Truyện ngắn
Củ và hạt
10:02 | 03/03/2010
PHẠM XUÂN PHỤNGÀ... ờ! Muối ba năm muối hãy còn mặnGừng chín tháng... ạ ờ... gừng vẫn còn cay... ơ... (Chứ) Đôi chúng ta tình... ớ... nặng (mà) nghĩa... ơ... dày...
Củ và hạt
Minh họa: Ngô Lan Hương

Nặng với dày cái con khỉ! Câu hò ấm áp đột ngột bị cắt ngang bởi câu nói thô lỗ của Dộc.

Thúy Uyên mím môi thở ra nhè nhè. Đã từ lâu rồi, cô biết tiếng hò ru con ấm dịu của cô không còn sức hấp dẫn đối với Dộc. Cô lại càng xót xa hơn, bởi vì chính tiếng hò ấy là nhịp cầu nối hai con người khác quê lại với nhau. Không những thế, nó còn giống như nền trời xanh mát dịu làm giảm sự đối chọi gay gắt giữa hai cá tính hai tên gọi, hai ý nguyện, hai nghề nghiệp tưởng như không thể hòa hợp.

- Cô tưởng cái câu hò cũ rích ấy hay lắm hả? Tôi nói cho cô biết: cái thằng chết tiệt nào đó đặt ra câu hò ấy ngu hết chỗ. Cô biết chưa?

- Em - Thúy Uyên nghẹn họng, cô nói ngập ngừng - em chẳng biết - ý cô muốn nói: em chẳng biết câu nào hay hơn.

- Cô không biết thì đừng hát với hò cho rã mồm. Thế mà cũng là cử nhân ngữ văn ngữ viếc - Dộc đắc thắng đay nghiến một cách hả hê - vứt mẹ nó cài bằng “cử tù” ấy cho rồi.

- Anh Dộc! Thúy Uyên khẽ kêu lên đau đớn - xin anh đừng xúc phạm đến nghề nghiệp của em.

- Bộ cô tưởng cái “cử tù” của cô báu lắm hả? - dừng một lát, Dộc vỗ ngực: Này! đừng khinh thằng thợ nề này nhá. Thằng này làm nghề vôi vữa chứ cũbg biết “gừng chín tháng” chắc chắn là cay. Không như cái thằng nào đó lại bày đặt “gừng chín tháng gừng vẫn còn cay” Vẫn còn cay là thế nào? Bộ càng già, gừng càng giảm cay hả? Ngu ơi là ngu!

- Mày bảo tao nói đúng không? Cho con mẹ hay nói chữ ấy biết mặt thằng thợ nề này chứ! Dộc vẫn còn hậm hực sau buổi quát tháo ầm ĩ ở nhà.

- Ừ! mày đúng. Tuấn khẽ cười, cũng như tao nói “Dộc có nghĩa là”, nói đến đây, Tuấn đưa tay chặn vào khoảng không, đừng giận, để tao nói hết đã.

Dộc, hậm hực bặm môi chờ đợi.

- Nếu không ai biết xuất xứ cái tên gọi kỳ cục của mày thì người ta sẽ bảo: “Dộc có nghĩa là...”, hiểu chưa?

- Thằng nào nói thế, tao đấm vỡ mõm. Dộc rít lên.

- Thì cũng như mày vậy. Không hiểu xuất xứ câu hò “muối ba năm, gừng chín tháng” thì ai cũng cho tác giả câu hò là kẻ ngu ngốc. Như mầy vậy.

- Mày chửi tao ngốc hả? Dộc hộc lên một tiếng.

- Ây, đừng hiểu lầm. Cứ theo từng câu chữ một cách cứng nhắc thì dễ vậy đó. Tao bảo “như mày vậy” có nghĩa là...

- Thôi, tao hiểu. Mày là thằng đại xỏ xiên - Dộc tức tối cúi đầu, hai tay khuỳnh ra chống trên hai đầu gối choạc rộng - mày nói một câu hai nghĩa. Tao biết... tao biết.

- Dộc! Mày hiểu tao mà! Quả thật câu tao nói có hai nghĩa. Nhưng tao muốn lấy điều đó để chứng minh rằng câu hò ấy không thể kiểu theo cái nghĩa áp đặt của mày. Nó còn có, đúng hơn, nó chính có, một ý nghĩa cao đẹp hơn. Dộc, chiều nay mày có rảnh không? - Tuấn dịu dàng hỏi.

- Ờ... ờ, rảnh. Tức con mẹ "ngữ văn ngữ viếc” ấy nên chiều này tao quyết định nghỉ làm cho nó treo niêu luôn.

- Nếu vậy mày chịu khó nghe tao kể lại sự tích câu hò ấy. Được không?

