Truyện ngắn
Hướng thiện
10:52 | 26/08/2008
QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.

Hôm sau tôi gặp ông vẫn dáng đi ấy vẫn câu nói ấy, tôi nghĩ rằng chắc ông bị tâm thần. Trong bữa rượu, nâng ly lên môi tôi chợt nhớ về con người lạ lùng đó. Không cưỡng được tôi hỏi bạn; anh kể rằng:
"Không biết lão từ đâu đến, có vợ con hay không, nghe giọng trọ trẹ họ đoán lão từ miền Trung lên. Trước khi lão lên, có mấy anh trên huyện, trên tỉnh về làm việc với ủy ban nhân dân xã. Hôm sau ủy ban huy động thanh niên kẻ tấm tranh người thanh gỗ dựng nên một cái nhà. Gọi nhà cho oai chứ chẳng hơn chòi canh rẫy bao nhiêu. Đúng thôi, ở đây đất vàng đất bạc, lấy đâu đất rộng làm nhà khang trang cho lão, khi mảnh đất đó vừa mặt tiền vừa gần trung tâm xã. Lão làm thuê cho các chủ vườn, rất cần cù lại có kỹ thuật nên ai cũng thích. Cứ nhìn vườn nhà lão mà coi, quanh năm rau quả tươi tốt. Lão dậy sớm, lúc trời chưa tỏ, nhóm bếp lên là ra vườn cuốc đất, dựng rào, tưới đậm nước mới vào ăn đi làm. Thương lão côi cút, thanh toán tiền công rồi chủ vườn thường cho thêm cái áo quần cũ hay gói đường...Có lẽ ngoài tiền công là lão đem về nhà, còn lại đều rơi rớt trên đường. Gặp người bán cream lão cho cái áo, gặp trẻ con lão cho gói đường. Người ta cảm ơn lão lại lẩm bẩm "muộn rồi"..! Không biết lão muốn kết giao với ai không, còn dân tình không muốn. Không phải họ ghét lão vì lão ăn ở chả mất lòng ai, nhưng nhìn cái mặt đen sì nổi những u cục, con mắt vằn những tia máu của lão nên họ không thích. Thế thôi. Sau này có người miệt dưới lên, nhận ra lão..."

Cậu bé Thê họ Lê sinh ở làng Trù Phú, dưới chân núi Ngự. Nhà cậu không tấc đất cặm dùi. Mẹ Thê mất sớm, cha làm nghề đào huyệt trên núi Ngự. Không biết vì thương con hay vì gái góa làng chê mà cha Thê ở vậy. Lũ trẻ làng cùng tuổi Thê đã đeo guốc mộc, tóc để chỏm cắp sách đến trường học dăm ba chữ, còn cậu vẫn lẽo đẽo theo cha lên núi. Cha Thê đào huyệt đẹp, đúng yêu cầu nên nhiều khách. Hơn nữa, cha Thê đã đào không bao gìơ có kiện tụng. Đừng tưởng núi Ngự mênh mông, muốn đào đâu cũng được. Nhiều người ngắm mạch ưng ý, hỏi dò biết đất chưa có chủ, bèn cho người đào. Huyệt đào dang dở có kẻ tới bắt lấp, còn dẫn về xã ăn vạ. Cũng đám đất ấy hôm sau cha Thê đào thì không sao. Người ta bảo cha Thê đi lại với ông xã. Chỉ tội huyệt đào một buổi, cha Thê kéo dài tới mấy bữa, ai cần phải thêm thù lao.
Mỗi lần cuốc xong một lớp đất, cha Thê lên hố, để Thê lúi húi với chiếc xẻng, vớ chai tu một hớp rượu, khà một tiếng rõ to, đưa tay quệt mép giảng giải cho cậu con. " Nghĩa tử là nghĩa tuyệt". Đó là bài học đầu tiên mang tính giáo lý mà Thê học được ở cuộc đời. Khoảng 12 tuổi Thê có một đam mê kỳ quái. Hắn bắt những con nhái bẻ hai chân cho chúng kêu chí chóe đầy thích thú. Một bận cha Thê lên muộn, nách cắp chai rượu nhìn thằng con chơi trò man rợ, mắng:
- Răng mi ác rứa?
- Chưa bằng nghĩa tử là nghĩa tuyệt!
Hắn ngước cái mặt đen nhìn cha, cười khênh khệch. Cha Thê tối sầm mặt,quay đi lau nước mắt...
Thời gian trôi như nước chảy chân cầu. Cậu bé ngày nào trở thành anh chàng Thê lực lưỡng. Trên khuôn mặt đã lún phún hàng ria quanh mép. Những đêm trăng sáng trai gái làng Trù Phú rủ nhau ra chiếc cầu cong đầu làng hát đối. Nhìn cảnh ấy, Thê muốn xông vô nhưng không dám, bởi trong ấy không có ai là bạn bè. Thê một mìmh cô độc, hết lủi thủi lên núi lại ra đồng mò cua bắt ốc. Đêm nọ vầng trăng mười sáu lên cao vằng vặc, từng tốp trai gái cất tiếng hát. Lời hát bay lên quấn lấy ngọn tre lan tỏa khắp không trung. Thê nghe lòng mình rạo rực như lửa cháy trong lồng ngực. Không dằn được, hắn len lén đến ngồi cùng tốp trai làng. Đám hát đang vui bỗng chững lại, tản ra. Còn lại một mình, Thê ức lắm, hắn thề phải trả thù, nhưng bằng cách nào thì hắn chưa biết.
