Truyện ngắn
Nghĩ ngợi quẩn quanh
08:25 | 06/12/2010
LÊ MINH KHUÊ- Anh thấy cậu như thằng bị điện giật ảnh hưởng não bộ thần kinh suốt mấy ngày ù lì ủ rũ. Sao từ hôm bay về Miami đến nay cậu đốc chứng thế. Thật khác hẳn mọi lần. Nghĩ đi nghĩ lại thấy thời gian cho mỗi đời người đâu có bao la bát ngát mà thấy thằng như cậu không tính đếm đong đo rồi yêu đời mà sống.
Nghĩ ngợi quẩn quanh
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Xem ông anh cậu đây hôm qua quàng được một em người Thái Lan thơm như kẹo, hẹn nhau rồi khi nào về Việt Nam anh sẽ sang Băng Cốc ngay đem cho em lụa Hà Đông xứ sở em may áo dài Việt Nam em mê từ hôm đi xem biểu diễn ở San Francisco, anh tranh thủ từng ngày không như cậu lừng khừng phí hoài rồi đến ngày đột nhiên có động đất rồi sóng thần nó bò từ biển vào thành phố hoặc đột nhiên có cách mạng thay đổi nếp sống cũ đột nhiên có bệnh dịch cướp đi mỗi giờ hàng trăm nhân mạng, tỉnh đi cậu em ơi…

Hộ cười cười. Nhìn Vĩnh. Đúng là giọng lưỡi của một thằng đã gần chục năm làm tour guide. Chân quanh năm đạp trên các vùng đất mới mặt người ngày nào cũng nhìn thấy lần đầu nên đời đáng sống đáng vui!

Hộ mới vào nghề được ngay chuyến đi Mỹ khảo sát tuyến đến các bang xa hứa hẹn những chuyến thăm thú cho dân đủ lực vượt biển chơi sang vùng đất giàu. Nghe Vĩnh nói cái giọng phấn chấn đó quen rồi nhưng mấy ai no đủ tinh thần vật chất như ông anh.

Về đến nhà Hộ nằm bẹp hai hôm sau mới đến công ty mặt bạc phếch nghe nói Vĩnh đã đi Băng Cốc kết hợp việc công việc tư rồi. Hộ bảo với cả phòng em xin nghỉ vài hôm đi về mệt quá chắc phải vài chuyến mới quen.

Vẫn như mọi khi nhà có bốn người. Bố là ông Trọng mới gần tuổi năm mươi mà người lòng khòng đi lững lờ như bèo tây mặt hồ lặng gió. Mẹ kế dáng dấp thong thả dân văn phòng nói năng nhẹ nhàng như đàn bà Hà Nội những năm năm mươi thế kỷ trước lạt mềm buộc chặt ông chồng và đứa con riêng của chồng là Hộ. Hương con riêng mẹ kế sắp vào đại học thỉnh thoảng xoa đầu anh trai thở dài, anh làm ngành du lịch kiếm cho em đại ca đẹp trai cỡ anh nhé, đừng để em lỡ thì thành bà già mặc áo kín cổ nói tràng giang đạo đức hiền thê như mẹ em kia. Khiếp. Vừa cho em một bài dài cỡ gang tay!

Những lúc như thế Hộ chỉ biết lắc đầu, đôi khi cười phá lên, không khí gia đình đầm ấm vui vẻ nhưng càng như thế ông Trọng càng hiu hắt nhớ thương người vợ và đứa con trai năm tuổi và đứa bé thai nhi đang bụng vợ. Nhiều khi vắng vợ kế và Hương ông Trọng ngồi gục đầu vào gối khóc hu hu, Hộ phải khuyên giải chuyện đã rồi bố khóc nữa thì mẹ với các em có sống lại được đâu. Bố phải nghĩ đến trái tim đã có vấn đề, phải thương con sao cho con có tương lai mà bố như thế mẹ với các em con không thể siêu thoát được!

*

Tội ác ấy không thể tha. Không thể có án nào ngoài tử hình. Thế nhưng phải năm năm sau án mới thi hành. Năm năm cha con ông Trọng đếm từng ngày cho kẻ gây ác phải đền tội. Hôm thằng đó tử hình các báo trong vùng đưa tin rộn rã một lẽ nó giết người không ghê tay lẽ thứ hai nó là con trai một cỡ VIP trong vùng. Dân gian rào rào hả hê! Dân gian thêu dệt đủ chuyện hồn ma bóng quế ám cái nhà ấy xui khiến thằng con thủ ác để thằng bố xiêu nhưng thời này chuyện đó là mơ nhé, thằng bố nó còn mạnh hơn. Tiền. Tiền làm được mọi chuyện các ông bà đừng tưởng chân lý có trên đời nhé. Cạnh nhà tôi có cô Lý xinh đẹp sáng nào cũng mặc soóc đứng ban công tập nhịp điệu. Tôi ghé mắt cửa sổ ngắm vô tư. Chân cô Lý, Chân Lý đấy chỉ có thế thôi!

