Truyện ngắn
Tiếng gọi câm
15:09 | 20/05/2010
NHƯ BÌNHCây gạo cụt đầu làng chết câm bao năm. Thân cổ thụ xù xì hóa đá đứng lù lù trước cổng làng, lặng lẽ không đếm xỉa đến thời gian. Mùa xuân năm đó bỗng dưng bật trồi lên ba cái nhánh. Ba nhánh gạo đâm tõe lên trời rùng mình thản nhiên xòe ra những chấm lá xanh.
Tiếng gọi câm
Ảnh: Internet
Tháng ba, làng hay tin anh Lịch câm hỏi cô Nhẫn về làm vợ. Người làng ngơ ngác hỏi nhau thực hư. Làng ồn ã hàng trăm ý kiến tranh cãi. Đám đàn ông kéo ra quán Bà Tư Mù uống rượu cười hô hố. Thằng Lịch thế mà giỏi. Tội nghiệp đã câm lại còn điên nữa chứ. Điên mới đi rước của nợ ấy. Đêm tân hôn có cái nước mẹ gì, chong đèn nhìn nhau chắc? Dào ôi! đám đàn bà hin hít kéo lê mông tụ tập trong nhà ngoài ngõ hóng hớt thêu dệt. Họ không chịu nổi sự kiện động trời đó. Cô Nhẫn vẫn có thể lấy chồng ư? người vậy còn chồng vợ nỗi gì.

Ông Ngoạn bí thư Đảng ủy làng Đông, triệu tập cô Nhẫn lên tám lần. Cô Nhẫn lên được năm lần rồi thôi. Lần nào ông Ngoạn cũng giương cặp mắt đỏ ké hằn học nhìn cô Nhẫn rồi đập bàn quát tháo “Cô là thành phần phi đạo đức, phi xã hội. Cô cậy thế cô đẹp mà phá hoại xã hội hả” Cô Nhẫn một mực “Tôi là đàn bà, tôi có quyền lấy chồng”. Ông Ngoạn trợn mắt xỉa tay vào mặt cô Nhẫn “Nói láo! Là đàn bà thật, sao đến bây giờ mới lấy chồng? Đẹp như cô sao không có đám nào thèm dạm hỏi. Ba mốt, ba hai tuổi rồi, nảy nhọt ra để làm khổ người ta hả. Tôi nói cho cô biết, thằng Lịch tuy tàn tật vậy nhưng nó là người tốt, chăm chỉ lam làm, mỗi tội hoàn cảnh. Tôi không cho cô phá hoại đời nó đâu. Cô không phải là đàn bà, cô không được phép lấy chồng, cô làm thế là phá hoại xã hội”.

Ông Ngoạn nhấn đi, nhấn lại câu phá hoại xã hội. Ông nói sấn sổ vã cả bọt mép, cô Nhẫn mặt vẫn lạnh khô. Mấy lần ông Ngoạn suýt nhầm trước mặt ông là bà Luyến. Bà ấy đang nhìn ông, bỏ ngoài tai những điều ông nói. Bà vẫn đẹp tệ. Ông Ngoạn lồng lên, ông căm lắm, chỉ muốn xông vào cắn nát bà Luyến cho hả. Chợt nhớ, ngồi trước mặt mình là một cô con gái độc nhất của bà Luyến, ông Ngoạn câm bặt, thừ ra, chết trân như người mất hồn.

Đám cưới không được phép đăng ký. Ông Ngoạn chắp tay sau đít đi đi lại lại trước mặt bà con trong làng tuyên bố “Cấm không được ai sang mừng cưới đám thằng Lịch, con Nhẫn”. Bà Luyến không ra đình làng họp cũng biết chuyện. Người già trong làng tìm bà Luyến khuyên “Bà đi nói với ông Ngoạn một tiếng, người ta vẫn còn căm bà như vậy là không quên được bà đâu”.

