Truyện ngắn
Brandy bé bỏng
08:47 | 09/06/2008
Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

Người ta gọi con đường này là phố Tây, mà phố Tây lại nằm trong lòng thành phố cổ. Vào tầm tám giờ tối, con đường nhỏ bỗng đông nghẹt người, đó là lúc du khách từ các khách sạn đổ xuống ăn tối trong dãy quán nhỏ xinh. Malio cũng hòa mình trong đám người ấy, ông lúc nào cũng ngồi ngay trước hiên, thừ người nhìn ra đám người đông đúc, trước mặt chỉ có một dĩa cơm sườn rất đơn sơ và cốc bia sủi bọt.
Lần đầu Malio đến cách đây sáu năm, vừa đi du lịch vừa đến theo lời hẹn của một công ty môi giới hôn nhân. Theo lời khuyến cáo của nhân viên công ty, Malio không đi lại nhiều trong thành phố, chỉ trú tại khách sạn do công ty chỉ định, đi đâu có nhân viên công ty đưa đón. Họ bảo ông: Nếu cư ngụ và đi lại tùy tiện, ông có thể gặp những người phụ nữ rất xấu. Theo cách hiểu của Malio, người phụ nữ xấu là người có thể làm cho ông mất tiền, thậm chí mất sạch tiền. Từ lúc sáu mươi tuổi, Malio bỗng sinh ra cái tính quá kỹ về tiền bạc. Cũng vì cái tính cơ kỹ đó mà ông nhận ra, có một người đàn bà tốt bên mình thì tiền bạc sẽ ít hao tán hơn, sức khỏe được giữ gìn hơn, mùa đông sẽ ấm hơn. Nhiều người bạn của ông, đến sáu mươi tuổi mà vẫn còn độc thân, đã tìm được cách sống khá an nhàn bằng cách mua một ngôi nhà ở Thái Lan, kiếm một người vợ bản địa hiền lành. Nửa năm ở châu Á nửa năm ở châu Âu, họ đã hưởng được cả những khoảng trợ cấp ở quê nhà, vừa hưởng được mức tiêu dùng rất rẻ và khí hậu ấm áp của miền nhiệt đới. Bây giờ, khi Thái Lan bắt đầu xáo trộn, những người môi giới bắt đầu hướng về vùng đất này.
Người mà trung tâm môi giới hôn nhân giới thiệu với ông là một bà góa bốn mươi tám tuổi, trước đây có lẽ đã từng rất xinh, dấu vết vẻ đẹp vẫn còn qua đôi mắt to và cái miệng cười rất tươi. Thời gian đã để lại vài dấu vết mệt mỏi làm vẻ đẹp đó giảm bớt rất nhiều hào quang. Thoạt nhìn, Malio hơi thất vọng. Những bức ảnh của bà gửi sang bằng internet đã được xử lý bằng photoshop. Sai lầm của bà C, hay của trung tâm môi giới?
Dù sao thì theo Ty, nhân viên trung tâm phụ trách vụ này, những bức ảnh gửi đi bao giờ cũng phải càng đẹp càng tốt. “Điều quan trọng là ông ấy phải nhiệt tình đến đây. Khi ông ấy đã đến đây, ông ấy sẽ thấy thân chủ tôi có bao nhiêu là ưu điểm khác.”
Với kinh nghiệm nghề nghiệp, Ty hiểu rõ Malio đã ở trong cái tuổi mà trái tim luôn được dẫn dắt bởi sự tính toán thiệt hơn. Vì vậy, theo anh ưu điểm nổi bật nhất của bà C là ngôi nhà ở ven sông vùng Ngọc Hồ, chỉ là một ngôi nhà cấp bốn nhưng ở giữa khu vườn rộng hai ngàn mét vuông với những cây bưởi đầy trái chín. Muốn giới thiệu vẻ đẹp của dòng sông nên anh đưa Malio đến bằng thuyền. Tiếng máy thuyền nổ lớn quá làm Malio không thoải mái, nhưng khi đến nơi, cái bậc thang lên bờ xây bằng đá phủ rêu làm Malio xúc động. Hình ảnh một cái bến. Malio vốn là thủy thủ. Nhiều năm xa biển, ông vẫn còn nhớ cảm giác êm đềm khi đất liền hiện ra sau chuyến hải hành.