Chiều mùa thu gió biển lên rời rợi. Từ núi về, Thê thơ thẩn trước cổng làng. Từ xa một làn bụi đỏ bay lên, chiếc xe Zepp phóng tới phanh lại bên kia cầu. Một chàng tóc hai mái cao lớn với khẩu col tòng tong trước háng đi vào nhà ông xã trưởng. Những đôi mắt trẻ con cùng lũ con gái nhìn theo, ao ước. Thê nghĩ, muốn oai phong lẫm liệt thì phải đi lính. Nhưng Thê không bằng cấp có đi lính cũng chỉ binh nhì, nhận ra thê, hắn buồn lắm...
Cũng là lúc chính quyền ngụy ra sức cũng cố. Chúng muốn tách cách mạng ra khỏi nhân dân nên rào ấp chiến lược và lập ra dân vệ. Dân vệ là một đội quân ô hợp, kẻ không sức khỏe không bằng cấp, người trốn quân dịch. Đội quân này dưới sự cai quản của một sĩ quan chính qui biệt phái. Mỗi tuần hai buổi kéo nhau đi tập bắn. Tất cả những gì ngắm được chúng đều bắn từ tấm bia mộ trên núi, con cò trắng đang tìm mồi dưới ruộng hay chùm hoa gạo đỏ trên cây.
Nhìn cậu con đã lớn không chữ, không đồng vốn giắt lưng, cha Thê buồn lắm. Thấy tụi dân vệ đi ngoài ngõ, ông chợt nghĩ, cho Thê đi dân vệ may ra đổi đời chăng? Cơm nước xong ông bảo Thê:
- Mày vô dân vệ đi!
- Dân vệ vác súng dài ngoằng - Thê trả lời.
- Mày đòi súng ngắn à? Vào dân vệ, có vài đồng, lúc rãnh rỗi lại giúp tao, không hơn hai người làm một việc?
Vào dân vệ, Thê rất mẫn cán. Hắn luôn được đội trưởng khen ngợi trước hàng quân và không hiểu sao ông ta lại biết hắn mê cô Hiền con ông Hòa cùng xóm. Cô Hiền đẹp người, đẹp nết. Gia đình ông Hòa sống có nề nếp nên được dân làng kính trọng. Mẹ cô Hiền mất sớm, nhiều cô gái vẫn lăm le về làm mẹ kế cô Hiền, dẫu không hơn tuổi cô là mấy. Có mấy đám dạm hỏi nhưng ông Hòa tự để cô Hiền quyết định, nghe đâu người cô Hiền yêu đã lên xanh.
Buổi chiều tập xong đội trưởng dân vệ gọi Thê lại:
- Anh Thê mê cô Hiền?
- Dạ.
- Có muốn tôi bày cách không?
- Dạ. Được thế còn gì bằng ạ. Thê mừng rơn như vớ được của. Tên đại đội trưởng cúi đầu nói nhỏ. Thê gật đầu lia lịa. Vài ngày sau nhà ông Hòa bị tụi dân vệ khám xét. "Cây ngay không sợ chết đứng", ông Hòa ung dung ngồi hút thuốc, mặc kệ tụi dân vệ. Thật bất ngờ, ông choáng váng mặt mày, trời đất xoay tròn, khi thấy Thê đắc thắng lấy từ mái tranh xuống một tập truyền đơn cách mạng.
Ông Hòa bị bắt về đồn núi Ngự. Tụi dân vệ thay nhau đánh đập ông hết sức tàn nhẫn. Cô Hiền chạy khắp nơi tìm người cứu cha. Thân cô thế cô, tiền không có nên ông Hòa bị giam cả tuần, lúc đó tên đội trưởng mới ló mặt.

- Ông cứ nhận mình làm cơ sở cho Việt cộng, bọn lính thôi đánh ông rồi thằng Thê bảo lãnh cho ông về.
- Đổi lại tôi phải làm gì? Ông Hòa quắc mắt hỏi.
- Ông gả con Hiền cho thằng Thê!
Ông Hòa hiểu ra mưu mô của bọn chúng. Đêm đó ông xé áo bện thành dây tự vẫn...
Nhờ thu được tài liệu, bắt được Việt cộng nên tên đội trưởng được khen thưởng điều lên huyện. Thê được lên làm tiểu đội trưởng dân vệ chòm. Bài học thứ hai này hẳn hay hơn bài học đầu tiên mà cha Thê đã dạy.
