Người ta dùng máy đào ủi san ra cho bằng phẳng. Đào ủi đến đâu, gặp di cốt nào thì bốc lượm cho vào săng tiểu đưa đến nghĩa địa đến đó, xong xây nhà lên. Như vậy, ở dưới chắc chắn còn sót, nhà nào nằm trên một, ba, năm hoặc thậm chí là mười, hai mươi di cốt... người ta cũng không biết. Thế cho nên khi được cấp nhà nhiều người đã lắc đầu lè lưỡi, không nhận. Ai lại người sống nằm trên người chết, không khuynh gia bại sản thì cũng ốm đau bệnh hoạn. Chuyện này sau khi đã về ở một thời gian, Văn mới biết. Nhưng, nếu được nghe nói trước Văn cũng không sợ, nghĩ rằng mình chẳng làm gì nên tội đối với người đang sống trên đời cũng như những người đã an giấc ngàn thu ở cõi bên kia; lại tin những linh hồn đã khuất không bao giờ lại vô cớ làm hại người đang sống. Hôm cầm cái quyết định cấp nhà của tỉnh đến cơ quan nhà đất, người cán bộ phần hành đã đưa Văn đến tận khu nhà vừa xây dựng xong, khoát tay một vòng, nói: - Trừ những nơi đã có người ở rồi, tất cả những căn hộ còn trống, anh muốn chọn chỗ nào tuỳ ý, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nơi ấy! Rất nhanh, Văn chọn căn hộ ở góc ngoài cùng. Như vậy, phần đất còn lại là mảnh vườn tương lai của gia đình anh nằm sát hàng rào của khu nhà; nhưng cái hàng rào đó giờ đây chưa có, chỉ có một con đường mòn rậm rịt cỏ dại. Trong lúc chờ nhà nước phân định giới hạn của khu tập thể, Văn có thể vỡ hoang thoải mái chỗ đó để trồng trọt bất cứ thứ gì mình muốn; làm được đến đâu rào giậu đến đấy. Đối diện với căn hộ của Văn, bên kia là một căn hộ của gia đình một ông thiếu tá công an về hưu tên là Thậm. Ông Thậm ngót lục tuần nhưng nom còn phong độ lắm, mỗi khi có việc gì đó mà cơ quan cũ mời tới, ông mặc sắc phục, đội mũ, đeo đầy đủ cấp hiệu, huân chương... vào, dáng vẻ ông thật mạnh khoẻ, oai phong và không thể nói là ông đã ở độ tuổi ấy. Vợ ông Thậm đã mất, cô gái lớn đã lấy chồng xa, giờ ông sống với hai cô gái trong nhà, một cô út đang học năm thứ ba khoa kinh tế du lịch, một em vợ cũng là út nốt. Cô dì tên là Khánh, làm nghề thợ thêu cho một cơ sở khá nổi tiếng trong thành phố, người đã trên mức mập một tí lại ưa mặc váy dài phủ gót và rộng mênh mông không biết để chứa đựng cái gì trong đó, nên người tuy tầm thước nhưng nom thấp hẳn xuống. Khánh có thói quen mỗi lần dắt chiếc xe Cha- ly ra khỏi nhà là khịt mũi, khi thì một vài cái khi thì cả tràng phịp phịp phịp phịp... như thể nếu không khởi động người trước thì khởi động xe không được vậy. Mặt mày cô không đến nỗi khó coi, ngoại trừ cái mũi nghe nói đã vào Sài Gòn sửa nâng để biến nó thành dọc dừa nhưng rốt cuộc không đạt được mục đích, giờ đây nó vừa xẹp xuống vừa hơi gãy khúc chẳng ra cái hình thù gì. Khánh học hết trung học phổ thông, thi đại học hai năm liên tiếp đều trượt, sau đó lấy chồng. Đó là hồi cô còn ở quê cách đây đã lâu. Thường những ngày nghỉ, rỗi rãi Văn qua nhà ông Thậm chơi, khi cùng uống với nhau một ấm trà, khi lai rai dăm ba câu chuyện. Một lần ông Thậm giữ Văn lại khá lâu. Tâm lý của một số các bố về hưu là thế, hễ có dịp là bíu lấy người khác nói trên trời dưới đất, kể lể công lao quá khứ chán chê- không ít các bố còn bịa thêm vào cái bảng thành tích cá nhân bằng mồm ấy- rồi quay qua chuyện lọ tương hũ mắm của nhà này nhà nọ, đến cả những chuyện riêng động trời chẳng ai kiểm chứng được của các vị đương chức quyền hành, cha chủ tịch này ém nhẹn đứa con rơi ở tận Đồng Tháp ra tìm thăm bố đẻ ra sao, mẹ giám đốc nọ rót bia Hây-nơ-ken cho chẩy từ trên cổ xuống ngực xuống bụng xuống cả... trên tấm thân chả còn mấy nõn nà của mình, để cho người tình quỳ ở dưới ngửa cổ uống ừng ực trong một đêm "nhất dạ hoàng hậu" ở Vũng Tàu như thế nào, vân vân và vân vân... Song ông thiếu tá hưu trí này không thuộc típ người