*

Nhưng bố không thể tưởng tượng được đâu con nói riêng bí mật hai cha con, thằng Tùng giết mẹ con còn sống! Không thể lầm được! Con thề với bố!

Hai cha con đi dạo con đường đầy hàng quán ồn ào không ai nghe chuyện ai. Ông Trọng như bừng tỉnh cái vẻ ngái ngủ thường ngày biến mất ông đứng lại chăm chăm nhìn thằng con cao hơn bố một cái đầu. Mày nói lại xem nào! Hộ tua cái câu nói với bố nãy giờ mà bố chưa nghe ra. Ông Trọng đã hiểu. Ông lại có vẻ bình tĩnh bảo án tử hình là án nghiêm để thi hành án tử phải có nhiều thủ tục. Chữ ký cao nhất. Chụp ảnh trước khi đưa đi. Lăn tay kẻ tử tù. Người giám sát thi hành. Đội thi hành án. Phát súng nhân đạo rồi lại chụp ảnh xác tử tù. Cả một dây thủ tục hàng mấy chục người làm sao nó có thể thoát được khi không có kẽ hở nào. Luật pháp vẫn phải là luật pháp mà, mày đừng có nói bờm xơm mất mạng!

Hai cha con ngồi quán nước trà vỉa hè. Cây xà cừ trồng từ thời Tây xùm xòa che tán trên đầu. Thân cây hai người ôm giờ có hai nhà bán quán chiếm dụng. Nhà bên này làm cái hàm sắt vòng quanh cây để đặt một cái lò than nướng chả bán bún. Than liếm vào vỏ cây khoét một lỗ to đùng rồi dần dần khoét vào ruột. Hàng trăm người qua lại, mỗi ngày hàng trăm người ăn bún chả nhìn cái cây vô tội chết dần. Hàng bên kia bán nước đặt lò than sát gốc cây. Làm một lỗ to đùng thứ hai. Lỗ này trầm trọng hơn ruột cây đã khoét sâu hơn vì quán nước bán cả ngày cả đêm không như bún chả ngày hai bữa. Lần đầu tiên Hộ nhìn cái cây bị bức tử dù hàng năm nay nhìn vẫn thờ ơ không nghĩ là cái gì cũng phải đau. Cây cũng như thân xác con người. Những việc vặt thế này cũng phải có người lo chứ. Dân nó vô tư như loài ruồi bạ đâu ỉa đấy phải có người đứng ra xua nó chứ. Chả ai lo việc gì. Đồng tiền xu một nghìn trên tay bà bán nước kia giờ không còn chữ không còn số giờ là một cục kim loại pha tạp đen sì, đồng tiền là chuyện quốc gia không thể hẻo lánh như cái cây.

Thằng thanh niên đã bị trầm uất suốt thời vị thành niên khi mẹ với các em bị giết đã gần hoàn hồn trở lại ký ức xa dần giờ đây như lại bị kéo vào nỗi lo sợ mơ hồ. Ông Trọng lay vai con thôi đứng lên mai đi làm đi. Thằng Tùng sống hay chết cha con mình cũng chịu. Làm gì được?

