Truyện ngắn
Điều chưa tiện nói ra
11:00 | 26/08/2008
LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.

Nghiệm điều đó ở người vợ yêu quý của tôi mà biết. Mắt nàng ánh lên một niềm vui lạ lùng lắm. Dẫu nó ánh lên một thoáng rồi lịm dần bởi những tính toán, lo toan, song, đó là giây phút hạnh phúc nhất của cái gia đình nho nhỏ này. Tính toán ra mà xem. Lương một thầy giáo văn học ngót nghét hai mươi tuổi nghề cộng với đồng lương hưu mất sức của vợ làm sao đủ cho một gia đình bốn miệng ăn... Đó là chưa kể chi tiêu cho trăm thứ bà rằn khác. Làm sao bảo đảm cuộc sống cho cả gia đình, bảo đảm cho các con học hành đến nơi đến chốn? Đó là điều bức xúc đặt ra cho tôi trong hoàn cảnh này. Suốt một đêm thao thức, tôi cố vò nát óc để tìm cách kiếm sống. Dạy thêm ư? Để nâng cao đời sống cho giáo viên, cấp trên đã cho phép mở lớp dạy thêm hay dạy kèm. Công việc này làm cho ráo riết cũng kiếm thêm được vài trăm ngàn mỗi tháng. Trong thời buổi bắt đầu "chữ nghĩa thị trường" này, phụ huynh học sinh cũng tinh lắm. Mấy ai cho con tiến thân bằng con đường văn chương mà học thêm môn văn. Cạy cho ra trên sống lưng học trò chục ngàn đồng mỗi em mỗi tháng cũng chua chát lắm. Lấy uy của thầy chủ nhiệm, thầy bộ môn dùng cây gậy điểm ép các em vào học với mình như một số giáo viên khác thì tôi không làm được. Với cái nghề "dạy thêm" này không biết có thêm "chữ" không nhưng cái "nghĩa" thì mất thật rồi. Những công việc như làm nấm rơm, nuôi cá trê phi, chim cút... tôi đều điểm qua cả. Một người bạn nhìn tôi có vẻ thông cảm, tủm tỉm cười mách: "đi xe đạp thồ". Ý kiến ấy thoáng qua trong đầu tôi như một vết sáng trong đêm mùa hạ. Tôi ngỏ ý ấy với vợ tôi. Nàng trố đôi mắt u sầu ngạc nhiên nhìn tôi: "Thầy thồ". Không đắn đo, bàn cãi nữa, "cơm áo không đùa với khách thơ", tôi đã quyết định, xe thồ cũng là một công việc phục vụ chính đáng chứ sao? Người ta thường bảo nghề dạy học, nghề vinh quang nhất trong các nghề là nghề đưa đò đó sao. Mọi nghề lao động chính đáng phục vụ con người đều vinh quang. Không có nghề thấp hèn, chỉ có con người thấp hèn. Là một giáo viên văn học tập tễnh làm thơ, tôi cố gắng thi vị hóa cái công việc mà tôi sắp hành nghề: "xe thồ". Sẵn chiếc xe đạp Vĩnh Cửu cà tàng, tôi cố gắng tu sửa lại cho dễ coi. Mặc dầu sao thì "cái sĩ" cố hữu trong tôi vẫn trỗi dậy. Từ xưa, trong lòng phụ huynh học sinh, ông thầy giáo cao lắm. Một ông thầy đồ nghèo kiết xác đi ra ngoài vẫn khăn đóng, áo dài đen, quần trắng, sang thì đi đôi dày hạ, không thì đi đôi guốc mộc gỗ mấc trắng, sạch, dù đen cắp nách. Gặp thầy, người thì "thưa thầy", kính cẩn hơn thì "lạy thầy ạ!".