Bữa ăn tối dọn trên sân nhà bà C. Trên bàn có cả thức ăn Việt và thức ăn Âu. Họ dùng tiếng Pháp để nói chuyện, bà C nói ở mức vừa phải, thỉnh thoảng Ty phải nhảy vào phiên dịch giúp: Bà không còn trẻ nên không muốn phải làm lại cuộc đời ở một nơi xa lạ, bà muốn ông về đây sống trong khu vườn này, muốn ông góp vốn cùng bà xây dựng một khách sạn nho nhỏ, sẽ là nguồn thu nhập và niềm vui của cả hai trong đoạn cuối cuộc đời. Những điều này, không đợi Ty nói, ông đã biết qua những email trao đổi lâu nay. Malio quan sát bà, càng lúc càng hài lòng hơn. Một người đàn bà hiền hậu, có một lưng vốn khá tốt để không thành gánh nặng cho ông sau này. Một bến đậu yên bình, đúng thứ ông đang cần ở tuổi sáu mươi lăm.
Malio không cầm được đũa. Hồi năm mươi tuổi, một tai nạn nghề nghiệp đã làm ông mất hơn hai ngón tay. Số tiền ông sẽ đầu tư vào kế hoạch cuối đời ở đây chính là số tiền bồi thường ông nhận được khi phải nói lời từ biệt với biển. Malio cầm muỗng với bàn tay ba ngón rưỡi. Cũng may trên bàn toàn những thức ăn mềm, dễ xúc. Xôi hạt sen nấu hơi ướt cho dễ nuốt, xúp thì nấu với thịt và rau củ thái nhuyễn. Có vẻ như bà C. đã cố ý chọn những món dành cho người lớn tuổi. Sau bữa ăn, bà C đưa hai người vào phòng bên cạnh, có bàn trà, có ghế xếp bằng mây để ngả lưng, trên chiếc kệ nhiều ngăn sát vách tường có đặt bộ dụng cụ đấm bóp, máy đo huyết áp, những cái gối dựa trên đi văng đều êm và mềm tạo cảm giác thích nghỉ ngơi. Ty nói rằng bà C vốn là y tá, bà biết cách chăm sóc sức khoẻ và sơ cứu những bệnh cấp tính. Malio mỉm cười, rõ là anh ta muốn ông hiểu rằng đây sẽ là nơi một người già có thể có được mọi thứ cần thiết để sống an vui đến hết đời.
Buổi tối thật trọn vẹn nhưng vẫn còn thiếu một cái gì, ông không rõ. Khi chia tay, Malio ôm nữ chủ nhân, một cái ôm nhẹ lịch sự, lẽ ra ông có thể ôm chặt hơn vì đã rõ người đàn bà ấy sẽ là vợ ông chẳng bao lâu nữa. Nhưng ông biết những lề thói ở phương Đông, nhất là ở một thành phố cổ, ít nhất là qua những lời dặn dò rất kỹ lưỡng của Ty, nên quyết định sẽ đi những bước đi dè dặt nhất cho thêm phần chắc chắn.
Khi chiếc thuyền đã nổ máy ra khỏi bến, Malio mới hiểu ra vì đâu mình  thấy trống vắng. Trong bữa ăn, bà C. đã dọn rượu nho. Ông thấy thèm một ly Brandy sau bữa ăn. Vì vậy, khi Ty rủ ông ghé vào một quán nhạc, ông lắc đầu lia lịa. “Je suis très fatigué”, Tôi mệt lắm, nghĩa là muốn về ngay khách sạn để uống một chút ở quầy bar. Nhưng Ty vẫn nằn nì: “Malio, ông có thể uống Brandy trong quán nhạc”.