Bữa đó Hộ đi từ bang Washington miền Tây ve, ấn tượng về khu chợ cá khổng lồ thật mạnh. Người bán cá tưng bừng mời chào con cá to ông ta cắm bông hồng lên miệng cá trông như còn sống bơi lượn giữa đống đá cục. Nghề bán cá mà vui tươi hạnh phúc như đi hội mặt mũi vô lo. Ông bán cá hê lô với Hộ rồi ôm vai anh đi một bước nhảy. Mang tâm thế ngày hội Hộ bước lên chuyến bay về Miami không hiểu sao hôm ấy chuyến bay đầy dân châu Á. Máy bay bay qua vùng hoang mạc khổng lồ nghe nói chưa có ai đặt chân vì nóng, khô cằn, rắn chuông, bọ cạp. Nghĩ sao không cho dân ta đến khai khẩn nhỉ. Chỉ cần nghe đâu là đất Mỹ thì có bị bọ cạp cắn rắn chuông thịt cũng tìm cach cài cắm. Cái chắc! Hộ ngủ gà gật trước mặt là lối đi có bà chiêu đãi viên da đen to khỏe như lực sĩ đem nước cho mọi người chả cần cười tươi đãi bôi kiểu châu Á. Có ai đó kêu lên sông Mississippi! Sông hai nhánh to như hai dải vải vắt ngang màu xanh sẫm của cây cối rừng nguyên sinh trải mênh mông. Hộ nhìn hút theo con sông nổi tiếng cho đến khi nó đổ ra cửa biển cho đến khi cầu vượt biển xe ô tô nhỏ như kiến đi lại hai dòng làm Hộ choáng ngợp. Đúng lúc đó Hộ nhìn thấy hàng ghế chéo bên kia một gã cởi áo khoác đứng lên đi vệ sinh. Một cái gáy!

Dạo đó Hộ ngồi cạnh bà dì trong phòng xử án kẻ giết mẹ giết em trai năm tuổi em bé còn trong bụng mẹ. Dạo đó ít tuổi Hộ chưa thấy nỗi đau ngày càng như đá đè nặng con tim. Hộ chỉ bị hút cái nhìn vào gã thanh niên đứng trong vành móng ngựa có cái gáy xăm đỏ sẫm từ mang tai hình con bạch tuộc bò nguềnh ngoàng ra khắp vùng gáy không chừa một milimét nào. Phải gan cóc tía mới ngồi cho kim châm tỉa tót thế kia. Con bạch tuộc cực kỳ sống động làm Hộ như bị hút hết sức lực. Hộ không còn nhìn thấy bố ngồi tái mét tay run như bị động kinh, không nghe tiếng rì rầm chung quanh không thấy tay dì đang bóp mạnh tay mình vì kích động. Hộ chỉ thấy con bạch tuộc cứ to tướng rồi bé lại. To tướng rồi bé xíu.

Bây giờ trên chuyến bay từ miền Tây về miền Nam nước Mỹ, Hộ nhìn thấy cái gáy ấy. Gã trong nhà vệ sinh đi ra. Nói với người đàn bà hàng ghế dưới. Tiếng Việt. Không phải giọng Bắc mà là đa đá giọng Bắc Nam. Hộ ghét ai từ Bắc vào Nam vài năm đã đá giọng ẽo ợt nhưng lúc này Hộ căng tai nghe. Nhóm ngồi hai hàng ghế ấy là người Việt. Cả bọn nói phiếm về chuyện tiệc tùng gì đó rồi cùng cười có vẻ ý tứ không phiền người khác.

Trong phòng xử án mấy năm trước thằng Tùng mới mười chín tuổi hoàn toàn không sợ hãi, như đã được lo lót. Nó trả lời rành rọt từng chi tiết, nó công nhận đã làm thế này thế kia, hỏi gì nó cũng nhận giọng lạnh như nước đóng băng. Lúc đó Hộ không nghĩ là nó được bảo hiểm. Mấy tờ báo bình luận cái vẻ thản nhiên ấy chỉ có ở người biết rõ tội. Có báo còn bảo giết người như đi dạo mát thế, cứ như không!

Sau khi tuyên án rất lâu thằng Tùng mới bị bắn. Nghĩa là gã đã bị xử với cái trình tự gã lo sợ mỗi đêm về sáng vì giờ ấy tử tù hay bị lôi đi, gã đã ăn bữa cuối cùng xôi gà sau đó có cà phê và điếu thuốc lá. Gã đã dựa vào cái cột ấy nơi cái bãi tha ma toàn những linh hồn không đâu nhận.

Nhưng Hộ như nhìn thấy gã. Từ phút ấy Vĩnh hỏi gì Hộ cũng ậm ừ không cho Vĩnh biết cái gì làm Hộ bứt rứt. Hộ vờ đi vệ sinh qua chỗ thằng có hình xăm trên gáy. Hộ cười các anh người Việt mới qua ạ? Thằng kia không trả lời, người đàn bà ngồi ghế dưới bảo tụi này đi công chuyện đều là dân bên này. Có gì không cậu? Dạ không. Em mới qua bỡ ngỡ thấy đồng bào mình thì hỏi thăm.

