Truyện ngắn
Cha và con
09:33 | 14/06/2010
MINH CHUYÊN            Truyện ký
Cha và con
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

1. Người cha

Hai mắt ông ngập trong bóng tối, đôi chân lần tìm, bàn tay chìa lên phía trước quờ quạng không gian. Bản năng lần đường của người mù thật kỳ lạ. Người dân xóm 7 xã Quang Minh kể: phải tới hàng trăm đêm ông Trần Văn Ngô lang thang trên đoạn đường làng khúc khuỷu, vòng vo, ông vẫn ra đúng được cái nghĩa địa ông cần tới. Ông ra để khóc con. Tiếng khóc của ông đêm đêm nghe xé xót, não lòng. Tiếng khóc bay theo gió âm âm, u u vọng về làng. Ông khóc gọi hồn đứa con đang ngủ với đất. Đứa con không nghe thấy tiếng ông. Ông khóc những đứa còn sống, chúng không được sống kiếp “con người”.

Có một đêm mưa giông xầm xập, nhớ con, ông Ngô vác cuốc ra nghĩa địa. Trời tối đen như mực, mắt ông cùng đen như mực. Vậy mà ông vẫn tìm đúng ngôi mộ thằng con đầu lòng nằm giữa hàng trăm ngôi mộ la liệt ở nghĩa địa. Đêm ấy ông không khóc. Mưa to. Ông hì hục đào, quần áo vắt ra nước. Loay hoay mãi ông mới cậy được cái nắp cỗ quan tài. Ông bốc hết hài cốt thằng con rồi cởi áo gói lại, mang về nhà. Ông vào bếp, đặt gói xương lên đống tro, chất rạ đốt...

Tang tảng sáng, ông Ngô lò dò lên nhà. Lần tới đầu giường bà Cam, vợ ông, ông gọi: “Bà dậy đi, tôi đưa thằng con về rồi. Thằng Nhân đầu to dài ngoẵng, bà còn nhớ không. Tôi ăn rồi, còn để phần bà đấy, bà dậy mà ăn đi”.

Nghe chồng nói lảm nhảm, bà biết mấy hôm nay ông không bình thường. Bà ngồi dậy, ông Ngô kéo tay vợ xuống bếp, chỉ vào đống tro: “Thằng Nhân nó đây này”. Nhìn thấy một đống xương và cái hộp sọ trẻ con, bà Cam hốt hoảng kêu lên: “Trời ơi là trời. Bà con ơi, ông ấy nhà tôi điên rồi. Ông Ngô điên thật rồi làng nước ơi”.

Mấy người hàng xóm nghe tiếng la hét chạy cả sang. Ông Ngô điên làm sao? Một người hỏi, bà Cam khóc: Có đời thuở nhà ai lại đi đào mộ con mang về nướng ăn không? Sao, ông Ngô đào mộ con mình ư? Vâng, các ông bà vào đây mà xem. Bà Cam chỉ tay vào đống xương oà khóc. Khổ thân con tôi các ông bà ơi, nó chết mà chẳng được chết yên thân! Mọi người quay sang hỏi dồn dập ông Ngô. Tại sao ông lại đào mộ con mình lên. Tại sao ông lại đốt xương nó. Ông Ngô cười khì khì. Tại sao à, tại nó bỏ tôi nó đi. Tôi phải tìm nó về chứ. Ông trừng trừng nhìn vào cái hộp sọ cháy đen thui. Phải không con. Con đã về với ta rồi, hì hì hì...

Mọi người không thể ngờ cái chất độc hoá học mà ông Ngô nhiễm phải ngày ở chiến trường nó lại tai ương, hiểm ác đến thế. Ba đứa con ông, ba số phận bi thảm.

Tưởng chất độc đã trút vào các con, nào ngờ nó lại truyền nỗi bất hạnh sang cả những đứa cháu nội của ông nữa. Ai cũng nghĩ đã trút hết cho con, cho cháu, máu ông hết độc, ngờ đâu nó vẫn phun mù hai con mắt của ông, rồi lại phun lên đầu ông, biến ông thành một gã tâm thần, hoang tưởng.

2. Những đứa con

Ông Trần Văn Ngô khoác ba lô trở về làng. Ngày ấy cách nay hơn 30 năm. Ở chiến trường 19 năm ông không hề dính mảnh đạn nào. Ông cho mình cao số, bom đạn đều phải né tránh ông. Ngày mới phục viên, ông đi cày, thồ phân, cuốc ruộng, làm quần quật tối ngày. Rồi ông lấy vợ, hy vọng sinh con, đẻ cháu như bao người dân trong làng. Nhưng cái ước mơ nho nhỏ ấy ông đâu có được. Bắt đầu từ khi vợ ông sinh đứa con trai đầu tiên, hiểm hoạ dồn dập đổ lên gia đình ông.