trên. Ông tâm sự cùng Văn về gia đình,về các người thân của ông,những hạnh phúc sướng vui và những nỗi đắng cay đoạn trường trong gia cảnh của ông đã qua. Nhờ thế Văn biết được đôi điều về cô em vợ của ông. Rằng Khánh con nhà khá giả, út ít được cưng chiều sinh hư, may mà không hỏng. Chồng Khánh là thầy giáo của cô. Lấy nhau được gần năm, chưa có con, song người này không chịu đựng nổi người kia, hai bên li thân; Khánh bỏ quê lên thành phố sống cùng chị ruột và anh rể, hai năm sau toà dưới đó gọi về xử cho ly hôn theo đơn của hai người. Ông Thậm nói tính tình dì ấy quái lạ, thất thường như sớm nắng chiều mưa, không biết nhiễm cái gien của ai, trong nhà năm chị em chẳng có ai giống dì ấy cả, tỉ như có những điều không nên nói ra thì cứ tồ tồ như nước xối, quàng quạc như vịt kêu, chán không thể tưởng tượng. Có lần trong bữa ăn, ngồi vào mâm, dì ấy liếc qua các món, chưa nếm đã dám hô lên "Dở quá! Dở quá, làm sao ăn được đây!" Rồi đứng dậy, đi rót một chén nước mắm ớt, bưng cơm lại ngồi bàn may, ăn một mình. Đấy, khác gì giáng một cái tát vào người nấu bếp; mà người nấu bếp hôm đó là mẹ dì ấy, thế có điên không? Ngày Khánh quyết định lấy chồng, cô ta hỏi ý kiến các chị cô, các chị tỏ ra thận trọng băn khoăn, khuyên hãy từ từ, tìm hiểu cho kỹ đã, Khánh lườm ra nguýt vào cứ như tự ý các chị chõ mũi vào việc của người khác. Các cô chị không chấp em, cười: "Thì tại Khánh hỏi, các chị mới nói chứ!" Khánh quay ngoắt, ngúng nguẩy gióng lại sau lưng: "Nói gì không nói lại nói băn khoăn, băn khoăn cái chi? Định giành anh ấy cho mình chắc? Người ta "cùng tuổi nằm duỗi mà ăn", không biết à!" Thật ra cũng tuổi Dần nhưng ông thầy giáo hơn cô học trò cũ một giáp. Mấy ngày sau, cũng trong bữa cơm, Khánh bỗng trống không một câu: "Không cho thì xuống tóc vô chùa luôn!" Câu này ý muốn nói với bố mẹ cô nếu như ông bà ngăn trở tình yêu của cô. Và cô làm thật, có điều làm một nửa, coi như "tạm ứng" trước. Một hôm cô đi từ sớm, chiều nhá nhem mới về nhà. Mái tóc dài đen mượt như suối của cô, mái tóc mà trong toàn trường trung học của huyện bọn con gái ai cũng muốn ngắm nhìn, chặc lưỡi xuýt xoa, ước ao sao mình có được như vậy, bỗng cụt đến ngang vai. Mọi người trong nhà đều tròn mắt nhìn cô, còn cô chẳng nhìn ai cả, nói: "Bữa sau cắt tiếp!" Bố mẹ cô hoảng hồn nghĩ không khéo cô con gái út ương bướng nó làm thật chứ chả chơi, hôm nay nó cắt ngang vai, hôm sau nữa cắt ngang gáy, rồi sau nữa nó cắt lên đến trên lỗ tai; mà đã cắt đến đó rồi, muốn tiếp ắt phải dùng dao cạo! Cuối cùng mọi người ngậm tăm, để mặc Khánh muốn làm gì thì làm. Vả lại xét cho cùng, việc lấy ai là do cô thuận tình vừa ý, ai chứ Khánh mà bị ngáng trở cô dám làm điều tai họa! Đám cưới của cô diễn ra một ngày trời đang sáng đẹp, lại se se; bỗng nhiên mây đen ùn ùn dựng lên, lát sau tắt gió, bốn phía im lặng như tờ. Tưởng là sắp mưa, nhưng không, chỉ nóng, nóng chưa từng thấy như bị rang. Chủ khách, hai họ, cô dâu chú rể đều như vừa dội nước, mồ hôi tuôn dầm dề, lấm lem từ đầu tới chân. Đi ăn cưới mà còn hơn đi chống lụt bão! Khách khứa ra về, chép miệng:"Điềm gì cho đôi vợ chồng này đây?!" Quả đúng như tính khí ông trời hôm đó, cuộc hôn nhân của Khánh sau này gần như bất ngờ tan vỡ... Nói cho đúng, giờ đây Khánh dường như rạng hẳn lên. Mái tóc ngắn vừa phải tự nhiên lại hợp với khuôn mặt của cô, đôi gò má hơi cao bỗng có cái để mà loáng thoáng che lấp, khi trước tóc dài nó cứ chảy xuống lưng, còn giờ ngắn nó dư sức bay ngang hoặc chí ít thỉnh thoảng bay ngang qua má, vừa hồn nhiên trẻ trung lại vừa có phần huyền ảo... Hai nhà ông Thậm và Văn ở được nửa năm, nhà cửa, cổng ngõ chừng đâu ra đấy, vườn tược-tuy là vườn trong phố thôi- đã có màu xanh, trông vào không đến nỗi tức mắt, thì