Bà Luyến lặng thinh nuốt nước mắt khô. Khuya ông Ngoạn tạt qua nhà bà Luyến. Mặt hầm hầm ông Ngoạn bước tới, bước lui ngoài sân. Bà Luyến đặt chiếc trường kỷ giữa sân mời ông Ngoạn uống nước, mặt bà vẫn lặng câm chẳng nói gì. Ông Ngoạn chỉ tay vào bà Luyến đay nghiến “Nòi nhà bà sao độc ác vậy chớ. Bà làm hại đời người ta thế chưa đủ, đến lượt con gái bà cũng thế sao”. Bà Luyến thở dài “Con gái tôi chẳng tội tình chi tôi xin ông để cho nó yên”. Ông Ngoạn riết róng “Cái thứ lang chạ như bà thì để khổ, để ác cho con thôi. Đời mẹ ăn mặn, đời con khát nước mà”. “Chừng ấy năm rồi sao ông vẫn không tha cho tôi hả ông Ngoạn, chừ ông con đàn, cháu đống rồi còn nối năng chi nữa, ông về đi cho, tôi không muốn đấu khẩu với ông”. Bà Luyến bỏ vô nhà. Ông Ngoạn cay cú ném xoảng chén nước xuống sân. Nền đất thịt rắn nhưng không đủ sức để làm vỡ. Chiếc chén lăn ịch, nằm chỏng lỏng giữa sân. Ông Ngoạn hầm hầm bỏ về.

Anh Lịch sắm mâm kẹo và ấm nước chè mời làng nhưng chẳng ai mò mặt tới. Anh Lịch đứng ngóng khách trước ngõ, thân hình cao lớn ngọng nghịu, lòng khòng trong chiếc áo cánh nâu, hai bàn tay xù xì vạm vỡ vặn vẹo vào nhau, thỉnh thoảng dệch mép cười khô. Cánh đàn ông ở làng bảo nhau thằng Lịch tiếc của trời, thôi thì không ăn được, chỉ sờ mó thôi cũng bõ. Người đẹp như vậy mà khuyết tật, sinh ra làm chó gì cho đàn ông hận. Người già chống cúi than ông trời bạc, cho cô Nhẫn đẹp in ít thôi nhưng ban cho người ta đầy đủ bộ phận để người ta sống cuộc sống con người phải hơn không. Chập tối, các ông, bà rón rén kéo nhau sang nhà Lịch, dấm dúi mừng, người thì tờ bạc, người cân nếp, con gà thậm thụt như kẻ trộm.

Mùa xuân năm đó kéo dài hơn bình thường. Mãi đến cuối tháng ba đầu tháng tư, trời vẫn rét ngằn ngặt. Trước đó lúa chết cóng không bám được rễ vào đất phải nhổ bỏ đi cấy lại tới lần thứ ba lúa mới sống, phất phơ vài ba chiếc lá còi héo ẹo giữa ruộng. Năm đó làng mất mùa hoa súng. Mọi đận, độ tháng chạp hoa súng hé nụ thắp hồng hết các ao chuôm lớn nhỏ trong làng. Chừng đó trẻ con le te vác cần câu đi câu cá ở ao. Cá đâu chưa thấy, chỉ thấy đám trẻ lội bùn đơm hoa súng vào rổ về bày la liệt khắp ngõ chơi đồ hàng. Bây giờ các ao chuôm nước đen thui, lá súng nổi lờ đờ màu thâm xỉn mục ruỗng. Những cọng súng gẫy gục đứng tòm hom giữa ao. Anh Cả Thơn con ông Ngoạn ngày nào cũng cõng xuồng ra ao bơi, tha thẩn bới tìm không ra chiếc lá xanh nói chi bông súng. Cô Thời vợ anh cả Thơn ghen bóng ghen gió lồng lộn ra tận đầu ngõ phách áo nói như hát “Hú ba hồn bảy vía con quạ mô tha hồn chồng tao, để chồng tao chết dấm chết dúi, chết chui chết lũi nơi mô ơ...” Anh Cả Thơn nghe vợ hú sấp ngửa chạy vội về nhà. Cô Thời túm áo chồng đay nghiến “Tiếc hả? Sao ngày xưa không rước về mà thờ lại bỏ lửng bỏ lơ bám riết lấy tui. Tui đây có cưới có hỏi, có đưa có rước chứ có phải theo không về nhà anh mô. Thương người ta vầy, răng không lấy, bỏ, chừ mới hối?”. Anh Thơn cúi sầm mặt bước vô nhà. Cô Thời cởi nón quạt phành phạch, mồ hôi chảy ròng trên gương mặt đỏ phửng.