Đứa con vừa sinh ra, nhìn thấy con, vợ ông thất thần rú lên. Đứa bé da đen, lông dày, cổ rụt, hai chân bé tí, cái đầu dài ngoẵng. Hơn một năm sau, đầu đứa bé phát triển to “khổng lồ” như bị úng nước. Ông Ngô đặt tên con là Trần Văn Nhân. Càng lớn, lông trên người Nhân càng sù ra và cứng. Được 5 tuổi thì Nhân qua đời. Vợ ông có mang rồi lại sinh con lần thứ hai. Lần này đẻ sinh đôi, một trai, một gái, cũng như lần đầu, bà thất thần hét lên khi nhìn thấy mặt hai đứa con. Thằng con trai không có khuyết tật gì, da trơn tru, cái đầu không to và dài như anh nó. Còn đứa con gái, ai cũng lè lưỡi, lắc đầu. Toàn thân con bé đen như tro. Lưng và cổ lông đen dày đặc như lông gấu. Ông Ngô đặt tên cho thằng con trai là Trần Cao Nguyên để nhớ kỷ niệm 19 năm chiến đấu ở Tây Nguyên. Đặt tên đứa con gái là Thủy. Vì có người bảo con bé giống như người nguyên thuỷ. Nuôi hai đứa con dặt dẹo, đau ốm triền miên, hai vợ chồng ông cơ cực. Trần Cao Nguyên tuy lành lặn, nhưng được 10 tuổi thì biểu hiện khác thường. Vẻ mặt đần dại, luôn sợ ánh sáng và thỉnh thoảng vô cớ la hét. Có sáng dậy, không thấy, mọi người cuống quýt đi tìm mới phát hiện Nguyên đang ngủ trong bụi hoa mẫu đơn. Có đêm chui vào bể nước mưa ngâm mình lục sục tới sáng. Khổ sở nhất là nuôi bé Thủy, Dưới lớp lông đen trên bụng, trên lưng thồi lồi ra những u, nhọt to bằng quả cà, quả táo, đỏ thĩm, nước mủ ri rỉ, thối khẳm. Có đợt sốt cao liên miên, Thủy nằm rên rỉ, vật vã và khóc hàng tháng liền. Vợ chồng ông xoay xở, vay mượn chạy chữa cho hai con, đi hết viện này, đến ông lang khác vẫn không khỏi. Nhiều lúc ông Ngô ngồi nghĩ thôi thì mặc cho số phận muốn xô đẩy đến đâu thì đến, vợ chồng ông làm sao mà chèo chống được.

3. Hai mươi năm sau

Trần Thị Thủy, em bé da đen, lông dày như lông gấu, thân thể u cục, vẫn sống, trở thành cô gái Thủy hai mươi tuổi. Khuất sau những chòm lông đen trên khuôn mặt là đôi mắt đen láy, thông minh. Mái tóc Thủy dài mượt đen óng. Các u cục trên người Thủy đã khô miệng, đen dăn dúm, được phủ một lớp lông màu tro, mềm mại.

Trần Cao Nguyên, sống lay lứt rồi cũng trở thành một chàng trai trong lòng. Nguyên lầm lì, ít nói, hay đãng trí, không bao giờ cười và cũng chả bao giờ tức giận. Đêm tỉnh giấc thường hay ngồi hát một mình, hát những câu buồn tẻ vu vơ.

Ông Trần Văn Ngô kể: khi Nguyên tròn 20 tuổi, một hôm tôi hỏi, con đã lớn rồi, có muốn lấy vợ không, bố mẹ hỏi vợ cho con nhé. Cháu ngồi thừ ra không nói gì, hai mắt nhìn tôi lạ lắm. Tôi nhận ra mắt cháu quả là không bình thường. Vừa như mắt của người oán hận, căm thù, vừa như mắt của người điên dại, đờ đẫn.

Ông Ngô tiếp: Một tháng sau thấy cháu Nguyên tỉnh táo, tôi lại bảo, con đã trưởng thành rồi. Con phải lấy vợ mới có tương lai. Con có đồng ý lấy vợ không. Cháu Nguyên gật đầu. Vợ chồng tôi vui lắm. Hôm sau nhà tôi hỏi lại, bố mẹ lo vợ cho con nhé. Cháu lại gật. Thế là gia đình tôi lo vợ cho cháu. vợ cháu là Nguyễn Thị Lan ở Trực Nhô, làng bên cạnh. Từ ngày có vợ cháu đỡ lầm lì, đôi lúc biểu hiện cử chỉ rất tình cảm. Cả nhà đều vui. Rồi vợ cháu có mang. Nhà tôi mừng lắm, bà ấy hy vọng có đứa cháu đích tôn để nối dõi sau này.

Ông Ngô tâm sự tiếp: Riêng tôi, vui thì vui, nhưng trong lòng vẫn lo nơm nớp. Nghe người ta nói ở Hà Tây có gia đình ông bố bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường, con trai bị mắc bệnh tâm thần. Khi khỏi bệnh, lấy vợ, vợ lại đẻ ra đứa trẻ quái thai. Đứa trẻ có hai cái đầu dính liền với nhau. Chất độc đã di truyền huỷ diệt cả 3 đời cha, con ông cháu của ông ta, rùng rợn quá. Liên tưởng tới hoàn cảnh của mình, tôi có linh cảm một cái gì đó mơ hồ, không bình thường, đang ẩn náu trong cơ thể người con dâu của tôi. Điều linh cảm ấy quả không sai. Vợ cháu Nguyên hôm sinh nở, nhìn thấy mặt con, choáng váng, ngất xỉu ngay trên bàn đẻ. Thằng bé y như bác nó hơn 20 năm trước. Chân ngắn cũn, bé tý đầu to sù. Nhưng bất hạnh hơn bác nó là trên mặt có 4 cái mắt và người đầy lông. Sống được 3 ngày thì cháu qua đời.

Một năm sau, ông Ngô kể tiếp, vợ cháu Nguyên lại sinh cháu Linh này đây. Ông chỉ tay vào đứa cháu nội ông đang bế, vẻ ngậm ngùi, xót đau, im lặng. Một bà hàng xóm sang chơi thấy mọi người chăm chú nhìn bé Linh, bà kể: Khi mới sinh, đầu cháu rụt như con ba ba. Chân tay quặp chặt vào nhau, cổ cứng đờ, cứ nghênh nghênh. Đến nay đã hơn một năm rồi vẫn co cứng, ngu ngơ, cái đầu thỉnh thoảng lại giật giật như các bác thấy đấy. Cháu khóc suốt ngày, suốt đêm. Đi hết viện tỉnh, viện huyện chữa, không khỏi, về nhà vẫn khóc. Có lẽ trong người thằng bé có cái gì làm nó đau đớn, khó chịu lắm nó mới kêu khóc liên tục như vậy.

