Truyện ngắn
Pháp trường trắng
10:19 | 10/09/2008
NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.

Tên quan cai trị cáo già ở Trung Kỳ đã đích thân ra Hà Nội để mật bàn với Toàn quyền Đông Dương. Toàn Quyền chỉ thị:
- Phải làm lúc bất ngờ, nghĩa là vào lúc rạng sáng. Ngoài việc canh phòng cẩn mật nơi pháp trường còn việc không dùng binh lính An Nam. Những cai, đội… có nghi vấn thì chuyển xa kinh thành hay cấm trại, mà giao cho lính Lê Dương dưới sự chỉ huy của sĩ quan ưu tú.
Người Pháp chúng ta đứng đằng sau mà để cho mấy ông đại thần hành sự theo lệnh mật của ông Khâm sứ…
Cần đề phòng dân Trung Kỳ, đặc biệt là dân Quảng , Quảng Trị gần với Huế nên dễ tụ tập…
Khâm sứ Trung Kỳ - vốn là tên quan cáo già xứ thuộc địa - cất mũ chào cấp trên lên xe trở vào Huế. Và việc chém đầu hai chí sĩ đã giam trong ngục tối chỉ còn đợi nay mai.
Từ vụ sưu thuế năm Mậu Thân, kinh thành Huế vốn âm thầm đã sục sôi kéo dài cho đến năm 1925.
Nhưng bây giờ đang là năm Bính Thìn (1916) vào tháng tư âm lịch. Tháng bắt đầu nắng hè chói chang và ve sầu tấu nhạc dọc hai bờ sông Hương vốn lặng lẽ chảy qua kinh thành biết bao biến động. Các cụ già đất thành kinh, các tỉnh lân cận theo dõi mọi diễn biến sự việc. Sau vụ sưu thuế, các nhà đại khoa bảng yêu nước lần lượt bị đày ra Côn Đảo, với mức án 10 năm, chung thân, có vị ra pháp trường bằng án chém thời Trung Cổ mà Tây Phương đã dẹp từ lâu.
Lần này hai chí sĩ bị giam rất bí mật ở ngay kinh thành. Cuộc mưu sự công phu đến vậy mà bị phát giác dẫn đến nông nỗi này thì cách mạng trời nam ta còn gian nan và những người con ưu tú của giống nòi còn chịu đau thương thê thảm. Nhiều vị quan còn giữ được ý thức với dân tộc, nặng lòng với non sông, biết trọng nhân cách đã từ quan lui về sống cho sạch lương tâm.
Ngày hành hình được giữ tuyệt mật, nhưng rồi chuyện mật đến đâu các mệ, các bà cũng biết được. Quan bà biết chuyện từ quan ông, rồi các quan bà vốn là những tay chơi bài tứ sắc, chuyện từ miệng bà quan Tham tri, Thị lang… xuống bà Tuần, bà Án biết mà rò rỉ thông tin đến dân chúng.
Có điều trước khi nói bà nào cũng nghiêm sắc mặt dặn rằng: Đừng có nói lại với ai mà vạ lây, bà được nghe hứa hẹn và thề với trời đất… đó là cách làm cho chuyện xưa nay vốn nghiêm cẩn nơi cung cấm cũng lộ bem ra dân thường. Các mệ mà gặp nhau ở chiếu tứ sắc trong cảnh mưa phùn xứ Huế bên cái lồng ấp than hồng, nhai trầu đỏ thắm miệng và nồng vôi thì không có chuyện gì từ xa xưa của vua nọ vua kia, rồi quan ông đại thần, quan bà lục bộ… đều được thuật lại rành mạch còn hơn sử sách.
Trước ba ngày, trời mưa cả ngày đêm, tối sầm như ngày tận thế. Hôm sau trời tạnh ráo sáng hẳn lên, sau mưa trời nắng đẹp là quy luật của tạo hoá. Nhưng mưa vào tháng tư là chuyện không bình thường.