Nhờ thêm mấy đồng lương dân vệ, cha Thê lại có sức nên thời gian qua cha con Thê đã sửa được mái nhà. Đột nhiên cha Thê qụy bệnh. Việc đào huyệt đã có kẻ thế chân. Tiền thuốc thang cho cha đã ngốn sạch đồng lương dân vệ của Thê, kinh tế gia đình Thê lại túng bấn. Thê thương cha lắm nhưng bất lực. Gà gáy sáng, nghe cha rên, Thê nóng ruột, hắn dậy lần về ngôi nhà cuối xóm, nơi hôm trước hắn thấy có đàn gà. Cả đời chưa bắt gà nên mới thò tay vào đã kêu quang quác. Hãi quá hắn chụp đại một con rồi bỏ chạy. Càng chạy gà càng kêu, hắn càng hãi, đành vặn cổ vứt vào bụi, về nhà nằm thở. Sáng ra, với danh nghĩa tiểu đội trưởng dân vệ, Thê trơ lại nhặt con gà, hắn không tin vào mắt mình. Dấu vết hắn chạy in lồ lộ, cỏ nằm rạp xuống, trên lá cỏ lớp sương mờ đã mất...
Thê càng lao vào làm dân vệ, hắn làm để quên đi túng quẫn. Mỗi lần về nhà thấy cha nằm lăn lóc, hắn lại ra đầu làng uống ruợu, khật khưởng về nhà lăn ra ngủ. Với kinh nghiệm tìm hầm bí mật học được bữa bắt trộm gà, cứ sáng sớm hắn lảng vảng vào vườn những nhà hắn nghi có quan hệ với cách mạng. Hắn luôn lập công và được khen thưởng, từ tiểu đội trưởng lên trung đội trưởng. Cấp hắn càng cao, dân làng càng oán hận hắn. Trong trung đội của Thê có Trần Hùng, học dở tú tài trốn quân dịch phải vô dân vệ. Một buổi nhìn bàn nhậu, Trần Hùng phân bua:
- Tay tao nhúng chàm rồi bay tao sợ lắm!
- Chàm là chi?
Thê đang gặm dở miếng xương ngước lên hỏi. Bọn dân vệ nhìn Thê cười rộ. Hắn biết bọn đàn em cười mình dốt, ức lắm, lăm lăm tìm dịp trả thù.
Mùa hè miền Trung gió Lào thổi rạt cây cối úa vàng cháy sém, sông suối cạn trơ đá sỏi. Trung đội dân vệ được lệnh tháp tùng cùng quân chính qui lên vùng sông Hai Nhánh, nơi nghi có bộ đội Bắc Việt cùng bộ đội địa phương đang hoạt động. Ngày hành quân, đêm dựng bạt giữa vùng đồi núi khô khốc. Đã mệt mỏi lại không dám ngủ vì sợ cách mạng tấn công nên thằng nào cũng phờ phạc, chán nản. Sang ngày thứ ba, trước khi có lệnh rút quân vài tiếng, tụi dân vệ bắt được một thanh niên quần áo tả tơi, hốc hác đang men theo dãy sắn. Hỏi gì người này cũng ú ớ không chịu trả lời. Thê cho trói người thanh niên lại, dẫn về trụ sở, bắt dân làng đến coi mặt cộng sản Bắc Việt. Dù không muốn, dân làng cũng phải tới. Họ không dám nhìn cho rõ, chỉ thấy người thanh niên mặt mày sưng vù, tím bầm, tóc bết thành mảng cúi gục thê thảm bên chiếc cọc. Chiều dân làng về hết, Thê bảo Trần Hùng đi mua rượu rồi hào phóng cho mọi người về, hắn dặn tối phải tới canh. Khi mọi người đến đông đủ, Thê cầm lên chai rượu màu đỏ rót cho mỗi người một ly.
- Nào, các chiến hữu, chúng ta mừng chiến thắng!
Nói xong câu nói văn hoa ấy, hắn gườm gườm nhìn mọi người ực hết ly. Bất đắc dĩ mọi người phải uống theo, chỉ có Trần Hùng cầm ly rượu tần ngần vì nghe mùi tanh tanh.
- Mi không uống hả Hùng?
Thê cắm phặp con dao xuống bàn, chai rượu nảy lên nghiêng xuống chảy ộc, bốc mùi tanh nồng nặc. Khiếp đảm trước thái độ của Thê, mọi người nhắm mắt...
- Anh em biết không? Thê lại lừ lừ nhìn mọi người. Đó là máu cộng sản!
Tất cả ngơ ngác nhìn nhau như nghe nhầm. Trần Hùng bụm miệng chạy chưa ra cửa đa nôn tung tóe đầy trụ sở. Mọi người cầm đèn ra sân. Người thanh niên đã hồn lìa khỏi xác, ngã gục xuống chân cột, mồm ngậm đầy giẻ, nơi cổ trái dòng máu đang ri rỉ, dưới sân một vũng máu đỏ thắm đang chuyển màu xỉn dần. Sáng ra cả làng đều biết tụi dân vệ uống máu người. Trần Hùng không dám đến trụ sở, nơi xác người thanh niên xấu số đang phơi nắng. Xế chiều có bà mẹ tới tìm con. Bà ôm xác người thanh niên khóc lóc, giọng đầy ai oán. Thê lên mặt ra oai:
- Nó làm cộng sản, không được chôn.
