Truyện ngắn
Tiên về trên đỉnh Hòn Kong
11:16 | 30/05/2011
QUỐC THÀNH - Xin người hoàn lại xiêm y cho ta - một thiếu nữ ngâm mình trong làn nước thơm khẩn khoản. - Mộng ba năm, bây giờ mới có, ta chỉ muốn nàng hứa một lời là được - chàng trai trẻ quay lưng về phía mặt hồ vòi vĩnh.
Tiên về trên đỉnh Hòn Kong
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

- Trăm lời ta vẫn hứa, huống chi là một, người ta bảo ta hứa điều gì cứ nói.

- Ta chỉ ước mỗi năm từ Nguyên tiêu đến Trung thu, nàng cho ta gặp mặt ở đây là đủ.

- Ô! Dễ ợt, ta xin hứa. Vậy người trả lại xiêm y đã, rồi ta cùng trò chuyện.

- Thôi được, đây này - chàng thanh niên ném tung áo xống ra phía sau lưng - hãy đón lấy.

Từ trong gương nước một tuyệt tác của hóa công vút lên với lấy xiêm y, choàng qua quít quanh người và bay là là như dải tường vân sang bên kia bờ nước. Hồi lâu không thấy động tĩnh, chàng xoay người, mặt hồ phẳng lặng tráng ánh men vàng lung linh huyền ảo. Gõ nhẹ lên đầu tự trách “đừng nghe những gì con gái hứa.” Bỗng sau lưng có tiếng cười khúc khích. Bốn mắt giao nhau, cùng nhận ra là người trong mộng. Sau phút chao lòng, họ ngồi đối diện trên chạc rễ nổi vồng của gốc Kơnia với giò phong lan đỏng đảnh rập rờn hương sắc.

- Có điều lạ lẫm, cứ mỗi độ trăng rằm ta thường thấy bóng quần tiên chừng như rứt ra từ chùm sao Bắc đẩu và thả mình xuống núi Hòn Kong - chàng thanh niên lại ngập ngừng - có phải nàng ở trong thất tiên nữ ấy không?

- Vâng. Em là Út Hoàng Lan, đồ nữ của Diêu Trì thánh mẫu -
nàng đưa sóng mắt lung liêng qua chàng ướm hỏi - còn chàng là ai mà... mà... mà em thấy dáng quen quen, trông người là lạ - Út Lan rụt rè đổi giọng xưng hô.

- Ta là... là - chàng trai bật dậy nhìn láo liên sau trước và tiếp - là... là Văn Đức, con thứ của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc.

- Ơ... ơ! -
nàng nhíu mày suy nghĩ - ở thiên đình thuở nọ, em có nghe râm ran tên phụ vương của chàng - Hoàng Lan như lỡ lời, nhìn quanh quất và đưa năm ngón tay nõn nà lên che miệng.

Làn hương mỏng manh đâu đó trộn vào không gian lừng lừng phả lại. Chợt sáu dải mây bàng bạc lượn lờ trên mặt nước lộng lẫy sắc vàng.

- Các chị trở lại tìm em. Xin từ giã chàng. Và đúng hẹn - Hoàng Lan tinh nghịch đặt vào má chàng một nụ hôn ngọt lịm. Nàng cất mình bay lên. Văn Đức sững sờ, vội níu áo nàng giữ lại. Không được. Trên tay còn vương vít hương phấn tiên nga.

*

Trên gác xép nhà sàn, bên bếp rưng rức lửa, một già, một trẻ ngồi cạnh nhau đã lâu không vẳng nửa lời. Râu tóc cụ già râm rấp bạc, chừng như sự thế vơi đầy đã hằn lên ánh mắt màu nâu nẩu còn thơm chiều sơn cước. Bất giác vặn mình những đốt sống cọ mài răng rắc. Chàng trai thấy bóng cụ già chập chờn trên vách nứa, lòng lại bồi hồi thương cảm:

- Thưa Quốc Công.

- Suỵt. Còn Quốc với Công gì nữa -
ông già đưa ngón tay trỏ đặt thẳng đứng lên miệng - ta đang mai danh ẩn tích, may nhờ dân bản chở che. Tuy nhiên, tai vách mạch rừng, cháu gọi ta là thúc phụ. Đủ rồi. Cháu còn nhớ chuyện quan quân nhà Nguyễn phạm đến... gốc Trầm hương ngày ấy.

