Truyện ngắn
Xôn xao làng Chẻ
08:24 | 16/07/2008
VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

Ngô nói: Mình có thằng cháu chết hơn năm rồi mà chưa về thăm thắp nén hương cho nó. Nó hơn mình đến chục tuổi nhưng trong họ nó thuộc phái nhỏ. Nó gọi mình bằng bác. Các con nó gọi mình bằng ôông. Nghe nói làng nó giờ làm ăn khấm khá, lại có thêm món “tươi mát” nữa mà mình chưa kịp về thì nó bỗng lăn ra chết. Nhưng còn vợ nó với các con nó.
Nghe vậy, tôi dừng xe. Tôi nói phải ghé quán mua chút lễ mọn. Ngô đứng bên xe. Tôi vô quán. Tôi mua chai rượu trắng, hộp bánh, mấy thẻ hương. Bỏ các thứ vào giỏ xe, chúng tôi tiếp tục lên đường.
Ngồi sau xe, Ngô rỉ rả kể:
“Cánh lái xe giỏi thiệt. Gọi làng Chẻ mình tin là do cánh lái xe bày ra. Chứ làng này ngày xưa là An Hải Trung. Nay nó vẫn là An Hải Trung. Nhưng nghiệm ra nghĩa đen thì có thể cánh lái xe gọi hay lại ngắn gọn. Bởi làng này chủ yếu làm nghề bán củi chẻ. Vài cây dương ngã xuống. Cưa ngắn khoảng năm mươi phân. Một đầu cắm thẳng xuống cát. Người chẻ củi đứng dạng hai chân bằng vai, hai tay cầm rìu giơ cao giáng xuống. Khúc gỗ dương toác làm hai. Gỗ dương đang tươi, nó mềm mà roóc như chẻ mía. Chẳng cần đàn ông, vùng này đàn bà, con gái đều chẻ được tất. Củi chẻ bó thành từng bó rồi chất từng thước vuông. Củi dương thổi đỏ, than đượm. Cánh lái xe thích mua củi ở đây chở về bán cho thành phố. Lãi gấp đôi. Mua củi thước hay đếm bó theo chục, theo trăm đều được cả.
Ngày xưa vùng này khó đi lắm. Làng An Hải Trung chỉ vài chục nóc nhà tranh tre nứa lá cheo leo ở giữa một vùng cát trắng mênh mông. Mỗi gia đình chiếm vài ha đất cát. Chỗ cao trồng dương liễu. Chỗ trũng trồng sắn, khoai, cà, ớt hoặc được một vụ lúa mùa, lúa vãi. Lúa và khoai sắn là nguồn lương thực tự cung tự cấp. Năm hạn hán kéo dài mất mùa thiếu đói. Dân làng có đồng ra đồng vào chỉ dựa vào bán củi chẻ. Loại củi nhỏ không chẻ là để dùng, nhưng vẫn bó. Ai mua thì vẫn bán với giá rẻ. Nghề này là phận của chị em, con gái. Họ gánh củi băng qua bãi cát cả chục cây số về các làng biển An Hải Bắc, An Hải Nam hay An Hải Đông của Ngô để bán hoặc đổi lấy cá khô, mắm ruốc. Họ cũng gánh củi vượt qua bãi cát mênh mông đến bán hoặc đổi lấy lúa gạo những vùng đồng sâu. Hoặc họ chất củi thước bên đường ôtô chờ cánh lái xe là bán được tiền hơn cả. Có gia đình mỗi ngày bán được hai đến ba thước củi chẻ. Vận chuyển ba khối củi từ làng ra nơi tập kết đâu phải đơn giản. Đêm mát. Họ lấy đêm làm ngày. Không còn phương tiện gì hơn trườn qua được cát. Tất cả đặt trên đôi vai của các mẹ, các chị...
