ĐẶNG THÙY TIÊN
Trường thi khối C, Văn - Sử - Địa. Vốn yêu thích môn lịch sử, tư chất thông minh nhưng thi đại học tới lần thứ hai vẫn thiếu một số điểm mới trúng tuyển vì lần nào cậu cũng ngoan cố chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào trường đại học tốp đầu của quốc gia.
Trường không bỏ cuộc, quyết tâm dùi mài kinh sử thêm lần thứ ba, dồn tất cả trí lực đánh cược vào lần thi cuối cùng này. Trường cho rằng nếu chọn được ngành học tốt thì tương lai sẽ sáng sủa, bằng đại học không phải để cất vào tủ như một kỷ niệm đẹp của cuộc đời, không uổng phí những năm tháng thanh xuân chỉ để theo đuổi những thứ viển vông không phù hợp với mình.
Mấy ngày nay, trời nắng nóng như đổ lửa, Trường thường phải thức tới ba giờ sáng để học bài, lúc nào quá căng thẳng chỉ dám cho bản thân năm phút để xả xì-trét. Vô tình đọc được từ một kênh lịch sử trên mạng xã hội nói về thảm án Lệ Chi Viên, nội dung này bằng một cách nào đó đã ám ảnh Trường.
Trường yêu thích môn lịch sử từ bé, nhưng thú thực, những vụ án oan như thảm án tại Lệ Chi Viên trong sách giáo khoa chỉ chép qua mấy dòng nên Trường chẳng mấy khi để ý mà chỉ tập trung vào sự kiện chính có thể có trong bài thi mà thôi. Lịch sử dân tộc mặc dù quan trọng với mỗi một công dân nhưng chính sự khô khan của nó khiến đám học sinh như Trường dù rất yêu thích vẫn không tài nào đạt được điểm số cao như ý muốn.
Trường cố gắng bỏ qua những dòng chữ về án oan với gia đình Nguyễn Trãi để tập trung vào đoạn văn phân tích một truyện ngắn trong cuốn sách tham khảo trước mặt. Quá mệt mỏi, Trường gục mặt xuống bàn học thiếp đi.
Không khí trong veo, mỏng mảnh như làn sương buổi sớm mai nhưng mở rộng ra xung quanh thì lại âm u, mờ đặc như bị quây lại trong một chiếc hộp gỗ. Trường đang ngơ ngác thì có tiếng hát trong veo, giọng truyền đến như có cả điệu cười lanh lảnh của con gái, lúc gần lúc xa.
Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh chừng độ hai mươi tuổi
Chồng còn chưa có, có chi con
Tiếng chuông xà tích lạo xạo ngày một rõ dần. Một chiếc kiệu không có mái che. Chiếc kiệu được sơn màu đỏ trông giống như chiếc ghế gỗ Trường thường thấy trên bệ thờ trong các ngôi đình, đền cổ, hai tì nữ đi hai bên kiệu cũng mặc cổ phục màu đỏ. Cô gái ngồi trên kiệu mặc áo lụa cùng xiêm y trắng, tay cầm quạt nhung che đi nửa khuôn mặt, mặc dù vậy, Trường vẫn kịp nhìn ra đôi lông mày thanh tú, đôi mắt phượng xinh đẹp trên nền da trắng mịn màng, tất cả đã tôn lên vẻ đẹp yêu kiều, diễm lệ của người con gái đang độ tuổi đôi mươi.
Kiệu dừng. Người con gái bước xuống, một tay vẫn đang cầm quạt nhung, tay kia đưa lên như đang vời Trường đi cùng, rồi lại đưa tay cho tì nữ đỡ mình đi vào trong. Trường đang định bước tới thì có hai người đàn ông đi xuyên qua người Trường như đi qua ảo ảnh, một người cao ráo, thư sinh nho nhã, tay cầm một chiếc quạt giấy rất đẹp; người còn lại có đôi mắt sắc lẹm, lông mày đen như sâu róm, khuôn mặt to bè, da mặt đỏ ửng như vừa được chuốc rượu. Có lẽ những người ở đây không thể nhìn thấy Trường. Trường hơi lo sợ nhưng ngay lập tức một cảm giác tò mò, thích thú lại tràn ngập át đi nỗi sợ hãi trong lòng. Trường tự tin đi theo hai người đàn ông, Trường ngước mắt nhìn lên bảng gỗ treo trên cửa của ngôi nhà trước mặt có đề chữ Khuyến Lương Các. Ô hô! Mình lại đọc được chữ Nôm ư! Thần kỳ quá! Trường kinh ngạc thầm nghĩ nhưng chân vẫn mê mải theo sát hai người đàn ông không hề chậm trễ.
