Là năm cuối cấp, và cũng là năm cuối cùng Phan Linh đứng trên bục giảng. Theo yêu cầu của chiến trường, Phan Linh nhập ngũ. Làng Mai trở thành kỷ niệm sâu nhất của thầy thời bảng đen phấn trắng. Rất may lớp 7A của Phan Linh đậu cao, các em đều rất ngoan, hồn nhiên nên cuộc chia tay đầy bịn rịn, cả thầy và trò đều nước mắt rưng rưng. Phút cuối cùng của buổi chia tay ấy, Nguyễn Văn Nhỏ lớp trưởng nói với thầy: - Không biết bao giờ thầy trò mình mới gặp lại nhau, chúng em xin thầy cho chúng em một câu cuối cùng. Thầy Phan Linh thật sự xúc động. Giọng thầy chậm rãi như đóng đinh vào từng lời: - Mai này, biết đâu các em có người làm ông nọ, có người làm bà kia. Nhưng dẫu sao thầy cũng mong các em thành người. Một chữ Người viết hoa đấy nhé! Như chung một tấm lòng, các em đồng thanh: - Chúng em xin hứa với thầy là chúng em phấn đấu để trở thành một con Người ạ. Thầy Phan Linh giang rộng đôi tay như muốn ôm hết các em trong vòng tay của mình: - Thầy cám ơn các em rất nhiều. Thầy Phan Linh xa làng Mai từ đấy. Trên đường hành quân vượt Trường Sơn, Phan Linh thường tâm niệm: “Lâu nay mình thường dạy học sinh mình về lòng yêu nước. Cuộc ra đi này là mình lấy chính máu của mình làm linh hồn cho những bài giảng ấy”. Chiến trường nơi Phan Linh dừng lại để thử thách là chiến trường Quảng
– Đà Nẵng. Một chiến trường hết sức ác liệt. Đại đội Linh vào đây 155 người. Đến ngày giải phóng miền
, thống nhất đất nước, đại đội Linh đã hy sinh tất cả 139 người. Chỉ còn 16 người sống. Linh thấy mình không chết thật là một điều lạ. Lớn, nhỏ, Linh bị thương tất cả bảy lần. Rất may thầy không bị khiêng ra khỏi chiến trường. Sau chiến tranh, đồng đội tình nghĩa với nhau, đã giữ Phan Linh ở lại Đà Nẵng. Hình như số phận đã giữ Phan Linh ở lại nơi máu xương mình và đồng đội mình đã đổ. Tuy vậy, lần nào ra Hà Nội, Linh cũng sắp xếp để lên thăm làng Mai. Học sinh cũ, cả phụ huynh học sinh cũ đều đến thăm, tíu tít. Đã là tình người với nhau, khó có lời nào nói hết. Bao nhiêu dồn nén ào ra với nhau như nước lũ. Nhân chuyến đi du lịch Bắc Kinh lần này, trên đường về Phan Linh tách đoàn về thăm lại làng Mai. Không muốn phiền ai, Phan Linh thuê một phòng trọ ở Thị tứ Phúc Giang. Phan Linh phôn cho học trò, Nhỏ và Lệ đến ngay. Phan Linh ôm hai học trò trong vòng tay. Hai học trò cũng hớn hở ôm ngang lưng thầy. Trong chuyện trò, thầy Linh tỏ ra rất mừng: - Lớp 7A xưa của chúng ta đều trưởng thành, tiến bộ cả. Mừng nhất là Nguyễn Xuân, làm tới đại tá, tỉnh đội phó. Các em thường qua lại với nhau đều chứ? Nhỏ thủng thẳng đáp: - Ai có phận nấy thầy ạ. Còn Lệ thì rụt rè: - Chúng em cũng gắng sống cho phải lẽ bạn bè. Dẫu Nhỏ và Lệ không nói hết lời, thầy Phan Linh cũng cảm thấy vẻ dửng dưng của họ đối với Nguyễn Xuân nên Phan Linh