Truyện ngắn
Ca sĩ Tuyết Nhung
10:13 | 09/06/2010
NGUYỄN THẾ TƯỜNGChiếc xe “Oát” phanh kít lại ngay trước phòng văn hóa thông tin, xuýt húc đầu vào cái lốp xơ cua gắn sau một chiếc “Oát” khác đang nằm trì trước đó.
Ca sĩ Tuyết Nhung
Minh họa: Ngô Lan Hương
Ba cánh cửa xe bật mở nhả xuống bốn vị quan chức cấp huyện tay xách cặp, tay đóng sầm cửa. Chiếc xe lại rồ máy giật mạnh ra sau vài ba mét để lộ cái cánh cổng vào cơ quan. Cả bốn vị xốc lại áo đại cán, dừng một phút, thở sâu đủ độ rồi trịnh trọng cất bước tiến vào.

Từ trong chái bếp của cơ quan nhìn ra, ca sĩ Tuyết Nhung lặng lẽ chờ một tiếng của trưởng phòng gọi cô lên “hầu tòa”. Chiều nay sao nhiều xe Oát thế. Cô nghĩ. Lẽ ra họ cứ lần lượt đi xe đạp như lần trước thì cái không gian phố núi này đỡ bị khuấy động hơn. Từ trung tâm huyện lỵ sang đây dài năm trăm mét. Cái Oát nổ máy chưa kịp lên dầu đã đỗ lại. Nhung không còn sợ nữa. Cô chỉ lạ là phận cô đã thúc thủ, đã đầu hàng mà sao họ vẫn tấn công, lần sau ác liệt hơn lần trước. Đêm qua Nhung ngồi mãi trước tờ giấy trắng không biết viết gì! Viết gì mới được chứ. “Anh ấy nói, việc cơ quan xong trên đường đáng lẽ về nhà với vợ thì lại bước sang đây. Còn tôi, cứ thấy anh ấy bước tới là tôi đã đứng dậy cùng đi ra đồi. Đồi chiều mênh mông hoang vắng. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, rồi lặng lẽ lao vào nhau, nước mắt đầm đìa”. Gần sáng, cô mới nhớ lại cái bản nháp viết lần trước. Hình như cô đã kể lại chuyện này. Bây giờ vẫn thế, Nhung lục va li tìm chép lại nguyên xi, chỉ đổi con số 1 thành số 2 là xong. Lát nữa đây, cô sẽ lại đọc, sẽ vận gân cốt mà nhận một hình thức kỷ luật thích đáng và cần nhất là phải có một gương mặt thành khẩn, rằng, tôi hứa quyết tâm từ bỏ... rằng...

Có một giọng nói rất mỏng lọt qua lớp rèm tóc bên mang tai cô: Chị Nhung, anh Phòng bảo chị lên.