 
Đùng một cái, thị xã H.H. lên cấp thành phố. Thành phố H.H. mở rộng diện tích cũng chưa với tới làng An Hải Trung. Nhưng với uy thế của một thành phố biển, ngành du lịch cất lên hàng đầu. Người ta mở mang nhiều trục đường xương cá nối miền biển với đồng bằng, đặc biệt là một đường cung biển thơ mộng vòng qua làng An Hải Trung kéo về thành phố. Làng cát An Hai Trung bao đời nóng bỏng rộp chân ngày hè giờ nằm sát bên con đường láng nhựa đẹp như mơ. Có con đường láng nhựa, nhiều gia đình làng biển trong huyện, có làng An Hải Đông của Ngô nhờ bà con thân thích nơi đây kiếm cho miếng đất rồi chuyển tới xây nhà. Có đường sá thuận tiện, chỉ sau một năm nhiều nhà ngói xây mọc lên thay gần hết số nhà tranh tre nứa lá. Và đã có mấy nhà lầu hai gác bề thế thấp thoáng dưới những rặng dương xanh.”
Ngô bảo tôi rẽ vào cung đường mới. Đã gặp mấy chiếc xe tải, xe đò chở khách từ trong An Hải Trung chạy ra. Xe tải lèn đầy củi chẻ. Xe đò chở khách cũng chất đầy củi trên trần. Vòng vào cung đường biển mộng mơ thì có xa hơn trục đường cũ, nhưng nguồn hàng vô tận là trong làng Chẻ nên lúc đầu là cánh lái xe tỉnh này tới khai thác. Dần dà cánh lái xe thông tin cho nhau như kiểu xi-nhan bằng tay chỉ xuống, ngoáy tay xuống trên đường ngược chiều là xe phía kia bắt được để có sự tư duy mà đối phó với trạm công an kiểm soát an toàn giao thông phục kích. Dần dà các tài xế chạy đường Bắc - , nhất là xe tải đều đi cung đường mới làng Chẻ thơ mộng và đỗ nghỉ qua đêm để hưởng chút “tươi mát” là chuyện bình thường.
Chúng tôi đến nơi.
Mấy đứa con bà Tho reo lên: “Ôông Ngô, ôông Ngô mạ ơi!” Bà Tho từ trong nhà đi ra mắt rớm ướt ngùi ngùi. Chúng tôi vào nhà. Ngô đặt đồ lễ mọn lên bàn thờ cháu bên khung ảnh trùm mảnh vải đỏ. Tôi bật lửa ga thắp hương. Ngô cắm ba cây hương vào lư. Hai chúng tôi cùng lạy mấy lạy.
Bà Tho mời chúng tôi ra bàn kê trước hành lang uống nước.
Ngô chưa kịp hỏi han gì cô cháu gái và về cú ngã khi leo hái khế và sau đó đột ngột ra đi của Thời, bà Tho đã ngùi ngùi: Út khổ quá hai ôông ơi, cha các cháu đang khoẻ mạnh. Hơn ôông Ngô đến chục tuổi nhưng còn khoẻ mạnh lắm. Hàng ngày ôông vào chăm nom một hécta dương, nay thêm cả hécta bạch đàn mới lôông. Ôông gánh nước tưới cả ngày khôông biết chi đến mệt mỏi. Rứa rồi chiều về ôông leo mấy trái khế.(Bà chỉ cây khế trước sân nhà.) Nói là để chấm ruốc nhấm rượu với mấy ôông bạn quanh xóm. Thì cành khế lọi. Nghe cái bịch. Út đứng... út đứng ở chỗ ni đây nhìn ra. Út chộ ôông bò dậy rồi đứng lên. Hai tay ôông vẫn núm chặt mấy trái khế. Rứa là khôông việc chi. Ôông đưa khế vô rửa rồi xắt. Ôông kéo chai rượu thuốc ra. Út bưng lên dĩa ruốc. Các ôông bên xóm kéo qua. Họ vẫn uống với chắc như mọi khi. Rứa là khôông việc chi phải khôông hai ôông nờ. Rứa mà ai ngờ đêm ấy ôông ngủ một mạch luôn. Ôông ra đi mà khôông truyền một lời với vợ con... Kể đến đây bà Tho khóc nức nức. Tay cầm khăn thấm nước mắt.