bỏ qua, chỉ thủ thỉ như tâm sự với bạn bè: - Thầy đã từng sống, từng ở nhiều nơi, và thầy đã cảm nhận được một điều là con người ta quý nhau, nể nhau ở cái lương tâm, đúng như các cụ dạy: hữu xạ tự nhiên hương. Chính cái lương tâm đưa người ta lại gần nhau em ạ. Nhỏ vui hẳn lên: - Đúng như lời thầy dặn chúng em trong buổi chia tay hôm ấy, chúng em phấn đấu để thành Người. Biết người nào việc nấy, Nhỏ lớp trưởng không thể báo hết cho các bạn 7A xưa, chỉ gọi mấy người quanh Phúc Giang, tới quán Nghĩa Tình ngay giữa Thị tứ. Sáu thầy trò ngồi vừa một mâm. Thầy Phan Linh đóng cái, ngồi hai bên gồm: Nhỏ, Lệ, Dưng, Đàn và Nguyễn Xuân. Phan Linh để ý từng học trò. Nhỏ, Lệ, Dưng, Đàn ăn mặc xuềnh xoàng, có vẻ còn hơi lôi thôi, nhếch nhác nữa. Riêng Nguyễn Xuân com-lê xanh, cà vạt đỏ chỉnh tề như đi hội nghị sang trọng. Xuân tỏ ra ríu rít với thầy hơn cả. Hết vuốt vai, vuốt lưng thầy, khen thầy khỏe mạnh, đếm từng sợi bạc trên mái tóc hoa râm của thầy, hỏi thăm cô, hỏi thăm các em.
Chu
đáo, nghĩa tình không thể chê. - Em phải cám ơn thầy, vì thầy vẫn giữ được chiếc ảnh em chụp lúc mới nhập ngũ. Em mất từ lâu, không ngờ thầy nâng niu đến thế. Nhận được ảnh thầy gửi ra, cả nhà em chuyền tay nhau trầm trồ. Không có thầy, em đâu còn kỷ niệm trân trọng này. Nhỏ hô nâng cốc. Cốc chạm nhau lách cách. Đã qua tuần rượu đầu, Phan Linh hỏi: - Lâu nay các em làm ăn thế nào? Dưng đặt cốc, thở dài: - Làm nông trầy trật lắm thầy ạ. Đất đai xã em đang bị huy động cho công nghiệp. Chúng em đang rất lo. Lo nhất là chúng em nuôi các con đi học sao đây. Hàng trăm thứ thuế má, đóng góp đổ cả lên đầu hạt thóc. Từ chuyện làm nông vất vả, kéo sang bàn luận về xã hội lúc nào không biết. Đàn như bắt được thời cơ thổ lộ tâm sự lâu nay âm ỉ trong lòng: - Tất cả như rối tung cả lên thầy ạ. Vụ PMU 18 đúng là quái thai phải không thầy. Em đọc báo mới thấy bọn này dùng tiền Nhà nước đem phát tán như thế nào. Hết xây nhà riêng đến đánh bạc, chơi gái. Chúng thuê cả một thiếu nữ xinh đẹp, lột truồng, khiêng đặt vào bồn tắm, rồi chúng đổ bia ngập bồn, rồi múc uống, chúc tụng nhau. Có thằng có tới mười ba cô bồ, sắm cho mỗi cô một biệt thự, một xe con. Hèn chi bọn nông dân chúng em nghèo là phải. Đàn thêm vào: - Chúng đánh những ván bài triệu đô. Sau bốn đứa cầm bài là bốn cô gái mặc xi-líp. Thắng thì chúng nhét mấy đồng vào xi-líp. Còn thua ba ván liền thì chúng vật cô gái xuống trước mặt mọi người, gọi là xả xui. Lệ góp chuyện: - Đó mới chỉ là một góc vụ PMU 18 thôi. Còn chuyện bọn được cho đi dẹp thuốc phiện lại buôn thuốc phiện từ biên giới đưa về, chuyện bọn quan tham Đồ Sơn nấp sau chiêu bài chính quyền cướp đất của dân chia nhau. Phan Linh lặng lẽ ngồi nghe. Nhỏ, Lệ, Đàn, Dưng đều tưng bừng. Riêng Nguyễn Xuân ngồi lặng