Thực ra, tất cả những chi tiết nặng chất tiểu thuyết tình cảm này mãi nhiều năm sau tôi mới nghe kể lại. Còn thì, cái sự tôi biết ca sĩ Tuyết Nhung là hoàn toàn tình cờ và đầy chất dân gian. Đầu thập kỷ 80, tại thị xã Đông Hà có một cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng khu vực. Cái tỉnh Bình - Trị - Thiên hợp nhất hồi ấy dài tới gần 300 kilômét và bao gồm tới hai mươi mấy huyện thị. Mặc nhiên, mỗi địa phương có một đoàn văn nghệ về dự. Đông Hà duềnh lên màu sắc, dáng nét và âm thanh của thứ văn công hàng huyện trong suốt nhiều ngày. Tôi là một trong những ký giả ở miền Trung được cử về theo dõi và phản ánh. Hội diễn được tổ chức vào ban đêm theo kiểu cuốn chiếu. Mỗi đoàn diễn vài giờ. Hối hả triển khai, biểu diễn, rồi hối hả thu dọn hiện trường dành sân khấu cho đoàn khác. Sân khấu dựng tựa lưng vào một dãy đồi thấp. Tháng tư, hoa sim hoa mua nở tím biếc. Buổi chiều, nhằm lúc ánh tà dương sắp tắt, chúng tôi tha thẩn ra đồi ngắm hoàng hôn. Hồi ấy, vùng ven thị xã còn có nhiều cây cau, nhiều lũy tre trúc. Chúng tôi lười biếng thả mình trên thảm cỏ ngắm những cột khói phất phơ, mơ màng gặm nhấm cái chất men ngây ngất của rượu và những món đặc sản của bữa tiệc ban chiều mà trong hoàn cảnh những năm đầu 80 còn rất hiếm. Rồi thì, mảnh trăng ốm yếu cũng đã treo lên. Sương xuống. Dưới chân đồi, dàn nhạc đã dạo và tiếng loa của ban tổ chức đã cất lên chào mời hồi lâu. Và, tuồng như chương trình của một đoàn nào đó đã bắt đầu, tôi mới chậm rãi về. Vô tình tôi đi lạc vào phía hậu trường sân khấu. sân khấu tọa giữa bãi đất rộng. Hậu trường là một thảm cỏ có cây bụi lúp xúp, hơi tối, được giăng mắc đủ thứ trang phục. Hình như tiết mục hợp ca nam nữ đã kéo hết diễn viên của đoàn nọ lên sân khấu để lại trước mắt tôi “một trận đồ bát quái” những váy áo, xu chiêng, son phấn. Tâm linh và thói quen cảnh giác mách bảo tôi sớm “biến” khỏi chốn này nếu không muốn “ăn” vài cái bớp tai của cánh bảo vệ trước khi kịp trình thẻ nhà báo. Tôi vừa nhón gót thì bất chợt nghe đằng sau có cái gì như tiếng động của một sinh vật. Lẫn trong tiếng nhạc, tiếng hợp ca trầm hùng có tiếng ọ ọe khe khẽ ngay dưới chân. Tôi thảng thốt ngồi thụp xuống, gáy lạnh, tóc dựng đứng, nổi da gà: Trời đất! Có một đứa trẻ nằm ngay cạnh bụi sim trong đống váy áo. Tôi chưa có gia đình, chưa quen đoán trẻ con mấy tháng tuổi. Chỉ thấy nó nằm ngửa, chân tay ngọ ngọe, mắt nhìn lên vầng trăng, môi thì cười, giơ cả lợi. Cười với tôi? với trăng? Tôi nhìn quanh, lòng vô cùng hoang mang. Các bạn đừng vội cho tôi là gan thỏ đế. Không đến nỗi thế đâu. Tôi là một cựu binh từng cầm ngang khẩu AK đuổi giặc trong từng ngõ phố của thị xã này. Nếu như ở một bờ mương, một lò gạch cũ thì là một nhẽ. Đằng này, cách một bức màn huyết dụ là ánh đèn, là âm thanh, là dàn hợp xướng hút hồn hàng nghìn con người, là cả một cộng đồng đầy sức mạnh. Còn đây, cách cánh gà sân khấu bảy bước chân chỉ có tôi với một sinh linh chưa biết nói... và ánh trăng bạc lạnh lẽo. Thật không công bằng. Tôi bỗng rùng mình ớn lạnh: Nếu cái động vật đầu tiên phát hiện ra thằng bé không phải là một ký giả mà là một thực thể khác. Một con chó hoang hay một con rắn chẳng hạn... Từ sân khấu bỗng vang lên rành rọt một giọng nữ cao lĩnh xướng: “Từ nhà sàn chênh vênh trên núi cao ánh sáng điện soi... Xưa nghèo tăm tối, nay đổi mới...”

Tôi biết mình không còn có thể đi khỏi đây khi chưa có người nhà của cậu bé đến tiếp quản. Cạnh cánh gà sân khấu có một vài cô cậu đang kiễng chân xem tiết mục. Cái thời khắc gấp gáp không cho phép tôi luận giải được sự hiện diện của thằng bé còn ẵm ngửa nơi tranh tối tranh sáng giữa văn minh và hoang dã, giữa yên tĩnh với náo nhiệt này. Tôi chợt rùng mình khi nghĩ rằng có thể một người mẹ nào đó hoang thai mang con đến đây thả. Hoặc giả, có người hại nhau trộm trẻ con thả đây cho rắn cắn, người dẫm. Đó là cái trí não chưa lịch duyệt của tôi nó đảo lộn lên vậy. Còn thì, lô gíc tự thân không dẫn đến điều đó, khi mà thằng bé được “gói” rất cẩn thận giữa đống váy áo và mỹ phẩm.