Gian phòng và đồ đạc bên trong cũng làm từ gỗ cả không quá cầu kỳ, kiểu cách được bày trí khá đơn giản nhưng lại thanh nhã, sang trọng. Cô gái ngồi một mình trên chiếc ghế kê sát vách gỗ, một chồng sách và thư tịch cổ đặt trên mặt bàn trước mặt, hai người đàn ông ngồi ở hàng ghế bên dưới đối diện với cô gái như trong một lớp học. Trường rón rén ngồi vào chiếc ghế để sau lưng hai người đàn ông như đang ngồi dự giờ, không khí kỳ lạ, căng thẳng.
Hai tì nữ dâng trà lên. Mùi thơm thanh mát, ngào ngạt nhưng không có tách trà nào dành cho Trường.
- Nào, ta mời hai ngươi vào đây không phải chỉ để uống trà, nói chuyện phiếm của nhân gian nữa, các ngươi cứ cho ta biết điều mà các ngươi còn giấu trong lòng mình, ta sẽ giải đáp những ẩn ức của các người.
Cô gái để chiếc quạt nhung lên bàn, mắt phượng nhìn thẳng hai người đàn ông như xoáy vào tâm can của họ. Trường thấy rõ vẻ bối rối trong hành động của hai người đàn ông nọ. Họ quay mặt lại, lặng lẽ nhìn nhau. Không khí chùng xuống. Những hương trà bay lởn vởn trong không trung, mùi thơm tỏa ra khiến Trường như nhìn thấy cả màu xanh ngát của đồi chè, màu hồng nhạt của cánh sen ươm trong mình hạt sương buổi sớm mai,... Trường ngồi yên lặng, quan sát người con gái ngồi trước mặt mình, gương mặt cô xinh đẹp, ôn nhu, trong sáng, vẻ điềm tĩnh của cô khác hẳn với hai người đàn ông ngồi đối diện, Trường càng nhìn càng thấy đẹp.
- Kẻ hậu bối không dám có ý thất lễ. - Người đàn ông cao ráo, thư sinh đứng dậy, hai tay chắp lại với nhau tỏ vẻ cung kính thưa. - Chúng tôi chỉ một lòng muốn biết về ngài và Hành Khiển họ Nguyễn khi còn dạy học tại Khuyến Lương Các này, trước là để tỏ lòng mến mộ, sau là để học hỏi chút ít vốn liếng về dạy bảo lại cho môn đồ, mong quý ngài rộng lòng cho bọn hèn mọn chúng tôi đây được mở mang tầm mắt.
Không khí tan loãng, đột ngột yên ắng. Trường thấy đôi mắt của cô gái trở nên mơ màng, khuôn mặt vô thức nở một nụ cười mãn nguyện. Đúng vậy. Ta và Hành Khiển họ Nguyễn đã cùng nhau mở lớp dạy học ngay tại đây. Cô gái đứng dậy, cả người thanh thoát đi lại quanh những bàn ghế như đang tìm lại những dáng hình quen thuộc. Những học trò xin vào học ở chỗ bọn ta, có kẻ nho nhã hiền lành, có cả những thiếu niên ngây thơ, rụt rè bẽn lẽn, lại có cả những kẻ thất phu lỗ mãng, ăn to nói lớn, hình tướng cao lớn, dữ tợn như Quan Công.
Tất cả bọn chúng, sau khi làm nghi lễ rửa chân, mặc vào đồng phục của trường học thì đều phải theo ta học lễ nghĩa, kính trọng thánh hiền, cung kính thầy dạy, phàm là bạn học đều phải đối xử với nhau bình đẳng, biết giúp đỡ bảo vệ nhau trong học tập. Đó là quy tắc mà ta và Hành Khiển họ Nguyễn đặt ra. Hành Khiển họ Nguyễn giao cho ta dạy học trò tiết lễ, đạo đức thiết yếu nhất mà một kẻ sĩ phải có, còn người chỉ chuyên tâm giảng giải kinh sử.