Từ ngày sinh hai đứa con tật nguyền, một đứa chết, một đứa nửa chết, nửa sống. Trần Cao Nguyên trở nên trầm lặng. Nhìn vợ ngồi ôm con sụt sùi khóc anh thờ ơ. Con bệnh trầm cảm của Nguyên do chất điôxin trong dòng máu của người bố truyền sang ngày càng nặng thêm. Thờ ơ với vợ, với mọi người, nhưng khi thấy con lên cơn co giật, quằn quại, đau đớn, hai hàng nước mắt Nguyên trào ra. Nhưng sự xúc động chỉ trong chốc lát, sau đó Nguyên lại rú lên cười vẻ mỉa mai như người bất cần. Đặc biệt cơ thể Nguyên suy sụp và già đi rất nhanh.

4. Hai cha con

Chúng tôi trong đoàn Hội Chữ thập đỏ tỉnh về xã Quang Minh thăm và trao quà từ thiện cho gia đình ông Trần Văn Ngô. Vừa bước vào sân, thấy một ông già mặt mày dăn deo, nhăn nhó, vẻ đau ốm, đầu bạc quá nửa, ngồi trên chiếc ghế, tựa lưng vào cây cột trước hiên nhà. Đoán là ông già thân sinh ra anh Nguyên nạn nhân chất da cam. Mọi người lên tiếng:

- Chào cụ ạ! Tôi cất tiếng hỏi: Ông Ngô có nhà không hả cụ?

Ông cụ không nói, không rằng, cứ ngơ ngơ nhìn khách. Rồi bỗng dưng ông cười, nụ cười vô hồn, nhạt nhẽo. Mọi người nghĩ có lẽ là ông già nghễnh ngãng, không nghe thấy gì. Chúng tôi bước qua bờ hè vào trong nhà. Một “ông già” khác đang nằm trùm chăn trên giường, thò đầu ra, thấy có khách, ông trở dậy, lững thững bước ra phía bàn pha trà. Một người bạn của tôi hỏi:

- Bác là bác Ngô phải không ạ?

Ông già vẻ lừ khừ, một lúc sau ông nói:

- Vâng, tôi là Ngô, mời các bác uống nước đi kẻo nguội!

Tôi hỏi:

- Người con và người cháu của bác bị di chứng chất da cam, bây giờ ở đâu ạ?

Ông Ngô đậy nắp vung ấm trà, rồi giơ tay chỉ về phía “ông cụ” tóc bạc ngồi ngơ ngơ trước cửa nhà. Ông nói:

- Cháu nó đấy. Con tôi đấy.

Mọi người cùng ngớ ra. Trước lúc về Quang Minh, chúng tôi đã được nghe cán bộ ủy ban chăm sóc trẻ em tỉnh nói sơ sơ trường hợp con trai ông Ngô bị chất da cam làm biến sắc tố và đột biến gien cơ thể. Đứa con của ông còn ít tuổi nhưng trông già như cha. Khi gặp, chúng tôi thật không ngờ, người con của ông Ngô lại là “ông cụ” này.

Trần Cao Nguyên tức “ông cụ” từ từ đứng dậy bước vào nhà. Chúng tôi chăm chú nhìn theo “ông cụ”. Nguyên lặng lẽ giương hai mắt nhìn lại rồi lững thững bước vào căn buồng phía trong.

- Cháu mới ngoài hai mươi tuổi, các bác thấy đấy, như ông cụ bảy mươi vậy. Đã thế lại bị bệnh thần kinh nữa. Suốt ngày chỉ ngu ngu, ngơ ngơ. Nhiều lúc cứ lẩm bẩm nói chuyện một mình! Ông Ngô nói. Một người trong đoàn hỏi:

- Bác bị nhiễm độc ở đâu, năm nào, có thể cho chúng tôi biết được không ạ?

- Vâng, ông Ngô chậm rãi kể: Ngày 2 tháng 10 năm 1970, đơn vị tôi đang trú quân tại một khu rừng ở Quảng Đà, máy bay Mỹ ập đến ném bom và sau đó chúng rải thảm chất độc da cam xuống khu rừng này. Tôi bị thương ở cánh tay, không nặng lắm, nhưng bị ngạt chất độc, ngất, mê man không biết gì. Nhiều anh em không bị mảnh bom, nhưng ngộ độc chất da cam nằm bất tỉnh, đều được cáng vào bệnh viện cấp cứu. Những ngày sau đó anh em đơn vị đến thăm chúng tôi cho biết: Khu rừng nơi đơn vị tôi đóng quân bị rải chất độc điôxin, cây cối úa vàng, lá rụng hết, cả khu rừng trơ trụi. Đơn vị đã chuyển đi khu rừng khác rồi.

Ông nói tiếp:

- Những ngày sau đó, máy bay Mỹ tiếp tục thực hiện chiến dịch “khai quang” bằng vũ khí hoá học. Khu rừng đơn vị tôi mới đến, lại bị rải thảm chất da cam. Lần này 9 anh em chúng tôi bị ngạt chất độc, nhiều người nhiễm nặng chết ngay sau đó, còn lại hầu hết phải vào bệnh viện. Sau ngày hòa bình, anh em đơn vị tôi, những người sống sót trở về, nhiều người bị di chứng chất độc. Người thì chất da cam phát thành bệnh nặng rồi qua đời. Người thì sống, không ra sống, chết không ra chết. Người thì nung bệnh rồi truyền cho con, cho cháu. Cái thứ chất độc dã man vô cùng, độc hại vô cùng, các anh ạ.

