Truyện ngắn
Lão Păk
09:03 | 01/03/2010
NHẬT HÀKhi đoàn thương nhân chúng tôi tới văn phòng tổng công ty K. thì bên đối tác gồm chục người tai to, mặt lớn đã tề tựu trong căn phòng rộng thênh thang, cửa kính sáng choang. Họ đứng dậy niềm nở bắt tay chúng tôi và ì xèo hỏi thăm sức khỏe chúng tôi sau gần một ngày bay từ Việt sang.
Lão Păk
Minh họa: Ngô Lan Hương

Thủ tục xã giao kéo dài cả tiếng đồng hồ. Tôi hơi băn khoăn vì khi ở trong nước các anh cấp trên dặn dò rằng: người Hàn Quốc làm việc nguyên tắc lắm, rất đúng giờ, đi thẳng vào vấn đề chính, không có rượu, bia tiếp khách như ở bên ta... Bây giờ thì tôi nhận ra rằng, về sau thì đúng, còn về trước chẳng qua là mấy cha hù bọn tôi, những thương nhân lần đầu xuất ngoại!

Thỉnh thoảng vị tổng giám đốc lại nhìn ra cửa chính vẻ nôn nóng, rồi quay qua vị phó hỏi bằng tiếng Hàn. Tôi chẳng hiểu họ nói gì, song rõ rằng họ đang có ý chờ ai.

Thấy chúng tôi lộ vẻ sốt ruột, ông Kim, người đón chúng tôi từ sân bay Kimpô về khách sạn chiều qua, nói bằng tiếng Anh:

- Xin quí vị vui lòng chờ cho chút xíu, ông Păk ở Pusan bay lên, chắc cũng sắp tới.

Păk là cha nào mà quan trọng quá vậy, để mấy chục người phải chờ đợi? Đã có tổng giám đốc và phó, rồi các giám đốc điều hành các công ty con ở đây mà vẫn chưa vào việc? Hay lão Păk là chuyên gia giỏi về kỹ thuật dệt, nhuộm? Hay lão là người sáng lập ra tổng công ty này, đã nghỉ hưu, giờ chuyển qua làm chủ tịch danh dự? Nếu vậy thì người Hàn cũng có truyền thống trọng nhân nghĩa như ở bên ta... Một lát sau, có tiếng chuông reo, rồi cửa chính bật mở. Một ông chừng ngoài sáu mươi tuổi, đầu tóc bạc phơ như cước, nhưng coi bộ rắn rỏi, quăc thước, ăn vận sang trọng, bộ comlê màu mỡ gà, cà vạt đỏ tươi cười bước vô phòng và nói bằng tiếng Việt rất sõi:

- Xin chào quí vị! Tôi xin lỗi tới chậm vì bị kẹt xe. Tổng giám đốc bạn đứng dậy, bắt tay lão, rồi giới thiệu:

- Đây là ông Păk, thông dịch viên.

À, thì ra là vậy. Cả đoàn chúng tôi đều ú ớ tiếng Anh, tiếng Hàn thì mù tịt nên họ phải mướn thông dịch viên tiếng Việt. Tôi cứ cười thầm, tự trách mình đã phỏng đoán trật lấc. Rõ là mười lần đoán thì chín lần sai!

Sau khi lão Păk ngồi, tổng giám đốc bạn liền vào việc, bàn bạc với chúng tôi về hợp đồng mua bán máy dệt và lão Păk thông dịch lại.

Tôi vô cùng ngạc nhiên: lão Păk nói tiếng Việt giọng Hà Nội rất chuẩn, lão cũng rất rành các từ kĩ thuật ngành dệt. Đôi khi lão cũng nói được những từ địa phương niềm như bự, trễ, chút xíu...

Chắc hẳn là lão phải có thời gian sống khá lâu ở Hà Nội và Sài Gòn? Hoặc là một Việt kiều có nhiều năm làm nghề thông dịch? Rõ rang là thời nào cũng vậy "nhất nghề tinh, nhất thân vinh", người giỏi bao giờ cũng được trọng dụng và kiếm ra nhiều tiền!

Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt lão Păk và tôi bỗng ngờ ngợ hình như tôi đã gặp lão ở đâu rồi, dù chỉ một lần? Cái linh tính cái cảm giác ban đầu thường chỉ dẫn ta nhiều điều lắm. Tôi cố vắt óc ra, cố nhớ xem đã từng gặp lão trong trường hợp nào? Nhưng có lẽ tuổi già, các nơron thần kinh đã giảm nhiều, nên tôi không sao nhớ ra được.

