Truyện ngắn
Gặp bạn cũ
09:34 | 13/06/2011
LÊ VĂN… Rồi cũng xong … Anh lơ xe nhảy lên cuối cùng, la lớn:- Tới đi chú Tám ơi!
Gặp bạn cũ
Minh họa: Bửu Chỉ
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chiếc Renault mui xệp ì ạch bắt đầu leo lên một con dốc. Hơi nóng trong xe lại làm tôi thấy ngột ngạt. Kiều mở xắc tay, lấy mù xoa, soi gương châm lại những giọt mồ hôi hai bên cổ, má. Nó còn tô lại môi, màu đỏ cam rực hơn cả bó hoa cúc Đà Lạt trong cái giỏ mây của tôi. Dù cái nóng đang làm tôi thấy khó chịu, tôi vẫn ngửi ra được mùi nước hoa nồng từ con người Kiều toát ra.

- Mày đi buôn bán đường dài mà cũng “chơi” thơm thế này hả?

- Ối dào! Món này “kép” tặng tao thì tao dùng. Anne d’Arcy đấy mầy!

- Mầy bao nhiêu kép?

- Lu bù!

Tôi nhìn Kiều. Tám năm trôi qua thật nhanh. Tám năm mới gặp lại nhau! Tóc Kiều cắt ngắn, uốn úp vô nom đằng sau thật trẻ so với tuổi của nó. Con này biết khai thác vốn liếng trời cho! Xem thái độ vừa rồi của nó, tôi biết tám năm đã nhào nặn nó như thế nào.

Buổi sáng tôi ra bến xe thị xã khá sớm, tuy nhiên cuối cùng cũng phải bấm bụng mua một cái vé chợ đen gấp hai giá công nhân viên, lý do tôi muốn đi chuyến sớm nhất, tôi rất ngại ngồi chờ. Xe gần chuyển bánh thì một chiếc cyclo xịch đỗ sau đít xe, một người đàn bà và một núi hành lý, bao bị, giỏ xách: Người lơ xe có lẽ đã quen thiếu phụ và bà ta bỏ mặc cho anh lơ đem hàng lên xe, nhìn lom lom vào xe ra ý tìm ai… Tôi và thiếu phụ nhìn nhau.

- Trời đất! Mầy hả Thanh!

Tôi cười:

- Tao tưởng mầy quên tao rồi đó!

Con Kiều! Đã có lần tôi ở trọ với nó gần một năm ở đường B.V. thời hai đứa học Luật ở thành phố.

Tám năm trước tôi còn có dịp đi ăn cưới nó. Sau đó tôi không có dịp gặp, thế mà hôm nay nó là một con buôn.

- Con quỉ! Kiều đến ngồi bên tôi. Nè, mầy chịu khó kéo chân lên tao nhờ chút. Nó ngoắt anh lơ xe, lấy một bao hàng đẩy vào dưới chỗ ngồi của tôi - Mầy giữ dùm tao bao hàng, tao chạy đây một tí nghe. Rồi sẽ nói chuyện sau!

Những món hàng tháo của nó ở cyclo đều được đưa lên trần xe. Khi trở lại với tôi, tay nó đang cầm một điếu thuốc đang cháy.

- Hút cho thơm miệng! Nó nói với tôi tuy nhiên không mời tôi - Mầy vẫn đi dạy?

- Ờ!

- Chuyện gia đình ra thế nào? Mấy nhóc rồi?

- Thì vẫn vầy vậy - một nhóc ba tuổi!

 Kiều nhìn tôi, mắt nó vẽ chì đậm, phấn đánh nặng tay và lông mày nhỏ rí:

- Không ai như mầy đó Thanh! Thời đại “bi giờ” mà chịu cái nghề bán cháo phổi. Từ lâu tao tưởng mầy đã thoát ra được cái nghề đó rồi? Ai ngờ! Đói là cái chắc.

- Tao đâu có đói!

