Truyện ngắn
Ngã ba đường 9
15:21 | 18/08/2010
LTS: Tưởng nhớ đến những ngày hoạt động sôi nổi của nhà thơ Thanh Hải trên chiến trường Trị Thiên những năm đánh Mỹ, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc một truyện ngắn của anh viết từ năm 1973.
Ngã ba đường 9
Nhà thơ Thanh Hải - Ảnh: internet
THANH HẢI


Ngã ba đường 9


Trạm gác ngã ba đường 9, một trạm gác lộng gió. Trạm làm bằng gỗ, vuông vắn, nằm ngay giữa trung tâm của những chuyến đi về, xòe hai cây tre chắn đường ra hai bên như hai cánh tay của cô gái Vân Kiều trong điệu múa dân tộc. Hai cánh tay ấy cử động theo một động tác mộc mạc gần như đơn điệu nhưng chân tình, trìu mến. Cánh tay nằm ngang. Mời các anh dừng lại, đường chưa đi được. Các anh xuống xe, đi bách bộ vài bước cho bớt cái co chân, chật chội trên thùng xe. Kìa cái màu xanh non của đồi gần. Kìa cái màu xanh đậm của núi xa. Bóng mây lởn vởn, chập chùng. Đường lên Lao Bảo đây. Đường về Khe Sanh đấy. Các anh hãy đi trong kỷ niệm và bồi dưỡng. Cánh tay giơ lên. Các anh đi nhé, đường thông rồi. Khói bộc phá tan dần đang ngược lên chiều gió.

Người ngồi ở trạm gác điều khiển hai cánh tay ấy là một anh bộ đội cao vừa phải, da sạm đen, có bộ đi nhanh, bao giờ cũng đeo cái còi lủng lẳng ở cổ, cây bút chì trên túi áo. Chiếc còi ấy chỉ lên tiếng khi có một chiếc xe nào đó do “trái tim dưới vòng tay lái” hơi mất bình thường một chút, chạy quá tốc độ khi gần đến ba-ri-e hoặc đỗ sai nơi quy định. Sau khi còi lên tiếng, cây bút chì làm việc: số xe… của… ngày… giờ…

Xe chúng tôi đỗ ở ngã ba chờ người trên Lao Bảo về. Khí hậu mùa này ở vùng đường 9 quả thật khó chịu. Nắng lên, nóng. Mây che khuất mặt trời, gió, lạnh. Trời như đang trong cơn sốt thất thường. Tôi đến tránh ở hướng tây khuất sau bức tường gỗ của trạm gác. Ở đây tôi đứng gần như sau lưng anh bộ đội coi trạm.

- Xe vào quân khu hả? Xin mời…

Anh bộ đội coi trạm không hút thuốc nhưng ngả người ra, mắt lim dim, hễ hả nhìn theo làn bụi cuộn lên đặc quánh, vàng nhợt rồi kéo dài như một làn khói rơm sau đoàn xe. Chúng nó lại vào. Những khuôn mặt trẻ măng gợi nhớ một cái gì, gợi suy nghĩ một điều gì. Cái gợi nhớ lâng lâng, tươi mát; cái suy nghĩ phơi phới, trẻ trung. Ra trận. Đi chiến trường. Như vậy đấy à! Mà mình cũng ở chiến trường đấy chứ. Điều mơ ước, tưởng tượng của anh khi còn ở quê làng, bây giờ hóa bình thường, quá đổi bình thường. Anh đã chuyển cái mơ ước, cái tưởng tượng hào hùng thi vị ấy qua cho người khác, những người khác, những đoàn xe…

- Ba hả?

Cánh tay giơ lên. Chúng nó đi phép. Nét mặt của những chàng đi phép náo nức lạ. Nếu xe dừng lâu ở ngã ba này anh có thể đọc được tiểu sử sơ lược của những anh chàng ngồi vắt vẻo trên thùng xe qua từng nét mặt. Anh này đăm đăm, lông mày nhíu lại, đôi môi tươi, kín đáo. Anh chàng có vợ, có con và giàu sức tưởng tượng. Ngồi đây mà anh đã mơ về quê nhà. Anh này trẻ nhưng thoáng nét ưu tư. Người yêu có vấn đề gì chăng? Còn mình? Sáu năm hơn rồi đấy nhỉ. Mỗi lần có xe đi phép qua, anh nhìn ngang, nhìn ngửa, bắt gặp một nét mặt quen, anh reo lên và trong gió đường 9 anh chạy theo gửi một lá thư. Lâu lâu những đứa đồng hương đi phép vào, dừng xe lại năm ba phút, trao anh một lá thư, một bao thuốc, một gói quà, một mớ tin tức bề bộn, cái sau thành cái trước, cái vừa qua thành cái đã qua. Rồi xe đi…

- Anh, vợ con anh đấy à?

