Truyện ngắn
Na ơi...
09:15 | 08/08/2008
ĐOÀN LÊ               Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.

Mẹ tôi thở dài bảo:
- Thằng này khô khan, lầm lì, ra vẻ trí thức khinh người. Mày tuổi Mùi, nó tuổi Mão, tam hợp biến tam tai, rồi khổ một đời con ạ.
Chị gái anh ấy lại bĩu dài môi nhận xét tôi:
- Toe toét suốt ngày, loại xướng ca vô loại ấy mà...
Anh viết nhật ký: “Cho dù tôi phải lên giàn thiêu, tôi cũng sẽ không thôi yêu em đắm say Na ạ...

Tôi tên là Lê. Hồi bé cả nhà trêu ghẹo gọi theo kiểu Tây giả cầy Lê-la, ám chỉ cái tính lê la ngồi đất chơi chuyền, chơi ô ăn quan cùng lũ bạn hàng xóm của tôi. Tôi rất tức. Thường tôi không trả lời mỗi khi ai gọi trêu “La ơi!

Nhưng khi anh gửi cho tôi một truyện ngắn hay tuyệt vời của một nhà văn Nga (nay tôi không còn nhớ tên): Na ơi, anh yêu em... tôi lại rất xúc động. Từ đó với riêng anh tôi chỉ là Na thôi. Hàng trăm lá thư đều kết thúc bằng câu quen thuộc: Na ơi, anh yêu em. Tôi giữ kín không kể cái tên Lê-la cho anh nghe, cũng không bao giờ hé cho ai biết cái tên Na của riêng hai chúng tôi...
Hai mươi ba năm sau chúng tôi tình cờ gặp lại nhau trên bờ biển Đồ Sơn. Anh có hai con trai kháu khỉnh, một bà vợ bác sĩ luôn ốm yếu, nhăn nhó vì bệnh tiểu đường. Tôi thì đèo bòng một ông chồng viện sĩ Hán Nôm, tính khô khan gấp mười anh. Tôi có duy nhất một cháu gái mười lăm, bắt mắt tựa một cây non xanh mướt lá lộc mùa xuân. Nhờ hình ảnh nó mà cái tổ cò rệu rã của tôi chưa đứt tung mọi mối.
Hai gia đình tình cờ ở cùng một khách sạn, tuy khác tầng. Bữa cơm đầu tiên, nhân danh sự quen biết cũ, chúng tôi ngồi hai bàn cạnh nhau. Tôi cố ý quay lưng lại để anh được tự nhiên trước cặp mắt gườm gườm cảnh giác của bà vợ. Bằng vào cách nhìn, tôi tin rằng bà ta biết chuyện quan hệ giữa chúng tôi khi trước. Vẻ gượng gạo của anh không thể giấu được ai, đừng nói gì giấu con mắt đàn bà, đặc biệt người đàn bà ấy lại là vợ, ốm yếu, mặc cảm với nhan sắc mình.
Ngày hôm sau tôi bảo chồng:
- Em chợt nhớ có công việc ở Hà Nội. Hai bố con cứ nghỉ lại đây cho con gái chơi biển ít bữa. Khi nào về, gọi điện em xuống đón.
Ông chồng Hán Nôm của tôi ngần ngừ một chút rồi cũng đồng ý. Dù sao đã có con gái bên cạnh, ông không sợ không có ai tìm hộ cặp kính cận.
Tôi bắt xe buýt về ga Hải Phòng. Nhưng như định mệnh, vừa len vào mua vé tàu, tôi va phải chính anh đang cầm chiếc vé trên tay, len dòng người đi ra.
- Ơ kìa, em đi đâu thế này?
- Em về Hà Nội có chút việc? Còn anh sao ở đây?
- Anh cũng về Hà Nội... có chút việc... chắc là giống như em.
Cả hai lặng đi không nói. Chúng tôi chạy trốn nhau nhưng không thoát.
