Truyện ngắn
Người đi xin việc
14:58 | 17/05/2010
HOÀNG THÁI SƠNTổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp cao su Nam Mê Công xiết chặt tay Long:- Hẳn anh không ngờ có cuộc hội ngộ này?
Người đi xin việc
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức
Long sững người trước khuôn mặt khá điển trai và dễ gây ấn tượng kia một thoáng, nhưng trí nhớ của anh cũng chưa đến nỗi quá tồi tệ. Anh cười rất tự nhiên:

- Quả không ngờ chút nào!

- Tôi có ý tìm kiếm anh đã lâu, cuối cùng không ngờ chính ông già này lại mối lái cho chúng ta gặp nhau.

- Té ra các vị là bạn một thời mà tôi không biết! Quen nhau từ bao giờ - Ba Danh ngơ ngác - Sao ông Lâm Trung kín tiếng thế?

Lâm Trung mở bia cho vào ba cái ly, rót khéo không trào một tí bọt, rồi bật cười:

- Anh Ba còn nhớ dạo anh gặp tôi xin người vào làm đây nữa không? Tôi dặn anh là tuyệt đối chớ nói gì về tôi hết, cứ để cái ông trung tá không quân Vũ Nho Long nào đó đến đây cái đã. Phải dành cho hai anh sự bất ngờ mới thú. Đời toàn chuyện biết cả rồi thì chán gì bằng...! Thôi, nâng cốc đi. Xin chúc sức khỏe đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, chúc sức khỏe anh Long, chúc mừng cuộc hội ngộ vô cùng ngoạn mục này.

Xong tuần bia khai mào, Ba Danh xách cặp đứng dậy:

- Tưởng lạ lùng gì thì tôi ngồi lại, chứ thế này xin hai vị cứ tiếp tục chuyện trò. Tôi lên tỉnh ủy có chút việc. Hết giờ tôi sẽ ghé đón chú Long.

- Anh đừng lo. Tôi không giữ anh Long lâu, nhưng lúc nào cần trả anh Long về cho anh, thì tôi quyết định và lo xăng xe mọi khoản.

Trong phòng còn hai người. Trước mặt Long không phải là “bạn một thời” như Ba Danh nghĩ, mà là kẻ đã đứng trước mũi súng của anh cách đấy hơn hai mươi năm!

- Nghe là anh về hưu đã hơn hai năm nay, và cũng đã hai năm nay anh đi tìm việc làm thêm, nhưng đến đâu người ta cũng nhã nhặn trả lời là dưới mặt đất không có việc cho sĩ quan chuyên trách vũ khí trên máy bay chiến đấu siêu âm phải không?

- Đại loại nói như vậy. Và tôi cũng không rõ rồi mình sẽ làm gì đây?

- Anh yên tâm đi. Tôi không để anh vượt năm trăm cây số đến nơi này mà thất vọng. Nhưng gác chuyện ấy lại đã. Giọng Trung đầy xúc động. Nếu biết rõ trước là sẽ gặp tôi, chắc gì anh đã đến? Chính thế nên tôi muốn gặp anh hơi bất ngờ và ta nói chuyện với nhau trực tiếp. Anh Long ạ, nên bỏ qua chuyện cũ, ta sống với nhau đẹp hơn. Nhiều quốc gia từng thù địch nhau, rút cuộc cũng phải bắt tay nhau để cùng tồn tại và phát triển, huống hồ giữa cá nhân chúng ta. Kẻ thù đáng sợ nhất là đói nghèo! Thời mở cửa là xin nói thẳng. Tôi thành thật muốn giúp anh, mong anh đừng nghĩ tôi có ý gì trong đó. Tôi quý anh thực sự, và không quên những gì tốt đẹp một thời giữa chúng ta đã bị sự ngu ngốc của tôi thiêu đốt mất!

Long im lặng ngồi nghe, hẳn câu chuyện sẽ không kém phần thú vị.