- A… đồng chí!

Anh bộ đội coi trạm gác định nổi nóng với tôi nhưng lại thôi, không nói nữa. Một tấm ảnh cỡ 9x12 để trước mặt. Trong ảnh, một người mẹ uốn tóc dài trùm lấy khuôn mặt xinh xắn đứng cạnh đứa con gái lên năm, lên sáu. Hai mẹ con nói gì qua cái nhìn tươi tắn, thăm thẳm ấy, cái nhìn của ngàn tiếng nói, của trăm lá thư. Anh ạ, em với con đấy. Anh đi được năm tháng thì em sinh. Bây giờ con đi mẫu giáo rồi. Thùy Dương ngoan lắm! Hôm anh Định về phép qua nhà Thùy Dương cứ hỏi mãi… Đôi mắt anh từng hôn lên đó nhòe đi, ươn ướt. Đừng yếu đuối vậy em ạ. Bao nhiêu lá thư về anh đã viết: đất nước còn bóng giặc. Bao nhiêu lá thư gửi vào em đã viết: anh yên tâm.

Lại một đoàn xe nữa vào quân khu. Anh bộ đội coi trạm gác vội vàng kéo cây tre lên.

- Đi nhé! Tuấn, mày không nhận ra tao à? Chuyến này tao đi xa đây…

***

Tiếng còi ô tô gọi liên hồi. Xe trong ra. Ngoài này còi cũng gọi liên hồi. Xe ngoài vào đông hơn, tiếng còi lạ tai hơn. Không phải tiếng khét, chói tai của Din430. Cũng không phải tiếng ồm ồm, giọng trầm của anh chàng ba cầu. Nó như đánh nhịp, bông đùa. Một anh lái nào vui tính, bốc đồng chăng? Anh bộ đội coi trạm gác thổi còi cho chiếc xe trong ra dừng lại. DD 3402. Xe đi phép. Mời các vị bớt hồi hộp một chút, nhường đường cho người vào chiến trường. Anh DD 3402 đỗ sịch một bên đường. Chiến sĩ trên xe phóc xuống, uốn người, nhảy nhảy. Một anh bộ đội chậm chạp xuống sau, khẽ đặt giò phong lan xuống thềm xe. Một con két lông xanh mịn đậu trên vai anh nhúc nha nhúc nhích. Quà chiến trường cho con bé đây. Anh đủng đỉnh đi đến bên ba-ri-e. Cây tre chắn ngang đường sương gió mài nhẵn lì. Những bàn tay chờ đợi vuốt lên đó, ánh lên một màu vàng óng. Thời gian đợi chờ soi lóng lánh trong cái màu vàng quen thuộc đó. Tự nhiên anh bộ đội đưa tay mình cầm lấy cây tre. Bụi đất đường 9 theo bánh xe lăn cũng chia vòng theo hai ngả. Gió đẩy bụi chạy vào, tung lên, bốc theo ít lá xào xạc, chạy, cuồn cuộn chạy lên rồi vượt hẳn qua những đồi sim, me, tranh lẫn lộn. Mấy bụi cây cao ở góc đường nằm ngoài tầm gió khẽ đung đưa tàn lá. Dưới gốc cây, mấy viên đá tròn nhẵn bắt làm bếp vẫn ở thế cũ, xa xôi, bâng khuâng. Đôi cột trụ treo võng bám hờ hững ở hai gốc cây đàng xa. Vết lì trên thân cây ôm tròn sinh động nghe có tiếng võng của một đêm rừng. Anh bộ đội đi về phía lùm cây bất chợt hất lên một tờ giấy trắng ngả màu: Một chiếc B.52 và một dãy bom đang rơi. Mấy con cu ngói bay vút lên trời, màu lông óng ả. Chúng không bay thẳng mà lượn một vòng, sà theo gió, rồi chập chờn đậu xuống lùm cây xa. Đoàn xe vào đến ba-ri-e.

Anh bộ đội coi trạm gác lóng ngóng, lóng ngóng thật sự. Anh định kéo cây tre lên, rồi lại thôi. Anh ra cửa, lại vào. Chiến sĩ đi phép dàn cả lên mặt đường.

- Văn công! Văn công!

- Cho anh em bắt tay đi!

