Truyện ngắn
Đêm tái sinh
14:57 | 24/12/2010
TRẦN THÙY MAIDường như chẳng bao giờ Hà Nội lại rét cắt da như mùa đông năm ấy. Tôi và Ngân chuẩn bị ra xuân sẽ cưới nhau.
Đêm tái sinh
Vì vậy, khi nghe Ngân đăng ký cho hai đứa vào đội xung kích đi trình diễn văn nghệ ở vùng cao, tôi sửng sốt. Ngân giảng giải: đi thế này tức là "phấn đấu", để hoạ chăng sang năm mới có hy vọng vào biên chế... "Nằm nhà chờ mãi từng suất diễn thế này, héo cả ruột!" - Ngân bảo.

Ai cũng biết "tuổi thọ" của diễn viên xiếc và múa rất ngắn: sáu, tám, hay mười năm là hết. Thế mà chúng tôi đã ra trường được sáu năm, đi hết nửa thời gian nghệ thuật của mình với những sô diễn chắp vá. Nếu hết mười năm mà vẫn thế này thì sẽ ra sao? Điều đó đối với Ngân còn quan trọng hơn tôi, vì thời gian bao giờ cũng ít khắc nghiệt đối với đàn ông hơn là với phụ nữ.

Tôi yêu Ngân nhiều lắm, mặc dù cô thường xuyên buồn bực, cáu kỉnh. Năm ngoái, giữa lúc sắp được vào biên chế - hồi ấy tài năng của Ngân phát triển gần như tột độ - đột nhiên cô bị kiết lỵ nặng. Bây giờ, trên sân khấu, dưới mấy nghìn oát đèn chiếu sáng, mỗi lần Ngân triển người với theo chiếc vòng hay lắc theo nhạc dạo, người ta đã thoáng thấy xương cổ, xương bả vai và bắt đầu bình phẩm: giá nữ diễn viên đầy đặn hơn....

Người diễn bao giờ cũng rất nhạy cảm trước phản ứng của công chúng. Chấn động mãnh liệt nhất xảy ra vào lần diễn đầu tiên sau khi Ngân bình phục. Dần dần, cô trở nên bình tĩnh, nhưng một nỗi u sầu xâm chiếm lấy cô, nỗi u sầu mà chính tôi là nạn nhân. Những lần trang điểm cho tôi trước khi ra sân khấu, cô vừa vẽ ria, bôi má, kẻ mắt cho tôi, vừa hoạnh hoẹ: "Giương mắt lên! Hừm, chả hiểu thế nào là giương mắt à? Em bảo giương mắt thì anh lại ngẩng mặt!". Tôi cứ tưởng Ngân đang răn bảo một chú bé con. Ừ mà đúng rồi, lên sân khấu tôi chuyên đóng vai hề mặt thộn mà lại. Gắt gỏng với tôi một lúc, Ngân lại ngồi thừ ra, rồi cô thì thầm: "Đôi khi em thấy buồn chán lạ kỳ, anh đừng giận em nhé!".

Đài báo nhiệt độ đã xuống đến 40 và nước chuẩn bị đóng băng ở các đỉnh núi vùng cao. Trên những con đường của thị xã Cao Bằng, người qua lại lùi lũi trong những chiếc áo khoác dày cộm. Các thiếu phụ Tày lưng địu con nhỏ, mặt mẹ lẫn mặt con cứ đỏ ửng như son. Đêm biểu diễn đầu tiên ở rạp hát lộ thiên, người ngồi khít chặt không còn một chỗ. Diễn xong, không hề nghe một tiếng vỗ tay..