Đôi mắt thằng xăm bạch tuộc kỳ lạ. Nó nhìn xoáy vào Hộ rồi lẩn đi. Khi cái nhìn của gã lẩn đi Hộ thêm chột dạ. Hộ cũng còn nhớ cái nhìn ấy trong phòng xử án mấy năm trước. Cái nhìn chớp lên như muốn lột của người ta cái gì đó rồi lại cụp xuống lẩn tránh. Trở về chỗ ngồi con tim của Hộ rên lên. Trời ơi sao nó có thể thoát được?

Bố ạ! Nó ăn mặc kiểu doanh nhân hay dân chuyên máy tính gì đó bên Mỹ mà con vẫn gặp. Nghĩa là nó hoàn toàn ổn không phải lo lắng hay trốn chui trốn nhủi cái gì hết. Nó đàng hoàng trưng mặt ra với thiên hạ. Nhưng vẫn chỉ là giả thiết thôi mà con! Ông Trọng bất lực với cái lý khăng khăng của Hộ mấy hôm rồi. Hộ cương quyết: Không nhầm đâu! Cái hình xăm đó không thể nhầm!

- Kệ! Ông Trọng nói theo thói quen, giả sử nó sổng nó có lo lót thì mình làm gì được nó. Mặc kệ!

Hộ điên tiết. Bố thì lúc nào cũng mặc kệ mặc kệ. Bố y như ông thế tốt mà dân gian vẫn kể ấy. Sức khỏe dạo này thế nào? Thưa ông! Tôi cao tuổi rồi sức khỏe không được tốt lắm! Thế tốt. Con cái ra sao? Dạ thưa tôi có ba thằng con. Tốt quá! Bây giờ thế nào? Thưa một thằng hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, một thằng cụt chân ở Trường Sơn. Thằng thứ ba bị thương hồi chống Tàu! Thế tốt. Tốt. Tốt! Người ta quen mồm vô cảm vì người ta có chức sắc. Bố là ông vô danh bị mất vợ mất con mà bố cũng vô cảm mặc kệ, mặc kệ!

Ông Trọng bật cười khi thấy thằng con diễn tiểu phẩm ông thế tốt. Rồi ông quát lên, mày đừng bờm xơm trông gà hóa cuốc mang vạ vào thân! Xem thằng bố nó kia kìa!

Hộ im khi ông Trọng chỉ vu vơ vào không khí.


Thằng bố nó trước khi thằng con bị án tử tưng bừng khoe mặt báo chí ti vi hàng năm thăm thú vẫy tay tràng giang đại hải hội nghị nọ kia. Sau đó có vẻ phải lui êm vào vị trí cao hơn không chường mặt nhưng nghe nói mạnh hơn thế lực siêu hơn. Vẫn chễm chệ ngồi ở chỗ như cây rau sạch to đùng không cần bò toài ra ăn cắp tham nhũng để mang tiếng với dân gian lúc nào cũng nhòm ngó ghen tỵ. Chả phải nhọc lòng khua khoắng như lũ bần tiện kẻ chợ để bị dân gian khinh bỉ. Cây rau được tưới tắm nước sạch lấy ở ao giữa làng chả ai lườm nguýt. Ông Năm hàng xóm có thằng con doanh nhân xứ người muốn về làm ăn tỉnh nhà chỉ cần ra mắt làm quen hỏi bố luật lệ. Ông Năm nghe ngóng rồi bảo đóng gói mười nghìn tiền Mỹ cho vào cạnh hộp sâm xịn mua đúng xứ Kôre. Gói ghém như món quà tầm thường khi đứng lên ra về thì để lại trên bàn nước. Đến làm quen chỉ cần thế thôi khi nào có việc làm ăn cần chữ ký thì lại phải kiểu khác. Mỗi tháng cây rau được tưới vài ba bận kiểu đó cộng với các thứ phần trăm. Mà thiếu gì thứ phần trăm. Nhà đang cao cầu đứng vững phá mẹ nó đi làm cái mới vốn nhà nước cứ thế xài đường xá cứ thế mù mịt không lúc nào thấy yên nhưng phần trăm tưới tắm tràn trề ai muốn dừng lại. Mày có muốn đến ra mắt lão không để tao bày vẽ? Ông Trọng hỏi Hộ kiểu khiêu khích để thằng con bình tâm. Thắc mắc cái gì? Mày vào cửa quan không dúi được phong bì vào tay thằng thư ký mày chả nhảy dựng lên vì lo tao đi đằng đầu. Dân nó thích dấm dúi thế thì quan nó được hưởng. Hưởng mãi ngấm vào máu thành thói quen thành tính cách toàn xứ. Thôi cái thói nuôi ảo giác như đi trên sa mạc thấy nước ấy đi con ạ!

