Truyện ngắn
Mai vẫn còn xuân
09:59 | 28/08/2008
PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.

- Nè, anh!
Bắt đầu chuyện gì đây? Tôi đang cắt tỉa bên hàng rào và tôi rất ghét bị quầy rầy lúc đang làm việc.
- Chi? tôi quát.
- Anh làm ơn... xách giùm xô nước!
Tôi nhìn nó. Tưởng muốn ăn thịt nó được. Ngược lại, nó chỉ cười.
- Hôm qua cô Hồng mượn, em có mượn mô.
- Muợn được, sao không mang qua trả được?
- Thôi mà, anh cầm giùm đi.
Nó nói là làm liền. Lập tức một cái, xô lơ lửng trên đầu. Tôi đưa một tay ra đỡ. Trời đất: cái xô đựng đầy nước khiến tôi phải gồng.. muốn gãy tay.
- Ê, trả tao xô nước làm chi? Mày đúng là..
Nhưng nó đã chạy biến vô nhà. Hai nhà cách một bức tường thấp. Những việc bên ấy làm, bên này đều rõ và ngược lại. Tất nhiên tôi muốn nói chuyện làm vườn kia. Nhiều lần tôi "góp ý" với ba tôi, mua bờ lô xây cao chút nữa, nhưng ba tôi bảo, để cho nhà người ta có nắng trồng cây, và để... hàng xóm còn thấy mặt chào nhau. Xây cao làm gì. Hàng xóm đây là cô Hồng, sống độc thân.
Nhà cô Hồng trồng cây kiểng, khoảng vườn nhỏ ấy do ba tôi và Tú sang làm giùm. Bù lại cô cho chúng tôi sách vở, dụng cụ học tập. Con nhỏ ở với cô Hồng thường sang mượn dụng cụ lao động nhẹ cho cô Hồng và cho nó làm vườn. Được dịp nó lại chọc tôi. Tôi mười tám, con nhỏ nghe đâu chỉ mới... mười ba.
- Ê nhỏ. Tôi gọi. Con nhỏ làm bộ tưới cây không nghe.
- Ê, tao kêu, mi không có tai hả?
- Dạ! Thình lình nó quay lại, bĩu môi dài thượt. Anh gọi em hả?
Mắt nó nhìn tôi như có đuôi. Tôi nghiêm mặt:
- Mi đem cái cuốc chim qua trả chưa? Nhớ là đúng bốn giờ chiều nay.
- Rứa - không cần trả chừ sao?
Nhỏ này đáo để thật.
Nó không trả tôi bốn giờ chiều, mà bốn giờ sáng mai. Tôi không tin nó dậy sớm thế. Thường 4g30 tôi và Tú dậy học bài. Thế mà, tôi đang còn rửa mặt sau giếng đã nghe tiếng con nhỏ.
- Thưa anh cho em trả cuốc.
- Trời đất em dậy chi sớm rứa? Để trưa anh qua lấy cũng được mà - Tú nói.
- Dạ, anh Tân đòi trả 4 giờ chiều qua mà em quên.
- Anh nói chơi đó. Thôi về ngủ đi.
Trong bữa ăn sáng ba tôi rầy tôi:
- Dụng cụ lao động cô Hồng có trả thì trả, con qua lấy cũng được. Đòi làm chi, bắt nhỏ Mai dậy sớm tội nó.
Tôi nhìn Tú. Tôi thua rồi.
Nó không phải là con cô Hồng. Nó là cháu kêu cô bằng dì. Nghe đâu, cha mẹ và hai anh nó đi đào mìn bị mìn nổ chết. Nó ở nhà nấu cơm nên còn sống.
Thằng em tôi "cục vắt hòn" nên dễ mắc mưu con nhỏ, chớ tôi thì đừng. Có bữa ra cổng tôi gặp nó đứng thập thò:
- Đi mô? tôi hỏi với vẻ oai phong.
- Dạ, em qua anh Tú học toán.
- Hở? mà có tiền học không?