Chúng tôi đổi chỗ cho một hành khách để được ngồi bên nhau. Thời gian trên tàu đủ để chúng tôi biết những diễn biến trong suốt hai mươi ba năm xa cách. Chúng tôi chỉ hết sức tránh nhắc đến lý do vì sao chia tay dạo đó.
Nhưng thật sự tôi không có lỗi. Trong ngày sinh nhật của một chàng diễn viên đóng đôi với tôi trong vở Cô Lọ Lem, anh chàng đã cố tình ôm hôn tôi trong cơn bốc đồng say bia. Trong đoàn, anh ấy thân với tôi nhất. Suốt năm năm sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật về đoàn, anh luôn săn sóc tôi hệt một người anh trai. Tuy thế anh lại rất nhút nhát, không biết cách giãi bày lòng mình. Uống vài thang thuốc liều xong thì tôi đã có người yêu.
Tôi không nỡ khắt khe với hành động quá đà của bạn. Nhưng khổ thay hành động ấy lại lọt vào đôi mắt tình cờ của người tôi yêu, khi anh đứng đón tôi bên ngoài cửa.
- Em nói rằng không có tình ý gì sao? Rằng chỉ đơn thuần là tình bạn thôi sao? Ô, hoá ra các người sống theo kiểu Tây quá. Anh không thể chấp nhận thiên hạ ôm hôn người yêu của mình. Chả trách người ta vẫn có thành kiến với diễn viên.
- Diễn viên có gì xấu?
- Thì đấy. Trên sân khấu ôm hôn nhau thoải mái, yêu đương nhau tùm lum, tối nay anh này, tối mai anh khác... Tất nhiên ngoài đời cũng quen đi thôi. Chả còn gì thiêng liêng nữa. Có lẽ hơi giống trường hợp những ông bác sĩ phụ sản!
Nghe giọng khinh khi của anh, tôi ức đến hộc máu ra được. Tôi vùng chạy khỏi công viên, nơi chúng tôi thường hò hẹn, thề đến chết cũng không bao giờ gặp anh. Anh khinh nghề diễn viên hay khinh chính tôi? Hay tôi đã quá dễ dãi trong những lần hò hẹn để anh hiểu về tôi khác đi? Tôi oà khóc tức tưởi. Giá như lúc đó anh chạy theo níu tôi lại...
Tôi nghe tin anh đột ngột bỏ vào thành phố HCM. Tôi mất ngủ nhiều đêm, giận thân, giận đời và khóc rất nhiều...
- Em không khác xưa, tuy hơi đẫy ra. Hơn hai chục năm đi qua nhanh quá. Dạo bé, mỗi khi đọc thấy câu:
Mối tình hai mươi năm về trước, anh lại phì cười. Cải lương gọi bằng cụ. Bây giờ thì mình phải gọi cải lương bằng cụ.
Anh vẫn dí dỏm hoạt bát như thế. Anh rủ tôi đi ăn sủi cảo khi tàu về đến Hà Nội. Sủi cảo Hồng Liên vốn là hàng quà chúng tôi ăn từ thuở yêu nhau. Mỗi đêm diễn xong, anh đón tôi đi thẳng tới cửa hàng ấy. Lúc đó tôi cảm thấy mình hạnh phúc vô cùng trong mùi thơm ngào ngạt của bát sủi cảo nóng bốc khói.
- Ôi, không được anh ạ. Em còn mẹ chồng em chờ ở nhà. Cụ biết tin em về, chắc là ngóng lắm. Vả lại...
- Vả lại em không còn coi anh như xưa chăng?
- Không phải thế. Vả lại cửa hàng Hồng Liên từ lâu lắm rồi không còn tồn tại.
Tôi không nỡ nói thêm rằng hai mươi ba năm nay tôi bỏ hẳn món sủi cảo như thể tôi oán hận cả nó, hoặc tôi sợ nó nhắc lại kỷ niệm đau đớn tôi đã trải qua.
