thuộc, gồm khoảng không gian rộng lợp tôn được dùng để chứa những khúc gỗ lưu cữu từ thời chủ nhà còn làm nghề mộc, hai chiếc xe máy của người thuê nhà. Mi không biết sử dụng bất cứ loại phương tiện giao thông nào. Nói đúng hơn là sợ phải gánh trách nhiệm, bạn trêu. Mi không phản bác điều đó. Người đứng ở kia, với gương mặt tổng hòa của vô số người mà mi từng đọc, từng gặp và trò chuyện trong những đêm thâu đơn độc, tăm tối với cồn và thuốc lá. Ở đây, đôi tai với hình dạng đặc biệt của Kafka, bộ ria mép của Poe, đôi mắt của Goethe, chiếc mũi của Borges, cái miệng của Akutagawa, vầng trán của Nguyễn Tuân và cặp lông mày của Tô Thức, tựa như một bức tranh ghép hình với các mối ráp không mấy ăn nhập song lại khó bề phân tách. Mi và bạn im lặng nhìn gã.
Mi biết thứ đang dấy lên trong lòng là gì - sự kinh hãi. Song gã chỉ cười và vươn tay đóng cửa lại.
Ngoài kia, mưa vẫn rơi và máu cũng vậy.
5.
Chín giờ tối, đã tạnh mưa, không gian bên dưới vòm trời đêm tựa khoang làm lạnh nằm trong tủ đông, nhiệt độ giảm sâu đâm ra khiến người ta lười nhác. Y gắp từng mẩu than hoa, cho vào trong một chiếc xoong cũ và vùi bếp lại. Rút chiếc túi bóng giắt bên vách, y định bụng ngày mai ra sườn đồi kiếm một ít rau răng cưa về bán cho hàng phở ở đầu xóm. Song đôi khi gặp phải những đàn bò tinh lưỡi, tìm khắp hai ba ngọn đồi cũng không kiếm được mấy cọng rau. Tròng thêm một chiếc áo len rồi khoác áo gió, y xỏ giày, cầm cái cặp lồng đựng canh cá và cơm để dành lại sau bữa tối, bật đèn pin lên, đi trực ca đêm.
Con đường dẫn lên đồi truyền hình bị nước mưa xói theo tháng năm, giờ đã trơ ra toàn sỏi, cát, đá dăm, gạch vỡ. Đôi bên là những thân tre cao chen lẫn lá cẩm, mua, dướng và những loại cây bụi mà chính y cũng chẳng biết tên. Hồi còn sống, mẹ hay ra đây nhặt mo tre về làm cơm nắm, y xách túi đựng cơm, khấp khểnh đến trường. Trường cách nhà hơn một cây số. Đi bộ qua hai ngầm suối và hai cánh đồng mới đến, bấy giờ đường chưa trải nhựa, hễ có mưa là đất bị lộn lên như cháo, phải lựa chân leo lên gờ mương nước mà đi. Trong những giấc mơ xuyên suốt đến tận bây giờ, thảng hoặc y vẫn thấy mình đang nhón gót vượt qua con đường lầy đó, trượt chân, bùn bắn lên dính đầy lưng và quần. Con đường không có ai cả, chỉ có mình y. Xa xa là một con trâu đương đằm mình dưới suối. Người giải mộng bảo y có số vất vả, y chỉ cười, không đồng tình cũng chẳng phản bác.
Ánh đèn rọi sáng con đường phía trước, phản ánh nước lấp lánh, những mỏm đá tai mèo ẩn hiện loáng lên nom như đá quý. Hơi ẩm giăng khắp vòm không chợt khiến y thèm khói thuốc, song y không hút, ngược nghịch thế đấy.
Cửa khép hờ, y đẩy cửa vào và thấy cậu trai kia đang quấn chăn gà gật.
- Sao không vào giường mà nằm?
- Em ngủ quên - Cậu trai lơ mơ tỉnh dậy, không lấy làm ngạc nhiên hay giật mình gì - Mà rét quá chắc em không về nữa đâu. Cái nhà vệ sinh lại tắc, để sáng mai em sửa luôn.
- Gọi về nhà chưa? Tối nay ăn gì rồi?
- Em nhắn tin cho ông cụ rồi. Tối em úp mì tôm ăn thôi, mùa này ăn mì hợp anh ạ.
- Ừ. Ở đây có cơm canh đấy, đêm đói dậy ăn cũng được, không thì chan nước mì mà ăn.
