Truyện ngắn
Biển muộn
14:54 | 30/03/2010
NGUYỄN HÀO HẢITầu đi Vinh khởi hành lúc 9 giờ tối. Hoàng vội vã đi ra ga sau khi chạy ra phố mua sắm thêm một số đồ lặt vặt cho chuyến đi nghỉ mát ngoài dự kiến của anh.
Biển muộn
Minh họa: Ngô Lan Hương

Buổi sáng tình cờ anh gặp một người bạn thân ở quán cà phê, anh ta là nhà văn hiện đang phụ trách một tờ tạp chí. Anh cho biết tạp chí của anh tổ chức đi nghỉ mát ở Cửa Lò vài ngày và khuyên Hoàng nếu không bận bịu vướng mắc gì cố gắng thu xếp đi nghỉ để thay đổi không khí. Anh còn nói thêm với Hoàng rằng:

- Đoàn đi nghỉ mát khá đông, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả người lớn lẫn trẻ con gần hai chục người, có một bác sỹ như cậu đi cùng thì hay quá.!

Hoàng là một bác sỹ nha khoa, và anh cũng có kiến thức về những chuyên môn tối thiểu của ngành y. Trước lời mời rất nhiệt tình của bạn, Hoàng hơi do dự, không phải vì buổi tối tàu đã chạy, thời gian gấp gáp quá mà chỉ băn khoăn có mỗi một điều là: “ Đoàn nghỉ mát này chắc hẳn phần lớn là giới văn nghệ sĩ, mình đi vào đấy có hợp không?”

Thực ra Hoàng cũng quen biết một số người trong tạp chí. Việc quen biết này không phải vì anh hay đến gửi bài viết cho họ, mà họ là những khách hàng, những bệnh nhân quen thuộc của anh. Rồi những người này lại giới thiệu một số bạn bè, đồng nghiệp đến khám chữa, cho nên anh cũng quen biết khá nhiều người trong giới văn nghệ sĩ. Trong những khách hàng của giới này, Hoàng chỉ không thích một số người, do họ hay hợm mình, làm bộ, tỏ vẻ kiêu ngạo, nhưng thực ra văn hóa của họ thì thấp kém, chuyên môn thì tầm thường, nhưng nhờ lĩnh vực dịch vụ quảng cáo, lăng- xê rất phát triển hiện nay nên tên tuổi của họ được nhiều người biết đến nhưng không ai nhớ tác phẩm của họ là gì. Thế nhưng họ lại rất hoắng. Chữa răng cho họ, Hoàng đã thấy mệt rồi, chắc sống với họ, chơi với họ có lẽ còn mệt hơn nên Hoàng thấy rất ngại nếu lại phải “biên chế vào một đội hình” có những người như vậy để đi nghỉ, đi chơi. Nhưng sau khi được biết “ nhân sự” của đoàn nghỉ mát, Hoàng đã đồng ý. Người bạn phụ trách tạp chí thấy Hoàng nhận lời, anh rất vui và đưa ra lời nhận xét:

- Cậu bây giờ thì tự do quá rồi còn gì. Mọi quyết định là ở cậu hết, không cần tham kiến ai!

Hoàng cũng công nhận lời nhận xét ấy có phần nào đúng. Anh hiện sống khá độc lập và tự do: Người vợ đã bỏ anh cách đây ba năm với lý do hai người sống không hợp nhau nhưng thực ra chỉ vì lý do chủ yếu là: anh chưa ra được một tập thơ nào, mặc dù vợ anh sẵn sàng bỏ tiền để cho anh in thơ. Hoàng thỉnh thoảng cũng làm thơ và vẽ, nhưng anh cho tất cả những điều ấy chẳng đáng gì. Người vợ chỉ muốn chồng là người có tiếng tăm nhưng thấy anh sống có vẻ bình thản không có tinh thần hăm hở, thi thố ganh đua một điều gì trong thời đại kinh tế thị trường như vậy nên cho anh là kẻ nhu nhược, bất tài. Vợ anh là nhân viên của một thư viện, chia tay anh để lấy một anh chàng trong văn nghệ sĩ, in khá nhiều sách cả truyện lẫn thơ, tên tuổi lừng danh nhưng tác phẩm không ai nhớ, và trước đây anh ta cũng là một khách hàng chữa răng của anh. Đứa con gái của Hoàng chín tuổi ở với mẹ. Theo tòa án xử, gia tài được chia đôi, anh đã để lại tài sản thuộc phần mình cho con gái, và đề nghị tòa xác nhận cho việc đó. Sau khi ly hôn, anh cũng xin thôi việc ở bệnh viện, về ở với người mẹ đẻ của mình và mượn họ hàng được một số tiền mở một phòng khám tư vì muốn xa cách những người trong cơ quan để khỏi phải nghe những lời họ đàm tiếu về chuyện vợ chồng anh, nhất là khi người ta đã dò tìm được nguyên nhân đích thực của câu chuyện ly hôn là gì, và cũng là vì muốn thay đổi hoàn toàn cuộc sống cũ.

Chuyến đi này Hoàng là một ngoại lệ, anh không có danh sách trước, nên người phụ trách công tác hành chính, kinh tế sự vụ của đoàn đã mua cho anh một chiếc “vé bổ sung”. Lên tàu Hoàng thấy một chiếc ghế còn trống ở cuối toa, anh đến chỗ đó ngồi.