Rồi thì, bản hợp ca cũng chấm dứt. Sân khấu và cả khán giả cùng ồn lên rồi ắng đi. Một người đàn bà còn trẻ chạy ra, ngơ ngác vẻ tìm kiếm:

- Thôi rồi, con Thủy mô rồi? Ai đó! Ai làm chi đó! Thủy ơ... ơi!

Người mẹ trẻ mới kịp ôm chầm lấy thằng bé đã lại có tiếng chân chạy gấp tới:

- Nhung, Nhung, lên giới thiệu tiết mục đồng ca, mau lên. Lời đây.

- Em cho hắn bú cái đã, từ chiều tới giờ...

- Trời đất, đợi xong chương trình, để tau đi kêu con Thủy. Đâu như hồi nãy con Thủy cho ăn bột rồi. Mà ai bảo hắn bồng cháu ra đây cơ chứ - Người mới đến day qua tôi - anh coi giùm thằng cháu một chút.

Rồi cả hai người quày quả chạy lên sân khấu.

Bây giờ thì tôi đã hiểu. Chú nhỏ này là con của người đội viên văn nghệ tên Nhung kia. Đội văn nghệ đi hội diễn, Nhung đã mang cả con theo nhờ một cháu gái tên là Thủy nào đó trông dùm. Thế đấy! Tôi sẽ phải làm thay cái việc của cô bé nọ. Thật là “vạn bất đắc dĩ”.

Sân khấu lại vang lên một bản tốp ca. Sau đó lại một tiết mục song ca. Thời gian trôi đi. Không lâu lắm nhưng tôi cảm thấy sốt ruột. Thằng bé đã bắt đầu ngủ. Kéo tấm vải bế thằng bé lên, tôi đi về phía ánh đèn. Trên sân khấu hội diễn, dàn nhạc đang dạo đầu cho một ca khúc. Nữ đơn ca đang cầm Micrô chính là Nhung, mẹ đứa trẻ. Nhạc đệm lắng xuống và giọng nữ cao của Nhung cất lên: “Em lại đưa anh về thăm quê Đồng Lê. Nơi chúng mình chăn trâu từ thuở nhỏ. Cùng ước mơ qua những ngày đói khổ...”. Một ca khúc mới ra đời. Nhung hát nhiệt thành, tự nhiên, đầy chất nghiệp dư nhưng tha thiết và phảng phất nét buồn tủi. Dưới ánh đèn sân khấu, không hiểu sao đôi mắt cô có vẻ thất thần. Cứ như thể sau mỗi câu ca từ, ca sĩ đều muốn bỏ micrô xuống để chạy đi đâu đó. Hết lời một, trong khi dàn nhạc đệm nổi lên. Nhung bước lùi hai bước nháo nhác nhìn sang bên kia hồi lâu như muốn tìm ai, lại quay ngoắt sang bên này, đôi mắt lướt nhanh tìm kiếm. Dù gắng làm ra vẻ tự nhiên nhưng rõ ràng cô đã rối trí. Bỗng, mắt Nhung sáng lên khi thấy tôi ôm tùm hụp một cuộn chăn gối đang bó đứa trẻ. Cùng lúc, tôi theo một phản xạ hoàn toàn bất ngờ, giơ cao đứa trẻ, một tay kéo cái khăn để lộ mặt thằng bé đang ngủ rất ngon lành. Sắc diện nữ ca sĩ đầy vẻ hân hoan. Cô như muốn bước tới chỗ tôi nhưng lại kịp trấn tĩnh. Hít một hơi thở sâu, cằm thu lại, mặt hơi cúi xuống, đúng lúc dàn nhạc lặng đi, Nhung bước lên một bước, ngực hơi ưỡn ra: “Đường Đồng Lê! Ôi sao sáng xuân nay như thêm chắp cánh bay đưa ta đến với tình nước non...”.

Bất chợt tôi thấy mình vừa nín một hơi dài, miệng há ra rất ngố. Tôi thả lỏng tay bế thằng bé, bước lui hai bước, thở hắt ra. Trên kia, Nhung vừa có một cử chỉ hơi lạ. Chị đưa tay trái che ngực, người nghiêng lại nhưng khuôn mặt vẫn cố quay về phía khán giả. Bàn tay giơ lên đặt trên khuôn ngực hơi lâu, quá mức cần thiết biểu đạt tình cảm. Cho đến khi tràng pháo tay như sấm vang lên và những tiếng kêu: hát lại đi, lại đi! Nhung không gài micrô vào giá đỡ mà thả xuống sàn, cúi người, tay giữ nguyên trên ngực, bước loạng choạng về phía tôi. Đến lúc đó tới mới vỡ lẽ sự tình: một bên ngực của cô có một vệt ướt sẫm. Nhung như giằng lấy thằng bé chạy vội ra phía sau, tay trái lập cập cởi cúc áo ngực...