Mẹ cô Nhẫn, bà Luyến trước là ả đào nhan sắc lộng lẫy. Phàm đàn ông, ai đã từng vào chiếu hát ả đào Luyến đều mê mẩn giọng ca và vẻ thùy mị quyến rũ của bà. Đàn bà ở làng đều căm ghét đào Luyến đến xúc đất đổ đi. Căm ghét, rủa xả chẳng thay đổi được gì. Đàn ông làng Đông, làng Nam đều mê ả đào Luyến. Ả đào Luyến suýt nữa về làm dâu ông giáo Cường tức thành thất với con trai cả ông giáo Cường là cậu Ngoạn. Ngoạn thua đào Luyến chừng dăm tuổi. Hồi đó ông giáo Cường thường đem theo cậu con cả đi xem hát để tránh tai mắt bà Cường. Ông Cường đâu ngờ, tài sắc của bà Luyến đã ám ảnh vào tâm hồn cậu con trai mới chớm lớn của ông, đeo đẳng, dày vò suốt cuộc đời nó. Không hiểu sao một dạo ả đào Luyến bỏ chiếu hát bằng lòng làm vợ cậu Ngoạn. Đến ngày cưới, mâm cỗ bày sẵn, bên trai đến đón dâu mới hay bà Luyến bỏ đi mất tăm. Cậu Ngoạn điên đảo mất một thời gian, ốm quắt, ốm rộc ngỡ không gượng dậy được. Hai năm sau, bà Luyến trở về với cô con gái hai tuổi là Nhẫn bây giờ. Oái oăm, không hiểu sao ở làng ồn ã chuyện con gái bà Luyến là đứa bé khuyết tật. Nhẫn lớn lên trong sự đàm tiếu, đồn đại hư thực ấy, ám ảnh vào định mệnh cô. Không một trai làng nào dám thương và lấy cô về làm vợ bởi họ không chắc chắn Nhẫn có thực là người đàn bà hoàn thiện không, dù ngắm dung nhan cô khó ai cưỡng được sự ham muốn. Duy nhất anh cả Thơn, con trai cả ông Ngoạn yêu thương cô Nhẫn thực lòng. Nhưng chỉ đến khi ông Ngoạn gọi lên hoang đánh cho một trận bầm mặt rồi bảo với con “Mày muốn dòng họ này tuyệt tự hả thằng ngu” thì anh cả Thơn bật khóc. Từ đó anh cả Thơn lánh mặt cô Nhẫn, mấy tháng sau làm đám cưới với cô Thời cùng xóm.

Ông cụ Cường chống gậy lần sang nhà bà Luyến. Từ ngày cô Nhẫn đi lấy chồng, bà Luyến sống lặng hiu. Đêm đêm, bà Luyến không đỏ đèn, bắc chõng ra sân ngồi một mình. Thỉnh thoảng mấy bà hàng xóm sang, bỏm bẻm nhai trầu, kể chuyện trên trời, dưới bể. Độ cô Nhẫn đi lấy chồng, làng thấp thỏm không chịu nổi sự kiện động trời ấy, sôi sục hỏi chuyện để thêu dệt. Mấy bà cô nái sề khi xưa lánh mẹ con bà Luyến như lánh ruồi, nay tìm cớ cận kề ton hót. Bà Luyến không ra lạnh nhạt, không ra vồn vã, trong bụng cả cười.

Cụ Cường ghé nhà bà Luyến chừng đầu hôm. Trăng sáng rờ rỡ. Mấy cây cau thả hoa xuống lu nước để trước sân bốc lên một mùi hương ẩm ướt dìu dịu. Ông cụ Cường lần tới mép chõng khụm nụm ghé đít ngồi. Bà Luyến quết bả trầu đưa ông Cường một miếng, giọng tỉnh rụi “Chứ ông đi mô mà sang đây”. Ông cụ Cường doạc miệng không ra cười không ra mếu “Rứa con Nhẫn sang ở hẳn nhà bên rồi à” Bà Luyến chép miệng “Ờ .. nó sống hay chết thì cũng vậy ai biết”. “Bà nói chi rứa mà buồn”. Bà Luyến thở hắt ra “Ông có việc chi sang đây?” Cụ Cường ngẩn người lúi húi tìm gậy trở dậy. “Ờ... tui về... là để sang mừng cho mẹ con bà... “Bà Luyến nhổ nước trầu vào ống nhổ, nói xa xát. “Có chi mà mừng với vui. Xưa nay nó chưa lấy chồng là bởi nó đợi cha về. Khổ chưa, tui nói cha mi chết lâu rồi mà nó có thèm nghe đâu. Con với cái ương như cục đá”. Cụ Cường lẩm bẩm “Thế ra, không phải như lời đồn đại...” Bà Luyến nhếch miệng cười “Có cha hắn biết mà không nói thì thôi, ai dè được miệng lưỡi thế gian" Cụ Cường run run "Thôi, tui về”.