- Trước hết nói về công việc. Xin vào đây, có người là kỹ sư, có người đọc ngược được tiếng Anh, nhưng tôi không nhận. Lý do đơn giản là người nhiều, việc ít. Song anh cứ an tâm. Tôi sẽ có việc cho anh đàng hoàng. Tôi sẽ không để anh làm chân bảo vệ hay những việc đại loại như vậy. Tôi đã chuẩn bị một số ý kiến nghĩ thấy anh cần, nên tôi nói nốt. Nếu anh cho phép tôi được khuyên anh một điều, thì tôi xin nói ngay là anh nên nhanh chóng hoà nhập vào nhịp sống mới, rồi anh sẽ thấy đời vô cùng đẹp cho xem.

- Cám ơn anh- Long cười, là anh không biết, chứ tôi cũng có đứng bên lề cuộc sống đâu.

- Nếu thế thì xin lỗi, tôi hơi vội vàng. Nhưng anh ạ, càng ngày mới nhận ra cái sự biết của con người đừng bao giờ được xem là đủ. Ở nước nhà, mình biết một, qua nước người, mới biết thêm hai. Năm kia tôi có làm một chuyến tiếp thị qua Italia, tôi phải đi hỏi mới biết cái vòi nước rửa tay ở khách sạn tại vì sao chỉ chảy mười lăm giây đồng hồ rồi dừng? Ra đó là một cách tiết kiệm nước, muốn dùng nữa, hãy ấn nút tiếp. Ấy chỉ là một nét rất nhỏ trong đời sống vật chất, còn cuộc sống tinh thần, còn những quan hệ xã hội nhiều điều mình cứ há mồm ra mà kinh ngạc.

Lâm Trung nói nhiều, nhưng tuyệt nhiên không hề đả động đến gia cảnh của Long. Anh đồ rằng hắn né tránh, nhưng không phải.

Phong cách giao tiếp ngày nay tại các sa lon sang trọng là vậy. Nghe Lâm Trung nói về làm ăn, chuyện kinh doanh, chuyện Tây lừa ta, và ta khôn vặt với nó... anh thấy thú vị. Anh phải thốt thành lời thừa nhận Lâm Trung nắm được nhiều thông tin kinh tế, biết nhìn nhận, và một số vấn đề anh cho là xác đáng cả ở tầm vĩ mô.

- Anh đừng vội khen tôi. Lâm Trung phẩy tay. Không ai là thánh nhân, cũng không ai là ma quỷ cả. Rồi anh sẽ nghe người ta nói về tôi không ít chuyện dở, song cũng không ai có thể phủ nhận những đóng góp của tôi trong việc đã góp phần làm đẹp cho diện mạo một số mặt hàng công nghiệp cao su nước nhà luôn bị hàng ngoại đe dọa.

Chuông điện thoại réo vang. Lâm Trung đứng dậy cầm máy, cau có quát nạt: “Làm sao hả?... Cháy đồng hồ tổng gian cắt lô số hai? Làm ăn như cái củ kẹc!... Nói ngắn vào! Tổng giám đốc không cần người dưới quyền lắm lời như anh. Trình bày tiếp đi! Ừ... bắt chúng nó ký vào biên bản rồi trừ lương cho tôi!... Mà anh thì vâng dạ vừa vừa ấy!”

- Tôi có chút việc phải đi. Lâm Trung gác máy, thở dài. Chưa lúc nào có được một buổi không có sự cố, không cần mặt mình nơi sản suất... Anh ra đây có người đưa về. Mà này, anh uống ít thế? Ly bia còn đầy là sao? Uống ít cũng là một nhược điểm thời mở cửa đấy. Hơ... hơ!

Mấy ngày ngồi chờ việc Long ăn ở tại Ba Danh. Những lời có cánh của Lâm Trung làm anh nghĩ mãi. Vì sao hắn sẵn sàng “chơi đẹp” với mình? Trò quân tử, hay định lấy lòng ngài Viện trưởng kiểm sát tỉnh? Hắn là người thế nào? Hỏi Ba Danh xem.

- Lâm Trung có vẻ là một giám đốc có tài?

- Được. Ba Danh trả lời. Đó là con người năng động, quyết đoán.

- Hình như sản phẩm của Nam Mê Công được đánh giá cao, và nhận xét chung là Lâm Trung đã góp phần làm đẹp cho hàng công nghiệp cao su nội địa có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập?