Quán nhạc này ở ngay trên phố Tây. Bên ngoài nó giống một ngôi nhà cổ, bên trong thì như một cái hộp bít bùng. Nữ tiếp viên mặc váy, chất vải mềm dày, váy dài quá gối, vẻ mặt nhu mì hiền hậu. Ty bảo đấy là những nữ sinh viên đi làm thêm ban đêm. Sân khấu nằm một góc thính phòng, không có đèn chiếu, đèn pha gì cả, Ty nói với Malio thành phố đang thiếu điện, giá điện lại khá cao. Chủ quán đã có sáng kiến dùng bốn ngọn nến cực lớn cắm trước sân khấu, vì thế dung nhan ca sĩ hiện ra mờ ảo và càng lung linh hơn. Malio lắng nghe những bài hát Việt lạ tai, những ca sĩ người bé nhỏ, thanh tao, mặc áo dài hoặc áo đầm khá kín đáo. Ông chú mục nhìn cô gái kéo violon ngồi trên sân khấu, mặt cô nghiêm trang nghiêng xuống, nửa ngực và vai trần trong chiếc áo đầm lụa đen. Ông uống Brandy và thấy ngon. Chủ quán đến cạnh, nói với Ty:
- Mưa to quá, có vài ca sĩ không đến được, anh cảm phiền.
Ty lẳng lặng quấn tiền vào cuống một cành hoa hồng, tặng cho cô nhạc công áo đen. Anh liếc nhìn Malio, xem ông ta có định làm theo không, nhưng ông chẳng nói gì. Ra khỏi quán, thấy không gian còn ướt đẫm, cả hai mới biết là có một cơn mưa cực lớn đã đi lướt qua trong lúc họ ngồi nghe nhạc.
Vẻ mặt Ty không vui. “Có chuyện gì vậy?” Malio hỏi. Ty cười gượng: “Tôi thiếu ly Brandy của tôi”.
Malio hiểu, “Cô gái mặc áo đầm đen thì sao?” Ty thở dài: “Cũng như ly rượu nho trên bàn tiệc hôm nay vậy, ông hiểu không?”
Hai người phá ra cười, cái cười chỉ đàn ông với nhau mới hiểu.
“Ông nghĩ sao? Sẽ ký hợp đồng chặng kế tiếp chứ?” Ngày Malio sắp rời phố cổ, Ty hỏi. Malio gật đầu không lưỡng lự. Ông đã quyết định từ trước khi tới đây, và sau mấy ngày kiểm nghiệm trên thực tế, chẳng có gì phàn nàn. Trong giai đoạn kế tiếp, trung tâm môi giới sẽ lo chuẩn bị cho ông quay lại khu nhà vườn này để sống trong hai tháng, trước khi bắt đầu chặng thứ ba với thủ tục kết hôn và định cư, phức tạp hơn nhiều. “Vậy ngày mai ông đến văn phòng của chúng tôi. Tôi sẽ báo cho bà C chờ ông ở đó.” Malio gật đầu. “Tốt lắm. Còn bây giờ, ta sẽ làm gì đây?”
Vì khoảng trống thời gian ấy, Ty đề nghị đi uống mừng chặng đầu tiên hoàn thành tốt đẹp. Malio nghĩ thầm, từ đây cho đến khi hoàn thành dịch vụ, anh chàng người Việt này sẽ còn uống mừng, ăn mừng bao nhiêu lần. Nghĩ vậy nhưng ông cũng hào phóng ngỏ ý hôm nay sẽ chiêu đãi anh, ông đang vui, khi vui ông không đến nỗi quá kỹ như thường lệ. Malio gọi rượu, hai người đàn ông cụng ly.
