Truyện ngắn
Về làng
14:53 | 11/09/2008
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con                                                     (Tục ngữ)

Hàng năm cứ vào tháng chín âm lịch, bà con ở xa thường về làng chạp mả. Nhiều khi ở cả tháng trời cũng chưa chạp xong mộ bên nội bên ngoại. Làng có tám họ tộc, mấy chục đời gả qua lấy lại gần như bà con cả. Nhớ cho ra bà con thế nào, nội ngoại ra sao, ai anh ai chị, ai chú ai bác, ai o ai dì là một chuyện không dễ. Có những trường hợp tôi vừa là ông vừa là cháu của một người nào đó, nếu theo giai bậc của cách gọi bên này và ngược lại bên kia. Phải nhớ để khỏi bị trách là điều thiệt khó đối với những người ở xa về. Từ ngày xa quê tôi thường ghi chép để khỏi bị các chú bác cô dì trách: Ơn say chưa(1)
Nghĩa địa gọi là rú, là những đồi cát thấp có nhiều cây dại. Hồi còn nhỏ, rú là nơi bí ẩn linh thiêng đối với chúng tôi. Năm lên mười, lần đầu được vác cuốc đi chạp mả ngoại, được các cậu chỉ bày đâu là mộ ngài nhất thế tổ, đường kính cả hàng chục mét, đâu là ngài khai khẩn, khai canh. Khi cuốc phải một cái om đất nào các cậu bảo đó là của người Hời để lại. Người Hời đối với chúng tôi như là người âm phủ. Chuyện về ma Hời một lần nghe ai kể là đêm ngủ đứa nào cũng tranh nhau nằm giữa. Lòng vòng một chặp chẳng nhớ ngôi nào là thế nào, chỉ trông mau nghe tiếng phèng la giục để kéo về nhà thờ họ ăn xôi thịt. Trời cuối thu, mưa lay phay lành lạnh mà ăn xôi thịt là nhất. Một mâm gồm xôi một bên, thịt một bên, gọi là tả xôi hữu thịt. Có ít chuối chát, khế và nhất là nước mắm mụ Cung nữa thì phải biết.
Lần này nhân khánh thành đình làng mới xây hàng tỷ đồng, phần lớn của những đại gia xa xứ đóng góp, bà con trong về nhiều, tôi cũng thế. Lâu rồi mới được một lần sum họp bà con vui thế này. Đúng mùa chạp mả nên trên rú đông như ngày hội. Mồ mả không còn phải chạp như xưa. Không ai cần mang cuốc, chỉ thắp nhang. Nghĩa địa được xây như một “thành phố âm phủ”. Họ ni phái tê ganh đua xây dựng. Những lăng mộ “hoành tráng” thi nhau mọc lên. Đứa ở Mỹ phải hơn đứa ở Pháp. Con nông dân mới phất phải hơn con địa chủ ngày xưa. Thế là… ông bà được một phen… hãnh diện, “nở mặt nở mày”. Thằng Thỉ hướng dẫn tôi đi thắp nhang mộ chú Gàn, chú Rìu và các ngôi mộ của những người ngày xưa cùng đội sản xuất.
Nổi bật lên trong đám phụ nữ là một bà quý phái, tay che dù, có vài “tiểu đồng” đi theo. Tôi hỏi thằng Thỉ “Ai đó”, hắn cười, “Con mụ Nị chớ ai, nghe nói nó ở trong Sài gòn, giàu lắm”, “Nhớ rồi, con Nhan phải không”, “Chớ ai nữa. Hôm ni khánh thành lăng mụ Nị”.

Tên tuổi có khi cũng vận vào đời người, không số phận thì cũng hình dạng bên ngoài. Ví dụ làng tôi có chú tên Rìu thì cả đời làm thợ cội. Chú đẽo cột tròn nổi tiếng cả một vùng. Những cột mít cong qua tay chú cũng trở thành thẳng. Hay chú Gàn thì… gàn không chịu nổi. Nghe nói thời Ngô Đình Diệm, thôn trưởng, xã trưởng nghiêm lắm. Thế mà có lần chú dám cãi với cả cấp quận. Số là làng tôi có con hói mới đào để chống úng, nước lụt lên cá nhiều lắm. Lúc nước rút chú Gàn đem dạ ra đơm làm cản dòng nước chảy. Quan huyện đòi phạt, chú trả lời tỉnh bơ: “Nước chảy thì con đơm, con không đơm nước cũng chảy”. Mạ tôi kể có ông Chậm một đời chưa đi mòn đôi guốc Mức, nơi xa nhất ông đã từng đi là chợ Kẻ Diên cách làng bảy cây số. Đi đâu ông cũng chân đất, kể cả đi ăn kỵ, ông treo đôi guốc trước móc dù, đến trước cổng nhà người ta rồi mới mang vào. Nghe nói khi chết đôi guốc của ông vẫn còn mới.
