Truyện ngắn
Chiếc phao cứu sinh
10:34 | 10/09/2008
TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.

Ông Hân, chồng nàng hôm nay trông trang trọng và niềm nở hơn hẳn mọi khi. Mái tóc điểm bạc, lưng đã hơi còng, xem chừng ông phải lớn hơn vợ đến hai mươi tuổi. Diêu bước vào phòng tiệc, vừa bắt bàn tay mềm mềm của chủ nhân anh vừa không ngăn được một ý nghĩ sỗ sàng: Liệu trên giường ông ta có thành công như trên thương trường không?”.
Dù sao thì ai cũng ca ngợi ông bà Hân là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trong thành phố. Khu nhà vườn tuyệt đẹp này, nghe đâu ông Hân đã cố đốc thúc hoàn thành vào đúng ngày kỷ niệm thành hôn, cũng là ngày khai mạc Gallery tranh sơn dầu của bà Hân - Theo như báo chí đưa tin, hơn ba năm nay Nguyễn Thị Trúc Ty, tức bà Hân, đã miệt mài vẽ và từ thế giới nội tâm sâu thẳm, chị đã làm nên những tác phẩm thật bất ngờ”.
Diêu bước sang phòng trưng bày, nơi ba mươi bức tranh của nữ chủ nhân hiện ra dưới ánh sáng những chùm đèn mắt cáo được bố trí thật tài tình. Người sắp xếp hệ thống đèn này phải là bậc thầy trong nghề ánh sáng. Tiếng nhạc dìu dịu vang lên, Bach rồi Mozart rồi Beethoven... Trên tay Diêu, ly sâm banh sóng sánh, thứ sâm banh hảo hạng của Pháp, rõ là tất cả các khâu tổ chức của buổi lễ này đã được chuẩn bị công phu với chi phí tối đa. Cả khách mời cũng vậy, Diêu nhận ra những khuôn mặt của thành phố: quan chức, nghệ sĩ, những người nổi tiếng. Y phục mới cứng, ly sâm banh trên tay, vẻ hân hoan trên mặt, họ đang tụm năm tụm ba chào hỏi tán tụng nhau, chẳng mấy ai chú tâm vào những bức tranh.
Những bức tranh. Đa số là hình vẽ hoa, phụ nữ, tĩnh vật. Phụ nữ thường có đôi mắt to, mái tóc dài, bàn tay nhòa nhòa không rõ, có thể Trúc Ty không rành vẽ bàn tay? Nghe nói nàng chưa từng học qua lớp vẽ nào. Tranh phụ nữ nào cũng na ná một khuôn mặt giống nhau. Tĩnh vật thì đa số là lọ gốm, bình hoa, ấm chén, những thứ kề cận trong không gian nhỏ hẹp của một người đàn bà.
Một bức lẻ loi riêng trong một góc, đập vào mắt Diêu vì rất khác với 29 bức kia: một cái phao cứu sinh trên mặt biển nổi sóng. Cái phao tròn, màu đỏ, tương phản với màu bão biển xám tro. Nét vẽ không có gì đặc biệt nhưng ý tưởng của hình ảnh gợi lên trong anh một cảm giác khá bạo liệt. Anh dừng lại rất lâu trước bức tranh.
“Chào ông Diêu. Nghe tiếng ông đã lâu, nay mới được gặp”.
 Nữ chủ nhân đang đứng cạnh Diêu. Trúc Ty.
Nàng mặc một chiếc áo dài đen cổ truyền, vai đầy đặn dưới chiếc vòng cổ vàng trắng nhấn hạt trai. Diêu ngẩng lên, mùi nước hoa Trésor phảng phất, anh nhận ra: tất cả những khuôn mặt phụ nữ trong tranh đều là khuôn mặt của nàng.
“Chị biết tôi?”
“Đã cầm cọ, ai mà không biết ông? Nhà tôi bảo, anh ấy đã phải mời mấy lần, hôm nay anh mới chịu đến làm khách quý”.