- Đó là ý kiến của một vài vị giới lãnh đạo chóp bu tỉnh này.

- Nhưng ở anh ta cũng không ít chuyện dở?

- Ai nói với chú thế?

- Chính Lâm Trung nói với tôi.

Ba Danh gật gù:

- Không chỉ là dở. Có người nhận xét: Lâm Trung có những biểu hiện của một giám đốc tư bản! Nói thế là muốn đề cập tới mặt trái của vấn đề.

Lại đến lượt Long gật gù:

- Nói vậy chắc trúng. Này anh Ba, nghe Lâm Trung quát cấp dưới qua điện thoại, mà tôi run lên. Tôi cứ như hình dung thấy bên kia dây nói là một người chỉ biết phục tùng, vâng dạ, và lúc nào cũng thấy mình thấp hèn trước con người nắm trong tay quyền sinh quyền sát. Vậy các anh nghĩ gì về cái ông “Giám đốc tư bản” này?

- Đó là một bài tính khó. Ba Danh nói chậm rãi. Chúng tôi biết hết những lầm lỗi và cả tội lỗi của anh ta, nhưng ném chuột lại vỡ chiếc lọ quý! Chúng tôi đã thử đặt phần công, phần tội của Lâm Trung lên bàn cân để xem xét. Kết luận chung là chưa thể gạch bỏ con người này được. Chỉ riêng chuyện này cũng đủ thấy Lâm Trung là con người đáng yêu: Liên xí nghiệp của anh ta có hơn một ngàn cán bộ, công nhân, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chú biết bao nhiêu không? 400 đô la. Nếu loại bỏ Lâm Trung, thì trước mắt có cả ngàn người mất công ăn việc làm. Rõ ràng con người này có ích hơn mấy ông thầy tu uống ngụm nước đun sôi cũng thương đám vi trùng bị chết, nhưng họ có giúp gì cho ai?

- Nhưng mà...

- Khoan đã Ba Danh ngắt lời Long. Chấp nhận cơ chế thị trường, thì chớ ngạc nhiên trước những nghịch lý rất khó chịu. Chế độ ta không cho phép kinh doanh mại dâm. Đúng không? Nhưng khốn nỗi vì thiếu cái món “tươi sống” này, mà nhiều thương nhân và khách du lịch nước ngoài không muốn vào Việt Nam! Vậy nên thế nào?... Còn như trong làm ăn, chuyện tiêu cực thật quá phức tạp. Tiêu cực ngay cả các cơ quan chức năng như Tài chính, Ngân hàng, Thuế vụ, Hải quan... Họ bật đèn xanh, ủng hộ, buông lỏng đủ kiểu. Năm kia, nếu không có giấy phép của Bộ Kinh tế đối ngoại nay là Bộ Thương mại cấp cho Lâm Trung mua từ nước ngoài một lô máy cắt đóng đế giày, sản xuất từ năm 1932, thì làm sao có chuyện 60 ngàn USD biến thành đống sắt vụn! Đừng nôn nóng. Thời gian sẽ là bà đỡ mát tay cho chúng ta. Hãy tin vào phép mầu của cơ chế mới.

- Tôi hoàn toàn tin vào cơ chế mới và nền kinh tế đa thành phần. Long bị chạm tự ái. Nhưng phản đối bọn cơ hội làm gì thì làm vì được thả nổi.

- Không thả nổi. Như đã nói, là phải cân nhắc. Như Lâm Trung, tin chú tôi nói, đã mấy lần định khởi tố hắn, nhưng phải phanh lại. Tôi có trong tay đủ bằng chứng buộc hắn phải hầu tòa. Hắn cũng biết, nên không phải ưng gì thì làm... Về đây, dù chỉ là anh hưu trí đi làm thuê, nhưng tôi tin chú có cái uy riêng nào đó khiến Lâm Trung rất nể trọng. Bạn bè nên giúp nhau... Mà này, chú và Lâm Trung quen biết nhau từ bao giờ?

- Hồi học đại học.