lẽ, dửng dưng. Phan Linh nói cho mọi người thấy sự thật: - Đúng là bọn tham quan tệ hại, chúng phe cánh, rồi dùng quyền che chở cho nhau. Nhưng không thể qua mặt được nhân dân, nhân dân nhìn thấy hết. Nhỏ hỏi: - Nhưng nhân dân thấp cổ, bé họng, không có một mẩu quyền trong tay thì làm gì được thầy? Phan Linh đáp: - Làm gì sẽ tính sau. Nhưng biết đã là quan trọng. Này nhé, từ ngày đang còn chiến tranh, nhân dân đã nói: “Mỗi người làm việc bằng hai. Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba. Để cho cán bộ xây nhà xây sân”. Đến thời bình này, nhân dân đã chỉ tận mặt bọn quan tham: “Quan chức chỉ có nhiệm kỳ, còn dân vạn đại, tội gì không tham”, “Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì. Hễ nặng phong bì là hóa Thanh kiu”. Đàn nói như reo: - Nhân dân bị cướp đoạt, đã nhận diện kẻ cướp đoạt của mình, và tố cáo bằng văn học dân gian. Phan Linh nói tiếp: - Bọn quan tham tệ hại lắm. Song nhân dân đã nhìn tận ruột, tận giã tâm đen của chúng. Nhân dân đã đọc đúng tuyên ngôn mà chúng nén âm ỉ trong lòng: “Nhân dân còn tiền ta cứ ăn chơi. Thằng nào không chơi là thằng ấy dại. Rượu đã say rồi thì ta chơi gái. Mặc mẹ nhân dân, kệ bố đói nghèo.” Mọi người xôn xao, xuýt xoa: - Trời, đúng dã tâm đen của bọn quan tham quá! Phan Linh giơ tay, bảo các em đừng ồn, làm ảnh hưởng đến nhà hàng, thầy thong thả nói với học sinh cũ của mình: - Có lúc dân đã chửi chúng, mà chửi rất tục. Thầy phải xin lỗi các em về sự tục tĩu này. Nhưng thầy nghĩ các em đã là những công dân chính trực, thì các em cũng cần phải biết. Này nhé: “Quan tham luồn lách ác ôn. Xoáy tiền xong vội mò lồn bê tha”. Có khi rất cụ thể, chỉ mặt, gọi tên ra hẳn hoi: “Quan tham họ Phạm, tên Xuân. Cao tay nhất hạng tụt quần chị em”. Đây là Phạm Xuân chứ không phải Nguyễn Xuân đâu nhé. Xin Nguyễn Xuân đừng tự vận vào mình. Dưng nhìn thầy Linh, hỏi: - Dân đã lên tiếng, sao chính quyền cứ làm lơ hả thầy? Phan Linh giải thích: - Đã đến lúc không làm lơ được nữa rồi. Trì trệ mấy, họ cũng không thể quên: Ý dân là ý trời. Tất cả đồng thanh: - Chúng em cũng mong như vậy cho xã hội mình trong sạch lên. Xã hội có trong sạch thì mới tiến bộ được. Phan Linh thấy nói chuyện về lũ quan tham ở quán này, vậy là đã vừa, không cần nói thêm nữa. Thầy chuyển sang chuyện khác: - Câu nhà Phật nói: “Đời là bể khổ”. Chắc các em cũng thấm điều này rồi. Song mọi sự sẽ qua đi. Tất cả chỉ còn cái tình ở lại. Thầy mong các em giữ được chữ tình ở đời. Suốt cuộc Phan Linh nói về đề tài dân nói, một người duy nhất tỏ ra không nghe là Nguyễn Xuân. Nguyễn Xuân luôn chúi đầu vào tai Lệ thì thầm. Tiện tay, Phan Linh cầm chai rượu đặt trước mặt, gõ vào vai Xuân như để nhắc không được nói chuyện riêng. Ai ngờ cái cổ chai loang rượu, trơn quá, tuột khỏi tay