Giọng Trúc Ty nhẹ nhưng có một âm vang mạnh mẽ và mê hoặc. Diêu thoáng bối rối một phút. Là một họa sĩ lão luyện giang hồ, đâu phải lần đầu trong đời anh thấy đàn bà đẹp. Đúng là ông Hân đã mời mọc lắm: Diêu không thích bị lẫn trong đám nghệ sĩ thích làm vệ tinh xúm xít quanh các quan chức và các đại gia. Nhưng anh cũng có gót chân A sin của mình, giá mà ông Hân đưa vợ đi cùng, chắc Diêu đã không thoái thác nhiều lần như vậy.
Trúc Ty lại nói, hai hàng mi đổ bóng dưới ánh đèn chùm khiến dường như nàng vừa nói vừa nhìn vào bên trong chính mình vậy. “Thưa ông, ông đã đến đây, xin ông cho một lời...”. Nàng đặt bàn tay lên tay Diêu, dẫn anh đến chiếc bàn nhỏ phủ nhung nơi góc phòng. Sổ lưu niệm. À. Anh sẽ phải nể lòng chủ nhân mà viết vào đây mấy dòng cảm tưởng. Mấy hôm trước đây, đọc vài bài báo khen ngợi Trúc Ty, Diêu đã tủm tỉm cười khinh thị. Vậy mà bây giờ, dưới cái nhìn thăm thẳm của người đàn bà, anh cầm bút viết không đắn đo “... Thật bất ngờ khi được xem những tác phẩm của chị...”.
Anh buông bút gạt sang bên, nhủ thầm: “Khỉ thật!”, rồi lại tự an ủi, mình viết không sai, ít nhất mình quả thực rất bất ngờ khi xem bức tranh về chiếc phao cứu sinh.

Sáng hôm sau  tỉnh dậy, Diêu bỗng choáng ngợp bởi mùi nước hoa Trésor nhẹ phảng phất trong phòng. Mở mắt trân trân nhìn lên đình màn một lúc, anh mới hiểu ra đấy chỉ là ảo giác.
Một ảo giác thật mạnh mẽ. Diêu thèm vẽ lại ảo giác đó. Anh dằn vặt mình, bởi thói quen nghề nghiệp luôn muốn nắm bắt mọi thứ bằng đường nét và màu sắc. Điện thoại reo... Ai gọi sớm thế?
Ông Hân. Ông muốn mời anh đi ăn sáng. Cuộc tiếp tân hôm qua đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Giọng ông rổn rảng qua điện thoại, không giấu được vẻ hân hoan. Trên bao lơn nhà hàng, Diêu nhìn kỹ ông ta, những gì hôm qua được hệ thống ánh sáng trong phòng che bớt thì giờ đây hiện rõ dưới ánh nắng sớm. Tuổi lão suy. Mái tóc thưa làm vầng trán thêm rộng. May mà còn đôi mắt linh hoạt. Đôi mắt này vào tuổi tráng niên có lẽ đã từng rất đẹp. Không vội vàng, chỉ đến cuối bữa ăn, lúc giữa hai bên đã thật thoải mái, ông mới ngỏ lời: Mời Diêu làm thầy dạy vẽ cho vợ ông.
“Đây là ý của ông, hay là...” Diêu thận trọng hỏi. Anh có cảm giác  đang tiến bước vào một khu vực không an toàn.
“Vâng, đây là mong muốn của tôi, nhưng cũng phát xuất từ ý nguyện của nhà tôi”.
Ra thế. Người ta thường bảo, từ ngày cưới, Trúc Ty chỉ lẩn quẩn trong nhà, nàng hầu như không đi đâu trừ những lúc ra ngoài mua sắm, hoặc những lần dự tiệc tùng bên cạnh chồng. Có người còn bảo nàng là tù nhân của hạnh phúc. Nhưng qua chuyện hôm nay, Diêu nghĩ, xem ra nàng cũng đủ khôn ngoan để giật dây vị lãnh chúa của mình.
Dạy vẽ... Diêu vừa nhồi thuốc vào cái pip, vừa nghĩ ngợi. Anh, một họa sĩ nổi tiếng đã nhiều lần dự triển lãm quốc tế, bây giờ dạy cho một cô học trò chỉ biết vẽ ấm chén và bình hoa, những bức tranh đèm đẹp thường thấy ở cửa hàng bán đồ lưu niệm? Và còn ông chồng? Vì sao ông ta lại dễ dàng nghe lời vợ như thế? Diêu gõ gõ cái pip, rồi chợt ngẩng lên. Sau mấy phút lưỡng lự, anh nhận ra là mình đang muốn nhận lời, rất muốn.