một hôm có gia đình mới chuyển đến trong xóm. Láng giềng của họ là một bà chưa già lắm, còn trẻ là đằng khác, khoảng năm mươi, mọi người gọi là bà Ái. Bà Ái cao gầy, mặt hơi choắt nhưng chân tay thì trái lại, nần nẫn, da dẻ trắng hồng phây phây như đang thì con gái. Tự dưngVăn so sánh bà với ông Thậm. Bà cao hơn hẳn ông Thậm một cái đầu. Ông Thậm mềm mỏng như lạt giang, đi đứng nhẹ như con mèo thì bà Ái lại rậm rựt như con ngựa huỳnh huỵch như nện vồ. Ông Thậm nói trầm trầm rỉ rả thì bà Ái lại toang toác xô bồ, người lúc nào cũng như một chiếc xe tải đang nổ máy. Bà vốn là công nhân vệ sinh của công ty công trình đô thị, làm nghề quét dọn rác, nay đã về hưu, đóng "bờ- lô" để sống, nên cũng dễ hiểu với dáng vẻ và tính tình bên ngoài của bà. Nghe đâu chồng bà mất từ lúc bà mới hăm ba tuổi đầu; cho đến bây giờ đã ba chục năm trôi qua, bà vẫn không đi bước nữa, quả cũng lạ! Hai cậu con trai của bà, anh tên Lộ em tên Đường, đều khá đẹp trai, ăn mặc đúng mốt thanh niên bây giờ ở thành phố. Lộ đậu đại học văn ba năm trước đây, không xin đâu được việc làm, vẫn ở nhà, ngày ngày phóng xe bát phố và làm thơ tình. Thơ của ông cử nhân văn này chủ yếu được tác giả tự trình bày bằng một lối ngâm như hát, véo von ngùi ngẫm trong các buổi văn nghệ thanh niên phường xã, các nhóm câu lạc bộ sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học trong thành phố và được hoan nghênh tán thưởng nhiệt liệt. Điều này củng cố thêm quyết tâm phấn đấu trở thành nhà thơ của Lộ, ít nhất là trong tỉnh. Lộ gửi thơ cho các tờ báo choai choai tận Sài Gòn như Mực Tím, Áo Trắng..., các tờ báo này trả nhuận bút khá và nhiều học sinh sinh viên tìm đọc, với cái bút danh là Ngàn Lộ. Đó là lúc Lộ ra khỏi nhà. Còn những lúc ở nhà, gần như thông lệ, cứ chập tối cơm nước xong, anh ta đến ngồi bên bàn cạnh cửa sổ mở toang, bất kể trời nóng hay lạnh, tạnh hay mưa, tay cầm bút mồm chõ ra đường, đọc oang oang hết bài này sang bài khác cho thiên hạ nghe, mà nếu không ai nghe thì gạch đá, cây cối nghe cũng tốt, mặc kệ cho lúc bấy giờ xung quanh yên lặng hay ồn ào, tuồng như thi với tiếng rít xe máy xẻ khoét ống bô của mấy chú thanh niên ngứa nọc phóng qua lại ngay bên cạnh cửa sổ. Khác với ông anh, Đường gần như một ông cụ non. Học hết trung học, Đường đi bộ đội nghĩa vụ quân sự. Hết hạn xuất ngũ về với cái giấy chứng nhận lái xe trong quân đội. Bà Ái bảo: "Con đi hỏi xem thủ tục đổi bằng ra sao. Thời buổi giờ, nghề lái xe cũng kiếm ra ăn đó con ạ". Đường chạy đến công an, sở giao thông vận tải, rồi cả trường huấn luyện lái xe của tỉnh. Mấy ngày sau Đường về lắc đầu với mẹ: "Phải có một cây tư mới đổi được bằng lái dân sự!" Bà Ái la lớn; "Trời ơi, giá cắt cổ thế cơ! Một cây tư, bảy triệu chớ ít! Chúng nó là cái giống gì mà đòi ăn khiếp vậy?" Cậu con trai xua tay: "Mẹ gào to thế người ta nghe được khéo còn đòi to hơn.Thôi, con vứt bỏ nghề này. Chả béo bở gì lại còn mất tiền. Rồi lỡ gây tai nạn dọc đường, đi tù như chơi! Tuần sau con đi học cơ điện ở trung tâm xúc tiến việc làm! "Bà mẹ lại la: "Điện điếc gì ở cái thành phố mình, cứ phập phà phập phù như thằng cha dở hơi. Điên nặng ấy! Thôi để tau xin cho về công ty vệ sinh thay vào chỗ tau cho rồi!" “Bộ đội về ai lại đi quét rác hở mẹ?” Đường nói. Bà Ái mồm cứ xơi xơi, nói như cào vào mặt người khác như thế, nhưng trong bụng bà lại rất hiền, thực sự là mềm yếu nữa. Các con bà muốn sao cũng được, muốn làm gì thì làm, bà không ngăn cấm trừ chuyện làm bậy như chôm chỉa trộm cắp hoặc đĩ bợm hút hít- bà tuyên bố như vậy. Chả thế mà cậu con cả của bà cứ việc làm thơ dài dài, cậu thứ cứ đi học cơ điện, từ nơi ở cũ một căn nhà rách dột vốn là nơi để xe đẩy rác của cơ quan bà cho dến khi chuyển về chỗ ở mới đàng hoàng bây giờ...