Vừa nói bà mẹ vừa túm ngực Thê đẩy dúi dụi, rồi thả Thê ra bà chỉ mặt:
- Răng mi ác rứa, ác rứa trời tru đất diệt thôi - Bà lại ôm con khóc, quay lại phía bà con phân trần - Con tôi biết làm cộng sản thì phúc nhà tôi lớn lắm bà con ơi! Hắn câm điếc thì biết chi. Hôm trước đi cày, thả bò cho ăn, bò đi mất. Hai ngày nay không thấy hắn về, Nghe bà con trên Hai Nhánh bảo dân vệ đây bắt, tôi về xin. Bà ôm xác con gào lên - Mẹ về muộn, con chết oan, chết uổng con rồi con ơi!...
Dân làng nghe lòng ái ngại, tụi dân vệ tái mặt. Riêng Thê bản mặt hắn đen sì, không biểu cảm gì.
Việc giết người oan sau cũng được dàn xếp. Huyện mua quan tài, lo một ít tiền ma chay, còn Thê được lên làm đại đội trưởng, cai quản cả một vùng.
Gần ba mươi, Thê vẫn chưa có một ai làm bạn. Cha Thê ngày càng lâm bệnh nặng không ai săn sóc và hơn nữa, lão sắp chết mà chưa thấy người nối dõi, lão buồn lắm, bảo Thê:
- Mày lấy vợ đi.
- Tui lấy ai, ai lấy tui?
- Mày lấy con Thúi ấy!
- Con Thúi chồng chết, nó bốn con, lại hơn tui chục tuổi!
- Hơn mày chục tuổi thì sao? Thứ mày đòi lấy gái tơ? Nghe tao đi.
Tối hôm sau cha con Thê sang nhà mụ Thúi. Mụ Thúi trước đây có lẽ không đến nỗi tệ lắm, nhưng từ ngày chồng chết ngoài mặt trận đường 9, một nách bốn đứa con vất vả, già nua teo tóp đi nhanh trước tuổi. Tiền tuất chỉ vài ngàn, mụ phải cuốc thuê gặt mướn chạy gạo chưa đủ cho lũ con, gái lớn mới lên mười, con nhỏ chưa đầy bốn tuổi, lúc nào cũng thò lò mũi. Đi làm ở làng bên về muộn, rửa ráy qua loa mụ Thúi giục con lớn dọn cơm ra mẹt, vừa ngồi xuống đã nghe đằng hắng ngoài sân. Dưới ngọn đèn dầu vàng nhợt cháy từ vỏ chai hắt ra, mụ thấy cha Thê lom khom bước vào, Thê theo sau cắp chai rượu cùng gói lá chuối. Mụ vội buông bát vồn vã:
- Ông với bác có việc gì phải sang nhà con ạ?
Cha Thê dừng lại, nhìn mọi người, nhìn mẹt cơm hấp đầy sắn, dĩa muối rang cùng bát mắm rồi lão nhìn Thê.
- Mi đặt lên đi.
Ngó thấy nhà chật, chỉ có chiếc bàn ba chân mặt tre đang xiêu vẹo, Thê lúng túng.
- Đặt lên đó.
Lão chỉ tay lên bàn tre, đợi Thê đặt đồ lễ xong, lão thủng thẳng:
- Hôm nay tao thấy ngày tốt, có con gà chai rượu sang hỏi vợ.
Mụ nhìn cha Thê không hiểu lão nói gì. Lão già quặt quẹo, đau ốm sắp xuống lỗ còn đi hỏi vợ. Hỏi ai chứ, chẳng lẽ hỏi mình?
Mụ Thúi nhìn cha Thê ngây dại, tay cầm đũa. Mấy đứa con mụ sững sờ không kém, chúng há hốc mồm nhìn lão để cơm sắn trắng đầy cả miệng. Đến lúc này cha Thê hiểu mình nói chưa trọn ý, để cả nhà ngơ ngác. Lão ho một hồi, quay mặt nhổ bã đờm xuống nền nhà, thủng thẳng:
- Là tao hỏi vợ cho thằng Thê.
- Con gái tui đang nhỏ mà.
- Là tao hỏi mày Thúi ạ. Tao hỏi mày cho thằng Thê.
Không đợi mụ Thúi nói thêm, lão sai con bé lấy dao thớt. Lũ trẻ hau háu nhìn tay lão bốc thịt gà vào tô nhựa. Nhà không có đàn ông nên chẳng có ly tách gì, lão vớ cái bát sứt eo gối lại chùi vào quần, giơ lên thổi phù phù, đặng trịnh trọng cầm chai rượu rót ra. Cũng rất trịnh trọng lão lên tiếng.
- Tao chúc bay đầu bạc răng long, con đàn cháu đống!
Lão ngửa cổ làm hai ực hết bát rượu. Đẩy tô thịt gà ra giữa mẹt.
- Ăn đi mày!
Lão hất hàm về phía Thê. Lúc này mụ Thúi mới biết thiếu bát vội lon ton xuống bếp. Thế là Thê có mụ Thúi làm vợ, dân làng chẳng bàn tán gì, cứ như chưa có chuyện gì xảy ra. Hơn năm sau mụ Thúi đẻ cho Thê thằng con trai, da đen thui nhưng hiền từ ngộ nghĩnh. Cha Thê toại nguyện lắm. Thằng con trai mới biết đi thì cha Thê mất. Trước lúc về thế giới bên kia lão cầm tay Thê thều thào: "mi phải tu"... Câu nói chưa trọn lão đã nhắm mắt. Thê cho tụi dân vệ lên núi đào huyệt. Đêm tối, đồi đầy sỏi, lại sợ cách mạng về nên chúng đào chẳng ra gì, cái huyệt nông choèn...