Tất nhiên là nó nhe răng cười... trừ Nó cười tươi như hoa nở. Đó là chi tiết không quan trọng. Cái tôi không thể cho qua là nó dòm nom những cây cảnh mà ba tôi, hoặc tôi mới trồng. Cây chi giữ bí mật cách mấy, nó cũng biết.
- Sang học, nhưng không được lộn xộn, nghe không?
- Dạ.
Nó trả lời với vẻ ngoan ngoãn, nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Hai lần, hai cây móc khoèo ổi, đã mất tích bí mật. Tú điều tra mãi, hoá ra con nhỏ... mượn, không phải để hái mận bên nó, mà để khèo ổi bên tôi. Tú tìm ra hai cái khèo với hai cái móc sắt đi hai đường, thật là tức. Đứng bên kia rào, thấy tôi cào đất - Lớp đất bùn trên mặt để cho vô chậu, là nó hỏi liền:
- Lấy đất làm chi rứa anh?
- Làm việc đi!
- Anh trồng cây mới phải không?
- Tao đã bảo mày im!
- Không hỏi nữa mô.
Nó ngoe nguẩy vô nhà. Nhưng tôi biết chắc, nếu vén bức màn ngăn cửa sổ, thế nào cũng bắt gặp đôi mắt nó đang theo dõi. Rồi nếu hai cặp mắt cùng chiếu tướng, thế nào có cũng cười.
Từ ngày ông nội tôi mất, ba tôi bỏ hẳn nghề chạy xe ôm mà theo hẳn việc làm vườn, trồng cây kiểng. Hai chậu mai trồng bốn mươi lăm năm của ông tôi đem dự thi ở Hội hoa xuân đạt giải nhất. Hai cây khế có trái trồng trên mười lăm năm của ông Cai ở Kim Long cũng đạt giải nhất. Từ ngày ấy, nhà tôi thường có khách vào xem và mua cây. Hai chậu mai ấy ba tôi không bán. Hằng ngày ông bắt sâu, nhổ cỏ, ươm chồi, ghép cành. Hai anh em tôi đi học về, phụ tưới cây cho đất vô chậu, ủ phân. Cây kiểng cần độ ẩm, không cần nước nhiều như cây lưu niên. Hai chậu mai quý đứng ở vị trí kín đáo, cao nhất trong vườn. Thế mà nhỏ Mai cũng biết. Hơn một trăm chậu cây, nó không để ý, chỉ để ý cây mai. Có một hôm chủ nhật con nhỏ đứng thập thò trước cổng. Nó không vào đâu phải sợ tôi. Chỉ vì hai con chó dữ thôi.
- Đứng làm chi đó, nhỏ? Tôi hỏi.
- Dạ có hai ông Tây muốn vô thăm vườn.
- Sao?
Nó quay lại chỉ hai ông Tây vừa đến sau lưng. Hai người đàn ông thăm khu vườn của ba tôi, xem cây kiểng, đứng rất lâu trước hai chậu mai. Có vẻ họ rất thích hai chậu mai ấy. Họ nói với nhau gì đó, vốn tiếng Anh bằng B của tôi chỉ nghe lõm bõm. Năm rồi có hai người cán bộ ăn mặc sang trọng đến hỏi mua hai chậu mai. Hình như không phải mua cho họ, mà mua đi Tết cấp trên. Ba tôi nói:
- Tôi không bán. Nếu bán, giá ba mươi triệu vẫn còn rẻ.
Thế mà họ đã trả từ hai mươi đến hai mươi bảy triệu. Tôi nghĩ ba tôi đã lung lay. Ai ngờ ông vẫn không bán.
- Cũng tại mày! Nếu mày không bép xép...
- Mô phải lỗi tại em? Mấy ông họ hỏi, em chỉ vườn chớ có biết họ vô mua mai, mà ba anh có bán mô nờ.
- Đồ quỷ tha ma bắt! Tú phụ hoạ.