Cùng trong một tổ dân phố với Văn và ông Thậm nhưng nhà bà Ái ở bên kia đường, xế về phía bên phải độ hơn trăm mét, lại nằm trong khu nhà dựng theo cách khác, cứ một dãy dài liên tiếp liền nhau, bà con thường gọi là khu mười gian, đông đúc ồn ào hơn. Chẳng hiểu sao Văn bỗng có linh tính là hai nhà này rồi sẽ có chuyện với nhau đây. Ông Thậm công an đi họp tổ hưu trí về, gặp Văn cũng vừa đi làm về ở khoảng giữa hai cổng nhà. - Chào anh! Anh biết chưa? Xóm ta vừa mới có một gia đình chuyển tới, cũng dân hưu, bà chủ đáo để lắm, anh biết chưa? Văn cười: - Biết rồi! Lại biết khá kỹ nữa. Nghe người ta nói thế thôi, chắc gì bà ấy đã đáo để! Đoạn Văn nói với ông Thậm nhận xét của riêng anh về bà Ái và những người con của bà. Lập luận chung là: Bà ở vậy một thân một mình nuôi hai thằng con ăn học khôn lớn; ở thành phố lại thời buổi kinh tế thị trường, bao nhiêu là tệ nạn xã hội diễn ra, vậy mà hai thằng ấy nó không hư hỏng, bà ta giỏi lắm chứ! Cô Khánh tay cầm chổi đi ngang qua sân với chiếc váy dài rộng mênh mông màu đen than đá điểm hoa vàng hoàng yến, dừng lại góp chuyện: - Chú Văn thì ai cũng giỏi cũng tốt cả. Tốt sao được con người chưa thấy mặt đã thấy mồm ấy! Văn vui vẻ, thân mật: - Vậy chớ cô Khánh đã thấy bà Ái làm gì xấu chưa? - Xấu thì chưa! - Đấy mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi nết mà.Ai mà hoàn hảo như cô Khánh được! Khánh mặt bừng đỏ, nguýt xéo Văn một cái, tay vẫn không ngừng đưa lát chổi vun những ngọn lá vú sữa khô cong trên nền sân lát xi măng phát ra những tiếng kêu coong coong như gõ vào vại sành: - Chú thì cứ... Thôi cháu vào chuẩn bị đi làm đây! Khánh ngọt xớt nhún eo lưng, quay người. Cô chẳng e dè gì cả khi gọi Văn bằng chú. Thật ra Văn chỉ đáng tuổi anh đầu của cô. Cứ cho rằng Văn lấy vợ sớm khi vừa đúng tuổi qui định của luật hôn nhân, anh cũng không thể có con bằng cô. Còn nhìn vẻ ngoài của anh, cũng khó xếp anh vào tuổi của bố cô được. Mặt khác, Ông Thậm anh rể cô và Văn là bạn bè mặc dù anh kém tuổi hơn ông nhiều. À... cô ta gọi thế không phải vì mình già mà là vì cô ta muốn chứng tỏ cô ta còn rất trẻ mặc dù đã có một đời chồng. Văn chợt nghĩ, mỉm cười một mình. Ôi chao là đàn bà! họ vừa phiền nhiễu vừa dễ thương như vậy!.. Bất giác Văn nhìn về phía nhà mười gian. Giờ này bà Ái chắc đang thình thịch ở bãi đóng bờ-lô, tay đeo găng bạt, quấn vải kín mít từ cổ tay lên đến nách, còn hai chân đút vào đôi ủng "Đại cồ việt" màu nâu cánh gián, cứ mỗi bước chạy đi chạy lại ồm ộp như ếch cụ kêu. Đường từ cổng nhà bước ra,thong thả cúi đầu nhìn xuống mặt đường, cuốc bộ với nhưng bước sải dài như đo về phiá bên này nơi Văn vừa đứng. - Chú Văn! cho cháu hỏi nhờ tí! Văn đã quay vào nhà mình, nghe gọi trở ra: - A Đường, cháu hỏi gì? - Dạ cháu mới đến không lâu, chưa biết hết nhà bà con trong tổ dân phố. Chú chỉ dùm cháu nhà anh bí thư chi đoàn với! Văn đưa tay: - Bí thư chi đoàn hả? Chị chứ không phải anh. Chị Khánh! Vừa mới đại hội bầu lại. Đấy, vào cổng đấy! Khánh dắt Cha-ly ra sân, sửa soạn khịt