Hai người lại nhăm nhắm thả hồn vào cõi xa xưa: Sau buổi nhà Tây Sơn thất quốc, Văn Đức giả dạng thường dân lách mình qua hết trạm gác này, đồn lũy nọ lên vùng ứng nghĩa năm nào, tận mắt nhìn thấy Nguyễn Ánh trả thù... Cây Trầm hương trên đỉnh Hòn Kong - nơi bà con dân tộc trong vùng thường đi về hội họp, cúng tế... chúng cho tốp này tốp nọ đến đốn, nhưng rìu rựa tra vào đều bật ra tay toát hổ khẩu máu chảy đầm đìa, da cây liền lại như cũ. Rồi chúng lập bàn hương án cáo với thành hoàng, thổ địa hẹn ngày sau dốc toàn lực lớp đào, lớp chặt. Chiều hôm ấy, hai chú cháu đang ôn luyện những thế võ gia truyền chờ ngày phục quốc. Bỗng nhiên không gian sầm sập tối, sấm sét giận dữ điên cuồng, gió mưa ầm ào xối xả, cây ngã đá lăn... kéo dài từ giờ Mùi đến giờ Hợi. Trời đất như gồng mình bứng gốc cây Trầm hương nghìn tuổi nhô lên, nhô lên và vật vã bay, đáp xuống khúc sông Ba chừng như không đáy để lại trên đỉnh Hòn Kong một giếng nước lênh loang thăm thẳm. Có những đêm trăng thanh gió mát, quần tiên hạ cánh lớp tắm lớp ca, lớp cờ lớp vũ. Hương thơm và nhã nhạc váng vất một vùng.

Lần theo giấc mộng, Văn Đức giả dạng thầy lang xin tá túc nhà ông Cả Lễ ở thôn An Dân. Thoắt đến thoắt về, cùng vài người bạn thường len lỏi lên núi Hòn Kong săn bắn. Rằm vừa qua, Văn Đức lẻn bạn đi một mình và đối mặt với Út Hoàng Lan. Mọi việc Đức kể lại cho lão trượng cùng nghe. Và rằng:

- Nàng bảo: “Thuở nọ, em có nghe râm ran tên phụ vương chàng. Điều ấy làm cháu ăn không ngon ngủ không yên. Vậy chú nghĩ sao?

- Thiên cơ bất khả lộ, mà tiên cô đã hé ra, chắc có ẩn ý gì đây. Cháu dùng tình cảm khai thác, may ra sẽ rõ ngọn ngành.


Rằm tháng tư, đúng hẹn lại lên, quần tiên bay về giếng cũ. Út Hoàng Lan không còn bụng dạ nô đùa trên làn nước thơm thanh âm ấm của đất trời. Nàng chăm chăm đến nơi hẹn hò. Chừng như thời gian quay giáp vòng con trăng dài vô kể. Sự bứt rứt đợi chờ dường như đã hun sôi cặp tim vàng xa ngàn trùng vẫn chung nhịp đập. Thoáng gặp, đôi trai tài gái sắc dám đánh đổi cả không gian, thời gian cho cuộc trùng phùng. Họ ôm chầm thổn thức. Nhớ thương dồn nén, sức lực lại cương tràn, từng hồi rung lên bạo liệt. Làm xao động ánh trăng thơm và làn nước ngọt giữa buổi giao hoan kiệt cùng sung mãn.

- Anh linh vương phụ đang trôi dạt phương nào - mặt úp lên khuôn ngực nổi vồng thanh tân mơn mởn của nàng tiên. Văn Đức râm rấm khóc nghe ra ai oán não nề.

- Thuở ấy, vương phụ chàng thọ án giữa thiên đình - Hoàng Lan nói qua hơi thở ập òa hưng phấn.

- Tội gì mà nặng đến thế?

- Tây Sơn vương bị hồn oan của một người Tàu đến trước Ngọc Hoàng vật vã kêu thưa: Nguyễn Nhạc gian manh đánh tráo hài cốt của cha mình và táng vào long huyệt, còn xương của ông, Nhạc chỉ lấp hờ... Hồn ông vương vất không nơi nương tựa.