Long đã dối ông anh kết nghĩa. Thực ra hai người không hề học với nhau. Long quen Lâm Trung kể cũng đã khá lâu, nhưng chỉ thực sự “biết” hắn qua vụ ngoại tình của hắn với... vợ anh! Chuyện xảy ra cách đây hai chục năm, lúc đó Lâm Trung và vợ anh đều cùng làm việc ở phòng công nghiệp huyện Kiến Giang. Dạo ấy, Long vừa tốt nghiệp khoa vũ khí đạn ở một trường không quân bên Đông Âu về nước, và mới nhận công tác ở một sân bay dã chiến.

Qua nhiều nguồn tin, Long biết vợ anh ở nhà có quan hệ bất chính với tay trưởng phòng của mình. Nhân một lần đi nhận khí tài ở Bộ Tư lệnh, anh ghé nhà hai hôm. Nhìn ánh mắt của vợ, anh biết ngay là có chuyện thật. Anh không tỏ thái độ gì. Hôm anh trở lại đơn vị, vợ anh tiễn chồng ra ga, mua vé cho anh. Dạo ấy Johnson vừa tuyên bố “xuống thang” ở miền Bắc, các luồng giao thông kín người. Long lên tàu, rồi giữa đường quay lại (theo mẹo vặt của một anh bạn ở đơn vị bày cho). Về nhà đúng nửa đêm, Long đạp cửa xông vào. Anh bấm đèn pin. Trên chiếc giường hôm qua vợ chồng anh nằm, cặp gian phu dâm phụ đang trần truồng trong cơn điên trời cho!

Long rút súng ngắn, chĩa thẳng vào Lâm Trung. Bật khóa an toàn. Lâm Trung bò dậy, nép vào góc tường. Vợ anh thì lăn ra nhà van lạy.

- Tao phải khử mày! Đồ chó! Long quát. Tao sẵn sàng nhận cái án chung thân chứ thề không cùng mày dưới một gầm trời!

Bỗng đứa con nhỏ của anh ở giường bên bò dậy. Thằng bé sợ hãi gào to, quờ tay tìm mẹ, rối nó phát hiện ra ngọn đèn. Nó nhìn anh thoảng thốt. Long nghĩ gì lúc đó? Không biết. Không cắt nghĩa nổi. Anh nhìn chằm chằm vào cặp mắt non tơ ngây dại kia một lúc, trong khi ngón tay trỏ cứ lơi dần vòng cò khẩu K54. Rồi anh cho súng vào bao tìm ghế ngồi xuống, lấy giấy bút ra đặt lên bàn.

- Đợi đấy rồi ký vào biên bản. Đồ súc vật!

Lâm Trung mặc vội áo quần, đến bên Long, cúi xuống giọng cảm động:

- Thưa anh Long. Tôi nặng tội lắm. Đời đời tôi không quên ơn tha mạng này. Lập biên bản là cách tốt nhất anh giúp tôi trở lại làm người. Tờ biên bản sẽ là bằng chứng luôn nhắc nhủ tôi, phán xét tôi. Để tờ biên bản có cơ sở pháp lý, anh nên tìm người làm chứng cho nó. Ây là thực lòng tôi mới nói.

Long cho phải, bèn đứng dậy ra đi, mấy phút sau anh trở về lôi theo ông thư ký công đoàn cơ quan đang mắt nhắm mắt mở. Trên bàn, ngọn đèn lớn được vặn to. Lâm Trung ngồi đọc báo một bên, vợ Long ôm con ngồi một bên. Long nêu lại tình tiết sự vụ, tuyên bố lập biên bản. Anh bảo vợ tránh ra rồi ngồi vào ghế viết hí hoáy. Bấy giờ Lâm Trung mới ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào mặt Long, nói cứng:

- Anh Long! Anh đùa đấy chứ? Anh định lập biên bản ai, về việc gì? Tôi đến chơi đàng hoàng, đèn sáng như ban ngày, sao anh bảo tôi nằm với vợ anh! Rất may là đồng chí Thư ký công đoàn cũng có mặt ở đây, vậy nhờ đồng chí hãy phát biểu cho một câu thật khách quan để làm chứng giúp việc này.