mũi như thường lệ thì Đường vừa vào. - Chị là chị Khánh? -Chàng trai rút túi quần sau đưa ra một tập giấy cuộn tròn. - Em hỏi gì? - Cô đón tập giấy liếc nhìn -Ra anh là con trai bác Ái. Hồ sơ, giấy sinh hoạt đoàn sao không nộp ngay hôm vừa chuyển đến? - Bận bịu thu xếp nhà cửa quá, chị ạ. Của cả ông anh em nữa đấy! - Thôi được, thế này nhé. Tối nay mời anh đến chúng ta trao đổi. Cả hai anh. Giờ tôi phải đi làm cho kịp giờ đã! Thấy cô bí thư chi đoàn mãi vẫn không nổ được chiếc Cha-ly, chàng trai như được dịp xáp tới gần kề cầm lấy tay ga, cúi săm soi một chút chỗ máy, xong bật đánh tách nhẹ cái nút bên dưới. Đường cười trong mùi nước hoa phả ra hơi nồng từ người cô gái: - Ô, chị quên mở xăng! - Thế ư? Không biết ai lại đóng như thế này làm chi? Thật lẩm cẩm, sao mà lẩm cẩm! Cô gái tự mắng mình má hồng lên: - Cám ơn anh! Đường nhìn theo tà áo xoè ra, phấp phới một cách dịu dàng, bỗng dưng hơi nghẹn thở. Chàng trai nhìn với theo, cho đến lúc bóng Khánh nhoà đi cuối con đường...
Buổi đọc thơ ở câu lạc bộ mang tên Nguồn Cội đã run rủi cho nhà thơ Ngàn Lộ gặp gỡ làm quen với cô sinh viên Diệu My. Giữa chừng điện bỗng tắt phụt. Gian phòng tối om, nhốn nháo tiếng nói cười, tiếng đấm lưng, cấu véo nhau cùng với tiếng xịch ghế, tiếng quờ guốc dép, hoà với tiếng rao của những người bán trứng lộn, mì nóng ăn đêm ngoài đường phố vọng vào: "L..ô.ộng!Lô...ộng! My...ời đơi! My...ời đơi!" hoà thành một bản hợp xướng vừa thường tình vừa hài hước. Diễn giả sau một hồi đứng nguyên chỗ bên chiếc mi-crô như một nấm tượng đen bất động, luyến tiếc và hậm hực vì cuộc chơi bị ngắt đột ngột, bèn dịch ra ngồi xuống chiếc ghế xếp bên cạnh. Có tiếng kêu của ai đó, chừng là một cậu trong ban tổ chức: - Chắc bị cúp điện suốt đêm rồi! Thôi ta giải tán về học bài đi! Cả gian phòng ùn ùn ra cửa, nhanh chóng toả về các bãi để xe. Phút chốc câu lạc bộ vắng hoe. Và đến lúc này điện bật sáng trở lại. Ngàn Lộ đứng lên, thở dài một tiếng. Anh vơ mớ giấy trên bàn xếp lại, tay đút túi quần ngao ngán rời căn phòng. Ngàn Lộ gần như là người cuối cùng lấy xe cùng lúc với một cô gái đằng kia đang vuốt mái tóc ém vào chiếc mũ nhỏ đội trên đầu. Ánh đèn đường ngoài phố lọc qua tán phượng vĩ, bằng lăng, me vòi... chiếu lốm đốm trên lưng cô gái, mềm mại và nên thơ hết sức. Ngàn Lộ nôn nao đến bên: - Chào em. Em về phố nào vậy? Một nụ cười ngước lên, lóc trắng: - Ôí anh! Thơ anh hay lắm, em thích thích là... - Thế à. Cám ơn em! Em học trường nào? năm thứ mấy? - Dạ em học khoa kinh tế du lịch. Năm thứ ba ạ! - Chúng ta ra kia uống nước, nghỉ tí rồi hẵng về chứ em? Hai người ngồi đối diện nhau. Chiếc bàn con thấp tẹt với các chiếc ghế mặt vuông nhỏ bằng bìa cuốn sách. - Cho hai chanh đá! Nào, mời em. Em thích bài nào câu nào của anh? Cô gái e ấp đầu hơi cúi, tay xoay xoay cái ống nhựa hút trong cốc: - Bài nào cũng thích. Giọng anh ngâm nghe thật xúc động! - Ví dụ như...? - Để em nhớ...à "Rộn ràng hoa lá mùa xuân. Lời xa cũng thể tim gần đó em!" nó chân thật, khơi gợi đắm say...