Sáng sớm ngày hôm sau, tôi được gọi gấp về tòa soạn. Cứ nghĩ rằng những ngày những tháng sau đó tôi sẽ lên ngay Đồng Lê tìm người ca sĩ, lần theo số phận cô và biết đâu lại viết được một bài báo hay. Vậy mà rồi không có dịp. Hoặc chần chừ, lười biếng, viện đủ lý do lý trấu cho cái sự luẩn quẩn của mình ở thành phố. Gần 300 km đường, chờ tàu đến mụ cả người. Rồi đường núi, phải leo trèo, đi bộ, đã hấp dẫn mấy ai yêu nghề nghiệp mà gắng công? Một vài năm trôi qua. Đến năm 1989, cuộc chia tỉnh như một cơn lốc thổi tuốt tôi ra tận đồng bằng Bắc Bộ.

Rất lâu sau nữa mới có dịp trở lại miền Trung. Tôi bám càng xe của nhạc sĩ Trần Hoàn theo đường 12 A lên Đồng Lê, Cổng Trời, Cha Lo. Thâm tâm tôi muốn tới tận nơi mục sở thị cái dải đất Đồng Lê nó ra làm sao mà nhạc sĩ đưa vào bái hát tươi xanh mượt mà đến thế, và cái chính là tò mò muốn đi tìm gặp lại người đàn bà đã vụt qua đời tôi như một chiếc bóng vừa sáng đẹp vừa buồn tủi, bí ẩn. Trên xe, hỏi những cán bộ của tỉnh cùng đi, không ai biết. Xuống Đồng Lê hỏi dân bản xứ cũng chẳng ai hay. Tôi đành chờ tới dịp cuối cùng khi nhạc sĩ đi Cha Lo trở lại dự đêm thơ nhạc giao lưu “Hát về Đồng Lê". Tới hồi cao trào, tôi mạnh dạn đứng lên nêu một câu hỏi: “Khi bài hát mới ra đời cách nay chừng 15 năm có một ca sĩ nghiệp dư ở đây hát rất nhiệt thành. Nghe nói tên là Tuyết Nhung. Nay chị ở đâu xin lên hát lại”. Cả hội trường lặng thinh một lúc. Sau đó là tiếng xì xầm, trao đổi, tranh luận ra chiều sôi nổi. Cuối cùng, một đồng chí già bước lên micrô:

- Thưa...! Cô Tuyết Nhung trong lý lịch tên là Lài. Tuyết Nhung là mỹ danh. Cách nay hơn chục năm, cô đã chuyển công tác khác. Từ đó đến nay nhiều hạt nhân văn nghệ ở huyện và tỉnh cũng thể hiện rất đạt bài “Về Đồng Lê” của nhạc sĩ.

Đêm vui rồi cũng tàn. Tôi trở về phòng khách, lòng trống vắng. Núi rừng đang chìm sâu vào giấc ngủ. Đâu đó có tiếng bìm bịp vỗ cánh và bản hợp tấu của giun dế từ dưới suối vọng lên. Có tiếng gõ cửa. Tôi chồm dậy. Cô gái trẻ trước mặt tôi còn nguyên trang phục dạ hội chính là ca sĩ tối nay đã trình bày khá thành công bài hát quen thuộc “Về Đồng Lê”.

- Dạ thưa chú, có phải lúc tối chú có hỏi cô Nhung?

- Phải, cháu có biết? Cô ấy ra sao rồi?

- Cô ấy chết rồi.

- Sao?

- Cháu quên, tuồng như là chết rồi. Là cháu nghe kể vậy.