Hộ thở sượt một cái. Hôm đó đến sân bay Hộ bảo Vĩnh và cả bọn cứ theo xe người ta đón về khách sạn trước. Hộ vào thành phố thăm người bà con - địa chỉ đây, rồi trở về ngay. Hộ bắt tắc xi đi theo chiếc Mecxeđec sang trọng đón thằng xăm gáy và người đàn bà Hộ đã nói chuyện trên máy bay. Chiếc Mẹc chạy chậm Hộ bảo người lái tắc xi có khuôn mặt của dân Mêhicô là cứ chạy chậm theo xe kia. Xứ Miami chắc có nhiều cảnh này nên người lái xe mỉm cười sau hàng ria đen bóng.

Càng đi vào Miami càng có nhiều nhà thấp tầng, nhiều bãi cỏ xén bằng phẳng bao quanh nhiều cây cối xứ nóng. Khí hậu khác một trời một vực với vùng Minnesota Hộ đi tháng trước. Cái vùng nhiều hồ phương Bắc đó tháng mười trời đã lạnh lá phong vàng rơi như lớp thảm dày. Nhà có ban công gỗ lối đi vào nhà thường để cây cỏ tự nhiên đi ở đó thấy bình an thong thả chứ không gay gắt như xứ nóng Miami. Vùng Miami bão rất dữ có năm bão thổi tung cả mấy chiếc máy bay trong sân bay nên người ta làm nhà thấp xuống một chút. Vùng này nghe nói cư dân bất hảo da màu hay cư trú.

Chiếc tắc xi khựng lại khi chiếc Mecxeđec đứng cạnh một bãi cỏ có mấy cây cọ bao quanh. Thằng xăm gáy bước xuống, giờ gã mặc áo phông cổ áo phông thấp lộ toàn bộ con bạch tuộc bò nguều ngào như ác mộng. Người gác cổng có vẻ dân Nam Mỹ cúi chào kẻ mới đến, mở cánh cổng bằng sắt có hoa văn hình những con bướm xòe rộng cánh. Hộ nhìn tòa biệt thự rất sang trọng nghĩ dù mày là con VIP nào dù mày có phải thằng giết người chịu án tử mà thoát được thì giờ đây mày vẫn là thằng giàu có mà ít ai trong nước bì kịp. Mày đem sự giàu có tột bậc sang bên này bán cầu nhưng mày vẫn không trốn được xuất xứ nhược tiểu từ cái đầu cho đến tay chân. Sao mày không xóa cái hình xăm đi cho biệt tích hẳn. Hay xăm sâu vào thịt? Hay vì mày tưởng không ai nhớ cái hình xăm ngạo ngược dòng giống cha mày quen ngạo ngược thời buổi thằng không liêm sỉ làm đảo điên thiên hạ…

Không ai nhớ thì tao nhớ! Trên đường trở về khách sạn Hộ nhờ người lái tắc xi nghe nói có thâm niên ở thành phố này điều tra cái biệt thự kia nhưng anh ta lắc đầu. Dân này bảo nó bảo hiểm từ trên xuống dưới thuộc băng nhóm mà các sắc dân khác phải chào thua. Cảm ơn tiền của anh nhưng tôi không dám làm.

Hàm râu Nam Mỹ của anh ta vui vẻ nhinh nhích như từ lâu phải quen ứng xử với mọi biến động đời sống hàng ngày.

*

Dân ở thành phố ven biển này đã lâu rồi cứ thắc mắc thì thào cái thứ dân lạ thế không bao giờ bỏ sót một sợi tơ sợi tóc nhưng chỉ biết lào thào đồn thổi không có gan làm gì. Đồn rằng lão kia không đi lính ngày nào không đổ mồ hôi công trường thợ mỏ cũng không ra đi từ viện X, viện Y. Đầu to óc quả nho nghĩ việc trong bếp còn chưa xong sao nghĩ được việc thiên hạ. Thiên hạ ngày càng rối tung viện nọ đổ cho viện kia cứ theo tinh thần tập thể chả ai dại gì gánh trách nhiệm.

Hộ ngồi gẩy gẩy bát cơm đầu óc ngổn ngang khi con bạch tuộc xăm đỏ sẫm cứ như bò trước mắt. Hộ nghĩ tới lão bố thằng giết mẹ giết em Hộ.