Nhưng lạ lùng là đêm nay không trăng mà sáng như có phép lạ. Canh ba u ám một lúc, đến gà gáy lượt đầu thì rực sáng, và có hai vì sao từ nơi dựng pháp trường theo hình trôn ốc vút thẳng lên cao, bay qua kinh thành theo hướng nam và tắt ở phía đèo Hải Vân như hai cục lửa từ trời xanh xuống đất Quảng .
Điều lạ này ít người biết, vì giờ phút xảy ra khuya khoắt quá. Riêng cụ cử Dương Văn Hoè mấy đêm không ngủ, không ngủ không vui mà chẳng biết giãi bày cùng ai mới thêm sầu não.
Sau vụ sưu thuế năm Mậu Thân, cụ cử đang giữ chức Thị Độc Hàn Lâm biên tu, bị nghi có dính líu với những nhà đại khoa bảng lừng danh đã bị đày Côn Đảo. Vâng lệnh tên cầm đầu Pháp ở Trung Kỳ, lấy cớ bổ dụng, bọn tay sai của Pháp đày cụ lên KonTum, coi như đẩy đi xa Huế một người nặng lòng với vua Thành Thái. Viện cớ đau yếu mà tuổi đã cao, không thể nhận chức nơi chướng khí, cụ xin cáo quan.
Làng cụ ở Tây Bắc kinh thành, cụ mở lớp dạy chữ Hán cho ai cần học, bảo ban con cháu giữ trọn chữ trung trinh của nhà Nho.
Ừ thì Hán học đã tàn, vài năm nữa, sau khoa thi cuối cùng là chấm dứt khoa cử. Đau lòng này chưa nguôi thì sự biến khác xảy ra, càng đau lòng hơn. Vua cha bị đày xa nước, nay vua con bị đày theo. Cụ không làm được như hai cụ Phan, cụ Đặng, cụ Huỳnh… vì thế cụ thêm buồn và thức ngủ mà thở than, cụ vô nhà ra sân và thấy sự là sao Băng.
Người Tàu nhìn sao mà biết được Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên trầm mình trên sông Mịch La. Đó là thời mạt vận của vua nước Sở.
Đến thời nhà Hán, quân sư Gia Cát Lượng biết được đại tướng Quan Vân Trường bị chém đầu cũng nhờ đêm khuya xem sao.
Nước ta tiêu biểu là Trạng Trình, cũng là người am tường lý số, tiếng tăm vang đến Bắc Quốc.
“An lý học hữu Trình Truyền”.
Trạng còn biết được vận nước cả mấy trăm năm sau. Chúa Nguyễn Hoàng đã nghe lời Trạng dạy “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”, mà khởi nghiệp xứ Đàng Trong sau này để mở mang bờ cõi.
Cụ cử lẩm bẩm: Điềm trời đã báo cho biết dân ta gặp nạn rồi. Hai chí sĩ sắp bị giặc Tây hãm hại mà nhơ nhuốc thay, bọn chúng mượn tay Triều đình, những vị quan đại thần muối mặt các đại đao, chặt đầu chí sĩ tuấn kiệt của dân tộc. Đau… đau, nhục… nhục.
Nước mắt cụ cử trào ra uất nghẹn, đúng là tuổi già hạt lệ như sương. Cụ vô nhà đến trước bàn thờ có ngọn đèn dầu vừa đủ sáng ấm áp trong ngôi nhà cổ năm gian, cụ lấy thẻ hương quí thắp đỏ trở ra sân nhìn hướng An Hoà vái hai vái và khấn rằng:
- Thưa hai hiền huynh, Hoè tôi đau lòng bái phục, có trời chứng giám cho. Sống đã biết nhau thì thác cũng sẽ gặp nhau. Hai huynh phù hộ cho con Hồng cháu Lạc sớm đánh đuổi sài lang đem lại độc lập cho dân tộc.


Ngồi trong ngục tối, chí sĩ ôn lại quãng đời ngoài 50 tuổi của mình từ khi nhận thức được sự tủi nhục của người dân mất nước.
