Truyện ngắn
Họ nằm nghe mưa rơi
09:35 | 07/12/2009
PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.
Họ nằm nghe mưa rơi
Minh họa: Ngô Lan Hương

Họ là khách đặc biệt của nhà hàng. Căn phòng dành cho họ chỉ có bốn thước vuông với đủ tiện nghi. Chiếc bàn tròn khi cần có thể dọn những đĩa mồi nóng sốt hoặc cả một cái lẩu hừng hực than hồng. Khi muốn dẹp, chỉ xếp lại đặt sát tường. Tấm nệm mút được dựng lên sát vách, khi mệt mỏi có thể hạ xuống nằm. Hai người cũng rộng chán. Tiếp họ không phải là hai mà chỉ có một cô gái. Tên cô là Thanh Minh Cam Trí. Cô ngồi tiếp họ khá lâu nhưng không có vẻ mệt mỏi. Dường như cô thấy không cần phải tỏ ra kiên nhẫn chờ đợi hoặc miễn cưỡng niềm nở để được lòng khách. Một trong hai người là khách lạ, lần đầu đến nhà hàng này. Đó là người khách lớn tuổi nhưng nét mặt lại trẻ hơn người kia. Anh bảo cô:

- Phiền cô dọn giùm chén đĩa và cho bọn tôi một ấm trà Bắc loại một

Thanh Minh Cam Trí đứng dậy. Tà áo dài màu tím Huế buông chùng xuống và bay nhè nhẹ theo mỗi bước chân cô. Có thể cô đã cất tiếng “dạ”, cũng có thể không. Cô thấy không cần thiết phải tự nhắc nhở. Màu tím Huế cũng không cần tự nhắc nhở mình luôn chứa màu đỏ của lửa mặt trời và màu xanh của biển khơi. Nó cứ tự mình tím lịm như núi ẩn trong chiều, như màu tím ẩn trong đôi mắt dù cô không tốn công trang điểm như người khác.

Cô bình thản đi ngang giữa các căn phòng đóng kín như muốn đóng hộp những giọng cười ồm ộp, từng tiếng ứ hự và cáu gắt giả vờ, từng chuỗi cười rúc rích và những cử chỉ không muốn lộ ra ngoài. Một tràng cười rung rúc bỗng tuôn ra từ một căn phòng nhỏ. Tiếng cười của Linh Lan, cô gái được người trẻ tuổi gọi đích danh yêu cầu chủ nhà hàng cho vào tiếp khách từ đầu nhưng đã lẳng lặng chuồn ra ngoài với một cái bĩu môi khá rõ nghĩa: Bọn “ đẹt”. Cám hấp!

Không hẳn vậy. Bởi người trẻ tuổi từng đến đây nhiều lần, được coi là “ nguồn” của các cô. Anh không tiếc tiền huê hồng. Nhưng đó là những lần trước. Lần này, sau hai phiên thay người không phải do khách mà do chính nhân viên bỏ lửng công việc, Thanh Minh Cam Trí được mời vào phục vụ. Khi vào, cô đến từ phía sau lưng họ nên cả hai bên chưa nhìn thấy nhau. Người chủ nở nụ cười biết lỗi, giới thiệu với khách mới.

- Thưa anh! Đây là cô Thanh Minh Cam Trí. Hy vọng hai anh hài lòng về cách phục vụ của cô.

Người khách trẻ tuổi hơn nheo mắt nhưng không quay đầu lại.

Người khách lớn tuổi đáp lời: “Cảm ơn anh”. Cô gái bỗng thấy rõ vì sao hai cô Linh Lan và Bạch Liên đã phải bỏ ra ngoài. Cô cất tiếng chào, vẫn ở phía sau hai người khách:

- Thưa anh! Chắc đã đến lúc cần có món nóng cho ấm bụng, phải không anh?

Có hai người khách nhưng cô chỉ nói với một người. Người khách mới đến. Chiếc chiêu ly sóng sánh rượu chát đỏ đột ngột được đặt xuống trước mặt, người khách lớn tuổi không quay lại nhìn. Anh ngẩng đầu lên nhìn vào giỏ hoa nhựa trên tường khá lâu. Thanh Minh Cam Trí vẫn đứng yên phía sau. Chiếc quạt máy quay nhè nhẹ. Mùi không khí của căn phòng có máy điều hòa nhiệt độ hơi loãng đi. Người khách buông từng tiếng chầm chậm:

- Nếu không phải là màu tím thì... không phải.