Bà mẹ kế nhẹ nhàng bảo thể nào sang năm con lại qua Mỹ công việc đang dở dang mà. Rồi con tiếp tục dò xem. Cô em gái con riêng mẹ kế bữa ăn vẫn để mắt kẻ quầng đậm như bọn Emo đã có vẻ chán kiểu nỉ non sầu thảm của bọn Emo nhưng trang phục vẫn theo, ăn mặc kỳ dị khá hấp dẫn có vẻ như chả để ý đến ai hóa ra rất quan tâm nỗi buồn của anh trai.

Thôi anh ạ! Anh xác định nó đúng là thằng sổng án thì nó chối phắt tên nó không phải thế nó không phải người của thành phố này bố nó không phải lão ấy anh nhìn nhầm rồi. Sozy! Nó đã được chuẩn bị từ A đến Z cho một lý lịch mới toe một công việc mới toe chỉ trừ khi máu giết người của bố nó trỗi dậy nó làm một vụ ở đất nước luật pháp nghiêm ngặt ấy nó bị còng tay anh biết được thì may ra… Chứ bây giờ…!

Cả nhà gật gù. Như lũ vô cảm. Thực ra sau cái vẻ mặc kệ của bố nỗi đau ngày một lớn hơn. Bây giờ Hộ lại bồi thêm cái tin này nữa chắc bố đêm đêm chong mắt nhìn đình màn.

Lão “rau sạch” từng là chủ nhiệm hợp tác xã mua bán thời bao cấp. Thời ấy lão có rất nhiều chiêu để bóp dạ dày của dân ăn tem phiếu. Cái thời chưa mấy ai đểu lão đã biết đểu. Lão đánh tráo thực phẩm khai thác ở vùng có dịch - cái thời chưa mấy ai hãi hùng về dịch, đổi lấy thực phẩm sạch làm cầu bắc đường cho lão đến với những cái dấu đỏ. Lão trao đổi hàng hóa các vùng các ty các sở. Mở cửa vào rất nhiều nhà đại gia cách mạng để vua biết mặt chúa biết tên. Vài cái xilíp đàn bà xứ ngoại lão mua các phu nhân, các tiểu thư. Vài cây thuốc nhập ngoại lão mua các công tử. Cứ tích tiểu thành đại lão thành các ủy viên trong tỉnh cho đến khi chễm chệ ngồi vào bệ phóng trở thành ông đạo cao đức trọng nhưng cái máu xấu lão cố ém đi lại rơi vào thằng con trai út. Nó ứ vào học hành, ứ vào các trò khoe mẽ của bố của mẹ nó xuất xứ thủ kho hợp tác xã mua bán phân phối bao cấp cắt ô từ cái kim. Bố mẹ nó trưởng thành từ thời “Cái cứt gì cũng phân phân thì như cứt” giờ đây trưởng giả huênh hoang đài các rởm nó xem là đinh gỉ. Mấy thằng anh nó biết lợi dụng cơ hội bố chúng đang như cục nam châm hút vàng bạc của cải lại tiếng tăm thơm tho, mấy thằng anh học hành đỗ đạt vào chiếm dụng ghế cao ghế thấp các viện các vụ. Thằng Tùng, chỗ chứa cục máu xấu dòng họ không chịu một thầy nào, nó làm thiếu gia quậy tưng bừng rồi hút rồi hít rồi choác cho bằng chị bằng em các băng nhóm nổi tiếng. Dân gian lại được dịp hả hê. Thấy chưa? Của thiên trả địa. Bố nó vô nghề nghiệp, đóng cái đinh không xong, đi cày đi cấy vụng thối vụng nát, đi buôn lười thối thây chủ nhiệm hợp tác xã mua bán là vốn được cấp là đường mở sẵn nên mới phất lên mới vào bệ phóng thì thằng Tùng nó phải thế. Các cụ dạy rồi… Những lời dân gian đồn thổi đến tai lão bố rành rọt nhưng đã vào đến hàng ấy các lão học nhau ở thói thây kệ. Dân gian ghen ăn tức ở chuyện thường đứa nào dám đẩy lão khi lão gắn xi vào cái ghế lộc lá dư thừa. Lão không ngờ đứa đẩy lão lại là thằng con. Trời tìm đúng kẽ hở trừng phạt lão. Lại phải chạy lại phải be bờ đắp đập để giữ chỗ.

Thằng Tùng là thành viên băng cướp nổi đình nổi đám của thành phố.

