Truyện ngắn
Tiểu đầu đà
08:46 | 26/08/2011
NGUYỄN TOÀN Nhà có hai chị em. Chị như chim công, nó chẳng bằng cú. Đấng tạo hóa sau khi tạo tác một sinh vật xinh đẹp như chị chắc phải lấy làm mãn nguyện sung sướng. Rồi trong lúc quá chén ngài đã vô tình tạc nên một sinh vật dị hình nữa, là nó.
Tiểu đầu đà
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chị Ninh đẹp ngời ngời, da như sữa, môi đỏ như son, mắt đen láy, tóc mềm ngang lưng óng nuột. Nó lùn một mẩu, da thâm sì, tay chân ngắn tủn, lại thêm mắt trố, mũi sưng, miệng rộng ngoác hay cười ngơ ngẩn.

“Ương, xách cho mẹ xô nước”. “Ương, mua cho ba điếu thuốc”. Khi bị sai vặt nó cười ngờ nghệch rồi lũn cũn thực hiện mệnh lệnh một cách vui vẻ. Nó không biết nói, chỉ biết diễn đạt ý nghĩ bằng những tiếng u ơ kèm theo điệu bộ phụ họa. Ương là tên gọi ở nhà. Khương mới là tên thật. Khương tượng trưng cho sức khỏe, còn Ninh tượng trưng cho sự yên ổn. Với chị Ninh thì đúng. Với nó lại là lời nhạo báng cay độc.

Nhà nó nghèo. Cái nghèo như sợi dây thít chặt cả hai đằng nội ngoại. Trong căn nhà cũ ngói mục tường rêu, gia đình nó chung sống cùng gia đình bác và ông bà nội. Mười mấy người chen chúc trong một không gian chật hẹp. Ba mẹ, chị em nó sống ở gian trong cùng, giáp vách với nhà vệ sinh. Mùa hè nóng như đốt lò, mùa mưa nước ngấm qua tường lạnh buốt tận xương. Ba nó ẻo lả thư sinh tính khí yếu mềm, quanh năm kiếm sống bằng nghề chạm gỗ. Làm chẳng đủ ăn nên mẹ phải nhận may mũ, đan len kiếm thêm và phải gánh vác nhiều công việc đáng ra là của đàn ông. Cuộc sống cứ thế trôi đi, lặng buồn như mặt nước Hương Giang những chiều mưa tháng bảy.

Trong nhà, chị Ninh là người thương nó nhất. Chị thường để phần nó những món nho nhỏ hoặc thỉnh thoảng dẫn nó đi chơi. Cũng chỉ có chị bằng trái tim nhạy cảm, hồn hậu đến tận tụy mới hiểu được hết những gì nó muốn biểu lộ qua ánh mắt, cử chỉ. Nhìn hai chị em sóng đôi trên đường, người sắt đá cũng phải động lòng thương hại. Bởi đó là sự đối lập đến mức tàn nhẫn giữa cái hoàn thiện và cái dị dạng. Kiểu cười ngu ngơ, tròng mắt đảo ngược kia là của một đứa bé bị thiểu năng. Cái đầu to ngật ngưỡng một cách kì dị là hậu quả từ căn bệnh bẩm sinh não úng thủy. Căn bệnh quái ác đã giết non bao đứa trẻ, hoặc biến chúng thành những sinh vật không còn là người. Đặt tên con là Khương, ba mẹ đã gửi ước nguyện níu giữ được nó trên mặt đất này. Không phụ lòng ba mẹ, nó dũng cảm vượt lên cái chết, gắng gỏi tồn tại bằng sức lực nội sinh. Người đời bảo nó gánh chịu hết tai ương cho cả nhà.