Ông xúc động lặng đi rồi sau đó cúi xuống mở cái hòm tôn, lấy ra một xấp giấy đưa chúng tôi và nói:

- Tôi vừa viết xong lá đơn yêu cầu ông giám đốc công ty Monsanto của Mỹ, nơi sản xuất loại hoá chất sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, phải bồi thường cho chúng tôi, cho các nạn nhân di chứng nhiễm độc da cam ở Việt Nam. Nhờ các anh xem rồi góp ý cho tôi. Tên, địa chỉ công ty sản xuất chất độc da cam ở Mỹ nêu trong lá đơn này, tôi phải nhờ người cháu ở Hà Nội đọc sách báo, tra cứu gần một năm mới tìm thấy đấy.

Một đoạn nội dung lá đơn, Trần Văn Ngô viết: “...Ông giám đốc công ty Monsanto, ông hiểu chất điôxin của công ty ông đã sản xuất, để người Mỹ đưa sang Việt Nam, dùng “khai quang” cây rừng, tiêu diệt Việt cộng, những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ hai mươi, hậu quả như thế nào chứ? Nó không chỉ tàn phá hàng triệu héc ta rừng của miền Nam Việt Nam. Nguy hại hơn là nó đã ngấm vào cơ thể của hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó có tôi, con tôi, và cháu tôi. Suốt 30 năm qua, chất độc da cam của các ông đã gây thảm họa khôn lường, làm cho con người sống dở chết dở, chết trong quằn quại, đau đớn. Cái chết truyền từ đời bố sang đời con, từ đời con sang đời cháu... Và nó còn di truyền không biết đến bao giờ? Hàng triệu người di chứng chất độc biến thành những con bệnh quái ác, bại liệt, ung thư, mù điếc, dị tật, chân tay co quắp... Hàng chục vạn người đã phải lìa bỏ cõi đời khi tuổi còn rất trẻ. Hàng chục vạn đứa trẻ thuộc thế hệ thứ 3 như cháu tôi đang phải sống trong cảnh thân tàn, bại liệt vì chất độc da cam của người Mỹ mà chính công ty của ông sản xuất ra. Vậy mà suốt hơn ba mươi năm qua, công ty của ông, người đứng đầu công ty như ông không hề đoái hoài chi tới hậu quả này. Chúng tôi, các nạn nhân Việt Nam không thể ngồi im chờ đợi cái chết, trong khi những kẻ gây tội ác, gây ra cái chết vẫn làm ngơ, né tránh tội ác, chúng tôi sẽ gửi lá đơn này tới “Toà án lương tâm” của toàn nhân loại, buộc các ông phải có trách nhiệm. Buộc người Mỹ và công ty Monsanto của ông phải bồi thường gia đình tôi và bồi thường hàng triệu gia đình nạn nhân Việt Nam khác đang chịu đựng hậu quả thảm khốc do chất độc da cam của các ông gây ra.

Mọi người đang chăm chú xem và góp ý kiến bổ sung cho phần nội dung lá đơn của ông Ngô thì bỗng có tiếng đánh rầm từ trong buồng ngủ. Trần Cao Nguyên (ông cụ) bước ra, hai hàm răng nghiến lại, vẻ giận dữ, tay cắp thằng con hơn một tuổi, đi tới trước mặt mọi người, anh ta giơ tay, định ném thằng bé xuống đất. Chúng tôi sấn tới giằng giữ, ngăn lại. Ông Ngô nhăn nhó nói:

- Cháu nó lại lên cơn tâm thần đấy.

Không thực hiện được hành động “điên khùng” của mình, Nguyên cúi xuống, giơ tay gạt hết ấm chén xuống nền nhà, rơi loảng xoảng rồi đặt thằng bé xanh lét, tay chân co dúm lên trên bàn nước. Hai mắt anh ta trừng trừng nhìn ông bố và nói:

- Tôi trả con tôi cho ông đấy. Vì ông mà con tôi khốn khổ thế này.

Ông Ngô cúi đầu đỡ cháu:

- Khổ thân cháu tôi. Bố cháu nó lại điên rồi.

- Vâng, tôi điên, ông điên, con tôi điên. Nhưng ông có hiểu vì sao cả cái nhà này điên không? Vì sao bao nhiêu năm qua, ông, tôi và bây giờ cả con tôi nữa phải sống lay lắt thế này. Vì sao?

Ông Ngô vẻ mặt đau khổ:

- Vì người Mỹ, con ạ. Người Mỹ họ rải chất độc ở chiến trường, bố nhiễm độc, thế nên con và các con của con mới phải mang bệnh hiểm nghèo!

Nói rồi ông Ngô ngồi khóc. Ông khóc cho thân phận của con ông, cháu ông và khóc cho cả thân phận của ông nữa. tiếng khóc của ông làm chúng tôi cũng không cầm nổi nước mắt.



5. Người con hoang tưởng

Sau cái ngày Trần Cao Nguyên hai tay cắp thằng con trai, giơ lên định “đập chết” trước mặt người cha, tâm thần Nguyên trở nên hoang tưởng cực độ. Chất độc diôxin và cảnh tượng đứa con dị tật đã kích động biến anh thành người hoàn toàn vô thức. Một đêm mưa tầm tã, sấm chớp đùng đoàng, Nguyên đội mưa bỏ nhà ra đi, để lại người vợ trẻ và đứa con bệnh tật. Ra đi, Nguyên chẳng biết mình đi đâu, về đâu, lang thang, nay đây mai đó, nhặt nhạnh, xin ăn, sống kiếp mộng du của một kẻ tâm thần hoang tưởng.