Một thầy giáo tiểu học cạnh trường tôi cũng xoay xở kiếm sống bằng đi xe đạp thồ. Một hôm, vừa đưa khách đến nơi thì cũng đúng lúc trống điểm vào lớp, thầy mang cả trang phục "thầy thồ", mồ hôi còn nhễ nhại vào lớp. Người ngồi trong lớp nhìn ra ngơ ngác: "Ông xe thồ vào dạy bay ơi!"... Nhận ra thầy, các em sững sờ. Trong mắt thầy thoáng một nét buồn. Thầy phân bua:
- Các em ạ! Cháu Sông Hương của thầy ốm nặng không có tiền mua thuốc, tranh thủ trước giờ học, thầy đi xe thồ kiếm thêm vài đồng...
Cả lớp lặng im. Hôm sau, nhiều phụ huynh góp nhau được ít tiền giúp thầy mua thuốc cho Sông Hương. Thầy từ chối không nhận.
Tôi đã có cách riêng của tôi. Việc trước tiên là tôi tìm một miếng "mút" mềm, mỏng gắn vào một tấm ván ép bọc ni lông màu xanh lắp vừa vặn vào boóc - ba - ga. Trước giàn xe, tôi đặt chiếc ghế ngồi trẻ con phòng khi khách hàng có cháu nhỏ hoặc hàng hóa cồng kềnh. Chiếc áo sơ mi màu cỏ úa, đôi dép nhựa Tiền phong, chiếc mũ lưỡi trai bằng vải bạt... trang phục của một hành nhân vừa có thể bước vào lớp giảng dạy, vừa ra đường lẫn được vào đám xe thồ. Hết giờ học, tôi chọn một nơi vắng vẻ tháo chiếc nệm "mút" cho vào nằm yên ổn trong cặp sách, lai quần được thả xuống, mái tóc được chải lại bằng chiếc lược con có sẵn trong túi... Thế là thầy giáo hiện ra chững chạc bước vào lớp trước ánh mắt trân trọng và kính mến của đám học trò vốn ngỗ nghịch. Tôi chọn ngày lành, tháng tốt để khởi hành nghề. Sáng tinh mơ, tôi đã góp mặt cùng các bạn đồng nghiệp ở ngã ba đường. Biết tôi là một thầy giáo, họ không tỏ ý tỵ nạnh mà còn dành cho tôi chuyến khách cùng chiều về trường để kịp giờ vào lớp. Một người khách đến. Anh chủ chòm tóc dài chấm vai, người cao to phốp pháp, vểu cái răng khời, hoa tay nói như ra lệnh, nhìn cứ tưởng như anh ta cười:
- Ê!... Thầy thồ, thuận đường về trường, đi.
Tôi đứng bật dậy:
- Rõ.
Đều đều như vậy, sáng nào tôi cũng có một chuyến khách, chiều vài ba chuyến kiếm được nhiều thì chín mười ngàn, ít thì vài ba ngàn. Có khi mười giờ đêm tôi mới về đến nhà. Vợ tôi cho các con ăn trước học bài rồi đi ngủ. Các con tôi không chịu, cố gắng học bài đợi ba về. Cả nhà quây quần bên mâm cơm ríu rít, vui vẻ. Bữa cơm có khá hơn mọi lần. Bên tô canh nấu với tép đồng có đĩa cá kho, trái ớt tươi, đĩa rau sống. Vệt quầng trên mắt vợ tôi cũng nhạt dần đi. Đôi má vốn tai tái đỏ hồng hồng lên, trông nàng trẻ ra và có phần đẹp thêm nữa là khác.
Một buổi sáng như mọi ngày, tiếng nhạc ở loa công cộng cất lên rộn ràng, tôi ra bãi đợi khách. Vài bạn đồng nghiệp túm tụm bàn tán. Vẫn "đại ca răng khời" nói mà như cười ấy hoa tay nói oang oang:
- Ê!... Có biết gì không? Sở Công an vừa có lệnh cấm đi xe thồ vào buổi tối từ hai mươi giờ đến năm giờ sáng.
- Ai nói rứa?
- Đài truyền hình vừa đưa tin.
- Mẹ ơi! Cái giờ ăn khách mà.
- Muốn đi phải có đăng ký giấy phép, có đèn sáng phía trước. Ai không có... Alê... hấp... - vẫn "đại ca răng khời".