Nhan cũng thế, “Hồng nhan đa truân ”.
Ngày đầu về làng “tham gia sản xuất”, tôi đứng gần bên Nhan để thi cuốc đất thải giữa các thanh niên của các đội sản xuất trong làng. “Đấu trường” là ruộng “Quá Giang”, một dãy ruộng có bờ thửa rộng và dài. Đích đến là lá cờ, sau lưng là loa phát thanh hát bài “Tiến về Sài Gòn”. Chúng tôi dàn hàng ngang. “Một hai ba… cuốc”. Anh chi hội trưởng phất cờ, thế là cúi đầu cuốc. Tôi cuốc đúng kỹ thuật nên cùng bề ngang năm lát cuốc, càng lúc tôi lại càng bị lùi về phía sau. Nhan kêu lên “Chú cứ cuốc một lát, thả một lát, nhanh lên”, tôi làm theo trong hăng say phải thắng. Cuối cùng đội chúng tôi về nhất. Báo hại mùa trái đó, đám ruộng chúng tôi lập “thành tích” khỏi gặt, vì chẳng có chẹn lúa nào. Cờ thi đua của thanh niên đội tôi vẫn “khí thế” treo lên trên “văn phòng” thanh niên phân chi hội.
Văn phòng phân chi hội là nhà của mạ con Nhan, cô làm phân chi hội trưởng. Chồng chị Nị (Ba của Nhan) là hạ sĩ quan tiếp liệu (chế độ cũ), những năm sau bảy lăm còn ít vải vóc, áo quần. Nhan lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng, áo lụa hoa, quần Mỹ Á, Xa Tanh. Ba Nhan chết lúc xuống tàu ở cửa Thuận An, do mang nhiều tiền nên bị cướp giết chết.
Mạ Nhan hay bệnh, những chiếc áo hoa, quần Mỹ Á, Xa Tanh của Nhan cũng phải bán đến cái cuối cùng, mỗi cái được tính bằng lúa, cái cao nhất là cái quần Xa Tanh được ba thùng lúa, ngày bán cái quần Xa Tanh, gánh lúa về, Nhan vừa chạy vừa khóc.
Nhan hòa đồng với những cô gái quê mười tám đôi mươi thiếu ăn rách rưới. Mới mấy năm mà trông xác xơ đi, nhưng vẫn đẹp. Suốt ngày ngoài ruộng đồng. Mỗi lần xắn quần bước xuống ruộng làm cỏ, đôi chân thon hồng làm chạnh lòng bao chàng trai, cũng làm khó chịu những bà sồn sồn trong đội.
Một chiều trời mưa lớn, Nhan đứng ngoài ngõ nói với vào: “Chú Bình ơi, khoai sau rú ngập hết rồi, mai sớm chú cháu mình đi lặn, được củ mô hay củ nấy chớ nhà cháu hết gạo rồi”. Tôi hơn Nhan bốn tuổi, không biết bà con thế nào mà gọi tôi bằng chú. Thấy tôi thân thiện với Nhan ba tôi nghiêm giọng: “Coi chừng ba không làm sui gia với con Nị mô nghe”.
Cơn lụt cuối tháng ba gọi là tiểu mãn, khoai đất cát mới hai tháng bị ngập trong nước. Cả làng già trẻ lớn nhỏ lặn nước moi khoai. Nước ngang ngực, ngang cổ. Mỗi lần lặn xuống kéo lên một vài dây khoai có dính vài ba củ bé tẹo như trứng gà so. Mấy ngày mưa hôm nay lại có nắng. Tôi và Nhan lội cả cây số mới tới nơi những vồng khoai hai chú cháu trồng hôm đầu tháng hai.
Tháng hai, mùa giáp hạt.
Nhan qua nhà tôi thật sớm, để gánh phân chuồng có cột cái cuốc răng trước sân. Cả nhà đang ăn cơm độn khoai, mạ tôi xới cho Nhan một chén, rưới lên chút nước ruốc. Nhan ăn ngon lành, tự nhiên, xong gom hết chén bát đi rửa. Nhan nói “Hôm qua đội chia rồi, chú cháu mình được chia lô trồng khoai sau đôộng Mai Đường, chú chưa lấy phân phải không, để cháu lấy cho”, đoạn ra chuồng lấy đầy hai thúng phân, một ngàn ngọn để lên trên. Mạ tôi đưa Nhan gói khoai khô nấu, bảo để chú cháu ăn bữa lợ.
