Truyện ngắn
Cội nguồn
15:49 | 24/01/2011
PHAN THỊ THU QUỲVợ chồng Bình và Lựu đang sống ở Kim Long một làng ven sông Hương thơ mộng, nổi tiếng có quán ăn ngon, khách lui tới tấp nập. Cả hai người lòng buồn tê tái khi Bình có lệnh đổi vô Tây Nguyên. Tốt nghiệp đại học Luật xong Bình bị chính quyền cũ bắt vô lính, chạy mãi được làm lính văn phòng tại quê, nay phải đi xa thật lo lắng, buồn nản. Mai Bình phải lên đường cấp tốc. Ôi! Rủi ro, khác gì một hoạn nạn đến.
Cội nguồn
Ảnh: Internet
Chồng đi rồi, Lựu dẹp quán, thẫn thờ chạy vô chạy ra, - rồi có một tin mới: Bộ đội Cộng sản đã đến Tây Nguyên! - Lựu chỉ biết Bình vô Tây Nguyên nhưng không biết ở tỉnh nào. Chồng đi 4 tháng mà chỉ có một lá thư lúc Bình ở Buôn Mê Thuột. Để nhà cho mẹ chồng, Lựu tha 2 con vô Nam với ý nguyện đi tìm chồng, Thành lên 9, Ngân lên 6, ba mẹ con lên xe đò chật ních. Là vợ sĩ quan, lúc nầy cũng nhiều người ở hoàn cảnh của Lựu, đồ đạc trên mui xe cao ngất. Đường xá vô Nam quá chen chúc, nhiều nét mặt lo âu, phiền muộn. Đi tìm chồng mà tìm ở đâu, mông lung giữa Tây Nguyên nơi mà Bộ đội Cộng sản đã có mặt.

Đến Sài Gòn, 3 mẹ con gõ cửa nhà bà cô, cửa mở, đóng sập lại. Thời buổi này lo cho mình không xong, ai dám gánh thêm 3 nhân vật lem luốc bơ phờ. Chị lại tha con đi, đến nhà bạn của chồng cùng cảnh, được vợ chồng bạn tử tế, họ đang chuẩn bị lên máy bay di tản - Anh bạn nói:

“Bình ở binh chủng phòng thủ Buôn Mê Thuột. Mất Buôn Mê Thuột một số bị tù, một số trốn, một số chết. Tôi đã hỏi tin nhiều nơi, cấp trên cũng không biết, đang hỗn loạn, cấp trên cũng đang định chuồn - Không tìm Bình lúc nầy được đâu”. Lựu đinh ninh Bình đã chết, thế là hết tìm…

Tiếng súng xa xa mỗi ngày dịch đến Sài Gòn gần hơn: Sài Gòn đổ xô ra đường tìm cách di tản. Cảnh nhốn nháo, hấp tấp, bối rối, chen chúc, từng thác người nhào vô sân bay. Bạn của chồng là cỡ lớn lo cho Lựu lên máy bay cùng 2 con, hai tay dắt 2 con chui vô biển người đang chen lấn, gào thét, cực nhọc lắm chị vượt qua được để ngồi trên máy bay chuẩn bị nổ máy. Ủa! Sao chỉ có bé Ngân bên cạnh? còn Thành con trai chị đâu?? Nó biến đâu mất giữa biển người cuồn cuộn như thác lũ kia. Chị thất thanh gào kêu điên cuồng, đau đớn tìm con nhưng tiếng thét của chị đã hòa lẫn để đắm chìm trong cơn điên loạn của cuộc di tản kinh khiếp. Chị không thể chạy xuống tìm con vì máy bay đã cất cánh. Chị ôm chặt con gái, thất vọng, tim chị đau thắt, đầu óc rối bời nhức nhối, như có một chùm rễ bám chặt xâu xé trong tim óc. Mặc cho không gian gầm thét như bão táp, sấm sét giáng xuống rung chuyển đất trời bởi những tiếng ghê rợn để những loại động cơ quyện với tiếng súng tiếng bom đang dội đến… Nhưng chị đã bay lên bầu trời mông lung không biết sẽ bay về đâu? Chị ngồi như tượng đá rồi mê man bất tỉnh… Vài ngày sau chị tỉnh, quanh chị những người mặc áo blouse trắng. Bên cạnh, chị vợ bạn của chồng và những người bạn mới - Bé Ngân đang ôm mẹ khóc sưng mắt. Họ đang cứu chữa cho chị, có treo chai dịch truyền nước, chị tỉnh rồi lại mê - Họ cứu chữa, chị đã tỉnh dần rồi biết đây là trại tị nạn. Một hôm bé Ngân dẫn một bé gái độ 4 tuổi về. Gặp chị Lựu bé sà vô lòng chị ôm chị tha thiết nói “Con tìm được mẹ rồi”, bé Ngọc gọi mẹ rất âu yếm, chị Lựu không thể để nó thất vọng trong lúc bé nói liến thoắng: “Tìm mẹ về lâu quá”. Bé Ngọc nói tự nhiên, ngọt ngào, dễ thương quá nên chị phải mủi lòng nói: “Mẹ đây con” và ôm bé vào lòng, hôn bé, bé ngây ngất, hưởng những phút êm đềm như mẹ của mình đã tìm được. (Bé Ngân cho biết mẹ của Ngọc đã chết tại đây). Vì thần kinh chấn động mạnh, chị vẫn chưa khỏe, lúc này chị là người mẹ có 2 con gái, bé Ngân lên 6, bé Ngọc lên 4.