Và, ngay tại lan can trên thềm nhà khách, trong lớp sương đêm càng khuya càng dày, trong tiếng râm ran của côn trùng, tiếng vỗ cánh điểm nhịp của vợ chồng nhà cò mơ ngủ ngoài cây duối dại, cô ca sĩ trẻ kể rành rọt cho tôi nghe về một đoạn đời sóng gió của Nhung. Nhung yêu một họa sĩ nhưng tay họa sĩ này lại được ghép với một cô nhân viên văn phòng huyện. Còn Nhung thì lại được “săn sóc” bởi một cán bộ tuyên huấn đã đứng tuổi. Sau lễ cưới gượng ép giữa người họa sĩ với cô văn thư là những cuộc “phá rào” ngoạn mục của Nhung. Hai đứa trẻ ra đời như hai quả bom nổ giữa thị trấn miền rừng heo hút này. Sau đó là những phương án kiểm điểm, những tiếng oát rồ máy phanh gấp, cửa xe đóng sầm, là hình thức kỷ luật nặng nhẹ. Nhung trở về quê phát nương trồng lúa, xuống suối mò cua bắt cá. Lâu lâu có cuộc hội diễn văn nghệ cô lại được mời lên. Đứa con đầu lớn lên theo bạn lên rừng tìm trầm, vào Tây Nguyên làm thuê bị nạn, Nhung liền nhào đi tìm con, nghe đâu chết trong đó.

Hỡi ơi, Tuyết Nhung! Có lẽ nào đời em lại kết thúc buồn nản đến thế. Mà thôi, biết vậy. Cũng bõ một chuyến đi tìm lại thời trai trẻ. tay cò chân nhện như tôi lo sao hết số phận của bao nhiêu ca sĩ trên trái đất này từ cấp xã, huyện cho đến tầm quốc tế?

Câu chuyện kết thúc ở đây cũng đã dài lắm rồi. Đời người được mấy mươi niên mà cái sự lòng thòng giữa tôi với nàng đã kéo từ đầu những năm 80. Thằng bé tôi gặp bên bụi sim năm nào đã vào tuổi hai mươi. Còn nàng, nàng gửi xác nơi đâu giữa Tây Nguyên bao la?!

Một chuyến công tác kéo tôi vào thành phố Hồ Chí Minh. Sau 32 giờ nằm ườn xác trên toa hạng nhất, tôi đã “tiềm nhập” Sài Gòn. Cũng con đường này, một phần tư thế kỷ trước, cha anh tôi, đồng đội tôi đã đi mất ba mươi năm. Tàu đi qua miền Trung vào ban đêm. Tôi ngủ say trong nhịp lắc đều đều. Trong tôi đã không còn miền Trung, không còn Huế, không còn Đồng Lê.

Cuộc làm ăn với thương trường báo chí sôi động cuốn hút tôi. Gia đình tôi yên vị ở thủ đô. Con tôi hai đứa vào đại học, tốt nghiệp “bằng Xê” Anh văn sắp lên đường đi Úc. Cả nhịp tàu, cả quá khứ, tương lai đều ru tôi bằng điệu đàn êm dịu. Khách sạn ba sao thơm mùi nước hoa đắt tiền. Người phụ nữ trưởng tầng đầy đặn, lịch lãm. Chị giới thiệu cho tôi về lịch sử hình thành Sài Gòn, về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người khai sinh Sài Gòn- Gia Định. Chị kể về chiến dịch Hồ Chí Minh như thể chị là một thành viên trong đội hình quân đoàn tiến về giải phóng thành phố, về xe tăng 843 và chiếc xe tăng đích thực 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập. Chị tìm hiểu về kế hoạch công tác, hành trình và nhu cầu cá nhân của chúng tôi. Câu chuyện mặn mà. Còn gì thú vị hơn sau một hành trình dài đến một nơi lạ lại được tiếp kiến một phụ nữ thơm tho, lịch lãm như vậy. Chị nói giọng Sài Gòn hơi nặng. Những âm tiết có thanh ngã (~) và thanh nặng (.) chị phát âm hơi tù, hiền và dường như được kéo dài ra, không sắc cạnh như người Sài Gòn gốc. Khi chị hỏi tôi: “Zô Sài Gòn, các anh không kiếm chỗ giải trí?” Tôi trả lời: “Không, bọn tôi không quen”. Chị nói: “Hiền lành zữ zậy” thì cái chữ “zậy” nghe như không thật với cách phát âm của người Nam Bộ. Nó gần với âm “vậy” của người Bắc miền Trung hơn là âm “zấy” của người Sài Gòn. Có thể đó chỉ là cái ám ảnh ngữ âm học đeo đẳng tôi từ mấy chục năm. Còn thì, trước mắt tôi vẫn là một phụ nữ Sài Gòn hiếu khách.