Nhan gánh phân chạy trước, đòn gánh nhịp nhàng, chơi vơi dáng người thon thả. Nhan chạy chân trần, gót chân nứt nẻ, áo bộ đội ngắn ngang thắt lưng, lộ mông tròn lắc qua lắc lại.
Nghe kể khi làm cỏ lúa mấy đứa con trai cố tình làm chậm lại để lén nhìn mông Nhan chổng lên, căng láng trong chiếc quần Mỹ Á. Thằng Thỉ hôm đó mang quần xà lỏn vải mỏng làm cỏ lúa sau lưng Nhan, khi hết lối đụng bờ không đứng lên được, nó giả đò đau bụng ngồi bệt xuống bùn. Chú Gàn biết tỏng nó đang thế nào, kêu lên: “Bà con ơi, tới bắt cá tràu…”
. Thằng Thỉ đứng dậy bụm “cá tràu” chạy về, không làm cỏ được nữa. Cả đội cười bò lăn trên bờ ruộng, các cô gái chưa chồng đỏ mặt thẹn thò. Chú gàn lại hò: “bởi em thương ruộng thương đồng, mặt úp xuống lúa chổng mông lên trời”. Ngày đầu tôi thấy hình ảnh này, vừa tội nghiệp vừa thương xót các cô. Tham gia một ngày làm cỏ, tối về chân tay muốn rớt.
Buổi sáng bà con vừa gánh phân vừa khoe với nhau là trồng được mấy ngàn ngọn rồi. Đất cát vùng trũng còn nhiều, chưa vô hợp tác nên mạnh ai nấy trồng. Khoai là lương thực chính, lại còn “sản xuất cá thể” nên bà con dồn hết tâm sức vào chuyện chăm bón. Muốn trồng nhiều khoai phải nuôi heo để có phân, có nhà dùng cả phân người. Đất cát trắng tinh (sau này tôi đi nhiều nơi chưa thấy cát ở đâu trắng như thế; bạn tôi ở Bắc Mỹ có lần viết thư bảo tuyết ở đây trắng như cát quê mình), dùng cuốc răng cào lên một mái, rải phân chuồng dọc theo luống, cào mái còn lại để lấp phân, rồi trồng ngọn lên. Ngọn khoai gục xuống mấy ngày, nhờ ăn gió ăn sương đến ngày thứ ba thì ngóc đầu dậy… Một tháng sau khoai bỏ vòi gọi là “xây bàng thang”, thường rất ít cỏ, chỉ cào lại một lần cho tơi đất rồi chờ ngày thu hoạch. Khoai đất cát củ nhỏ, vỏ mỏng, ăn rất bùi.
Khu vực tôi và Nhan cào khoai là một miếng đất trũng, bốn phía cao lên những nổng cát. Đứng cào khoai chỉ thấy trời xanh và cát trắng. Trời càng trưa càng nóng. Nhan cởi cái áo bộ đội khoác ngoài, bên trong là chíếc áo cánh bằng lụa màu hồng cài nút bóp. Chiếc quần vải chéo màu đen bạc phếch, có vá một miếng sau mông. Hồi trước ngực Nhan lớn, giờ thấy nhỏ lại, có lẽ tại không mặc áo ngực. Đồ lót phụ nữ khan hiếm, trong cửa hàng hợp tác không có, ngoài thị trường thì quá đắt đỏ.
Mỗi lần có vải phân phối về là vui lắm, hy vọng ngời lên trong mắt bà con, nhất là các cô các chị. Áo quần vải vóc được chia thành từng phần, rồi bốc thăm như xổ số. Trước khi bốc thăm thường có cán bộ ban ngành nào đó phổ biến “chủ trương đường lối”. Hôm đó chị Mịn hội trưởng phụ nữ thôn nói về kế hoạch hóa gia đình, sau khi “kính thưa”, chị bắt đầu “đi vào vấn đề”. (Chị có thói quen nói dai, bà con thì nóng ruột trông mau hết để bắt thăm). Chị thường “triển khai” bằng câu “Một là…”, rồi hai là, ba là… rồi trở lại “một là… hai là…”. Lần này bà con tưởng xong chờ đợi, chị lại tiếp “Bốn là…”. Bà con ồ lên, chú Gàn đưa tay có ý kiến, chị Mịn trịnh trọng: “Mời chú Gàn”. Chú đứng dậy nói cộc lốc: “Bốn là bá l…”. Cả đội cười nghiêng ngả. Chị Mịn mặt gằm gằm.