Ngân không giấu được bực bội: "Lần sau anh phải để ý nhé. Lúc nào em muốn thôi là thôi. Anh cứ ném vòng ra làm em phải bắt tiếp... Mệt ghê!". "Mọi khi em vẫn lắc tám vòng. Hôm nay mới có năm vòng em đã muốn chào rồi. Cứ tùy hứng như thế, thảo nào ông trưởng đoàn xiếc dưới kia bảo rồi em chẳng còn tiến xa được nữa" - Tôi vừa quàng khăn vào cổ Ngân vừa nói. Cô giận dỗi đẩy mạnh tay tôi ra: "Đừng có dạy bảo em. Ngấy đến tận cổ... Em đang chờ ngày về vườn. Đến ngày ấy em sẽ là một bà cụ ngồi bán ô mai vỉa hè kiếm sống, đừng ai nhớ tới Kim Ngân nữa. Em cóc cần! - Bỗng nhiên, giọng Ngân nghẹn lại - Anh có biết không, em chỉ còn đủ sức lắc 5 vòng. Tự nhiên sức xuống hẳn, em không thể múa thêm nổi nữa, tim em đập ghê quá, cơ bắp như nhão ra, em sợ vòng rơi mất... Có lẽ em sắp đi đến kết thúc rồi. Khủng khiếp quá!". Cô vừa nói vừa vùi mặt vào hai bàn tay.

Tôi cảm thấy một cảm giác lạnh buốt ở tim. Tôi ôm lấy hai vai Ngân mà cứ ngỡ cô sắp vuột ra và tan biến. Thình lình Ngân vùng ra khỏi tay tôi, nổi nóng: "Thôi đi, em đang chìm tàu đây, anh chẳng giải quyết được gì, chỉ góp thêm một bộ mặt chìm tàu nữa, rõ chán". Nói xong, hình như hối hận về sự phũ phàng của mình, Ngân hôn lên trán tôi.

Đêm diễn thứ hai, lúc đến tiết mục đồng ca thì trời đổ mưa bụi. Rét hẳn lên dữ dội. Sân khấu có mái che nhưng trên đầu diễn viên, mưa hắt vào lấm tấm. Phía dưới, khán giả vẫn ngồi im dưới mưa lạnh. Lúc bấy giờ tôi mới tin lời ông Phó Bí thư Huyện ủy: "Người ở đây biểu hiện kín đáo lắm, không quen vỗ tay đâu, nhưng như thế không có nghĩa là không thích. Gần nửa năm mới có một đoàn lên diễn. Nếu rạp hát này lớn gấp đôi, tôi cam đoan là người ta vẫn bán hết vé".

Đêm ấy, Ngân vẫn lắc năm vòng. Qua hôm thứ ba, cô phờ phạc đi trông thấy. Bữa cơm chiều tại nhà giao tế thị xã, cô cứ ngẩn người nhìn bát cơm. Tôi cố ép cô ăn, gắp thịt, chả bỏ vào bát. Ngân cau mày: "Để mặc em, gớm, phát khiếp, lúc đã không muốn ăn thì thức ăn trông thực dễ sợ".

Minh họa: Phạm Đại


Một năm nay, từ ngày ốm dậy, Ngân sinh ra biếng ăn. Cô vẫn muốn cố gắng, nhưng ý chí của cô cứ lúc có lúc không. Ngân sợ hãi nhìn thấy bờ dốc bên kia, cô đang ở đầu dốc, đang chuẩn bị tụt xuống, và rồi sẽ lăn tròn xuống tận đáy. Không ai cứu Ngân thoát khỏi cái chết nghệ thuật của cô, kể cả tôi, người bạn đầu tiên và cuối cùng.

"Ăn đi em!"- Tôi nài nỉ. Nhưng Ngân chỉ ngồi yên, mặt nhợt nhạt. Không hiểu sao cô không gắt gỏng với tôi như mọi lần. "Để em ngồi yên một lát" - Cô bảo tôi, trầm ngâm, dịu dàng, một nỗi dịu dàng làm tôi muốn khóc.

Lúc chiếc xe ca dừng lại trước rạp hát, tôi đang cùng mấy bạn nam khiêng mấy hòm đạo cụ xuống thì nghe một diễn viên trong đoàn kêu lên: "Trời đất ơi! Kim Ngân nhào rồi!". Hoảng hốt, tôi bỏ đồ đạc đấy, nhảy xuống xe. Ngân ngồi khuỵu dưới đất. Mọi người xôn xao, hối hả, vực Ngân vào căn phòng nhỏ kề bên phòng hóa trang, có lẽ gió lạnh đập vào mặt Ngân lúc cô vừa trên xe bước xuống.