Nhận lời xong anh ân hận. Nhưng rồi anh lại nghĩ mình đúng. Người đàn bà này không phải không có tài năng, chỉ vì cô ta thiếu hẳn sự đào tạo.
Anh lại nhớ đến bức tranh về chiếc phao cứu sinh.

“Tại sao chị lại vẽ chiếc phao cứu sinh? Với ý nghĩa gì?”.
Một thông điệp của riêng mình? Một lời kêu cứu? Diêu thầm nghĩ.
Nhưng Trúc Ty không trả lời, mắt không rời tay cọ. Buổi học đầu tiên, Diêu cho nàng vẽ tùy thích, như một cách để dần dần chỉ cho nàng thấy những nhược điểm trong lối vẽ hoa hoè lâu nay. Quả nhiên, Trúc Ty vẽ ngay một cô thiếu nữ cầm một cành hoa. Vẫn là khuôn mặt quen thuộc, đôi mắt có lông mi dày và đôi môi cong cong. Và bàn tay... Diêu nghiêm mặt, chỉ vào bàn tay được vẽ rất cẩu thả. Đáp lại cử chỉ ấy, Trúc Ty bảo:
- Thưa thầy, em không gia công nhiều vào bàn tay, vì em nghĩ bàn tay không có gì đáng để lưu ý!
Giọng nàng chảnh choẹ ra vẻ bà chủ, khác với giọng ngọt ngào mê hoặc trong phòng triển lãm mấy hôm trước. Xem chừng cô học trò này không dễ dạy như mình tưởng. Diêu tỳ một tay vào giá vẽ, tay kia rút bức tranh lở dở, rồi xé toạc nó ra trước cặp mắt sửng sốt của Trúc Ty. Diêu biết, mình là người đầu tiên xúc phạm đến cái ảo tưởng tài năng của nàng. Xúc phạm một cách thô bạo.
Đã thô bạo thì thô bạo cho luôn, Diêu tự nhủ. Người đàn bà này sống trong nhung lụa, được hàng tá người vây quanh tán tụng. Anh không thể bị lẫn vào trong đám đông đó. Đanh giọng, anh nói, rất lạnh lùng:
- Nếu chị thực sự muốn làm nghệ thuật, chị phải đi lại từ đầu, vứt bỏ những gì lâu nay chị chắp vá nhặt nhạnh được.
“Thưa thầy, vậy ra lâu nay em... chưa hề làm nghệ thuật?”.
Nàng nói, vươn cao cái cằm thon thon trên cái cổ trắng. Trong lúc này, khi lòng kiêu hãnh bị tổn thương, nàng giống con mèo cái đang xừng lông gáy, mạnh mẽ và quyến rũ hơn lúc đang thỏ thẻ ngọt ngào.
Diêu quay mặt đi một phút để giấu xúc cảm thực của mình, anh gằn giọng:
- Nếu chị muốn học với tôi... Chị hãy vứt hết mấy lời tán tụng nhảm nhí của mấy bài báo lá cải đi. Nếu không đồng ý, chị có thể về ngay bây giờ.
Trúc Ty mặt tái nhợt tái nhạt, đôi môi son mím chặt, lẳng lặng vò bức tranh bị xé nhét vào chiếc túi da to dưới chân. Nàng tiện tay nhét luôn những thứ đang vắt trên ghế, chiếc khăn tay, chiếc kính mát, những thứ lỉnh kỉnh. “Cô ta không chịu nổi. Cô ta sắp về đây”. Nhưng không phải, sau khi gom gọn các thứ, nàng rút trong ống giấy ra một tờ croquis mới và bắt đầu căng lên giá.
Diêu thấy nhẹ người.
Trúc Ty căng xong giấy, cầm bút lên, chợt nước mắt trào ra. Lòng kiêu hãnh của nàng bị thử thách dữ dội quá. Nàng vừa vẽ, vừa cố nuốt nước mắt.
Diêu đến đứng sau lưng nàng. Dịu giọng, anh bắt đầu chỉ dẫn cho nàng thật tận tình, có một lúc anh cúi xuống cầm bàn tay nàng, giúp chỉnh lại nét bút.
