Truyện ngắn
Cây liễu bên bờ sông vắng
14:43 | 21/02/2011
NGUYỄN XUÂN HOÀNGLão Hinh lồng lộng như một con chó già bị mắc bẫy. “Mày cút khỏi nhà tau. Nhà tau không chứa chấp đứa con gái hư hỏng như mày…”. Miệng chửi, tiện tay lão vứt túi xách của Hằng ra đường. Chiếc túi nhỏ đã sứt quai, màu bạc thếch rơi tọt xuống miệng cống.
Cây liễu bên bờ sông vắng
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Hằng đứng im lặng. Im lặng vì Hằng buồn, vì Hằng là một cô gái câm. Hằng không thể nói được như một cô gái bình thường. Hằng cũng không buồn vớt túi xách lên vì trong ấy cũng chẳng có gì đáng giá. Chỉ là một ít son phấn rẻ tiền, bộ đồ nhàu nát, một chiếc gương con đã cũ để hành nghề. Di vật quý nhất là tấm ảnh nhỏ của mẹ thì Hằng đã ép nilon và đeo nó bên mình. Tấm ảnh ấy, quý còn hơn vàng. Nó là lá bùa hộ mệnh của Hằng. Những lúc cô đơn và buồn tủi quá, Hằng lại cởi ra và ngắm nhìn gương mặt dịu hiền của mẹ. Đôi mắt buồn trong ảnh đang nhìn Hằng, thương yêu và đùm bọc. Bao năm rồi trong ảnh mẹ chẳng chịu già đi. Có khi mẹ còn trẻ hơn cả Hằng bây giờ. Không bao giờ Hằng trách mẹ đã sinh ra Hằng mà không cho Hằng được làm người bình thường biết nói năng. Giá như Hằng biết nói, Hằng nói được tiếng người, hẳn cuộc đời Hằng đã khác. Không phải chịu nhiều khổ đau, không phải bị vùi dập hằng đêm, không phải trơ trọi một mình trong những ngày đau ốm.

Lão Hinh vẫn chửi mỗi lúc một hung hãn hơn. Độ này, lão đã nát rượu lắm rồi. Khi say người ta chửi nhiều hơn bình thường. Người lão run bần bật. Bàn tay gầy trơ xương xăm xói vào mặt Hằng. “Mày cút khỏi nhà tau, mày là con đĩ, con đĩ rạc, con đĩ đã hết màu…”. Khi say, lão Hinh chỉ nói toàn những điều độc địa đối với đứa con gái câm. Hằng đứng nhìn cha trân trân. Hằng đã làm điều gì khiến cha phải tủi hổ. Nếu không có Hằng, lấy cơm đâu cha ăn, lấy rượu đâu cha uống, lấy quần áo đâu cha mặc. Hằng đem cái thân xác bất hạnh cha cho ở đời để mà trả nghĩa sinh thành. Ấy vậy sao cha còn không biết, cha còn nhục mạ Hằng. Hằng vào bếp rót cho lão Hinh một ly nước. Bàn tay run run lão Hinh hất ly nước rơi xuống nền gạch vỡ một tiếng choang. Hằng bật khóc nức nở khi nghe tiếng thủy tinh vỡ lao xao đánh vào lòng nàng hoang vắng. Lão Hinh có biết là mỗi bát cơm lão ăn, mỗi ly rượu làm lão mềm môi đã đong bao nhiêu tủi nhục của Hằng. Có những đêm rét mướt Hằng đã thâm tím mình mẩy vì giá lạnh. Gió từ ngoài sông hun hút, quất lên da thịt trần truồng của Hằng như những ngọn roi đau đớn. Có ngày xui xẻo gặp khách vũ phu Hằng bị vần tả tơi như một bông hoa trong mưa gió, cả người bầm tím tê dại. Những lúc như vậy, Hằng lại gọi thầm “Mẹ ơi”, tiếng gọi câm như một tiếng tru buồn lọt thỏm trong đêm tối.

Hằng rất sợ mưa, sợ mùa đông, không phải chỉ vì vắng khách và đói, mà là cô đơn. Có đêm Hằng đội áo mưa ra đứng một mình bên bến vắng. Dưới cây liễu rũ thân thuộc bao năm, Hằng nghe tiếng mưa rơi trên mặt sông rộng. Trong đêm tối mơ hồ những tiếng nói, nhưng không phải tiếng người. Hằng chỉ thích nghe lời của cỏ cây. Chúng hát những lời ca dịu êm. Những cây cỏ mật lặng lẽ vuốt ve đôi chân Hằng bằng đôi bàn tay ram ráp nhân hậu. Trong đêm tối, ngồi bó gối lặng lẽ ngắm những vì sao lấp lánh xa xôi, Hằng thấy lòng mình dịu lại như vừa đi qua một cánh đồng rất nhiều hoa cúc vàng tươi. Có lúc Hằng nhớ con ghê gớm, nỗi nhớ cồn cào day dứt ở bên trái lồng ngực.