Con nhỏ chạy biến vô nhà. Hè đến, tiếng ve kêu ran trong vườn khi trời chưa sáng. Thế mà con nhỏ không hiểu có chuyện gì, nó không chạy sang nhà xin tôi trái chanh, tép sả, hay mượn khèo móc ổi, mùa mận cuối tháng ba âm lịch vẫn còn trái, vậy mà nó không hề chạy sang. Lạ thiệt. Tôi thầm băn khoăn. Con nhỏ đó không biết giận. Tôi là người hay la nó và tức nó thì đúng hơn. Cô Hồng qua tìm tôi:
- Cho cô mượn cà mèn đi. Cặp lồng cô mất rồi.
Vẻ mặt cô hớt hải. Tôi ngạc nhiên. Cô giải thích ngay:
- Con bé có bịnh, nằm viện nữa tháng nay. Hôm qua nó về nhà, tối lên cơn, phải chở vô lại.
Trưa nắng như đổ lửa, tôi và Tú đạp xe lên bệnh viện Kim Long thăm nó. Con nhỏ không gầy lắm, làn da nó trắng bạch và nó còn mỉm cười với Tú khi chúng tôi vào. Đứng bên giường nó, lần đầu tiên tôi cảm thấy ân hận.
- Nhỏ đau chi rứa? Tú hỏi.
- Không đau mà vô đây? Con nhỏ cắc cớ hỏi lại. Cặp mắt nó đen như ướt nước.
- Đó, lại nói. Tôi ngồi xuống giường. Tú ngồi trên ghế, người ta cho nằm giường có thể đẩy cao lên để tựa đầu cho dễ thở. Con nhỏ nhìn tôi:
- Anh mới vô à?
Nó lại còn chọc tôi nữa đây! Tôi đặt cà mèn đựng cháo thịt bò của cô Hồng nấu và nải chuối tiêu tôi mua ở chợ lên bàn đầu giường.
- Ăn cháo nghe nhỏ? Tú vẫn tự nhiên. Nhỏ Mai gật đầu. Trông nó có vẻ yếu đuối, và tôi nghỉ, từ giờ trở đi, khó mày tao với nó quá:
- Hai chậu mai còn không anh?
Khi không, nó hỏi dở ẹc. Tôi đáp:
- Cũng tại mày, hai ông cán, mấy ông Tây, cứ hỏi mãi. Ai mà bán?
- Thì... ưng bán là quyền ba anh, tui có làm chi mô nờ.
''Hừ, tui có làm chi mô''. Suýt nữa tôi lại quát nó, nhưng rồi lại nín nhịn. Nếu kể ra, tội nó còn nhiều. Ngoài tội trèo tường hái trộm ổi, tội lớn nhất là những chồi lan, những cành mới ghép, nó đều về mách cô Hồng. Nó lại sai thằng Tú đi mua hoa, mua nến (hoa thì Tú mua... ở nhà) về tổ chức sinh nhật. Thật ra chỉ có nó và con chó ghẻ con chó Ki ốm nhách nó nhặt dọc đường. Cô Hồng nhiều lần muốn ném con chó vừa ghẻ vừa ốm vào thùng rác cho Sở vệ sinh thành phố, con nhỏ không chịu. Tú ở lại ăn sinh nhật với con nhỏ, có hoa (tôi trồng) kẹo bánh, và quà (Tú mượn tiền tôi). Bây giờ nó nằm trước mặt tôi, mong manh quá. Nó thường lấy cây mận của tôi làm chỗ dựng nhà, với vài tấm phên mục rách (mà ba tôi ném ở chuồng gà), rồi lấy đất đắp thành từng nắm nhỏ, bẻ nhang cắm lên trên. Không ai hiểu nó đang chơi trò gì. Bây giờ Tú đang đặt chén cháo vào tay nó lại, đỡ nó ngồi lên. Rồi tôi lấy chén cháo trên tay Tú.
- Nhỏ còn yếu. Thôi để... anh.