Hình như trong đời chưa bao giờ anh có cảm giác đắc thắng như thế. Là một họa sĩ nổi tiếng, anh không nghèo nhưng chắc chắn không thể giàu có bằng ông chồng nàng, người mà tài sản không thể tính bằng con số tỷ. Nhưng anh cảm thấy mình đã vượt qua ông ta khi chứng minh cho nàng thấy anh cũng có một quyền lực khác, quyền lực của tài năng.

“Tại sao Trúc Ty lại vẽ chiếc phao cứu sinh? Tất cả những gì cô đã vẽ trước đây, chỉ có bức tranh ấy là còn khả dĩ”. Diêu gợi lại câu hỏi cũ. Trúc Ty đã học với anh được nửa năm, giờ đây quan hệ thầy trò đã trở nên thân thiết.
Hôm nay nàng mặc áo đầm bằng vải thun mềm, cổ áo khoét hơi rộng, khi nàng quay người hoặc vươn tay thoáng lộ một chút da trắng mịn tương phản với màu áo đen làm người ta không thể không liên tưởng đến sự mịn màng của phần cơ thể còn giấu dưới tấm áo. “Bức tranh ấy đẹp, phải không thầy?”.
Diêu tủm tỉm cười: người đàn bà này thật lạ, người ta chưa khen mà nàng đã tự khen mình rồi. “Không hẳn vậy, nhưng phải nói là tôi rất thích ý tưởng của bức tranh”.
Một nửa lời khen của bậc thầy như Diêu cũng đủ làm Trúc Ty sung sướng bằng một trăm lời tán tụng của kẻ khác. Diêu có thể thấy nàng thở mạnh, đôi má đỏ lên như có một cơn sốt nhẹ đang lan tỏa trong thân thể. Nghe đồn rằng trước khi lấy ông Hân, người đàn bà này đã có một dĩ vãng khá rắc rối. Rằng ông Hân gặp nàng ở một phòng trà, nơi nàng hát với một giọng ca không xuất sắc lắm nhưng bù lại là một nhan sắc hiếm có, vòng eo nhỏ xíu và bờ hông nẩy nở... Rằng ông Hân không phải đời chồng đầu tiên của nàng, rằng từ lúc chiếm được nàng ông ta đã phải giữ bo bo như người ta cất vàng bạc vào két sắt.
Chiếc phao cứu sinh màu đỏ, có phải là lời kêu cứu của nàng? Có phải là ước vọng được thoát ra khỏi thế giới nhàm chán nhỏ hẹp của ấm chén, đồ cổ, bình hoa, những con mèo Xiêm say ngủ, những con chó Bắc Kinh nằm phơi nắng trước cửa sổ? Những ý nghĩ ấy ám ảnh anh, cùng với cái màu da trắng như tuyết trên cổ áo đen của Trúc Ty.
“Phải không thầy?”. Trúc Ty hỏi gì đó, khiến Diêu giật mình. Anh che đậy sự lơ đãng ấy bằng cách nói sang chuyện khác. “Tôi tin rằng cô có tư chất tốt, tôi sẽ giúp cô tham dự cuộc triển lãm khu vực năm này...”.
“Triển lãm khu vực?”. Trúc Ty dè dặt hỏi lại.
“Vâng, khu vực Bắc Miền Trung”. Diêu nói “Tôi bảo đảm với cô”.
“Em nghe nói thầy đang giới thiệu tranh cho một cuộc triển lãm ở Hồng Kông...”.
Diêu  ngẩn người. Người đàn bà này nhiều tham vọng hơn anh tưởng.
Triển lãm tại Hồng Kông? Diêu cười. Anh chưa nghĩ được cách trả lời sao cho nàng khỏi phật lòng, thì Trúc Ty đã ngước mắt lên nhìn anh... Ánh mắt chới với làm Diêu phải đi vòng ra sau lưng Trúc Ty đứng nhìn vào bức tranh nàng đang vẽ, mà cũng là để che giấu sự bối rối của mình. Nhưng Trúc Ty quay lui, nàng đặt bàn tay cầm cọ vào tay anh, nhờ anh chỉnh nét vẽ giúp nàng. Diêu cầm bàn tay nàng, bất giác cây cọ rung lên. Thật rõ ràng, nàng cố ý quyến rũ anh, tín hiệu từ đôi mắt và thân thể nàng rõ rệt như mùi hương gay gắt tỏa ra từ những bông hoa buổi tối.