Ngàn Lộ sướng run người, mê mẩn nhìn cô sinh viên, thấy hồn lâng lâng như đang bay lượn, một cảm giác lạ bất chợt ập tràn làm giọng nói của anh bập bềnh: - Ôi em đẹp quá! Ước chi... Họ ngồi với nhau khá khuya bên vỉa hè nơi cái quán vắng khách ẩn dưới vòm cây. Chàng trai thủ thỉ thầm thì, rằng em là nguồn suối tắm mát đời anh, là hương hoa ướp đượm tình anh,là... là... Cô gái như chìm đi trong sự dịu ngọt ban đầu của lòng cô đang rung lên. Những lời chàng trai nói sao mà đẹp, sao mà thấm sâu vào lòng người đến thế! Không phải là lần đầu, cô đã nghe vài bốn người trai nói với cô những điều tương tự, có anh còn diễn tả hay hơn là đằng khác, nhưng sao những lần ấy cô nghe nó sáo thế, nó hời hợt thế! Họ ra về; hai chiếc xe song song, chầm chậm.Tưởng khác lối, hoá ra họ cùng đường. Đến khi chạm mắt cái biển phố màu xanh chữ trắng mang tên một nhà thơ nổi tiếng đã mất, người này tưởng người kia rẽ, nhưng không. Họ dừng lại, bốn mắt đăm đắm nhìn nhau...
Mấy hôm nay xóm phố ồn ào chộn rộn lên bởi một sự việc vừa xẩy ra: Mẹ con bà Ái cãi nhau kịch liệt, chửi bới, đánh đập nhau tơi bời, không còn ra cái thể thống gì nữa. Thói đời là vậy, động có chuyện gì là người ta đồn thổi, bé xé ra to, ít xuýt thành nhiều, thêm mắm thêm muối... Thật ra chỉ bà Ái là to tiếng, mẹ mắng la con một chuyện gì đó trong gia đình chẳng phải lạ lùng ghê gớm gì. Tính bà Ái là thế, ai cũng biết, không vừa ý là bà làm như lũ quét, như bão xô.Từ trước tới giờ, bà vẫn ớn vì cậu trai đầu. Bao nhiêu vất vả nuôi nó lớn khôn, bao nhiêu tiền bạc chắt bóp từ đồng lương hưu còm cõi, từ thu gom nhặt nhạnh từng hòn sỏi, hạt cát ở bãi đóng bờ- lô, hà tiện đến mức ở phố mà bà ăn mắm mút dòi, mặc bành vá đụp... để cho nó học hành đến nơi đến chốn ăn trắng mặt trơn. Tưởng nó đậu đại học xong, xin việc nhà nước không có tiền lo lót đành chịu, thì phải kiếm việc ngoài mà làm chớ; đằng này cứ ăn bám mẹ, chạy rông như chó dái suốt ngày, thơ thẩn thẩn thẩn, có xào thơ lên mà nhai được không hở? Lại còn chuyện vợ con nữa chứ, con trai thời nay tiền cắt tóc cũng ngửa tay xin mẹ, tiền mua tem gửi cái thư cũng ngửa tay xin mẹ, trong túi chẳng có đồng xu keng nào, chó nó lấy!... Đấy bà Ái cứ ra rả như cái loa treo đầu phường thế, giảng giải mắng mỏ, chì chiết cậu cả bất cứ lúc nào bà có thể. Mà chẳng phải bây giờ, từ lâu rồi, khi chưa về ở xóm phố này cũng vậy, bà Ái cứ bài bản đó mà "phát thanh" cho hai thằng con nghe, hàng xóm láng giềng có ai nghe được nữa thì tuỳ nghi, bà không che giấu, chẳng nể nang... Hôm nay cũng vậy. Bà không ra bãi đóng bờ- lô, vì bãi đã chất đầy ngộn, cao ngất rồi nhưng chẳng có khách đến mua; thảng hoặc lẻ tẻ mới có một ông đến lấy một trăm, một bà vài bốn chục để sửa chữa đắp vá cái gì đó... Bà ở nhà xem như ngày nghỉ, nhân tiện bổ cái gốc dương xin được của nhà cạnh bãi, họ chặt cây để xây tường rào. Hôm trước bà đã thuê người đào lên vơ hết rễ cái rễ con, mang về nhà. Nhà có đến hai thằng đàn ông mà bổ củi cũng phải đến tay con mẹ già này, rõ khổ ơi là khổ! Không biết mới sáng bảnh mắt, chúng nó đã vác mặt đi đâu? À thằng em đến trung tâm, hôm nay lớp cơ điện của nó thi tốt nghiệp lấy bằng ra làm nghề. Còn thằng anh? Xe vẫn để nhà, vậy nó chui rúc ở cái xó nào, mò mẫm ở hang ổ nào kia chứ? Bà Ái quá nóng bức lại bực mình cởi phăng áo ngoài ném vào bậu cửa sổ, chân gạt những thanh củi gộc vừa bổ nằm lộn xộn