Cục diện thay đổi trong nháy mắt. Hắn lật ngược vấn đề lẹ tựa trở bàn tay. Long thành người có tội. Tội vu oan! Ngao ngán! Anh điên tiết đập bàn quát tháo, nhưng vô ích. Quả chưa thấy ai gian hùng như thằng chó dái này!

Lâm Trung châm thuốc hút, không thèm mời ai, rồi đĩnh đạc bước ra ngoài. Sau đó, Long đóng chặt cửa, đánh vợ một trận nên thân rồi bỏ đi... Viên đạn hận thù từ bấy đến nay cứ cộm lên trong ngực. Nhục hai lần nhục! Có lúc anh tính hay phải gặp hắn để rửa hận? Nhưng suy nghĩ cũng là suy nghĩ. Anh nghe một vài tin đồn về Lâm Trung: nào đã chết rồi, nào đang làm chuyên gia đâu đó bên Châu Phi?... Anh nghĩ khó gặp lại hắn, bởi vậy khi gặp lại, anh quá bất ngờ.

Long tính, hay bỏ về quách? Ở đây để ngày ngày trông thấy cái mặt đáng ghét kia mà làm gì? Nhưng, anh lại nghĩ, như vậy là hèn. Vả lại, anh đang cần việc làm. Tiếp được điện Ba Danh là đã có nơi nhận, anh mừng rơn, thu xếp việc nhà rồi háo hức vượt nửa ngàn cây số đến đây ngay. Năm đứa con anh đang ăn học. Một đứa học đại học, một đứa học trung cấp, chỉ riêng cặp ấy một tháng đã ngốn mất suất lương hưu khá khiêm tốn của anh. Vợ anh lại yếu, tiền thuốc mấy cũng không đủ... Kẻ thù đáng sợ nhất là nghèo đói! Thằng đểu nó nói đúng!

Hơn nữa Lâm Trung khá đặc trưng cho một lớp người thời mở cửa cần được tìm hiểu. Nếu quả Lâm Trung có tài và đã thay đổi tính nết, thì thật đáng mừng, và mình cũng chỉ là kẻ hết sức xoàng nếu cứ giữ mãi định kiến, nhìn vấn đề hôm nay bằng con mắt của những ngày qua. Con người ta đáng quý ở chỗ biết nhận ra lỗi lầm để sống tốt hơn, cao đẹp hơn. Biết đâu hắn muốn mình hiểu ra một Lâm Trung mới? Một thời mình và hắn đã từng ngồi uống rượu với nhau, nhưng “vụ nổ” đã biến tất cả thành chuyện cổ tích! Hắn muốn làm sống lại cái thời ấy chăng? Ngược lại, phải xem hắn “dở”, hắn “giám đốc tư bản” ra sao? Bản chất ma giáo của hắn quá kín cạnh làm mờ mắt mọi người rồi ư? Liên hiệp xí nghiệp Nam Mê Công trong tay hắn là một cơ sở tốt thực sự, hay chỉ là tảng băng ngầm đang trôi, sớm muộn có ngày sẽ va vào đá tan tành như một số xí nghiệp, công ty đang ngon trớn được đà, bỗng rụp một cái, giám đốc và bộ sậu kéo nhau ra hầu tòa, vì nợ nần, vì làm ăn gian dối?... Rồi Ba Danh? Quan hệ giữa anh và Lâm Trung thế nào? Con người một thời vô cùng tuyệt vời này biết đâu ra khỏi nhà tù Côn Đảo, lại chui vào nhà hàng bia ôm rồi cũng nên?

Thật ngớ ngẩn, nếu bỏ đây mà đi...

Nhiều đôi vợ chồng về già no đủ, viên mãn mọi trò cơm áo, không còn phải ràng buộc nhau mấy nữa, thường bộc lộ với nhau những khúc mắc lâu nay phải kiềm chế. Ông bà Ba Danh thuộc loại này. Không bao giờ họ đủ kiên nhẫn nói chuyện với nhau quá 15 phút! Mọi buổi đàm đạo ngắn ngủi của họ thường được kết thúc bằng những lời cao cả thuộc phạm trù quan điểm, lập trường và các thứ chủ nghĩa. Ba Danh kết luận vợ là giáo điều, bảo thủ, Vợ ông lại lên án ông hữu khuynh, là bước bình phong cho lớp trẻ hãnh tiến nấp bóng...