Oái oăm là các cô ít khi được trúng quần vải chéo đen, có khi lại bắt trúng quần xà lỏn. Có lần cái Bê con mụ Nậy không trúng được quần đen khóc tức tưởi. Thằng Thỉ lại trúng luôn hai cái. Tối hai đứa về cùng đường, thằng Thỉ đề nghị: “Cho tau rờ một cái tau đổi quần đen cho”. Con Bê “Xí” một cái, sau đó nghĩ lại, tiếc, bước lên chận thằng Thỉ lại, nói “Đó, mần chi đó thì mần”, thằng Thỉ không làm chi cả. Rứa là con Bê giật cái quần chéo đen trên tay thằng Thỉ. Thằng nhỏ mất tiêu cái quần trị giá hai thùng lúa.
Mồ hôi làm áo dính vào lưng của Nhan, thấy rõ cả đường ao. Mạ tôi hay bảo những đứa “thắt đáy lưng ong” như con Nhan hiếm lắm, thế nào cũng làm mệnh phụ. Tôi ngừng cào ngắm xem cái lưng ong nó làm sao. Nhan không để ý, hỏi:
– Chú có ý định hỏi vợ mô chưa?
– Ai ưng mà hỏi.
– Cháu có người sắp đi hỏi rồi đó.
– Ai rứa?
– Ông Thệ.
– Ông Thệ lùn bên làng Q. phải không?
– Dạ. Cháu không ưng mà mạ cháu cứ ép hoài, cháu khổ lắm. Mạ cháu nói ông Thệ hiền, lại làm phó chủ nhiệm hợp tác, khỏi lo đói.
Tôi biết lão Thệ. Hắn mập, lùn tịt, da trắng bệch, đội chiếc mũ cối, mang cái đài mở oang oang, hay đạp xe qua làng tôi. Hình như hắn có bà con nội ngoại với ai đó ở xóm Tả. Vợ hắn chết, có hai đứa con gái đã học cấp hai.
Đến lúc này mới hiểu lòng mình, tôi dừng cào loạng quạng ngồi xuống trên vồng khoai. Nhan chống cuốc, khom người nhìn tôi, mồ hôi lấm tấm trên má trên cằm, đôi mắt mở to dưới vành nón lá, ái ngại: “Chú mệt à, nghỉ một chút nói chuyện rồi cào tiếp, chắc trưa cũng được vài ngàn ngọn”.
Nhan thân thiện ngồi xuống bên. Tôi nhìn sâu vào mắt Nhan, ngập ngừng: “Tôi thương Nhan”. “Chú thương hại cháu”. “Chú thề”...Lưỡng lự một chút, Nhan ôm chầm lấy tôi khóc hu hu. Nhan khóc cho thỏa, rồi thút thít: “Ông (ba tôi) không cho mô, ông chê nhà cháu không xứng.”
…Nhan nằm lên đùi tôi, hàng nút bóp trật ra lồ lộ ngực trần trắng ngần, loang loáng cát. Tôi hôn lên đó. Tôi hôn lên những nổng cát hoang hoải quê nhà.
Nước ngập ngang ngực, trong đến độ thấy những lá khoai xanh tái rung rinh. Hai chú cháu bắt đầu thấy lạnh. Môi Nhan tái đi. Nhan bưng cái rá còn tôi lặn. Lặn một hơi kéo lên được vài ba dây có dính những củ khoai màu trắng ngà, nhỏ như trứng chim trứng gà. Nhan lảy cho vào cái rá, đầy rá thì bưng lên nổng cát đổ vào bao. Đến gần trưa được hai bao 50 ký. Tôi lặn một hơi dài, khi trồi lên thấy Nhan té xuống, nước ngập đầu, tóc lòa xòa lao chao trong sóng nước. Tôi hốt hoảng bế Nhan lên khô. Nhan ọc ra một búng nước, mặt tái mét, môi run run: “Cháu đói, sáng ni chưa ăn chi hết, nhà cháu hết khoai rồi...”. Tôi chao mấy củ khoai bảo “Cháu nhai đi cho đỡ đói”. Nhan nhai khoai ngon lành. Tôi bảo cháu cởi áo ra đi, mặc áo khoác khô vào cho đỡ lạnh. Nhan ngoan ngoãn quay lưng cởi cái áo cánh, dưới nắng trưa, tấm lưng gầy màu trắng xanh như dài ra tội nghiệp. Đường ao cạn đi trơ những đốt xương sống. Lưng ong, mệnh phụ gì ở cái xứ này!
Để hai bao khoai lại, cõng Nhan về, tôi cũng đói rồi, chân run từng bước.