- Ừ, nó đột ngột quá, Ngô nói, ôông biết, nhưng ở ngái quá ôông khôông về đặng. Mà mọi việc đã có ôông Khoai, (ông anh ruột Ngô) ôông là trưởng họ.
- Dạ, út biết. Út cám ơn lắm. Khôông có các bác, nhất là bác Khoai, gia đình út và các cháu lúng túng lắm. (Tác giả xin nói thêm điều này: vùng đây có tục lệ dù mình lớn tuổi hơn khách đến mấy vẫn xưng út hoặc tam là thứ bậc rất nhỏ trong gia đình để tỏ lòng quý trọng khách và người cấp bậc cao hơn trong dòng họ)
Cô con dâu bà Tho bưng ra dĩa cá khô nướng và chén nước mắm ớt đỏ au. Bà Tho vào bàn thờ cầm chai rượu,bà chêm thêm vào chén rượu cúng cho chồng rồi đưa ra bàn. Ngô rót ba chén rượu. Ngô bưng chén rượu lên nói: “Thôi ôông chia buồn với các cháu.” Bà Tho không ngần ngại bưng chén dứt liền.
Có chiếc xe tải dừng trước nhà. Cô con dâu bà Tho đưa tay vẫy vẫy. Anh tài xuống xe đi nhanh vô quán bên cây khế trước nhà. Cô con dâu niềm nở rót nước mời khách. Anh tài không ngồi uống nước mà mua mấy bao Jet rồi ra xe liền.
Ngô hỏi bà Tho: “Từ khi Thời ra đi, mẹ con mần ăn ra răng?” - “Có chi mô mà mần ăn ôông”, bà Tho nói. “Hàng quán người ta như quán A, quán B, quán C hay gọi quán Tăng, quán Tiến, quán Lợi là người ta thuê các o gái trẻ đẹp. Mùa hè các o để hở cổ, mùa đôông các o khăn quàng đầu nhưng để hở rốn hấp dẫn nên khách vô đôông. Đôông đúc vẫn cánh lái xe. Còn quán của út khôông phải thuê ai. Hai đứa con dâu cùng chung mở quán thì khôông để hở cổ hở rốn nên ít khách vô. Đó, vừa đó, bà vừa nói vừa nhìn ra đường, họ chỉ dừng xe mua bao thuốc, chai nước là dôông liền.”
Phong thái bà Tho đã trở nên vui vẻ, hồn nhiên. Mặt bà hồng hào sau khi dứt chén rượu, không ngùi ngùi như lúc đầu chúng tôi vào. Ngô rót tiếp ba chén rượu. Ngô mớm: “Rứa năm tê nghe Thời nói nhà ta cũng có “tươi mát” là nghĩa ra răng?” Bà Tho mặt mày đã đỏ giờ đỏ thêm, bà nói không rụt rè: “Ừ thì người ta răng mình rứa ôông nờ. Có rứa gia đình mới có thêm thu nhập. Hai đứa con trai đi làm thợ nề, thợ đụng dưới phố. Đứng ráp ngoài nắng cả ngày mà lương phạn phập phù chẳng ra chi. Túi về còn vô quán xin vợ chén rượu. Rõ dơ! Còn chuyện “tươi mát” thì cũng có. Nhưng từ ngày ôông ra đi thì để gượm đã. Chờ mãn tang ôông rồi chúng nó sẽ đi kêu trở lại.”
Chúng tôi cạn chén rượu thứ hai. Bà Tho cũng dứt không còn giọt nào trong chén. Ngô tỉ mẩn hỏi: - Quán xá trống trải rứa thì “tươi mát” kiểu răng? - “À có cách mà ôông. Út đã nói là người ta răng mình rứa. Mình cứ làm theo người ta.” Đây, đây, vừa nói bà Tho vừa đứng lên đi ra sau lưng nhà. Chúng tôi đi theo bà Tho. Đó là một cái dại rất kín đáo. Mái dại lợp tranh lồng từ mái nhà kéo xuống. Ba phía xây tường. Mở một cửa có cài chốt trong. Trong phòng kê chiếc giường đơn, trải chiếu, đặt hai cái gối. Bà Tho nói: “Phòng “tươi mát” ta ri là loại khá. Nhiều quán khôông có giường mà lót ổ rơm bên dưới rồi trùm chiếu phủ lên. Khách tới hỏi cần “tươi mát” thì hai đứa con dâu đi kêu. Cũng chẳng xa ngái chi. Bên các quán A, B, C ấy. Các o hở cổ hở rốn hấp dẫn chạy qua tắp lự. Giá cả thì năm chục ngàn. Nhà mình hưởng hai. Phần các o ba.”