Người khách trẻ từng trải gật gật đầu rồi ngoái ra sau nhìn cô. Dường như mắt anh ánh lên một niềm vui ranh mãnh.

- Nếu không phải là màu tím thì sao? Anh giả vờ hỏi vặn.

- Nhất định là đã có chồng và bất đắc dĩ phải làm ở đây. Người khách lớn tuổi điềm tĩnh trả lời, nếu đó là màu tím.

Một tiếng “ ồ” vừa kinh ngạc vừa thích thú bật ra từ cửa miệng người chủ. Anh ta vụt trở nên linh hoạt một cách không thị trường:

- Cả ba đều đúng cả. Bởi vậy, em mới đưa vào đây phục vụ hai anh.

Thanh Minh Cam Trí khá ngỡ ngàng. Cô nhìn phía sau mái tóc của người khách. Lốm đốm bạc. Hơi khô và hơi... mất trật tự. Không có dầu thơm.

Thảo nào cô Linh Lan bĩu môi còn nường Bạch Liên chê là “tục”. Cam Trí biết đây là loại khách không xoàng, rất khó chiều nếu cứ đo bằng ba vòng căn bản. Cô nhanh chóng xác định cách phục vụ hiệu quả nhất: coi họ như người nhà. Mình có thể như một người em gái, thậm chí một người giúp việc và biết đâu như một người vợ săn sóc chồng. Ông “ chồng” này sẽ không cần phải ngã nệm mút vì đó không phải là mục đích của ông ta. Cô nghĩ thế.

Món lẩu gần xong. Cũng là lúc các căn phòng bên đầy tiếng cười đùa. Chỉ có căn phòng này sự yên lặng vẫn ngự trị. Họ uống không nhiều và ăn cũng chẳng là bao. Nói chuyện cũng ít. Điều này trái ngược với người khách trẻ mọi lần đến đây.

- Anh Tuần có cần em gọi Linh Lan vào không?

- Cám ơn em! Tuần trả lời nhanh. Hôm nay anh mới hiểu là anh cần gì. Em cứ ra ngoài cho thoáng.

Thanh Minh Cam Trí đoán rằng người khách chẳng muốn gọi hay quên không gọi. Cô cảm thấy mến ông ta. Tại sao ông ta lại đoán đúng cả ba điều về cô. Lạ nhất là chỉ đoán sau khi nghe giọng nói và lắng bước chân. Ông chủ nhà hàng cười an ủi:

- Chịu khó nghe em! chẳng nhiều tiền boa đâu.

- Dạ! em hiểu.

Cô quay đi tìm một món gì đó mà theo cô rất hợp với người khách này nhưng không thấy. Cô vội chạy về buồng thay quần áo lấy cái ví tiền rồi chạy vội ra quán hàng bên cạnh mua một gói mứt gừng. Vừa vào đến cửa, cô đã nghe người khách nhờ... ngã giùm tấm nệm mút và pha trà.

Trời mưa. Những giọt mưa thánh thót và rả rích. Lạnh buốt và mát lành. Nhớp nháp quanh nhà và tưới sạch không gian. Dường như mưa đang nói về mình, về một kiếp ngắn ngủi của giọt mưa và cả một chuỗi đời tuần hoàn lên xuống cùng với đất trời. Mưa không khóc mà đang tự bóc tách mình cho đôi mắt biết nhận ra màu tím. Nhưng còn tấm nệm mút? Nó rất sạch. Nhưng với người khách này, nó không xứng đỡ nâng.

- Cô Trí này! Tôi không gọi cô bằng em chắc cô vui lòng chứ?. Người lớn tuổi bỗng hỏi, mắt nhìn chăm chăm.

Thanh Minh Cam Trí hơi cúi đầu. Cô gạch ngón tay lên mặt bàn. Cử chỉ này đã từ lâu cô quên. Đã từ lâu, cô không được phép thẹn thùng e ấp.

- Em xin cám ơn sự biệt đãi của anh.

- Tôi vào đây chắc cô biết không vì...

- Ba vòng đo cơ bản. - Tuấn bật cười.