Mẹ Hộ khi ấy mang thai em út sáu tháng dắt thằng Vệ năm tuổi đi từ nhà bà ngoại vào thành phố. Say xe. Mẹ Hộ xuống khỏi xe buýt dắt em trai Hộ đi bộ. Cùng muốn thong dong mẹ con buổi chiều ngoại ô. Mưa rào bất chợt. Mẹ con trú mưa hàng hiên. Tạnh mưa trời sẩm tối phủ bóng mờ lên con đường khi ấy chưa chen chúc hàng quán, khi ấy còn có cây còn có chỗ trống nên con đường khá vắng. Thằng Tùng đèo một thằng tiểu yêu đang đi tìm cảm giác mới nhìn thấy dây chuyền vàng trên cổ người đàn bà mang thai. Nhìn cái vòng tay bạc trên cổ tay đứa trẻ cũng thấy vui vui. Thằng Tùng đưa xe cho thằng tiểu yêu rồi làm như phim hành động Hồng Kông, nó xông tới giật dây chuyền. Người đàn bà hét to làm thằng Tùng cảnh giác nó ôm lấy cổ người mẹ và thò tay vào túi lấy sợi dây dù loại Mỹ thả pháo sáng thời chiến tranh nó quàng cổ người đàn bà thít chặt. Đứa trẻ năm tuổi đã biết xông lại cắn vào đùi thằng Tùng, thằng Tùng điên tiết dùng chân đá đứa trẻ một phát đứa trẻ ngã nhào đầu đập vào trụ xi măng làm cọc tiêu bên đường. Khi tháo xong sợi dây chuyền và sợi bạc thì thằng Tùng thấy thằng tiểu yêu biến mất xe máy để lại vì quá sợ hãi cái cảnh giết người thường chỉ thấy trên phim. Hai mẹ con đã chết cái thai trong bụng đã chết ba mạng người chỉ trong chớp mắt được đón lên thiên đường vì là người hiền lành. Lão bố hỏi thằng Tùng khi thằng con mặc áo sọc ngồi trong song sắt. Nhà mình đâu có thiếu vàng bạc sao mày làm thế hả con? Chả biết. Nghĩ là cướp cho vui cho thêm phần li kỳ cuộc sống nhạt thếch nhưng bọn kia nó lại chết cả nó báo hại mình số nó yểu nó lây sang mình… Thằng Tùng trả lời bố như nói năng anh hùng giữa đám du côn. Lúc ấy thấy cực kỳ phấn chấn như có ai tiếp cho sức mạnh bố không thể tưởng tượng được đâu. Thế nào? Có định ra tay cứu ruột rà máu mủ không thì bảo…

Thấy lão bố lặng ngắt vì chưa nghĩ được cách gì thằng Tùng hơi run rồi thấy run thật sự trở lại bản chất là thằng hèn mạt. Nó trợn trừng, mắt trắng như mắt hình nhân: Đang vãi cả ra đít rồi đây bố mẹ ngoài đó đừng có trơ mắt mà nhìn đây chết là về ám đấy, đừng để đây chết! Đây gánh tội gánh nợ cho cả nhà đấy!

Lão bố nhìn thiếu gia nhụt chí trông như cái xơ mướp nghĩ nó nói đúng. Cái gien của dòng giống nhà lão di truyền đến đây phải dừng. Lão phải lo. Nhưng lo cách gì?

*

Tội ác ấy không thể dung tha. Tòa tuyên án. Tử hình!

Ngồi trong phòng xử ngày ấy Hộ chỉ là thằng vị thành niên bị hút hết cái nhìn vào gáy thằng kia. Con bạch tuộc xăm đỏ tóe loe xúc tu ra khắp gáy thằng giết mẹ giết em Hộ. Suốt thời gian trưởng thành Hộ cứ mơ đi mơ lại giấc mơ ác có con bạch tuộc dùng xúc tu quàng cổ mình ngoáy mũi mình. Giấc mơ làm Hộ khóc thét lên đẫm mồ hôi. Không có ai đánh thức, bố đau buồn nút tai ngủ như dìm đầu xuống. Lớn lên đi làm cảm xúc về cái chết của mẹ của em rồi cũng nhạt dần con bạch tuộc với cái hình xăm ghê tởm ấy cũng lùi ra xa. Hộ cho rằng tất cả những kẻ bệnh hoạn thích xăm những hình quái dị lên da thịt sẽ xăm các hình khác chứ không đứa nào xăm hình con bạch tuộc trùm gáy. Chuyến bay từ Washington về Miami làm Hộ như bị giáng một đòn vào đỉnh đầu. Có lẽ thằng kia vẫn đủ mạnh để phớt lờ thiên hạ để sống trong giới doanh nhân bên ấy mà trưng con bạch tuộc trên gáy. Chắc nó phải dùng khăn thời trang hoặc cổ áo kéo cao mỗi khi phải vào các nơi làm ăn trang trọng còn thường thì nó phơi ra như trên chuyến bay…