Chàng trai vạm vỡ, nước da đồng hun có vẻ là một võ sinh hơn là một thư sinh. Điều ấy làm chàng khó lọt vào đôi mắt khắt khe của cụ trưởng tộc một dòng họ thư hương nổi tiếng nhất kinh kỳ dòng họ Lê Khúc. Theo cụ, võ nghiệp là nhất thời. Văn nghiệp mới muôn đời lưu danh. Từ thưở cụ Cao cao thái tổ của dòng họ Lê Khúc, đã gây dựng nên truyền thống ấy rồi. Liên tiếp bảy đời, trong dòng họ Lê Khúc, chi trưởng, đều có người đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư. Các chi thứ lác đác có người học kém nhưng cũng được gọi là ông tú, ông cử. Đến nỗi có người trong họ từng cao hứng tuyên bố: “Họ Lê Khúc không có người thất học”. Kể cũng đúng sự thật. Ở mọi đời trưởng tộc đều chịu trách nhiệm gây vốn bồi tài cho cả dòng họ. Con cháu có ai lỡ vận, cả họ phải vun vào, chăm lo cho tiền ăn học đến khi đỗ đạt thì thôi. Các bậc trưởng thượng còn cấm tiệt con cháu không được theo đòi võ nghiệp. Cấm ngặt con cháu ra làm quan mà ăn của đút, ức hiếp dân. Quan văn họ Lê Khúc nổi danh liêm khiết mấy chục đời. Tất thảy dù không phải bậc bề tôi lương đống, trụ cột triều đình thì cũng nổi tiếng gần xa trong xứ đủ làm rạng mặt cha ông. Với một dòng họ như vậy, các tiểu thư Lê Khúc cũng phải kén chồng văn quan cho phù hợp. Các chàng rể mũ cao áo dài, cân đai rực rỡ càng làm đẹp thêm truyền thống thư hương của dòng họ Lê Khúc đất kinh kỳ.

Cụ trưởng tộc Lê Khúc chăm chú quan sát chàng trai. Khuôn mặt vuông vức, cằm bạnh, trán cao, phẳng, tóc rễ tre. Quý tướng đại trượng phu. Chỉ tiếc là...

- Tên cậu là Hồ Phi Vân? Cụ trưởng tộc Lê Khúc ôn tồn hỏi.

- Thưa cụ, vâng ạ! - chàng trai cúi đầu lễ phép trả lời.

- Lão và các bậc trưởng thượng của dòng họ đã nghe cháu Thúy Quỳnh trình bày về cậu. Theo lệ của họ Lê Khúc, mời cậu vui lòng...

- Thưa cụ, vâng ạ! - Hồ Phi Vân chớp sáng đôi mắt, điềm tĩnh trả lời. Xin các cụ dạy cho.

Cụ trưởng tộc quay sang các trưởng lão ngồi cạnh. Họ thầm thì một lát. Đoạn, cụ trưởng tộc chỉ tay về phía ngọn núi cao trước mặt. Trên sườn núi, trong áng mây bạch ban mai, một pho tượng trắng tinh khôi nổi bật lên giữa màu xanh của lá rừng, của nền trời thăm thẳm xanh.

- Cậu hãy làm một bài thơ nhan đề TƯỢNG TRẮNG. Tên cậu là Phi Vân, có nghĩa là mây bay. Gieo vần “ay”. Có thể cho chính vận hoặc hiệp vận cũng được. Tàn một nén hương thì xong.

- Vâng ạ! - Hồ Phi Vân khẽ cúi chào rồi lui bước quay về chiếc bàn độc kê sẵn ở gian ngoài.

Tiểu thư Thúy Quỳnh nép sau tấm màn từ nãy không dám ló mặt giờ mới khẽ thở phào. Nàng biết Hồ Phi Vân chưa cần đến nửa nhén nhang đã có thể làm xong. Con người có vóc dáng dữ dội như Từ Hải ấy lại ẩn chứa văn tài ít ai nhìn thấy. Chỉ có nàng, Thúy Quỳnh e thẹn nóng bừng mặt nhớ lại buổi đầu gặp gỡ. Hai năm rồi mà cảnh tượng ấy như mới vừa xảy ra...

Có lẽ số mệnh đã dẫn dắt tiểu thư Thúy Quỳnh đến đây. Ít khi nàng đi xa như vậy. Tì nữ Lan Hoa và Cúc Hoa đã nhắc nhở nàng rằng đúng ngọ phải về nhà phục mệnh phụ thân. Lão quan vừa vào triều kiến đức vua về, có vẻ bực dọc điều chi. Chẳng may cả ba về trễ, ắt bị trừng phạt nặng nề.

Mặc hai tì nữ nhắc nhở, vui theo làn hương bay trong gió, rộn ràng theo cánh bướm đầu xuân, Thúy Quỳnh đã đi đến tận ngôi đình lãng Vũ Cốc sát chân núi Đại Hoàng, cách nhà dễ đến vài ba dặm.

Giữa sân đình rộng thênh thang có khá đông trai tráng. Ai cũng mặc bộ võ phục đen tuyền. Phần lớn thắt đai huỳnh, đai lục. Một số thắt đai hồng. Chàng trai đứng giữa sân nổi bật không chỉ với vóc dáng vạm vỡ, cao lớn mà còn bởi cái đai trắng quấn ba vòng quanh thắt lưng. Chàng đang đình bộ, cung tay cúi đầu trước một ông lão râu tóc bạc phơ.

- Tốt lắm! Phi Vân ạ! Con thật không phụ công thầy. Bài Mai hoa kiếm con đi rất chuẩn, rất kín và uyển chuyển. Đạt cái thần khí của nó.

- Con xin đội ơn thầy! - Chàng trai tên gọi Phi Vân cất giọng trầm trầm giữa sân đình rộng lớn - con xin đội ơn thầy đã truyền thụ.

- Bây giờ con hãy thoái võ phục, chỉnh trang văn y rồi vào thư phòng gặp thầy.

Chàng trai “dạ” một tiếng rõ to rồi rùn gối quỳ chào thầy. Tiểu thư Thúy Quỳnh bỗng thấy tim mình đập rộn lên khi nhìn rõ khuôn măt khôi ngô của Phi Vân. Má nóng bừng, cô khẽ đưa ống tay áo che mặt sợ ai nhìn thấy. Chẳng có ai ngoài hai đứa nữ tì thân tín ngây thơ.