Một thời gian sau chị khỏe, nhận ra mình được chữa trị trong bệnh viện tại California. Chị thầm cám ơn người bạn của chồng đã cứu mẹ con chị. nhưng thằng con trai chị giờ ở đâu? Chị lại bị xâu xé ruột gan, không thể khuây được khi chị nghĩ chồng đã chết và mất con. Ra viện 2 tay dắt 2 con thơ, tìm kiếm sống trên đất lạ. Những người Việt Nam ở Cali lúc này không nhiều người biết giao thiệp vì không biết nói tiếng Mỹ. Họ đều mới qua đây, đã tự thấy thật khó khăn lúc đầu. Phải tìm việc làm bằng lương giờ lao động chân tay để kiếm sống. Họ làm lụng vất vả, khổ sở vì không biết đọc, không nghe được, đi lại không biết đường, nói phải ra hiệu.

Hằng ngày chị phải quần quật rửa chén bát ở một tiệm ăn, trưa về nhà mang theo đồ ăn cho hai con, tối đi học tiếng Mỹ. Sau 5 năm chị cùng bạn mở quán nhỏ bán đồ ăn Huế. Chị bắt đầu bặp bẹ giao thiệp, rồi người Việt qua dần dần cũng khá đông, phố xá mọc lên, biển hiệu bằng chữ Việt.

Sống như vậy đủ 10 năm, chị đã có một nhà hàng Huế. Chủ yếu bán bún bò, bánh Huế chị tự làm, hai con gái giúp chị sau giờ đi học về. Ba mẹ con sống rất đầy đủ vật chất. Nghề của chị ở Kim Long đem qua Cali có sáng tạo thêm nên nhà hàng đông nghịt. Nhưng mỗi ngày khi kiếm ra tiền chị lại quặn lòng nhớ chồng và con trai. Ôi tiền! Không đem lại hạnh phúc cho chị vì chồng đã chết và con trai bị lạc mất!

Một hôm chị thẫn thờ dạo trong vườn, có một hồ nuôi cá vàng, với vài cây bông đỏ, cảnh đẹp do chị tạo ra để khuây khỏa những lúc cô đơn nghiệt ngã… Bỗng! Một lá thư từ Việt Nam… Nguyễn Văn Thành! Con trai chị?... nó đã 19 tuổi…

“Mẹ ơi, con viết thư nầy thăm Mẹ. Cách đây 5 năm Ba có người bạn bên đó gửi thư cho Ba biết, Mẹ đã có gia đình riêng, thêm một con gái kém thua em Ngân 2 tuổi. Gia đình của Mẹ sống rất đầy đủ sung túc. Ba rất khổ sở, Ba ốm một trận rất nặng. Ba biểu con đừng viết thư để giữ hạnh phúc cho Mẹ. Nhưng kéo dài mãi con chịu không nổi, con tìm địa chỉ, con viết thư nầy thăm Mẹ. Mẹ và em Ngân khỏe không? Mẹ có tính gặp Ba không? Con đang học cấp 3, vừa qua phải bỏ học 3 năm Mẹ ạ. Tình hình con và Ba thì nói dài lắm hẹn Mẹ thư sau. (Có địa chỉ và Fax của con Mẹ tin cho con trước, chưa vội Fax cho Ba).