Chị Ninh học giỏi, lại tài hoa đủ ngón nghề cầm, kỳ, thi, họa. Nhìn chị trong tà áo trắng ngồi gẩy đàn thập lục mới cảm được nét khuê các của người con gái đất Thần kinh. Nên chẳng lạ khi thấy hàng lũ con trai nườm nượp lượn quanh, cho dù chị luôn dửng dưng, bỏ mặc sau lưng bao lời đàm tiếu. Người cho chị kiêu, kẻ nói chị kén. Chị cười, còn mẹ lại thở dài. Lấy chồng cho đáng tấm chồng sao mẹ lại thở dài. Chị không thở dài, chỉ thỉnh thoảng chảy nước mắt. Vào vườn trưa hè nghe tiếng ve râm ran, chị bảo buồn quá rồi tự dưng chảy nước mắt. Chiều lang thang bên sông Hương nhìn dòng nước nhịp cầu, thành quách đền dài bảng lảng chìm trong sắc tím hoàng hôn chị kêu đẹp quá rồi cũng chảy nước mắt. Đấy là nước mắt sống được chắt ra từ một trái tim đa cảm và giàu lòng trắc ẩn. Không biết điều ấy nên nó cứ dứ ngón tay trước mặt chị, đầu lúc lắc và miệng u ơ như muốn bảo chị xấu lắm.

Hết cấp ba chị thi đậu vào trường Đại học Văn hóa, khoa Bảo tàng. Mẹ hỏi: “Nhà đã nghèo răng con đi chọn nghề nớ?” Chị bá vai mẹ thủ thỉ: “Bởi con yêu cung điện, lăng miếu quê mình. Mẹ yên tâm, con gái mẹ làm răng nghèo được.” Mẹ thở dài, vào giường thu vén áo quần giúp chị.

Chị ra Hà Nội học. Mẹ gò lưng đạp máy khâu làm thêm mỗi tối. Ba bỏ thuốc lá, tận dụng gỗ vụn làm những mặt hàng lưu niệm rẻ tiền. Gia đình chắt mót từng đồng gởi ra cho chị. Cậu Năm từ miệt biển gởi cá mắm lên nhà thường xuyên hơn. Chị học giỏi, luôn được học bổng lại đi dạy kèm nên cũng đỡ gánh nặng cho ba mẹ.

Mỗi năm chị được nghỉ hai đợt vào dịp tết và hè. Về đến nhà thế nào chị cũng ôm lấy nó vuốt ve mừng tủi: “Có nhớ chị không?” Nó gật đầu u ơ, mắt ướt nhòa. Nó nhớ chị, nhớ lắm. Chị đi nó không còn ai bầu bạn. Nó không hiểu tại sao chị phải đi học xa thế. Chị vẫn đẹp, một vẻ đẹp trinh trắng vô nhiễm như thiên thần. Nghe ba mẹ ướm hỏi tình cảm riêng tư, chị cười lảng tránh: “Con chưa nghĩ chuyện nớ.” Nhưng hỏi đến việc học là chị rất hào hứng. Chị kể say mê về những đình chùa cổ ở miền Bắc mà chị đã đặt chân đến. Có năng khiếu tiếng Anh, lại chuyên tâm học nên giờ chị có thể giao tiếp lưu loát. “Đúng là con vàng, con bạc.” Mọi người trầm trồ. Chị cười e ấp mà lòng ngậm ngùi nhớ câu hát ru: “Cầm vàng mà lội qua sông”. Tuy không nói ra, ba mẹ vẫn ngầm lo cho chị. Đời có ai học được chữ ngờ.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Minh họa: NHÍM
Đúng là không ai học được chữ ngờ. Cuối năm học thứ ba chị đi lấy chồng. Chồng chị tên Giôn, người Mỹ gốc Anh. Giôn là kiến trúc sư, sang Việt Nam làm việc theo chương trình phục chế kiến trúc cổ. Vừa gặp nhau ở Hội An, nơi chị thực tập, Giôn đã choáng rồi đem lòng yêu mê mệt. Ban đầu cả gia đình nội ngoại rùng rùng phản đối. Chồng gần không lấy đi lấy chồng xa lại là người khác giống. Chị khóc, bảo thực lòng yêu Giôn, không lấy được nhau chị nguyện ở vậy một đời. Cuối cùng gia đình phải nhượng bộ. Được cái Giôn là người hiền lành chân thật. Vào nhà biết bập bẹ chào hỏi mọi người, phải ngồi hàng buổi trong gian phòng ngột ngạt cạnh nhà vệ sinh cũng vẫn vui vẻ. Giôn chỉ kĩ tính trong vấn đề ăn uống.