- Ừ thì không đói nhưng đời sống mầy còn lâu mới dư dả được!

- Điều đó đúng!

Nó trầm ngâm hít mấy hơi thuốc và đến khi xe chạy, trong câu chuyện trao đổi tôi được biết nó đang chạy hàng xách từ thành phố ra thị xã P.

- Tao hai con xong là “cai”! cai “dứt khoát”! Mầy nghĩ mà coi Thanh! Lương ông xã không đủ ổng cà phê thuốc lá. Tao gởi cu Tý cho ngoại, giữ con Mymy buổi tối, ban ngày tao gởi nhà trẻ. Bao nhiêu là chuyện phải tiêu pha. Tao mà đi dạy như mầy chỉ có mà “đọi”! Nhờ trời tao buôn bán cũng có tay. Hiện nay cũng dành dụm được một hai “chỉ”, cũng có mày có mặt với bạn bè.

Trong bàn tay mặt con Kiều, nó đeo một chiếc cà rá nạm ngọc, tôi phỏng đoán khá đắt tiền. Tay trái một chiếc đồng hồ loại mới, dây da đỏ kiểu đàn ông. Áo mút mỏng kiểu Disco và cái quần jean trông thật gợi. Nó vốn có bộ giò dài, đầy. Nó có da có thịt và trẻ hơn cái tuổi ba nhăm của nó nhiều.

- Ông xã mầy không có ý kiến gì về các “kép” của mầy? Tôi vui vẻ hỏi nó.

- Sức mấy! Mà ăn nhằm gì mấy thứ “lẻ tẻ” đó mầy!

Câu chuyện suốt buổi xe chạy, nổ như ngô rang. Nó nhảy đủ thứ chuyện. Chuyện ông xã nó có bồ ở xí nghiệp, chuyện mấy đứa bạn nó con này xuất ngoại qua Mỹ qua Úc, con kia bỏ chồng. Nó trách tôi:

- Phải chi mầy đừng “kỳ cục”; nghe tao từ dạo đó phải bây giờ mầy cũng có chút vốn liếng? Mầy “điên” quá!

- Đó là mầy nghĩ thế!

- Chớ sao!

Nó đưa tay vuốt ve bàn tay rám nắng của tôi:

- Buổi sáng đi dạy, buổi chiều nấu cháo heo, rồi vớt rong vớt bèo với lại củi lửa… tao thua mầy luôn đó Thanh! Tao há! Chiều về là “ổng” phải nấu cơm, tao mua đồ ăn bán sẵn ở chợ, ăn xong là “ngáo”. Sáng năm giờ tao ra khỏi nhà.

Chiếc xe ngừng ở một trạm kiểm soát, nó tạm ngừng câu chuyện. Nhân viên kiểm soát lên xe và hỏi về bao hàng ở dưới chỗ tôi ngồi. Kiều đi theo bao hàng ra khỏi xe, nó có vẻ lo lắng… Tôi nhìn qua cửa xe thấy nó đang đứng nói nho nhỏ với một thanh niên, cái miệng cười của nó thật xinh. Sau đó nó đi vào trạm kiểm soát. Chiếc xe chờ khá lâu, có tiếng một bà già cằn nhằn:

- Buôn với bán! Chỉ làm khổ những người khác vì chờ! Nực quá trời!

Có tiếng đâu đó của một chị đàn bà:

- Ối dào! Giới giang hồ mà!

Tôi như thấy có một vài đôi mắt nào đó nhìn tôi. Anh tài xế im lặng mở cửa xe nhảy xuống đi vào quán nước; một vài hành khách thở dài bước xuống xe, tấp vào tán cây bên vệ đường.

Tôi khoanh tay trước ngực, nhắm mắt.


***
Khoảng đồng ruộng kéo dài hai bên con lộ, gió quật phần phật tấm vải bạt trên mui xe và thổi tốc vào trong xe, tôi lục tìm chiếc khăn trong làn mây ra quàng đầu. Kiều sực tỉnh, nãy giờ nó dựa vào tôi ngủ ngon lành:

- Đến đâu rồi mậy?