- Ô, anh xin lỗi. Nhưng anh chỉ chơi với mấy bà chị ở Hà Nội ba hôm rồi phải xuống Đồ Sơn, đón mẹ con nó về thẳng Sài Gòn. Chúng ta sẽ chẳng có mấy cơ hội gặp nhau nữa.
 Anh đăm đăm nhìn vào mắt tôi. Tôi đọc được trong đó nỗi buồn vô hạn. Nước mắt tôi chực trào ra.
- Sao lại không? Bây giờ đã gặp lại, cơ bản là ta không để mất hút nhau thôi. Để ngày mai, nếu rảnh em sẽ tới nhà chị Hồng tìm anh.
Mắt anh sáng lên.
- Anh cảm ơn em... Có nhiều chuyện anh cần giãi bày với em, nhưng không phải lúc này.
Anh nắm tay tôi, giữ yên trong tay mình. Bàn tay to rộng ấm áp ấy thân thuộc làm sao, hơi ấm của nó truyền sang tôi hàng ngàn lời thầm kín như giữa chúng tôi chưa hề xa cách. Tôi chợt nhớ đến vòng tay ôm ấp dịu dàng của anh thuở ấy...
Rồi lòng tự nhiên đằm thắm lại, chúng tôi quy định sẽ thường xuyên liên lạc với nhau trên internet bằng hai nickname chỉ dành riêng cho nhau, vào những giờ nhất định.
- Cứ như hoạt động bí mật ấy anh nhỉ?
Cả hai chúng tôi cùng cười, nhưng một chút gì đó bờn bợn len vào.
Sau một đêm thao thức đắn đo, tôi gửi mấy dòng cho anh theo cái nick riêng như đã hẹn.
Ledal08@yahoo.com gửi cho Dalle08@yahoo.com:
Tha lỗi cho em vì đã không tới gặp anh. Có lẽ em sợ anh ạ. Sợ gì, em nghĩ anh rất thông cảm. Em nhớ một câu thơ của thi sĩ Tô Hà “... cánh buồm xa chưa hẳn đã bình yên...“ Thôi thì...
Tới giờ đã định, tôi lên mạng. Có thư của anh, nhưng vỏn vẹn chỉ một dòng.
Dalle08@yahoo.com gửi Ledal08@yahoo.com:
Na ơi, anh yêu em...
Khi tôi về Đồ Sơn đón chồng con, tôi được biết anh gửi lời chào để đưa vợ con đi Sài Gòn từ ba hôm trước. Con gái tôi khoe:
- Mẹ ơi, bác ấy tặng con một bông hoa hồng bằng bạc để gài áo rất đẹp và nhờ con chuyển tặng mẹ một cành hoa ly để làm kỷ niệm. Bố cứ băn khoăn hỏi địa chỉ của bác ấy và nhắc mẹ phải mua quà gì thích hợp để gửi tặng lại bác gái.
Tôi bâng khuâng buồn.
Thư đi:
Em nhận được bông hoa ly của anh. Cảm ơn anh. Cảm ơn vì anh chưa quên ngày sinh nhật em trước đây, bao giờ anh cũng tặng em một bó hoa ly với một cái thiếp đề: Na ơi... Tiếc thật, chúng ta đã để rơi đâu mất một thời kỳ đẹp đẽ chẳng bao giờ thấy lại. Nhưng mỗi mùa qua hoa ly vẫn cứ nở anh ạ.
Thư trả lời - ngày 27-5.
Na ơi, anh yêu em...
Tôi hơi thất vọng. Anh không có gì để nói với tôi sao?
Từ đó thư tôi gửi đi đều không nhận được hồi âm. Tôi thắc mắc lắm nhưng rồi chặc lưỡi một cái. Người ta coi dịp gặp lại nhau tựa như một làn gió thoảng qua. Mình lại ngốc đến nỗi cứ bận tâm nghĩ ngợi. Quên đi, hãy quên khẩn trương!