"Ngân ơi, Ngân ơi!" - Tôi gọi hoảng lên. Người vây kín giường. Ngân nằm im, mái tóc dài xõa ngổn ngang trên chiếu. Có ai đấy đã phủ lên người cô một chiếc vỏ chăn hoa đỏ, màu đỏ không làm hồng da mặt mà chỉ làm nổi bật thêm đôi má tái xanh. Trưởng đoàn nói lớn: "Mọi người giải tán! Tất cả dãn ra lấy không khí cho người ốm thở. Các đồng chí có tiết mục tức tốc về phòng hoá trang. Khán giả đến đông lắm rồi, đề nghị khẩn trương cho". Mọi người xoa vội dầu lên thái dương Ngân rồi ra khỏi phòng. Còn lại tôi, tôi cúi xuống ôm lấy đầu Ngân: "Ngân ơi!".

Ngân từ từ hé mắt. Hai giọt nước mắt lăn xuống hai thái dương. Cô khẽ lắc đầu. Chao ôi! Mới hôm nào cô còn nói chuyện đi phục vụ vùng biên để phấn đấu vào biên chế đoàn xiếc. Bây giờ thì tất cả đã xa, xa lắm. Bây giờ chẳng còn gì hơn nữa.

Tôi sang phòng hoá trang với một tâm trạng không làm sao diễn tả được. Lục hộp phấn son, tôi tự vẽ mặt cho mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi tự vẽ lấy mặt, những đường nét dường như khác đi, tôi ngỡ mình đã hoá anh hề nào khác. Trưởng đoàn viết thứ tự các tiết mục lên tấm cửa hậu trường. Tiết mục cuối cùng: múa vòng của Kim Ngân, Quốc Việt. Sực nhớ Ngân đang ốm, ông vừa chắt lưỡi vừa lấy phấn gạch ngang, rồi sợ lẫn lộn, ông dùng khăn xóa sạch cả tên người biểu diễn lẫn tiết mục.
Chương trình được giới thiệu. Tiết mục cuối cùng được đọc xong, bỗng nghe đám đông nhốn nháo:

- Xiếc? Không có xiếc?

- Đề nghị cho xiếc như mọi hôm! Đề nghị giữ tiết mục múa vòng!

- Múa vòng! Múa vòng! Cho múa vòng đi!

- Múa vòng! Đề nghị có múa vòng như hai đêm trước!

Chúng tôi nhìn nhau. Bỗng một giọng trầm dịu dàng vang lên trong micrô từ phía sau cánh gà:

- Xin quý vị yên tâm. Chúng tôi sẽ trình diễn múa vòng vào cuối buổi.

Tôi và trưởng đoàn chạy lại: Ngân đang đứng trước micrô. Tóc cô còn xoã rối xuống hai vai. Tôi nắm chặt hai tay cô, hỏi dồn dập: "Ngân! Em sao thế? Em có múa được không?". "Yên chí đi anh. Em chẳng tin mình còn làm gì được đâu, nhưng khi người ta đã cần đến em thì thế nào em cũng tới... Em sẽ múa... ít ra là lần cuối".

Tiếng nhạc đã vang lên bài hát: "Búp bê bằng nhựa". Ngân mặc chiếc áo thun đỏ bó sát người lóng lánh kim tuyến, hai tay áo bồng bềnh bằng voan trắng. Đôi tất lưới bó chặt lấy đôi chân: đôi tất ấy bị thủng một lỗ trên đùi, Ngân đã khéo léo gắn vào đấy một bông hoa kim nhũ.

Trời lạnh căm căm như xuyên vào xương. Ngân ngồi co quắp ôm chặt đầu gối cho đỡ rét. Bộ y phục quá mỏng manh. Trên ngực áo khoét sâu là mấy vết cạo gió còn đỏ ửng. Ngân tập trung hết tinh thần chờ đến phiên biểu diễn. "Búpbê múa vòng. Người biểu diễn: Kim Ngân, Quốc Việt!".

Nhạc nổi. Tôi một tay cắp Ngân nằm rũ bên hông, một tay cầm mũ, chạy ra sân khấu. Đây là phần đầu tiết mục, trong đó chú hề mặt thộn là tôi muốn sai khiến búpbê theo ý mình, nhưng búpbê lại không tuân theo ý muốn chủ quan của chú hề. Chú dựng đứng, dựng nghiêng, bắt búpbê nhảy múa... Mặc, búpbê cứ cứng đơ, đổ xoài ra, đôi mắt bất động... Phải nói mỗi lần vụt Ngân ngã xuống tôi thấy xót xa quá, nhất là khi nhìn những vết đỏ còn hằn trên ngực cô.