Trong suốt thời gian ông Kim hướng dẫn đoàn chúng tôi đi tham quan các nhà máy dệt ở tỉnh Toegu, tôi và lão Păk thường ngồi cùng băng trên xe con. Có lẽ lão thấy tôi già nhất đoàn, nên lão chọn ngồi cho có bạn? Đường dài, xe chạy tới đâu lão Păk cũng tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho tôi các đình chùa, miếu mạo, các địa danh thị trấn và những đặc sản của từng vùng với giọng nói đầy nhiệt tình, vui vẻ.

Xe càng đi dần về phía nam Hàn Quốc, cái nóng càng trở nên khó chịu. Lão Păk rất tự nhiên cởi áo veston ôm vào lòng, rồi xắn tay áo sơ mi lên. Thật bất ngờ tôi thấy trên cổ tay trái lão có một cái sẹo. Tôi bần thần cả người mấy lần định mấp máy môi hỏi lão về cái sẹo đó, nguyên do vì đâu mà có? Nhưng lại sợ khiếm nhã và nhất là ngại mấy cha cùng đoàn đánh giá mình này kia nọ "thấy người sang bắt quàng làm họ". Tôi lại chợt nhớ tới trước ngày lên đường, sở công an có kêu tôi đến dặn dò. Người tiếp tôi là viên trung úy trẻ măng, nói: "Chú Hai, kỳ này chú đi công tác nước ngoài, chú là kĩ sư giỏi, chỉ xin lưu ý chú hai điều: một là, chú ráng cố vấn cho giám đốc nhà máy mua được máy xịn, hai là, chú đi rồi chú lại về..."

Bữa đó xém chút xíu là tôi đã nổi khùng. Rõ là trứng khôn hơn vịt! Ta đã gần sáu chục tuổi, đã qua hai cuộc chiến tranh mà mi còn phải dậy khôn? Nhưng tự kìm chế, tôi nói: Chú hiểu ý cháu, chú đã ở tuổi xế chiều rồi, bất quá tới thất thập cổ lai hy chú cũng theo về với tổ tiên, ngu gì mà gởi nắm xương tàn nơi đất khách, quê người?

Xe chạy một đoạn đường nữa dưới trời nắng chói chang, tôi đã buột miệng hỏi lão Păk:

- Anh Păk, tôi nói có gì không phải anh bỏ lỗi, vì sao anh có vết sẹo ở tay này?

Lão cười hồn nhiên như đứa trẻ:

- Năm 1950, tôi ở phố Hàng Đào Hà Nội, đi học trường tiểu học ở phố Nhà Chung, gần nhà thờ Lớn. Tôi chọc ghẹo một thằng bạn, nó tức khí lên, dùng cây viết có ngòi sắt đâm tôi tóe máu, thành cái sẹo này. Đây thực sự là một kỷ niệm sâu sắc trong thời thơ ấu của tôi, suốt đời tôi cứ ân hận mãi.

Tôi thấy buốt nhói con tim và hồi hộp hỏi lão:

- Anh còn nhớ thằng nhỏ đó tên gì không?

- Nó tên Đạm, Nguyễn Thanh Đạm.

Tôi rưng rưng xúc động nắm chặt tay lão:

- Trời ơi, thì ra là anh! Tôi chính là Nguyễn Thanh Đạm đây! Tôi vội rút ví, lấy ra tấm danh thiếp đưa cho lão. Mắt lão chợt mờ đi và ôm siết lấy tôi, vỗ vỗ vào lưng tôi: "quả đất tròn, quả đất tròn". Không ngờ nửa thế kỷ ta lại gặp nhau.

- Anh còn nhớ không, hôm đó thầy hiệu trưởng đã kêu tôi và anh lên văn phòng, rồi ông dùng thước kẻ quật vào mu bàn tay tôi đủ mười cái. Trời mùa đông rét tái tê, tôi đau điếng, ứa nước mắt, và tôi thấy anh cũng ứa nước mắt nhìn tôi. Thật là một bài học nhớ đời của tôi. Tôi có lỗi, tôi phải chịu, tôi không oán trách gì anh đâu, thật thế!

Lão Păk lại nắm lấy hai bàn tay tôi lắc lắc. Tôi đọc được trong cặp mắt lão niềm thông cảm sâu xa.