Mùa màng năm đó thất bát, cánh đồng đến mùa gặt bạc phếch, “chuột chạy không bén lông”, lo lắng lộ rõ trên khuôn mặt những người lớn tuổi. Người ta bàn tán, kể lại chuyện đói năm Thân Dậu. Mạ tôi xay lúa, hò ư ử: “Ạ… ơ… ờ, được mùa chớ phụ môn khoai, hà ơ..i …đến năm rồi… Thân Dậu, …À ơi… biết lấy ai… bạn cùng”.. Tiếng hò nghẹn lại trong tiếng lào xào của cối xay. Trong làng chẳng ai còn môn còn khoai để làm bạn. Năm này năm Thân, sang năm là năm Dậu. Chú Gàn đôi mắt lim dim ngâm nga “Thân Dậu niên lai kiến thái bình. Thái bình chết đói thấy mà kinh...”. Chú Rìu thất nghiệp dọn quán hớt tóc, từ sáng đến chiều không có khách nào, chú nhắp kéo nghĩ lại cái thời cầm rìu ngang dọc, được ăn ba bữa còn chè cháo hai bữa lỡ, rứa mà… chừ đói thắt ruột gan.
Tháng mười. Qua bốn trận lụt làng xóm xơ rơ, không còn tiếng chó sủa, heo kêu, gà gáy. Những cây đu đủ, cây chuối gục xuống vàng khè. Trong làng chỉ còn cây tre là sống nổi. Bùn đóng váng lên cây cỏ màu phù sa tái nhách.
Một trưa tôi đang lơ mơ ngủ nghe Nhan gọi: “Chú Bình ơi, đi chia thịt trâu”. “Trâu mô rứa”, “Con trâu Ve chết rồi. Nghe nói mỗi nhà được hai ký, còn mấy nộp cho hợp tác xã”. Con trâu Ve cày hay nhất đội bốn chân chỏng lên trời, bà con vây xung quanh, mặt ai cũng ngời lên sung sướng. Chia thịt trâu về xong Nhan lại kêu: “Chú Bình ơi đi chia bo bo”. Bà con nháo nhác bên chiếc xe vận tải chở đầy bo bo. Chú Kha bí thư chi bộ trịnh trọng “Kính thưa bà con, Đảng ta luôn quan tâm tới bà con, anh em các nước xã hội chủ nghĩa không quên chúng ta, Liên Xô vừa viện trợ cho chúng ta hằng triệu tấn bo bo, đây là loại lương thực rất bổ dưỡng…”. Bà con vỗ tay quá chừng.
Đêm đó có rất nhiều sáng chế từ món thịt trâu già dai nhách nấu với bo bo. Sáng mai có hàng chục người được gánh ra trạm xá vì bội thực.
Tháng chạp trời rét cắt da, mặt ai cũng vàng đi vì đói. Riêng mạ con Nhan thì không, Nhan phổng phao lên thấy rõ. Chị Nị đã đi lại được, bắt đầu đỏ da thắm thịt. Lão Thệ buổi tối thường ghé nhà Nhan, chở sau xe đạp khi thì túm gạo, khi thì cân thịt. Có lần tôi qua nhà Nhan mượn mấy lon gạo về cho mạ nấu cơm tối, Nhan đang phơi áo, tấm lưng ong nuột nà trong chiếc áo lụa mỏng, phơn phởn đường cong. Khi cúi đong gạo, tôi liếc thấy hai bầu vú Nhan căng hồng, lớn hơn hồi tháng hai nhiều. Nhan đong thêm một lon, gói riêng trong tờ báo cũ, bảo “khuya chú nấu riêng một lon gạo không độn khoai sắn mà ăn, lâu rồi chú chưa được ăn một bữa cơm không độn, gạo ni ngọt lắm”. Về, tôi nói với mạ ý con Nhan, mạ nhìn tôi ứa nước mắt.
Có lần đi họp chi hội sớm tôi hỏi Nhan: “Cháu tính sao”, Nhan thản nhiên: “Ăn no rồi tính, chú có tính chi được cho cháu mô”. Nghe Nhan nói tôi the thắt trong lòng, đúng rồi, tôi có tính gì được đâu. Tôi không trách Nhan, cũng không trách tôi. Khi đói con người ta chỉ còn nghĩ đến chén cơm.
Đám cưới Nhan và Lão Thệ sẽ được chi hội thanh niên tổ chức vào ngày chủ nhật hạ tuần tháng chạp. Chiều thứ bảy phân chi hội lo làm rạp, cắt khẩu hiệu, cờ xí. Hôn trường loè loẹt nhiều màu. Chiều xong việc đám thanh niên ai về nhà nấy. Đến gần tôi, Nhan nói nhỏ, “Tối ni khoảng mười một giờ chú ra ngoài ngõ cháu có chuyện ni nói với chú, nhớ nghe”. Tôi hỏi “Chuyện chi rứa”, Nhan nghiêm mặt “bí mật”.