vào góc sân, rồi độc cái áo nịt vải che bộ ngực chưa đến nỗi thỗn thện, đi vào nhà, quạt phành phạch. Chán thế đấy, nhà người ta thì bếp điện bếp ga, quạt đứng quạt trần đủ cả; nhà mình đến thế kỷ mới rồi vẫn còn quạt nan, đun củi lá... chao ơi! Ngàn Lộ đi vào mặt tươi hơn hớn: - Mẹ ngồi nghỉ đấy à? Bà Ái trợn mắt: - Nghỉ hử? Cái số đứa ở của tao có ai rước đi cho mà nghỉ! Đang ngất ngư, sắp tắt thở đây, con ơi là con! Mày đi đâu về? Ngồi xuống đó, tao bảo! Trong lúc cậu con ỉu xìu cụt hứng thì bà mẹ lại tuôn ra một hồi bài bản cũ. Có điều lần này bà hơi khàn giọng, âm lượng thấp hơn một chút, nhưng không vì thế mà hàng xóm không nghe thấy. Đến đoạn cuối, cái câu "chó nó lấy" thì cậu con bỗng nở mặt nở mày, xoè ra cười: - Mẹ ơi! không phải chó đâu mà là người hẳn hoi, có người đồng ý lấy con! Một cô sinh viên đại học sắp tốt nghiệp đấy, mẹ ạ! - Cái gì? Mày nói gì? - bà mẹ trố mắt. - Cô ấy tên là Diệu My. Chúng con đã quen nhau, yêu nhau hơn năm nay. Vừa nãy chúng con gặp, thống nhất ý kiến lần cuối để mỗi bên về thưa lại với gia đình mình, tiện bề đi lại với nhau. Mẹ chuẩn bị đi thăm gia đình bên ấy đi, chạm ngõ là vừa, mẹ ạ! Bà Ái thấy vẻ mặt nghiêm trọng của con, biết đã là sự thực, mừng hú: - Ối! nhà con bé ở phố nào? ờ Diệu My, My... Con gái ông Thậm xế bên kia đường cũng tên My! - Thì chính cô ấy, mẹ ơi! Vừa lúc đó, Đường về. - Thi cử thế nào, con? - Tốt mẹ ạ. Anh Lộ hôm nay không đi chơi đâu à? Nhà mình có chuyện gì mà hai người vui vậy? Bà Ái cười gật gật đầu, hất hàm cho Lộ, vào buồng trong. Lộ kéo em ngồi xuống bàn nước, kể tóm tắt rằng anh đã có người yêu, hai bên đã ước hẹn, anh vừa thưa với mẹ xong, nay mai sẽ tiến hành các bước đầu tiên của việc hôn nhân. Anh đã ba mươi rồi, đâu còn chần chừ được nữa... Đường nghĩ đến chuyện của mình. Hai anh em không hẹn mà gặp. Chưa kịp hỏi anh, chị ấy là ai, con cái nhà nào. Việc đâu còn đó, rồi sẽ biết ngay thôi! Mình và Khánh cũng thế, yêu nhau thực lòng, đã thề nguyền cùng nhau. Nhớ lại buổi gặp gỡ ban đầu, bao nhiêu kỷ niệm, lời tỏ tình đầu tiên sao mà khó nói thế... Rồi ngày tháng trôi qua cùng với bao nhiêu là ngất ngây, đằm thắm. Mình ít hơn Khánh năm tuổi, Khánh xem như đi bước nữa, nhưng những cái đó nào có ý nghĩa gì đối với tình yêu chân thật, nồng cháy?. Phấn hứng, thiết tha, Đường vanh vách kể, càng nói càng say như vừa uống bia, quên khuấy lời cam kết cùng Khánh là khoan hãy công khai chuyện này. Bà Ái trong buồng xô ra, trỏ tay vào mặt Đường, quát: - Mày định lấy con Khánh à? - Vâng...! Dạ... sao hả mẹ? - Đường há mồm ngạc nhiên nhìn mẹ. Bà Ái chạy ra sân, kêu: - Trời cao đất dày ơi! Thằng anh thì kết con cháu, thằng em thì lại quyết hốt bà dì. Loạn! Loạn rồi! Đường, mày phải cắt, cắt ngay! Như bị ngáng chân khi đang chạy ngã rầm một cú đau, Đường nổi khùng, quát lại: - Cắt sao được mà cắt? Loạn chi mà loạn? Mẹ chẳng biết tình yêu là gì cả! Mẹ cổ hủ, lạc hậu! Bà mẹ máu nóng bốc lên, vớ thanh củi giữa sân, rượt đuổi, định phang vào đầu thằng con. Cậu con chạy bổ ra đường. Bà mẹ đánh hụt, ngã xoại... Xóm giềng xúm tới can ngăn, hoà giải. Trong đám đông, thấy cả ông Thậm bên kia đường. Ông chạy tới xốc bà Ái dậy, dìu bà từng bước đi vào nhà. Bà Ái không gạt đi, như chịu phép trong cái xốc nách nhẹ êm của ông Thậm, mồm vẫn bai bải: - Ông kệ tôi, kệ tôi, đừng có dính vào chuyện này. Cũng tại cả ông nữa, tại cả ông nữa...!