Thúy Quỳnh tha thẩn dạo quanh vòng ngoài bức tường bao ngôi đình. Cô không cố ý rình xem nữa vì sợ nhỡ có ai bắt gặp sẽ gây tai tiếng chẳng lành cho dòng họ Lê Khúc danh giá đất kinh kỳ. Ngang qua bức tường hông bên phải, cô chợt dừng lại lắng nghe. Tiếng chàng trai sang sảng vang lên:

- Bẩm thầy, con đã làm xong.

- Tốt, con hãy ngâm cho thầy nghe.

Gót sen của Lê tiểu thư trở nên nặng nề. Cô cảm thấy những chiếc lá khô dưới chân bị dẫm nát kêu “ràn rạt”. Nhẹ bước thêm một chút, cô đến sát bức tường. Từ bên trong thư phòng, tiếng ngâm thơ của Phi Vân hùng tráng rất cao:

Tâm tịnh, tình thanh vọng tiếng đàn
Vẫy tay, một khúc, phượng hòa loan.
Giang sơn cẩm tú phô đôi nét
Vạn bửu kỳ trân thảo mấy hàng
Hoành kiếm ngang trời, yên xã tắc
Tung quân dọc đất vững giang san
Mai ngày trọn phận con dân nước.
Dạo bước đường xanh với bạn vàng.

- Hay tuyệt! Cầm- Kỳ- Thi- Họa- Kiếm đều có đủ, đều làu thông. Tài chí đem giúp nước yên dân. Sau trước, tâm tình giữ trọn Hay lắm! Hay lắm!

Từ ấy đã hai năm. Nhờ chim xanh dẫn lối, hoa thắm đưa hương, họ đã gặp nhau nhiều lần. Trong trái tim tiểu thư Thúy Quỳnh, hình ảnh trang đại trượng phu tuấn kiệt Hồ Phi Vân đã in đậm. Hôm nay, chắc hẳn chàng sẽ làm hài lòng các bậc bề trên của dòng họ ta - Thúy Quỳnh thầm mong.

- Bẩm các cụ! Con đã làm xong, xin được đọc.

- Hãy ngâm lên đi. anh bạn trẻ. một giọng nói trầm đục cất lên đầy vẻ trịch thượng.

- Thưa vâng!

Ngôi nhà thờ rộng lớn im phăng phắc. Khói hương trầm thoảng bay. Hồ Phi Vân đứng hiên ngang trước bệ thờ, hai tay vòng trước ngực, hơi cúi đầu. Chàng nhìn thẳng lên bức tượng đặt trên án thờ. Đó là bức tượng của Ngài Thủy tổ dòng họ Lê Khúc.

Cụ trưởng tộc dịu dàng cất lời: Xin nghe! Đoạn cụ sửa lại chiếc khăn bịt đầu, vuốt lại tà áo một cách ngay ngắn. Cụ mỉm cười khích lệ chàng trai sắp được làm cháu rể. Phi Vân bình thản không cần lấy hơi, cất giọng ngâm trầm trầm:

Lấp loáng lưng trời mây trắng bay
Tinh khôi tượng trắng giữa trần ai
Mặc bầy chuột núi lăm xơi gót
Thây lũ chim trời chực rỉa tai
Nắng lửa bao phen, hình chẳng rạn
Mưa dầm mấy nả, sắc chi phai
Đất trời tiết lạnh ngàn đêm chịu
Nguyện hứng cho đầy một ánh mai

-
Hay! ý hùng mạnh mà thanh nhã. Chí cao cả mà khiêm cung. Tâm nồng nhiệt mà không cuồng vọng. Tốt! Lão chuẩn cho cháu được phép từ đây...

Cụ trưởng tộc dừng lại một lát rồi quay sang các cụ ngồi bên: ý các vị thế nào?

Một cụ có khuôn mặt hồng hào, bật cười to: Được! Được lắm.

Cụ trưởng tộc vuốt râu cười khà. Trong buồng, Thúy Quỳnh thở ra nhè nhẹ. Khuôn mặt Hồ Phi Vân đỏ bừng.

Chợt, một giọng nói trịch thượng lại vang lên:

- Đúng là văn võ toàn tài. Thật phước ấm nhà ta. Nhưng theo lệ, đệ giữ phần nghi thức. Xin tôn trưởng cho phép.

Cụ trưởng tộc vẫn vuốt râu cười khà khà, nhưng đôi lông mày hơi nhíu lại: Chú cứ nói. Chú vốn là quan Bồi Tế mà!

- Đây là củ gừng già còn sót lại sau Tết. Cậu hãy đem về giữ. Không được chôn dưới đất. Cuối tháng chạp tới, cậu đem về trình. Gừng nếu vẫn còn nguyên dạng, nguyên vị cay thì nhà cậu được phép nạp sính lễ vào ngày mồng sáu tết - người giữ phần nghi thức dặn Phi Vân.

- Thưa cụ, vâng ạ! Hồ Phi Vân vẫn trả lời gọn như trước. Hai tay chàng nhận lấy củ gừng già còn nguyên vỏ mà đã thấy vị cay thấm đẫm trong lòng. Gừng rời khỏi đất, làm sao chẳng nhạt, chẳng bị teo! Bây giờ đã cuối tháng ba!