Khi rảnh rỗi, ta sẽ cùng bàn luận về Tứ thư cùng Hành Khiển họ Nguyễn và các học trò trong một bầu không khí tự do, bình đẳng, mọi suy nghĩ có phát kiến mới đều được đưa ra tranh luận rồi ghi lại trong một cuốn sách, cốt là để mỗi học trò đều được thoải mái tư tưởng, không thấy gò bó khi học hỏi những kiến thức khô khan. Sau mỗi một kỳ học, chúng ta sẽ tổ chức thi cử trong không khí nghiêm ngặt để kiểm tra trình độ của từng học trò cũng là để tìm ra phương thức giảng dạy cho phù hợp với trình độ của chúng... Chao ôi! Những ngày tháng bận rộn và vui vẻ ấy đã trôi nhanh như một áng mây bay ngang trời, khiến cho lòng ta khôn nguôi nuối tiếc!
- Có phải vì vậy mà sau khi thác, xác của ngài đây đã trôi ngược về chốn cũ. - Người đàn ông có khuôn mặt to bè, da mặt đỏ ửng bỗng buột miệng. Rồi biết rằng mình đã lỡ lời, ông ta cúi mặt xuống tỏ vẻ hối lỗi.
Cô gái không mảy may bực bõ vì câu nói vô duyên nọ. Cô vẫn tiếp tục. Đúng vậy, trong lòng ta luôn hoài niệm về quãng thời gian ta và Hành Khiển họ Nguyễn cũng chính là phu quân của ta gặp gỡ, cùng nhau mở lớp dạy học, chúng ta tâm đầu ý hợp, một cái nhíu mày, một cái đánh mắt đã đủ hiểu trong lòng đối phương đang muốn gì, nghĩ gì. Chúng ta chính là tơ duyên trời định, trai anh hùng gái thuyền quyên dù đời nào cũng sẽ có kẻ ghen ghét mà ra tay hãm hại. Cô gái ngồi nhanh xuống ghế, tay đặt lên bàn, ánh mắt sắc sảo nhìn thẳng vào mặt người đàn ông dị tướng trước mặt mình. Trường cảm thấy bất ngờ trước hành động này nhưng lại cảm thấy những lời lẽ đanh thép kia có ẩn giấu những nỗi niềm chua xót, tiếc nuối.
- Tình cảm của ngài đây với Hành Khiển họ Nguyễn luôn sắt son một lòng một dạ. Kẻ hậu bối tuy rằng không được tận mắt chứng kiến, nhưng chỉ cần đọc những câu: Chớ nghĩ: Ai quên mối tình muộn màng, núi tuy khuyết mà lòng thiếp không khuyết; Chớ lo: Ai nhạt lời thề cố cựu, sông dù vơi mà ý thiếp không vơi, là ta cũng đã phần nào hiểu được tấm lòng chung thủy của ngài luôn nhất mực nhớ tới phu quân. Cũng chính bởi vậy mà chúng ta chịu trăm nghìn mưa gió cũng không quản ngại tới đây, chỉ mong được hầu chuyện cùng ngài, làm rõ những chuyện còn lẩn khuất mà sử sách chỉ vì bọn gian thần xiểm nịnh đã cố tình quên đi để mà đổ nỗi oan cho một người chân yếu tay mềm, thưa ngài Lễ nghi Học sĩ...
Nói đến đây, người đàn ông cao ráo, thư sinh vừa nói vừa liếc mắt lên nhìn thái độ của cô gái. Có vẻ như vừa có giọt nước rơi nhanh khỏi má đào. Người đàn ông da mặt đỏ ửng chộp ngay lấy đầy thô lỗ.
- Thưa, là ngài đang khóc đấy ư!?
- Khóc lóc ủy mị vì oan khuất là của những con ma tầm thường. Ta tuy không phải chí trai đầu đội trời chân đạp đất nhưng ta có cái lý của mình, ta không khuất phục trước bạo ác, cường quyền, lòng ta trong đục có trời biết, đất biết, quỷ thần đều biết, tại sao ta phải bi lụy!?