Nó ngượng, rồi đói bụng, nó cũng há miệng để tôi đút từng muỗng cháo. Ăn được hai chén, nó có vẻ khá hơn. Trông nó nhỏ bé, và tôi tự nhiên thấy lòng mình hơi khang khác. Nó lại cười toe khi đỡ ly nước trên tay Tú.
- Nhà mình lúc ni có còn ổi không anh? ổi xá lị ấy.
- Thôi đi, Tú lườm - năm ngoái, ý lộn, tháng giêng có cặp ổi xá lị tao lồng tặng bạn, mi phổng mất. Chừ hỏi chi? Tú chống tay lên hông - mà răng mi không khèo ổi tháng tám của cô Hồng, lại khèo trộm ổi của tao, hả?
- Thôi mà - tôi đẩy Tú lui - nhỏ đang đau, em nhắc chuyện ấy làm chi?
- Anh coi chừng, mắc kế mỹ nhân!
Tú nói rồi bỏ đi một nước. Tôi nhìn nó, cười.
Mùa hè là mùa cây trái ra hoa, vườn rộn tiếng chim và ong lũ bướm lượt bay về. Mùa mận qua, đến mùa nhãn, con nhỏ không về. Bịnh của nó ban đầu tưởng thấp khớp vô tim, ai ngờ không phải. Nó bị hẹp van. Tôi trở thành cua rơ, ngày một bữa mang cháo cho nó. Tú chở cô Hồng buổi tối. Nó nằm trong viện mà cứ như ở nhà. Hơi mạnh, nó lại đi quanh. Nó than, bệnh viện chi mà khô khan, buồn tẻ, không có cỏ xanh và nhiều hoa như ở nhà tôi. Nó nói nó nhớ vườn, nhớ con chim vành khuyên của tôi, và nhiều nữa..
- Mi không nhớ vườn cô Hồng à? Tú hỏi.
- Nhớ, nhưng nhớ... hai chậu mai của ôn (ba tôi) nhiều hơn.
Nó đáp rồi cười như nắc nẻ. Cười một hồi thấm mệt, y tá vô rầy:
- Thôi, coi mệt lại xỉu đấy.
Tú mượn vở chép bài cho con nhỏ. Nó thích học lắm, thích làm toán, học anh văn với tôi. Chúng tôi trở thành hai cua rơ bất đắc dĩ, làm bạn với nhỏ hằng ngày. Những hôm tôi vào trễ nhỏ còn cười chế nhạo:
- Tưởng anh sợ nắng chớ.
- Mô, anh bận giải phương trình vô nghiệm.
- Là chi?
- Là phương trình có anh và em.
Nó có vẻ hiểu, sự bẽn lẽn qua rất mau, vì tánh nó tự nhiên và bạo dạn.
- Xì, một họ hai nhà.
- Hai nhà.
- Một nhà.
Nhỏ lấy tay đẩy tôi ra, và tôi đứng lên nhường chỗ cho y tá vào chích thuốc. Những buổi chiều ấy, bệnh viện trở nên yên tĩnh và không gian âm u. Tú thường tế nhị về trước nấu cơm, để tôi ngồi lại với nhỏ. Bệnh viện trước thuộc về đất của dòng tu. Giữa dòng tu với nhà nước vẫn còn lằng nhằng chuyện trả khu đất. Thành ra, cái nhà thờ lớn vẫn còn nằm ngay giữa sân. Xung quanh cây cối thưa thớt. Phía sau là chỗ xả rác và nước thải. Một trong những buổi chiều ấy mà tôi nảy ra ý muốn cầu nguyện cho em. Tôi bỏ nhỏ nằm đó, đi dọc hành lang đến khu nhà nguyện. Không biết làm dấu thánh, tôi chấp tay thì thầm: "Nguyện cho nhỏ được sống bình an, mai trở về nhà, anh sẽ không bắt nạt nhỏ, sẽ dành cho nhỏ một món quà. Bởi vì anh yêu em."