Đêm trước, cây gạo cụt nơi cổng làng bói hoa. Sáng ra, bầu trời dội lửa xuống làng. Cây gạo rùng mình lác đác bói nụ. Vài bông không chịu nổi đa bật nở đỏ chót vót trên nền trời xanh thẳm khiến người làng sững sờ giật mình. Một vài người không tin cây gạo sống thật bèn đem dao ra chặt thử vào gốc cổ thụ xù xì. Nhúm da gạo nơi vết chém oằn lại ứa ra dòng nhựa trắng đục như dòng sữa người đàn bà mới sinh nở. Cô Nhẫn quang gánh ra đồng sớm gặp anh cả Thơn đang dong trâu ra ruộng đi cày. Cô Nhẫn dừng lại vén áo chỉ vào cái bụng trồi lên lùm lùm gương mặt trắng hồng ngời lên trong sương sớm. Cô Nhẫn cất giọng véo von “Nó đạp mạnh lắm, bà mụ bảo, chỉ con trai mới có nước quậy như vậy”. Anh cả Thơn choáng váng xa xẩm mặt mày ngồi chụp xuống vệ đường thở dốc. Cô Nhẫn bước vượt lên, miệng lanh lảnh.

“Ba đồng một mớ trầu cay í a...”

Thấp thoáng phía sau, bóng anh Lịch vác cày lim nặng trịch đi băng băng. Anh Lịch vận mỗi chiếc quần cộc, khuôn ngực rắn căng, những múi thịt vồng lên trong ánh ban mai. Cô Nhẫn chốc chốc quay lại nói vọng “Mình ơi, nhanh lên kẻo trời nắng”.

Anh cả Thơn bỏ dở buổi cày về nhà lao vào nằm. Người làng biết chuyện kinh sợ nhìn cái bụng chửa của cô Nhẫn rồi cấu vào mắt tóe cả đom đóm.

Suốt đêm, quán Bà Tư Mù đầy ắp người. Đàn ông trong làng ai cũng ghé uống rượu say xỉn, rượt đổi nhau, đánh chửi nhau chí chát. Sáng ra, như có cơn gió độc thổi qua làng. Đàn ông già trẻ gì đều trúng gió ngã bệnh gây gây sốt. Cha ông Ngoạn, cụ cố Cường không qua được. Trước khi nhắm mắt cụ cố Cường gọi ông Ngoạn lại, cầm lấy tay con trai nức nở "Cha có tội với con, có tội với mẹ con bà Luyến. Con Nhẫn nó cùng huyết thống với con, nó là ruột thịt của con. Bấy nhiêu năm, cha không giám nói ra điều này phần vì sợ mẹ, phần vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ nhà mình đến công việc của con, cha là kẻ tội lỗi và độc ác. Khốn thay, bà Luyến có quá lắm kẻ yêu thương và thù hận, không ăn được thì đạp đổ nên đã dựng chuyện cho con Nhẫn để trả thù. Cha đã không làm gì được cho mẹ con bà ấy. Cha biết, chừng ấy năm bà ấy đã nén chịu và câm lặng. Bà ấy sẽ không tha thứ cho sự bất nhân nghĩa. Con hãy tha tội cho cha, để lúc chết cha mới nhắm được con mắt Ngoạn ạ". Cụ Cường nói xong mấy câu rời rạc đó, người giật nảy lên ba lần. “Cha ơi!” ông Ngoạn sụp xuống bên cụ Cường. Muộn rồi, cụ Cường không nghe thấy gì nữa. Đôi tròng mắt đã lộn ngược. Sau này thầy cúng khi nhập lượm, làm phép mãi vuốt bao nhiêu lần mà hai mi mắt cụ Cường vẫn không nhắm lại được.

Bà Luyến không còn ở làng nữa. Cứ đến độ mùa xuân, cô Nhẫn dắt theo cậu con trai chắc như nắm cơm lon ton ngược mạn đi lễ chùa. Nghe nói, bà Luyến giờ đã thành sư cụ, trụ trì ở ngôi của cổ làng Yên Lạc.

Mùa hoa gạo tháng 4/2000
NB
(139/09-00)




Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Gió ngàn (11/05/2010)
Bao nhiêu là cát (07/05/2010)
Chiều muộn (06/05/2010)
Hoa và rượu (29/04/2010)
Vàng (26/04/2010)
Vườn hoang (26/04/2010)