Hướng dẫn cặn kẽ xong, bà Tho trở vô bàn nước. Hai chúng tôi nhìn lại cái nơi dùng để làm dịch vụ “tươi mát” mà như lời bà Tho kể thì bữa đầu lót ổ rơm mới tiến tới kê giường. Tôi nói: “Hơi ấm ổ rơm” là nhan đề bài thơ khá hay của nhà thơ Nguyễn Duy. Nhưng ổ rơm của tác giả thơ là cảnh tình mẹ vùng quê trong sáng. Bộ đội hành quân qua làng dừng ngủ đêm nhà mẹ, trời rét quá mà nhà mẹ không đủ chăn ấm mới trải ổ rơm chống rét. Còn ổ rơm ở làng Chẻ là ổ dã chiến cho khách qua đường lạc thú chớp nhoáng. Nói đoạn, tôi và Ngô cùng tủm tỉm cười rồi trở vô.
Ngồi xuống ghế, Ngô nói như tra hỏi cô cháu: “An Hải Trung, tên làng đẹp đại rứa răng khôông gọi mà cứ động tới là làng Chẻ, làng Chẻ là răng ca? Ai đặt ra rứa ca?”
- Thì ôông ơi! Bà Tho kêu trời, giờ người ta cần ăn mau, nói mau, mần mau nên gọi chi tên cũ cho dài dòng. Gọi làng Chẻ cũng được mà. Cũng hay mà ẩn ý lắm! Cánh lái xe đặt ra cả đó. Ngừng một lát, bà Tho nói luôn một hồi như là sợ ai tranh: - Cánh lái xe rất giỏi, rất thôông minh. Làng này cũng nhờ sáp ấy mà khá lên. Nhưng họ thôông minh đó rồi ngu ra đó. Chính cánh lái xe là bị sập bẫy hết ráo.
- Chúng bị những gì, ra răng?
- Cứ để út kể cho nghe. ÔÔng mới ni là chưa biết còn ôông Ngô thì tỏ tường rồi. Gia đình út xưa cũng An Hải Đông với ôông Ngô. Lấy nhau rồi gia cảnh đông đúc, chật chội dưới biển mới kéo nhau lên chốn hoang vu ni. Làng xóm thưa thớt lắm. Quanh năm suốt tháng chỉ một việc đào xới cát. Vẫn bươi cào như gà vẫn khôông đủ cái mặc cái ăn. Con cái ít học hành. Lớn lên chỉ lo kéo củi, chặt củi, chẻ củi. Khôông đi tới mô. Út trên sáu mươi tuổi rồi mà chưa một lần bước cẳng ra khỏi đôồng cát. Văn hoá thấp, có biết chi văn nghệ văn gừng. Ấy mà giờ biết tất tần tật. Đây, út đọc cho hai ôông nghe coi. Hai ôông đã nghe khi mô chưa? “Khôông đi thì nhớ thì moong. Đi rồi thì lện Cù Môông, Ba Ngòi”. Và cánh lái xe giải thích cho tỏ tường: Cù Mông, Ba Ngòi là nơi đèo núi, suối khe nào đó phía trong miền Nam Trung Bộ. Hai nơi nớ nghe nói ngành thuế vụ kiểm soát gắt gao lắm. Họ nắn bóp, lục lọi từng gói hàng nhỏ. Có khi tốc cả gói cóc-xê, xi-líp của chị em ra ngoài. Rõ dơ!” Có chén rượu ấm bụng, bà Tho hoạt bát hẳn lên, nói rất bốc. Lúc này bà hình như chẳng còn nhớ gì đến việc nhà mình đang có tang. - Để út đọc tiếp cho hai ôông nghe: “Khôông đi khôông biết Sài Gòn. Đi rồi mới biết chẳng còn một xu. Bây chừ mới biết mình ngu. Cái miệng ăn một cái cu ăn mười”... Ha... Bà Tho cười ngất. Chúng tôi cũng cuời ngất. - “Đó là chuyện sáp lái đi chơi gái Sài Gòn bị nó “chém” cho nhớ đời mới ra thơ phú như rứa... Rõ dơ chựa!”