Tôi hỏi lão Pak về hoàn cảnh gia đình. Lão chậm rãi kể:

- Bà cụ thân sinh ra tôi là một Việt kiều họ Lý, con cháu chín đời của Hoàng tử Lý Long Tường ở Việt Nam, do một biến cố lịch sử đã phải chạy qua Hàn Quốc. Quê mẹ tôi thuộc một làng, tỉnh Bắc Ninh. Xưa mẹ tôi đẹp nổi tiếng và bà hát quan họ rất hay! Ngày đó, cha tôi là một nhân viên sứ quán Cao Ly ở Hà Nội. Cha tôi gặp mẹ tôi đi bán nón ở chợ Đồng Xuân và hai người đã yêu nhau, rồi lấy nhau. Mẹ tôi sinh ra tôi trong một căn nhà ở phố Hàng Đào. Tôi đã được mẹ Việt nuôi nấng bằng dòng sữa và những lời hát ru, lời hát quan họ! Sau khi Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954, tôi theo cha vô Sài Gòn làm ở sứ quán Cao Ly thời Diệm. Năm 1972, cha tôi nghỉ hưu và gia đình tôi trở về Pusan Hàn Quốc sinh sống. Nay cha mẹ tôi đều đã qua đời. Trước khi từ biệt cõi đời, mẹ tôi có kêu tôi đến bên giường trối trăng rằng: "Păk con à, sau này con phải tìm cách về lại Việt , thăm quê hương quan họ của mẹ, về lại ngôi nhà số... phố Hàng Đào nơi mẹ đã sinh ra con..." Nói rồi mắt lão nhìn ra xa vời, dường như lão đang nhớ về hình ảnh người mẹ Việt thân thương đã đi xa gần chục năm rồi! Im lặng hồi lâu, lão lại tiếp: - Hồ Hoàn Kiếm có còn thơ mộng như xưa không, anh? Tháp Rùa chắc vẫn lung linh soi bóng xuống mặt hồ xanh màu lá? Những cây liễu có còn thướt tha thả tóc mềm như những cô gái bên hồ? Và chợ Đông Xuân có còn đông vui, nhộn nhịp?...

(minh họa: Ngô Lan Hương)


Tôi thong thả trả lời từng câu hỏi của lão. Lão vô cùng xúc động.Thỉnh thoảng tôi thấy lão rút mùi-xoa thấm thấm hai con mắt. Hai đêm chúng tôi ở thành phố Taegu , một thành phố công nghiệp có rất nhiều trường đại học. Hàng tối tôi thấy các nữ sinh viên váy áo sum suê, đi lại nhộn nhịp, cười nói vô tư như bầy chim.

Tôi được bố trí ngủ cùng một phòng với cậu Thuần, một quản đốc trẻ và vui tính. Tối đó, nằm chung giường đệm, Thuần hỏi tôi:

- Bố Đạm này, con hỏi khí không phải, đi đường, trên xe bố nói gì với lão Păk mà nhiều thế, chuyện cứ nở như bắp rang, vui như Tết?

- Thì lão là thông dịch viên, mình cũng phải tranh thủ cảm tình, lão có dịch chính xác thì bọn mình mua máy mới không bị cao giá.

Thuần cười khẹc khẹc:

- Nói vậy mà không phải vậy bố à, con biết tỏng rồi.

- Mày biết gì, nói nghe? Tôi sừng sộ.

- Bố tính móc nối với lão Păk, tính ở lại cư trú chánh trị hả?

Thuần lại cười, và vội nằm lùi xa. Tôi tức khí muốn đỏ con mắt, định táng cho hắn một cú, nhưng rồi tôi điềm tĩnh nói:

- Loại trẻ khỏe, chưa vợ con như mầy, nó mới ham, chớ đầu bạc răng long, gần đất xa trời như tao, chúng nó rước mà mang vạ và?

- Í a, bố là lao động có kĩ thuật, nó gật sái cổ.

Tôi liền ngâm nga hai câu thơ của Pablo Neruđa:

- Nếu cho tôi được chết ngàn lần, tôi nguyện chết ở quê hương tôi đó. Nếu tôi được ngàn lần sinh nở, tôi nguyện sinh nơi đó quê tôi!

- Bố văn nghệ hết sức - Thuần lại cười vui, rồi bảo:"nhậu đi bố!"

Chợt chuông điện reo vang. Tôi bảo Thuần:

- Giờ này gần chín giờ tối rồi, trưởng đoàn tính qua rủ nhậu chắc? Ra mở cửa đi mầy!

Thuần đi ra. Và thật bất ngờ tôi thấy lão Păk xuất hiện trong bộ pyjama, tay xách theo một chai rượu, vui vẻ nói:

- Xin chào hai ông. Tối mà hai ông không nhậu sao? Tôi biết ở Việt mấy cha thích uống rượu lắm mà. Ở bắc Việt có rượu làng Vân, ở nam Việt có đế Gò-Đen cực kỳ nổi tiếng, uống vào ngọt thỉu mà nóng ran người!