Đám cưới tổ chức chu đáo nhưng không rình rang. Bên gia đình không ai sang được nên Giôn nhờ người đi họ nhà trai. Mọi nghi lễ được tiến hành ở nhà gái còn đãi khách ở nhà hàng Hương Giang. Chị mặc si-rê trắng bảy tầng, đầu đội vương miện, cổ đeo vòng vàng đẹp diễm lệ như một nàng công chúa trong vòng tay vị hoàng tử tóc vàng mắt xanh. Ca khúc The wedding dìu dặt nổi lên, mọi người hân hoan nâng cốc chúc mừng đôi uyên ương trai tài, gái sắc.

Hôm sau chị theo Giôn về Mỹ, bắt đầu cuộc đời làm dâu xứ người. Mọi thủ tục xuất nhập cảnh đã lo liệu xong từ trước. Sang bên ấy, gia đình Giôn sẽ tổ chức đám cưới lần nữa. Ba mẹ thuê xe 24 chỗ để tiễn chị và Giôn ra sân bay. Mưa giăng đầy trời. Có ai đó buột miệng vu vơ: Trời mưa ướt áo làm gì(*). Chị ngồi giữa ba mẹ ở hàng ghế trước, nó và Giôn ngồi ghế phía sau. Thỉnh thoảng, mẹ và chị lại sụt sịt. Mắt ba hoe đỏ. Giôn thì lặng lẽ nhìn ra ngoài khung cửa mưa bay. Đến sân bay Phú Bài, còn một tiếng nữa máy bay mới cất cánh. Chị và mẹ dính chặt vào nhau trên chiếc ghế ở phòng chờ. “Mẹ đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi.” - Chị gượng cười và quàng tay ôm ngang lưng mẹ. Gương mặt mẹ tái nhợt. Từ trên loa vang lên lời thông báo của người nữ nhân viên điều hành: “Xin mời quý khách đi chuyến bay... vào phòng bên kiểm tra hành lý và làm thủ tục chuẩn bị bay.” Cả phòng chờ nhao lên, kẻ ở người đi ngùi ngùi nói lời từ biệt. “Con ơi”. Mẹ chợt vỡ oà một tiếng kêu thảng thốt. “Mẹ, kìa mẹ.” Chị lắp bắp. Hai mẹ con đổ ập vào nhau, khóc lặng. Nước mắt giàn giụa chảy, cuốn theo bao ẩn ức dấu kín bấy lâu nay. “Xin mời...” lời thông báo lại vang lên giục giã. Ba gỡ tay mẹ, nước mắt đầm đìa: “Thôi, để con nó đi.” Chị thành vô hồn trên tay Giôn, vừa bước giật lùi vừa khóc: “Mẹ, mẹ ơi...”. Cặp mắt xanh của Giôn đỏ lựng. Giôn cũng khóc.

Mẹ ngất lịm trên đường về. Mọi người xúm lại cạo gió xoa dầu. Tiếng cậu Năm hốt hoảng: “Nhanh lên, chạy thẳng vô bệnh viện.” Chiếc xe lướt như bay, kim tốc độ nhích dần đến con số trăm. Nó lách vào bên trong, hoảng sợ nhìn mẹ nằm trắng bệch như một xác chết. Nó cầm tay mẹ lay gọi, xệch miệng khóc hu hơ. Bất chợt, từ chuỗi âm thanh rời rạc phát ra từ cái miệng mấp máy của nó bật ra tiếng kêu ngọng nghịu: “Mẹ, mẹ...”. Mọi người lặng đi. Nó đã cất tiếng nói đầu tiên gọi mẹ. Tiếng gọi đi thẳng vào tiềm thức tạo ra một xung động kì diệu khiến người mẹ rùng mình mở mắt hồi sinh.

Chị đi. Được chừng tháng, ba mẹ dồn tiền vàng chị và Giôn để lại tìm mua một lô đất bên Tây Lộc. Ba tháng sau, chị gởi về một đống tiền giúp ba mẹ xây nhà. Ba tháng sau nữa, ba mẹ và nó dọn về nhà mới, một tòa nhà ba tầng lộng lẫy đầy đủ tiện nghi. Cuộc đổi đời tưởng như chuyện cổ tích. Bấy giờ mọi người mới biết bố Giôn là ông chủ của một tập đoàn xây dựng hùng mạnh, Giôn lại là con một. Thật vàng chẳng phải thau đâu.