Ta đây từ nhỏ đã theo cha học đủ nghĩa kinh luật luận, cha ta không nề hà ta đây phận gái mà cho học chung với đám học trò của cha. Nhờ tư tưởng tiến bộ của cha, mà ta đây thông thạo lễ nghĩa, kinh sử. Cha thường đối xử với ta công bằng như với đám con trai, thậm chí từng có lần cha còn nói lại với mẹ ta rằng, sức học của ta ăn đứt đám con trai cũng đang theo học dưới trướng của người. Cũng bởi nhờ có sự tận tâm chỉ dạy của cha, ta sớm đã biết làm thơ Nôm, cũng nhờ có thơ Nôm đối đáp khi gặp Hành Khiển họ Nguyễn đoạn ta vào kinh thành đi bán chiếu cùng mẹ mà hai ta mới trở nên quen biết nhau.
Chức Lễ nghi Học sĩ trong lịch sử từ bao đời nay chỉ dành cho nam nhi, nhờ sự sủng ái của Văn Hoàng đế đã trao trọng trách này cho ta. Khỏi phải nói trên triều đình lúc ấy đã hỗn loạn đến như thế nào, một người nữ nhi đầu tiên nắm trong tay chức danh mà nhiều trang nam tử phấn đấu cả đời làm quan không được lại được trao cho ta một cách dễ dàng thì bảo sao lại không có kẻ sinh lòng đố kị, ghen ghét cho được.
- Nói như vậy, thì ra Văn Hoàng đế đã thức thời, tân tiến trong trọng dụng nhân tài không hiềm việc nho giáo vốn hà khắc với thân phận nữ nhi. Người đàn ông cao ráo, thư sinh tiếp lời cô gái. Tôi còn được biết rằng, chính ngài đây đã từng là thầy dạy của Văn Hoàng đế, lại cảm hóa được Văn Hoàng đế trở nên chăm chỉ đèn sách, hiến kế giúp Văn Hoàng đế trị nước. Văn Hoàng đế là bậc minh quân, công sức không nhỏ là của ngài.
Cô gái im lặng một lúc, đôi mắt nhìn xa xăm như đang hồi tưởng. Trường thấy cô gái khoát tay một cái, khung cảnh ảo mộng như một thước phim quay chậm, xung quanh biến ảo thành hình ảnh đền đài cung điện nguy nga tráng lệ. Một người phụ nữ xinh đẹp đài các với trang phục thanh thoát, nghiêm ngắn đang đi tới mà không biết rằng nguy hiểm đang chờ mình ở sau những vàng son lộng lẫy kia. Con đường nhỏ trong hoa viên có lát gạch xanh, hoa cỏ nở rộ, ong bướm bay dập dìu, trên đầu chim chóc líu ríu lích chích. Từ phía xa đã thấy thấp thoáng Phán Thủy Đường nằm cạnh một hồ nước trong xanh, không gian thoáng mát thơ mộng, thật xứng đáng để làm nơi luận bàn thơ văn của kẻ sĩ.
Một người đàn ông với thân hình cao lớn, gương mặt góc cạnh, dung nhan dị thường, mặc áo hoàng bào đang ngồi đợi tại Phán Thủy Đường, đôi mắt người đàn ông nhìn người phụ nữ đang đi tới với vẻ trìu mến và đầy kính trọng. Lúc này trong hậu cung đương rối ren, lễ nghĩa không được xem trọng, kẻ hầu người hạ không vừa ý điều gì là mắng chửi nhau như phường chợ búa, chủ nhân của chúng có người hiền lành nhưng nhu nhược có người xuất thân cao quý nhưng vì tranh sủng mới trở nên hiểm ác không từ thủ đoạn tàn độc, chủ nhân như thế há sẽ dạy dỗ ra hạ nhân thành ra loại người như thế nào? Người đàn ông khẽ chau mày mở ra xem những điều lệ người phụ nữ đã mất nhiều công sức soạn ra sau khi đã tự mình đi xem xét tình hình thực tế của hậu cung.
Chữ nghĩa rõ ràng, mạch lạc, hành văn trau chuốt, tỉ mỉ, lời lẽ rõ ràng, thẳng thắn. Điều mà người đàn ông cũng chính là Văn Hoàng đế mong muốn lúc này là một hậu cung bình yên, chung sống với nhau hòa thuận, hạ nhân biết phép tắc, sống có trên có dưới. Văn Hoàng đế vui mừng vì đã tìm đúng người ông đang cần, ngay lập tức phong cho người phụ nữ đang đứng trước mặt làm Lễ nghi Học sĩ, thay mặt cho mình và Hoàng hậu cai quản hậu cung, dạy dỗ phép tắc lễ nghĩa cho người trong hậu cung.