Những mái tóc tết đuôi sam. Những mái tóc uốn dài vòng quanh những cái cổ thon. Nụ cười trắng nõn, hàng mi cong chớp chớp. Chiếc mũi dọc dừa, đôi má đỏ ửng. Cặp mắt đen láy, ướt át. Khoảng khắc vẻ đẹp văn công đã hiện cả ra ngoài khung cửa. Một diễn viên - có lẽ là diễn viên xiếc - uốn mình một cái trên xe, nhẹ nhàng rơi xuống mặt đường làm mọi người cười rộ lên.

- Đạt! Đừng tếu đấy, còn để sức…

Tiếng nói từ trong xe vọng ra, làm vẻ già trước tuổi, đứng đắn, tỉnh táo.

- Có chị mới cần giữ sức…

Những tiếng cười con trai nổi lên. Cây tre chắn ngang đường vẫn nằm vậy không sốt ruột, cũng không mời mọc. Anh ta nằm im, vô tư, lơ đãng. Anh bộ đội ban nãy đứng bên lùm cây nhẹ nhàng đi về phía văn công. Tiếng nói trong thùng xe làm anh giật mình. Hai chân kéo anh đi. Anh đi bồn chồn, rất nhẹ, rất nhẹ sợ tan vỡ một cái gì đó đang hình thành.

- Huệ!

Một cái đầu trong thùng xe nghiêng ra, ngỡ ngàng, rồi…

- Anh Hanh! Ôi, anh…

Anh bộ đội coi trạm gác kéo cây tre lên rồi thả xuống. Anh chồm người nhìn ra khung cửa. Chị diễn viên đã nằm trong vòng tay người chồng.

- Con đâu?

- Em đi chiến trường… Anh…

- Anh về phép.

Hai dòng thương nhớ từ từ lăn trên má người vợ. Người chồng mím môi lại, cố hỏi thêm, nhưng tất cả đều tan biến. Năm năm rồi. Bé nga lên bốn. Mặt mũi nó thế nào? Nó ở nhà với bà ngoại. Nó có giống nét mặt nhòa nhòa trước mặt anh không? Đôi mắt ấy. Làn tóc ấy. Năm năm thương nhớ gửi về bây giờ là đây. Em có khác đi đấy chứ. Nào cái bàn tay đánh đàn của người nghệ sĩ nhân dân đã từng ra Cồn Cỏ…

Xe hai đầu ba-ri-e ùn lại, ùn lại. Mấy anh lái xe nóng tính bóp còi inh ỏi. Cây tre chắn đường vẫn làm ngơ. Trên trời một đám mây trắng trôi nhẹ, lơ lững, sà xuống một đỉnh núi xa. Ánh nắng xuyên qua mây, chiếu xuống màu xanh cây rừng, ngời lên sắc nõn ngỡ ngàng, tươi mịn. Lan trên đồi nở hoa màu trắng đục, nhấp nhô, nhấp nhô, bát ngát, vô tận. Đàng xa, màu hoa lẫn trong màu khói bộc phá làm đường nổ lên hàng loạt. Anh bộ đội coi trạm gác lơ đãng nhìn mây, tay gõ gõ tấm ảnh xuống mặt bàn. Người mẹ trong ảnh tách ra, đi xa dần. Bé Thùy Dương rung rung mái tóc lớn lên, lớn lên. Anh ngồi bên con. Vợ anh ở đâu về, đôi má hồng hào… Ra đi. Sum họp. Sum họp. Ra đi. Điều mong ước và điều phải làm cho điều mong ước. Trong ấy, trong xa ấy còn bao nhiêu điều mong ước, hai mươi năm nay vẫn còn là điều mong ước. Ai chỉ nghĩ đến cái mong ước của mình mà quên điều mong ước lớn nhất của đất nước, người ấy … Không! Đất nước chưa yên, quân thù còn đó. Sao lại lo vun quén, suy nghĩ, chăm chút cho hạnh phúc riêng mình?

Một anh lái xe, mặt đỏ bừng, vùng vằng chạy lại.

- Ngủ gật à?

Anh bộ đội coi trạm gác không nói, đưa mắt về phía Huệ và Hanh. Anh lái xe, ngoái lại, sững sàng, giọng thấp hẳn đi, hối hận.

- Họ gặp nhau!

Mây đường 9 sà thấp, ấm áp, trắng nõn. Gió thổi lên cao, lên cao theo những sườn đồi xanh mát. Tiếng đoàn xe nổ máy…

Tháng 12-1973.
T.H.
(3/10-83)




Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Chai bao (30/07/2010)
Một cuộc họp (16/07/2010)
Cha và con (14/06/2010)
Thím Thoải (10/06/2010)