Lời tự thú vừa làm tôi xấu hổ vừa khiến lòng thanh thản. Khi tôi trở về phòng, Mai đã ngủ ngon lành. Khuôn mặt nhỏ trông ngây thơ, vô tội. Bởi vì nhỏ chỉ là nhỏ, nên anh yêu nhỏ, nhỏ ơi, nhỏ vẫn thường thích hoa dạ hợp, anh sẽ mang vào cho em một chậu. Ngày mai sinh nhật anh.
Từ ngày "con nhỏ" vào bệnh viện, con đường ngày nào tôi cũng đạp xe đi trở nên ngắn. Hôm nay tôi chở lủng lẳng nơi giỏ xe, chậu men sứ có cây hoa dạ hợp mới nở một bông - tôi đã ươm trồng cho nhỏ. Nụ lan chỉ mới hàm tiếu. Mùi thơm nhẹ, át cả mùi thịt bò hầm khoai tây do Tú nấu. Tú nấu ăn ngon và vì hôm nay sinh nhật tôi - nó muốn tôi ăn sinh nhật với nhỏ Mai trong bệnh viện. Nó mua hoa và bánh  mì nóng dòn, bỏ vào bịch nylon, nó chuẩn bị cho chúng tôi bữa ăn chung đầu tiên - chu đáo đến thế là cùng. Từ ngày mẹ mất vì tai nạn đến giờ, Tú là người nội trợ giỏi của nhà tôi. Tôi đến bệnh viện sớm, hình dung dáng nửa ngồi nửa nằm của con nhỏ. Nhỏ sẽ long lanh cặp mắt mà những tháng sau nầy dường như bớt sáng, song trong cặp mắt ấy vẫn có một nụ cười.
Nhưng lúc tôi bước vào phòng với tay xách giỏ, tay bưng chậu hoa, cô y tá Thi đón tôi với vẻ mặt khác thường. Tôi đang vui nên vẻ mặt của cô không làm tôi chú ý.
- Em mang gì đến cho Mai? Nó được chuyển đi hồi hôm rồi.
- Cô nói...
- Khuya hôm qua lên cơn nặng, bịnh phải chuyển cấp cứu, mà ở đây không đủ dụng cụ thuốc men.
"Xoảng", chậu hoa dạ hợp rơi xuống nền nhà vỡ toang. Cô y tá nói những gì sau đó, tôi có còn nghe được nữa đâu! ...
Vài hôm sau cô Hồng đón tôi ở ngoài ngõ nhà. Cô có vẻ lo lắng:
- Cô muốn nhờ ba con, không biết có được không?
- Chuyện chi vậy cô? Con vào thăm Mai được chưa?
- E phải mang nó đi Hà Nội, cơ quan cho mượn một triệu, làm sao đủ. Tiền tàu, tiền tiêu pha thuốc men, năm triệu mới tạm đủ.
Nhà tôi làm sao có đủ năm triệu tiền mặt, một triệu chưa chắc đã có. Chỉ có bán chậu mai. Ba tôi không bán, làm sao có tiền cho mượn. Cô Hồng chừng như hiểu ý tôi:
- Con bé có bảo hiểm, nhưng làm sao đủ, hả cháu? nó phải mổ mới có hy vọng.
Tôi biết ba tôi vẫn âm thầm bỏ ống, tiền ấy sau này cho tôi vào đại học. Anh em chúng tôi sống nhờ cái vườn nhỏ, rau không mua, cá có ngoài ao. Chúng tôi học ở nhà là chính. Không đứa nào đi học thêm vì biết sức ba tôi không thể trang trải thêm nữa. Tuy thế, bữa cơm tối tôi cũng trình bày với ba tôi bịnh tật của nhỏ Mai và yêu cầu của cô Hồng. Ông không nói gì. Ăn uống xong ông vẫn ngồi trầm ngâm bên bàn nước.
- Chắc là mình không thể cho mượn được, phải không ba? Lẽ ra cô Hồng mượn ở chỗ giàu có hơn. Tú nói vì không chịu nổi sự im lặng.