- Quá BT một đoạn.

Nó thở dài, uốn người, rút chiếc đùi trái của nó ra khỏi gối tôi:

- Hồi hôm tao mất ngủ, lo vụ món hàng này. Bữa nay rủi! Gặp tên “hắc ám” tao phải chi mất năm “giấy” với một gói Samid!

Tôi không tiện, hay suýt nữa, hỏi nó về người đàn ông hồi nãy bẹo mũi nó ở trước tiệm nước. Cái bẹo mũi sỗ sàng và tự tin của một người đàn ông đối với một người đàn bà!

Ngày xưa, Kiều vốn là một cô gái khó tính và nghiêm túc trong giao thiệp.

- Nè, Thanh này!

- Ừ! Gì?

- Tao đã già chưa mậy?

- Trẻ chán! Đẹp nữa!

- Đừng chọc tao, quỷ! Sao bằng mầy được! Chắc hồi nãy mầy có thấy “thằng chả”?

Tôi giả bộ không hiểu:

- “Thằng chả” nào?

- Ờ… cái tên… mà nè Thanh! Liệu khi không còn cảm giác về yêu nữa, mình có nên cố “gắng” không?

Tôi quay nhìn nó; ngạc nhiên thật sự:

- Mầy hỏi cái gì?

 Kiều lắc đầu, nó có vẻ buồn:

- Tao muốn nói là … tao chán gia đình tao quá rồi! Ông xã làm tao “vỡ mộng”!

- Nghĩa là mầy hết yêu chồng?

Hai chiếc lông mày của nó nhíu lại làm khuôn mặt nó xấu đi:

- Khó nói cho mầy hiểu được là như thế nào! Có điều tao hết… hết cả hăng hái… và tao sực nghĩ tao chưa yêu “ổng” kể cả thuở tao lấy ổng?

Tôi nhớ nó gặp và làm đám cưới không quá một tháng. Hồi đó tôi có hỏi nó “Sao chớp nhoáng thế?. Nó có bảo “Thì cho xong”.

- Ủa! Hai con rồi mầy mới nhận ra vậy đó?

- Uờ!

Nó mỉm cười, nụ cười mà tôi tìm được ở nó thuở hai đứa còn học Luật ở chung với nhau. Hồi đó nó cũng “thương” anh Kỳ, chồng tôi hiện nay! Hôm tôi hỏi nó: “Bộ mày cũng thương anh Kỳ của tao hả Kiều?” nó cũng “Uờ” với nụ cười ngượng ngập như vậy.

- Thanh ơi! Mầy hạnh phúc hơn tao đấy! Mầy nói thực cho tao biết đi! Có phải vậy không?

- Nghĩa là sao bồ?

- Nghĩa là mầy “tích cực”, mầy “hăng hái”, mầy vui “thanh bần lạc đạo”? yêu chồng thương con!

- Nhưng tụi tao túng thiếu ghê lắm! Tôi nhìn chiếc nhẫn nạm ngọc của nó. Đối với đời sống hiện tại của tôi, đó là một gia tài. Chiếc áo của tôi có một chỗ mạng ở tay, Kiều dí dí móng tay tô màu đỏ của nó vào đó:

- Mầy thiếu áo mặc hả?

- Không thiếu gì đâu nhưng đi đường mặc áo tốt phí đi!

Nó rút gói thuốc thơm, châm hút.

- Mầy hút thuốc từ khi nào?

- Mấy năm nay rồi. Tao uống cả rượu nữa, uống ít thôi, nhưng đỡ buồn! Nè Thanh nè!

- Nói đi!

- Mầy biết không? Tao có lẽ phải ly dị!

- Mầy nghĩ kỹ chưa? Lý do nào?

- Tao thấy tao không yêu. Đơn giản! Không yêu mà sống với nhau thì “khổ” quá! Bỗng nhiên tao thấy tao ghen với mầy quá!