Cam Trí nóng rần mặt. Câu đùa đúng nhưng không hợp với cảnh này. Dù sao cô cũng là tiếp viên. Dường như khách không cần đến cô. Cô cảm thấy buồn buồn dù biết đó là sự biệt đãi của người khách mới. Liệu có phải là cáo già đóng vai bà ngoại để chuẩn bị ăn thịt cô bé quàng khăn đỏ chăng? Cô bật cười nhớ rằng mình đã qua lâu rồi cái thời quàng khăn đỏ.

Trà Bắc Thái thơm lựng, nước xanh ngắt. Cô nhón tay mời khách. Chiếc chiếu mộc mới tinh đã trải sẵn trên nệm mút. Một vật lạ ở nơi đây. Dù vậy, nó vẫn thầm thì mời gọi. Cô khẽ cau mày vì thấy người khách vẫn im lặng.

- Xin lỗi cô! Bọn tôi muốn nằm nghỉ lưng một lát. Người lớn tuổi nói xong, bê luôn khay trà đặt xuống nền nhà sát tấm nệm mút.

Họ nằm nghe mưa rơi. Từng giọt, từng giọt. Rả rích. Thánh thót. Mát và lạnh. Reo vui và cô đơn. Những giọt mưa như những ngón tay ấn lên phím đàn tâm tưởng. Họ nằm gác chân lên nhau, mắt ngước lên trần nhà. Chắc chắn họ chẳng thấy gì vì đang chìm trong suy tư.

Khi một người đàn bà nằm cạnh người đàn ông vì tình yêu, vì trách nhiệm, vì nghề nghiệp thì mọi sự trở nên bình thường. Nhưng khi hai người đàn ông nằm nghe mưa rơi và đếm từng giọt nhớ thì người con gái xinh đẹp mặc chiếc áo màu tím ngồi biên cạnh sẽ là bố cục xiêu lệch vô nghĩa của một bức tranh có gam màu ấm dịu như chiều nay. Cam Trí bước nhẹ ra khỏi phòng. Cô lấy ghế ngồi sát cửa chờ khách gọi. Giờ này đã hết phiên của cô từ lâu. Các bạn cô đã ra về. Những người khác lại đến. Nhưng cô chưa muốn về. Cô ở lại không vì trách nhiệm. Cô đang ngồi nghe mưa rơi. Mỗi giọt mưa đều có số phận của riêng mình. Giọt reo vui trên lá, giọt khảm trên hoa. Giọt lăn lóc mái nhà. Giọt rớt vào vũng bùn tăm tối. Giọt theo dòng sông ra biển khơi.

Họ trò chuyện không thầm thì. Vừa đủ nghe. Người trẻ chép miệng:

- Cũng vậy cả thôi! Tím, hồng hay xanh đều cũng màu mè cả. Anh chớ lầm. Nhưng... mứt gừng thì ngon tuyệt.

- Đó là bằng chứng sống động. Cậu đã có lần nào được như vậy ở đây?

- Lần đầu tiên. Á! Mà sao cô ta biết rõ thế nhỉ?

- Cái đầu và... hơi lý thuyết một tí, cái điệu tâm hồn đấy. Uống nước trà nhấm mứt gừng cay cay nằm nghe mưa kể chuyện đời mình thì còn hơn xa bao điều khác.

- Thế anh vào đây làm gì?. Người trẻ chồm dậy, hỏi vặn, vẻ bực tức.

- Đâu cũng vậy. Mình đã không coi phim thì ngồi trong rạp cũng có mất phần ai đâu. Có mất điều gì đâu?.

- Có. Anh sợ mất một điều mà anh ngỡ như là cao quý, mong manh vừa chợt thấy ở cô ta.

- Không phải “ngỡ như” mà “ đúng là”. Người lớn tuổi chắc giọng.

- Tôi không tin. Tỷ như anh đi mua hàng làm sao biết giả thật.

- Mình tin. Hàng thật thì không giả tạo.

- Nhưng hàng giả có thể như thật. Người trẻ hăng hái phản bác.

- Cậu nhìn vào mắt cô ấy chưa?

- Cô nào cũng xăm mi, xẻ mí, kẻ đường viền đen cho mắt thêm sâu.

- Đó là nghề nghiệp. Hơn nữa, trang điểm không phải là một tội lỗi. Cái đẹp bên ngoài cũng cần nếu có cái đẹp bên trong. Vì sẽ hoàn mỹ hơn.