Mỗi lần đi càn về, Thê đưa cho vợ chiếc nhẫn hay sợi dây chuyền vàng. Rồi hắn xâu vào lạt một gói lá treo lên bếp. Nhờ Thê mụ Thúi cũng đỡ teo tóp vất vả hơn, có điều mỗi lần ân ái, chiều chuộng hắn mụ thấy ghê. Từ hơi thở tanh nồng nơi mồm mũi, đến làn da nhờn nhờn trên cơ thể Thê. Chịu không nổi mụ nói:
- Tui đẻ cho anh thằng con rồi, giờ tôi không ham của nớ, anh có muốn thì anh lên phố!
Mụ Thúi nói cũng thừa, Thê ít dám về nhà, hắn đã bị cách mạng tuyên án tử hình. Sợ bị giết, mỗi đêm Thê phải thay đổi chỗ ngủ đến mấy lần, khi ở đồn, khi ở bót gác. Nhìn ai hắn cũng nghi ngờ là người của cách mạng gài vào giết hắn. Càng sợ chết, hắn càng hung dữ, cứ sáng sớm hắn đã dẫn tụi dân vệ lùng sục các khu vườn, thấy đám cỏ nào mất sương là xua dân vệ lần theo...
Sáng nay Thê cho Trần Hùng ở lại giữ đồn, anh mừng lắm. Thoát được lúc nào lương tâm đỡ cán rứt lúc ấy, anh nghĩ vậy. Có điều anh không biết Thê dẫn lính đi tới nhà ông Đình, chú họ anh. Cha ông Đình còn là ân nhân của cha Thê. Trước đây cha Thê không biết ở đâu dạt về làng Trù Phú, Cha ông Đình cho cha Thê ở trong nhà, lớn lên cho mảnh đất dựng lều lấy vợ. Đã bị mìn nhiều lần nên đám dân vệ đùn đẩy nhau lên trước, Thê đi sau, khẩu col lăm lăm. Khi chiếc hầm bí mật dưới gốc tre cuối vườn bị lật, bất ngờ một thanh niên cao lớn nhảy vọt lên, nách kẹp AK nhả đạn thẳng về phía Thê. Nghe tiếng súng đanh giòn, tụi dân vệ nằm rạp xuống. Thê nghe cánh tay mình mát lạnh, giơ súng lên bắn theo người thanh niên chạy băng ra cánh đồng, nhưng không trúng. Nhìn xuống, hắn thấy cánh tay mình đầy máu. Tức vì bị thương, bị vồ hụt con mồi, Thê trói ông Đình lại dẫn về đồn. Bị đánh đập tàn nhẫn ông Đình vẫn không hé răng nửa lời. Chiều tối Thê cho tất cả dân vệ về nhà chỉ giữ lại ba tên canh phía ngoài. Trần Hùng đau đớn, cố tìm cách cứu chú Đình. Anh tự trách mình mấy lần không hành động để giờ một mình đơn độc giữa bầy sói. Đợi trời tối mịt trở lại đồn anh không thấy chú Đình đâu, anh nghĩ thằng Thê đã giam chú vào Conet, anh định lén đưa cho chú nắm cơm nhưng Thê gọi lại. Hắn hả hê thông báo, có con bò làng dưới say sắn, hắn bưng lên một tô gan xào với hành tây, rau mùi thơm nức mời. Mọi người thấy mồi ngon, rượu ngon, xúm lại. Đã no bụng nên Trần Hùng không thích, hơn nữa anh cũng chẳng còn lòng dạ nào để ngồi uống rượu. Cuộc ồn ào chả mấy chốc, trong đĩa còn vài miếng. Thê đem đến cho Trần Hùng:
- Ăn đi! Hắn quát lên.
Nhìn vẻ mặt sát khí của Thê, Hùng biết nếu mình khhông ăn mình sẽ trở thành Việt Cộng. Trần Hùng chưa kịp nuốt đã nghe giọng Thê cười vang:
- Thế nhé ta cùng chúng mày uống máu, ăn gan cộng sản. Giờ tay thằng nào cũng đã nhúng chàm rồi nhé!
Trần Hùng bàng hoàng ngơ ngác nhìn lên. Anh uất hận căm thù thằng Thê, căm thù tụi dân vệ, căm thù chính thể này và căm thù ngay cả bản thân mình. Ba ngày sau, không ai thấy anh ở làng nữa. Ai hỏi, ba anh bảo: Nó lên phố kiếm việc làm...