Ngồi đợi chờ rất lâu Hoàng mới thấy còi tầu rú lên một hồi dài uể oải, rồi chậm chạp chuyển bánh, Hoàng nhìn đồng hồ thấy tầu khởi hành chậm mất hơn nửa giờ, anh đoán chuyến tàu đang đi không phải tàu tốc hành, mà là tàu chợ nên giờ giấc tàu chạy mới xộc xệch như vậy.

Mặc dù thấy con tàu khởi hành chậm trễ, nhưng mọi người trong đoàn nghỉ mát vẫn không tỏ vẻ gì khó chịu, vì họ thấy đến với biển sớm hay muộn nửa giờ không có gì là quan trọng. Điều quan trọng đối với nhiều người trong đoàn là làm thế nào có thể chợp mắt được vài tiếng đồng hồ trong suốt chín giờ liền ngồi trên những hàng ghế gỗ để sáng sớm hôm sau từ con tàu xuống vẫn còn khỏe khoắn, tỉnh táo, hứng khởi lao xuống biển ngâm mình bơi lội rũ sạch những bụi đường xa và thân thể được gội tắm những ánh nắng ban mai và gió thoáng.

Những tiếng nói cười vui vẻ, phấn chấn của những người đàn ông, những người đàn bà, của các cô gái của những trẻ em trong đoàn cứ tăng lên theo tốc độ của con tàu lao mỗi lúc một nhanh. Sống mãi trong những phố phường chật hẹp, đông đúc, trong những khung cảnh căng thẳng, ngột ngạt của môi trường đô thị, mọi người đang phấn chấn mong chờ, mơ ước tới những giây phút đầu tiên được bước những bước chân vùi sâu trong cát trắng, và được những lớp sóng đua nhau xô bờ vồ vập chào mời họ xuống vui chơi thỏa thích với biển xanh. Nhưng cũng giống như những bản đàn lúc lên bổng, lúc xuống trầm. Sau một tiếng đồng hồ, sự hồ hởi cười nói ấy của mọi người cứ giảm dần. Con tàu chạy thêm được một tiếng nữa thì không khí im ả hẳn. Các bà, các chị bắt đầu mở các túi đi đường lấy những đồ ăn mang theo ra. Họ thấy phải đổi chương trình từ tiết mục “ vui nói, vui kể” sang tiết mục “ăn tối”, vì mọi người đều nhận thấy rằng sau gần hai tiếng tàu chạy, cái bụng đã hao hao, đặc biệt lũ trẻ con nhiều đứa đã kêu đói.

Đám đàn ông đã chuẩn bị sẵn những chai rượu trước khi lên tàu. Họ thấy đã đến lúc cần phải lôi những chai rượu đó đặt lên bàn, và cho rằng uống rượu là một cách tốt nhất để giết thời gian, để trốn được những giấc ngủ ở trên tàu, và thế rồi họ cũng bắt đầu ăn và uống.

Con tàu đi được gần ba tiếng đồng hồ thì nhiều đứa trẻ con đã lăn ra ngủ. Các bà, các chị, các cô gái, tất cả đều đã lim dim nửa thức, nửa ngủ trên những chiếc ghế của mình. Đám đàn ông thì vẫn cố gắng chiếc đấu với rượu, để hy vọng rằng sẽ thức được lâu hơn, để chứng minh cho đám đàn bà, con gái và lũ trẻ con rằng họ có sức bền và sự dẻo dai hơn. Muốn giết thời gian chính là cần phải nói được, nghe được nhiều câu chuyện hay, nhiều điều thú vị, mà họ quá hiểu rằng: “ Tửu vào lời ra”, cho nên họ cố gắng nạp liên tục rượu vào người để hy vọng làm cho “bộ nhớ”, “ bộ cảm xúc”, “bộ nói” của họ hoạt động hăng hơn. Nhưng một số người “ bộ nhớ”, “ bộ cảm xúc” đã bị chai lỳ nên mặc dù đã uống liên tục với tửu lượng cao nhưng “ bộ nói” của họ hoạt động vẫn kém hiệu lực, chẳng nói được chuyện gì hay ho, quanh đi quẩn lại chỉ có vài chuyện vặt về gã nhà thơ này, mấy cô ca sĩ nọ và dăm ba nhà văn khác. Cuối cùng rượu cũng không làm cho cánh đàn ông thức được thâu đêm suốt sáng, trái lại đã làm cho họ thích được nằm ngả lưng vào đâu đó để ngủ một giấc trong cơn say.

Hoàng cũng tham gia uống rượu với cánh đàn ông, được vài chầu thì anh rút lui. Theo kinh nghiệm Hoàng thấy thực ra uống rượu rất khó, ta có thể uống dễ dàng bất kỳ lúc nào, nhưng không phải lúc nào khi rời bàn rượu đứng lên ta cũng có được những cảm giác hay hoặc tìm được những điều lý thú.