Đọc thư con trai chị run như muốn quỵ xuống, nước mắt chảy như xối, chị đập bàn, đập ghế, thét thất thanh: “Trời đất ơi! Sao nỡ đày đọa chúng tôi những năm qua như vậy”. Chị vui mừng, bỏ ăn, bỏ uống, đóng cửa nhà hàng, Fax về và viết thư cho chồng con để nói hết nỗi lòng những ngày dài mất mát, khổ hạnh bị chia ly bởi bên kia nửa quả địa cầu.

Hơn một tháng sau chị nhận thư chồng: “Anh ở Buôn Mê Thuột lúc thất thủ, họ đến, anh bỏ súng đầu hàng ngay, vô trại học tập. Đáng lẽ 5 năm, nhưng anh học tốt được cho về sớm hơn vài năm. Nơi anh học tập cách Huế 150 cây số, Mẹ và Thành thường xuyên lên thăm bồi dưỡng cho anh. Thành bị lạc ở sân bay lúc đó, bạn anh đem nó về giao cho Mẹ. Anh học xong ra trại 2 bà cháu vẫn bán quán ăn, sống qua ngày và đã thăm nuôi anh 3 năm nên sức khỏe anh tốt. Anh cùng phụ với Mẹ bán quán. Hai năm sau bạn anh ra trại, lúc này Huế mình du lịch phát triển, tụi anh đi buôn vặt vãnh bán cho du khách, dần dần tự mình học, thuê mướn thợ giỏi làm tiểu thủ công nghệ đem bỏ mối bán cho các điểm du lịch. Cứ thế phát triển, hy vọng cơ sở này sẽ trở thành công ty sau vài năm nữa, lúc đủ vốn Huế sẽ là thành phố Festival, nghề này sẽ khá, bọn anh đang chờ… Anh biết em sang Cali rồi, nhưng bạn bè báo em sống hạnh phúc với hai con gái ở một biệt thự lớn, mà nhà hàng cũng tầm cỡ. Thương nhớ em, nhưng không nỡ làm cho em mất hạnh phúc. Vì em tin anh đã chết mà lại biệt tin. Vậy thì em đâu có lỗi với anh, nếu em có gia đình hạnh phúc anh nỡ nào phá hạnh phúc của em!...”

Lại một lần nữa chị Lựu kêu trời đất “Sao nỡ hành hạ chúng tôi những năm qua như thế! Trời ơi! Chị vui trong nước mắt, buồn tủi và cứ trách ông trời!”.

“Lựu ơi, thời gian qua đã thử thách lòng chung thủy của chúng ta. Em hãy coi đó là ta đã có một niềm tin bất diệt. Bây giờ phải lo việc đoàn tụ của chúng ta! Em làm thủ tục bảo lãnh cho anh và Thành sang Mỹ, em cũng làm thủ tục em và con về Huế, cả hai đường như vậy đường nào được chúng ta đi ngay em ạ, đoàn tụ một thời gian ở Mỹ, hoặc ở Huế, rồi về lâu dài sẽ tính sau”.

Chị Lựu đã có vốn khá nên làm thủ tục bảo lãnh cho chồng và con trai qua Mỹ thăm vợ con cũng dễ dàng.

Đến ngày, 3 mẹ con ra sân bay Los Angeles hồi hộp đón chồng con. Hôm ấy trời đẹp, tại sân bay ai có mặt cũng đã chứng kiến một cảnh hội ngộ, đoàn tụ rất thắm thiết. Lựu dắt tay Thành, Bình hai tay dắt hai con gái Ngân và Ngọc trìu mến, họ về nhà tại Cali.

Cả nhà sum vầy trong bữa cơm, sau những năm dài mới được đoàn tụ thật hạnh phúc biết bao! Họ vui vẻ bàn bạc một chuyến thăm nước Mỹ. Chị Lựu nói: Ta có hai phương án thế này: một là cả nhà ta đi thăm Lasvegas ở tiểu bang Nevada. Đó là một sa mạc khổng lồ, Mỹ cho các nước tư bản đầu tư làm những khu du lịch thu nhỏ những biểu tượng đặc sắc của nước mình. Em nghe nói khu Ai Cập vô một tòa nhà rất lớn nhìn lên trần như trời xanh mây trắng, ai cũng trầm trồ. Những khu khác, khu của Ý thì có tháp nghiêng, khu Anh có cây cầu cắt đôi trên sông Thames, khu Pháp có tháp Eiffel, khu Mỹ có Thần tự do v.v… Lasvegas là một vùng du lịch khổng lồ của nhiều nước tổ chức anh ạ. Gia đình ta chia ly đã quá lâu năm, em rất muốn tổ chức đi chơi ở đó cho biết, ý của anh và con như thế nào?