Giờ này có lẽ bé Hoa đã ngủ với dì của nó. Hằng nhớ đôi mắt con đen lay láy khi nhìn Hằng và hỏi nhỏ “Cô là ai? Cô có phải là cô tiên không?”. Giá như nói được, Hằng sẽ nói với con, con chính là con của mẹ, giọt máu yêu thương mà mẹ đành đoạn chia lìa. Hằng vẫn thường xuyên dành dụm tiền để gửi nuôi con và lo cho lão Hinh. Những lúc nhớ con quá, nàng mò đến trường học, đứng thẫn thờ suốt cả buổi sáng để mong nhìn thấy con. Mắt Hằng cũng đã yếu đi rất nhiều, chỉ thấy chập choạng những gương mặt trẻ thơ hồng hào. Hằng ra hiệu mua một chong chóng tre. Người bán hàng thối lại tiền lẻ, Hằng cho luôn người ăn xin bên đường. Cái chong chóng đẹp quá. Nó cứ quay tít trên tay Hằng. Đứng suốt buổi sáng vẫn không nhìn thấy bé Hoa, Hằng thất vọng đặt chiếc chong chóng vào hốc cây trước cổng trường rồi lầm lũi đi về.

Dễ đã hơn nửa năm rồi Hằng chưa được gặp con. Tóc con bé bây giờ chắc cũng đã dài lắm. Hằng mong tích cóp được một ít tiền để sau này cho bé Hoa học may. Bé Hoa không phải hàng đêm đứng trong mưa rét mà ú ớ mời khách như Hằng. Bé Hoa là niềm tin của đời Hằng, là chút hy vọng nhỏ nhoi như ngọn lửa để cho Hằng sống, níu kéo Hằng ở lại với cuộc đời này. Nếu phải chết cho bé Hoa hạnh phúc, chắc là Hằng chẳng ngần ngại một chút nào. Hằng đêm, tình mẫu tử xoắn lấy ruột gan Hằng. Nhìn thấy những đứa trẻ có cha mẹ hạnh phúc chở nhau đi trên phố, Hằng vẫn hay nhìn theo ước ao, lòng thấy nuối tiếc điều mà chẳng bao giờ Hằng có được trên đời. Cầm lòng vậy thôi mà lòng Hằng tan nát. Cả cái gã đàn ông mà Hằng yêu dấu cũng đã bỏ Hằng ra đi từ lâu. Hắn không cần nhìn dù chỉ một lần giọt máu mà hắn đã để lại trên đời này. Điều bất nhẫn ấy Hằng không bao giờ tha thứ. Hắn có thể bỏ Hằng, nhưng hắn không bao giờ được bỏ bé Hoa. Vì đơn giản một điều bé Hoa là con của hắn.

Trong cái đêm lạnh lẽo ấy cũng trên bến sông này, Hằng đã lặng lẽ trao thân cho hắn. Bé Hoa đã hoài thai trên tấm chăn hoa ngũ sắc. Cánh hoa nhiều màu rơi rụng và tứa ra một chất dịch hương thơm màu trắng dưới chân Hằng… cảm giác hiến dâng và được chia sẻ yêu thương khiến trái tim Hằng như muốn vỡ tung. Lồng ngực đập choi choi niềm hạnh phúc. Một cô gái câm bất hạnh như Hằng đã có một tình yêu… Hằng thở dài ngắm mặt sông rộng đã sáng dần dưới ánh trăng hạ huyền. Cái đêm hôm ấy đã xa lắm rồi, nó chỉ còn là những hồi ức vang vọng như ánh trăng tỏ mờ đêm nay. Hằng cố quên mà không thể nào quên được mối tình lương thiện duy nhất của đời Hằng. Nhưng cũng không nên trách hắn làm gì, vì Hằng chỉ là một cô gái câm bất hạnh, bị hắt bỏ ra khỏi cuộc đời như một chiếc lá hoan lạc lòi. Nhiều lúc buồn tủi quá, Hằng cố nhai một chiếc lá dại để lấy sức. Vị lá đắng sít khiến đầu lưỡi tê buốt cho Hằng cảm giác là mình đang sống, đang tồn tại dẫu là vất vưởng. Hằng thường ngắm sao trời qua vai những gã đàn ông tìm hoa. Những lúc ấy, bờ vai tối tăm chỉ còn là một cái gờ nhỏ thảm hại. Qua vòm lá rậm rạp, Hằng ngắm mê mải thứ ánh sáng lạnh giá vẫn đêm đêm an ủi Hằng, nhen nhóm trong Hằng một chút niềm tin. Dưới ánh sao đêm rạng rỡ, Hằng nhìn thấy gương mặt con xinh xắn vô ngần. Bé Hoa bay lên trong đôi cánh thiên thần màu trắng. Bầu trời như một tấm lụa sáng óng ánh những sợi tơ mịn. Hằng muốn nói với con gái rằng mẹ đã tủi nhục biết bao nhiêu. Mẹ bị giày vò khinh miệt nhưng mẹ không nản lòng. Mẹ là một cô gái câm, mẹ còn biết lựa chọn điều gì. Số phận đã lựa chọn mẹ làm vật hiến tế kiếp này… Hằng vẫn còn nhớ mãi những ngày mang thai bé Hoa. Hằng lo lắng không biết con ra đời có câm như mình không. Người ta bảo câm không di truyền, biết là vậy nhưng Hằng vẫn sợ. Hằng muốn con phải nói được tiếng người, phải là một đứa con gái bình thường để có thể học may vá, sống bằng một nghề bình thường, không phải tôi đòi như Hằng. Vì vậy mà Hằng dành dụm, chắt bóp, chỉ dám ăn sắn khoai trong những ngày vắng khách...