Trong lúc mọi người trong đoàn đang cố thích nghi với lối ngủ nửa nằm nửa ngồi trên con tàu lúc lao nhanh, lúc chạy chậm lắc la, lắc lư, Hoàng vẫn thức, không phải anh đã tìm ra được một mẹo gì hiệu nghiệm khác với cánh đàn ông trong việc chống sự ngủ gà, ngủ gật trên tàu, mà là tình cờ anh nhìn thấy một người phụ nữ khá đẹp, với khuôn mặt và dáng vẻ rất quen thuộc, nhưng anh không tài nào nhớ ra được gặp chị ở đâu đã lôi cuốn sự chú ý của anh. Người phụ nữ ấy ngồi đối diện cách anh mấy hàng ghế ở phía dãy bên kia của toa tầu. Mỗi lần nhìn chị, gặp lại khuôn mặt đẹp quen quen ấy lại là một lần thêm kích thích trí nhớ của Hoàng. Hoàng biết ký ức của con người giống như một kho lưu trữ tư liệu, tất cả mọi sự việc, mọi sự kiện của cuộc đời đều được ghi lại và xếp cất vào trong đó mặc cho năm tháng trôi đi vẫn không hề suy suyển mất mát một điều gì. Vấn đề hiện giờ Hoàng không nhớ ra việc đã gặp người phụ nữ ấy ở đâu, chỉ vì cuộc đời của anh nhiều năm qua đã có biết bao những sự việc, những sự kiện, những câu chuyện cả quan trọng lẫn không quan trọng, cả thú vị lẫn vô vị, cả vui sướng lẫn buồn đau, cả hấp dẫn lẫn nhàm chán... đã dồn nhét hỗn độn trong cái kho lưu trữ của ký ức ấy nên không thể lục tìm một cách dễ dàng ra được. Hoàng nghĩ: nếu cứ chú tâm thì thế nào cũng nhớ ra.

Người phụ nữ phát hiện ra người đàn ông ngồi phía trước mặt hay nhìn chị. Tuy thế, Hoàng không thấy chị tỏ ra khó chịu về điều đó, cho nên anh đã không từ bỏ việc thỉnh thoảng mới ngắm nhìn chị một chút. Khác với những cô gái xinh đẹp mới lớn, thấy đàn ông nhìn thường hay tỏ ra bối rối, nhưng người phụ nữ này vẫn rất điềm tĩnh, và hơn thế nữa, Hoàng thấy mỗi lần nhìn chị thì hình như chị càng tỏ ra có ý thức nhiều hơn về sắc đẹp của mình. Và có một lần Hoàng bắt gặp một cái nhìn của chị có vẻ nửa phê phán, nửa khiêu khích như muốn nói rằng: “Cái anh chàng kia hãy coi chừng! Đừng nhìn tôi nhiều như thế!”

Con tầu vẫn kiên trì lầm lì xuyên trong đêm. Có nhiều lúc Hoàng đã thấy cơn buồn ngủ mơn trớn anh, và không thể chống cự lại được, Hoàng gục xuống bàn trong một giấc ngủ chập chờn. Cho mãi đến khi con tầu lao qua một chiếc cầu sắt dài bắc qua con sông trên đường đi, những âm vang cộng hưởng của sắt và thép gào rít lên trong đêm mới làm anh tỉnh giấc lại. Nhìn sang người phụ nữ anh thấy chị vẫn thức, ngồi bên cửa sổ con tàu nhìn vào khung trời đêm mênh mông. Một cô gái ngồi cùng hàng ghế với chị mà Hoàng vẫn tưởng là người bạn của chị đã không thấy còn ngồi ở đó nữa. Hoàng đoán cô ta có lẽ đã xuống tàu trong lúc anh ngủ. Có lẽ nào chị lại đi một mình? Hoàng nghĩ.

Hoàng không thấy buồn ngủ nữa. Ngồi trước cảnh trời đêm, anh cũng thấy nhiều cái kỳ lạ, nhiều khi anh nhầm lẫn những ánh đèn leo lắt của vài ngôi nhà ven núi là những vì sao. Ngồi như vậy, cho mãi tới lúc bình minh ửng hồng một chút từ chân trời phía xa làm cho những cây cối, ruộng đồng lờ mờ hiện hình dần, rồi một còi tầu rú vang như đánh thức mọi người vào một ngày mới thì đột nhiên Hoàng đã nhớ ra được người phụ nữ ấy. Anh thầm trách cái trí nhớ của mình đã quá tồi.

- Đúng ta đã gặp người phụ nữ ấy cách đây khoảng bảy, tám năm ở dưới Hải Phòng trong một chuyến đi nhận hàng - Hoàng nhớ - ngày ấy chưa có dịch vụ gửi và nhận hàng thuận tiện như bây giờ. Mỗi lần đi nhận hàng phải mất ít nhất một ngày, nếu mọi việc không suôn sẻ thì mất thêm cả ngày thứ hai. Hôm ấy người phụ nữ này đã đứng đằng sau mình và chị đã nhờ xếp hộ tờ vận đơn vào một xếp vận đơn dày cộp trên bàn làm việc của mấy nhân viên hải quan. Và sau đó là hết giờ này sang giờ khác ngồi chờ đợi trong cái kho hàng của công ty tầu biển. Chờ đợi lâu, nên nhiều người nhận hàng đã quen mặt nhau. Hôm ấy người phụ nữ đó số thật may mắn, tích- kê lấy hàng của chị ở những số cuối, nhưng kiện hàng của chị lại được các thợ khuân vác, xếp giỡ ném ra phía ngoài, nên người ta đã cho chị nhận trước. Còn mình thì phải đợi tới cuối giờ mới nhận được hàng, khi về tới Hà Nội đã là lúc nửa đêm...