Nhân kỷ niệm ngày độc lập của chế độ cộng hòa, tổng thống mở lễ hội mừng công tại phủ Đầu Rồng. Về dự gồm đại diện các binh chủng, tướng tá và cá nhân các thành tích chống cộng. Cầm tờ giấy gọi trên tay, Thê mừng lắm. Thê về nhà lấy xâu lá khô quàng vào cổ, xúng xính trong bộ đồ cứt ngựa lên xe nhà binh. Cả đời chỉ thấy tổng thống trên báo, giờ tổng thống cầm ly cùng đồ đệ đi từng bàn chuốc rượu. Hết đám tướng tá, tổng thống tới hai bàn dân vệ và chiêu hồi. Tổng thống đi chậm, vừa đi vừa nghe thành tích chống cộng của từng người. Thê lom khom bắt tay tổng thống, mặt ngây ra không nói được câu nào, hắn giật mình khi tổng thống chỉ vòng lá nơi cổ, hỏi.
- Dạ! Bẩm, quà cho tổng thống.
- Quà, quà cho tôi? anh mở ra xem nào!
Tổng thống lùi lại, đám cận vệ xấn lên. Thê xé từng chiếc lá, lớp bụi nhờ nhờ bay lên giữa chiều Sài Gòn oi bức, từng miếng thịt cong queo lộ ra.
- Cái gì đó?
- Bẩm tổng thống, tai người ạ. Tai cộng sản hong khô, tôi để dành chục năm nay.
 Thê vừa nói vừa khom lưng, hai tay dâng lên...

Cái gì đến phải đến. Mùa xuân 75 về, cờ hoa phất phới sắp phố phường, làng mạc. Lính ngụy vứt mũ lớn tháo chạy trên đường I, dưới cửa Thuận rồi lần lượt chen nhau ra trình diện ủy ban cách mạng.Thê trốn lên núi Ngự, tìm đường sang bên kia đất Quảng, nhưng phương tiện không có. Một tuần lang thang ẩn nấp, phải ăn khoai sắn sống, bụng hắn đau anh ách đành mò về nhà tính kế. Đêm tối, qua mỗi ngõ chó sủa vang làm hắn bủn rủn chân tay, vừa đi vừa ngó trước trông sau. Đến nhà hắn không gõ cửa, lách rèm chui vô, con chó giật mình sủa vang. Nghe tiếng suỵt, nó nhận ra tiếng chủ ve vẫy đuôi ủ ử. mụ Thúi dậy châm đóm, hắn ngăn lại thì thầm:
- Còn gì ăn không?
- Còn cơm nguội, để tui đi lấy.
Không đợi dọn ra, Thê leo xuống bếp, vừa ăn vừa nấc cụt. Mụ Thúi thì thào:
- Cha mi định sao?
- Trốn.
- Đừng trốn. Mụ thì thào. Cha mi trốn sẽ bị giết, cứ ra ủy ban trình diện may ra được sống.
Nghe lời vợ đợi mặt trời lên cao Thê mới dám đến ủy ban. Hai anh bộ đội giải phóng tiếp hắn. Anh già hơn chưa đến ba mươi, anh còn lại trẻ măng chắc vừa mới rời ghế nhà trường. Đối diện với anh có ba người lính ngụy đang viết bảng tường trình. Thấy Thê vào, anh bộ đội già hơn đứng dậy, bắt tay:
- Chào anh. Anh đến có việc gì?
- Dạ! Tôi đến trình diện cách mạng.
- Mời anh ngồi. Anh bộ đội chỉ bàn và mang giấy ra tiếp.
- Anh tên gì? Anh bộ đội nhắc lại.
- Dạ Lê Thê ạ!
- Anh ấy tên Thê, họ Lê - Một người lính ngụy đang viết tờ khai, ngước lên nói.
- Trời đất ơi! Tên với họ. Sao anh khéo đặt tên thế? Anh bộ đội cười phì:
- Bây giờ anh viết bảng tường trình, nhớ ghi rõ năm tháng tham gia chế độ ngụy cùng những tội ác chống phá cách mạng.
Thê cầm giấy bút, hắn lay hoay cầm lên bỏ xuống. Chắc anh ta đang cố nhớ lại những việc làm của mình, anh bộ đội nghĩ vậy rồi lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Xế trưa hai người lính ngụy lên nộp tường trình ra về, còn lại một người viết nốt rồi nộp. Anh lính ngụy nhìn Lê Thê rồi nói nhỏ với hai anh giải phóng:
- Hắn không biết chữ đâu các anh ơi.
- Anh ta làm gì? -
- Dạ hắn làm dân vệ.
- Thôi, ta cho anh ấy về, chiều làm tiếp thủ trưởng nhỉ? Anh bộ đội trẻ hơn lên tiếng.
- Ấy. Các anh cho hắn về sẽ bị dân làng giết chết hắn, còn kiện các anh nữa đấy.
- Sao vậy? Thứ dân vệ có gì ghê gớm lắm đâu?
 Vẫn anh bộ đội trẻ nói tiếp.
- Đúng vậy! Người lính ngụy nói. Nhưng thằng này khác, nó ác lắm.
- Được rồi, anh ở lại giúp chúng tôi nhé, anh viết khách quan hơn!
Không ngờ bản tường trình của Lê Thê dài thế, mãi đến ba giờ chiều mới kết thúc. Cầm tập giấy trên tay hai anh lính giải phóng không thể tin được. Cái gì, ăn gan, uống máu còn vòng hoa quái gở gì thế này? Lê Thê ngồi đó, vẫn con mắt, cái mũi, nói tiếng người nhưng nhất định hắn không phải con người...