- Rứa lúc nãy Tho nói cánh lái xe bị sập bẫy là cách răng? Ngô hỏi.
- Dạ, để út kể. Út đã kể hết mô. Làng ni nhà ai ở mặt tiền đều có mở quán. Hai mươi bốn chữ cái từ A đến Z đều được ghép cho các quán nên gọi quán A, quán B, quán C hay gọi ghép tên vợ chồng chủ quán như Tăng Tiến, Tiến Lài, Lợi Thu đều hay đại. Quán A được tính từ đầu làng. Đến nhà út là hết chữ cái. Mà quán của út là đồ cóc khôông ra chi nên chẳng cần đặt tên. Ở đây ai kẻ biển tên quán là quán xịn. Trong quán đầy đủ các loại tươi mát từ A đến Z. ÔÔng Ngô à, lâu ôông khôông về nên khôông biết, còn ôông Khoai là ôông biết hết ráo. Rứa ôông Khoai khôông tin cho biết làng An Hải Trung bầy út giờ làm ăn xôn xao cất mặt lắm rồi ca?
- Chưa- bạn tôi lúc này bị chất vấn trở lại. Ngô nói: Bởi năm tê Thời vô Huế khám bệnh gì đó có tới nhà thăm ôông, Thời xì chuyện “tươi mát” là cứ tưởng giỡn qua vậy thôi, mần chi biết chân tơ kẽ tóc như bây giờ?
- Phải, bà Tho tiếp, hai ôông ơi, bây chừ làng út có xảy ra một chuyện chi là cả làng đều biết tắp lự. Có chi báo hết cho nhau, khôông ai che giấu mần chi. Nên nhà mô, quán mô cũng kể lại như út in tắp lự.
Mới tháng trước, chiếc xe tải mang biển số 52 từ trong đi ra. Anh tài xế chở theo một đôi “vợ chồng” mập ú. Họ cùng ngồi trước đầu xe nên gán vợ chồng vậy thôi, còn giả thật thời nay theo nhau đi buôn đường dài thì có trời mới biết. Mà không cần biết chuyện ấy mần chi. Chỉ biết chiếc xe 52 quẹo vô đầu làng, xe đang tiến, lùi tìm chỗ đậu có bóng mát thì lộn nhào vì sập hố. Ba người đều bị thương nặng. Đôi vợ chồng mập ú bật lăn xuống rãnh bất tỉnh, máu me đầy mặt. Anh tài nằm kẹt vắt ngang, đầu chảy máu dầm dề. Có tiếng kêu “cấp cứu, cấp cứu”. Tổ dân quân tự vệ làng vác cáng, vác võng nhanh chóng đưa họ lên bệnh viện huyện. Dân làng vây lấy chiếc xe đổ. Chiếc xe tải có cửa sắt ô vuông khoá sau, trần vững chắc nên hàng khôông đổ ra ngoài. Một ông tò mò muốn biết hàng chi trong nớ mới dùng đục nạy tấm trần ra coi. - Bột ngọt, ông nói.
Không ai nói chi với ai. Mọi người ra về.
Nhưng nhá nhem tối, quang gánh, bao bì đã vây kín chiếc xe đổ.
Trưa hôm sau, đầu anh tài bịt khăn trắng trở về trên chiếc xe ôm. Không cần đến gần xe, anh biết hàng đã mất. Anh vào cái quán cạnh đó. Cái quán có cô em gái trẻ hở ngực hở rốn hấp dẫn vẫy chào mời làm anh không kịp đạp phanh mới ra nông nỗi ấy! Anh gọi ly nước chanh đá. Đoạn anh rút điện thoại di động trong bóp đeo nơi lưng quần ra bấm bấm bấm. Động tác đơn giản của anh đã có người “ghi nhận” và mau chóng truyền lan cho cả làng cùng biết mà đề phòng, chống đỡ.