*

Vĩnh từ Thái Lan về sau hai tháng vì còn theo một khóa học, trông mặt mũi có vẻ đã làm nên chiến tích gì đó. Nhưng Vĩnh lắc đầu bảo không có đâu. Cảm xúc đẹp phải nuôi dưỡng phải tiếp cận từ từ đừng ào ạt ngay như mấy đứa em út không biết cái gì phải quý trọng một chốc một nhát phá hỏng bét. Nghe nói sắp tới công ty cử đoàn sang Mêhicô. Khảo sát phần phía Bắc giáp Mỹ. Nếu được đi mấy thằng mình qua Mỹ chơi luôn. Đợt này phải thăm thú Miami cho đã mới được. Lần trước vội quá.

Hộ chẳng nói chẳng rằng khi nghe tin ấy làm Vĩnh cụt hứng nghĩ cái thằng tí tuổi ranh đã thâm trầm đau khổ hoài phí cuộc đời. Vĩnh chậc lưỡi kệ xác mày không muốn sẻ chia thì cũng chả ai cần. Nhưng không ngờ Hộ đã tới nhà. Hộ nói tất cả. Hộ muốn đi đợt này muốn Vĩnh tới Miami cùng muốn tìm sự thật. Hộ không thể chịu được. Khi biết cái thằng làm tan nát gia đình Hộ lại có thể thoát được.

Không ngờ Vĩnh, anh chàng đẹp trai cười có răng khểnh đã làm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh đã kịp có ô tô đã kịp xây nhà hai tầng kiểu Pháp giữa vườn cây xa nội ô một chút nếu muốn có vợ cũng kịp có khoảng chục nàng… anh chàng như thế khi biết tâm tư thằng bạn lại cười phá lên. Cười một chặp bảo xin lỗi anh không có ý làm tổn thương cậu nhưng anh thấy cậu vẫn sao mà ngu ngơ. Cậu cho chuyện ấy là quan trọng. Ừ thì quan trọng với cậu. Nhưng ở xứ này vào ngày hôm nay không có gì khiến người ta ngạc nhiên hết. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có chuyện to bằng biển Thái Bình Dương người ta vẫn để nó xảy ra không ai lo không ai dọn dẹp thu xếp thì cái việc thằng bố nhiều tiền lo cho thằng con thoát tử hình là cái đinh là hạt bụi. Còn việc hình xăm quái dị của nó dễ nhận ra mà nó không xóa đi là ý nó thích thế. Bây giờ kỹ thuật thẩm mỹ đâu có nhiêu khê gì, có điều xóa làm gì. Thì cậu nhận thấy nó cậu nghi ngờ mấy tháng trời rồi. Cậu nói được với ai. Lão bố nó vung vinh đạo đức không có tham ô tham nhũng chỉ ngồi đó đã đủ rồi nhưng bảo chỉ mặt đặt tên thói đểu giả đó ai dám ai nhìn thấy. Em ơi thôi, lo cho mình đi em ạ!

- Vậy thì em sẽ tự tìm thằng kia!

- Lại mơ nữa rồi. Em tìm nó khắp nước Mỹ ư? Nó đâu ở một chỗ, bọn nó nhiều chân lắm. Đã bảo tỉnh đi mà!

Chiều rất lạnh Hộ đi từ nhà Vĩnh ra phía nghĩa trang thành phố đến nơi quen thuộc ba ngôi mộ Hộ xoa tay lên cỏ mọc xanh ngôi mộ bé xíu của đứa em chưa ra đời được lấy khỏi bụng mẹ. Nó đã có cuộc đời riêng. Thôi dù sao em cũng may mắn khi không phải lớn lên mà nhiều dằn vặt đau khổ ở cuộc đời này.

Có lẽ nên sống như Vĩnh. Thi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Học tiếng Pháp thêm ngoài tiếng Anh đã thành thạo để mở đường sang châu Âu. Cố mua được chiếc Camri như vẫn ao ước. Chưa thể tính chuyện mua nhà nhưng chừng ấy đã! Con không làm gì được đâu mẹ đừng giận con tội nghiệp…


L.M.K

(261/11-10)




Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Khoảng lặng (26/11/2010)
(19/11/2010)
Xuân nữ (16/11/2010)
Dã Tràng (05/11/2010)