Nhìn lại người phụ nữ, anh càng nhớ ra: đúng, vẫn cái khuôn mặt trái xoan, nước da trắng mịn, vầng trán thanh cao, đôi mắt hơi buồn, và vẫn cái dáng vẻ giản dị, nhưng lại ẩn chìm những nét sang trọng ấy là những ấn tượng làm cho người ta khó quên...

Hoàng khoan khoái, thích thú đã nhớ ra một kỷ niệm, không phải là kỷ niệm ấy có liên quan hệ trọng gì đến đời anh, mà chỉ là vì điều ấy chứng minh cho anh là tất cả mọi ký ức sẽ không mất đi, có điều không phải lúc nào ta cũng nhớ đến.

Khi tàu đỗ, đoàn trưởng bảo mọi người đứng đợi nhau trong sân ga để đi ra cùng. Hoàng đứng trên sân ga với một số người trong đoàn đợi những người xuống tàu chậm. Trong đám người ra sau, Hoàng thấy người phụ nữ ấy vai quàng một chiếc balô du lịch mầu xanh nước biển thong thả bước ra phía ga. Nhìn theo chị anh mỉm cười thầm nói:

- Xin chào người đẹp của chuyến đi!

Đoàn nghỉ mát thuê được những căn phòng của ngôi nhà sát cạnh biển. Hơn mười mấy năm về trước Hoàng cũng đã có vài kỳ hè đến nghỉ mát ở Cửa Lò. Ngày ấy toàn bộ khu nghỉ này chỉ có vài khu nhà cấp bốn lụp xụp, nhưng giờ đây quanh khu nghỉ đã có nhiều dãy nhà lớn nhiều tầng. Đặc biệt mọi phòng nghỉ từ loại cấp thấp đến loại cấp cao đều được trang bị máy lạnh. Tuy nhiên phần lớn những máy lạnh ở đây có lẽ là loại máy được các thủy thủ trên những tàu viễn dương mua lại ở những bãi phế thải đem về bán. Mặc dù vậy chúng còn tốt hơn trăm lần những chiếc quạt trần chạy đảo xuôi, đảo ngược kêu lạo xạo như những chiếc cối xay lúa ở những phòng trọ của khu nghỉ mát này trước đây.

Theo chương trình kỳ nghỉ mát này ở Cửa Lò chỉ có ba ngày, nên mọi người trong đoàn tranh thủ tắm dài dài cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Sang đến chiều ngày thứ hai Hoàng không muốn đi tắm biển sớm như nhiều người trong đoàn nữa. Anh bắt đầu thấy ngại cái nắng rát lưng, nên đợi đến khi nắng chiều nhạt dần mới đi ra biển. Ra biển muộn cũng có cái thích. Những người tắm biển ra về dần đã trả lại cho bãi biển vẻ đẹp yên tĩnh, nên thơ với những bài ca thầm thì của nó. Ngắm mãi cảnh những đàn ông, đàn bà, trẻ con đông đúc, bán trần, bán trụi chạy lăng xăng, cười nói, nô đùa ầm ỹ, trên bãi biển Hoàng cũng thấy chán. Để thay đổi không khí, thay đổi cảm giác, anh cho đi tắm biển muộn là rất có lý. Bơi lội được gần nửa giờ, anh lên bờ, nằm dài ngả lưng trên chiếc ghế vải bố ngắm biển chiều hôm. Nhiều lúc ngửa mặt lên trời anh nhắm nghiền đôi mắt nằm im lắng nghe tiếng gió biển và tiếng sóng vỗ bờ. Thế rồi anh nằm nghĩ vẩn vơ và tự hỏi:

- Tại sao ta lại chọn cái nghề bác sĩ?

Sự lựa chọn ấy là đúng hay là sai lầm?

Hồi nhỏ, có lúc anh đã mơ ước trở thành nhạc sĩ. Rồi đến khi học cấp hai, ngoài giờ học văn hóa anh đã theo học những lớp họa, được những ông thầy khuyến khích, anh cũng thích nghề vẽ. Nhưng sang đến cấp ba, những môn học liên quan đến sinh học anh thấy rất thích thú và học rất khá, nên cuối cấp gia đình lại hướng anh vào ngành y. Giờ đây hành nghề bác sĩ, nhưng nhiều lúc anh cũng thấy chán ngán với các bệnh nhân, các khách hàng của mình, cho nên không phải lúc nào anh cũng muốn kéo dài cái tình trạng phải ngồi ê ẩm suốt từ sáng đến chiều tối để chữa chạy, để nghe người ta rên rỉ, kêu la về những cái răng đau mặc dù được đền bù điều đó bằng tiền, khá nhiều tiền. Hoàng nghĩ: có lẽ trong một tương lai không xa, anh sẽ chỉ mở phòng khám vào các buổi thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong tuần, còn để thì giờ làm việc khác...