Đôi vợ chồng “mập ú” thuê taxi về sau ông tài một chặp. Đầu và miệng họ đang dán đầy băng. Chỉ đôi mắt là vẫn còn tinh anh. Họ biết hàng đã mất. Họ tới nói chi đó với anh tài rồi đi bộ ra đường cái đón xe đường dài.
Khoảng ba giờ chiều thì xe cần cẩu tới. Hoá ra anh tài bấm máy di động là gọi xe cẩu cấp cứu chứ không phải gọi công an. Cần cẩu lớn. Xe lại nhẹ. Chiếc xe tải được đưa lên dễ dàng. Máy móc không việc chi. Anh tài cho xe thoát ra khỏi làng Chẻ trước khi trời túi.
Chuyện xe đổ, mất hàng là bình thường. Nhưng hay là hay khi bà Tho bình luận như một phóng viên thời sự: - Các ôông biết khôông, làng của út đêm đó nhộn nhịp, kín đáo, mau lẹ vận chuyển hàng như một chiến dịch. Bốn tấn bột ngọt được tẩu tán trên bốn trăm hộ gia đình. Nhà út khôông có người tới chỗ xe đổ cũng được 5 kí.
- Rứa chính quyền địa phương khôông can thiệp gì ca? Ngô hỏi.
- Chà ôông ơi là ôông - bà Tho kêu lên - của nước nổi mà ôông. Chính quyền cũng từ dân ôông nờ. Có ai kiện tụng chi mô mà ôông lo!...Bà Tho kể tiếp:
- Có chuyện tưởng như xong om rồi, treo niêu rồi - bà Tho nhấn mạnh - Một bài báo trên tỉnh phản ánh “Phải chăng làng An Hải Trung là một ổ dịch HIV?” Công an tỉnh đánh xe về mần việc. Nhưng đâu vào đó êm re. Có chi khó khăn mô. Dễ ẹc! ÔÔng thôn trưởng mời mấy eng đến quán E uống mấy chai chơi. Quán nớ có mấy o trẻ nhất, đẹp nhất. Mấy o đang chờ sẵn ở trong buồng. Mấy eng cứ hồn nhiên pheng màn mà vô thôi. ÔÔng trưởng thôn vẫn nhấp bia ngồi chờ...
Lúc mấy eng trở ra, mặt mày hớn hở. Mấy eng khôông ngớt ôkê. Mấy eng lên xe còn “bai bai” trở về thành phố.Mấy eng còn nói đến hẹn lại lên nữa chự. Các o cốống hiến hoàn toàn, “tình cho khôông biếu khôông”hoàn toàn. Rứa là êm xuôi hai ôông nờ...
- Cao mưu quá! Chúng tôi đồng thanh nói.
- Chưa hết mô, để út kể tiếp, kì tài lắm, diễn kịch lắm. Hai ôông đi tới các quán H, I, K hoặcV, X, Y họ cũng đều kể như út in tắp lự.