Tháng Tám. Ngày mưa to. Lão Hinh chết. Nước mưa ngập kín căn lều nhỏ bên hồ Động. Trên chiếc bàn gãy một chân vẫn còn lưng xị đế, một ít ổi xanh và những đóa hoa sen trắng muốt. Lão Hinh chết vì uống rượu say mà lội hái sen hồ. Từ lúc còn cởi truồng lão đã sống giữa những đóa hoa sen. Lão yêu những đóa hoa sen cuối mùa thu như yêu đứa con gái hư hỏng mà lão không thôi nguyền rủa. Hằng biết miệng cha tuy độc địa, nhưng lòng cha rất lành, tâm cha sáng trong đến cả rượu cũng không thể nào làm bẩn cha được. Lão Hinh có chửi Hằng cũng là chửi nỗi bất hạnh, chửi cả ông trời xanh sao không cho lão được một mụn con biết nói được tiếng người. Có lúc Hằng đã thấy cha khóc một mình dưới hồ sen lạnh. Đôi vai gầy rung rung như những cánh hoa sen mỏng manh cuối ngày. Những lúc như vậy, Hằng muốn ôm đôi vai yêu thương đã từng cường tráng ấy, nhưng Hằng biết lão Hinh chẳng muốn ai nhìn thấy nỗi khổ đau của mình. Lão Hinh vẫn khóc một mình. Đó là chút kiêu hãnh còn sót lại của một đời người tàn tạ.

Sau ngày đưa tang lão Hinh, trời vẫn có mưa hoài. Mưa như ai đó khóc than giữa lòng phố vắng. Hằng về lại ngôi nhà nhỏ hoang phế, lòng buồn tênh. “Bây giờ thì cha đã không còn chửi rủa con. Bây giờ thì cha đã thanh thản. Rượu vẫn còn để cho cha trên bàn thờ…” Hằng ú ớ nói những điều câm nín ấy, đôi mắt cô trống hoắc một nỗi buồn xa vắng. Hương hoa sen cuối mùa thảnh thót bay quyện với hương trầm dịu nhẹ khiến lòng Hằng dịu lại.

Đêm nay mưa to, vắng khách. Hằng mượn chiếc chổi của người phu quét đường, gom một ít lá rụng dồn lên miệng cống. Những chiếc lá ướt chậm rãi bắt lửa, từng sợi khói nhỏ bốc lên mỏng manh. Khói nhạt đi và ngọn lửa to dần rồi cháy đỏ rừng rực. Hằng ngồi như muốn ôm lấy ngọn lửa. Nàng đưa đôi bàn tay gầy xanh xao hơ lên vòm sáng đỏ cháy màu hoàng hôn. Những đường gân trong tay nàng giần giật theo ánh lửa. Bất chợt nàng nghe tiếng lão Hinh chửi rủa, tiếng khóc thơ dại của bé Hoa ngày nào nàng bỏ con, tiếng chiếc chong chóng tre quay vù vù trước cổng trường… Gió thổi mạnh làm cây liễu rũ bên bờ sông vặn mình kêu răng rắc. Những chiếc lá nhỏ như đứt rời bay xuống mặt sông. Hằng ngồi bên đống lửa cho đến khi tàn lụi. Vuốt gương mặt xanh xao đầy nước mắt, nàng ngã sấp xuống đống tro tàn vẫn còn sót lại một chút hơi ấm.

Tháng 10-2003
N.X.H
(263/01-11)






Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Cội nguồn (24/01/2011)