Một nữ bồi phòng còn trẻ đẩy cửa bước vào. Chị vội đứng lên, có vẻ hơi vội vàng quá sự cần thiết của một trưởng tầng với nhân viên dưới quyền. Rồi đó, chị đi ra. Buổi chiều, gặp lại cô nhân viên ban sáng, tôi buột miệng hỏi:

- Chị trưởng tầng tên gì vậy?

- Trưởng tầng nào?

- Chị trưởng tầng ban sáng ấy, khi cháu vào phòng chú, còn thấy chị.

- Trời đất! Không phải đâu. Bả nói “zấy” hả. Nè, các chú muốn giải trí thì đi theo bả. Có điều phải coi chừng Công an và mấy ông tám bảy.

Thấy tôi đứng há mồm, cô bé thấp giọng nói tiếp:

- Có điều bả cũng hiền, tội nghiệp lắm đó. Bả vào làm “gái”, nuôi thằng con nghiện hút. Mà, trời! bả hát hay triền miên luôn. Nhất là cái bài gì... bả mà hát thì mấy “sao” ở đây thất nghiệp hết ráo trọi.

Phải có một đêm thao thức. Một đêm mà gần hết các hạt giống thông tin trong bộ nhớ của tôi đều nảy mầm, ra lá, lên cành, động cựa đội đất trồi lên để sáng ra bắt tôi hối hả đi tìm cô bé trực buồng:

- Cháu ơi, thế vậy hôm qua cháu kể...

- Chú hỏi bài hát gì hả, bài ấy ít người hát lắm. Để cháu hỏi mấy đứa. Tụi cháu mà không đuổi bả cũng vì thương bả. Mỗi lần hát cho tụi cháu nghe bả lại khóc. Mà tụi cháu cũng chỉ thu “lệ phí” bằng bài ấy thôi. À cháu nhớ ra rồi. Bài hát có câu đầu như vầy nè... Cô gái hắng giọng bắt chước điệu bộ ca sĩ lựa theo tiết tấu rồi vào bài: “Anh lại đưa em về thăm quê Đồng Lê...” bả hát nhiều lần làm tụi cháu cũng thuộc luôn. Nghe nói Đồng Lê là quê bả.

- Ủa, vậy chị ấy không phải người miền Nam.

- Không, bả giả giọng đó. Quê bà tận ngoài miền Trung. Nghe đâu đời bà bất hạnh vì tình.

- Vậy tìm chị ấy ở đâu?

- Cháu sao biết. Có đoàn khách mới bả sẽ lại tới. Mà phải coi chừng tám bảy.

Trở về phòng tôi chỉ còn biết dậm chân kêu khổ. Ngoài tấm rèm kia là Sài Gòn hoa lệ mênh mông. Biết tìm cô ấy ở đâu! Mà sao tôi lại cứ nghĩ rằng mình sẽ tìm cô nhỉ?! Lấy tư cách gì cơ chứ. Tôi là ai?! Hay tôi tìm gặp chỉ để kể lại công lao hai mươi năm trước đã bế thằng bé đi bảy bước đến cánh gà giơ lên cho cô ta thấy, để cô ta tiếp bài hát “về Đồng Lê” mang về cho huyện tấm huy chương vàng cùng với bao nhiêu tai họa cho đời mình mà thân gái đơn chiếc không sao gánh nổi. Phù phiếm, phù phiếm hết. Và nữa, nếu gặp lại cô, tôi sẽ bắt đầu kể về kỷ niệm cũ như thế nào. Liệu cô có nhớ và nhớ cũng để làm gì khi thằng bé năm xưa giờ này đang nằm thẳng cẳng, mắt nhìn lên trời, sùi bọt mép nếu như không có vài trăm ngàn “nàng tiên nâu” mỗi ngày. Nàng, con nàng cần tiền chứ đâu cần kỷ niệm?! Có lẽ dến cú “nốc ao” này thì trong tôi thực sự không còn miền Trung, không còn Đồng Lê nữa.

Chứng cứ sinh động nhất là sau chuyến công tác, tôi trở ra Hà Nội trên chuyến bay của hãng hàng không Airline.

Huế, 18/ 5/ 2000
N.T.T
(141/11-00)



Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hương trăng (27/05/2010)
Ngày mai (24/05/2010)
Lên non (21/05/2010)
Tiếng gọi câm (20/05/2010)
Gió ngàn (11/05/2010)