- Nhưng làm sao anh thấy được bên trong?

- Ánh mắt. Thần khí giọng nói. Hồn của lời nói. Và ngôn ngữ yên lặng của sắc màu, của dáng đi.

- Làm sao nhìn thấy được! Anh thử giải thích cho tôi xem.

- Những điều ấy không thể giải thích. Chỉ cảm nhận trực tiếp thôi.

- Cho là vậy. Nhưng dù sao, tâm linh cũng có cánh cửa. Anh thử bày cho tôi cách mở cánh cửa ấy đi.

- Ồ! Nếu có thể chỉ cho người khác cách mở cánh cửa tâm linh thì mình đã không ngồi đây. Chắc cậu chưa quên ngày ấy chứ?

- Anh muốn nói cái ngày trái hỏa châu rớt xuống trước mặt anh rồi mới cháy, trong khi lẽ ra...

- Lẽ ra nó phải cháy sáng trên trời, cháy hết mình để tạo ra thứ ánh sáng cướp quyền tạo hóa trong chốc lát.

Đúng là một điều trái qui tắc hoạt động của trái hỏa châu. Khi nó rơi bịch xuống trước mặt, Phương đã kịp nằm xuống nhưng chưa kịp nhắm mắt lại. Một quầng sáng có độ rọi ba trăm ngàn lux bùng lên với đường kính tiêu điểm sáng chừng hơn một tấc. Một độ chói khủng khiếp, gấp vạn lần ánh sáng mặt trời.

Vào lúc ấy Thủy đang ở đâu? Vào lúc này nữa, em đang ở đâu, Thủy? Em có còn luôn dịu dàng “Thưa anh” mỗi lần gặp gỡ? Em có còn mang trong tâm hồn cái màu tím ngát của chiều xuân núi Ngự thấm đượm trong tà áo dài mỗi bước em đi? Đã hơn hai mươi năm, cái nhịp bước ngập ngừng, cái giọng mềm như ru, cái bồng bềnh như mây của tà áo tím luôn ở trong anh. Và nó không thể nào thoát ra nổi vì cánh cửa tâm hồn anh đã vĩnh viễn bị khép chặt sau cái đêm oan nghiệt ấy.


Phương quờ tay tìm chén trà. Hơi nóng trà Bắc xua tan đi cơn gió lạnh vừa lẻn vào tim. Vị cay thơm và nồng của lát mứt gừng bỗng lại làm anh tê tái. Phương quay sang nhìn Tuần. Đôi mắt anh vẫn đen nhánh và trong vắt như cái vực không đáy dưới chân Điện Hòn Chén. Có thực cái vực ấy không có đáy như lời đồn, khiến cho đôi trai gái nào đang yêu nhau mà đặt bước đến đấy thì sau đấy mãi mãi giữa hai người là vực sâu ngăn cách? Chúng mình đã đến và em đã xa! Thủy ơi!

Tuần nhìn sâu vào đôi mắt Phương. Trong ấy, khuôn mặt gân guốc với nụ cười rộng mở như lung linh hơn. Anh Phương ơi! Từ sau ngày ấy, thằng em út trong tiểu đội của anh đâu còn trong sáng hồn nhiên như hình ảnh nó bây giờ còn đọng trong mắt anh! Nó đã lăn lóc trường đời với những kẻ như Linh Lan, Bạch Liên. Mà sao nó không thể nhận ra màu áo tím từ đôi mắt có thị lực mười phần mười? Mà sao nơi đây cô nào cũng váy ngắn, áo hở vai, duy chỉ có cô ấy lẻ loi như đốm lửa?

Tuần ơi! Cậu có biết Thủy không nhỉ? Ngày ấy, nếu mình không lầm thì cậu đã từng ngắm đi ngắm lại khuôn mặt cô ấy và tinh nghịch hỏi mình: “ Chị ấy có cô em gái nào không?” Mình chưa hỏi Thủy điều đó vì giữa chiến trường, mỗi lần gặp nhau được tính từng giây phút, mỗi giây phút được tính giá đắt hơn vàng, có khi đắt như máu.