Ngân và Ngọc reo lên mừng vui rối rít nói: chúng ta đi ba mẹ ạ.

Thành còn suy nghĩ, cậu ta sắp vào đại học, mẹ ạ! Đi chơi sẽ tốn tiền nên con chưa có ý kiến.

Lựu chờ Bình hưởng ứng, suy nghĩ một lúc anh chậm rãi nói: vì sung sướng quá, ta gặp lại sau một thời gian dài đằng đẵng, em mong gia đình sẽ hưởng thụ cảnh ở đó rất thu hút con người. Nhưng bạn anh đã đến đó 2 ngày mà cháy túi, Lasvegas là nơi du lịch của những người giàu có trên thế giới, có nhiều sòng bạc để giải trí cho những người giàu có, họ ném tiền vô sòng bạc để giải trí vì đối với họ tiền là phương tiện mua vui. Hoàn cảnh của gia đình ta, đến đó không hợp nên xem kỹ em à.

- Anh à em chuẩn bị có tiền rồi, đi cho biết nhé! Đi 3 ngày thôi. Thành suy nghĩ nãy giờ, em nói: Ba nói đúng đấy Mẹ ạ - Đi qua Mỹ lần này, con và Ba phải lo tiền vé vất vả lắm - Mẹ có tiền thì để dành, con còn đi học 5 năm tốn kém mà hai em còn đang đi học.

Chị Lựu rất ngỡ ngàng, cả hai cha con Bình và Thành đều nói giống nhau! Bình sợ vợ phật lòng nên nói:

- Anh không muốn em buồn vì không hưởng ứng thiện chí của em đã chờ mong ngày sum họp để thực hiện. Nhưng hiện nay hoàn cảnh của gia đình ta nên xem lại, có tiền cứ để dành còn nhiều việc phải làm. Em nói có 2 phương án, một là đi Lasvegas, hai là thế nào? Em nói tiếp đi.

- Anh à, cách đây hai tháng em và bạn đã chuẩn bị dời qua sinh sống ở tiểu bang Florida, nên đã sang lại cơ ngơi ở Cali rồi. Bên Florida, cũng đã lo xong nhà hàng và chỗ ở. Bạn em một cái, em một cái… vì vậy phương án hai là cả nhà ta qua Florida ngay. Anh sẽ khai trương nhà hàng mới, gia đình đoàn tụ ở Florida, hết phép anh về Việt Nam. Lúc ấy em và hai con gái chắc sẽ xin được visa về Việt Nam cùng một chuyến bay.

- Phương án hai của em vừa hay, vừa thiết thực, mà rất thông minh em ạ. Hai tháng qua đây vừa hết hè Thành phải về đi học, visa của anh cũng hết. Trong thời gian đó phải hoàn chỉnh ở Florida, giao nhà hàng cho người quản lý. Em cùng về Huế hai tháng rồi qua tiếp tục lo mọi việc.

- Vậy thì 5 ngày đang còn ở Cali anh và Thành đi thăm bạn bè, Ngân Ngọc dẫn đi - còn em làm xong mọi việc ở Cali, để cả nhà sang Florida - Lựu nói.

Những ngày sắp chia tay Cali họ rất vui, được gặp bạn bè xa đã lâu, quá mừng rỡ để hưởng những buổi tiệc ẩm thực Việt Nam thân mật. Cộng đồng người Việt tại Cali, làm ăn khá, ai cũng mong ngày về thăm quê hương Việt Nam. Anh Bình hào hứng kể lại cảnh nước nhà đang mở cửa làm ăn dễ dàng, nhiều tư nhân phát đạt, Huế bộ mặt đã thay đổi nhiều. Huế sắp trở thành thành phố Festival để phát triển. Bình và Lựu đã chia tay Cali thắm thiết. Lựu đã sống một thời gian dài đáng nhớ, nhiều kỷ niệm từ bước đầu đầy gian nan, nghiệt ngã, mất mát tại Cali… Nay đã đoàn tụ gia đình sẽ đến Florida có nhiều hy vọng nhưng cũng có lưu luyến California nhiều.