Vợ Ba Danh nguyên là cán bộ Tòa án đã nghỉ hưu, mấy năm trước còn ngồi ghế thẩm phán nhân dân trong một số phiên tòa. Bà ăn nói ngon lành, chuyên nghiên cứu pháp luật, đã từng đóng góp một số ý kiến quý báu cho bộ luật hình sự hiện hành.

Tiếp xúc với Long, bà thấy hợp tính. Một hôm nhân mấy ngày Ba Danh đi công tác vắng, bà lôi đâu ra và trao cho Long một tập giấy vừa bản đánh máy có, bản chép tay có, lại có bản phôtôcóppy với nhiều chữ ký.

- Đọc đi để biết người ta nói gì về Lâm Trung. Chưa đủ đâu!

Tất cả gồm 9 lá đơn kể một số tội của Lâm Trung ở Liên hiệp Xí nghiệp Nam Mê Công:

Một: Móc nối với tư thương, tạo đường dây đen mua vật tư, nguyên liệu bán thành phẩm chia nhau trong Ban giám đốc.

Hai: Ép các nhà máy “vệ tinh” mua nguyên liệu dởm, rồi hủy dần vào cái gọi là “hao phí nguyên liệu trong quá trình sản xuất”.

Ba: Vợ, con, cháu, bồ của Lâm Trung đều nằm trong đường dây tiêu thụ sản phẩm.

Bốn: Bòn rút kinh phí trong xây dựng cơ bản, đập đi xây lại khu khuôn viên của Liên hiệp Xí nghiệp ba lần không thiết kế, không dự toán, quyết toán.

Năm: Nhận quà biếu, nhỏ từ cái bàn ủi, lớn đến đầu video, cử cán bộ đi nước ngoài kèm theo tiêu chuẩn: mua hộ hàng hóa, thực tế là biếu không. Lấy công quỹ tiếp cấp trên tiếp nhà báo nhiều lần quá quy định.

Sáu: Chiếm đất của Xí nghiệp làm nhà riêng sau năm lần sang nhượng mua đi bán lại.

Bảy: Phạt công nhân bằng cách nhốt lô cốt quá 24 giờ với những đối xử tàn tệ.

Tám: Đơn của một ông bố kêu kiện Tổng giám đốc quan hệ bất chính với con gái ông. Nàng mới hai mươi tuổi đầu, làm ở tổ găng tay đệm mút, có thai trên 7 tháng, Lâm Trung buộc nàng phá thai, mà phá trộm do xử lý sơ suất khiến chết cả mẹ lẫn con.

Chín: Thơ học việc kêu: Đại ý nói Lâm Trung lừa, kéo dài thời gian học việc từ ba thành sáu tháng và trả lương bằng chính sản phẩm của họ làm ra mặc dù không có thỏa thuận này.

Lúc đó là sau bữa cơm chiều hơi muộn. Long ngồi lì ở phòng khách, đọc một lèo, cái tăm ngậm nguyên bên mép. Anh lật lật tập giấy trong tay. Vì sao những đơn từ này lại nằm mốc trong tủ nhà ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh? Ba Danh là người thế nào? Là con tắc kè Châu Mỹ luôn thay đổi màu da? Nằm hầm đến bợt người hết vùng địch hậu đến xà lim Côn Đảo bao năm ròng, rồi hôm nay ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau nhân tình? Đến nỗi nào?... À, phải: Ông già tội nghiệp này rõ ràng đã bị kẹt cứng giữ chân lý và nghịch lý thời mở cửa!

Ba Danh đã khiến anh xiêu lòng về những gì Lâm Trung làm được, giúp anh lấy lại thế cân bằng trong trí não, gạt bỏ những mặc cảm riêng tư bấy nay đè nặng trong lòng. Nhưng, qua những lá đơn thấm nỗi đắng cay của những số phận oan ức, thì những gì ông nói với anh giờ đây bỗng tan thành mây khói! Hãy lấy ra một vấn đề xem sao. Bình quân đầu người ở Nam Mê Công là 400 đô la/ năm? Tốt đấy. Nhưng trong cái bình phong to tát ấy, nhất định có kẻ sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ các nhà hàng, khách sạn nhiều sao, lại có người ăn đói đi làm, vội vỗ tay trước thực tế này qủa thật đáng giật mình... Hay mình lẫn thẩn? Hay đúng mình đứng bên lề cuộc đời, chưa hòa nhập với cuộc sống mới? Không! Thì biết đâu!... Nhưng con người mình nó thế. Buồn thật!