Bây giờ thì hề ta đang vừa nhảy theo tiếng nhạc, vừa vặn xoay tròn một chân con búpbê đổ nghiêng trên sân khấu. Sau khi tôi quay cái chân cứng đơ của Ngân mấy vòng. Con búpbê được lên dây cót, bật lên cử động, nhưng đấy vẫn là cử động máy móc của con người máy.

Khán giả rộ lên cười.

Cuối cùng, hề mặt thộn thất vọng gãi đầu gãi tai, rút lui. à, thì ra con búpbê ấy chỉ đờ ra trước sự sai bảo của anh hề thôi, bây giờ, khi chỉ còn một mình, búpbê bắt đầu nhảy múa mềm mại, chớp mắt và mỉm cười - nụ cười duyên dáng mê hồn. Từ hậu trường, tôi ném ra những chiếc vòng nhôm to. Chúng quay tít, quay tít, ban đầu trên bàn tay Ngân đưa cao, rồi dần dần xuống cổ, xuống thân. Ba chiếc vòng cùng quay, rồi bốn chiếc. Tôi định nghỉ ngang đấy nhưng không hiểu sao Ngân như say đi, cứ đưa tay ra ở tư thế bắt vòng. Buộc lòng tôi phải tiếp tục ném thêm nữa.

Năm, sáu, bảy, tám chiếc vòng lớn trắng loáng đang quay quanh thân thể mảnh dẻ của Ngân. Mỗi vòng chỉ tựa vào thân cô có một điểm mà cứ quay mãi không rơi xuống. Dường như ở điểm đó, năng lượng trong người Ngân đã chuyển vào chiếc vòng, cho nó sự vận động linh hoạt kỳ lạ.. Tám, chín, mười, mười một. Bây giờ thì cả bộ vòng nhôm mười hai chiếc quay tít và người xem chỉ còn thấy người diễn thấp thoáng với chiếc áo thun đỏ trong một khối hình trụ sáng loáng... Tiếng ồn ào vang lên, dường như bốn bức tường chung quanh rạp bị bốc bay đi, bay xa vì một cơn bão... Ngân ném xong mười hai vòng, cúi chào tươi tắn giữa tiếng la tung hô nhốn nháo của công chúng đang bị kích động. Phía trong, tất cả các bạn diễn trong đoàn đều khóc...

Vừa chạy vào hậu trường, Ngân lả người đi trên vai tôi. Quấn vội chiếc vỏ chăn lên người Ngân, tôi bế cô vào phòng. Ngân nằm trên giường, nước mắt ướt hai bên má. "Ngân... - Tôi vừa thì thầm vừa ủ hai tay nàng giữa tay tôi. - Anh chẳng còn biết nói gì hơn là: tuyệt diệu! Bây giờ thì người ta đã thấy em sẽ còn tiến xa đến đâu...". Ngân nhắm mắt: "Đừng anh, đừng nói. Với em... bây giờ điều đó không cần nữa".

Tôi thộn mặt ra nhìn Ngân. Rồi tôi nghe tiếng reo ồn ngoài rạp đưa vào, và thấy khuôn mặt cô rung lên những luồng ánh sáng kỳ lạ. Một nhà thờ ở đâu đó xa xa ngân chuông.

Tôi chợt hiểu Kim Ngân của tôi đã ra đời lần thứ hai sau khi chết. Ngân lại có một nơi sinh mới, một quê hương mới, ấy là cái thị xã vùng biên nho nhỏ, nơi có những khán giả ngồi im lặng, khao khát dưới cơn mưa. Và với tôi, người bạn đầu tiên và cuối cùng của cô, bao giờ cũng vẫn thế: quê hương tôi chính là nơi Ngân ở...


T.T.M
(9/10-84)



Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Chị Hạnh (16/12/2010)
Khoảng lặng (26/11/2010)
(19/11/2010)
Xuân nữ (16/11/2010)
Dã Tràng (05/11/2010)