Từ sân bay Los Angeles bay về tiểu bang Florida phía đông nam Hoa Kỳ, sau 8 tiếng máy bay hạ cánh xuống sân bay Tampa là sân bay quốc tế của tiểu bang Florida. Bạn bè ra đón họ về thành phố Gainesville Florida, một thành phố lớn, đẹp, bên bờ biển Thái Bình Dương lộng gió.

Đến nhà mới của họ không lớn nhưng tiện nghi, có vườn cây dương liễu, gió biển mát mẻ. Chị Lựu đã tập hợp được nhân viên ngay để báo kế hoạch khai trương nhà hàng sau 3 ngày chuẩn bị.

Bình ngạc nhiên:

- Anh không ngờ vợ anh giỏi thế này!

- Em chuẩn bị sẵn rồi để đón anh. Anh qua sớm, rất may có anh dự khai trương nhà hàng mới, em vui sướng ngần nào. Chắc sẽ thịnh vượng.

Việc khai trương rất đơn giản - bên ngoài treo biển nhà hàng và một bảng chữ lớn “Khai trương nhà hàng có những món đặc biệt giảm giá 10%”. Nhà hàng của Lựu nằm trên sườn đồi thoai thoải, một bên bãi xe rộng, bên kia có ao nuôi cá vàng, với hòn non bộ nho nhỏ, và một vườn hoa bao quanh nhà hàng đẹp đẽ, rực rỡ, quyến rũ.

Cả nhà mặc áo quần đẹp đẽ chỉnh tề. Ngân và Ngọc vừa đẹp vừa hồn nhiên, tươi tắn đứng trước cửa vui vẻ mời khách. Bình và Thành tiếp khách lịch sự, Lựu đứng quầy thu ngân. Người Mỹ vào ăn tấp nập. Tan tầm trưa, khách đến ăn uống tiếp không kịp, dù nhà hàng đã có 30 nhân viên phục vụ.

Bình nhận xét: Lựu à, ở đây khác Cali nhiều quá. Toàn người da trắng em nhỉ, một số người nói tiếng Tây Ban Nha, đặc biệt không có người da vàng đến nhà hàng.

- Anh nói đúng, Florida có nhiều người Tây Ban Nha sinh sống, hiếm người da vàng. Đặc biệt ở đây nhiều công xưởng nhà máy, nhà hàng bạn em phải đem cơm hộp đến các nhà máy bán.

Nhà hàng khai trương liên tục thắng lợi, hai tháng qua Bình và 3 con đều bị cuốn hút vào guồng máy của Lựu - Mở cửa 7h sáng đến 9h đêm, lúc nào cũng phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng đông nghịt, vợ chồng con cái vui tươi đón khách suốt ngày quá tất bật mà vô cùng vui sướng.

Chị Lựu đã lo được thủ tục cho 3 mẹ con về Việt Nam cùng chuyến với chồng và con trai. Cả nhà đang mừng vui chờ đón ngày về Huế quê hương thân yêu của họ, Lựu đã nhờ một người bạn thân quản lý nhà hàng, để yên tâm về Việt Nam hai tháng.

Buổi tạm chia tay với Gainesville, cả nhà ngồi quây quần bên lò than nướng hải sản, Florida có 3 bề biển cả mênh mông, gió biển thổi vào vườn mát mẻ. Họ thưởng thức hải sản biển, cua, tôm hùm, mực nướng thơm phức, ăn hoài mà không chán. Lúc nầy vợ chồng con cái, có niềm tâm sự xung quanh quê hương Huế. Bình và Thành phải trả lời tỉ mỉ cảnh Huế thay đổi, Kim Long mở mang, xoay quanh Huế cho đến tận khuya.

- Em quyết định sang Florida là thượng sách - Bình nói - Ở đây có gió biển, ăn hải sản như quê mình. Khí hậu so với Huế không khác mấy. Cả nhà ai cũng khỏe chỉ còn 5 ngày nữa chúng ta có mặt ở Kim Long nhà mình!

- Em mong ngày mong đêm, mong được gặp mẹ sau nhiều năm xa cách. Mẹ đã 85 tuổi rồi! Mẹ còn đi lại và lưng không còng, thì mẹ sẽ sống đủ 100 tuổi - Lựu nói.