Dừng trước ngõ nhà tiểu thư Thúy Quỳnh, ngắm cây tre già cao ngất nghểu cắm trước sân, Hồ Phi Vân mỉm cười. Tục truyền cây phướn và manh áo cà sa của đức Bồ Tát diệt quỷ hóa thân thành cây nêu trừ tà ngày tết chỉ có thể cấm cửa kẻ gian tà, quỷ mị. Còn ta... chàng mỉm cười bước vào.

Cụ trưởng tộc đúng hẹn đã ngồi đợi. Cơi trầu cánh phượng do tiểu thư Thúy Quỳnh têm sẵn để mời Ăn trầu phải mở trầu ra. Một là bạc nghĩa, hai là nồng duyên.

- Mời cậu xơi trầu. Cháu Thúy Quỳnh têm đó.

- Thưa các cụ! Đúng hẹn, hôm nay con xin đến trình lại.

- Tốt quá! Nào, cho chúng tôi xem đi.

Cụ trưởng tộc tròn mắt nhìn củ gừng. Nó vẫn nguyên dạng, mập mạp sau chín tháng thoát ly lòng đất nơi nó sinh ra. Đúng như câu ca:

Trọng mình thì giữ danh mình
Thương nhau xin giữ cái tình cho nhau
Nào ai câu thúc ai đâu.

 
Cụ vuốt râu cười sảng khoái sau khi nhấm thử một lát gừng được thái mỏng ra từ củ gừng già chín tháng lìa đất ấy. Vẫn hương vị nồng cay muôn thưở. “Không cay không phải là gừng. Chưa từng ngớ ngẩn, chưa từng thật yêu”. Chàng trai này thật lòng yêu, cụ thầm nghĩ, nhưng không hề ngớ ngẩn. Hương vị cay nồng thơm nguyên quyện lẫn hương vị ngọt ngào của đường mía đặc sản xứ Nghệ làm cái lưỡi cụ vừa cay tê vừa ngọt dịu. Cụ nhắp một ngụm trà. Khà! khoái thật. Chẳng khác nhau bao nhiêu. Chỉ khác hình thức trưng bày. Tốt lắm! Thật là rể thảo, đa mưu, túc trí, đa tài, đa tình. Cậu ấy sẽ lấy cái ngọt dịu hòa với cái nồng cay. Duyên nợ ba sinh vốn dĩ có sẵn hai hương vị ấy trong cuộc đời rồi. Hay!

- Thay mặt họ Lê Khúc, ta chấp nhận tình duyên giữa cháu Thúy Quỳnh và công tử Phi Vân, dòng dõi võ tướng đất Hoan Châu. Kể từ sau ngày nạp sính lễ, công tử Phi Vân được phép gọi ta là Bá phụ.

- Thưa cụ, con xin tuân lời dạy - Phi Vân cúi đầu chào rồi nhanh chóng lùi gót. Chàng biết sau bức mành kia có một đôi mắt nồng cháy nhớ nhung sau bao ngày xa cách.

Từ ngày làm lễ vu qui về nhà chồng đến nay thấm thoắt tròn chín tháng. Nhưng từ ngày đính hôn đến ngày vu qui dài đằng đẵng ba năm đợi chờ. Ngày ấy, sau khi hoàn tất lễ đính hôn, cụ tộc trưởng Hồ Phi trao cho Thúy Quỳnh một gói nhỏ và dặn:

- Cháu Phi Vân sẽ tòng quân giết giặc. Ba năm để yên được giặc là thời gian không dài. Ba năm đợi chờ là một thời gian không ngắn. Cháu hãy giữ lấy gói muối này. Trong ba năm phơi giữa nắng mưa dầu dãi, muối vẫn còn mặn, còn nguyên hạt như hiện nay thì Phi Vân của cháu sẽ về cưới cháu làm vợ. Dòng họ Hồ Phi mong cháu cố gắng giữ gìn trọn vẹn.

Lời giao ngôn của cụ trưởng tộc Hồ Phi làm các cụ bô lão đại diện họ Lê Khúc như chết đứng. Làm sao giữ được hạt muối dẫu dãi nắng mưa suốt ba năm mà còn nguyên hình, nguyên vị. Nhưng vì trước kia dòng họ Lê Khúc đã cho họ Hồ Phi nếm vị cay rồi, bây giờ thuộc quyền của họ thì phải chịu. Nhẽ ra, họ Lê Khúc giành quyền chọn ngày tháng thành hôn, nhưng họ Hồ Phi đã khôn ngoan đưa ra lý do đã được đức vua cho phép: các chàng trai tòng quân giết giặc lập công trở về, được phép chọn ngày cưới vợ mà không cần nhà gái chấp thuận hay không.

Đó là phần thưởng đức vua ban cho các chiến binh để khích lệ họ giữ yên xã tắc, sơn hà. Họ Lê Khúc đành phải tuân theo phép nước để họ Hồ Phi cướp lấy tiên cơ. Tiểu thư Thúy Quỳnh cầm gói muối được bọc kỹ bằng nhiều lớp lá dong, lá chuối mà đã thấy mặn chát đầu môi, xa xót tận trong lòng. Muối để ba năm!

Nhờ hai tì nữ Lan Hoa, Cúc Hoa mách kế và bà nhũ mẫu Bạch Nương dạy nghề từ trước, Thúy Quỳnh đã dệt nên một tấm lụa tơ tằm cực mỏng cực mịn, đủ sức đựng nước không chảy. Nàng cho gói muối vào túi lụa và treo ngoài sân trước khuê phòng theo lời giao ngôn của hai họ. Ba năm dầu dãi nắng mưa, gói muối vẫn nguyên hình.