“Dân mất nước trăm lần thống khổ
Nỗi đau này biết tỏ nơi đâu
Văn minh là thế giới nào
Mà ta chìm đắm dưới hào dã man
Nghĩ lắm lúc bầm gan tím ruột
Vạch trời cao mà tuốt gươm ra…”

Một chuỗi thăng trầm của con người tận trung với nước, tận hiếu với dân tuần tự diễn ra trong trí nhớ.
Năm 20 tuổi từ biệt gia hương với bầu máu hăm hở ra đi, ẩn thân chùa Linh kết giao nghĩa khí, nhằm xoay chuyển trời đất… nhưng sự nghiệp chưa thành. Âu đó cũng là trời đất thử dạ anh hùng.
Năm 27 tuổi, xây dựng căn cứ trù tính việc lâu dài với các chí sĩ đất võ học Bình Định. Một lần nữa sự nghiệp chưa thành, ta đâu nản chí mà rút bài học dấn thân.
Năm 33 tuổi nếm mùi ngục Phú Yên, sau cuộc khởi nghĩa thất bạicủa Võ tiên sinh. Mới hay nhà tù là trường học cho kẻ anh hùng, dám xả thân vì đại nghĩa.
Rồi năm 35 tuổi, lại ngồi tù ngục Bình Định, Quảng trong vụ án Dịch Trung Thiên.
Năm 43 tuổi bị đày Côn Đảo trong vụ sưu thuế Trung Kỳ, cùng với các nhà đại khoa bảng giúp dân kháng thuế. Ôi những ván cờ thế sự mà ta dự phần, thua trận này bày trận khác, chờ ngày đánh trận cuối cho dân tộc tự do. Và trận ấy cả 20 triệu đồng bào một lòng một dạ.
Vậy mà hôm nay 51 tuổi phải ra pháp trường và nhất định đầu rơi khỏi cổ…! Mới sống có nửa đời người, nhưng không sao. Đã là người đánh cờ thì thua được, được thua chưa phải là tất cả. Thua thì để lại bài học cho hậu thế tiếp nối, còn được thì xây dựng cơ đồ, dù sao thì cũng ở cái tuổi tri thiên mệnh. Chỉ thương nhà vua quá trẻ và tiếc cho đồng chí… đầy nhiệt huyết mới tròn tuổi 30. Nhưng mà thôi, anh hùng nói chi đến tuổi tác, Phù Đổng rồi Hoài Vương Hầu… đang còn niên thiếu cơ mà. Thái đệ cũng đã 30 hơn.
Ta sinh ra là để nếm vị tân khổ, đã mang hoài bão bận áo vải đội nón lá đòi quyền sống đuổi giặc thương dân.
Ngày ở ngoài Côn Đảo khi nghe tin từ đất liền: Ở lao Thừa Phủ ông bạn Châu tiên sinh tuyệt thực đến chết, ta đã thương tiếc mà thốt lên rằng:
“Ta có thiếu sống đâu
Dũ lý bảy năm chưa diễn trọn”.
Bỗng chí sĩ quên tất cả, quên mình đang trong cảnh tội tù, sảng khoái ca lên:
TA cùng TRỜI ĐẤT ba ngôi sánh
TRỜI ĐẤT in TA một chữ đồng
ĐẤT nứt TA ra TRỜI chuyển động
TA thay TRỜI mở ĐẤT mênh mông!

Ngồi trong ngục tối, chí sĩ như thấy ánh sáng màu hồng của dân tộc. Lịch sử từ năm 1862… 1865, năm Giáp Thân đến năm Bính Thìn (1916) là đã 50 năm. Máu của đồng bào của nhiều nhà yêu nước không lúc nào ngưng chảy. Với đà quật khởi này, thì 30 năm nữa thôi, có thể là năm Ất Dậu (1945), dân tộc này phá tan gông xiềng để có độc lập tự do.