Vẫn đôi mắt và khuôn mặt ấy, song giọng nói khác xưa nhiều. Kém cái sôi nổi đầy hào khí, lại như đằm sâu và chậm rãi hơn. Sao vậy? Có phải khi con người ta thay đổi giọng nói là do cái điệu tâm hồn đã thay đổi từ trước không? Đôi mắt ấy nhìn mình chăm chăm nhưng như không hề thấy. Như không hề có bóng hình của mình. Đã mất rồi chăng? Không phải. Vẫn nhận ra màu tím từ phía sau lưng. À! mà tại sao lại biết mình đã có chồng? Lại bất đắc dĩ phải làm ở đây? Đúng là mình sẽ không thèm bước đến nơi này nếu chồng mình không bị tai biến mạch máu não ở cái tuổi ngoài bốn mươi. Có phải là số kiếp không? Nếu không phải thì tại sao ngày ấy mình bị lạc vào toán phục kích. Người đại đội trưởng bộ binh ấy đã bảo vệ mình trước những con mắt hau háu như chó sói đói mồi. Để rồi sau đó, mình vĩnh viễn xa đơn vị, nằm trong vòng tay che chở của người chồng đột hiện lúc nguy cơ. Để rồi từ năm bảy lăm, mẹ mình chết trong tủi nhục vì có đứa con phản bội và chồng mình mỗi lúc tiễn bạn đi H.O trở về nhà lại gầm lên: “ Vì cô mà tôi không lên được thiếu tá, vì cô mà tôi không được đi H.O”. Có phải là số kiếp không, khi mình cứ mãi mang màu áo dài này suốt hai mươi năm như một con bé học trò làm giao liên thuở trước. Để làm chi vậy? Để tìm lại một bóng hình? Thì đây, anh ấy đã đến, đã đăm đắm nhìn mình và đã nhận ra màu yêu một thuở. Nhưng sao anh ấy lại lặng im? Hay vì mình mang cái tên mới? Có lẽ!

Thanh Minh Cam Trí nhẹ bước ra ngoài, ngồi xuống chiếc ghế cạnh cửa. Cô lắng nghe tiếng nói của người lớn tuổi như muốn lọc tìm trong đó âm điệu ngày xưa.

Căn phòng như kết đặc không khí. Nhờ thế, tiếng thầm thì của họ vẫn đều đều vọng tới tai cô.

- Anh Phương! Có lẽ... có phải anh đoán đúng ba điều là nhờ các giác quan khác? Em nghe nói rằng...

- Vừa đúng, vừa không! Cái giọng nói và nhịp đi ấy giống quá, giống đến không ngờ. Nhưng sao lại không là Thủy? Phương ngước đôi mắt đen trong nhìn lên trần nhà. Ở đó không có gì ngoài một màu trắng toát. Màu trắng như màu hoa huệ. Cũng như màu mây bồng bềnh trôi trong buổi chiều thu trước cái đêm lịch sử.

Màu trắng ấy cứ sáng dần lên rồi bỗng bừng chói khủng khiếp. Phương đưa tay ôm mặt. Tuần hốt hoảng đỡ tay anh:

- Anh mệt rồi phải không? Dùng tí gì cho ấm bụng rồi đi nghỉ. Đừng nói chuyện nữa.