Hôm qua đêm mưa lớn thế mà hôm nay trời lại nóng, hơi lạnh trong quán nhạc làm Malio thấy dễ chịu. “Hello, darling”. Có ai nói rất nũng nịu thoáng qua bên tai cả hai người, một bóng dáng lướt qua rất nhanh. Ty ngước lên, mắt anh sáng trưng như điện. “Ai vậy?” Malio hỏi. Ty hân hoan ra mặt: “Bạn gái của tôi. Một đêm cô ấy hát ở ba quán nhạc. Lúc nào cũng lướt nhanh như gió.”
Tiếng trống phách rộn lên, trên sân khấu bóng người ca sĩ đung đưa, ánh nến từ dưới sàn hắt lên không thấy rõ mặt nhưng rất rõ cặp chân dưới chiếc váy jean ngắn, ngắn đến không thể nào ngắn hơn. Nó gây sốc đến nỗi trong khán phòng tiếng thì thầm, tiếng cắn hạt dưa bỗng tắt bặt... Cô gái đang hát Santa Lucia, một bài hát của miền Địa Trung Hải.
Malio trố mắt nhìn. Cô ta là một cái gì hoàn toàn tương phản với phố cổ. Xong bài hát, cô ta đến gần bàn hai người, đưa một chân khoèo cái ghế ra, ngồi xuống. Cô ngồi rất hồn nhiên dù váy quá ngắn.
“Anh chờ em mãi - Ty nói. Chào ông nội đi em”.
Ông - Grand pa - là chữ Ty dùng để chỉ Malio, trước mặt cô bé. Cô ta nghiêng người hôn lên má ông, đúng là cách hôn dành cho ông nội. Lúc bấy giờ Malio mới nhận ra cô có tấm thân mảnh dẻ, hai cánh tay nhỏ nhắn và bộ ngực mỏng. Vẻ như cô ta vừa bước ra khỏi tuổi vị thành niên mới hôm qua .Cổ cô nàng đeo một vòng chuỗi ốc, những cái vỏ ốc to có hình thù kỳ dị. Khi cô nghiêng người, mùi những vỏ ốc phả vào mũi Malio. Ông rùng mình. Mùi của biển.
Ty gần như rối rít, luôn miệng hỏi han cô bé, mặt cứ nghệch ra như người khờ, khác hẳn lúc đang làm việc với Malio. Cô gái thì dạn dĩ nhìn người đàn ông phương Tây, lập tức thực tập môn tiếng Anh giao tiếp: “Where are you from?” Malio nói tiếng Anh cũng tạm được, ông mỉm cười: “Tôi là người ở cái nơi cô vừa nhắc đến trong bài hát, Santa Lucia.”
“Vậy à?”Cô gái reo lên. “Thích quá, ông sẽ kể cho em nghe về nơi đó nhé?”
“Được thôi, cô bé. Mai tôi sẽ nói cho cô biết, đó là nơi...”
SantaLucia là nơi ông khởi hành chuyến đi biển đầu tiên của đời mình.

Sáng sớm mai, Malio tỉnh dậy, đang mặc áo chuẩn bị đến văn phòng môi giới thì có tiếng gõ cửa.
Ông ngạc nhiên muốn trợn tròn cả mắt khi thấy cô bé hồi hôm, với nguyên bộ áo váy đó. “Ông đã hứa, hôm nay sẽ nói với em về Santa Lucia”. Malio nửa buồn cười, nửa hoang mang: “Đúng, tôi đã hứa hôm nay, nhưng không phải bây giờ”. Cô bé gần như gạt ông ra, bước thẳng vào trong phòng, ngồi xuống ghế. “Không, bây giờ”.
 Một cô bé kỳ cục. Cô ta có bị chập mạch chăng, Malio tự hỏi. Ông không biết rằng cô ta hoàn toàn tỉnh táo, cô biết ông là thân chủ của Ty, cô quyết tâm không để cho hợp đồng của Ty thành tựu.
Malio không quay lại văn phòng môi giới. Đến quá trưa, da mặt bà C. đã tái bệch ra như sáp, Ty điên đầu gọi điện liên tục tìm Malio. Có vẻ như mối lợi của anh đã bị ai đó phỗng tay trên, anh vò đầu bứt tóc mà không biết mình đang mất một thứ khác còn quý hơn thế rất nhiều.