Nhất định là như vậy, ha ha ha… ha ha ha. Nếu ta sống thì cũng đã 80 hơn mà có chết thì đã thấy con cháu Lạc Hồng đã thoát ách nô lệ. Ha… ha… ha… ha ha ha… Tiếng cười sảng khoái của một con người nắm được vận mệnh tươi sáng của dân tộc, làm tên lính hầu đưa cơm đang đến gần cửa ngục khiếp sợ sởn tóc gáy. Cái xích sắt rơi xuống nền gạch chói tai nơi ngục tối nghe mà ghê. Ánh sáng lùa vào, tên lính mở khoá thấy đôi mắt chí sĩ sáng rực như vì sao đêm đông, hắn run sợ như chó thấy cọp. Tên lính hầu đặt mâm cơm có be rượu đặc ân, y lễ phép khoanh tay.
- Mời ngài dùng cơm kẻo nguội… Hôm nay hình quan dành sự ưu ái cho ngài nên có be rượu ngon.
- Ha ha ha… có rượu ngon.
Chí sĩ nói như chế diễu:
- Ta biết sự biệt đãi này là… có chi mà giấu được ta… mà thôi…
Triều đình từ vua, quan lớn, quan bé cúi đầu theo lệnh tên khâm sứ, muối mặt chặt đầu, đày ải bao người con ưu tú của dân tộc. Nay đến lượt ta. Ta đã sẵn sàng ra pháp trường nay mai.
- Dạ dạ thưa ngài, kẻ tôi tớ hèn mọn làm sao mà biết chuyện đại sự của triều đình của hình quan.
- Nhưng anh cũng là người An Nam, con Hồng cháu Lạc như 20 triệu đồng bào chứ. Anh đang sống nhục trong cảnh nô lệ mất nước, có biết không?
- Dạ dạ… dạ.
Tên lính thụt lui ra cửa như sợ mình bị liên luỵ, mặt tái mét.
- Mà thôi, anh để be rượu cho ta, mâm cơm đặc ân này ta chẳng ăn. Nếu anh còn một chút lương tâm thì bưng ra cổng thành, cho người ăn xin… hãy thương lấy họ. Ta chỉ nhờ anh một việc thôi.
- Dạ bẩm ngài, nếu giúp được cho ngài mà con không liên luỵ thì xin ra sức.
- Xem đồng chí của ta buồng giam bên kia có gầy lắm không, thần sắc ra sao? Nhờ nhắn hộ rằng: Trần Cao Vân đã sẵn sàng chết cho 20 triệu đồng bào đang lầm than. Khi mà vua quan là trâu ngựa cho Tây thì dân lành làm sao mà thoát cảnh cơ hàn. Mai cho ta biết…
Người lính gạt nước mắt bưng mâm cơm, và tên lính coi tù khoá xích sắt. Phòng giam tối om như địa ngục.

Tại phía Tây Bắc kinh thành, pháp trường đã được chuẩn bị trong im lặng và kín như bưng. Theo lệnh tên đầu sỏ Tây ở Trung Kỳ, binh lính triều đứng gác dọc đường thiên lý, con đường dẫn đến pháp trường. Một đơn vị lính Lê dương dưới sự chỉ huy của một sĩ quan Pháp được điều từ đồn Mang Cá đến An Hoà. Đêm ấy trời không trăng mà lại sáng như dát bạc, đúng là một đêm có một không hai ở kinh thành Huế xưa nay. Trời sáng để thấy lòng người. Đao phủ Ngáo bận áo chẽn màu huyết bầm, quần dài trắng trúc bâu được túm ống cho gọn. Ngáo đã có tuổi, người xương xương như con chó già chưa rụng răng. Đầu Ngáo quấn khăn màu điều như tên vô lại, lại buộc ngang lưng dải lụa lục bình như một tên hề vô duyên.
Hơn cả tuần luyện tay dưới sự giám sát của viên quan hình ngục trên ngũ tuần có bộ mặt như thần chết dưới âm phủ. Trước và sau khi chém vào cái đầu người đẽo bằng gốc chuối sứ, giống y cái đầu thật, Ngáo được hai ly rượu màu mận chín có mùi máu tanh như máu người, thứ rượu máu làm cho đao phủ mất hết tính người mà không biết gớm tay với đồng loại.