Diêu nắm chặt tay Trúc Ty, tay kia anh đặt lên vai nàng.
Nhưng rất nhẹ nhàng, nàng né sang bên, rồi làm như không để ý, nàng đứng dậy khẽ xoay giá vẽ về phía cửa sổ, như thể muốn nhìn nét vẽ rõ hơn.
Diêu cũng vờ như không có gì xảy ra, anh tiếp tục nói về kỹ thuật phun sơn để tạo nét ảo trên toile. “Cô ta sợ”. Diêu nghĩ. “Cô ta thích mình, nhưng sợ, né tránh. Sợ mất tài sản, thanh danh, sự an toàn”. Diêu nhún vai, thách thức: Trong anh bỗng lóe lên một tia chớp, anh quyết tâm xô đổ  người đàn bà này, bắt đầu từ chính điểm yếu của cô ta.

Mấy hôm sau Diêu cho Trúc Ty xem những cuốn sưu tập tranh dày cộp mà anh đã nhặt nhạnh được trong những lần đi triển lãm ở nước ngoài. Có một tập in toàn tranh nu cổ điển.
Trúc Ty mở từng trang. Tranh Maya khỏa thân, tranh Venus trên chiếc vỏ sò, tranh Danae với trận mưa vàng trên cao dội xuống thân thể...
Hình chụp một số tượng nu cũng được Diêu cắt dán rất mỹ thuật: Từ tượng Pauline em gái Napoléon... cho đến cả Hillary Clinton nay cũng đã có tượng với đôi vú để trần.
“Đẹp quá” Trúc Ty thốt lên.
“Họ đều là những người đẹp, và vẻ đẹp của họ được giữ lại mãi mãi nhờ nghệ thuật. Nếu không có những tác phẩm nghệ thuật, thì có lẽ họ cũng bị đời sau lãng quên”. Diêu nói, cố tạo vẻ mặt hoàn toàn nghiêm nghị.
“Thầy nghĩ là chính nhờ được vẽ tranh, nặn tượng mà họ trở thành danh tiếng sao?”.
“Tất nhiên. Nhan sắc thì phù du, chính nghệ thuật làm cho nó trở thành vĩnh cửu”.
Trúc Ty nhìn kỹ một lần nữa bức tranh Maya khỏa thân, hai má nàng bất giác đỏ hồng. “Em nghe người ta nói, người yêu của người phụ nữ này là họa sĩ Goya thiên tài. Chính ông ấy đã vẽ cô ta...”.
Diêu gật đầu, vẻ hết sức nghiêm túc. Tốt lắm, nàng đã định hướng được rất nhanh điều anh muốn nói. Diêu biết nhiều phụ nữ trung niên thường ngấm ngầm cảm thấy sợ hãi thời gian, vào tuổi này họ nhận thức được vẻ đẹp cơ thể của mình hơn bao giờ hết, và cũng hiểu rõ chẳng chóng thì chầy cơ thể mình sẽ nhăn nhó, tàn phai.
Trúc Ty gấp tập ảnh lại, nàng không nói gì nữa, thu xếp ra về. Rõ là nàng đang bị quyến rũ bởi ý tưởng trở thành bất tử, đồng thời cũng phân vân, lo sợ...
Diêu kiên quyết bồi thêm:
- Những bức vẽ đặc biệt như thế thường được tác giả giữ kín. Chúng chỉ được công bố vào thời điểm thích hợp, khi tác phẩm được đón nhận với tinh thần thuần túy nghệ thuật.
Giọng Diêu nghiêm túc và lạnh băng, trong lúc toàn thân anh nóng rực như cả lò lửa cháy.

Suốt tháng sau đó anh cứ chập chờn không đêm nào ngủ được, chỉ vì giấc mộng vẽ bức tranh tuyệt tác. Từ lúc cầm cọ đến giờ, anh đã vẽ rất nhiều đàn bà khỏa thân. Khi còn là sinh viên mỹ thuật, anh cùng các bạn vẽ những người đàn bà trần truồng xấu xí, với mức công giá làm mẫu hồi đó chỉ vài ba chục bạc. Rồi khi đã có danh, có tiền, anh có những người mẫu non tơ mơn mởn: những sinh viên túng quẫn, những fan hâm mộ tự nguyện hiến dâng, và cả những người mẫu chuyên nghiệp. Anh đã biết đủ các dạng loại cơ thể phụ nữ... Nhưng chưa bao giờ anh mất ăn mất ngủ như thế này: vì ham muốn, vì hiếu thắng, vì... anh không thể kiểm soát nổi mình nữa, trong đầu anh ong ong một tiếng nói, cứ vang lên, ám ảnh....