- Mẹ luôn có hoài bão, đoàn tụ, gặp em và các cháu rồi mẹ mới đi xa.

Từ sân bay Tampa Florida bay về Los Angeles. Gia đình họ phấn khởi ngồi trên máy bay Cathay Pacific, hồi hộp làm sao! Rồi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất. Lựu quá xúc động, nước mắt chảy như xối. Hồi Lựu ra đi, cũng tại đây, đang trong cơn điên loạn của cuộc di tản kinh khiếp, chị đã xỉu trên máy bay, nó đang bay giữa bầu trời phiêu bạt chị không biết sẽ đến đâu, tưởng như hồn chị sắp lìa khỏi xác. Chị đã mất hết, không biết sẽ còn sống để về quê mẹ không! - Sân bay lúc đó hỗn loạn, nhiều động cơ gầm thét như trời long đất lở. Thế mà bây giờ chị đã được đoàn tụ rồi về đây, cảnh hòa bình phồn vinh của đất nước khác trước đây quá! Nhiều máy bay của Việt Nam, của các nước, người đi, người về tấp nập, trật tự, đông đúc người du lịch đến Việt Nam. Một cảnh tượng mở mang của đất nước trái với ấn tượng đã có của chị lâu nay, làm chị ngỡ ngàng, lạ lùng, sung sướng và toại nguyện. Cả gia đình trầm ngâm mỗi người một suy tư. Anh Bình đang lo hai tháng đi xa, bạn của anh có điều hành tốt xưởng sản xuất không? Thành thì nghĩ đến sắp bước vào trường đại học. Ngân và Ngọc thì quá sung sướng trước khung cảnh Việt Nam mới lạ, không hiểu mẹ có bắt mình ở Mỹ hoài không? Còn Lựu không nói được nên lời nước mắt cứ tuôn chảy chỉ vì mừng mừng tủi tủi, toại nguyện.

Ở lại thành phố Hồ Chí Minh 3 ngày, thăm những nơi danh lam thắng cảnh, dành một ngày thăm hai chùa lớn nhất. Chuẩn bị lên máy bay về Huế. Bé Ngân nói: Mẹ ơi, bận về ta ở lại thành phố Hồ Chí Minh một tuần mẹ ạ. Nước ngoài họ gọi Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông” thật quá đúng! - Ừ mẹ đồng ý với con gái”. Bay hơn một tiếng đã đến sân bay Phú Bài, là sân bay nội địa vắng vẻ.

- Em à khi Huế có Festival, sân bay này trở thành sân bay quốc tế không thua chi sân bay Tampa đâu em ạ! Bình nói với vợ.

- Nếu có Festival với sân bay quốc tế thì Huế mình chắc sẽ giàu anh nhỉ!

Ngồi trên taxi về Kim Long nơi quê cha đất tổ, ai cũng hồi hộp. Xe đỗ xịch trước cổng, mẹ già ra đón con cháu, Lựu ôm chầm mẹ khóc nức nở không nói nên lời. Cha và 3 con dọn dẹp nhà cửa, Thành nấu cơm, giết gà nấu cúng ông bà tổ tiên ngay buổi trưa đó. Bé Ngân và Ngọc phụ với anh rất sốt sắng. Bình qua xưởng sản xuất ngay trong khuôn viên vườn mẹ, công nhân của xưởng mừng reo vui vẻ: Ôi! Chú Bình đã về rồi anh em ơi!

Sau khi nghe công việc trôi chảy, Bình có vài lời động viên công nhân và hứa sẽ có tiền thưởng ngày Quốc Khánh 2/9. Chị Lựu đi vòng quanh cơ sở không khỏi ngạc nhiên: “Té ra anh Bình đã thu hút được bạn bè để mở một xưởng khá lớn, mà cơ ngơi quá đồ sộ, anh Bình cũng giỏi thật, hèn chi anh nói đang lo mở công ty”.

Thành, Ngân, Ngọc được bà nội chỉ huy, đã hoàn thành một mâm cúng thịnh soạn. Trên bàn thờ nghi ngút, thơm ngát khói hương, cả nhà bắt đầu cúng lạy, thắp nhang, khấn vái, nghiêm chỉnh. Nhang đã tàn, cả nhà quây quần trên mâm cỗ Huế, chị Lựu vẫn nước mắt chảy như xối, quá xúc động được hưởng một bữa ăn đầu tiên sau những năm dài xa xứ. Cả nhà ăn ngon lành, đầm ấm vui vẻ chưa từng có.