Ngồi trên toa tàu, Văn vẩn vơ suy nghĩ. Đã lâu anh mới có dịp trở lại thành phố nơi anh đã từng ở một thời. Dễ đến năm sáu năm rồi, anh xa cái xóm phố bình yên mà náo động, xa những người láng giềng vừa đáng bực vừa đáng mến, kể từ khi anh được điều đi công tác ở một vùng công nghiệp mới. Không biết giờ đây cái xóm phố đó đã thay đổi nhường nào, những con người quen biết cũ đã ra sao. Tháng trước Văn bắt được thư ông Thậm công an, người bạn già, có thể gọi là bạn vong niên, ông kể: "Cô em vợ của ông-dì Khánh ấy-lấy cậu Đường kể ra cũng chênh lệch, nhưng biết làm sao, tình yêu của họ đâu phải như cái quạt máy của mình, muốn bấm cho quay thì quay, cho dừng thì dừng? Dì ấy bỏ vốn ra cho cậu Đường mở một quầy nhỏ nhỏ, vừa sửa chữa, vừa buôn bán đồ cơ điện, đời sống hai người cũng khá. Cô gái út của ông- Diệu My tốt nghiệp ra, học thêm một khoá tiếng Nhật miễn phí do phía Nhật tài trợ rồi làm việc cho họ luôn, ở một công ty liên doanh tư vấn lữ hành. Cậu Ngàn Lộ vẫn thế, vẫn máu me thơ phú nhưng không còn chỉ thế nữa, vì Lộ đã thành con rể của ông rồi, đã nghe ông quyết chí học vi tính, cậu ta đã qua đại học nên có trình độ, học khá giỏi, ông đã bảo lãnh xin cho vào làm ở bộ phận hồ sơ của công an thành phố, nơi ông làm việc hồi trước."- Văn xuýt xoa nghĩ thầm: Họ xưng hô với nhau, khi thế này khi thế nọ, cũng vui! Đường vừa vai em vừa vai ông dượng. Lộ vừa vai anh vừa vai đứa cháu!.. Hay thật! ..."Còn bà Ái vẫn mạnh khoẻ lắm. Cái hôm mẹ con rượt đuổi nhau, bà ấy đã biết chuyện rồi- ông Thậm viết tiếp- còn tôi chưa nghe cháu Diệu My nói- tôi có biết chuyện gì đâu! Trong xóm, có sự ồn ào, mình phải ra tay, góp phần đưa lại sự bình yên chứ! Thấy người ngã mình nhắm mắt đi qua à? Phải đỡ người ta dậy, vậy thôi!.. Giờ thì hoàn cảnh gia đình bà ấy diễn biến tốt đẹp nên bà ấy vui, nom trẻ hẳn ra. Và bà ấy sắp... lấy chồng! Bà ấy lấy ai đó là điều bất ngờ, anh hãy đợi tin tức vào một ngày gần đây..." Cái điều bất ngờ ông Thậm nói, Văn sẽ rõ ngay sau khi anh bước chân về đến xóm phố cũ. Nhưng có thể chẳng bất ngờ chi cả, nếu đúng như dự đóan của anh! Mỗi người một cách, nhưng họ đều tốt, sao họ lại không hoà hợp được? Sống chung với nhau lúc tuổi già, đỡ đần nhau, chia sẻ với nhau những nỗi vui buồn, tốt quá đi chứ! Con tàu rít một hồi còi dài chào nhà ga, kin kít phanh rồi xịch xịch đỗ. Văn khoác hành lý, rời chỗ ngồi bước ra phía cửa toa. Một chị trung niên ngồi cạnh anh, ghế phía trong, gọi giật: - Anh gì ơi! Cái bị cói của tôi để dưới gầm ghế, đâu rồi? Văn chưng hửng: - Ủa, chị! Tôi làm sao biết được? Chị có để tiền bạc của cải gì trong bị không? Chị trung niên hớt hơ hớt hải dịch tới dịch lui, lục tìm: - Chẳng có tiền của gì, nhưng là quà của bạn bè lâu năm biếu, quí quá đi chứ! Tàu vừa dừng bánh, chị trung niên cũng vừa tìm ra cái bị. Ai đó đã đá nó lui về gầm ghế sau vài dãy. Chị ta bước xuống, tay ôm khư khư cái bị, quay lại liếc mắt ranh mãnh nhìn Văn mỉm cười: - Đã ngồi cạnh nhau suốt cả đoạn đường, xem như láng giềng hàng xóm rồi! Vậy mà tôi hỏi, anh cứ không biết, không biết!.. 16-11-2001 H.N.
(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)
|