Ông Ngô, bố của Nguyên cho biết: Người cùng làng, có lần gặp Nguyên ở nghĩa địa huyện Hóc Môn mãi tận trong Sài Gòn. Cháu giúp việc cho người quản trang và sống nhờ hoa quả, xôi thịt do người ta mang tới lễ mộ để lại. Có người nói họ gặp cháu lang thang ở chợ Bến Thành. Một anh bạn của cháu vào trong đó làm thuê bảo: anh ta gặp Nguyên xin ăn ở ga Hòa Hưng. Khi nhận ra người quen cùng làng, Nguyên cứ trừng trừng nhìn rồi hu hu khóc. Anh ta móc túi cho Nguyên ít tiền, cháu Nguyên không nhận, bỏ đi. Từ đó đến nay bặt tin. Hoàn cảnh gia đình tôi chẳng có điều kiện vào Sài Gòn tìm cháu. Không biết cháu còn hay cơn bệnh phát ra, chết ở đâu đó rồi.

Ông Ngô nói tiếp: cháu Nguyên bỏ đi không phải vì cháu sợ con nó dị dạng, mà cháu thất vọng. Thất vọng trong sự hoang tưởng của bệnh tật. Vì chính cháu cũng mang di chứng chất độc trong người. Cái thứ chất độc tàn ác quá. Nó đã triệt hại bao gia đình, triệt hại cả ba đời ông cháu tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ: thằng cháu Linh đây, giá như nó lớn lên, nó lấy vợ, nó sinh con, liệu con nó, chắt của tôi, có còn bị như thế này không?

Sau ngày Trần Cao Nguyên bỏ đi lang thang, gia cảnh ông Trần Văn Ngô càng trở nên bi thảm. Có con gái Trần Thị Thủy, dân làng thường gọi là cô gái “hình người, da gấu” bị bội nhiễm độc tố, phát bệnh nặng. Các u cục thồi lồi dưới lớp lông đen, sưng tấy, máu mủ vỡ ra ướt đẫm cả áo. Thủy sốt cao, thỉnh thoảng co giật. Có lúc thoi thóp, run rẩy. Bé Linh con của Trần Cao Nguyên sau hơn một tháng vật vã khóc, đến khi không còn đủ sức phát ra âm thanh tiếng khóc thì lại rất sợ ánh sáng. Nhiều lúc bé nhoài vào gầm giường nằm im hoặc bò vào bóng tối úp mặt xuống đất. Một gia đình nông dân nghèo, hàng chục năm chạy chữa cho con, cho cháu, kinh tế gia đình ông Ngô kiệt quệ. Ông không thuộc diện thương bệnh binh. Nạn nhân nhiễm độc da cam, những năm đầu không có chế độ gì hết. Gần đây mới có chút trợ cấp nhưng chả đáng là bao. Ba cha con ông cháu ông mỗi tháng được hơn 200.000 đồng, chỉ đủ tiêm vài ba ngày cho đứa cháu lên cơn co giật. Vợ chồng ông phải xoay xở, vay mượn. Đồ đạc trong nhà có cái gì đáng giá đều đã đưa đi chợ. Có lúc cơn nguy kịch, gia đình ông phải vay nợ lãi cao để lấy tiền cứu con, cứu cháu. Lần này, ông Ngô cảm thấy bế tắc, khó khăn quá. Bà con làng xóm hầu hết cũng nghèo khó và họ cũng đã cưu mang, giúp đỡ gia đình ông nhiều rồi. Xoay xở sao đây? Chẳng lẽ vợ chồng ông ngồi mà nhìn con, nhìn cháu vật vã, đau đớn nằm chờ chết ư?

Ông Trần Văn Ngô kể: lúc ấy tôi nghĩ, hay là mình cõng thằng cháu Linh đi ăn xin. Cõng một đứa cháu tật nguyền đi xin ăn, có thể thiên hạ nhiều người dễ động lòng thương. Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại tôi thấy thế nào ấy. Đi xin thì phải có lời xin. Chả lẽ lại nói: các ông các bà ơi, tôi đi chiến trường, không may bị nhiễm chất độc, về truyền cho con, cho cháu, mới nên nông nỗi này, mong ông bà rủ lòng thương, cứu giúp! Làm thế, tôi thấy mình bị xúc phạm, nhục nhã, chả thà cả nhà cùng chết. Sau đó, tôi quyết định không cõng cháu đi ăn xin.

6. Bóng tối

Nhìn đứa con gái như “da gấu hình người” run rẩy cởi trần cho vợ ông tỉa bớt đám lông xung quanh những cái u, để chúng khỏi cọ sát vào chỗ lở loét, ông Ngô rùng mình, lòng quặn lại. Vừa lúc đó, đứa cháu nội nằm úp mặt, tránh ánh sáng ở góc nhà lên cơn co giật. Ông vội tới giữ chặt thằng bé để nó khỏi đập đầu xuống nền nhà. Chừng mươi phút, hết cơn, người nó mềm nhũn, nằm yên, thở dồn dập, mồ hôi vã ra.

Cả hai đứa con và cháu, bệnh tình tái phát đã gần một tháng, vợ chồng ông cố lo chạy chữa, nhưng chẳng thể lo nổi, đành phó mặc cho số phận. Trong nhà có cái gì bán được, ông bà đã bán rồi. Vay mượn, nợ nần, chồng chất, không thể vay mượn mãi. Ông bảo bà lục lọi trong hòm, trong tủ, còn cái đồ gì bán được nữa không. Bà lúi húi lục tìm rồi bảo ông:

- Nhà mình chả còn cái gì đáng giá nữa. Chỉ có mấy tấm huân chương sao vàng của ông thôi!

Ông bảo:

- Ừ nhỉ, thế mà tôi không nhớ ra. Tôi sẽ mang chúng đi chợ. Bây giờ nhiều người cần huân chương lắm bà ạ.