Ngày hai họ hội kiến, cụ trưởng tộc Hồ Phi sửng sốt trước gói muối bọc lụa. Đây là bằng chứng của sự khôn ngoan, khéo léo và thủy chung, những đức tính rất không thể thiếu của người con gái sắp làm dâu. Ba năm dầu dãi nắng mưa, nhưng nhờ sự giữ gìn cẩn trọng, muối vẫn nguyên vị, nguyên hình. Cụ tươi nét mặt trao gói muối lại cho Thúy Quỳnh. Nhưng lạ thay! Cụ không cười. Có một cái gì đó chưa đạt đến ý đằm sâu bên trong lời giao ngôn kỳ lạ. Tuy vậy, giữ lời hứa, cụ đã xin họ Lê Khúc cho phép chuẩn bị làm lễ thành hôn. Hồ Phi Vân vui mừng lộ rõ. Riêng Thúy Quỳnh, cô cố tỏ vẻ bình thản, nhưng khi vắng người, cô cứ tủm tỉm cười. Ít hôm sau, họ nhà gái mở tiệc chiêu đãi họ nhà trai trước ngày lễ cưới. Trên mâm cỗ linh đình, ngoài mấy món cá thịt sang trọng xếp quanh mâm đồng, còn có một món ít khi gặp trên các mâm tiệc kiểu này. Nó trở nên kỳ lạ. Nó được đựng trong đĩa sứ tráng men lam đặt chính giữa mâm. Nó nổi bật lên như một đóa hoa hồng bạch đang dần hé nụ. Cụ trưởng tộc Hồ Phi hơi sững sờ, tia mắt lóe sáng niềm vui. Nhưng cụ vẫn im lặng. Cụ trưởng tộc Lê Khúc ôn tồn diễn giải với họ nhà trai:

-... Đây là món cà muối nổi tiếng của quý quán. Cháu Thúy Quỳnh đã nhờ người dạy cho cách ướp muối cà. Duy cái khó là loại cà bát của quý quán khác hương vị với loại cà to tương tự mà ở đây gọi là cà dĩa hay cà trắng. Cháu Thúy Quỳnh đã nhờ người dân vùng VuLa Trung quen trồng cà chọn lựa phơi sẵn chờ chư vị. Món cà này được phơi bởi nắng mật kinh kỳ, được ướp bởi muối mặn Hoan Diễn và được tỉa vẽ bởi tay cô dâu. Mời chư vị xơi! Xin thứ lỗi, nó có giống một búp hoa hồng bạch đang dần hé nụ không ạ!

Cụ trưởng tộc Hồ Phi vuốt nhẹ chòm râu, gắp một miếng cà nhỏ nhai từ tốn. Đoạn cụ trịnh trọng đáp:

- Thưa cụ! Rất giống. Mà, cụ nở nụ cười hết sức mãn nguyện, hương vị chẳng khác gì cà bát muối quê tôi. Quý hóa quá, thưa cụ! Họ Hồ Phi có phúc ấm nên được cô cháu dâu tứ đức vẹn tròn như thế này. Thật chẳng có gì quý hơn. À! tôi nghe nói ở quý quán đây có một loại cà muối nhỏ hơn...

- Thưa cụ! Cháu Thúy Quỳnh có nhã ý mời các cụ xơi món đặc sản - cụ tránh dùng chữ “cà” - quê nhà trước khi dùng thử món ăn quê mùa của chúng tôi.

Nói đoạn, cụ quay đầu gọi vọng xuống nhà dưới: “Đem lên đây nào!”. Một chiếc đĩa sứ men da lươn được đem lên. Trên đó, đựng những quả cà trắng tinh tròn tròn, to như hạt mít hoặc nhỏ hơn một chút.

- Đây là loại cà pháo. Món này mỗi khi ăn phải ăn cả quả. Bỏ vào miệng, ngậm môi lại, cắn cái “bụp” xong khoan nuốt vội để thưởng thức vị ngon. Ngon đến nỗi phải muốn kêu lên: ứ... hự là ngon! Nhưng vì mồm đang ngậm chặt nên chỉ kêu được một tiếng đôi: “ứ...hự”. Vì vậy, món cà muối này, dân quê chúng tôi gọi là “Cà ứ hự”. Ây xin các cụ thứ lỗi cho. Đó là dân quê chúng tôi vốn hài hước, ngầm khoe các món ăn dân dã của mình là ngon lắm nên bịa chuyện cho vui. Xin mời các cụ dùng tạm.

Cụ trưởng tộc Hồ Phi tủm tỉm cười rồi gắp thử một quả. Trơn quá! Phải ba lần gắp, quả cà bé xíu mới chịu nằm yên đầu đũa. Cụ từ từ đưa lên miệng. Một tay cụ ngửa ra để sẵn bên dưới phòng hờ quả cà rơi. Cụ không dám cười dù trong lòng rất thích thú cái cảnh ăn uống hết sức hoạt kê này. Thật đến món ăn cũng phải từ tốn, khéo léo và cẩn trọng giữ gìn. Dân kinh kỳ có khác thật. Cụ cho quả cà vào miệng rồi cắn. Bụp! Cụ hơi giật mình vì bất ngờ. Vị mằn mặn, chua chua đặc biệt của cà muối vỡ òa trong miệng. Cụ chỉ kịp kêu lên: “ứ... hự!”. Các cụ cùng mâm bật cười òa thích thú. Cụ trưởng tộc Hồ Phi nhai xong, nhắp một chén rượu, vuốt bộ râu ba chòm ánh bạc đoạn gọi to: Phi Vân mô mồ!