Ngáo thắp hương khấn trời đất và lên xe đi trong đêm ra bãi chém. Xe Ngáo ngồi là xe đi giữa, phủ kín để chẳng ai thấy gì. Ba chiếc xe kéo lùi lũi chạy trong đêm như đi ăn trộm, rồi dừng lại cách đường thiên lý một đoạn đi vô đường làng. Đó là pháp trường An Hoà.
Ngáo nâng đại đao ngang mày quỳ lạy, chẳng biết Ngáo lạy ai giữa trời đất. Hai chén rượu máu đã làm cho Ngáo u u quên đi tất cả.
Hai tử tù đã bị trói có lẽ trước đó chẳng bao lâu, mắt bịt kín. Mặc dù hai chí sĩ yêu cầu để mắt cho được thấy đất trời trước khi rơi đầu.
Áo quần hai chí sĩ màu trắng như áo liệm, có lẽ hình quan đã cố ý cho mặc thế để chôn cất… Tiếng chiêng cất lên chù rù… chù rù… chù ù ù… như tiếng gọi hồn từ một nơi rất xa mà cũng rất gần, như dưới chân hai chí sĩ vọng lên. Bầu trời trắng, biến tất cả mọi vật đều trắng, và đương nhiên PHÁP TRƯỜNG TRẮNG đến độ ớn người, như thể nơi đây không phải là dương thế.
Lát chém thứ nhất, đầu chí sĩ Thái tiên sinh rơi xuống đất, máu phun đỏ như cái vòi kỳ lạ thành dòng. Bỗng vang lên sang sảng:
TA CÙNG TRỜI ĐẤT BA NGÔI SÁNH
TRỜI ĐẤT IN TA MỘT CHỮ ĐỒNG

TA THAY TRỜI…
Lưỡi đại đao đã cắt đứt lời ca của chí sĩ, nhưng lạ thay, dẫu tay bị trói, chí sĩ vẫn đưa ra đỡ được cái đầu của mình không cho rơi xuống đất, cho dù chỉ là tích tắc.
Đao phủ Ngáo khiếp đảm tru lên như chó, hắn quăng đại đao đỏ máu lăn lộn trên cỏ… khóc. Bầu trời An Hoà sầm tối một lúc rồi bừng sáng lạ thường. Trong cảnh đất trời ấy, có hai vì sao vụt lên từ đây bay vào Hải Vân mà cụ cử Hoè đã thấy cái đêm đầu chí sĩ rơi xuống đất.
Lời hậu thế:
Vào năm 1925, nghĩa là 9 năm sau vụ hành hình, khi cả nước đứng trước một vụ xử mới đang xẩy ra tại toà đại hình ở Hà Nội. Nhà chí sĩ họ Phan cũng là đồng chí của Thái Phiên và Trần Cao Vân. Nhân dân cả nước quyết không để cho đầu chí sĩ bị rơi xuống đất, nên đứng lên hành động và kết quả là cụ được tha và đưa về giam lỏng tại Huế.
Lợi dụng tình hình ở Hà Nội, một phụ nữ tuổi ngoài 40 đã đến pháp trường xưa. Nhờ sự giúp đỡ hết sức tận tâm và bí mật của bà con quanh vùng, hài cốt của hai chí sĩ đã được cất bốc và chuyển lên đồi thông yên tĩnh tại phía Tây thành Huế.
Hài cốt được an táng và mộ xây cất hết sức giản dị, nhưng cũng bí mật. Một tấm bia đá dựng trước mộ chí:
Trần Cao Vân, Thái Phiên chí sĩ chi mộ
(Lẽ đương nhiên chữ trên bia là chữ Hán).
Kẻ hậu bối được biết người phụ nữ làm việc ấy là bà Trương Thị Dương, một đồng chí của hai chí sĩ. Nghe đâu quê quán của bà ở làng Tân Điền huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.
                        Huế, tháng 12 năm 2006
                                    N.L

(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)
Ngày bình yên (08/09/2008)
Vàng ơi! (04/09/2008)
Điểm Bốn (03/09/2008)
Chim Gõ Kiến (03/09/2008)
Dì Ty (29/08/2008)