Truyện ngắn
Thương nhớ mai vàng
15:38 | 07/10/2008
NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.
Thương nhớ mai vàng

Nó cao độ hơn một mét, từ gốc lên ngọn thuôn dần, vặn vẹo đầy u bướu. Thân cành cây mai như cơ thể của một lực sĩ, cuồn cuộn những thớ gỗ hằn lên dưới lớp vỏ nâu đen. Các tán được vặt hết lá trơ ra những chùm nụ xúm xít như những đĩa quả non óng ánh xanh màu ngọc. Lác đác từ các cành nhỏ bật nhú những chồi non óng ánh tím màu xà cừ. Cây mai trông như một cái tháp được vun đầy bằng vạn vạn những chùm nụ. Đỉnh tháp, phần ngọn của cây mai như một chóp nón được ken bằng chi chít những tấm nụ xanh ngắt.
Chưa ai rõ danh tính chủ cái nhà ấy. Thị xã được nâng cấp lên đô thị loại hai, đường sá mới qui hoạch, đất đai tanh bành, người lâu năm bán đất cất nhà, người nơi khác đến mua đất, thành thử nhà mới cứ nổi lên như nấm sau mưa. Cả thành phố suốt ngày ồn ào như một công trường. Tiếng búa máy đóng cọc, tiếng máy hàn, tiếng xe cộ chở vật liệu... cứ ầm ầm, đinh tai nhức óc. Đủ các kiểu nhà, nhà biệt thự, nhà ống... Nhà nào cũng có một vài cây xanh cho sinh động, cho đỡ chói chang bởi bê tông các mảng lớn, bởi màu sơn vàng, nâu, đỏ đến chói mắt. Cây trồng hẳn xuống đất, cây trồng trong bồn xi măng, cây trồng trong chậu. Bồn, chậu cũng đủ loại. Chậu đúc bằng xi măng, chậu men sứ... Nhìn cây có thể đoán được khả năng kinh tế, trình độ thẩm mỹ và gu chơi của từng chủ nhà. Đoạn phố mới lập, các chủ nhà mỗi người một công việc, mỗi người một cơ quan, thành thử ở cạnh mà chẳng mấy khi sang thăm nhau.

Ngôi biệt thự suốt ngày đóng kín cổng. Chiều chiều khi có chiếc ô tô bóng nhoáng màu đen dừng bánh êm và nhẹ như một tiếng nói thầm, cửa xe mở và bước ra một vị trung niên hồng hào, phong độ thì người ta mới biết ông chủ đi làm về. Những ngày áp tết chủ nhà có nhiều khách. Chiều hai bốn, hai lăm khách bắt đầu đông dần, khi thì hai, khi thì ba chiếc ô tô nhỏ bóng nhoáng. Hết tốp này đi thì tốp khác đến, xe dừng bên kia đường, bước ra là những vị complete, cà vạt, dày nâu, dày đen bóng lộn. Họ tự tin nện gót dày cồm cộp, cắp cặp rảo bước qua đường, theo lối cổng phụ mà vào nhà.
Ông chủ quán nước dưới gốc vông bên kia đường cho biết cây mai được một chiếc xe tải loại nhỏ chở đến vào chiều hai bảy tết năm rồi. Hạ nó xuống sân có năm sáu thanh niên trẻ khoẻ đi theo xe, họ dùng ván trượt, đòn bẫy và chão to thận trọng dịch từng đoạn, trượt từng li và nâng như nâng trứng. Cây mai được trồng trong một cái bồn hình vuông, chân quì, mỗi chiều độ tám mươi phân. Bồn được đục bằng đá xanh, viền theo các mép là những đường hoa văn cổ, các nét được chạm trổ tinh tế mà người xem chẳng thể không xuýt xoa, thán phục bàn tay tài hoa của người thợ. Cây quí lại được trồng trong cái bồn quí, thật là tương xứng.