Nhà tôi còn vài thùng lúa, mạ tôi mỗi bữa nấu một lon sữa bò, còn bao nhiêu là độn sắn lát. Những hạt cơm dính trên những lát sắn thưa như lúa giống lúc vãi mạ. Mỗi người chỉ được hơn chén. Thức khuya cơn đói cồn cào. Mười giờ đêm cả xóm chìm đi trong bóng tối mùa đông. Tôi đi tha thẩn trước sân, trùm cái mền dạ mà cứ run cầm cập. Lạnh từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Chưa bao giờ tôi đói như thế này. Cơn đói hồi chiều còn hy vọng vào bữa ăn tối, cái đói trong đêm không còn hy vọng được ăn, quay quắt làm sao. Nhà Nhan leo lét tí ánh sáng. Tôi cứ nhắm hướng nhà Nhan mà bước. Nhìn qua khe cửa sổ thấy Nhan đang xếp quần áo, mắt liếc chừng về phòng chị Nị. Tôi gọi khẽ “Nhan”, cô giật mình nhẹ rồi cúi sát vào cửa sổ thì thào “Đã dặn mười một giờ mà”, “Nhưng chú đói quá, có chi ăn không”. Nhan đưa cho tôi bịch bánh quy (có lẽ để ngày mai dọn đám cưới), thì thào: “Chú đi ra đầu cầu, cháu ra liền”. Tôi cầm bịch bánh quy đi nhanh ra phía cầu, vừa đi vừa ngoạm một miếng cả chục cái, chờ Nhan. Trăng hạ tuần lên muộn trong mây, lờ mờ chút ánh sáng. Nhan trùm áo mưa từ đầu đến chân, hình như có ôm theo cái bao cát đựng áo quần trong đó, nghiêng sát vào người tôi nói nhỏ:
– Chú về lấy xe đạp đưa cháu ra ga, một giờ tàu chạy.
– Nhan đi mô?
– Đi trốn.
– Rứa còn đám cưới ngày mai?!
– Mặc kệ, một là đi hai là chết!
– Nhan suy nghĩ lại đi…
– Không suy nghĩ chi hết. Hôm qua ông Thệ hun cháu, cái miệng hôi đến muốn mửa. Cháu thà chết chớ không lấy ông Thệ mô. Chú có chở cháu đi không thì nói, cháu đi bộ.
Nhan khóc nấc lên, quày quả bỏ đi. Tôi hẫng đi một chút rồi chạy về nhà lấy xe đạp đuổi theo. Đèo Nhan đoạn đường tám cây số không một bóng người. Nhan ôm vào eo tôi thủ thỉ: “Cháu vô trong nớ kiếm được việc làm, biên thư ra chú có vô không”. Tôi không trả lời, mải miết đạp.
Tàu còn hơn tiếng nữa mới đến ga. Khách đợi chỉ non chục người. Chúng tôi lủi nhanh vào góc tối để tránh người quen, hai đứa ngồi lên chiếc ghế đá cuối hành lang. Nhan cởi áo mưa xếp lại cho vào bao, xong nói rành rọt:
– Số cháu nó rứa, tình chú cháu mình cũng ngang đây. Cháu chỉ nhờ chú săn sóc mạ cháu lúc ốm đau. Hằng tháng cháu sẽ gửi tiền về cho mệ (mạ tôi) để đưa dần cho mạ cháu. Tính bà nớ rộng rãi, không mấy cho đủ. Đây là hai chục ngàn ông Thệ cho, chú giữ giùm cho mạ cháu, nhớ là đừng đưa một lần. Tốt nhất là nhờ mệ cho mạ cháu ăn cơm và làm chi đó bên nhà chú cũng được. Ý chú răng?
– Đáng ra chú cũng trốn đi theo cháu nhưng chú chưa có quyền công dân, chưa có chứng minh nhân dân. Thôi số phận chú cháu mình như rứa thì cùng chịu. Chúc cháu đi chân cứng đá mềm. Biết đâu ông trời thương lại gặp nhau trong nớ.
Tàu chuẩn bị vào ga, hai đứa đứng lên. Nhan ôm chặt tôi hôn lên má, tôi cúi đầu nhận nụ hôn chia biệt, nhìn theo chiếc Lưng - ong - mệnh - phụ đi khuất, nước ứa mắt ra.