Cả đêm thao thức nên về sáng anh thiếp đi, trong mơ anh thấy Trúc Ty đang trút bỏ y trang. Xiêm áo nàng rơi lả tả xuống thân thể anh đang nằm ngửa bất động bên giá vẽ.
Bất thần, tiếng gõ cửa tới tấp giáng xuống, anh giật mình kinh hoảng. Diêu mở mắt, trấn tĩnh: Cửa mở, ông Hân xuất hiện, lù lù ngay trước mặt anh, tay cầm cây ba toong. Diêu tái mặt, anh nhổm dậy, thủ thế. Ông ta vung một cánh tay, chộp lấy vai anh. Diêu toan vận sức xô ra, nhưng chợt thấy một chân ông Hân khuỵu xuống, cánh tay ông ta móc vào vai anh là để nhờ anh giúp ông đứng vững chứ không phải để tấn công như anh tưởng. Tay kia ông ta chống ba toong xuống sàn nhà, loạng choạng:
- Xin lỗi anh nhé, cái chân tôi hôm qua lại bị viêm khớp nặng hơn bao giờ hết. Vậy mà ngày mai vẫn phải đi có việc. Hôm nay mời anh đi ăn sáng, chúng ta nói chuyện chơi.
Diêu nhẹ người. Có chuyện gì mà ông ta phải tìm anh trong lúc lẽ ra phải nằm tĩnh dưỡng? Hay là... liệu Trúc Ty có tiết lộ đề nghị của anh? Không, nhất định là không rồi. Nàng đâu có phải là người ngây ngốc.
Ông Hân chọn một phòng riêng ở nhà hàng, chỉ có hai người với nhau.
“Tôi nghe vợ tôi nói tới triển lãm Hồng Kông. Cô ấy tin là thế nào  cũng được tham dự. Nhưng tôi biết, chuyện ấy khó lắm”.
Ông Hân mỉm cười. Diêu nghĩ tới dáng vẻ một con cáo già từng trải.
“Tôi cũng nghĩ là khó. Bà nhà đôi khi...”.
Diêu cố lựa lời. Nhưng ông Hân đã đón trước:
- Vợ tôi có ảo tưởng về tài năng của mình - Thật ra cô ấy cũng có tài năng, nhưng người ta đã thổi phồng, làm cho cô ấy cuối cùng không nhận ra mình là ai nữa.
- Người ta tán tụng cô ấy, vì cô ấy là vợ ông, thế thôi.
- Tôi biết, biết rõ là đàng khác. Ông Hân nói. Nhưng tôi muốn vậy. Tính tình Trúc Ty không hề dễ chịu chút nào, người ta bảo cô ấy lấy tôi vì tiền nhưng không phải vậy đâu. Cô ấy không chịu nổi ai mà lại chịu theo tôi, là vì tôi biết vuốt ve lòng kiêu hãnh của cô ấy.
Diêu cười mỉm, tự nhủ: “Ông hơi tự tin đấy, ông ạ!”.
“Ai cũng có một chút căn bệnh Narcisse, riêng Trúc Ty thì có rất nhiều. Ông thấy đấy, dù vẽ hàng chục bức tranh phụ nữ, thì cũng là khuôn mặt và thân hình cô ấy thôi. Cô ấy soi gương và tự vẽ”.
“Thì đã sao?” Diêu lại tự nhủ, giấu nụ cười sau hàng ria mép dày. “Sẽ có lúc cô ấy không cần phải tự vẽ nữa ”. Gật gật đầu, anh hỏi:
- Trở lại chuyện triển lãm Hồng Kông... Tôi đang nghĩ cách để trả lời làm sao cho bà nhà khỏi bị sốc...