Phan Linh, rơi xuống đất, vỡ choang. Hình như tiếng chai vỡ kích thích Nguyễn Xuân vùng đứng dậy, giọng the thé: - Thưa thầy bây giờ chúng tôi đã lớn cả rồi, không phải như thời chúng tôi trẻ con, thầy muốn nói gì thì nói. Thầy coi chúng tôi như thế thì chúng tôi xin hỏi thầy, thầy là cái gì? Thưa thầy, tôi xin vái thầy bảy lạy, để nói rằng thầy muốn coi chúng tôi là thế nào tùy thầy, thầy có đến với chúng tôi nữa không, tùy thầy. Tuy nhiên chúng tôi muốn thầy trả lời cho chúng tôi biết, thầy là cái gì? Mặt Nguyễn Xuân hầm hầm, còn Phan Linh thì tỉnh bơ. Lệ giục: - Thầy trả lời Xuân đi thầy. Phan Linh bạt tai Lệ hai cái để Lệ không nói gì thêm. Đúng lúc đó chủ nhà hàng yêu cầu khách ra hết. Đã đến giờ nhà hàng đóng cửa. Phan Linh giơ tay bảo mọi người ngồi yên, thầy nói giọng điềm tĩnh, chậm chạp: - Xin cho tôi trả lời câu hỏi của Xuân, Xuân hỏi rằng, thầy là cái gì? Xin thưa, tôi là con chó. Được chưa. Thôi xin tạm biệt tất cả. Khách ồn ào, nháo nhác ra khỏi cửa hàng. Phan Linh bắt tay mọi người. Đến Nguyễn Xuân thì Xuân rụt tay lại, vắt tay ra sau lưng, từ chối cái bắt tay của thầy. Tạm biệt mọi người, Phan Linh về lại nhà trọ. Khuya, phòng khách của Phan Linh có tiếng gõ cửa. Ai còn đến vào lúc khuya khoắt thế này không biết. Phan Linh ra mở cửa. Nhỏ, Lệ, Dưng, Đàn ùa vào. Phan Linh biết ngay các em tới để chia sẻ với mình. Vừa rót trà nóng cho mọi người uống, Phan Linh vừa nói: - Cám ơn các em đến để chúng ta nói tiếp câu chuyện đang dở dang. Nhìn đám học trò cũ một lượt, Phan Linh nói tiếp: - Dưng, Đàn, Lệ mở đầu bằng vụ PMU 18. Thầy nói tiếp với các em nhân dân ta đã nhìn thấu tim đen bọn tham quan như thế nào. Vậy mà Nguyễn Xuân lại nói: “Tôi xin vái thầy bảy lậy để nói rằng thầy muốn coi chúng tôi là thế nào tùy thầy”. Ngồi trong bàn ăn, cái “chúng tôi” mà Xuân nói là ai vậy. Thầy hoàn toàn có nói gì tới các em đâu. Cứ theo ngôn ngữ của Nguyễn Xuân, rõ ràng Nguyễn Xuân bảo vệ cho bọn tham quan, và ngẫu nhiên tự nhận mình là thành viên của bè lũ tham quan ấy! Vậy mà còn giả nhân giả nghĩa “Tôi xin vái thầy” làm như ta lễ phép lắm, thật là một trò dối trá, lừa lọc có hạng. Không có tật làm sao Nguyễn Xuân giật mình đến thế, run bắn người đến nỗi hoảng hốt như vậy nhỉ? Dừng lại giây lát, Phan Linh lại khề khà: - Nhân đây, thầy giải thích câu thầy trả lời Nguyễn Xuân. Đúng, thầy là một con chó, một con chó trung thành suốt đời với chủ, và người chủ ấy là nhân dân. Cho nên khi thầy nói đến bọn quan tham, toàn là chữ nghĩa của nhân dân cả. Các em thấy đúng vậy không? Nhỏ gật đầu lia lịa: - Một câu trả lời thật chí lí. Không biết đầu óc như đầu óc Nguyễn Xuân có hiểu nổi không? Dưng cắt ngang lời Nhỏ: - Ôi! Thằng Xuân thì có hiểu cái gì. Phan Linh quay qua Lệ, cười hỏi: - Thầy bạt tai