Tôi không quan tâm đến cái tin đột ngột ấy. Cần cái đèn sáng phải tốn vài chục ngàn, chục buổi thồ không công là đủ. Lại đăng ký nữa mới phiền phức. Chẳng nhẽ phiếu đăng ký ghi: "nghề nghiệp: xe đạp thồ; trình độ văn hóa: Đại học".
Thương cho các bạn tôi thật. Còn đối với tôi, cái lệnh đó cũng hay. Bởi lẽ, có thêm vài ngàn, khi được, khi không, phải lang thang đến khuya, vợ con chờ cơm, lo lắng, bồn chồn. Người tôi gầy xọp hẳn đi, sao nhãng cả công việc soạn bài, đi thăm gia đình học sinh. Tám giờ tối, tôi thôi đón khách. Chiếc nệm "mút" được tháo ra cho vào cặp, ống tay áo xắn lên, lai quần thả xuống..., tôi vừa đạp xe vừa thả hồn theo những áng thơ hay những ý đẹp trong bài giảng, hoặc đi thăm gia đình học sinh.
Một buổi chiều, sau buổi học, trời mát mẻ, tiện đường tôi lượn xe một vòng đến sân ga.
- Xe thồ! - Một tiếng gọi giật tôi lại.
Tôi dừng xe. Khách gọi tôi là một người đàn ông trạc dưới bốn mươi tuổi, ăn mặc lịch sự, tay xách chiếc cặp da. Người khách nhìn tôi rồi ngỡ ngàng nhìn xuống đất. Hai chiếc xích - lô lao tới. Bốn chiếc xe đạp thồ tiến vào. Người khách vỗ vào vai tôi:
- Đi chú... Dạ Lê.
Tôi phóng xe ra khỏi sân ga. Những ánh mắt của đồng nghiệp hắt theo tôi vừa nuối tiếc, vừa hằn học: "Mẹ kiếp". Tôi hốt hoảng. Tưởng dạo chơi một vòng vào buổi chiều cho vui, tôi quên lời chỉ bảo của "đại ca răng khời":
- Nghề kiếm sống của chúng mình như chim chia vườn, cọp chia núi. Chim lạc vườn, cọp lạc núi nếu không bỏ xác thì cũng xạc cánh, bươu đầu. Không xử sự như thế thì miếng ăn trên tay bị cướp mất.
Tôi còn có đồng lương dạy học, dẫu ít ỏi vẫn tạm sống qua ngày. Còn họ, họ sống bằng gì? Ngày nắng nung đầu, tóc vàng quăn khét như cháy, gió như ngọn roi quất, mưa như những mũi tên biêm bầm da thịt, tưởng như những khổ đau trên trái đất họ đã chịu hết rồi. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, họ ngồi chờ đợi. Đói thì nhai miếng bánh mì khô ráp, có khách nhét vội mẩu bánh vào túi vội vàng mời mọc rồi tất tưởi đẩy xe ra.
Vừa đi vừa nghĩ ngợi, vừa cố tránh những ổ gà và xe người qua lại, chẳng mấy chốc, tôi đã đến Dạ Lê. Chỉ về phía ngôi nhà thấp thoáng sau hàng cây, khách vỗ vai tôi:
- Đến rồi... Chú cho con xuống đây.
Tôi dừng xe. Khách khẽ khàng nói:
- Cháu đi xa về hết tiền, còn ít nhiều xin chú nhận cho - tiện tay, khách nhét tiền vào túi áo của tôi, mắt nhìn nghiêng đi nơi khác hình như cố tránh ánh mắt của tôi. Tôi cảm ơn khách rồi quay xe. Đối với tôi, khách cho chừng nào hay chừng ấy, không nói thách, không mặc cả. Đi được một đoạn, tôi dừng xe ngoái lại. Một thoáng ngờ ngợ trong trí nhớ của tôi. "Ai trông quen nhỉ!" Tôi cố lần trong trí nhớ. "À! Dũng, đúng rồi Võ Văn Dũng". Dũng là học sinh của tôi cách đây gần hai mươi năm. Nó lớn và chững chạc quá, trông có vẻ là một cán bộ tầm cỡ. Em không nhận ra tôi hay cố tình không nhận? Tôi rút số tiền mà khách vừa bỏ túi ra đếm lại. Xếp tiền mười tờ năm ngàn mới tinh còn thơm mùi giấy. Tôi băn khoăn: "Sao lúc đó tôi không xem để trả lại cho khách". Rồi, tôi tự an ủi: "Có lẽ Dũng đã nhận ra thầy, muốn giúp thầy trong buổi khó khăn này. Âu cũng là lộc trời". Tôi yên tâm đạp xe về nhưng vẫn thấy mằn mặn trên môi. Tiện đường, tôi vào quán mua ít quà cho các con và làm mấy ly thư giãn sau một ngày làm việc vất vả và nghĩ ngợi mung lung...