Bà Cam nói:

- Ông định bán huân chương ư. Không được, huân chương là chiến công đánh giặc của ông. Bán đi thì...

- Vâng, tôi biết, nó là danh dự, là chiến công của tôi. Bán chiến công của mình để lấy tiền chữa bệnh cho con, mình biết hy sinh vì con là tốt bà ạ.

Hôm sau ông Trần Văn Ngô mang tất cả 5 cái huân chương và ba cái huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, đơn vị tặng thưởng hồi ông ở chiến trường, tới chợ La. Ông xếp chúng ngay ngắn trong lòng cái rổ nhỡ, rồi đặt xuống cạnh mấy bà hàng gạo. Những người đi qua thấy ông bán món hàng “đặc biệt” dừng lại nhìn rồi bàn tán. Có người nói: Những tấm huân chương này có khi phải trả bằng máu và nước mắt, sao bác lại bán? Có người bảo: chắc là ông ấy kiếm được ở đâu đó, không phải của mình, đeo, người ta cười cho, không bán để làm gì? Mặc mọi người bình phẩm, ông Ngô vẫn ngồi im. Ông ngồi kiên nại chờ những ông khách mà người bạn của ông dặn. Phải bán cho những tay cán bộ chuyển ngành từ bộ đội, không có thành tích, nhưng vẫn khai được tặng thưởng huân chương. Họ rất cần những tấm huân chương làm minh chứng, để cơ quan không nghi họ là khai man. Có huân chương, có thành tích, họ mới lên ông này, bà nọ nhanh. Nhưng cái chợ nhà quê lèo tèo, chả mấy khi có cán bộ đi mua bán. Ông ngồi tới gần tan phiên chợ vẫn không có ai hỏi mua. Ông Ngô đành mang về, chờ hôm sau đi chợ huyện.

Đi trên con đường từ chợ La về nhà, chưa đầy cây số, hôm ấy ông Ngô thấy người khác lạ. Đôi chân ông bước đi, như thể có người nâng lên, khi hẫng hụt, lúc lâng lâng. Hai mắt ông bỗng dưng những quầng sáng xanh đỏ lan tỏa treo lơ lửng trước mặt. Hai hàng cây bên dường như thể cong ẹp xuống rung rinh và màu xanh của cây bỗng hóa thành màu đỏ. Những cái ao bèo tây hai bên đường lá xanh, hoa tím cũng đỏ au. Con đường cát sỏi ông đang đi cũng hồng lên rực rỡ. Ông chưa kịp nhận ra vì sao mọi cảnh vật trên đời, qua đôi mắt của ông, chúng đều thay đổi. Giữa lúc hoang mang cực độ, một cảm giác kỳ lạ ập đến ông. Ông vẫn bước đi đều đều, nhưng hai bàn chân hình như không tới đất, ông đi như bơi trong không gian. Đến lúc thùm một cái, lạnh toát thân thể, ông mới mơ hồ nhận ra mình đã lao đầu xuống nước.

Những người đi chợ về, phát hiện, họ nhảy xuống ao kéo ông lên. Mọi người xúm vào hà hơi, thổi ngạt, dựng hai chân ông lên trời để nước trong bụng dốc ra. Rồi khiêng ông vào một trạm xá gần đấy.

Từ đó, đôi mắt ông Ngô cứ mờ dần, mờ dần. Và ít lâu sau đôi mắt ngập tràn bóng tối. Ông không còn nhìn thấy đứa con vật vã trong cơn đau. Không nhìn thấy vợ ông ngày ngày lau rửa u cục lở vỡ, rỉ máu trên thân thể đứa con. Không nhìn thấy đứa cháu nội lên cơn thần kinh co giật ở góc nhà. Không nhìn thấy, những tiếng kêu khóc, rên rỉ và tiếng quằn quại, dãy dụa của chúng vẫn dội tới làm trái tim ông đau quặn.

7. Đứa con sang Mỹ

Việc kiện người Mỹ buộc họ phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam được dấy lên khắp nơi. Hội Cựu chiến binh xã Quang Minh đã gợi ý và hướng dẫn ông Trần Văn Ngô thảo đơn khởi kiện. Lá đơn đã viết xong, ông định gửi đi Mỹ ngay, nhưng sau đó lại thôi. Vì thế, ông Phạm Hoàn chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đã đến tận nhà. Ông Ngô bảo:

- Tôi đã nghĩ kỹ rồi, anh Hoàn ạ. Tôi không gửi nữa đâu! Ông Hoàn nói:

- Sao bác lại không gửi? Cả nhà bác, ba thế hệ cha, con, cháu đau đớn thế này. Chẳng lẽ bác lại tha thứ cho chính kẻ thù đã gây tội ác cho gia đình mình ư?

Ông Ngô ra hiệu cho ông chủ tịch Hội Cựu chiến binh bình tĩnh, rồi thủ thỉ tâm sự:

- Đúng, gia đình tôi đau đớn thật. Con tôi, một đứa tâm thần đi lang thang. Một đứa thế này đây. Ông chỉ tay về phía người con gái đang nằm run rẩy trên góc giường. Đứa cháu nội nửa sống, nửa chết. Còn tôi thì... Đó là một nỗi đau, thực lòng, đau lắm. Giờ đi kiện kẻ gây nên nỗi đau cho mình, mình thêm một nỗi hận nữa. Một nỗi hận, một nỗi đau, thành hai nỗi trăn trở. Một nỗi đã cực lắm rồi.