- Anh Bình ơi, xưởng của anh khá đồ sộ, em sẽ dành dụm thêm vốn để đóng vào công ty tương lai của anh. Em rất mừng anh đã có một cơ ngơi như vậy.

- Em ạ, nhà nước ta bắt đầu mở cửa, việc mở công ty vừa thiếu vốn, vừa chờ đợi thời thế em ạ - với cái xưởng nhỏ nầy cũng đủ sống mà cũng có tích lũy dần. Em cứ lo ở Florida một thời gian cho ổn giao lại cho 2 con gái rồi có thêm vốn ta sẽ mở công ty. Lúc đó em về với anh và mẹ, chúng ta qua lại thăm con.

- Ba ơi! Con sắp học đại học Kinh tế, học xong sẽ làm ở công ty Ba nhé! Thành nói.

- Ngân và Ngọc ỉu xìu: Anh Thành cũng ở lại quê, Ba cũng ở quê. Ba nói mẹ lo ở Mỹ xong thì về quê. Vậy là Ba Mẹ bắt 2 đứa con phải ở Mỹ, xa Ba Mẹ, bà nội và anh Thành sao? Chúng con không chịu đâu, cho con ở Việt Nam thôi. Hu hu…

- Các con ạ, nhà hàng ở Florida đang thịnh vượng, lẽ nào ta bỏ mà về quê hết, trong khi kinh tế gia đình của ta cần có vốn để tổ chức thành công ty. Mẹ và 2 con phải bám nhà hàng Florida để phát triển một thời gian có vốn lớn bù đắp cho công ty Kim Long sẽ mở sau này. Các con ạ, Florida và Huế đã có một cây cầu bắc qua biển Thái Bình Dương, làm ăn được thì chúng ta sẽ qua lại để gia đình ta lúc đoàn tụ ở Florida, lúc ở Kim Long. Nếu ta biết dựa vào cội nguồn, yêu quý cội nguồn, thì cội nguồn sẽ giúp chúng ta xây dựng hạnh phúc gia đình.

Gia đình họ bắt đầu thăm danh lam thắng cảnh của Huế, Lựu và hai con gái đang tận hưởng những phút giây toại nguyện được trở về thăm quê hương bao năm xa cách.

*

Những năm sau cứ vào dịp hè và dịp Tết, gia đình Bình đoàn tụ tại Florida hoặc tại Kim Long Huế. Bình đã mở công ty sản xuất tiểu thủ công nghệ, với tên Kim Long, do Bình làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Thành, Tổng giám đốc. Lựu, giám đốc kinh doanh. Liễu vợ Thành, giám đốc sản xuất. Công ty Kim Long phát đạt dần dần. Quán ăn cũ của Mẹ đã trở thành nhà hàng đặc sản Huế do Lựu và con dâu kiêm nhiệm. Huế lúc này đông khách du lịch và khách đến dự Festival. Việc làm ăn của Bình, Lựu bước sang giai đoạn mới đang mở mang theo nhịp điệu đất nước mở cửa.

Tại Gainesville Florida, sau khi Bình, Lựu gả chồng cho 2 con gái, Lựu mở thêm một nhà hàng giao cho mỗi vợ chồng con gái một nhà hàng đã hoạt động đều đặn, Lựu đem vốn về góp vào cổ phần của công ty chồng, ở lại Việt Nam cùng chồng phát triển kinh tế tại Kim Long.

Mẹ già đã 95 tuổi, Mẹ tâm sự với cháu nội: “Thành à, lúc này Nội đã sung sướng toại nguyện thấy con, thấy cháu, thấy chắt xung quanh Nội, nên Nội muốn về với Phật”. Năm ấy 2008 lễ Phật Đản thế giới tổ chức tại Huế. Thành phố Huế khang trang lộng lẫy, làm mát lòng mát ruột những người xa xứ trở về. Những tòa sen hồng lấp lánh, sáng tỏa, bập bềnh, lững lờ trên sông Hương trong xanh, chùa lớn chùa nhỏ của Huế trang trí từ cổng đến bàn Phật khang trang rực rỡ, dọc đường cờ Phật bay phất phới rợp trời thành phố Huế. Người trong nước, ngoài nước tấp nập đến dự lễ Phật đản thế giới, hài lòng và ca ngợi Huế xứng đáng là một thành phố di sản thế giới, đẹp đẽ và cổ kính. Gia đình Bình cũng đã tiễn Mẹ về cõi Phật vào dịp này. Họ đã trân trọng đền đáp công sinh thành, cung kính đưa tiễn Mẹ về cõi Phật thật nghiêm trang đúng với lời trăn trối của Mẹ.