Đã là con người, sao có thể tránh được thiếu sót. Cô gái cất lời. Mọi huyễn ảo biến mất. Trường cũng sực tỉnh khỏi cơn mộng. Khi Quang Thục thái hậu còn là Tiệp Dư bị người ta vu oan giá họa, sự việc bị kẻ tiểu nhân cố tình tâu lời xằng bậy khiến Văn Hoàng đế hoang mang định đày ải Tiệp Dư đi xa. Nhìn ra có điều bất chính, Hành Khiển họ Nguyễn nhà ta đã vào triều xin phép Văn Hoàng đế được lãnh trách nhiệm xử lý, nếu ta không cùng chàng khéo léo xử trí vụ việc, có lẽ tiên đồng1 đã không thể hạ thế.
- Có phải chính vì lẽ như vậy, khi biết được rằng Lê Tư Thành2 đã thuận lợi ra đời khiến cho Hành Khiển họ Nguyễn và ngài đây đắc tội với Tuyên Từ Hoàng thái hậu? Truyền thuyết “rắn báo oán” có phải do bọn gian thần nghĩ ra chỉ để lòe hậu thế chăng!?
Người đàn ông da mặt đỏ ửng không còn kiêng dè mà hỏi thẳng. Trường thoắt thấy mặt cô gái nọ biến sắc, vẻ mặt càng trở nên u uất. Cô gái không nói gì. Đột nhiên từ miệng cô gái trào ra một ngụm máu tươi, cô gái rút vội chiếc khăn bằng lụa trắng giắt bên mình đưa lên đỡ miệng. Cả ba người đàn ông có mặt trong gian phòng đều sửng sốt, họ im lặng, không gian đậm đặc. Trường thoáng thấy ngột ngạt, sự uất ức như lởn vởn quanh đây khiến chính Trường cũng cảm thấy khó thở.
Hai tì nữ hầu cận nhanh chóng buông rèm để che đi khuôn mặt tỏ rõ nỗi u uất của chủ nhân trước đôi mắt của những vị khách xa lạ. Hai người đàn ông đưa mắt nhìn nhau với vẻ mặt kỳ quái rồi nhanh chóng đứng lên phía trước rèm. Trường nhanh mắt thấy người đàn ông da mặt đỏ ửng luồn tay vào trong túi áo lấy ra một mảnh giấy nhỏ màu vàng, trên mặt giấy có vẽ nhiều ký tự kỳ lạ như bùa chú, sau gã đưa hai ngón tay kẹp lấy tờ giấy, miệng lẩm nhẩm đọc gì đó rồi hất mảnh giấy về phía cô gái. Sự việc diễn ra chớp nhoáng khiến Trường không kịp phản ứng. Sợi giấy hóa mảnh rồi nhanh chóng biến mất vào trong không trung như có phép lạ.
Hai người đàn ông căng mắt dõi theo nhất cử nhất động của cô gái sau tấm rèm. Trường càng căng thẳng hơn, ngồi bất động kinh hãi quan sát hành động của ba con người trước mặt. Thời gian ngưng đọng. Trường nghe rõ tiếng gió đưa lá liễu xào xạc ngoài cửa sổ, tấm rèm thưa nhẹ bay khiến hình ảnh người con gái đến từ Hải Hồ trở nên nhòe mờ hư ảo. Trong phút chốc, Trường tưởng như sẽ có một con mãng xà khổng lồ với cái đầu gớm ghiếc, cái lưỡi xẻ ở giữa thè lè ra hai bên kêu khè khè thoát ra khỏi tấm rèm mỏng manh nuốt chửng tất cả những con người đang đứng ở đây vào cái họng đỏ lòm của nó. Tim Trường thắt lại vì sợ.
Thế nhưng đã nhiều phút trôi qua mà vẫn không có hiện tượng gì xảy ra cả.
Hai người đàn ông đã không chờ được nữa, khẽ lắc mình một cái, thoắt đã biến thành hai người mặc trang phục với mũ mão lạ lùng, một người cầm quạt trên tay, một người đeo gươm bên mình, thần sắc không hề tầm thường. Người con gái nhẹ nhàng vén rèm đi ra, hai tì nữ cúi đầu theo sát bên cạnh.