Văn Đức lăn đùng xuống mặt đá lấn bấn sương đêm. Cánh tay trần đặt lên vầng trán, chao nghiêng vào cõi chập chùng. Tâm thần Đức loay hoay trầm uất, hình dung lại và ráp nối những việc từ thuở còn ở quê nhà: Có thầy địa lý người Tàu đến trọ, được cha mình tiếp đãi như thượng khách. Ông đi về chuẩn mực. Vắng mặt thời gian dài, ông lại sang và kè kè tay nải. Nghe đâu, sớm nọ lên núi Ngang bị cọp tàu cau vồ hụt, ông chạy có cờ, đến trưa quay về chỗ cũ, tay nải và chiếc hộp sơn son còn nằm lăn lóc. Ông mừng quýnh vội táng hài cốt phụ thân vào long huyệt. Rồi về Tàu, đợi ngày phát tích. Chờ mãi trên mười năm không thấy linh nghiệm, ông trở lại An Nam giữa lúc Hai Trầu đã là vua Thái Đức. Ông biết tỏng Nguyễn Nhạc phổng tay trên, giả cọp rượt mình và tráo hài cốt cha hắn vào tráp gỗ. Ông giận căm gan, nhưng vẫn vào Hoàng Đế thành yết kiến, chúc mừng và dâng kế sách “Vạn niên hưng quốc”. Rồi về. Vua Thái Đức cho khai thông dòng Kôn giang thành nhánh sông Quai Vạc ở phía Đông phủ lỵ An Nhơn. Đào vừa đến đáy chạm mạch nước màu hồng trào lên xối xả và hòa vào dòng sông, chảy lênh loáng không dứt. Các thầy địa lý cho là đào đứt long mạch tiền nhân...

Một mùi rất ngọt ngào đời con gái, phút chốc trở mình thành vị rất đặc trưng đàn bà như mơn man, ấp áy cạy mũi cạy mi chàng thanh niên vừa hưởng thụ chao hồn mở mắt. Hoàng Lan vút bay lên, gửi lại dư âm còn day dứt sau chùm sáng nhạt: Rằm tháng sau.

*

Lão trượng trong chuyến đi dài ngày đã gặp năm sáu bạn đồng liêu cũ. Mỗi người cát cứ một khoảng trời riêng vừa bầu bạn với chim muông cây cỏ, vừa truyền lưu tri thức võ công cho lớp hậu sinh. Tuy nhiên, khi gợi đến tinh thần phục quốc thì họ đều lểnh đểnh: “Nhân dân khổ ải nhiều rồi. Nhà Tây Sơn hay nhà Gia Miêu cũng là giống Việt. Chỉ tiếc chúa công ta là bậc anh minh anh kiệt sao bỏ con trưởng Quang Thùy đã thành nhân mà lập con thứ Quang Toản còn bé bỏng để bọn quyền gian lộng hành thao túng... Lão trượng một mình uể oải bước lên cầu thang lắc lư ọp ẹp. Buông mình xuống ván nhà sàn thô ráp, đảo mắt nhìn quanh trống huơ trống hoác. Gió lạnh thông thốc ùa vào, lão trượng cuộn người như cuốn chiếu. Toàn thân hâm hấp nóng, kéo theo từng cơn ho khùng khục và lả mình vào trong giấc ngủ chập chờn mê sảng: Bất ngờ vua Quang Trung băng hà giữa tuổi bốn mươi tràn trề sinh lực. Quang Toản lên ngôi. Bùi Đắc Tuyên cậy mình là cậu ruột gian manh nhiếp chính, giết hại công thần, đày ải người trụ cột. Giữa lúc giặc Nguyễn Ánh giương nanh múa vuốt lấn chiếm đất đai, giành dân trong tay Nguyễn Nhạc. Ta đưa quân từ biên giới về Kinh bắt Bùi Đắc Tuyên bỏ bao dìm nước, trừ khử bọn gian tà, vực triều đình đứng dậy trong thế nước chông chênh. Ta và Thái phó Trần Quang Diệu quyết tâm lấy lại thành Bình Định vì đây là đất phát tích, làm cho hai tướng giặc Võ Tánh, Ngô Tùng Châu kẻ thắp mình trên giàn hỏa, người mượn chén thuốc độc quyên sinh. Song trời đất không chiều nhà Tây Sơn nữa. Kinh thành Phú Xuân thất thủ, quân tướng như chim lạc đàn khó bề hội lại... Đến bây giờ, ta cũng không sao hiểu nổi, giặc giải tù từ Thanh Hóa về Huế và biết ta là hùm sa lưới, đứa đòi cắt nhượn, đứa lại cản ngăn. Tuy nhiên, xiềng xích thì vô cùng man rợ. Ta mệt nhoài mê mê, tỉnh tỉnh. Chừng như có tiếng người day dưa đâu đó. Ta bừng mắt, ngoài song xe tù mảnh trăng oằn rũ mang hình con dao quắm đang thập thò trên đèo cao chớn chở. Ta vặn mình choãi chân, xích xiềng lịch kịch bung ra, tướng sĩ giải tù ngủ gà ngủ gật, ta lệt bệt rướn người xô song bẻ khóa lê người ra ngoài. Lẫn lộn với cỏ cây muông thú, ba bốn tháng ăn sương, nằm đất về lại quê cũ Tây Sơn. Tàn quân nghe, lục tục kéo về trên sơn trung Hòn Dõng. Cờ đang nước bí, xe pháo không còn. Ta lại men sông Côn lên miền Thượng đạo này... Tiếng ho lụ khụ, hơi thở phều phào vàng võ kéo bước chân ai đó chạy lên cầu thang run rẩy.