Vào dịp Festival 2010, gia đình Bình đoàn tụ tại Kim Long. Một buổi tối họ ngồi dưới trăng ngoài sân trên bờ sông Hương thơ mộng, sau ngày đi xem những chương trình nghệ thuật đặc sắc của Festival. Họ sung sướng tận hưởng cảm xúc cội nguồn dịp này. Ánh trăng rọi xuống hai đứa cháu ngoại bi bô nói ngọng tiếng Mỹ, cháu nội bi bô nói ngọng tiếng Việt đang vui đùa với nhau, ba đứa giành qua giành lại đồ chơi thế mà chúng cũng hiểu nhau thỉnh thoảng gật đầu. Cả nhà nhìn ba đứa cháu đều phải cười khoái chí, thú vị mà cũng lạ lùng với bọn trẻ.

Ngọc thay mặt bốn người, nói: Thưa Ba Mẹ, chúng con dành dụm được một số tiền, cho chúng con đóng cổ phần vào công ty của Ba có được không ạ?

- Được lắm chứ, ba rất vui, vì công ty này gia đình ta phải chiếm 80% vốn để nắm phần chủ chốt. Dịp này các con đem về Mỹ một số hàng mẫu giới thiệu quảng cáo ở Florida, California. Bán được ba sẽ xin giấy phép xuất khẩu qua đó. Vừa qua công ty ta sản xuất đồ mỹ nghệ từ mây, tre, lá, ba dự định sẽ sản xuất từ đá và gỗ để năm tới ba làm bán thử trong nước. Rồi năm sau ba xin phép xuất khẩu. Vậy có hai con ở Mỹ hàng của ta sẽ qua đó trước.

Chị Lựu có vẻ thán phục chồng: - Ba các con đã vạch ra hướng làm ăn của nhà ta từ trước, nay đã thành công. Bây giờ ba có hướng mới là xuất khẩu rồi sản xuất từ đá, từ gỗ. Lựu kêu lên vui vẻ: Ôi! Anh cứ đẻ ra hoài làm sao xuể chứ!

Thành nói: Mẹ ạ, con được biết bây giờ tỉnh ta xây dựng Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, sắp đến sẽ mở mang nhiều. Ba đang bám vào hướng phát triển mới đó để hoạt động đấy Mẹ à.

Theo ba con cũng mệt nhưng có tiền cũng sướng, mà lo cho con thì xong, nhưng còn phải lo cho mấy đứa cháu nữa chứ!

Cả nhà đều cảm thấy gia đình họ rất hạnh phúc. Tất cả ba đứa cháu chạy đến sà vào lòng ông bà, hai thằng cháu ngoại không biết nó nói gì mà có vẻ vui vui: Nại, Nại, ăn, ăng… Mọi người cười ồ - Lạ quá nó nói chi rứa?? - Thằng Bi cháu nội giải thích: Nội ơi! Nó biết nói tiếng Việt rồi, cháu đã dạy nó đòi Ngoại cho ăn bánh đấy!

Vợ chồng Bình, Lựu đã thành công mỹ mãn về cuối đời. Họ rất thấm thía rằng, nhờ luôn hướng về cội nguồn nên đã đạt tới đỉnh cao của mơ ước và tận cùng của toại nguyện.

Đã khuya hai vợ chồng Bình vẫn bên nhau dưới vừng trăng sáng.

Bình nói: Em à,

- Có xa mới rõ nghĩa chữ gần,

Có mất mới mừng khi được,

Có buồn mới quý khi vui,

Có khổ mới hiểu thế nào là sung sướng…

TP Hồ Chí Minh tháng 9 năm 2010
P.T.T.Q
(263/01-11)






Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Đêm tái sinh (24/12/2010)
Chị Hạnh (16/12/2010)
Khoảng lặng (26/11/2010)