Hồ Phi Vân bước tới cúi chào đợi lệnh.

- Bầy choa đại ưng rồi. Hà hà! mi ráng giữ vợ nghe. Đại phước, đại phước đó cháu. Triều mơi rước du xong, bầy choa cho tụi bây mần chi mược kệ. Bầy choa nỏ biết. Hà hà!

Thì ra, lời giao ngôn kỳ lạ không chỉ có ý muốn thử thách lòng kiên trinh, tính cẩn trọng và tài khéo léo của cô dâu tương lai. Nó còn có ý ngầm kiểm tra xem cô dâu có thật là người tinh tế, thật yêu chồng chăng. Nếu là người tinh tế, phải hiểu được ý ngầm của lời giao ngôn. Nếu thật yêu chồng, người con gái khác quê chẳng ngại ngần tìm hiểu mọi phong tục tập quán quê chồng trước khi về làm dâu. Món cà bát đặc sản xứ Nghệ được đặt trong đĩa sữ tráng men lam kinh kỳ và món cà “ứ hự” đặc sản nơi đây được đặt trong đĩa men nâu Hoan Ai xa xưa, đều được ủ nắng mật kinh kỳ quê vợ, được ướp mặn bởi muối quê chồng và được tỉa vẽ bởi bàn tay tài hoa của chính cô dâu đã thể hiện đầy đủ tình yêu chung thủy chân thành của cô gái họ Lê Khúc. Quá cảm động và sung sướng, cụ trưởng tộc Hồ Phi quyết định thôi dùng ngôn ngữ xã giao trang trọng theo nghi thức.

Từ nãy giờ, hai họ ngồi kín cả năm gian nhà ngói rộng lớn cứ phải im lặng lắng nghe hai cụ trưởng tộc trò chuyện theo nghi thức trang trọng ấy. Họ đã muốn cười ầm lên khi cụ trưởng tộc Hồ Phi nhai quả cà “ứ hự”. Nhưng họ cố nén vì biết chưa đến lúc. Đám nam nữ thanh niên sôi động nhất phải lấy tay bụm miệng vì sợ bật ra tiếng cười sẽ bị các cụ quở trách thất lễ. Đến lúc này, không khí trang nghiêm tột độ bỗng nhiên bị phá vỡ bởi câu nói đặc sệt dân miền xứ Nghệ của cụ trưởng tộc Hồ Phi như tín hiệu nổ bùng. Đám trẻ biết đã đến lúc được cười đùa thỏa thích. Cả năm gian nhà ngói rùng rùng tiếng cười như hàng tràng pháo nổ. Trên bàn tiệc ở gian giữa, các cụ trưởng thượng của hai họ đang cùng nhau cười vui nâng chén chúc mừng tình duyên đôi trẻ Phi Vân- Thúy Quỳnh bén lửa nồng men. Thấm thoắt đã hơn chín tháng kể từ cái hôm bái lễ tơ hồng, chung chén rượu giao bôi động phòng hoa chúc. Nay đã gần kỳ nở nhụy khai hoa. Chín tháng mang thai mỗi ngày phải ngậm một viên thuốc dưỡng thai đắng hơn ngãi, Thúy Quỳnh cố gắng chịu đựng để mong cho đứa con ra đời khoẻ mạnh, thông minh như cha nó, xứng con nhà võ tướng lừng danh, văn tài rực sáng. Chín tháng mang thai, chín tháng kiêng khem từ miếng ăn, thức uống, câu thúc từ dáng ngồi, bước đi, người mẹ tương lai cay cực gánh chịu vì đứa con của mình.

Chỉ còn dăm hôm nữa là đến ngày lâm bồn, vẫn chưa thôi bao nhiêu cay cực phải chịu để dành lấy ngọt ngào cho đứa con mai sau. Con ơi! Thúy Quỳnh vuốt ve đứa con trong bụng rồi thầm nói: “Cay đắng mấy mẹ cũng chịu được hết vì con. Mẹ cũng vượt qua được hết vì con và cha con đó con nờ! ngủ đi con!”

Hổ Oai tướng quân Hồ Phi Vân dừng ngựa bên gốc đa ven đường. Đoàn quân tùy tùng phân tán ra khắp nơi. Tướng quân trao cương cho người lính hộ vệ rồi đưa tay vuốt bờm con ngựa chiến. Dưới bàn tay nồng ấm chắc khỏe của tướng quân, cổ con chiến mã rung rung nhẹ. Nó phấn khí nhấc một chân trước gõ cồm cộp lên mặt đường. Chiến mã ơi! - Tướng quân thầm thì - ngươi đã cùng ta ba năm dong ruổi. Giờ đây ta sắp trở về quê cũ.

Dừng một lát, tướng quân dõi nhìn về phía cánh đồng hoang trải dài trước mắt. Ông thở dài:

- Nông phu bỏ đi đâu cả rồi! Gia đình ta phiêu bạt nơi đâu! Phu nhân ơi! Nàng và Phi Hổ có mệnh hệ gì không?

Đã ba năm rồi khi nạn binh đao tràn đến quê hương, Hồ Phi Vân lại tòng quân giết giặc. Ngọn lửa bạo tàn của quân giặc đã thiêu rụi căn nhà ngói năm gian. Tiểu thư Thúy Quỳnh phải bồng con cùng hai tì nữ về kinh kỳ lánh nạn. Qua ba năm ròng rã trong cuộc chiến Hồ Phi Vân đã lập nhiều chiến công hiển hách, được phong Hổ Oai tướng quân, được lập tướng phủ. Vợ là Thúy Quỳnh được phong tước Phu nhân. Hồ Phu nhân xuất thân nhà quan văn, chân yếu tay mềm, liệu có thoát khỏi tai kiếp chiến tranh, phong sương dầu dãi chăng?