Văn Đức lại về, mang theo vài món thuốc rễ cây, ít đồ lót dạ và những chuyện hoang đường “nửa tin rằng thật, nửa ngơ rằng không”. Vả lai, tiên cô ở cõi vô cùng sao rõ ngọn ngành như người trong cuộc. Nếu quả thế thì lưới trời lồng lộng, đã thưa, đã mỏng mà không lọt không nhầm. Nguyễn Nhạc chẳng những mang tội với trời đất mà đánh cắp long mạch của một người Tàu. Mặt khác, lại rút ngắn thành quả có một không hai của Hoàng đế Quang Trung làm di hại đến tiền đồ dân tộc. Lão trượng đổi thế nằm sau cơn ho lục khục.

- Còn chúa công Nguyễn Huệ khí tướng đại bàng, thần sắc như sao khuê, sao đẩu chợt bệnh chợt băng hà nghĩa là sao?

- Rằm sau cháu sẽ lần ra nguyên cớ.


*

Nằm trên tảng đá đêm nào, còn bảng lảng mùi hương người yêu cũ. Văn Đức lật dòng tâm khảm thương nhớ chơi vơi. Nàng bảo là duyên tiền định. Với nữa, từ kiếp người sang tiên và từ tiên nàng muốn quay lại kiếp người. Ở nước Trời, tuy an lạc theo hướng vô cùng vô lượng, bình bình như gió mùa thu mà nghe trống trải nhàm chán lạ thường, mất đi niềm đam mê hứng thú, tìm đâu ra hào khí hào tâm. Nàng muốn bứt phá từ lâu, nhưng chưa có cơ may gặp người trong mộng. Hôm tương ngộ, lòng những mở cờ, song các chị ngăn rào, lấp ngõ. Đã quyết thì liều. Ôi! Phút giây đắm đuối ân tình. Hoàng Lan có ân hận gì không mà giờ này nàng chưa đúng hẹn. Chợt làn môi bong bỏng áp lên làn môi đợi chờ. Những gọng kềm xương thịt được dịp bung ra cuốn lấy con mồi rục lên núi lửa. Trong hơi thở thơm thơm gấp gáp. Hoàng Lan nũng nịu:

- Em không về trời nữa đâu, em mãi mãi ở bên anh.

- Bỏ tiên theo tục em điên rồi ư?

- Em đã quyết tất có cơ duyên -
Hoàng Lan úp năm ngón búp măng lên môi. Văn Đức và tiếp - Thiên đình hay chuyện chúng mình, ý muốn cho em đầu thai vào một dịp khác thích hợp. Bề nào cũng dấn thân lên miền trần thế, mà kiếp người tận hưởng tận say với người mình yêu đích thực, còn hơn lại thai nhi, lại chập chững, lại muôn phần trắc trở và...và làm sao gặp anh trong kiếp luân hồi ấy...

Văn Đức uống no nê lời nói ngọt ngào nhiều tình ít lý của một nàng tiên vừa nhón chân vào cõi tục, lòng lâng lâng xới lên một chút tự hào và niềm yêu thương vô bờ bến.