Không ai định giá được cây mai. Người thì bảo năm chục triệu, người bảo có khi cả trăm triệu... Có người quả quyết đó là của gia bảo, sao người ta lại bán đi. Người đi đường qua đây dừng lại đứng ngắm cây mai quí qua hai cánh cổng sắt to tướng hoặc nhìn qua đoạn tường rào hoa sắt sơn xanh. Hễ ai đã dừng lại ngắm cây mai thật khó lòng dứt ra mà đi được. Cây mai càng ngắm càng đẹp. Người chơi cây cảnh, cây thế ở các vùng lân cận nghe tiếng kéo nhau đến, có hôm đứng chật cả một đoạn tường rào. Họ bình phẩm, định giá rồi ca ngợi cái người đã có công uốn nắn, cắt tỉa, kì công nhiều năm lắm mới có được một tác phẩm như vậy.
Cây mai quá đẹp. Nhìn gốc, thân, cành với những đường uốn thần tình, người ta thốt lên sao lại có thể tạo ra được một cây mai đẹp đến như vậy. Nó hội đủ các quan niệm triết học phương Đông. Đó là quan niệm về vũ trụ, về triết lý nhân sinh. Tất cả các cành mai đã chi chít nụ. Những nụ hoa mập mạp như chỉ chờ thời khắc định trước để nở bung dâng hiến. Ai đã từng chơi cây, đã từng một lần cầm lấy cái kéo, cái kìm để uốn thân, tỉa cành thì mới có thể tưởng tượng ra nỗi đam mê, nhọc nhằn suốt hàng chục năm trời của người tạo ra nó. Cây mai dáng trực, dù thân có cong queo, cành cây có oằn oại như nó đã từng chống chọi với bao cơn giông bão của đất trời, của thời gian nhưng trục chính của nó vẫn thẳng đứng. Dáng đứng vững chãi, hiên ngang của cây mai như một lời thách thức. Giữa khí trời lâm thâm mưa lạnh, cái màu vàng lác đác chợt hé thật mong manh, sang trọng đến quí phái. Thiên nhiên kì diệu khéo đưa cái tinh tuý của đất trời vào cây để cánh mai có cái màu vàng đẹp nhất của nắng, có màu nụ đẹp nhất của ngọc. Cây mai như một vũ trụ thu nhỏ, nó có cái bề thế, vững chãi nơi thân gốc, có vẻ hiên ngang bất khuất nơi dáng đứng và các tán lá sum suê, đầy đặn tỏ rõ một sức sống mạnh mẽ, trường tồn như đất trời. Đặc biệt cái màu hoa, giữa xứ lạnh, hoa đào gợi sự ấm cúng, tươi mới thì màu vàng của hoa mai như báo hiệu sự quyền quí, giàu sang. Sáng mồng một, màu vàng nở bung trên những tán thấp như mang một chút nắng phương Nam ra khoe nơi đất Bắc. Cây mai có màu nâu tây của tường nhà, màu xanh dương của sơn cửa và màu đỏ của gạch sân làm nền nên nó như nổi bật lên, làm cho ngôi nhà càng trở nên lộng lẫy.

Ông Thân nghe con trai nói nhiều đến cây mai từ dạo trong tết nên hôm nay, dù đang không được khoẻ cũng cố lên xe nhúc nhắc đạp đi xem. Đã gần ba chục năm nay ông Thân bước hẳn vào nghề sưu tầm và chơi cây cảnh. Càng làm ông càng ham. Hễ nghe ai nói đến nơi nào có cây quí là ông cố gắng đi xem. Càng xem cây ông càng học thêm được nhiều sự, hiểu ra nhiều điều. Cây cảnh thể hiện tính cách, tâm hồn và thẩm mỹ của người chơi. Có người ưa sự thẳng thắn, cứng cỏi, hiên ngang. Người thì ưa sự mềm mại, uyển chuyển. Có người thích bố cục các cành tán đơn giản nhưng vững chãi. Có người thích sự rậm rạp, cầu kỳ... Ông hiểu hơn ai hết việc trồng, chăm sóc và uốn tỉa một cây thế. Người ta từng nói rằng suốt một đời làm cây, chỉ cần tạo được một cây ưng ý là mĩ mãn lắm rồi. Cả vườn cây ra sức tạo dựng ông vẫn chưa tìm được gốc nào để có thể ký thác hồn mình. Mặc dù khách chơi cây nhiều người đến thăm cũng đã trầm trồ, thán phục bàn tay tài hoa của ông. Thế mới biết cái đẹp là vô cùng. Cái đẹp không bao giờ dừng lại mà luôn có xu hướng vươn tới. Người nghệ sĩ thể hiện ý tưởng, tình cảm của mình thông qua bàn tay khéo léo và tâm hồn bay bổng nhạy cảm để tạo ra tác phẩm. Riêng việc chơi cây, bàn tay tài hoa của người chơi chưa phải là quyết định mà điều quyết định là ở thời gian, tuổi của cây. Người ta có thể làm cho tán cây rậm rạp, thân cây u bướu sần sùi nhưng không ai có thể làm tăng tuổi của cây. Cây có tuổi cao ngoài cái sự sung mãn, dày dặn của tán lá, cái dãi dầu của thân cành, nó còn vẻ lung linh của của hồn người dày công sáng tạo. Toàn bộ cái cây, từ cành, tán, đến bộ rễ buông hướng vào lòng đất như một triết lý nhân sinh và kết tinh biết bao mồ hôi, tinh lực của con người. Suốt từ lúc đam mê và bắt tay vào làm, ông Thân vẫn cảm thấy mình như đang lần mò. Cái vẻ đẹp mà ông ra sức kiếm tìm vẫn đang ở đâu đó, chưa thể định hình. Cái vẻ đẹp lâu nay hình như vẫn lung linh huyền ảo trong ký ức mờ mịt của ông.