Ông Hân đập mạnh vai Diêu:
- Chính vì thế mà tôi đến gặp anh. Tôi muốn đề nghị một cách giải quyết. Tôi biết việc được vào danh sách khách mời chính thức là không thể vận động được, nhưng việc tự túc đến Hồng Kông và tham gia trong chương trình off thì tôi có thể lo được... Vấn đề là, nhờ ông giúp cho mọi thủ tục, và xin ông một điều, đừng cho Trúc Ty biết là tôi đã dàn xếp chuyện này...
Diêu mở mắt trân trân nhìn ông Hân. Ông ta có bị lãng trí hay ấm đầu không mà lại bỏ số tiền lớn ra để cho vợ ông cùng đi đến Hồng Kông với một người đàn ông khác, một người đàn ông - Diêu liếc nhìn
bóng mình trong bức vách ốp kính của nhà hàng - trẻ hơn, nổi tiếng hơn, cao lớn và đầy sức sống, với hàng ria mép đen, và những sợi râu quai nón chỉ cần một hôm quên cạo là tua tủa đâm ra những gốc xanh um?
Diêu chống tay, trù trừ cân nhắc. Lẽ nào ông Hân, một người tinh ranh sắc sảo đủ khiến thiên hạ đồn rằng, con ruồi bay qua đực hay cái ông ta cũng biết, lại có thể khù khờ đến thế hay sao? Hay ông ta có ý định gì?
Diêu nán lại để uống thêm một tách cà phê. Nhìn cái dáng khập khiễng của ông Hân đi ra cửa, Diêu nghĩ thầm: “Tội nghiệp cho Trúc Ty, đêm đêm phải hầu hạ ông già ấy. Mẹ kiếp - Cho ông có ý định hay âm mưu gì thì cũng mặc. Cờ đến tay thì phải cầm lấy thôi.” Tại sao không, nàng cần một cái phao cứu sinh, chính anh sẽ là cái phao cứu sinh ấy.

Ba hôm sau, Diêu đã có trong tay giấy mời bổ sung của ban Tổ chức triển lãm mời Trúc Ty tham dự chương trình off. Anh muốn đợi một vài hôm cho niềm hân hoan dịu bớt, nhưng rồi không nhịn được, anh quay điện thoại báo ngay cho Trúc Ty biết.
Ở đầu dây bên kia, một khoảng lặng yên - Hình như Trúc Ty mừng đến không nói nổi. Rồi giọng nàng, đứt quãng như hơi thở:
- Em cảm ơn thầy...
Diêu nao cả lòng vì nghe thoáng trong điện thoại có tiếng thút thít nho nhỏ cố nén lại. Anh hình dung  niềm vui của nàng đang bung vỡ phía bên kia.
“Trúc Ty, tôi không muốn một lời cảm ơn suông... Tôi còn làm được cho cô nhiều hơn cái giấy mời này. Tôi muốn cô trở thành bất tử trong nghệ thuật.”
Diêu nghĩ, nàng thừa thông minh để hiểu anh đang nhắc đến ý định vẽ tranh khỏa thân.
Giọng Trúc Ty yếu ớt:
- Tối nay thầy có nhà không, em muốn đến gặp thầy.
Xe đậu trước nhà Diêu, tắt hết đèn. Hôm nay ông Hân đã ở , Trúc Ty tự mình cầm lái. Khác với thường ngày, Trúc Ty chỉ mặc bà ba giản dị bằng lụa cắt khít người, đầu trùm chiếc khăn quàng lớn, đổ bóng che gần hết khuôn mặt.
Trong phòng khách, Diêu đã đặt sẵn trên bàn chai rượu nho hảo hạng với hai cái ly thủy tinh Tiệp Khắc trong suốt.
Trúc Ty khẽ xua tay, ra hiệu không uống. Nàng nói ngay, như muốn tranh thủ từng phút của khoảng thời gian ngắn ngủi:
- Em phải đến gặp thầy ngay tối nay... Em biết thầy đã lo lắng nhiều để em có được một cơ hội. Nhưng bây giờ, với em, tấm giấy mời này không còn cần thiết nữa !
- ...?
- Em muốn thú thật với thầy một điều mà có lẽ chính chồng em cũng không biết : chẳng qua là em chỉ mượn việc sáng tác vẽ vời để  tự đánh bóng mình một chút cho ông ấy hãnh diện về vợ mà thôi!
- ...?