Im lặng. Cái im lặng diễn ra từ bên trong của lời gào thét khi anh bị chính trị viên đại đội kết tội cố tình dẫn tiểu đội vào chỗ phục kích của địch. Vì khi anh nằm xuống, không nhìn thấy gì ngoài màn đêm, anh cố im lặng để tránh địch phát hiện. Lúc ấy, Tuần và các chiến sĩ còn lại cứ khom thấp khom cao đi tới. Khi quân địch khai hỏa hạ gục hai chiến sĩ đi đầu, Tuần kịp kéo một đồng đội lăn mình xuống giao thông hào mà cậu ấy kịp vài giây phát hiện trước khi súng nổ. Đôi mắt cậu ấy luôn được coi là đôi mắt cú mèo, đủ khả năng nhìn thấy chuột nhắt bò trên cây trong đêm ba mươi. Họ là hai người còn lại của tiểu đội, đại diện cho “ những quân nhân bị bội phản” trong một cuộc xử án nội bộ, thực tế là một cuộc họp hội đồng quân nhân để kiểm điểm quân nhân vi phạm kỷ luật quân sự mà bị cáo là anh.Tòa, không ai khác chính do C lập ra ở hậu cứ để sớm kết thúc hồ sơ vụ án Hồ Hoàng Phương, kẻ đã làm cho mũi tiến quân cánh phải của tiểu đoàn bị lộ, dẫn đến kết thúc bi đát: toàn tiểu đoàn bị đánh tan, cánh quân ứng cứu bị bóp nát và cứ điểm của quân địch vẫn tồn tại. Một kết thúc có hại cho các chiến sĩ về sinh mạng nhưng rất có hại về công danh cho những kẻ xu thời. Quân y chiến trường cấp trung đoàn không đủ khả năng xác định tình trạng tổn thương của anh. Họ không lý giải nổi vì sao mắt anh không có máu chảy, không bị bỏng. Toàn thân không một vết thương? Anh đã nói như gào thét trước tòa: “Các đồng chí hãy tin tôi”. Hãy cho tôi ra quân y tuyến sau để giám định trước khi kết án tôi!”. Một trong hai người còn lại của tiểu đội đã im lặng, có thể vì không biết nói gì. Chỉ riêng Tuần bật ra một câu chửi bị dồn nén “Đ.mẹ! Ông thì biết cái gì về luật pháp, về y học mà đòi làm chánh án xử đồng chí Phương?”. Vì câu chửi ấy, cuộc đời của Tuần đã rẽ xuống dốc, từ một chiến sĩ ưu tú trở thành một kẻ đồng lõa của tên phản bội, xúc phạm đến chỉ huy. Và cũng vì câu chửi ấy, hôm nay anh mới gặp lại Tuần trong cương vị một giám đốc doanh nghiệp liên doanh với nhà nước, với tiền tiêu như nước nhưng vẫn nhận ngay ra anh giữa dòng người tấp nập xuống ga. Tiếc rằng, Tuần đã không nhận ra lý do vì sao anh vẫn cố đi tìm cô ấy, cuộc đi tìm trong dòng chảy đen đặc của hoài niệm có dải sáng lấp lánh của tà áo cô nữ sinh giao liên dẫn đường. Anh đã đến được đây sau bao ngày thăm dò hỏi han tin tức một cách cẩn trọng để nhận ra được cái màu tím lịm như núi ẩn trong chiều, cái màu giao hòa bởi lửa mặt trời và nước biển bao la. Trong lòng Tuần, có lẽ không còn nữa cái mặn nồng của đôi môi đang yêu, của tình người thiếu nữ. Cậu ấy đã lăn lóc đường đời, qua bao trận cười suốt sáng thâu đêm.

Tuần cũng quá đơn giản đến mức vội coi chính trị viên như một kẻ thù. Cậu ấy không hiểu rằng chỉ vì quá đau xót trước cái chết của tám chiến sĩ ưu tú trong tiểu đội ưu tú nhất của đại đội, chính trị viên gần như phát điên. Với học vấn có hạn, ông không thể lý giải nổi nguyên nhân khiến Phương trở thành kẻ bị ra tòa án binh mà chính ông làm chánh án: “Tại sao đôi mắt Phương bị mù khi vẫn đen trong?”. Trong thâm tâm, ông cho rằng Phương đã hèn nhát trốn chạy, dẫn đến sai lầm có tính phản trắc.

Dòng hoài niệm đen đặc chảy sền sệt qua màn đêm ký ức. Đột nhiên giữa dòng hiện lên khuôn mặt của Tuấn, người chiến sĩ thứ hai- nhân chứng thứ hai của tiểu đội. Sau chiến tranh, Tuấn đã thi đậu vào Đại học y khoa Huế, đã trở thành bác sĩ chuyên khoa mắt và đang làm luận án tiến sĩ chuyên ngành nhãn khoa tại Viện Mắt Trung Ương. Anh gặp Tuấn như một dun rủi của số phận hay một cuộc nở muộn màng làm đẹp vườn cây cuối thu của một bông hồng. Tuấn im lặng tìm hiểu nguyên nhân bị mù của đôi mắt Phương sau khi trái hỏa châu phát nổ. Cậu ấy đã tìm ra. Và đã hùng hồn biện hộ cho anh sau bao nhiêu năm chờ đợi, một sự biện hộ tuy muộn màng nhưng vô cùng quí giá vì nó trả lại cho anh phẩm giá làm người, phẩm chất người chiến sĩ. Anh không được truy lĩnh gì nhiều vì khi bị thương, anh mới là hạ sĩ. Tuy vậy, số tiền trợ cấp hàng tháng vẫn đủ cho anh đi suốt miền Trung để tìm Thủy. Nghe đâu cô đã lấy chồng, một sĩ quan Sài Gòn cũ, một kẻ bị cả hai bên tuyên án bằng sự nghi ngờ; tự dằn vặt mình và dằn vặt vợ con để dẫn đến cái kết thúc bi đát. Nghe đâu sau đó, Thủy bảo với chồng sẽ đi làm việc hợp đồng ở một nhà in. Và từng đêm, người chồng của Thủy cứ thắc thỏm đợi em về. Sao em còn ở lại đây, Thủy?- Phương thét to.