Ông Ngô tâm sự tiếp:

- Đất nước mình có được cuộc sống hòa bình như hôm nay, cũng phải trả cái giá cho nó chứ. Anh cứ coi gia đình tôi và gia đình của đồng đội tôi là cái giá trả cho sự bình yên. Nghĩ thế, thực lòng, cả nhà tôi đau đớn thật, nhưng nỗi đau có ý nghĩa, nó cũng dễ chịu hơn. Có hòa bình, sự hy sinh như gia đình tôi và bao đồng đội của tôi là tất yếu. Tôi nói thật lòng đấy.

Ông chủ tịch Hội Cựu chiến binh nghe ông Ngô dãi bày, vừa ngỡ ngàng, vừa cảm phục. Ông nghĩ, đất nước mình có những người con thật kỳ diệu. Người lính trở về cũng thật anh hùng. Ông nói:

- Bác là một người lính chịu đựng hy sinh quá lớn. Đúng là một người lính hy sinh vì mọi người. Thay mặt Hội Cựu chiến binh xã, tôi xin ghi nhận những suy nghĩ của bác. Chỉ có điều hoàn cảnh gia đình bác như thế này, chính sách nhà nước có là bao. Địa phương ta lại khó khăn, chẳng giúp gia đình bác được mấy.

Ông chủ tịch Hội cựu chiến binh xã ra về, ông Ngô đứng dậy chào, rồi dò dẫm bước lại phía cái bàn thờ tổ. Ông lấy lá đơn kiện người Mỹ để trong cái hòm đặt trên bàn thờ. Một tay với bó hương trầm và cái bao diêm. Ông giơ tay lần lần theo vách cánh cửa, bước ra ngoài hè rồi ngồi xuống. Ông lặng lẽ bật diêm, đốt hương, một bàn tay cầm lá đơn châm vào ngọn lửa. Lá đơn cháy bùng bùng. Hơi nóng phả vào mặt ông. Ông không nhìn thấy ngọn lửa, nhưng hình dung nó cháy rất nhanh. Những tàn tro đen từ lá đơn đang cháy theo ngọn gió, bay lên trời cao. Cả làn khói hương nghi ngút cũng bay lên trời cao. Rồi tất cả tan vào mênh mông, không gian.

Một người Mỹ tên là E. Jum Walte tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam những năm sáu mươi. Ông đã từng tham gia rải chất độc hóa học ở các vùng Tây Nguyên, Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Khi đó, trong tâm thức của ông, rải hóa chất khai quang cây rừng để tìm Việt cộng, tránh sự nguy hiểm cho quân đội Mỹ. Sau đó trở về Mỹ, ông mắc bệnh mộng du trầm cảm. Đêm nằm ngủ thường gặp những cơn ác mộng và những giấc mơ kinh hoàng. Ông mơ thấy toàn những linh hồn thơ dại, không rõ hình hài, bám đuổi đòi ăn thịt ông. Giấc mơ khủng khiếp ấy cứ lập đi lập lại suốt nhiều năm liền. Có đêm ông vừa nhắm mắt, những hình hài vẻ đau đớn gào thét bấu chặt lấy người ông, dằn ngửa ông ra, đòi nợ máu.

Sau này khi biết được thông tin, chất khai quang có chứa nồng độ dioxin cực kỳ độc hại, rải ở chiến trường miền Nam đã gây nên thảm họa da cam, làm hàng triệu trẻ em qua đời. Lúc ấy ông E. Jum Walte mới giật mình nghĩ lại những điều mình đã gây ra. Có thể hình hài những đứa trẻ con quằn quại trong giấc chiêm bao chính là những em bé Việt Nam hiện hình báo oán.

Ngày 30 tháng 4 năm 2005 ông E. Jum Walte và vợ đã bay sang Việt Nam, với tư cách là nhà từ thiện, nhưng thực chất là ông sang để “sám hối” tội lỗi của mình đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.

Sau ít ngày rong ruổi ủng hộ từ thiện ở thành phố Hồ Chí Minh, ông ra miền Bắc thăm các nạn nhân di chứng chất độc da cam và được giới thiệu về xã Quang Minh thăm gia đình ông Trần Văn Ngô. Mặc dù đã được nghe giới thiệu, nhưng khi tới nhà, tận mắt thấy cảnh hai cha con và người cháu của ông Ngô, ông người Mỹ rùng rợn, lắc đầu. Ông không lường được thứ chất độc khai quang cây rừng các ông rải ở Tây Nguyên, ông Ngô nhiễm phải, lại tai họa, ác nghiệt đến thế này. Tự dưng ông E. Jum Walte thấy sợ hãi. Ông cảm giác như thể xung quanh nơi ông đứng, người thân gia đình ông Ngô đang bao vây. Họ căm hận, họ nguyền rủa và sẵn sàng lao ra, dùng hung khí băm vằm thân thể ông mà không hề nuối tiếc. Ông lùi ra phía sau tấm cửa, vẻ đề phòng. Nhưng suốt hơn một giờ đồng hồ vừa hỏi chuyện, vừa cảnh giác, ông người Mỹ không thấy động tĩnh gì, không thấy ai thù hận. Ông Ngô, bà Ngô hai người đau xót nhất, vẻ mặt vẫn độ lượng, bao dung.

Ông Trần Văn Ngô không nhìn thấy ông người Mỹ, nhưng ông được mọi người cho biết, ông E. Jum Walte chính là kẻ thù gây họa cho gia đình ông, đang đứng cách ông trong gang tấc. Ông Ngô chớp chớp hai mắt và hướng về phía ông người Mỹ, nói:

- Hơn 30 năm trước, giá như gặp ông, tôi đã nhanh tay bắn chết ông rồi. Còn bây giờ ông đừng sợ! Im lặng một lát, ông nói tiếp: có giết chết ông, nỗi đau của gia đình tôi và nỗi đau của hàng vạn gia đình khác cũng không hết được. Tôi chỉ mong ông, khi về nước Mỹ, ông phải nói với người Mỹ rằng: Người Việt Nam sẵn sàng tha thứ cho kẻ gây ra tội ác. Nhưng người Mỹ phải biết hậu quả tội ác của mình. Phải có trách nhiệm với tội ác, đối với các nạn nhân nhiễm độc da cam ở Việt Nam do chính người Mỹ gây ra.