Đêm. Giữa cái tịch lặng khôn cùng của đất trời ở vùng núi thẳm chỉ có tiếng côn trùng thỉnh thoảng rúc lên. Cậu trai ra ngoài hút thuốc, y theo ra xin một hơi, không quen nên bị sặc. Cậu trai cười:
- Anh mới hút thì đừng nuốt.
- Nếm náp thôi.
- Còn hai tháng nữa là người ta giải thể chỗ này, chú tính thế nào?
- Em cũng chưa rõ, làm ở đây ba cọc ba đồng nhưng nhàn. Chắc em trồng rau rồi cung cấp cho chợ.
- Hồi xưa chú học trường gì?
- Thủy lợi anh ạ, học xong em cũng đi làm trái ngành, nói sang là đi làm trợ lí cho nghệ sỹ nhưng trắng ra là thằng chạy vặt. Lông bông mà cũng không được mấy đồng. Em không quen ở thành phố. Mà sau này anh định làm gì?
- Không biết nữa.
Sân xi măng của trạm canh xuống cấp theo thời gian, dù y thường trát lại nhưng vẫn không lại được với cây cỏ nơi đây, được một vài tháng là đã lại bị rễ cây đội lên, nứt toác, hoặc có thể do tay nghề của y kém, trộn cát không đều chăng? Ánh đèn tờ mờ tỏa ra chẳng chọi được với đêm đen, vô tình khiến y nghĩ đến ngọn hải đăng trên biển mà mình từng trông thấy một lần hồi đi nghỉ mát với công ty. Nhưng cũng chỉ một lần đó, y không thích biển, y cũng không giỏi giao tiếp với người khác, nên chỉ làm được một thời gian là y nghỉ công việc bàn giấy ấy. Lang bạt khắp nơi, các cuộc gặp gỡ thường chỉ tính theo giờ, có những sáng tỉnh dậy ở một vùng đất lạ, y bần thần chẳng rõ mình sống tiếp để làm gì.
6.
“Con người lưu lạc” là một cụm từ hay, mi bảo, nhưng không mấy ý nghĩa trong câu chuyện này. Để thêm chữ phỏng, bạn bật cười. Mi im lặng gẩy tàn thuốc vào đĩa.
Đêm không dài như người ta vẫn tưởng, y vươn vai đứng dậy nhìn vừng dương đang ló dạng ngoài cửa sổ, rỉ sét từ những song sắt bám dính vào đầu ngón tay tỏa ra mùi tanh tanh như máu lại khiến y nhớ tới chợ cá với những thùng xốp chất đầy thủy hải sản - những loài động vật với cặp mắt trong dần hóa đục không sao tránh thoát khỏi số phận - nhưng chẳng mấy chốc đã bị gió ban mai thổi tan.
Cơn mưa đêm qua như thể giấc chiêm bao, hôm nay hẳn sẽ là một ngày nắng đẹp. Cậu trai đã dậy từ sớm, đang tập mấy động tác thể dục cơ bản ngoài sân. Ánh sáng biến chuyển từ mờ đến tỏ làm những vết nứt, vết cáu bẩn, bùn đất càng nổi bật hơn, khiến chúng chẳng biết nên trốn rúc vào đâu, song đồng thời cũng khiến màu sắc tươi xanh của cỏ cây hiển hiện rõ ràng.
Cậu trai cầm thuổng ra tra hố sắn. Đất của chung, có thể xin trồng trọt gì đó tăng gia. Người ta cũng mắt nhắm mắt mở.
Y nhìn cậu làm việc, suy tính xem ngày sau mình sẽ phải làm gì.
Mặt trời đã lên lưng chừng núi, ở ngọn đồi mà y lần tìm rau thơm có những cây nấm đội đất chui lên, hoa lá ngón nở bung ươm vàng thu hút ánh nhìn kẻ bạt núi băng rừng, nếu không cẩn thận là sẽ bị vẻ đẹp ấy mê hoặc.
Bạn bảo: Thuyết phục hơn cả là những lời mà người ta không bao giờ nói ra.
Y ngẩng lên, chỉ thấy ánh mặt trời phủ xuống, ấm áp, từng đốm sáng li ti nhảy nhót giữa núi đồi như thể đàn đom đóm mà mình từng ruổi theo thời thơ ấu.
Y biết mình sẽ không rời khỏi núi nữa.
Phải, mi gấp cuốn sổ lại rồi uống cạn chén rượu.
Họ rời khỏi căn phòng.
P.G.Q
(TCSH57SDB/06-2025)
---------------
1 Trích Tượng trưng của khổ muộn, Kuriyagawa Hakuson, được Lỗ Tấn dịch, tác giả dịch lại từ bản dịch này.