Trời ơi, không phải như tôi nghĩ. Một hôm tôi nhận được lá thư của người bạn ngày xưa quen biết cả hai chúng tôi.
“... tay ấy sau chuyến ra Hà Nội về ít lâu bị tai nạn xe máy. Tớ nhớ là hôm đó giỗ bố chồng tớ 26-5, hai vợ chồng tớ đi mời ông anh họ, tình cờ qua bệnh viện đúng lúc người ta chở tay ấy tới cấp cứu. Tớ đỗ xe lại hỏi thăm. Trông tay ấy vẫn tỉnh táo lắm, chỉ bị gãy chân thôi. Ai ngờ ba hôm sau tớ vào thăm, tay ấy đột ngột chết buổi sáng rồi. Bị chấn thương, chảy máu não nhưng không phát hiện ra. Mọi người kể hôm trước tay ấy vẫn có vẻ bình thường, còn đòi đưa máy tính xách tay đến để làm việc cơ mà...

Tôi khóc nức lên. Dòng thư tôi nhận được ngày 27-5 hóa ra là những dòng cuối cùng anh viết cho tôi trên giường bệnh viện trước lúc ra đi.
Khoảng hai tháng sau con gái tôi đi học xa. Trước khi đi, nó có nguyện vọng vào thăm Sài Gòn một chuyến cùng với cô bạn có người bác ruột sống trong đó.
Nửa tháng con gái tôi về, đen nhẻm hơn cả kỳ nghỉ tắm biển Đồ Sơn. Đêm ấy nó ôm lưng tôi thủ thỉ:
- Mẹ ơi, đợi mai con đi in ảnh chụp trong đó, con sẽ tặng mẹ mấy tấm ảnh cực kỳ quý giá.
Sáng hôm sau nó chờ bố đi làm mới đưa cho tôi ba tấm ảnh. Mới đầu tôi ngơ ngác không nhận ra. Hai tấm ảnh chụp một ngôi mộ đã xây cất chu đáo. Riêng tấm ảnh thứ ba chụp thật gần và tôi dễ dàng nhận ra hình ảnh cùng tên tuổi anh ghi trên bia mộ. Một bó hoa ly đặt phía trước.
- Con mua hộ mẹ bó hoa ly, hỏi thăm đến nhà bác ấy thắp hương rồi ra tận mộ viếng bác. Bác gái vẫn nhớ con. Con nói bố mẹ cháu dặn phải tìm bằng được nhà bác để thăm bác và thắp hương cho bác trai.
- Mẹ cảm ơn con... Thật sự mẹ không dám nghĩ con có thể làm được điều đó hộ mẹ.
Con gái tôi toét miệng cười, rúc mặt vào cổ tôi nũng nịu.
- Con lại ý tứ chờ bố đi làm mới kể chuyện này với mẹ. Phải thưởng to vào đấy nhé!
- Rất to, được chưa? Nhưng sao phải chờ bố đi làm rồi mới nói?
- Vì trước kia bác ấy yêu mẹ lắm, đúng không? Bố bảo với con mà. Con không muốn bố nghĩ ngợi lăn tăn.
Tôi không thể ngờ chồng tôi lại biết. Và hoá ra con tôi thân với bố nó hơn tôi tưởng. Tôi ngồi ngây người, chả tìm được lời gì để nói dối con.
Con gái tôi! Tôi bỗng thấy nó thật sự đã trưởng thành, có thể nâng đỡ tôi trước những cơn sóng gió. Thế là tôi kể hết cho nó nghe về mối tình đầu đau đớn của mình.
Chuyện rồi qua đi cho đến hôm sinh nhật của tôi. Hôm ấy chỉ có hai vợ chồng với mấy người bạn thân, tổ chức bữa bún nem cua bể. Bia rượu ngà ngà say rồi bọn họ kéo nhau đi xem ca nhạc. Tôi mượn cớ hơi mệt thoái thác, nhưng cố ép chồng tôi cùng đi với họ. Tội nghiệp, không có những dịp như thế này, đố ai kéo anh ấy ra khỏi mấy tờ chữ Nôm.