Nằm nghỉ trên bờ như vậy được hồi lâu, Hoàng đứng lên để đi xuống biển tắm thêm một lần nữa, nhưng thật bất ngờ vừa định đi xuống biển anh sửng sốt khi nhìn thấy người phụ nữ đi trên tàu hôm trước trong bộ quần áo tằm mầu hồng da cam kẻ sọc trắng vai khoác một chiếc phao vừa mới ở biển lên, tiến về phía quán lều anh đang đứng và thấy chị không đi cùng với ai, Hoàng rất hồi hộp khi thấy mỗi lúc chị càng tiến gần đến chỗ anh, chị vừa đi vừa nhìn xuống những bước chân của mình in trên cát. Lúc bước tới lều vì bất ngờ, chị tỏ ra bối rối, lúng túng, khi nhận ra anh và sửa nhanh qua bộ áo tắm của mình.

Hoàng hiểu rằng có thể chỉ một tích tắc thôi người phụ nữ ấy sẽ trấn tĩnh lại để điều chỉnh ngay cái trạng thái đó và thay thế bằng một thái độ bình thản, lạnh lùng vì không muốn tiếp xúc với những người xa lạ bằng một động tác bước qua phía khác kéo ghế ngồi, rồi nhìn thẳng ra biển không để ý tới ai. Nhưng chính trong một tích tắc ấy, cái tích tắc mà người phụ nữ bối rối và lúng túng ấy, Hoàng đã bật ra một lời chào. Lời chào đó không được chuẩn bị chỉ bảo gì của lý trí, mà chỉ bằng một sự trực cảm tức thời. Lý trí sẽ bảo ta: nên hay không nên làm điều gì. Còn trực cảm thì chỉ xui ta khiến ta hành động theo con tim. Hoàng lo rằng lời chào đó của anh sẽ là một điều thiếu tế nhị, thậm chí là sự lố bịch, chẳng khác nào đi ngoài đường gặp một cô gái đẹp xông ra chào. Nhưng người phụ nữ ấy đã tỏ ra không có gì kiêu kỳ, lạnh nhạt, chị đáp lại anh một cách vui vẻ.

- Hóa ra anh cũng đến đây nghỉ?

- Vâng! Tôi đến đây nghỉ cũng là sự tình cờ.

- Người ta bảo hiện nay nếu không muốn đi xa thì chỉ có bãi biển này là có thể tắm được. Nhưng tôi thấy bãi biển không còn đẹp như xưa, nước biển cũng không còn trong xanh như xưa - chị nói với anh nhưng mắt lại nhìn ra xa bao quát mọi phía trên bãi biển.

Hoàng kéo một cái ghế ở gần ngay đấy mời chị ngồi. Người phụ nữ để chiếc phao sang một bên, rồi ngồi xuống ghế. Hoàng cũng kéo một cái ghế ngồi bên bàn cạnh chị. Anh thấy chị không phải là một người phụ nữ đỏng đảnh, hoặc làm bộ, làm tịch, mà là một người cởi mở, thích nói chuyện.

- Đêm hôm trước ở trên tàu nhìn thấy chị quen quá, trong suốt chuyến đi tôi cố nhớ, và cuối cùng đã nhớ ra là cách đây khoảng bảy, tám năm tôi đã gặp chị.

Người phụ nữ thấy Hoàng nói vậy rất ngạc nhiên, chị hỏi anh:

- Anh gặp tôi ở đâu? Anh có tưởng tượng ra không đấy - chị cười hóm hỉnh nhìn anh có ý như muốn bảo rằng: anh bịa ra để kiếm chuyện.

- Tôi không tưởng tượng ra đâu, ngày ấy tôi đã gặp chị ở dưới Hải Phòng trong một chuyến đi nhận hàng ở nước ngoài gửi về.

Chị nhíu mày, nghĩ một lát rồi xác nhận:

- Cũng có thể, trước đây tôi cũng thỉnh thoảng xuống Hải Phòng nhận hàng từ Liên Xô gửi về. Nhưng tôi không nhớ ra anh.

- Tất nhiên tôi không có gì đặc biệt để mà nhớ, còn chị đã xuất hiện như một hoa hậu trong cái đám người đứng đợi, ngồi chờ. Giờ đây chị có già đi chút ít, nhưng vẫn giữ được phong độ như xưa.

- Anh lại tán - chị bật cười và nói với anh khi nghe những lời ngợi ca về mình.

- Đúng là tôi không biết nói thế nào nên đã dùng từ “ hoa hậu” như giờ đây người ta hay nói đến. Nhưng quả thật chị đã nổi bật trong cái đám đông có vô số phụ nữ là vợ con của những người sống ở nước ngoài đi nhận hàng ăn mặc rất thời thượng hồi ấy.

Người phụ nữ ngồi im, không bình luận gì về những lời nhận xét ấy, ít nhiều chắc chị cũng đã thừa nhận điều đó. Người chủ quán hỏi hai người có dùng gì không. Chị hỏi anh, anh lại hỏi chị, cuối cùng họ gọi nước dừa.

- Anh đi nghỉ cùng với gia đình chứ? Chị hỏi.