Ta biết hai vị thần văn, thần võ quan sát ta đã lâu, đáng tiếc ta lại để cho hai vị phải thất vọng. Ta không biết các kiếp trước ta tu luyện khó khăn tới thế nào để kiếp này được làm kiếp con người, là người bằng xương bằng thịt, khi chấm dứt kiếp người còn kéo theo mạng sống của hơn bốn trăm sinh linh oan uổng. Tiếng kêu khóc xé lòng, vang vọng cả một góc thành, trong đó có người già, có cả trẻ nhỏ, lúc trước còn la hét gào khóc thấu đất thấu trời lúc sau đã hồn lìa khỏi xác, lặng yên như cây cỏ.
Những cuộc đời với những ước muốn nhỏ nhoi bình thường đã mãi mãi nằm im dưới lưỡi dao sắc lạnh. Những tia máu vọt lên nhuộm tới đỏ cả bầu trời, máu chảy thành vũng, thành sông, nỗi oan ức trào ra thấm đẫm vào đất mẹ. Nỗi đau đớn khiếp sợ khiến chúng ta rùng mình không ai kịp trở tay, chỉ biết ai oán nhìn lên trời xanh, vậy mà đáp trả lại chỉ là sự im lặng. Hai mươi hai năm trời, những linh hồn lang thang trong oan ức tủi nhục, cuối cùng đã được đứa trẻ chúng ta cứu sống năm ấy sau này đã trở thành bậc minh quân lỗi lạc minh oan. “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”3, từng chữ đã làm sáng tỏ vụ án năm nào, cũng coi như an ủi linh hồn của phu quân ta, linh hồn của già trẻ lớn bé trong nhà ta. Cũng làm cho lòng ta vơi bớt bao nhiêu phần day dứt. Nay ta theo Bồ tát học đạo, cầm bằng những chuyện xưa cũ với ta chỉ còn là giấc mộng Nam Kha. Hai ngài xin hãy lượng thứ cho ta không muốn nhắc lại ân oán kiếp trước.
Những lời trên được cô gái nói ra rất nhẹ nhàng nhưng bên trong thì lại chất chứa những nỗi đau như cứa vào tim gan người nghe. Trường đứng yên lặng, rưng rưng nước mắt. Hai vị thần hồi lâu không ai nói năng gì, chắp tay vái cô gái rồi bay lên cao, biến mất vào không trung.
Cô gái ngước mắt nhìn theo bóng dáng hai vị thần, từ trong khóe mắt hai hạt nước trong như ngọc rơi ra. Hai tì nữ bước tới dìu cô gái ra kiệu.
Trỏ núi nào thề, nào thốt, nguyện cùng nhau đầu bạc trăm năm.
Vạch sông làm chứng, làm từ, ước cùng nhau sống lâu muôn tuổi...
Tiếng hát trong veo, đầy xót xa. Trường nhìn theo chiếc kiệu đỏ đang dần rời xa vào hư ảo, miệng ú ớ, mắt trợn hỏa lên kinh ngạc. Hai người tì nữ hóa không đầu, máu rỏ thẫm đỏ hai chiếc áo, nhỏ cả xuống đất thành những vệt màu đỏ sực kéo dài mãi ra đến vô định.
Trong cơn vặn mình
một tiếng nấc
oán thán năm trăm năm...
Câu thơ cuối vang vọng vào tâm thức của Trường, Trường giật mình tỉnh dậy, trên bàn học vẫn là cốc sữa mẹ pha cho Trường từ tối hôm qua, mắt Trường hãy còn đọng nước, một giấc mơ với cảm giác quá chân thật. Trường mở máy tính đăng ký thêm một nguyện vọng vào trường đại học sư phạm, không ngần ngại cậu nhấn chọn: Khoa Lịch sử.
Đ.T.T
(TCSH57SDB/06-2025)
-----------------
1 Tục truyền rằng khi Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sắp ở cữ, nhân thư thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con thái hậu chính là Lê Tư Thành tức vua Lê Thánh Tông sau này.
2 Tên húy của vua Lê Thánh Tông.
3 Tấm lòng Ức Trai (Nguyễn Trãi) sáng như sao Khuê buổi sớm mai.