Ngọn gió mát lành làm cho hơi men càng thêm nồng nàn, lòng tôi lâng lâng khó tả. Đêm nay trời được mùa sao. Thành phố về đêm vắng người. Cửa Ngăn hiện dần trong ánh đèn đường hiu hắt. Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn trầm mặc dưới sương đêm. Những cỗ đại bác lừ lừ những cánh tay hộ pháp vươn ra. Từ bên cỗ súng, một người bước ra vẫy tay:
- Ba ngàn đi không?
Tôi giật mình quay lại. Từ quán ra, hồn còn lâng lâng tôi quên cất tấm nệm sau xe. Chắc khách gọi thồ. Không cần tôi đồng ý, khách đã nhảy tót lên xe:
- Đi anh...
- Đi đâu?
- Thì tùy...
Trong tôi gợn lên một chút hoài nghi. Tôi đã nghe nhiều chuyện về các cô gái ăn sương. Sao cô ta lại đón xe thồ, không biết đi đâu lại ngã giá trước. Hay cô dùng tôi để làm ngựa người để cô đi làm người ngựa như trong truyện ngắn nổi tiếng của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan. Không phản ứng gì, tôi cứ lặng lẽ thử xem sao. Trăng thượng tuần như cặp môi người hài hước trong bức tranh hài cười giễu tôi.
- Đường này anh... Đường kia nhiều quái lắm!.
Tôi chưa kịp phản ứng, cô đã níu lấy vai tôi giục rẽ phải quanh theo đường vòng rồi trở lại nơi cũ. Đường nào cô cũng bảo "nhiều quái". Tôi lại lo lắng về cái lệnh "giới nghiêm xe thồ", xe tôi lại không có đèn, không có đăng ký. Đến bên một cây gội to lớn đứng sừng sững bên ngã ba đường, cô bảo tôi:
- Đây được rồi anh.
Vừa dừng xe chưa kịp phản ứng, tôi đã bị cô nắm tay kéo vào sau gốc cây gội. Cây gội to lớn che cả ánh đèn đường tạo nên một khoảng tranh tối, tranh sáng. Tựa lưng vào gốc cây, thở dốc một lát, kéo tôi sát vào người, cô khẩn khoản:
- Anh chơi em đi...
Tôi giật mình. Giờ mới vỡ lẽ rằng "ba ngàn đi không" là để cô chở tôi chứ không phải tôi chở cô. Gạt cô ta ra, tôi quay đi. Cô nắm tay níu tôi lại. Vẫn cái giọng khẩn khoản:
- Anh thương em đi mà!
Tôi đã nghe nhiều, đọc nhiều về loại nhân vật này, đáng khinh thì nhiều, đáng thương thì ít. Song trăm nghe không bằng một thấy. Cái máu nghệ sĩ trong tôi trỗi dậy. Tôi nghĩ: Trực tiếp với nhân vật này xem sao. Thấy tôi đang lặng nghĩ, cô gái lại tỉ tê:
- Anh có người yêu à! Hay anh sợ em có bệnh?
- Cô tên gì?
- Em là Lài. Em có bạn tên là Gái bị mổ ruột thừa không đi làm được.