- Trong đoàn nghỉ mát của chúng tôi mọi người đều đi với gia đình, nhưng tôi đi một mình - Anh buồn rầu nói với chị - Thú thật, tôi cũng có gia đình, nhưng không được hạnh phúc lắm. Tôi và vợ tôi đã ly hôn. Thật ra chuyến đi nghỉ mát ở Cửa Lò này hết sức bất ngờ với tôi. Tôi chỉ biết có chuyến đi nghỉ mát này trước lúc khởi hành có nửa ngày.

- Anh công tác ở ngành nào?

- Tôi là bác sĩ nha khoa. Trước kia tôi làm trong một bệnh viện, nhưng tôi đã xin về mở phòng khám tư.

- Phải thế chứ, vì tôi thấy anh quyết định việc đi nghỉ, dễ dàng quá khác hẳn với tôi, để chuẩn bị cho chuyến đi nghỉ này, tôi phải thu xếp cả tháng trời. Tôi làm cho một công ty thương mại nước ngoài, công việc rất bận rộn, chúng tôi có tiêu chuẩn nghỉ phép hằng năm, nhưng muốn nghỉ phải báo với công ty trước vài tuần để cho họ bố trí công việc.

- Có lẽ tôi hỏi tò mò một chút. Ở trên tàu cũng như trên bãi biển tôi không thấy chị đi với ai. Chị đi nghỉ mát một mình ư?

- Chẳng biết nói với anh thế nào, bởi vì điều đó vừa đúng lại vừa không đúng - giọng người phụ nữ chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui.

- Thế thì bí hiểm thật - Hoàng cười lắc đầu thay cho sự đầu hàng về một lời nói khó như câu đố. Muốn biết thêm một chút Hoàng lại hỏi - chị đã có gia đình chưa?

- Anh thử đoán xem?

- Chắc anh ấy đi công tác xa?

- Tôi chưa có gia đình.

- Nếu vậy chị là người quá kén chọn - Hoàng cười và đưa ra lời nhận xét.

- Không phải đâu, tôi không hề là người quá kén chọn mà là một người quá cao số - chị kể - Hồi ra trường, làm được vài năm tôi có quen một người. Chúng tôi yêu nhau một thời gian thì anh ấy xin sang Liên Xô học thêm trên tinh thần “ vừa đi học, vừa đi cứu nhà cứu nước”, như người ta nói: Học xong anh ấy đã quyết định ở lại Liên Xô dài lâu để làm ăn không hẹn ngày về.

- Không hẹn ngày về với cả tình yêu? -Hoàng hóm hỉnh hỏi.

- Vâng. Anh ấy bảo tôi đợi. Tôi đã đợi mãi, nhưng anh đã không về.

- Chuyện đó thật là không vui - Hoàng nói - nhưng theo tôi người như chị thì những người đàn ông phải chạy theo, chứ không phải chị chạy theo những người đàn ông.

- Anh quá ưu ái đối với tôi. Tôi không cho rằng mình có khả năng thu hút đến thế.

- Với người phụ nữ điều quan trọng hàng đầu là có một vẻ đẹp. Và chị là người như vậy. Tôi nói có một vẻ đẹp ở đây không chỉ có nghĩa là có một khuôn mặt đẹp, mà có phần bao quát hơn bao gồm cả dáng hình bên ngoài lẫn những gì toát ra từ bên trong. Việc chị đã đợi chờ người đàn ông ấy năm này qua năm khác không có nghĩa chị chạy theo anh ta, mà chỉ là chị chạy theo những ước mơ đẹp và những tình cảm trong sáng, thiêng liêng chân thành của lòng mình...- Hoàng nói với giọng đầy lưu loát. Anh có tính gặp những người phụ nữ đẹp mà có cảm tình thì nói năng rất trôi chảy và hứng khởi, khác hẳn khi gặp những người phụ nữ xấu anh lại nói chuyện rất vất vả do quá thận trọng để cân nhắc những lời nói, điều đó có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực là như vậy.

- Ôi anh nói hay quá, và lại vẫn ưu ái tôi. Anh uống nước dừa đi - chị mời anh và cầm cốc nước dừa của mình uống, phía trước mặt biển vẫn dồn lên những con sóng xô mạnh vào bờ.

- Sau câu chuyện tình không vui ấy chị đã đóng cửa tình yêu - Hoàng hỏi chị.

- Vâng tôi đã đóng cửa tình yêu nhiều năm, nói theo cách của anh. Tôi không yêu ai, đúng hơn chưa gặp ai. Nhưng gần một năm nay tôi đã gặp một người, anh ấy đã theo đuổi tôi và muốn cầu hôn với tôi. Anh ấy công tác tại một viện nghiên cứu, rồi cũng theo con đường “ vừa học, vừa làm” ở bên Liên Xô như người yêu cũ của tôi. Nhưng khác với người yêu cũ của tôi, anh ấy không ở lại lâu dài bên đó. Anh ấy có vợ nhưng hai người đã ly thân ngay với nhau sau ngày cưới ít lâu. Họ lấy nhau vì tình nghĩa hai gia đình, chứ không có tình yêu gì. Chị ta ở nhà quê. Hai người chưa có con. Anh ấy đã làm đơn ly dị hơn một chục năm qua, mãi tới cách đây một tháng chị ấy mới đồng ý ký vào đơn ly hôn. Họ đang đợi ra tòa.