- Liệu mầy có phải “không yêu” không hay chỉ là “cảm giác”?

- Tao nghĩ kỹ rồi! Ly dị và một người một đứa con cho gọn!

Tôi không biết nó nói thế có phải do “bốc đồng” không nhưng tôi không tra gạn. Gần đến thị trấn LK. Xe lại ngừng trước một trạm kiểm soát kinh tế. Con Kiều ra khỏi xe thật nhanh, gọn. Trạm kiểm soát có rất nhiều xe đỗ sẵn, hành khách trên các chuyến xe khá đông, đứng tránh nắng dưới các tán cây có bóng im. Kiều chạy tới chạy lui lăng xăng, nói cười, đùa cợt, rất nhiều thành phần trong xã hội ở chỗ này quen biết nó. Trong một thoáng tôi thấy như không còn cảm giác của một đối thoại giữa nó và tôi. Ở trên xe từ sáng tới giờ.

Xe ngừng thật lâu và Kiều cũng vắng mặt bên cạnh tôi suốt khoảng thời gian đó. Có một lúc tôi chợt nhìn xuống chân và thấy chiếc khăn tay nhỏ của nó bên cạnh bao hàng. Tôi cúi nhặt và thấy trong khăn có một giấy gấp nhỏ. Không biết sao tôi lại tò mò mở ra đọc: “Em cứ chuẩn bị thủ tục để ly dị đi, phía anh cũng đang tiến hành. Anh hứa với em là sẽ không để em “buồn” lòng vì cái gọi là “lời hứa bay lên cây”. Anh cũng chán con vợ trời đánh của anh quá rồi…” Thư viết chữ nắn nót nhưng sai nhiều lỗi chính tả, những đoạn sau tôi đọc lướt qua không để ý lắm. Tôi xếp mảnh giấy lại nguyên nếp cũ, gói vào trong khăn và cúi xuống để nó vào chỗ cũ.

 Kiều đang đi về phía xe, bên cạnh nó là một thanh niên tóc uốn quăn như đàn bà, cao lêu nghêu, đeo kính dâm, mặc quần ống bó. Nó nói cười thật vui, nghe loáng thoáng mấy tiếng “không thương gì người ta… không “tình cảm gì cả v.v…”. Tôi nghe nó gọi:

- Thanh ơi! Thanh à! Đẩy dùm cái bao hàng ra dùm tao với mầy!

Tôi nhắm mắt giả bộ ngủ.

Tiếng hỏi nhỏ của gã đàn ông:

- Ai đấy? “mới” của em đấy à! Xinh đấy!

 Kiều không trả lời gã, lên xe, kéo bao hàng ở dưới chân tôi ra, tôi vẫn tiếp tục nhắm mắt khoanh tay giả bộ ngủ. Và có lẽ nó đã lượm lại được cái khăn tay.

Rồi xe chuyển bánh, Kiều lại ngồi bên tôi, dựa đầu vào vai tôi, mùi nước hoa bây giờ có thêm cả mùi mồ hôi, nó như trong cơn ngủ mơ:

- Mầy sướng thật. Tao thèm được như mầy đó Thanh!

Giọng của nó trở nên nhỏ nhẹ, nghe thì thào bên tai như thuở xưa, khi hai đứa nằm bên nhau buổi tối. Tôi muốn mở mắt nhìn nó nhưng thấy cứ nên nhắm mắt giả bộ ngủ như vậy. Tôi nghĩ đến chồng tôi, con gái tôi, kỳ này tôi vào thành phố lo công việc phải thật nhanh để về càng sớm càng tốt. Tôi tưởng như đã xa chồng xa con lâu lắm chớ không phải mới sáng nay, lúc bốn giờ.

6-3-1985
L.V.
(16/12-85)







Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Khối trầm (10/05/2011)
Thanh Trà (25/04/2011)
Chiếc bóng (15/03/2011)
Tiếng lục lạc (11/03/2011)