Lê Thê được tập trung cải tạo tại trại Đất Bằng. Trại được hình thành sau ngày giải phóng nên thật đơn sơ. Mấy dãy nhà tranh, vách thủng tranh chống mưa gió. Ngăn cách trại viên với bên ngoài là hàng rào bằng tre đơn giản. Ở đây, trại viên lấy tinh thần tự giác, lòng ăn năn hối cải từ bản thân là chính. Họ tích cực học tập đường lối cách mạng chính sách cách mạng, tham gia lao động để sớm hưởng khoan hồng của cách mạng mà về sum họp với gia đình. Trên những ngọn đồi chất độc da cam phát quang, đầy tranh và cỏ dại giờ khoai sắn tươi tốt. Dọc theo những triền đồi đổ xuống là ao cá, ruộng lúa và rau xanh. Công việc hối hả quay trong guồng quay cuộc sống, mặc dầu từ trại viên đến cán bộ đều ăn mặc kham khổ,thiếu thốn, phải tằn tiện chi ly. Thượng sĩ công an Trần Hùng cầm danh sách trại viên đến nhập sáng nay, anh ngồi vào bàn sổ. Mấy hôm anh nhớ nhà quay quắt. Từ trại về nhà chỉ hơn một giờ xe đạp, thế mà giải phóng được mấy tháng rồi anh chưa một lần ghé được. Nhiều khi anh tặc lưỡi an ủi, cha mẹ biết mình vẫn còn sống mạnh khỏe là được. Tập hồ sơ trên tay anh rung lên, khi đọc đến tên Lê Thê. Sao? Hắn vẫn chưa chịu chết à? Xếp hồ sơ vào tủ, anh vội xuống nơi nhận người, anh muốn nhìn lại mặt Lê Thê. Hai chục người xếp hai hàng, mặc áo sọc, kẻ đầu đội mũ, người đội nón cúi xuống dưới trời nắng. Đánh dấu Lê Thê lại, anh đọc tên từng người. Khi trại viên lần lượt vào trại, chỉ còn Lê Thê, Trần Hùng hỏi:
- Anh Thê, anh nhận ra tôi không?
- Dạ! Thưa ông, có ạ!
- Anh hãy gọi tôi là cán bộ Hùng. Hồ sơ anh khai đầy đủ chưa? Sáng mai anh lên tôi gặp nhé!
Đêm về trằn trọc, Trần Hùng không sao ngủ được. Anh muốn giết Thê để trả thù cho chú Đình, cho bà con làng Trù Phú. Mình dẫn Lê Thê qua trại bên, đến khe suối nổ súng, về báo Thê chạy trốn. Thế thôi rất khớp. Cũng chẳng ai đi tìm nguyên nhân chết của một tên ác ôn, khi xã hội đang bận bịu với bao nhiêu công việc cấp bách hơn. Song anh thấy lòng mình ray rứt. Về phần Thê đêm ấy hắn cũng không sao ngủ được. Hắn không ngờ gặp Trần Hùng ở đây. Trên cương vị mới đầy quyền lực, Hùng là người nắm sinh mạng hắn. Hắn lạnh người nghĩ ngày mai phải gặp Trần Hùng. Hắn chợt nghĩ ra rằng hội trường gần trại, gần cán bộ giám thị, như thế tính mạng mình còn treo lơ lửng. Khi trời gần sáng, hắn yên tâm thiếp đi. Ngủ dậy người Thê phờ phạc, làm vệ sinh cá nhân rồi hắn cầm ca men tới nhận phần cơm ít ỏi của một ngày mới trong trại. Trại viên cũ mới đều ít nhiều quen biết trước đây, giờ gặp lại họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, tình hình gia đình cùng địa phương sau ngay giải phóng. Riêng Thê không ai hỏi, hắn chào họ không trả lời, cứ như trước đây chưa một lần gặp mặt. Họ tránh ra cho Thê lấy cơm, kiên nhẫn đợi Thê ra họ mới vào, làm như Thê mang trong mình mầm dịch hạch.
Nhìn mặt Thê hốc hác, Trần Hùng cũng động lòng trắc ẩn, anh lấy giấy bút cho Lê Thê:
- Anh viết lại bản tường trình, khai rõ từng tội ác. À còn vòng tai các chiến sĩ cách mạng anh để ở đâu?
Thê cúi mặt, trước mắt hắn lại hiện lên chai rượu màu đỏ tanh nồng, đĩa gan người tái ngắt. Hắn biết trong tủ hồ sơ kia có súng và dao găm, vật bất ly thân của người lính. Hắn cứ mân mê tờ giấy, mặt hắn đã đen giờ càng đen thêm.
Trần Hùng chợt nhớ Thê không biết chữ, anh ra sân gọi người trại viên chăm vườn hoa:
- Anh ra xin phép cán bộ vào đây tôi nhờ, nhớ bảo tôi cần anh suốt buổi sáng này nhé!