Dưới ánh sáng nhợt nhạt của bóng đèn đường, tôi nhìn rõ cô gái nước da tái nhợt bởi được phết một lớp phấn trắng bệch tương phản với da cổ tái mét. Cổ dài gờ lên những đường ngấn. Đôi vai xuôi so lại làm hai cái xương quai xanh nhô lên tạo hai lỗ trũng sâu dưới hai bờ vai. Nếu không có chiếc áo lót đệm cho đôi vú nhô lên một chút chắc rằng bộ ngực sẽ lép kẹp như ngực kẻ nghiện. Thỉnh thoảng cô thở dốc, đặng hắng làm cho lỗ trũng ở cổ giật giật thoi thóp. Tôi chạnh lòng muốn tìm hiểu đôi nét về cô:
- Làm nghề này cô có khổ lắm không?
- Sao không khổ được anh. Cực chẳng đã, ai muốn làm cái nghề này bao giờ?
Hình như câu hỏi thân tình của tôi đã khơi dậy nỗi niềm sâu kín trong lòng bấy lâu nay, cô thẽ thọt kể cho tôi nghe về nỗi khổ bị dày vò thân xác của một cô gái ăn sương. Người ta thường gọi những người con gái bán thân xác mình để kiếm sống là "làm đĩ". Sau này người ta gọi cho dễ nghe hơn là "gái ăn sương". hay "gái bán hoa". Gái bán hoa cũng có ba bảy hạng. Hạng thượng lưu có vẻ ngoài cao sang, đài các dành cho khách giàu có vung tiền qua cửa sổ, bao lô hàng tháng, hàng tuần. Khách cần có Tú Bà, ma cô dẫn mối. Hạng trung lưu này không gọi là "gái bán hoa" mà gọi là "gái ăn sương". Đón khách dưới sương. Mây mưa trên bãi cỏ, bờ thành, góc chợ... dưới sương. Gái ăn sương đón khách đủ loại giang hồ tứ chiến. Khi con ma men đã nhập, gã đàn ông như một con ác thú xâu xé, chà xát, rỉa ráy con mồi. Hết nằm lại ngồi, hết ngồi lại đứng, lại nghiêng lại ngửa, bộ râu phún chôm chỉa vào má vào ngực nhói như kim tiêm. Mùi rượu phả ra nồng nặc, tởm lợm. Thỏa mãn, chán chường, kẻ chịu chơi thì đặt vào nhân ngãi vài nghìn, kẻ đê tiện, hèn kém thì hăm dọa cuốn nhanh. Có khi đang hành nghề, có người đi qua hay dân phòng, công an tới, khách, chủ hốt hoảng chạy tán loạn. Thế là mất công một đêm đưa đón, không may lại bị bắt nhốt qua đêm.
- Cô bảo đường nhiều quái là sao? - Tôi hỏi.
- Khi khách đi, chúng em rã rời thì quái đến chia phần - cô gái thẽ thọt kể tiếp - quái lục soát, lấy hết tiền rồi chia cho chúng em phần ít. Quái chia vùng để làm ăn. Quái vùng nào làm ăn vùng đó, không được phạm vùng. Có những cuộc ẩu đả ghê rợn diễn ra bởi có quái phạm vùng. Đứng đầu quái có một đại ca cỡ dao búa. Dẫu kiếm ít tiền nhưng chúng em được quái bảo vệ. Em bảo anh đừng qua đường kia là đừng phạm vào địa phận quái khác. Quái có nhiều kiểu làm ăn. Có kiểu làm ăn như em vừa kể. Có kiểu trấn lột. Khi gã đàn ông đang khoái cảm thì quái đến chìa dao ra tru tréo: "A! Mày cưỡng hiếp vợ tao à?". Tiếng nói rít qua kẽ răng nghe rợn cả tóc gáy. Thế là, gã kia muốn sống, muốn yên thân phải ngoan ngoãn bỏ lại tiền bạc, áo quần, đồng hồ, giày dép, may ra chỉ còn lại cái quần lót che người chạy tháo thân.