Có hai bố con ông tài lái xe tải từ Hà Nội vô. Bố khoảng 50 tuổi, cậu con khoảng 20. Chiếc xe tải bịt bùng phanh kít. Hai bố con xuống xe. Hai cánh cửa đóng đánh rầm, rầm. Vô quán, cậu con trai gọi chai khoáng 3 ngàn. Ông bố gọi chai bia 6 ngàn. Họ uống và hút thuốc ba số. Cậu con uống xong chai khoáng bỗng nổi cáu chửi: “Địt mẹ, xứ sở gì mà nóng quá!” Áo vắt vai, ở trần, cậu đi ra xe. Ông bố đứng lên nói trả tiền. Ông đưa tờ mười ngàn đồng. Bà chủ quán E bảo khách vào phòng trong lấy tiền thối. Bà vừa cúi vừa đẩy tấm kính bàn lấy tiền lẻ. Ông tài từ phòng ngoài bước vô phòng trong nhận tiền. Bỗng cánh cửa sập lại đánh rầm và ông chủ quán cài ngay chốt ngoài. Ở phòng trong, bà chủ quán la lối: “Bà con ơi, cứu tui với! Tui bị hiếp! Tui bị hiếp!” Trong phòng, bà chủ đã trần truồng như nhộng trên giường. Còn vị khách xe đập cửa rầm rầm muốn thoát nhưng không thoát được. Phòng trong kê một giường ngủ vừa đặt tủ bán hàng có hai cửa trước và sau cùng lúc chốt chặt. Bà chủ không ngớt la lối: “Cứu tui với! Nó hiếp tui!” Bà con chòm xóm vây kín quán E. Ai nấy đều nghe rõ tiếng bà Xuân rống lên như điên, như cuồng: “Mau mau bà con ơi! Cứu tui! Khiếp quá! Tui chết, tui chết mất!”
- Mở cửa ra! Chụp lấy nó! Trói gô nó lại! - Nhiều tiếng thét lên đồng lòng cùng một lúc. Chốt cửa bật mở. Bà chủ quán vẫn trần truồng nằm sấp trên giường. Mấy cánh tay lực lưỡng chụp cổ, chụp đầu vị khách tài. Có người nhanh nhảu nói: “Nó mặc áo quần lẹ thiệt hí!” Ông chủ quán E hô lên: “Xin bà con chứng kiến cho. Tui không có trong nhà. Hắn vào quán uống rồi lao vào buồng hiếp vợ tui.”
- “Trói nó lại. Đưa lên xã giải quyết”. Nhiều người cùng hô lao nhao. Lúc này, mấy cánh tay lực lưỡng đã kéo vị tài già ra phòng ngoài. Ở đây đã có người viết biên bản bắt ông tài kí nhận tội hiếp dâm và phạt tiền mười triệu đồng. Không kí nhận, không đưa đủ tiền thì giữ xe lại chờ cấp côi xuống mần việc!
Nghe xong văn bản, mặt ông tài méo xệch. Cậu con đi vô đứng nhìn chỉ biết nhìn. Ông tài không chút đắn đo cầm bút kí cái rẹc rồi rút ví đưa tiền. Ông cùng cậu con trai ra xe. Xe nổ máy. Ông tài thò đầu ra cửa nhổ bãi nước bọt đánh toẹt xuống đất chửi thề: “Địt mẹ! Khốn nạn!”
Bà con làng Chẻ mở trận cười ê …ô… a… reo vui phía sau chiếc xe tải đang nhả đụn khói đen thui!

Trước lúc ra về, tôi cùng Ngô vào bàn thờ thắp hương cho ông Thời rồi chia tay bà Tho cùng các cháu. Bà Tho vồn vã nói: “Chúc hai ôông đi mạnh giỏi. Khi mô hai ôông trở lại út sẽ kể nhiều chuyện nữa. Nhất là chuyện về cánh lái xe. Va vấp nhiều nhưng họ có khớn mô”. Bà cười.
Đi được một đoạn, Ngô nói: “Con cháu mình ít chữ, ba cục một hòn, chưa đi tới mô mà kể chuyện hay hè”. Ngô lại rủ tôi: “Hết khó thằng cháu, tụi mình trở lại làng Chẻ “tươi mát” sau cái dại còn gọi ổ rơm ấy thì rất an tâm bởi đã có Tho và hai đứa con dâu nó ngồi trước quán canh gác”.
Tôi không nói gì, bụng nghĩ: “Ngô, bạn tôi là người có nhiều chữ, đại học hẳn hoi, giờ lại muốn hùa theo đám con cháu làng xã quê hương thói làm ăn nhấp nhem, chụp giật lưu manh bất chính?”
Trại sáng tác Đà Lạt 4-12-2006
V.N

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Brandy bé bỏng (09/06/2008)
Hoài giang (06/06/2008)
Cõi nhân gian (03/06/2008)
Con khỉ B’ Li (03/06/2008)
Thật bồ đoàn (02/06/2008)