“Quỷ tha ma bắt!” Malio hét lên, rút chiếc di động ra bấm tắt. Nắng và biển xanh chói lòa trước mắt ông.
“Sao thế?” Cô gái hỏi. Môi cô ta cong cong, mái tóc nhuộm hoe hoe vàng bay tơi tả cuộn vào vai ông. Malio đưa hai bàn tay áp vào mạn sườn mảnh dẻ. Cô gái nhột, cô ta cười như tiếng thủy tinh, đưa hai bàn tay giữ lấy tay ông, không cho nó lật sợi chun phía dưới mảnh bikini màu đỏ.Cái nhột làm nổi những hạt gai li ti trắng mịn trên lớp da mỏng phủ lông tơ. Những ngón tay nhỏ của cô trùm lên những ngón tay đã mất của ông, giờ phút ấy ông không nhớ mình đã mất chúng, ông không nhớ có bao giờ mình mất biển.
“Em muốn đi”. Cô gái nhìn ra ngoài xa nơi có những cánh hải âu trắng lốm đốm trên sóng. “Đi tới nơi ông ở”. Vừa nói cô vừa giữ chặt những ngón tay ông. Ông hiểu, cô nàng đang mặc cả.
Ông không muốn gật đầu với nàng. Cô gái còn rất trẻ. Cô ấy sẽ không thể ở lâu trong căn hộ chật hẹp và lộn xộn của ông nơi phố Giovanni. Đến đó, ông sẽ mất nàng. Malio lật sợi chun quanh lồng ngực cô gái lên. Nhưng cô quay người, bỏ chạy, dấu chân cô in trên cát ướt.
Malio không đuổi theo như cô gái tưởng. Ông ngồi trên cát, hứng gió, nhìn theo. Lát sau cô quay lại, sà vào trước mặt ông:
- Ông sẽ đem em đi, ông nhé?
Malio lắc đầu, cười, hai tay khoanh trước ngực. Cô gái đưa tay nghịch những sợi lông hoe nâu trên ngực ông. Bỗng cô giẫy lên, kêu thét, cuống quýt.
“Sao thế?” “Có cái gì đó trong áo tắm. Con gì đó”. Cô oằn người, sấp tấm lưng dài trước mặt Malio. Ông vội vã giúp nàng. Có lẽ là con bọ chét biển. Ông là thủy thủ, ông không sợ những loài vật ở biển.
Nhưng không có con bọ chét nào cả. Ngực cô gái để trần, xinh xắn và thon chắc. Hai trái vú nhỏ nhắn trượt rất êm trong tay ông, dưới lớp da săn mềm. Malio nghẹn ngào. Hai bàn tay ông bây giờ có đủ mười ngón. Tóc ông xanh và ngực căng, ông đang ở trong thời còn lướt biển.
Cô gái quàng hai tay ôm chặt đầu ông, áp môi ông vào cái cổ thon rám nắng. “You can say Ok?” Malio thấy mình thật vô phương cứu chữa: “Ok”.

Trời đã tối. Cái quán Malio ngồi giờ đã chật người, tóc đen, vàng, nâu, bạch kim đủ màu. Ông nhìn vào tất cả những người qua lại. Cô hầu bàn tiến ra, hỏi ông có cần thêm gì không. Ông đã ăn xong từ lâu, trong khi nhiều khách đang vào quán.
Malio giật mình. Ông đặt tiền lên bàn, vừa đúng số tiền trong thực đơn, không cộng thêm tiền boa. Kéo trong túi ra một chiếc ảnh, ông hỏi cô bé có thấy người này không? Cô gái nhìn, lắc đầu. Malio thất vọng. Vậy mà người ta bảo thành phố nhỏ, ai ai cũng biết nhau.