Tháng Giêng lại đến. Tôi lại cùng dân làng gánh phân đi trồng khoai sau rú. Chị Nị vừa trồng khoai vừa hò, giọng hò như những mũi kim đâm vào lòng tôi: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, con đi mua ngọn nghe ai chưa về”.

Tôi đùa với thằng Thỉ: “Mi nhớ chuyện cá tràu không”. Hắn đấm vai tôi, cả hai cười nắc nẻ.
Nhan đứng khấn trước mộ mẹ, tay cầm bó nhang run run. Tấm lưng ong thiếu phụ có đẫy đà hơn xưa, vẫn khêu gợi trong chiếc áo dài đen quý phái. Khấn vái xong quay lại, Nhan và tôi nhìn nhau lặng đi một chặp. Nhan đưa hai tay ra trước như muốn ôm chầm tôi, kêu lên:
– Chú Bình phải không, ơn say chưa... Bữa ni ở mô răng không nghe ai nói chi về chú hết.
– Ở vùng kinh tế mới tuốt trên Ban Mê Thuột, rừng rú mần chi có địa chỉ.
– Vợ con chi chưa, răng khi mô đời chú cũng...
– Cũng đói... run tay run chân.
Nhan cười nhẹ, đôi mắt u hoài xa xôi nhìn về phía độộng Mai Đường, quay lại nói với người nhà:
- Thôi chừ ri nì, mấy o cứ về dọn cho bà con ăn trước, tui và chú Bình phải đi thăm lại đôộng Mai Đường cái đã.
Không hỏi ý kiến tôi, Nhan nói tỉnh bơ: “Chừ chú Bình phải đi với cháu ra đô ộng Mai Đường thăm lại…”. Tôi thắp nhang vái mộ chị Nị, xong cùng Nhan bước đi.
Nổng cát bao quanh chỗ chúng tôi trồng khoai ngẫy dương liễu lên cao, vi cu trong gió nhẹ. Trời mùa thu, từ trên cao nhìn xuống nước trong vắt, những ngày mưa vừa qua làm nước dâng lên cao. Nắng trưa vừa đủ ấm, mặt nước khuất gió, không xao động.
Hai đứa ngồi xuống trên lá mục, dưới bóng mát dương liễu. Nhan kể:
- Lên tàu vào thẳng Sài Gòn, may mắn cháu xin được phụ bán cà phê cho một chị gốc quê mình, chị Lan. Chị Lan bảo là nghe ba mẹ kể lại thế chứ chưa thấy quê lần nào. Chị Lan học cao lắm, có bằng cử nhân văn chương Sài Gòn trước giải phóng. Gia đình chị ngày xưa giàu có, năm bảy chín bị cải tạo công thương nghiệp, chỉ còn quán cà phê sống qua ngày. Quán gần một cơ quan cấp bộ, là nhà cũ của gia đình chị. Chị Lan nhận cháu làm em tinh thần.
Cán bộ cao cấp ông nào cũng trịnh trọng bên ngoài, nhưng ông nào cũng mê gái. Mỗi lần uống cà phê cháu tính tiền là họ “bo” nhiều lắm. Cháu sắm áo quần, son phấn rồi “lên đời”. Chị lan nói “phải biết đánh bóng mình”. Quán nhờ cháu mà khách đông lên. Chị Lan ngày càng tin tưởng, giao hẳn cho cháu quản lý.
Có ông thứ trưởng tên Lê chết vợ, tuổi cỡ ông Thệ, mê cháu, rảnh là ra quán ngồi suốt ngày. Một hôm chị Lan nói có thích làm vợ ông ấy không. Cháu suy nghĩ mấy bữa rồi đồng ý. Chị Lan bảo cháu ra điều kiện phải có nhà mặt tiền để cháu mở quán cà phê. Ông ấy chịu. Nhà hồi đó còn dễ, với chức vụ của ông Lê chỉ trong tháng là xin được ngay. Ngày cháu và chị Lan đi coi, đứng trước căn nhà sang trọng cháu cứ run lên. Chị Lan bảo “nhà của thiên hạ chớ nhà chi của tay Lê mà em sợ”. Rồi chị làm cố vấn cho cháu ra điều kiện trước ngày cưới phải sang tên và có hộ khẩu thường trú. Người lớn họ có kinh nghiệm. Rứa là cháu được làm chủ một căn nhà mặt tiền ở quận ba. Đám cưới chỉ có chị Lan là người thân và một số bạn bè chị ấy.