- Bọn mình cũng đang tính nhậu đây, nhưng trong tủ lạnh chỉ có bia, ngán thấy mồ - tôi nói.

Lão Păk cười khà khà rồi giơ cái chai lên:

- Tôi mang tới chai rượu "cuốc lủi" ngâm sâm cao ly đây, ta cùng nhậu và nói dóc chơi.

Thuần mở tủ lạnh lấy ra một hộp đậu phộng. Lão Păk rót rượu ra tách trà, được vừa đúng ba tách, lão bảo:

- Ở Pusan , bà Choi nhà tôi, mỗi tối chỉ cho tôi uống đúng một ly rượu sâm này. Uống thứ này vô, "sưng lắm"!

Hiểu ý lão, ba chúng tôi cùng cười vang và nâng cốc, nhâm nhi, rồi nói chuyện vui vẻ. Tất nhiên lão Păk toàn kể về những kỉ niệm ở Việt mà mấy chục năm lão đã sống.

Sau ba ngày làm việc ở Taegu, chúng tôi lên xe lửa tốc hành đi thăm Pusan, thành phố hải cảng của Hàn Quốc ở miền cực nam, cách Seoul hơn 300 km.

Tôi cùng lão Păk ngồi bên cửa sổ, nhìn ra đồi núi lô nhô, nhìn ra đồng lúa nước ngát xanh. Tôi nói: "Mùa hè phong cảnh Hàn Quốc rất giống Việt ". Lão Păk bảo: "Ông nói đúng, nhưng mùa đông Hàn Quốc tuyết phủ khắp nơi trắng xóa. Mùa đông Việt đâu có tuyết? Và miền Nam Việt không có mùa đông!" Tôi rất chịu những nhận xét rất chính xác của lão Păk về khí hậu của nước ta.

Xe lửa lại vù vù cuốn gió. Tôi chợt nhìn thấy một con sông rộng mênh mông và ngầu đỏ phù sa, hệt như dòng sông Hồng của nước ta. Một con thuyền lớn với cánh buồm nâu rất to đang lướt nhẹ trên sông trước nền một rặng núi xa mờ. Tôi thốt lên: "Ôi đẹp qúa! phong cảnh đẹp tựa một bức tranh thủy mặc của một họa sĩ tài danh, anh Păk".

Lão Păk nhìn tôi, rồi lão cười rung mái đầu bạc phơ: "Ông Đạm, ông thiệt có tâm hồn mơ mộng". Ngừng giây lát, lão lại nói: "Ông có nhớ thi sĩ nào của Việt có bài thơ lục bát rất hay về cánh buồm nâu không?"

Tôi vắt óc suy nghĩ. May thay tôi cũng nghĩ ra, nếu không thì quê một cục. Tôi khẳng định: "Thi sĩ Nguyễn Bính!". Lão Păk đưa mắt, nhìn tôi, lão ngâm nga đọc thơ:

Sáng ra xuống bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...

Rồi lão buông lời bình: "Thi sĩ Nguyễn Bính tả cảnh, tả tình thật là tuyệt vời!"

Rất tâm đắc với lão, tôi liền tán thêm: "Nhịp điệu thơ mới thật là kỳ diệu, thưa anh:

Cánh buồm nâu...
                        cánh buồm nâu...
                                    cánh buồm...

Nỗi nhớ của người con gái với người con trai mới da diết làm sao!"

Chợt nhiên lão Păk nhíu cặp chân mày bạc trắng, rồi nói như tâm sự:

- Ông Đạm à, đã từ nhiều năm nay, tôi cứ nung nấu một mơ ước là trước khi về với tổ tiên, tôi phải dốc sức lực và hiểu biết để biên soạn một cuốn từ điển Hàn-Việt, Việt-Hàn để cống hiến cho hai đất nước chúng ta xích lại gần nhau hơn. Tôi có một đề nghị với anh như vầy, liệu anh có vui lòng giúp tôi không?

Tô hơi ngạc nhiên và quả thật là cũng hơi ngán ngại:

- Dạ, có chi xin anh cứ nói.

- Tôi muốn mời anh cùng cộng tác với tôi trong việc biên soạn cuốn từ điển đó.

Tôi giẫy nẩy:

- Tôi tự thấy mình tài hèn, sức mọn, nhất là trong việc chữ nghĩa, văn chương. Tôi e rằng, điều đó vượt quá sức tôi!