*

Trên sân cỏ ấp áy gió chiều được mái nhà rông cao vời che bóng, lão trượng đang hướng dẫn tốp trai gái người Bahnar tập quyền tập kiếm, các thế võ đến hồi thuần thục nên họ say sưa theo từng động tác như gió chuyển mây vờn. Chợt đôi nam nữ sánh vai nhau bước vào sân cỏ trước sự ngạc nhiên của mọi người.

- Ồ! Cái Văn Đức và cái chị...cái chị - ai đó reo lên và ngập ngừng không biết xưng hô là gì nữa.

- Kính chào thúc phụ và quý bạn đồng môn - Văn Đức rập theo thế chào hiệp khách giang hồ.

- Cháu vô cùng sung sướng được ra mắt thúc phụ - Hoàng Lan khép nép thưa với lão trượng và quay sang - thân ái cùng quý bạn anh em.

- Tiên cô đấy à -
lão trượng nheo mắt như để giấu cơn xúc động - chú rất tự hào có thằng cháu được kết duyên cùng tiên cô.

- Cháu cởi lốt rồi, chỉ xin được làm người vợ hiền, làm cháu dâu hiếu thảo và bạn tốt với dân làng là đủ. Tên cháu là Út Hoàng Lan.

- Lũ trai gái chúc mừng cái tên của mày, cái người của mày tốt quá. Yàng thương mày như dân làng thương mày, giúp mày lên nương lên rẫy.

Bản làng phút chốc cùng hay, họ đổ dồn về nhà rông mỗi lúc một đông. Ché rượu bày ra. Vòng xoang lại mở. Tiếng cồng chiêng ầm õa làm cho núi rừng hun hút cùng thức cùng chao.

Bên góc nhà sàn mới tinh, được dân làng chung tay dựng vội cho đôi trẻ gọi là chút quà tân hôn. Mùi bắp nướng phả ắp ngôi nhà sàn, cánh mũi Hoàng Lan thòm thèm khép mở như hứng lấy mùi thơm dân dã, bây giờ nàng mới được tận hưởng tận say, bụng lại sôi lên ầm ào réo đói.

- Cháu Út này, chú nghe Văn Đức thuật lại tình tiết vụ án của vua Thái Đức, chú mong gặp cháu để xác định thực hư.

Tiếng nói hàm ân, da dẻ hồng hào rắn chắc, ánh mắt dẫu mệt mỏi vẫn toát lên nhãn khí kiêu hùng, với thân hình còn lực lưỡng, làm cho Hoàng Lan tự thấy mình bé bỏng, rụt rè:

- Thưa thúc phụ. Dẫu tin đồn vẫn làm xôn xao thiên đình một thuở. Ngọc Hoàng xét công bù tội, nên cho Nguyễn Nhạc và người Tàu ấy cùng đầu thai vào con nhà tử tế. Cháu nghe sao nói vậy. Còn hư thực thế nào cháu không rõ.

- Còn Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xuất thân áo vải kiệt xuất anh hùng cớ sao vắn số -
lời nói lão trượng ôn tồn mà ẩn chứa muôn vàn nuối tiếc.

- Quang Trung mất, khí hờn và hơi lệ xông lên mịt góc nhà trời - Hoàng Lan chuyển thế ngồi, lễ phép - Ngọc Hoàng đích thân giãi bày: Long mạch đứt, vượng khí nhà Tây Sơn không còn. Tuổi Huệ đến đó là vừa, công cán đến đó là đủ. Vả lại, thiên đình thiếu ngôi Nguyên soái trấn giữ Đông Nam. Không ai bằng Huệ. Hoàng Lan nói tiếp, chợt cơn buồn ngủ ập vào. Tay cầm hờ trái bắp và lịm trong giấc mơ nồng.

*

Trong chuyến đi săn bắn đầu tiên, Út Lan thích nghi ngay vào cuộc sống. Như thể chính nàng và dân bản đã tận cùng của kiếp xa xăm. Nàng đi cạnh chồng mà miên man nghĩ về chồng. Nàng yêu Văn Đức không vì chàng điển trai cao thượng, hào hoa lịch lãm mà vì chàng chung thủy ân cần, sẻ chia chiều chuộng. Nàng vừa hài lòng cho nếp sống, vừa thỏa mãn cho sự nhảy vọt của mình. Còn thúc phụ là mẫu người mực thước trung can, chừng như chưa cam chịu sự an bài của trời đất, ông luôn mơ tưởng cho cuộc đổi đời. Trên đường về lỉnh kỉnh “chiến lợi phẩm” của núi rừng ban phát. Dưới nắng chiều xiên khoai, cùng ngồi trên tảng đá giữa dòng sông Ba mùa kiệt nước. Văn Đức vô tình ném viên sỏi xuống làn xanh, mặt nước chau mày, lão trượng nhíu mày theo, như có sự khổ tâm còn xé giằng đeo đẳng.