Ở với ông Lê được năm năm. Một sáng chị Lan điện thoại bảo chuẩn bị đi đánh ghen, lão Lê đang có vợ bé bên quận tám. Chị thuê một chiếc xe mười hai chỗ ngồi, qua quận tư kêu thêm mấy bà đầu gấu nữa. Chị bảo em cầm cái máy chụp hình, lên phim sẵn sàng để bấm, chị bố trí hết rồi. Theo sắp xếp của chị Lan, cháu chụp được hầu hết những cảnh tượng gian phu dâm phụ... Rồi chị thuê luật sư, ra tòa và cháu thắng kiện. Sau đó ông Lê bị đi tù vì một vụ án tham ô khác. Rứa là cháu có căn nhà trị giá cả mấy trăm cây vàng, chị Lan bảo “của thiên trả địa”. Nói rứa chớ tháng mô cháu cũng bới xách cho ông Lê trong tù, một ngày cũng đạo ngãi vợ chồng.
Chị Lan lại bảo bán căn nhà đi để làm ăn. Những năm mở cửa, chị em mua đất mô trúng nấy. Hiện giờ hai chị em có công ty địa ốc, chị bảo “chà đi xát lại chị vẫn là tư sản”. Cháu không nghĩ rứa, cháu là nông dân. Có nhiều tiền cũng vui, nhưng nghĩ đến những ngày đói rét cơ cực cháu khóc hoài. Có điều kiện là cháu gửi tiền về làng giúp đỡ bà con. Nghĩ đến ông Thệ cũng tội, những ngày ông đau ốm cháu gửi tiền lo hết. Năm ngoái ông chết cháu có về lo đám đình, xây lăng cho ông. Giờ thì cháu không thèm lấy chồng nữa, chỉ cần có một đứa con. Cháu năm ni ba tám tuổi, còn sinh được.
Nhan nói giọng Sài Gòn, thỉnh thoảng cố tình pha giọng quê.

Chúng tôi ôn lại chuyện xưa, khi cười khi khóc. Đến đoạn bị xỉu vì đói, Nhan khóc hu hu như con nít, rồi đột nhiên cười ha hả, nói như hét lên theo tiếng cười: “Chú Bình ơi, tắm đi: “Có đồ tắm mô”. “Có chi tắm nấy”. Không chờ tôi phản ứng, Nhan nắm tay tôi kéo ùm xuống nước. Nhan lặn một hơi sâu rồi trồi lên cười khanh khách, “cứu với, đói quá sắp xỉu rồi nì”. Lại lặn nữa, áo dài và tóc của Nhan chập chờn trong nước. Lại trồi lên cầm tay tôi nói như ra lệnh, “Cởi áo cho cháu”. Tôi như cái máy; lại “Cởi quần cho cháu, nhanh lên” tôi hụp xuống nước, tuột luôn quần Nhan. Áo quần của Nhan cái sẩm cái sáng nổi bập bềnh như hồi xưa người ta thả vàng mã cho người chết trôi. Nhan cười ha hả, “Coi cháu bơi nì”. Nhan bơi vòng quanh hồ nước, kêu lên “Chú Bình ơi, đói sắp xỉu rồi nì, cứu cháu, cởi áo quần ra mới cứu được, nhanh lên không thôi cháu chết thiệt đây”. Nhan lặn một hơi dài. Tôi luống cuống cởi áo quần bơi đến gần. Nhan ôm chặt lấy tôi thở hổn hển: “Khi mô chú cũng ngơ ngơ như vịt đực”.
Nước ngang bụng, xao động lúc nhanh lúc chậm, rồi lao xao cuộn sóng, rồi lặp lại nhanh, chậm, rồi ầm ào… Nhan rên lên, tiếng thở phì phào ngắt quãng: “Chú ơi... no... rồi, hết... xỉu... rồi”...
Chúng tôi vơ vội áo quần, trần truồng lên bờ, vắt khô rồi phơi lên nhành dương liễu. Hai đứa nằm tren lá mục như hai đứa trẻ vừa được bú no. Nhan nằm nghiêng, chống tay lên cằm nhìn xuống hồ nước mơ màng. Tấm lưng ong cong một đường trong ráng chiều quê rực rỡ.
                       Sài Gòn Đêm 14.11.2007
                                    N.Đ.M

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 




-----------
(1) Ơn say: Đáng lẽ phải nhớ mà không nhớ, một lối trách yêu. Ví dụ: Gặp một người thân nào đó mà mình không nhớ, người đó sẽ trách là “ơn say chưa ”.

Các bài mới
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Bahnar (09/09/2008)
Ngày bình yên (08/09/2008)
Vàng ơi! (04/09/2008)
Điểm Bốn (03/09/2008)
Chim Gõ Kiến (03/09/2008)