Sau ba năm trì hoãn, sau rất nhiều lần du lịch đến phố cổ này, ông đã phải thực hiện lời hứa, ông là thủy thủ, ông không bao giờ sai lời trong các cuộc hải trình. Lúc đầu, ông nghĩ nàng sẽ sống được ít nhất vài năm trong căn hộ nhà ông, bao lâu con hải âu chưa đủ lông đủ cánh thì ông vẫn còn được vuốt ve lớp lông tơ mượt mà của nó. Vả lại, sau khi nghe mãi những lời cam kết ngọt ngào của nàng, ông dần dần quên đi tính cảnh giác cố hữu. Nàng nói với ông về truyền thống của thành phố cổ, nơi bà nội, bà ngoại và mẹ của nàng đã sống một đời trung thành và phụ thuộc, họ thích thuộc về người đàn ông của mình như một thứ sở hữu vĩnh viễn. Rồi dần dần ông quên đi khoảng cách tuổi tác, ông tự cho mình là ngoại lệ trong nhân gian...
Khi Brandy bé bỏng lần đầu bước vào căn hộ, nàng ngồi xuống chiếc giường cũ kỹ, nhìn quanh bốn góc phòng. Mắt nàng mở to, vẻ mệt nhọc sau cuộc hành trình hiện rõ, đôi môi cau lại, trong phút ấy Malio nhận ra con tàu của ông đang mắc cạn.
Mười hai hôm sau nàng ra phố mua thức ăn và không về nữa. Malio cũng biết nàng sẽ ra đi, nhưng ông không thể ngờ nàng ra đi sớm thế.

“Anh có thấy người nào giống như thế này không? Có thấy không?” Malio đưa bức ảnh cho những người qua đường nhìn. Lắc đầu. Lắc đầu.
Trong thành phố từ ấy ai cũng nghe nói về một ông Tây già năm nào cũng về đứng trên phố Tây, tay cầm bức hình một cô gái. Một vài người cũng nhận ra đấy là cô ca sĩ ngày trước ở đây, đã lâu rồi không thấy trở lại.
- Malio, khỏe không?
Malio giật mình. Ty, nhân viên trung tâm môi giới.
Ông nhìn Ty, ngạc nhiên thấy anh khỏe, lanh lợi và trông vui vẻ như thế. “Cám ơn lời khen của ông. Thật ra hồi đó tôi đã hận ông và Thủy đến nỗi không hôm nào không uống say, không hôm nào say mà tôi không nguyền rủa hai người. Thủy thì phá hợp đồng làm ăn của tôi, ông thì phá cuộc tình của tôi.” Ty nói, khuôn mặt anh vui vẻ như thể đang kể chuyện của ai chứ không phải là mình.
“Nhưng dù sao đời đâu chỉ có một người đàn bà, nên cuối cùng tôi đã ổn cả, bây giờ tôi còn thấy mình may mắn đã không bập vào cô ấy. “Nói rồi Ty vồn vã gợi ý: “Bà C. vẫn ở một mình trong ngôi nhà vườn ở Ngọc Hồ, ngày mai tôi đưa ông đến thăm nhé. Đã đến lúc ông nghĩ đến tương lai...”
Malio trầm ngâm một lúc rồi bật cười. “Anh bạn, bây giờ tôi hiểu hai chữ tương lai chẳng có nghĩa gì với tôi cả. Tôi đã bảy mươi tuổi, tương lai của tôi có thể là mười năm, mà cũng có thể là mười phút. Nhưng tôi là thủy thủ, tôi muốn sống trọn đời trên biển.”
Đêm đã khuya, Malio bước ra đường, chân ông loạng choạng trên đường vắng. Bàn tay ba ngón rưỡi của ông đặt trên túi áo, nơi có bức hình Brandy bé bỏng.
                                   
TRẦN THÙY MAI
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hoài giang (06/06/2008)
Cõi nhân gian (03/06/2008)
Con khỉ B’ Li (03/06/2008)
Thật bồ đoàn (02/06/2008)
Nhân ngư (02/06/2008)
Thời gian (02/06/2008)