Long rời bàn đi về phía cửa sổ. Anh mở bớt cúc áo. Vẫn thất ngột ngạt. Ngoài kia, thành phố đang vào đêm trong một cơn mưa nhẹ. Vài giọt nước bắn lên mặt anh. Mát quá! Hay ta ra ngoài trời, đầu trần chân đất mà đi dưới mưa bay một lúc?

- Chú Long không xem thời sự à? Có ông nước ngoài sang thăm Việt Nam cao ơi là cao.

Long quay lại. Trước mặt anh là mấy đứa cháu ông bà Ba.

- Sao các cháu không xem nữa? Long hỏi:

- Chúng cháu chỉ xem “Những bông hoa nhỏ” thôi. Đến giờ học bài rồi. Chú không ưa ti vi à?

- Có, có. Chú thích lắm.

Long đút túi tập giấy rồi đi sang phòng bên, hy vọng làm nguội cái đầu một lúc. Trong phòng chỉ có một mình bà Ba Danh. Bà ngồi chiếu hoa trải nền gạch hoa, lưng tựa gối mà xem ti vi. Anh ghé ngồi bên cái bàn nước kê sát đó. Lúc này mới thấy khát. Anh nốc cạn một hơi cả ly vại to nước lọc. Đã qua phần thời sự, đến mục thời tiết, rồi thời sự trong tỉnh. Rặt họp là họp. Có cuộc Đại hội tổ chức những người làm vườn nhưng thấy toàn các vị bận com- lê, thắt cà- vạt thay nhau lên diễn đàn. Tiếp theo là cảnh một lớp tình thương. Đám trẻ tật nguyền với muôn hình nỗi đau trên thân thể. Kìa... Lâm Trung! Ngài “Giám đốc tư bản” đến thăm lớp tình thương. Ông phát quà, gồm sách vở và gói bọc đủ màu xanh đỏ.

Bà Ba Danh nhúc nhích bên gối:

- Thấy sếp của chú chưa? Mới nhân ái làm sao! Mới quý hóa làm sao!

Màn hình hiện to khuôn mặt Lâm Trung đang ghé sát xuống một em bé cổ vẹo, mắt lệch, mũi biến dạng được giới thiệu là nạn nhân của chất độc điôxin từ trong bụng mẹ! Ngài Tổng giám đốc Lâm Trung rút mùi xoa chấm chấm lên mắt, mặt rầu rầu đưa đám.

- Trời! Bà Ba Danh kêu lên. Nước mắt cá sấu, dổm lắm!... Chú biết không? Chắc lại sắp có họp hành bầu bán gì đó ở xí nghiệp, ở thành phố hay đâu kia rồi, chứ không thể tự dưng hắn đi chơi cái trò này. Bợm thật!

Sáng hôm sau, Long dậy muộn. Anh hỏi bà Ba Danh:

- Bao giờ anh về?

- Nghe nói đi công tác bốn hôm, chắc ngày kia về.

- Em về quê đây. Giọng Long lạnh lùng. Về luôn!

- Nghĩa là... Mà cũng phải. Nhưng ở chơi chờ anh về đã.

- Thôi, chị ạ. Em sẽ ghi thư cho anh sau.

Long không muốn trực tiếp nói chuyện với Ba Danh. Bà Ba tinh ý nhận ra điều này. Bà cười buồn:

- Vậy là chú vẫn cứ bay trên trời như thời trận mạc!

H.T.S
(138/08-00)





Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Gió ngàn (11/05/2010)
Bao nhiêu là cát (07/05/2010)
Chiều muộn (06/05/2010)
Hoa và rượu (29/04/2010)
Vàng (26/04/2010)
Vườn hoang (26/04/2010)