- Thế chị có yêu anh ấy không - Nghe chị kể, Hoàng hỏi.

- Thật khó nói về tình yêu như những gì mình từng ước mơ. Cho đến lúc này tôi cần lấy một người chồng, và thấy anh ấy yêu tôi. Nếu anh ấy dứt khoát được với người vợ cũ của mình, tôi có thể đồng ý lời cầu hôn của anh ấy.

- Ồ, nếu vậy chị cũng yêu anh ấy. Thế thì tốt rồi - Hoàng vui vẻ nói và hỏi chị - Tại sao lần này đi nghỉ không rủ anh ấy đi cho vui?

Nghe câu hỏi của Hoàng, ngập ngừng im lặng một lúc chị mới nói với anh:

- Lẽ ra anh ấy đã có mặt ở bãi biển này rồi, nhưng vì có vài công việc đột xuất, nên tối nay 9 giờ anh ấy mới lên tàu đi vào đây.

- Nếu tàu chạy bình thường như chuyến trước tôi với chị đi thì 6 giờ sáng mai anh ấy sẽ có mặt ở đây. Thế thì chị sắp vui rồi!

- Nhưng tôi quyết định trở về Hà Nội chuyến tàu 8 giờ tối nay.

Hoàng rất ngạc nhiên, không hiểu sao chị lại có một quyết định lạ lùng như thế, nên anh hỏi chị.

- Tại sao chị lại có quyết định ấy?

- Vì tôi không thích sự sai hẹn.

- Anh ấy hẹn chị thế nào?

- Như tôi đã kể với anh đấy, anh ấy chưa làm xong thủ tục ly hôn, nên tình yêu của chúng tôi vẫn ở trong tình trạng vụng trộm không thể công khai. Để tránh những điều không hay xảy ra, tôi và anh ấy không muốn đi cùng với nhau vào đây. Tôi đi chuyến tàu đêm vào trước, còn anh ấy sáng sớm hôm sau sẽ đi ô tô vào. Như vậy anh ấy chỉ đến đây sau tôi khoảng năm sáu tiếng. Nhưng cho đến chiều nay đã đúng hai ngày rồi mà anh ấy vẫn không có mặt. Lúc trưa nay, tôi gọi điện về Hà Nội hỏi mới biết được rằng sáng hôm đó anh ấy không đi ô tô vào được vì buổi chiều hôm trước họp công đoàn ở cơ quan người ta đã đề cử anh ấy vào danh sách đi họp hội nghị công đoàn cấp trên vào cả ngày hôm sau. Buổi tối về, lại nhận được điện thoại của người bạn làm việc ở một nhà xuất bản báo rằng: Tập thơ của anh ấy đã in xong. Thế là anh ấy lại nán lại thêm một ngày nữa để chờ lấy tập thơ. Anh ấy bảo rằng phải ở lại lấy tập thơ để có một món quà đặc biệt tặng tôi làm kỷ niệm cuộc đi nghỉ hè. Anh ấy lại còn nhắn thêm: Vào Cửa Lò nghỉ mát lần này, ngoài thời gian tắm biển, anh sẽ giành hết thời gian để đọc thơ của anh ấy cho tôi nghe...

Khi nghe người phụ nữ kể vậy, Hoàng lạnh hết cả người. Vì từ sau vụ ly hôn ở Tòa, người anh cứ gai gai như muốn sốt mỗi khi nghe những từ “ in thơ”, “ ra tập thơ”, vì điều đó gợi cho anh nỗi khổ tâm về cái nguyên nhân oái ăm để người vợ đã bỏ anh. Ngồi im một lúc, Hoàng hỏi người phụ nữ.

- Chị quyết định bỏ về như vậy, chẳng nhẽ chị lại không thích thơ?

- Vấn đề tôi bỏ cuộc nghỉ mát này không phải là vấn đề tôi thích thơ hay không thích thơ, mà vấn đề là anh ấy đã không tôn trọng những sự đợi chờ, những tình cảm của tôi. Anh ấy đã không hiểu rằng chính tình yêu của tôi và anh ấy nếu biết vun đắp, biết giữ gìn, biết tôn trọng đã là thơ rồi, đâu cần phải có một tập thơ nữa mới tăng thêm sức mạnh tình yêu của anh ấy với tôi...

- Ôi! Nếu vợ mình mà cũng nghĩ như chị ấy thì ta đâu có phải lìa bỏ gia đình, phải sống xa con gái của ta. Nghe người phụ nữ nói, Hoàng nghĩ thầm chua chát. Nhưng nghĩ đến người đàn ông kia anh khuyên chị:

- Theo tôi chị nên tha thứ cho sự lỗi hẹn ấy.