Tiền bạc làm con người thay đổi. Ba mẹ cũng vậy. Từ hạng thứ dân, giờ đi đứng ăn nói như hàng tôn thất. Nó không như thế. Nó không cần nhà to, ăn ngon, mặc đẹp. Nó chỉ cần chị, mà chị thì đã biền biệt phương trời. Nó cần có họ hàng nội ngoại, mà mọi người chừng như ngày một cách xa. Nên nó nhớ, nó buồn, nó tủi. Ba mẹ lại thường xuyên vắng nhà, khi công chuyện, khi lễ chùa. Trong ngôi nhà kín cổng cao tường chỉ còn mỗi nó và con chó Ki. Những lúc đó nó ngồi đần mặt trên nền gạch hoa bóng loáng, ngước nhìn chị và Giôn tươi cười trên khung ảnh treo tường. Cứ thế hết ngày này, ngày khác. Sự ức chế làm con người suy sụp rất nhanh. Nó lại là đứa thiểu năng, không biết gào khóc cho vơi nỗi buồn. Nên nó dần đổ bệnh, biếng ăn, biếng cười, ai gọi cũng chẳng buồn thưa.

Không ngại đường xa, ba mẹ đưa nó vào Sài Gòn chữa trị. Không thể hút hết dịch trong đầu nó một lúc vì đó là điều cực kì nguy hiểm. Các bác sĩ đã cấy cố định vào lưng nó một loại ống đặc chủng để dẫn từng giọt xuống hệ bài tiết trong vòng nhiều năm. Toàn bộ chi phí phẫu thuật đến ba mươi triệu chưa kể thuốc men kèm theo.

Về nhà được nửa tháng, nó dần hồi phục. Ba mẹ vui mừng đưa nhau lên chùa lễ tạ. Nó lại ở nhà một mình, thơ thẩn với con Ki. Chợt có tiếng chuông điện thoại. Nó lũn cũn vào phòng. Chưa nghe điện bao giờ nhưng tiếng chuông làm nó khó chịu. Nó lóng ngóng nhấc máy, bắt chước những động tác ba mẹ vẫn làm. Một tiếng nói quen thuộc vang lên trong ống nghe: “A lô, mẹ đó phải không?” Nó nghệch mặt hoảng hốt. Hình như là chị. Tay chân run lật bật, nó vội vàng bập bẹ được mỗi một tiếng: “Mẹ...” Đầu bên kia lặng đi rồi oà lên một tiếng reo: “Tiểu đầu đà đó hả?” Thế là nó bật khóc hù hụ để rớt ống nghe. Đúng chị rồi. Chỉ có chị mới gọi yêu nó là Tiểu đầu đà. “Tiểu đầu đà lại chị bắt chấy cho.” “Tiểu đầu đà ăn ổi không, chị hái?” Trong đầu óc thiểu năng của nó hé mở những khoảng sáng của một quá khứ chưa xa. Đúng tiếng chị nhưng chị đang ở đâu? Nó cầm chiếc máy săm soi suy nghĩ. Nó thấy một sợi dây dẫn thẳng lên lầu. Vậy là nó lập cập leo lên cầu thang. Nó lên tầng hai, rồi tầng ba, mở toang cửa nghiêng ngó. Chị nó chắc đang nấp ở đâu đó. Rồi nó bước ra ban công. Một khoảng trời trong xanh như lọc mở ra mênh mông trước nó. Nó lặng đi, không ngờ trên này nắng lại vàng, gió lại ngọt đến thế. Cách nó vài tầm với là những đường dây điện hun hút chạy dài đang kêu ro ro khe khẽ. Nó ngẩn người. Chị đang ở đâu? Nó vươn hai tay lên cao, chới với. Cái đầu to ật ngửa ra sau, gương mặt tuyệt vọng ngước nhìn trời xanh. Ở độ cao hơn mười mét, tư thế nó tạc vào không gian ban mai như hình ảnh một vị thánh tông đồ tuẫn đạo.

Cách nó nửa vòng trái đất, chị, cô chủ trẻ của một cửa hàng thời trang cao cấp đứng lặng người, chết sững. Trong tiếng tút tút đều đặn phát ra từ ống nghe, chị linh cảm một điều gì khủng khiếp sắp xảy ra, ngoài sức tưởng tượng của mình.

N.T
(270/08-11)



------------
(*) Thơ Nguyễn Bính





Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Dòng sông máu (21/08/2011)
Buổi sáng (26/07/2011)
Suối nàng tiên (28/06/2011)
Gặp bạn cũ (13/06/2011)