- Bởi vì bên cạnh ông ấy, em tự thấy mình chẳng có giá trị gì ngoài nhan sắc. Mà nhan sắc thì sắp đến lúc phai tàn. Thầy nhìn đây, thầy sẽ hiểu...
Trúc Ty kéo chiếc khăn quàng nãy giờ vẫn che bớt ánh sáng, để lộ ra khuôn mặt để mộc. Khác với mọi ngày, hôm nay nàng không phấn son, không vòng chuỗi, quần áo đơn giản, để lộ ra khuôn mặt một người đàn bà đã đứng tuổi, với những nếp nhăn nhỏ li ti quanh mắt và làn da không còn vẻ mượt mà.
Tại sao nàng lại đến gặp Diêu với bộ mặt trần? Có phải nàng hối hận vì đã khêu lên trong người đàn ông ngọn lửa khủng khiếp của lòng ham muốn, bây giờ nàng quyết định phơi bày vẻ tàn héo của mình để dập tắt ngọn lửa? Điều này hoàn toàn trái ngược với bản tính Narcisse của nàng - Nếu như quả thực bản tính nàng là thế. “Thầy ạ, thú thực em biết thầy là người có thể nâng cao giá trị của em lên, nên đã muốn dẫn dụ thầy một chút.... Em đã làm khổ thầy, chỉ mong giờ đây còn kịp xin lỗi thầy khi mọi chuyện chưa đến nỗi nào......”.
Diêu nghe như có ai dội nước lạnh vào lửa. Khỉ thật, đàn bà chỉ muốn sống với một người đàn ông, nhưng lại vẫn muốn thật nhiều đàn ông chết vì họ.
- Khi thầy báo tin em được mời đi Hồng Kông cũng là khi em nhận được tin bệnh khớp của chồng em trở nặng, ngày mai em phải đi Singapore sớm. Nếu bệnh tình không khá lên được thì từ nay em cũng xếp hội họa qua một bên để dành thời gian chăm sóc ông... Có lẽ, từ giờ phút này, em không còn phải đánh bóng mình làm gì nữa...
Diêu cười gằn:
- Hay thật đấy. Từ giờ này cô sẽ vào vai người vợ thủy chung... Nhưng cô thủy chung với cái gì, ông ấy, hay là mớ tài sản của ông ấy?
Trúc Ty đã dợm bước đi, chợt dừng lại. Câu nói thô bạo quất vào nàng như ngọn roi. Nàng nói, chậm rãi, dịu dàng:
- Mười bảy năm nay sống với em, suốt ngày ông ấy lăn lộn ngoài thương trường, bao nhiêu lo nghĩ hằn lên mặt, vậy mà về nhà thấy vợ là lập tức tươi cười, sợ vợ thấy mặt mình mà lo lắng. Ông mà nghĩ em cần gì thì dù hy sinh mấy ông cũng tìm  kiếm  cho  em  bằng được. Khi nhỏ em không có tình thương của cha, lớn lên đi hát ở vũ trường, lấy chồng rủi ro gặp người chồng vũ phu cờ bạc. Ông đã vớt em lên từ cảnh khốn cùng, rồi đem tới cho em đủ thứ, em sống hết kiếp này, sống thêm vài kiếp nữa cũng không thể gặp ai thương em như ông. Ông chính là chiếc phao cứu sinh của em...
Diêu há hốc miệng. Hồi lâu anh mới lắp bắp - Anh quá độ sân si đến mất trí khôn:
- Nhưng một người đàn bà như cô làm sao có thể hạnh phúc với... với ...một người đàn ông mà, mà giờ đây đã....
Không biết anh đã nói thế nào đó mà Trúc Ty hiểu ý, nàng nhìn anh mỉm cười:
- Thầy ạ, với em sex là món quà lớn của tình yêu, nó không thể lớn hơn chính tình yêu.
Nói rồi nàng xuống thềm. Diêu bụm mặt, ho sặc lên một tiếng, khi đưa hai bàn tay ra anh nhìn thấy những vệt máu cam nóng đỏ.
24 /12/07
         T.T.M

(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)
Ngày bình yên (08/09/2008)
Vàng ơi! (04/09/2008)
Điểm Bốn (03/09/2008)
Chim Gõ Kiến (03/09/2008)
Dì Ty (29/08/2008)