- Thực ra tôi có thể tha thứ cho sự lỗi hẹn này, nếu như việc in thơ, ra những tập thơ là điều gì khó khăn, hiếm hoi như ngày xưa, nhưng giờ đây việc in thơ, ra những tập thơ không còn trở thành những sự kiện lạ nữa thì tôi không thể tha thứ cho anh ấy được. Chẳng nói đâu xa, ở cơ quan của anh ấy đã có bốn người ra được tập thơ riêng của mình. Thêm một tập thơ của anh ấy là năm. Nghe đâu chị kế toàn tài vụ kiêm thủ quỹ và anh chàng lái xe của cơ quan anh ấy cũng đang cố gắng làm thêm giờ, làm ngoài để cuối năm có tiền ra được những tập thơ của họ. Còn ông viện trưởng nữa, đã đưa cho anh ấy xem những bài thơ viết trong thời kỳ làm chỉ huy thanh niên xung phong và những bài thơ tình viết hồi mới yêu bà xã của ông, định gộp làm một tập để có thể ra mắt được vào dịp thượng thọ của mình. Như vậy việc in thơ, ra những tập thơ giờ đây đâu còn là những chuyện lạ lùng nữa, nên nhẽ ra anh ấy phải nghĩ rằng việc tôi bí mật, lén lút lẩn trốn để thực hiện cuộc đi nghỉ mát này, việc tôi đang ở bãi biển một mình đợi chờ anh là quan trọng hơn việc anh ấy đi lấy tập thơ thì mới phải. Tôi muốn anh ấy bỏ lại tập thơ để đến với tôi, anh ấy đã không làm như vậy. Nhưng tôi đoán chắc rằng một nhà thơ, một nhà văn, một nhà nghệ sĩ thực thụ họ sẽ hành động ngược lại với anh ấy.

Hoàng rất muốn thay cốc nước dừa của anh ở trên bàn bằng một thứ rượu hay thứ bia nào đó để hòa vào được với tâm trạng của anh lúc này. Nhìn thấy những hộp bia Carlsberg bầy trong quầy hàng anh định gọi, nhưng vì muốn xuống biển tắm một lần nữa nên lại thôi. Anh ngồi im lặng một lúc rồi hỏi người phụ nữ:

- Chị có định xuống tắm nữa không?

- Thôi! Có lẽ tôi phải chuẩn bị về.

- Chị vẫn quyết định về Hà Nội tối nay?

- Vâng. Chỉ có điều tôi hơi ngại một chút là vì lại phải đi chuyến tàu đêm một mình.

- Chị đi ra ga bằng phương tiện gì?

- Tôi đã thuê tắc- xi, 7 giờ họ đón tôi.

Hoàng hỏi tay thợ ảnh đứng trong quán xem hộ mấy giờ. Anh ta nói: 5 giờ 20 phút, rồi mời Hoàng và người phụ nữ ấy chụp một pô ảnh và khoe rằng: mặc dù biển không còn nắng, nhưng anh ta vẫn có thể chụp rất đẹp được. Hoàng cảm ơn anh ta hẹn lần khác. Anh quay sang nói với người phụ nữ lúc đó chị đã khoác chiếc khăn tắm lên vai chuẩn bị về.

- Chị ạ, tí nữa tôi sẽ đưa chị ra ga!

Người phụ nữ nghe anh nói vậy, nét mặt mừng rỡ hẳn lên nói với anh:

- Anh thật tốt quá! Nếu vậy thì còn gì bằng!

Chị kéo Hoàng ra xa cái quán để chỉ cho anh ngôi nhà chị nghỉ cách đó không xa, và dặn anh số phòng và tên của chị. Có điều gì khó nói, chị đứng im một lúc rồi hỏi:

- Đoàn của anh bao giờ về?

- Tối mai, cũng đi chuyến tàu 8 giờ như chị hôm nay.

- Giá như đoàn nghỉ mát của anh tối nay cũng về thì chúng ta lại cùng nhau đi trên một con tàu! - Chị cười vui vẻ nói với anh như vậy.

Hai người chia tay. Chị đi về nhà, anh xuống biển. Đi tới mép biển Hoàng dừng lại nghĩ ngợi:

- Hay tối nay mình sẽ đi về cũng với người phụ nữ ấy? Nhưng còn đoàn nghỉ mát thì sao? Họ mời mình với tư cách là một bác sĩ đi theo để chăm nom sức khỏe cho mọi người, bỏ về như vậy có tiện không?

Nhưng một suy nghĩ khác lại thôi thúc anh: Tuy nhiên ta cũng nên lựa chọn. Ở lại đến tối mai để đi với đoàn người khỏe mạnh vui vẻ và thỏa mãn sau cuộc đi nghỉ mát trở về hay ra đi trong đêm với người phụ nữ cô đơn buồn chán trong chuyến đi nghỉ mát không thành ấy?

Hoàng đứng tần ngần mãi bên mép biển mà chưa biết quyết định ra sao. Những con sóng hết lớp này đến lớp khác cứ đua nhau xô vào người anh như thúc giục rằng: Hãy trả lời đi! Hãy trả lời đi! lựa chọn điều gì? Hoàng tự nói với mình: “ Ta xuống biển bơi thêm một lần nữa đã, rồi sẽ quyết định!” và anh bơi mạnh ra biển sâu. Càng về chiều gió biển và sóng biển dường như càng trở nên mạnh mẽ hơn, dữ dội hơn...

N.H.H
(134/04-00)





 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Hoa cỏ (29/03/2010)
Hoa xuyến chi (19/03/2010)
Đón Tết (18/03/2010)
Ba nhạn (18/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)