Nghe đến đây, tôi rợn cả tóc gáy, tưởng như sau lưng có quái đang cầm dao chĩa tới. Với kẻ tay cò chân chiện như tôi đâu chỉ sợ quái. Chỉ cần có người đi qua đường thấy tôi trong đêm khuya đứng với một cô gái cũng là điều đáng sợ rồi. Ngày mai, cái lời độc địa "thầy cặp bồ" theo miệng những kẻ vô công rồi nghề ngồi lê đôi mách truyền đi khắp nơi. Phụ huynh học sinh, đồng nghiệp, bạn bè nhìn tôi bằng đôi mắt trách móc, ghẻ lạnh, khinh bỉ. Dẫu còn sống tôi cũng như bị tàn phế rồi.
- Anh chơi em đi... - Cô gái lại khẩn khoản.
Tôi vừa kịp trấn tĩnh. Rút từ túi áo trên ra một tờ năm ngàn đồng mới tinh, tôi nhỏ nhẹ nói:
- Tôi không làm thế được. Cho cô đây...
Tôi nắm tay cô gái, đặt gọn tờ bạc vào lòng bàn tay cô. Cô gái tần ngần nhìn tôi vẻ xúc động: "Anh tốt quá". Rồi cô áp đầu vào ngực tôi, tay trái quàng qua hông, tay phải đặt vào vai tôi âu yếm vuốt ve từ vai xuống ngực rồi từ từ vòng qua phía sau nắm chặt lấy tay trái xiết tôi lại như cột tôi vào người cô. Tôi vội vàng kéo tay cô ra rồi dắt xe ra về. Cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên tần ngần nhìn theo. Ba kim đồng hồ cùng nhập vào số mười hai. Vợ tôi vẫn tựa cửa đợi tôi như mọi lần.
- Anh về khuya thế? Em lo lắm. Các con chờ ba vẫn chưa ngủ. Anh uống rượu hay sao ấy?...
Tôi phân trần:
- À! thư giãn chút thôi mà...
Dắt xe vào nhà, rửa ráy qua loa, tôi vào phòng bật đèn ghi lại đoạn thơ vừa nghĩ thoáng qua trên đường về rồi hứng chí ngâm nga:
Em đứng làm chi đó hở em?
Bên cỗ đại bác khổng lồ
giữa ngã ba đại lộ
Đường thì rộng mà em thì bé nhỏ
Đêm đặc dày mà em mảnh mai
Em đứng chờ ai?...
Vợ tôi trố mắt nhìn tôi:
- Khuya rồi. Mai còn đi dạy. Em, em nào nữa đây? Anh ăn cơm, em dọn?
- À, thôi... Em thơ đấy mà. À! Quà cho con và em đây.
Tôi lấy gói quà và rút xếp tiền đưa cho vợ, liếc mắt nhìn nàng một cách tình tứ - Bốn mươi lăm ngàn, gần tháng lương rồi đấy.
Vợ tôi cầm xếp tiền. Hai bàn tay áp những tờ giấy bạc vào lòng. Mùi thơm của tờ bạc mới làm nàng ngây ngất. Thế là tôi thêm vào câu danh ngôn người đàn bà có thêm nhiều lần dễ thương nếu có nhiều lần như hôm nay.
Lặng đi một lát, nàng có vẻ băn khoăn:
- Đâu mà bốn mươi lăm ngàn anh?
- Bốn mươi lăm ngàn chín tờ mới nguyên - Tôi quả quyết.
Nàng xòe ra mấy tờ bạc như xòe những con bài:
- Đây có sáu tờ...
- Ơ... Ơ... - Tôi ấp a, ấp úng...
Soát lại túi trên, túi vẫn rỗng không, đâu nhỉ! Tôi nhẩm tính: "Dũng đưa mười tờ năm ngàn, hào phóng hết năm ngàn, tiền mua quà cho con và làm mấy ly thư giãn lấy trong số dự trữ..." Tôi cố lần trong trí nhớ. Thôi đúng rồi! Cái bàn tay vẻ như âu yếm, vẻ như ngần ngại vuốt từ vai xuống ngực dừng lại ở túi áo một thoáng rồi vòng qua hông nắm tay kia thành vòng trói. Chà! Cú xoáy thật diệu nghệ. Sao cô ta không rút cả tập. Chắc tiền mới dễ rút, câu kẹp được tờ nào nhẹ nhàng rút ra tờ ấy... Tôi bực tức vò nát bài thơ rồi vứt qua cửa sổ": Không phải cô gái sông Hương của Tố Hữu mà là Tám Bính của Nguyên Hồng. Nguyên Hồng nói đúng. Máu giang hồ vẫn là giang hồ".
