Truyện ngắn
Sợi dây
14:30 | 11/01/2010
HỒNG HOANGBữa ăn sáng ở phòng chờ xuất viện đã đến hồi kết, mọi người dự cuộc vẫn lưu luyến.Trước khi vào điều trị ở bệnh viện tâm thần này họ đều là những thành viên tốt của xã hội.

Chỉ vì sức khỏe của họ đã không chịu nổi lòng tốt của chính họ, nên đâu đấy trong sự thái quá của ý chí họ đã bị bệnh tâm thần. Nhưng đó là chuyện cũ kỹ, chuyện của trước kia, còn bây giờ đây thì ổn cả rồi.

Ngày hôm nay có bẩy người tập trung ở căn phòng này, với chứng chỉ sức khỏe đã tốt, tâm thần đã trở lại bình thường. Trong bầu không khí vui chung hồ hởi, tất cả những cái mắt vui vẻ nhìn nhau tin tưởng.

Bỗng có một người nói:

- Tôi có tiền đấy.

Một người nói “Thế à”, một số khác nói “Hay lắm”. Thấy vậy người vừa nói đó lại nói to hơn, như hô một khẩu lệnh:

- Tôi… có… tiền đây!

Cả nhóm người cùng ngơ ngác một chút. Trong nhóm có tiếng trả lời cũng to như thế:

- Hay lắm, gọi bia Tiger gọi thêm đồ nhắm, chúng ta tiếp tục bữa ăn sáng. Thưa các bạn, chúng ta nối dài ra cái vui vẻ này.

Thật đúng là cho dù ở đâu thì hễ có tiền là niềm vui có thể được kéo dài thêm ra, và dài cho tới khi người nói câu “Tôi có tiền đấy” lại tự nhiên đứng lên giữa cuộc tiệc hét to tướng:

- Thôi chết rồi !

Thấy mọi người mãi vui vẻ không để ý mấy, ông ta bèn hét to hơn:

- Thôi… chết … tôi rồi!

Bây giờ thì cả nhóm người mới lại ngơ ngác một chút giống như lúc trước. Người đã bừng tĩnh hô to “Hay lắm gọi bia Tiger…” thì bây giờ hô to hỏi lại:

- Này bạn có tiền kia! Chết rồi cái gì đấy?

Người có tiền trả lời toáng lên:

- Hết tiền của tôi rồi!

Thấy cả nhóm người lại im lặng ông ta lại hét to hơn một lần nữa:

- Hết tiền của tôi rồi!

Cả nhóm người vẫn im lặng, có vẻ như lờ đi. Trong sự lờ đi chung ấy, có tiếng nói nghe rất rõ: “Đề nghị mọi người trật tự”. Và tất cả đã trật tự ngay. Ước chừng trật tự kéo dài được độ ba mươi giây. Kế liền đó là một người khác đứng lên, ông này là bạn của ông vừa yêu cầu mọi người trật tự. Hai người này cùng quê, cùng vào viện tâm thần một ngày nhưng ở khác buồng. Hôm nay họ lại cùng xuất viện để tái hòa nhập vào xã hội.

Ông ta đứng giữa đám đông, để một tay trân trọng lên ngực nói:

- Thưa các bạn đồng bệnh… có cuộc vui nào không có kết thúc, hỏi?

Thấy không ai trả lời được, ông hạ giọng xuống nói âu yếm:

- Chúng ta sẽ sống có ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết mở ra liên tục những cuộc vui, không chỉ cho riêng ta mà cho cả mọi người. Thưa các bạn một khi ta biết tổ chức, ta sẽ có tất cả. Phải không các bạn?

Trong đám đông nổi lên những tiếng xầm xì: Tay này khá đấy, tay này cũng văn chương lắm đấy.

Kệ cho mọi người xì xầm, ông ta dùng cái tay đang đặt sẵn lên ngực từ trước, tự vỗ liên hồi vào chỗ trái tim rồi nói tiếp:

- Thưa các bạn, như tôi đã nói với các bạn, cuộc vui nào cũng có lúc kết. Chúng ta nên kết bữa ăn sáng ở đây và theo tớ (bỗng nhiên lại tớ) mở ra cuộc vui không cần tiền, chỉ cần một viên phấn. Điều quan trọng là phải có quyết tâm cao, đoàn kết nhất trí cao. Thế nào các bạn, đồng ý với tớ chứ?