Cất tập hồ sơ vào tủ, Trần Hùng để Lê Thê tự về trại. Anh biết hắn không dám trốn, hắn trình diện cách mạng để khỏi chết thôi. Anh thẫn thờ ngồi xuống bàn, ước muốn trả thù lại trỗi dậy thôi thúc anh. Từ ngày Thê vào trại đến giờ Hùng luôn mất ngủ, anh tự hỏi: "Nếu Thê không ác anh có dám tham gia cách mạng không? Có lẽ không! ước mơ tuổi trẻ của anh là làm bác sĩ, kỹ sư hay ông giáo gì đó chứ bản thân anh không thích súng đạn và máu đổ. Anh biết trong dòng họ anh có nhiều người tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ, người tập kết ra Bắc, người ở lại xây dựng phong trào cách mạng, có người tự về quê hương cầm súng nhưng anh còn non nớt và chưa nghĩ tới. Nếu cuộc đời anh không gặp phải Thê thì cha anh chưa bố trí anh lên rừng...
Bàn giao vòng tai người cho nhà chứng tích tội ác giặc, trở về lòng Hùng càng ray rứt, đăm chiêu và hốc hac đi trông thấy. Buổi chiều, cơm nước xong, giám thị trưởng gọi anh lên. Anh băn khoăn không biết có chuyện gì, sao chiều nay họp thủ trưởng không nói. Nhìn thủ trưởng với mái tóc bạc, ông pha nước rồi lấy bao thuốc ra mời, Trần Hùng càng băn khoăn hơn. Ông kể cho anh nghe gia đình ông bị cường hào ác bá áp bức, nỗi khổ của người mẹ phải nuôi mấy anh em ông, về người cha bị giặc Pháp giam cầm ở Côn đảo và nhiều chuyện khác. Cuối cùng ông kết luận: "Người chiến sĩ cách mạng không thể mang lòng hằn thù cá nhân, phải biết đặt lòng hận thù đế quốc xâm lược, giai cấp thống trị độc ác lên trên hết." Trần Hùng hiểu, anh ra về lòng thấy vui như trút được tảng đá nặng bấy lâu nay đè lên ngực.
Lê Thê làm công việc chăn nuôi. Đàn gà heo do Thê nuôi mau lớn, đẻ dày, năng suất nhất trại. Ngoài thời gian rãnh rỗi Thê luôn giúp đỡ các trại viên khác yếu hơn. Thê gánh phân đến vườn tiêu, lấy lá cho cá ăn, không việc gì là hắn không làm. Hắn luôn được trại biểu dương và khen thưởng. Có điều Thê không vào đội nào được, hắn bị các trại viên tẩy chay, đành một mình lủi thủi cùng đàn gà chuồng heo.
Từng trại viên lần lượt trở về sum họp gia đình. Đối tượng dân vê, ấp trưởng, hạ sĩ quan chỉ vài tháng, thậm chí chỉ vài tuần tập trung học tập đường lối chính sách của nhà nước. Lê Thê đằng đẵng gần mười năm, từ một trai tráng trung niên giờ sắp lên lão. Trên khuôn mặt già đen sì nổi lên những u cục to bằng đầu ngón tay, đôi mắt vằn những tia đỏ đến khiếp. Trại viên đồn nhau đó là ác báo.
Không phải Thê không được ban giám thị trại quan tâm xét duyệt cho về, mà do phản hồi từ địa phương. Đã mấy lần Trần Hùng cùng giám thị trưởng mời dân làng lại, giải thích đường lối chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người có tội, song dân làng một mực từ chối.
Chủ tịch xã, con ông Đình em họ Hùng thẳng thắn:"Địa phương tiếp nhận Lê Thê, song về phương diện an ninh không đảm bảo." Trên xe về trại, Hùng nhìn thủ trưởng dò xét:
- Hay mình tìm cho Lê Thê vùng đất mới?
Giám thị trưởng cười vui, rung rung mái tóc bạc:
- Hay lắm, ý cậu là... Ông chợt bật cười... Đúng!

Lần này trở lại cao nguyên, đi qua ngôi nhà nhỏ thấy lạnh lẽo, tôi ái ngại hỏi bạn. Không trả lời ngay, anh khuấy cho ly cà phê tan đường, hớp một hớp.
- Lão chết rồi. Trước lúc chết, lão khổ sở lắm. Đau lên đau xuống ba năm. Cũng nhờ bà con hớp nước bát cháo. Lão nhìn trân trân vào tay người bưng, từ đôi mắt đục mờ ứa ra hai dòng nước trong veo, miệng lẩm bẩm: "Muộn rồi! Muộn rồi!". Chính quyền xã tới thăm, hỏi lão yêu cầu gì, lão thều thào xin gặp vợ con. Người vợ già yếu không đi được, thằng con lên săn sóc lão được vài tháng trước khi lão mất. Thằng con lão cũng đen nhưng hiền lắm, không mấy khi mở miệng. Hôm đưa đám dân làng đi cũng đông. Họ khiêng quan tài đốt vang mã, đánh tha la. Họ chôn lão trong nghĩa địa của làng. Chôn lão xong, thằng con qùy trước làng, hai dòng nước mắt chảy dài, chắp tay vái lạy như tế sao...
Anh bạn tôi không biết nghĩ gì đó, búng tàn thuốc lá ra xa, buông lỏng: "Hết một đời người!.."

Đầu Ngọn, tháng 1-2002
Q.T
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Na ơi... (08/08/2008)
Láng giềng (28/07/2008)