Sau khi nghe cô phiên dịch truyền đạt, ông E. Jum Walte khuôn mặt dịu xuống, vẻ yên tâm. Ông ta nói: Cảm ơn ông! Cảm ơn Việt Nam. Tôi sẽ nói những điều gan ruột ông nói, với người Mỹ của tôi. Trước hết, tôi muốn gia đình ông cho phép được đưa em Trần Thị Thủy sang Mỹ để chúng tôi chữa trị và thay lớp da đen trên cơ thể em. Ông bà cứ yên tâm, chữa bệnh cho Thủy còn là tình người và trách nhiệm của tôi mà.

Trước sự thành khẩn của ông người Mỹ muốn được đưa nạn nhân Trần Thị Thủy sang Mỹ để “tẩy rửa” cái chất độc chiến tranh trong cơ thể em do chính ông ta gây ra. Được sự giúp đỡ của chính quyền, ba tháng sau, gia đình ông Trần Văn Ngô đã tiễn đưa người con gái tật nguyền của mình lên đường sang nước Mỹ.

Giữa những ngày hai người con của ông, một đứa lang thang không rõ sống chết ở nơi nào, một đứa sang Mỹ. Ở nhà chỉ còn bé Linh đứa cháu nội của ông vẫn ngày ngày úp mặt trong bóng tối và lên cơn co giật đã thành chu kỳ. Ông Ngô đổ bệnh gục hẳn. Chất độc trong dòng máu của ông tiếp tục hành hạ ông. Toàn thân ông đau âm ỉ, khó thở, mặt tím tái. Hơi nóng từ trong người bốc ra, qua mũi, qua miệng có mùi hôi hôi, khó chịu. Có lúc ông cảm giác, luồng khí nóng có mùi như thể từ các phủ tạng tụ lại, chạy dọc sống lưng, lan ra khắp cơ thể. Bụng ông dộp lên từng lớp vẩy tê tê. Có chỗ da mọng nước phù nề. Mấy hôm sau những mảng da phù nề vỡ ra, rỉ máu tím như máu đỉa. Rồi những ngày sau đó, ông Ngô mơ hồ nhận ra xung quanh mình, có một thế giới kỳ quái. (sau này khi tỉnh, ông Trần Văn Ngô kể lại). Ông khỏe mạnh, phương phi, khoác ba lô cùng đồng đội hành quân vào chiến trường. Đoàn quân đi rất lạ, những anh bộ đội trước mặt ông toàn là những người dặt dẹo, chân bé tý, đầu dài ngoẵng, rất to. Ông sợ hãi, lùi lại, lập tức những người phía sau xô tới, công kênh ông lên cao, rồi thả ông vào đám mây màu ngũ sắc. Ông Ngô bay theo đám mây. Chừng một lát, đám mây ngũ sắc biến thành màu da cam rực rỡ, bồng bềnh đưa ông lên tận trời xanh...

Ngày hôm ấy, bà Cam vợ ông thấy chồng ăn nói toàn những điều quái gở, nói luyên thuyên. Và đêm đó, cơn hoang tưởng đã đưa ông ra nghĩa địa đào mộ thằng con trai đầu lòng. Ông hoàn toàn vô thức. Hậu quả của loại hóa chất, đầu độc thần kinh đã biến ông thành một người vừa mù, vừa tâm thần.

*
Một năm sau Trần Thị Thủy con gái ông Ngô từ Mỹ trở về. Từ một thân thể “da gấu, hình người” do di họa dioxin, toàn thân phủ một lớp lông đen, Thủy gần như được “lột xác” trở thành một cô khác hẳn. Dù chỉ mới được các thầy thuốc người Mỹ “lột” phần da mặt, cổ, chân tay, thay vào đó là một lớp da bình thường. Riêng từ hai gối chân trở lên tới phần dưới cổ của Thủy vẫn còn lớp da lông đen, nhưng các u cục đã bớt đau buốt. Thủy hồn nhiên nói với mọi người:

- Em được các thầy thuốc ở Mỹ chữa trị, chăm sóc rất tận tình. Người Mỹ họ tốt lắm. Gia đình ông bà E. Jum Walte đối với em như người ruột thịt. Hai ông bà thường xuyên đưa em tới bệnh viện, chăm sóc, thuốc men, lo cho mọi thứ chu đáo. Em được sống trong tình cảm yêu thương của ông bà E. Jum Walte như sống ở nhà mình vậy.

Giá như nhìn được, hoặc nhận biết được người con gái tật nguyền của mình sau những ngày đi điều trị ở Mỹ về, bớt đau ốm, được mang màu da của con người, hẳn ông Trần Văn Ngô vui lắm, hạnh phúc lắm. Còn giờ đây, ông thờ ơ, lặng lẽ như một cái bóng. Hận thù, đau thương, hạnh phúc, ông không còn cảm nhận được. Nhưng mọi người vẫn cảm nhận: cha con ông, cha con người lính trong ông đang phải nén chịu nỗi bất hạnh đến tận cùng, nén nỗi đau của một nhà, để cho muôn nhà được sống trong hòa bình, yên vui.

Hà Nội, 10.2006
M.C
(255/5-10)



 

 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Thím Thoải (10/06/2010)
Hương trăng (27/05/2010)
Ngày mai (24/05/2010)
Lên non (21/05/2010)
Tiếng gọi câm (20/05/2010)