Tất cả đều đã quyết tâm và nhất trí cao. Ông đang nói lại tiếp tục nói:

- Nào nữ đồng chí đứng gần cửa, ra ngay phòng trực ban xin một viên phấn vào đây.

Chỉ một loáng sau ông ta có phấn trong tay. Ông yêu cầu tất cả cùng chung sức, chung lòng thu dọn mặt bằng cho thoáng. Ông lấy phấn vạch một đường thật rõ xuống sàn xi măng rồi nói:

- Tất cả chúng ta sẽ cùng nhau chui qua sợi đây này. Ai chui qua được người đó sẽ có danh dự cao quý nhất.

Hôm nay có vị khách trên Bộ đến thăm, bà viện trưởng đã mời vị khách quý thăm hỏi nhóm người đã lành bệnh ở phòng chờ xuất viện.

Tới nơi mọi người và vị khách đều ngạc nhiên khi thấy cả nhóm lành bệnh ấy đang ngồi trên sàn với đủ dáng vẻ: ôm đầu, tựa gối, trán nhăn, mắt nheo, trông rất suy tư, mà chóp mũi của ai ai cũng máu toe toét lẫn với vệt bụi phấn trắng.

Cái ông bầy ra trò chơi chui qua dây vẽ, đã đàng hoàng tự đứng ra thay mặt mọi người tiếp đón và trình bày hoàn cảnh. Vị khách thấy có buồn cười, nhưng vẫn vỗ vai ông ta khen: “Khá”. Còn bà giám đốc lo lắng nhìn vị khách quý trên Bộ. Bà biết không thể cho bệnh nhân ra viện với cái mũi bê bết máu như thế. Vị khách quý cũng biết. Nhưng ông hiểu khác, ông an ủi bà: Đồng chí đừng lo, không sao cả, bây giờ chúng ta chỉ cần chữa mũi thôi. Giờ đây những người đó đã biết suy nghĩ cả rồi, đồng chí cứ tập trung họ ở đây điều trị mũi cho tốt rồi xuất viện luôn. Chúng tôi vẫn ghi nhận thành tích của Viện đồng chí.

Thuốc mỡ ngoại nhập làm lành da rất mau những cái mũi mài xuống sàn xi măng sẽ được liền da ngay sau lúc bôi thuốc chỉ chừng độ hai giờ đồng hồ. Điều quan trọng là những vị đó phải ngừng ngay việc rủ nhau chui qua sợi dây vẽ kể từ khi mũi đã được bôi thuốc.

Một tuần qua rồi đấy, bẩy cái mũi kia vẫn tóe máu. Bà viện trưởng nghĩ ngợi lung lắm. Rồi có một buổi chiều bỗng bà cười to một mình và nói một mình “Hay lắm”. Chồng bà không hiểu, ông hỏi bà:

- Gì thế mình?

Bà trả lời:

- Họ phải chui qua cái dây mình ạ!

Ông nhướng cao cặp lông mày đợi xem có chuyện gì? Bà chỉ cười nói một mình “Hay lắm, hay lắm”. Nhưng bà cũng nhìn ông và cũng hiểu ông chưa hiểu bà. Bà nói:

- Mình ở chuyên môn khác không hiểu được đâu, phải có cùng tầm cỡ tư duy với họ mình ạ.

Sáng hôm sau trong phòng chờ xuất viện của bệnh viện tâm thần có tiếng hoan hô reo hò huyên náo: “Thủ trưởng sáng suốt, thủ trưởng sáng suốt, thủ trưởng sáng suốt…”

Thì ra bà viện trưởng đã đích thân trèo thang vạch ngang trần nhà một sợi dây vẽ khác.

H.H.
(119/01-99)




 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Chờ tuyết rơi (04/01/2010)
Lửa đêm (30/12/2009)
Sáng hôm ấy (29/12/2009)
Một lát cắt (28/12/2009)
Quán quân dân (24/12/2009)
Đêm bơ vơ (21/12/2009)