Đêm ấy, tôi thao thức không thể nào chợp mắt được. Lòng lại dặn lòng sống để dạ, chết mang đi, không bao giờ thổ lộ ra cái câu chuyện đáng xấu hổ này.
Mới tám giờ đêm mà đường vào Cửa Ngăn đã vơi người qua lại. Hoàng thành vẫn trầm mặc giữa trời đêm. Lá thu xào xạc rụng. Đêm thu trời mát ngọt. Cái không khí ban đêm ở Cửa Ngăn này đã gợi lại câu chuyện cách đây vài tháng mà tôi cố quên đi. Bỗng một bóng người từ cỗ đại bác đen trũi bước ra như một bóng ma. Bóng ma lừ lừ đưa tay chặn xe tôi lại:
- Ba ngàn đi không?
Tâm thần bất định, tôi hét lên:
- Lài phải không?
Tôi chưa kịp trút lên đầu cái bóng ma ấy những lời tức giận dồn nén từ mấy tháng nay thì bóng ma đã quỳ xuống chân tôi. Không phải ma mà là một cô gái. Người tôi nổi da gà, chưa kịp vùng vằng đẩy cô ra thì cô đã nức nở:
- Em là em kết nghĩa của chị Lài, tên là Gái. Chị Lài bị bệnh lao... đã mất rồi... Đã hơn tháng nay, em tìm anh mãi mà không được gặp - Nghẹn đi một lát, cô lại kể tưởng chừng như nếu dừng sẽ không còn dịp nào để trần tình nữa. - Bữa ấy, em bị mổ ruột thừa không có đủ thuốc kháng sinh nên nhiễm trùng. Suốt mấy đêm liền chị Lài đi đón khách chẳng có đồng nào. Hôm ấy, chầu chực mãi chẳng được gì, chị định vào viện với em thì gặp anh. Thấy xe, chị biết anh đi xe thồ, thân phận chẳng hơn gì mình nhưng chị cũng liều được chăng hay chớ. Vào viện thăm em, chìa cho em xem bốn tờ bạc mới, chị kể cho em nghe chuyện gặp anh. Chị bảo: "chị chưa bao giờ gặp một người tốt như anh". Chẳng có cách nào khác, vì em mà chị làm điều ấy. Cứu mạng em là trên hết. Có ngày chị sẽ hoàn lại anh, cầu xin anh tha lỗi và xin kết bạn làm thân. Trước lúc lâm chung, chị bảo em bán đi tất cả tư trang dành năm ngàn gửi chị mang theo còn mười lăm ngàn nhờ em tìm trả lại anh. Chị nắm tay em lắc lắc: "Để chị đi cho thanh thản, nhớ nghe em". Hai hàng nước mắt tràn trên hố mắt thâm quầng của chị.
Tôi bàng hoàng như đứng trên mạn thuyền chao đầu ngọn sóng. Câu chuyện tôi cố vùi lấp nay chập chờn hiện như một đoạn phim quay nhanh. Kỳ Đài, Ngọ Môn, Hoàng thành... như chìm dần trong sương đêm.
Tôi cầm lấy bàn tay của Gái rồi nắm lại giữ cho những tờ bạc mới nằm gọn ấm áp trong lòng bàn tay cô, nói trong thổn thức:
- Gái ơi! Tôi nhờ Gái thay tôi mua hương hoa cúng trăm ngày cho Lài. Chắc cô ấy thanh thản rồi.
Tôi đạp xe lững thững trên đường phố. Tiếng nức nở của con chim ăn đêm lẻ bạn như cứ vọng theo...
L.G.N
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Hướng thiện (26/08/2008)
Na ơi... (08/08/2008)
Láng giềng (28/07/2008)