Tan giặc, Hổ Oai tướng quân được đức vua cho về nhà tìm vợ con và xây dựng tướng phủ tại quê. Đã về nơi cũ, người cũ nơi đâu? Hổ Oai tướng quân rưng rưng nước mắt thương người vợ hiền, nhớ đứa con thơ dại vừa mới lên ba.

- Tao đã lờ mờ hiểu điều mày muốn nói. Nhưng điều đó có liên quan gì đến cái tên của tao và tình cảm của tao với Thúy Uyên. Dộc dịu giọng hỏi Tuấn.

- Từ từ. Đâu vào đó. Cậu có thấy sự liên quan gì giữa cái tên của cậu và đứa em trai Hồ Phi Vọng không?

- À à! Có thể... có thể. Nguyên ủy tên tao là Hồ Phi Dục. Gặp phải thằng cha cán bộ tuyển sinh trường Đại học xây dựng phát âm nhầm “u” thành “ô”. Tên tao trở thành Hồ Phi Dộc. Ô hô! Kỹ sư xây dựng Hồ Phi.. Dộc. Hì hì! Quái thật!

- Ấy đấy! Tên mày và em mầy chính là lời khuyên răn của ông cha: Không tham cầu, ước muốn lợi quyền. PHI DỤC, PHI VỌNG. Bởi vì mấy đời trước, họ Hồ Phi đã bị nạn tru di tam tộc. May còn sót lại một nhành ở Hoan Châu, truyền đến ngày nay là mày. Do tham cầu danh lợi, cụ cao tổ đã mắc tội đại nghịch soán ngôi. Do tài cao chí lớn vượt đương thời, cụ bị đời đố kỵ. Vậy nên, con cháu đời sau luôn được đặt những cái tên có ý nhắc nhở: HỒ PHI ÁC, HỒ PHI THAM... Mày biết rõ chứ. Nếu người ta biết gốc gác cái tên của mày thì ai dám chê “DỘC là KHỈ”.

- Tao thật có tội. Mặc cảm nghề nghiệp. Mặc cảm cái tên bị sửa sai đâm ra mặc cảm cả với cội nguồn tổ tiên oanh liệt. Còn Thúy Uyên thì sao?

- Lê Khúc Thúy Uyên. Lê Khúc Thúy Quỳnh. Rõ chưa?

- Ôi chao! Tao thật ở trong chỗ sáng đâm quáng mắt chạy sang chỗ tối mất rồi. Tội nghiệp Thúy Uyên. Cô ấy cứ phải cắn răng nghe tao chửi bậy hoài! Con gái Huế hiền dịu, giỏi chịu đựng thật!

- Thôi! Tuấn vỗ vai DỤC - về nhà, pha ấm trà móc câu, nhâm nhi lát mứt gừng là đẹp nhất. Rồi sau đó - Tuấn nháy mắt cười -tìm cách tạ lỗi với nàng đi.

Hai người vui vẻ khoác vai nhau đi về nhà DỤC. Bên ấm trà ngon, nhón lát mứt gừng trắng vàng mỏng mảnh đưa vào môi, Dục nhắm mắt như muốn thưởng thức hương vị cay nồng ngọt dịu của lát mứt gừng ngày tết do chính tay Thúy Uyên làm ra. Trong gió xuân về, hương trà thơm nức quyện lẫn giọng hò dịu ấm bay xa. Ngoài kia, đàn trẻ hàng xóm đang chơi trò dung dăng dung dẻ. Dục mỉm cười xoa đầu đứa con trai.

Bỗng như sực tỉnh, anh quay sang Tuấn:

- Thế về sau thì sao? Họ có gặp lại nhau không?

- Muối ba năm còn mặn. Hồ Phu nhân giữ vẹn tiết trinh chờ chồng dù bị rơi vào tay một tên phản tướng. Sau nhờ quân ta đánh chiếm lũy tướng giặc, rước nàng và đứa con từ trong ngục tối đem về quê cũ. Họ gặp lại nhau giữa tướng phủ nguy nga. Trong bữa tiệc đoàn viên, Hổ Oai tướng quân Hồ Phi Vân đã soạn nên câu hò bất hủ ấy.Từ đó...

- Trời ơi! Cầm viên ngọc quý trong tay cứ chê là đất đá, lại đi mơ vàng bạc nhà người. Tao thật là - giọng Dục trầm hẳn lại.

- Không sao! Nhấm mứt gừng đi! Tao chỉ thích bánh chưng và mứt gừng ngày Tết, vừa giản dị tiết kiệm vừa chứa đựng ân tình, lại ngon, bổ, ngừa bệnh cảm mạo và tiêu chảy rất dễ gặp trong ba ngày Tết. Mày biết không, xét về y học dự phòng, bữa ăn Á Đông hơn xa các món ăn Tây phương. Lại bao hàm triết lý hòa hợp giữa thiên nhiên với con người. Cần phải loại bỏ bớt các chất ngọt, chất béo trong các món ăn. Nạn trẻ con béo phì đã bắt đầu. Nhưng bọn trẻ bây giờ thích ngọt, ghét cay, tập xài sang ghê quá - Dục trầm giọng. Bọn trẻ thời nào chẳng thế. Mày cũng từng là trẻ con chớ bộ! Phải rèn tập từ đầu, lâu dần chúng nó sẽ quen và chấp nhận. Khi lớn lên, hiểu được mọi điều tinh túy ẩn trong cái mộc mạc, chúng nhất định sẽ yêu lát mứt gừng, tấm bánh chưng, tô canh chua cá ngạnh, đĩa rau tập tàng hơn những món ăn du nhập từ xứ người. Lỗi lầm chính do người lớn làm hư trẻ.