- Chắc có lý do chi cô mới mượn nơi mình - tôi đáp thay.
- Mình cũng cần xây bức tường phía đông để ngừa bọn học sinh, trẻ con vào quậy phá, làm lại cái bếp vì phên tre đã mục. Ba tôi nói như không để ý đến lời đối thoại của chúng tôi.
- Như thế thì... Tôi định nói, rồi làm thinh. Năm triệu đồng là một số tiền lớn, để xây một căn phòng lợp mái chăng? như ao ước từ lâu của chúng tôi vì cái bếp hiện nay thì mùa đông dột, mùa nắng nóng.
Rồi tôi ngồi vào bàn học bài, những con chữ cứ rối tinh lên. Tôi biết mình không học được, cả Tú hình như cũng khó ngủ. Sáng sớm, câu nói đầu tiên của Tú ngoài giếng nước là:"Nhỏ Mai sẽ ra sao?".
Tôi và Tú không phải đợi lâu. Trưa hôm ấy đi học về ba tôi để lại hàng chữ trên bảng đen:"Ba sang nhà thương lớn, đừng chờ cơm". Từ ngày nhỏ Mai bịnh đến giờ, ông mới đi thăm lần đầu. Hình như ông cũng biết tôi yêu nhỏ. Ngày nào tan học về tôi cũng vào thăm nhỏ. Tôi thương nhỏ thật rồi, tôi chỉ còn biết nắm tay con nhỏ cầu nguyện. Sau đó độ một tuần, nhỏ và cô Hồng lên đường đi Hà Nội.
Bây giờ khu vườn trở nên yên lặng quá, mọi cái xung quanh chừng như lạt lẽo vô duyên, bầu trời ảm đạm màu chì. Tôi vùi đầu vào chuyện học thi, dù sao tôi cũng phải nắm cho được cái bằng tốt nghiệp để còn thi đại học. Sau giờ học tôi phụ ba làm vườn, tỉa cành, và nỗi nhớ đầy ắp. May mắn cho tôi là nhỏ Mai mổ được bình an. Hết một mùa hè, nhỏ mới trở về. Tôi hỏi nhỏ ở chi lâu vậy, nhỏ cười đáp, ở lâu để tôi nhớ nhỏ!
- Bữa ni còn qua lấy khèo, khèo ổi trộm nữa thôi?
Nhỏ cười ngượng ngùng: "Khi mô mạnh em lại sang anh".
Không gian dường như thu nhỏ lại. Sau những tháng bịnh, con nhỏ lớn hẳn lên, hay tại tôi chủ quan nhìn ra thế. Ngồi bên nó, tôi không biết nói gì, những lần nó trêu tôi trước đây bây giờ chừng như không còn để lại dấu vết gì.
- Hoa dạ hợp của em mô? Nó chợt hỏi. Tôi mỉm cười nhìn vào mắt nó:
- Đang nở hoa, khi nào em mạnh, sang anh cho.
- Này, đừng có trèo tường ăn trộm ổi đấy?
Tú bước vào nói lớn.
- Hễ mạnh là em sang ngay à. Anh lo lồng cặp ổi mô ngon nhất, em không quên ơn!
- Hãy đợi đấy!
Nắng trở nên hồng và lá trở nên xanh hơn. Mọi vật dường như đang trở lại mùa xuân. Mùa xuân năm nay đào, mai nở sớm. Nhưng không phải cây mai mà nhỏ dẫn ông Tây vào xem. Thay vào đó là chậu bích đào. Hai chậu mai già chỉ còn một chậu. Ba tôi nói:
- Hôm nào rảnh, cha con mình lên núi Thất Sơn, biết đâu tìm được cây mai trắng. Tôi hiểu ý ông nói. Cây cỏ còn biết lặng thinh huống chi người.
Huế, 30/4/99
P.N.T
(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hướng thiện (26/08/2008)
Na ơi... (08/08/2008)