Còn lại một mình, tôi lên mạng xem thư con gái. Nhớ nó quá. Nhớ đến ứa nước mắt. Nó đi xa đã được hai tuần.
 Mẹ ơi, con cầu chúc mẹ một sinh nhật vui vẻ, khoẻ mạnh. Bữa nay con chưa thể viết thư dài cho mẹ, bởi nhà trường tổ chức cho chúng con đi thăm Vienna. Bữa nào về con sẽ kể cho mẹ mọi chuyện nhé. Con chúc bố mẹ mãi mãi hạnh phúc bên nhau. Giá còn ở nhà con đã mua tặng mẹ một bình hoa ly. Con gái.
Tôi ngồi thẫn thờ trước màn hình. Bỗng nhiên tôi nhớ đến những bông hoa ly ngày sinh nhật thời thiếu nữ. Rồi tôi nhớ đến anh. Tôi lơ đãng bấm vào nickname Ledal08. Để làm gì tôi không biết nữa. Có lẽ đơn thuần chỉ vì những bông hoa ly xui khiến.
Cái gì thế này? Trong hòm thư bí mật của riêng tôi với anh, có một thư của anh vừa gửi tới.
Na ơi, anh yêu em... Chúc sinh nhật vui vẻ.
Tôi run rẩy. Ai viết gửi tôi nếu không phải là anh? Nhưng anh đâu còn trên cõi đời nữa? Tôi ngoái nhìn quanh gian phòng vắng lặng để tin chắc không có bóng hình anh hiển hiện. Rồi tôi cuống cuồng tắt máy vi tính, chạy bay ra khỏi phòng. Đầu tôi mê mụ đi. Na ơi, anh yêu em... Ai? Ai thế?
Suốt một năm trời tôi khắc khoải tìm hiểu, nhưng không tài nào biết rõ những dòng chữ kia ai gửi tới. Ai biết những nickname của hai chúng tôi?
Từ hôm đó thỉnh thoảng tôi lại vào hộp thư bí mật, thắc thỏm chờ đợi xuất hiện một lần nữa hiện tượng kỳ lạ, nhưng suốt một năm không hề có gì thêm.
Hôm nay sinh nhật lần thứ bốn mươi sáu. Tôi không rời máy tính từ lúc bốn giờ sáng, chờ đợi đến thắt lòng. May sao chồng tôi hẹn chiều mới về nhà mừng sinh nhật. Tôi cho máy chạy liên tục, ăn một bát mì tôm vào buổi trưa và không để màn hình ngoài tầm mắt. Tôi thắp một nén nhang bên cửa sổ, cạnh bình hoa ly. Anh khôn thiêng xin đừng làm em đau đớn vì những nghi ngờ không giải thích nổi. Có phải là anh đấy không?
Na ơi anh yêu em... Chúc sinh nhật vui vẻ. Quả nhiên dòng thư xuất hiện vào lúc tôi đã quá mệt mỏi. Gửi cho tôi vẫn từ cái nikname của anh.
Rồi giật mình chợt nhớ, tôi nhìn đồng hồ. Đúng hai giờ rưỡi chiều, giờ mà xưa tôi với anh hẹn nhau lên mạng.
Tôi lặng người đi. Một ngọn gió bỗng ùa qua cửa sổ, quấn quýt quanh tôi mùi hương đang cháy lẫn mùi hoa ly quyện vào nhau thơm nồng nàn. Tôi cứ ngồi ngây dại như thế, mặc dòng nước mắt lặng lẽ chảy xuống khoé môi.
Anh vẫn còn đó ư, người tôi yêu dấu? Dù thế nào, anh vẫn tồn tại cho riêng tôi đó ư!
Xóm Núi Đồ Sơn
15-4-2008
Đ.L

(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Láng giềng (28/07/2008)