Lão cười, nhìn chằm vô tôi, rồi nói:

- Anh quá khiêm nhường. Mấy ngày qua, trò chuyện cùng anh, tôi hiểu anh rất rành về ngôn ngữ và văn học Việt tuy anh là một nhà kĩ thuật. Tôi rất mong anh hợp tác cùng tôi, xin anh đừng từ chối. Tôi đã nhờ mấy người bạn qua Việt Nam công tác mua dùm tôi cuốn Từ điển tiếng Việt, nhưng về họ đều nói cuốn đó ở Việt Nam sao rất chi là hiếm, không thấy bán ở hiệu sách nào. Anh có thể giúp tôi?

Tôi suy nghĩ và nói: "Xin anh cho tôi suy nghĩ ít hôm, có gì tôi thưa với anh sau, chứ hợp tác biên soạn thì quả thật tôi không dám".

Sau một ngày đi tham quan cảng Pusan , khi hoàng hôn buông xuống một màu trắng bạch, (*) lão Păk nắm tay tôi nói:

- Tới đây tôi đã hoàn thành công vụ, xin phép các anh cho trở về nhà, xin chúc các anh thượng lộ bình an!

Tôi chưa kịp đáp lời thì thấy một chiếc xe con đỗ xịch, và một người phụ nữ chừng ngoài năm chục tuổi hồng hào, phúc hậu bước ra khỏi xe, chạy vội đến bên lão Păk. Lão vui vẻ giới thiệu:

- Đây là bà Choi, phu nhân của tôi. Đây là các anh bên Việt , quê mẹ của anh, mới qua công tác.

Người phụ nữ chắp tay cúi chào chúng tôi theo phong cách phụ nữ Hàn. Chúng tôi cũng chắp tay xá lại bà. Rồi tôi nói:

- Xin từ biệt anh chị, rất mong gặp lại anh chị ở Việt .

Chúng tôi chia tay nhau với những bàn tay vẫy mãi, cho tới khi xe của ông bà khuất dần.

Năm sau, một sáng tôi đang ở trong nhà máy thì nhận được giấy bưu điện báo nhận bưu phẩm. Linh tính báo cho tôi biết là sẽ nhận được bưu phẩm của lão Păk, chắc chắn là cuốn từ điển Hàn-Việt, Việt-Hàn. Tôi vội vã phóng xe đi... Mở gói bưu phẩm ra, tôi thấy một bì thư, vội bóc ra đọc:

"Ông Đạm, tôi là Choi, vợ của anh Păk, xin gởi tới quí ông lời cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc! Xin báo với ông một tin đau buồn:

Anh Păk, người chồng thân yêu của tôi, người mang hai dòng máu Hàn-Việt đã đột ngột qua đời ở tuổi 72, sau hơn một năm ròng rã anh tập trung trí lực hoàn thành việc biên soạn cuốn từ điển Hàn-Việt, Việt-Hàn này. Trước khi vĩnh biệt, anh có trăng trối với tôi rằng, khi nào cuốn Từ điển in xong nhớ gởi qua tặng ông một cuốn và nói lời cảm ơn ông đã gởi cho cuốn từ điển tiếng Việt vô cùng quí báu! Anh cũng khóc và nói rằng: vậy là anh đã không làm trọn lời hứa với mẹ anh là qua Việt thăm lại quê ngoại. Anh thực sự là một đứa con bất hiếu với Mẹ Việt !
            Kính chào ông
            Choi"

Đọc xong thư và cầm cuốn từ điển dầy cộm với bìa nâu bóng láng tôi bần thần cả người, tim tôi đau thắt: Vậy là anh Păk đã không được nhìn thấy đứa con tinh thần mà anh hằng ao ước trước lúc đi xa! Tôi thầm nói với anh: "Anh Păk ơi, nơi suối vàng, xin anh hãy yên lòng an nghỉ. Với Mẹ Việt , anh không bao giờ là đứa con bất hiếu đâu anh!"

Tôi chầm chậm bước đi và cứ thầm ngẫm nghĩ: Ở đâu, trên trái đất này, dưới vòm trời này cũng đều có những người tốt. Điều căn bản là chúng ta sống ra sao, cư xử với họ ra sao để họ có thể phát huy hết lòng tốt. Đó mới thực là điều quan trọng!

N.H
(121/03-99)



---------------------------------
(*) Ở Hàn Quốc, mùa hè 20 giờ vẫn còn mặt trời.





 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Chữ “Nhàn” (26/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)
Nguyệt thực (28/01/2010)