em hai cái có đau không? Lệ cười toe: - Càng lúc em càng hiểu ra, Nguyễn Xuân không phải là đối tượng để thầy chấp trách. May lúc đó chủ hàng mời khách ra, chứ có ngồi lại, em tin là thầy cũng không thèm trả lời, vậy mà lúc ấy em lại vội vàng xúi thầy trả lời, em ăn hai cái bạt tai cảnh cáo là đúng lắm. Bạt tai cảnh cáo chứ đâu phải đánh, cho nên em có thấy đau tí nào đâu. Quả là em không ngờ Nguyễn Xuân lại hợm hĩnh, cứ cho là ta lúc nào cũng hơn người, nên đã tự vỗ ngực ta là cán bộ nhà nước, phải bảo vệ những người của nhà nước, dù đó là bọn quan tham, nên đã biện hộ cho chúng bằng cái giọng hàng tôm hàng cá. Chưa nói xong đã lòi ngay cái đuôi dốt nát, hợm hĩnh của mình. Phan Linh vỗ vai Lệ: - Thầy cám ơn em đã hiểu được ý thầy. Nhỏ nhận xét: - Nhưng lúc chia tay, nhìn mắt thầy, em thấy lộ ra những nét buồn. - Không ngờ Nhỏ tinh thế - thầy đến bắt tay Nhỏ - Thầy buồn thật. Buồn vì cho đến tận năm 2007 này rồi, mà trong đội ngũ cán bộ của chúng ta lại có đứa dốt nát đến như thế, hợm hĩnh đến như thế. Suốt một thời gian dài nó làm cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo thì quản lý cái gì, lãnh đạo cái gì. Chẳng lẽ khi bất lực lại giở cái trò hợm hĩnh của mình ra. Bây giờ thì thầy đã hiểu câu Nhỏ nói lúc thầy trò gặp nhau: “Ai có phận nấy thầy ạ”. Có lẽ phải thế thật. Một việc nhỏ vừa qua, làm thầy chợt nhớ câu của cổ nhân: “Tiểu bất trắc, tất mưu đại loạn”, nghĩa là: một việc nhỏ không kìm hãm được chắc chắn sẽ làm hỏng việc lớn. Các em cũng nên nhớ câu này để hành xử ở đời. Lệ đến bên, ôm vai thầy, thủ thỉ: - Lúc chia tay thầy ở sân nhà ăn, chợt chúng em ân hận quá. Ai đời mấy năm thầy trò không gặp nhau, chúng em chẳng đi vào Đà Nẵng thăm thầy thì chớ, thầy ra đây tìm chúng em, chúng em mời thầy đi nhà hàng Tình Nghĩa, thế mà Nguyễn Xuân dám “mắng” thầy. Thật chả ra
làm sao. Chợt chúng em cười ồ với nhau và bảo phải đi tìm thầy ngay. Bốn mươi năm xa nhau, quả nhiên thầy vẫn là thầy của chúng em. Thưa thầy điều thầy dặn chúng em lúc chia tay, chúng em luôn phấn đấu để làm một con Người, một con Người viết hoa đúng như thầy dặn. - Thầy cám ơn các em rất nhiều. Năm thầy trò mải nói chuyện, quên cả thời gian. Gà gáy xôn xao xung quanh như nhắc mọi người đêm đã sắp qua, bình minh sắp tới, mà chuyện thì cứ như dòng nước sông đầy, không hề biết cạn. Biết là đã đến lúc phải chia tay, Phan Linh giang rộng tay choàng lên vai bốn học sinh cũ: - Thầy đã nói khi đêm rồi, giờ nhắc lại, còn một chữ tình đó, đừng bao giờ chúng ta quên nhé. Không có tình thì chẳng còn gì để nói với nhau. Nhỏ, Đàn, Lệ, Dưng gật đầu lia lịa: - Thưa thầy, chúng em nhớ ạ. Đêm cuối năm, 26 - 1 - 2008 (19 - Chạp - Năm Đinh Hợi)
NGUYỄN QUANG HÀ (nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008) |