- Dạ! Anh gọi em - Thanh Minh Cam Trí hốt hoảng vụt đáp lời. Cô mím môi nhìn Phương chăm chăm một lúc.

- Đúng là em rồi! - Phương rền rĩ kêu lên. Từ trong đôi mắt đen trong, một dòng máu đỏ rỉ ra. Ngày bị thương, đôi mắt của anh không hề chảy máu.

- Chị Thủy đây sao? - Tuần hặc lên một tiếng- Thế mà lâu nay em cứ tưởng!

Vâng! Lâu nay em cứ tưởng anh đã vĩnh viễn xa em rồi. Có ai ngờ ta lại gặp nhau sau bao muộn màng cách trở! Bây giờ thì em và đồng đội cũ của anh- chắc chắn là thế- đã hiểu rõ vì sao anh chỉ lắng nghe nhịp bước, giọng nói mà nhận ra màu áo của ngày xưa! Anh đã nhận ra bằng ánh sáng của hoài niệm ấp ủ hơn hai mươi năm. Sao anh không nhận ra rằng em đã già?

Thanh Minh Cam Trí run bần bật rồi khuỵu xuống bên Phương. Lúc này đây, trong căn phòng này, anh có quyền như mọi người khách nhưng không phải vì nhu cầu chốc lát của dân chơi. Lúc này, nếu anh còn coi em là Thủy của anh thì hãy ôm em đi, ôm thật chặt như vòng tay người lính thuở nào.

Tuần ngồi im như tượng. Rồi anh khẽ dịch dần ra xa để ngắm cả hai người. Tại sao bao nhiêu lần đến đây, anh vẫn không nhận ra Thủy qua cái tên Thanh Minh Cam Trí. Tại sao chị ấy đã hơn bốn mươi mà vẫn trẻ như gái đương thì? Có thể do phẫu thuật thẩm mỹ. Và phấn son. Nhưng một con người luôn sống trong mặc cảm kẻ phản bội, luôn nhớ nhung và trốn chạy một bóng hình thì làm sao vẫn có thể xuân tươi? Tại sao nhỉ? Ta không còn cái bồng bột trực khí của tuổi trẻ để cười, để khóc, để chửi một cách vô tư. Đáng chửi lắm cái thằng có mắt như đui. Đáng khóc lắm cuộc tái ngộ muộn màng này. Và đáng cười cho cuộc đổi thay như hí kịch. Trời ơi! Đã bao lần chàng Từ Hải là ta đến đây và chọn nàng làm Thúy Kiều trong chốc lát! Tại sao? Câu hỏi gào thét trong tâm khiến khuôn mặt Tuần nhăn nhúm lại. Từng mảnh vỡ ký ức đang cứa nát lòng anh. Chị Thủy ơi!

Ngoài trời, mưa vẫn rơi. Thánh thót. Rả rích. Mát và lạnh. Reo vui và u buồn. Cô đơn và hội ngộ. Như những con người.

Rồi cũng sẽ như những giọt mưa kia, theo dòng nước đổ về biển, về ao bùn hay tan trong lòng đất. Số phận đã xui họ chia tay và gặp lại trong cuộc tuần hoàn của tạo hóa! Rồi mai đây sẽ thế nào?!

Huế, mùa lụt 98
PXP
(125/07-99)


 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cuội (04/12/2009)
Nhân cách thơ (03/12/2009)
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Nhà trọ (24/11/2009)
Những cánh cửa (19/11/2009)
Khe cửa hẹp (18/11/2009)