- Thưa thúc phụ, con háo hức muốn nghe chút quá khứ về người - Hoàng Lan vội dừng, sợ khơi dậy đốm lửa trong đống tro tàn đớn đau mà lão trượng cố chôn sâu vào ký ức.

Văn Đức vụt đứng lên dõi mắt sang bốn phía - xin phép - đáp thay:

- Thúc phụ, nguyên là Quốc công Đại đô đốc Võ Văn Dũng, trụ cột của nhà Tây Sơn.

Út Lan nghe, ngơ ngác đưa tay gõ nhẹ lên vầng trán thanh thanh như cố moi trong sâu thẳm một điều gì. Hồi lâu nàng thầm thì:

- Đúng rồi. Đúng rồi. Quả là Ngọc Hoàng có mắt nhìn người xuyên suốt không gian và thời gian.

- Việc gì thế ? -
chú cháu Văn Đức nôn nao.

- Thuở ấy, Ngọc Hoàng sai Lý Thái Bạch xuống trần truyền cho thần hoàng thổ địa địa phương tìm cách giải cứu ba vị tướng vừa tài ba rường cột trung hậu của nhà Tây Sơn, vừa có công lao hoằng pháp đối với thiên đình - Hoàng Lan lấy hơi thưa tiếp - Họ đã bẻ khóa mở xiềng và bắt quân tướng giải tù ngủ sớm.

- Quả thế thì đúng thật - Võ Văn Dũng xoay người về phía Hoàng Lan gật gật - Bấy nay ta nghi ngờ và mang ơn ai đó ra tay giải thoát. Còn hai người nữa là ai?

- Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đô đốc Bùi Thị Xuân.

- Hai kiệt xuất anh hùng của vua Quang Trung còn sống, thì cơ nghiệp nhà Tây Sơn nhất định phục hồi -
Võ Văn Dũng vụt đứng lên quả quyết - Ta đi tìm họ ngay.

- Thưa thúc phụ, hai vị đó chỉ kịp trườn ra khỏi xe, không đi được nữa vì quân thù đã chặt nhượn. Đành bị…
Hoàng Lan lại riu ríu ngủ.

*

Hang Tối Trời âm u và hoang lạnh. Một dáng người nằm vắt chân chữ ngũ trên sàn nứa đặt chéo về phía ánh sáng le lói rọi vào. Dưới lòng hang nước - cá róc rách nô đùa. Hai bên tường đá nối tiếp nhau nơi lồi nơi lõm, hoặc trổ ra nhiều ngóc ngách hô hê húc hiểm tạo thành nham kỳ thạch nhũ thiên hình vạn trạng. Như cột đá chống trời, lão trượng kiên trung của nhà Tây Sơn sống ngoài cương tỏa trên các chóp núi miền Thượng đạo vui cùng cây cỏ. Không thèm ăn thóc nhà Nguyễn Gia Miêu. Quốc công Võ Văn Dũng, tuy mắt nhắm nghiền mà ngõ hồn níu gió bay vào cõi mộng du: Quan quân Nguyễn Ánh lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm. Vợ chồng Văn Đức - Hoàng Lan như đôi chim liền cánh tìm đất lành mà đậu trong chín mươi chín ngọn núi, chầu về nhà Tây Sơn thuở dựng cờ khởi nghĩa. Hoàng Lan còn chút nhắn nhe: Thế kỷ sau, hậu duệ họ Hồ, họ Nguyễn từ tay trắng gầy dựng cơ đồ mà đức vua Quang Trung chưa kịp hoàn thành sứ mệnh.

Q.T
(267/5-11)








Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Khối trầm (10/05/2011)
Thanh Trà (25/04/2011)
Chiếc bóng (15/03/2011)
Tiếng lục lạc (11/03/2011)