Dục ngồi im nghe bạn nói. Anh thừa nhận những đứa con của Tuấn thường chẳng đua đòi, kể từ món ăn đến quần áo như phần lớn những đứa trẻ có hoàn cảnh giàu sang tương tự. Dục trầm ngâm nhìn khói trà bay lên trong căn phòng ấm cúng. Cu Cầu, con trai anh, nếu không được mẹ rèn cặp nghiêm khắc ắt đã hư hỏng như mấy đứa gần nhà. Dục rất thương con đến độ cưng chiều khiến nhiều khi Thúy Uyên phải nhăn nhó. Tuổi thơ cực khổ khiến anh rùng mình mỗi khi nhớ lại, do đó anh có lúc sai lầm trong quan niệm giáo dục con cái chỉ vì sợ thấy con phải khổ như mình. Nếu không có một người vợ dịu dàng và rất kiên quyết như Thúy Uyên thì rất có thể anh sẽ phải ân hận về sau này bởi cái tính chiều con quá đáng của mình. Thế mà đã nhiều lần anh vì mặc cảm không đâu, đã buông lời thô lỗ với nàng. May thay, cô ấy chưa bao giờ... Dục khẽ thở ra một hơi nhè nhẹ rồi cất giọng trầm ấm hò lên câu hò tình nghĩa bao năm:

À ơi! Muối ba năm muối hãy còn mặn
gừng chín thánh gừng vẫn còn cay
đôi ta tình nặng nghĩa dày
dù có xa nhau chăng nữa
ba vạn sáu ngàn ngày mới xa...

Tuấn vỗ tay reo ầm lên. Rồi như để tán thưởng ca sĩ, Tuấn bốc một dúm mứt gừng bỏ vào mồm nhai ngỏn ngoẻn, hít hà hít hà một lúc. Đoạn, cười vang nhà:

- Chị Thúy Uyên ơi! Thằng Dục nó hò hay quá. Chị hò đối đáp đi!

- Mời anh xơi mứt gừng, uống trà đã. Thúy Uyên mỉm cười, nghiêng phích rót thêm nước vào bình trà.

- Mày biết không. Tuấn quay sang Dục, mứt gừng nhấm trà móc cau nóng hổi thì thật tuyệt vời!

- Nhấm với bạn chí cốt càng tuyệt hơn! Dục cười

- Nếu có nàng Quỳnh Anh của tao ở đây thì cả hai cặp cùng nhâm nhi mứt trà mới thật là “đại tuyệt vời”. Bà xã nhà tao số dách về món thịt bò dầm với cái “chua ngọt”. Riêng cái - Tuấn đưa lát mứt gừng lên môi - này thì... thật là...

- Sao? Anh định nói xấu chị Quỳnh Anh hả? Thúy Uyên làm bộ đanh đá.

- Thì thật là ngang tài ngang sức với bà Thúy uyên nhà mày. Hà hà! - Tuấn bật cười sảng khoái. Thúy Uyên biết mình bị “gác cơ”, đứng ngẩn ra rồi cũng bật cười theo.

- Mẹ ơi! Cu Cầu từ nãy giờ lẽo đẽo theo sau lưng mẹ, thấy cơ hội tốt vội nhào đến ôm choàng lấy mẹ, miệng cười cười: “Ba với chú Tuấn toàn khen mứt ngon, trà ngon mà không khen mẹ chi cả”

Thúy Uyên khẽ lừ mắt. Cu Cầu vội thè lưỡi rụt cổ im lặng. Tuấn bật cười, xoa đầu thằng bé:

- Giỏi! giỏi lắm! Con trai của mẹ Thúy Uyên có hiếu ghê!

Cu Cầu bẽn lẽn buông áo mẹ, chạy tọt vào buồng trong. Tuấn quay sang Thúy Uyên:

- Lâu quá không nghe giọng hò của chị. Đầu năm, xin chị hò đáp với thằng Dục một câu cho vui đi!

Tuấn vẫn quen miệng xưng hô theo “nội qui” của lớp: gọi bạn là mày nhưng bắt buộc phải gọi vợ bạn là chị, không được gọi bằng em.

Thúy Uyên tủm tỉm cười. Cô thừa biết âm mưu của Tuấn. Cô dịu dàng đưa tay vén lọn tóc đen mượt lên vành tai, rồi nâng chén trà nhắp một ngụm nhỏ. Cô lại cười, nụ cười cố giấu sau vành môi. Anh mắt đằm thắm và ấm như ngọn lửa hướng về Hồ Phi Dục. Trong hương trà thơm nức quyện lẫn gió xuân về, giọng hò của Thúy Uyên đằm thắm cất lên:

À ơi! Trọng mình thì giữ danh mình
thương nhau xin giữ cái tình cho nhau...

Huế, Xuân Ât Hợi 1995
P.X.P
(131/01-2000)


 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Lèn Voi (03/03/2010)
Lão Păk (01/03/2010)
Chữ “Nhàn” (26/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)