Vườn nhà ông có đến gần bốn trăm gốc gồm các loại sanh, si, tùng, mai chiếu thuỷ, cần thăng, cùm rụm. Một số đã vào thế được ông cho vào chậu. Số còn lại ông ươm ngoài vườn. Cây của ông được đưa về từ khắp các miền trung, nam, bắc. Trước khi nhập vào vườn chúng chủ yếu ở dạng thô, dạng nguyên liệu. Ông vừa mua vừa sưu tầm, khai thác về để tự tay chăm sóc, uốn tỉa. Ông thường nói chơi cây mà không được tự tay tạo ra được một cái thế, một dáng cây mình ưa thích thì đó chỉ là lối chơi của người kiếm ra đồng bạc một cách quá dễ dàng. Cái việc bỏ tiền mua cây về trưng ra để ngắm là lối chơi của trọc phú.
Người ta nhận xét cây của ông có phong cách lạ. Nó có vẻ phóng khoáng trong dáng thế vừa tinh tế trong chi tiết. Cây trong vườn phần lớn là do tự tay ông làm, từ kỹ thuật ươm trồng, cắt tỉa cho đến kỹ thuật níu cành, kỹ thuật lão hoá... Dù còn mang những nét thô vụng song cây nào cũng đã mang khí phách khác thường. Hằng ngày, cứ cuối chiều là ông pha một ấm trà trên cái bàn đá kê dưới bóng cây vú sữa già đầu ngõ để ngồi ngắm cây và chờ bạn. Hầu như chiều nào ông cũng có khách ngắm cây, đàm đạo về cây. Cây đã cho ông những giây phút thư giãn thảnh thơi. Ngắm cây, chơi cây ông thấy tâm hồn như bay bổng, những giây phút ấy như làm ông quên hết mọi vụn vặt của đời người. Càng chơi ông càng hiểu thêm về thú chơi tao nhã này. Thật thiệt thòi cho những ai không biết tìm niềm vui và sự thảnh thơi nơi cỏ cây, hoa lá.    

Hai tay bám chặt vào song sắt của tường rào, mặc cho tiếng sủa ông ổng của con béc giê xích chỗ bậc tam cấp, ông Thân ngắm cây mai mê mải. Toàn thân ông như nổi da gà. Ông rùng mình. Chẳng lẽ lại như thế. Đúng là như thế. Đứng bên ngoài tường rào, chỉ cách cây mai độ hai mét, ông trông rất rõ. Ông trông rõ từng chi tiết hoa văn trên thành cái bồn đá. Bốn mặt của bồn đá, trong các hình chữ nhật uốn góc có chạm nổi bốn chữ nho “Đại”, “An”, “Thành”, “Đạt”. Bốn chữ nho ấy đã in đậm trong ký ức ông suốt từ bấy đến nay bởi cây mai quí, bởi nét khắc tài hoa của người chạm. Hai chữ “Đại” và “An” ở phía bên kia không nhìn được nhưng ông nhớ rất rõ nét khắc của nó. Còn chữ “Đạt” kia, cái chữ “Đạt” có bộ “quai xước” với nét mác sắc sảo như một thanh gươm nhưng do người chạm, có lẽ một thoáng sơ ý đã để mẻ mất một vệt nhỏ ở nét cuối cùng vẫn còn đó. Cả cây mai ông cũng nhìn rất rõ. Cái cành ở sát gốc bị cắt, vết cắt ngày đó giờ đã liền sẹo. Cái cành sát gốc, hồi đó ông cụ chủ cây bảo rằng nó bị một mảnh pháo tiện đứt. Ông phải nuôi thêm một tán nữa cho đủ thế “ngũ phúc”. Sau gần ba chục năm cây mai cũng chẳng lớn thêm mấy. Chính cây mai này đã nuôi dưỡng trong ông tình yêu, niềm đam mê thiên nhiên, cây cỏ mà ông đã tạo dựng được cái vườn cảnh của mình hôm nay.

Nhưng tại sao cây mai lại có mặt ở đây? Lòng ông đầy băn khoăn. Chẳng lẽ ông gọi cổng xin vào để hỏi.
Ngày đó, sau Mậu Thân đơn vị ông rút khỏi Huế. Vì bị thương nên ông được đơn vị gửi lại ở một làng phía bắc Huế. Hàng ngày qua kẽ hở của ngách hầm sau bụi tre gai, anh bộ đội Thân ngắm vườn mai đến mê mải. Trong tầm mắt anh, rất gần, chỉ độ vài bước chân, là cả một vườn mai. Cả vườn mai, dù tiết xuân tàn vẫn dâng lên một màu vàng ngờm ngợp. Cái màu vàng như nắng nhẹ. Cái màu vàng rực lên, nhuốm vàng cả khoảng không gian của mảnh vườn. Cây to, hoa rực rỡ suốt từ gốc đến ngọn. Những cây nhỏ cũng lác đác những chùm hoa e ấp chen giữa những nhành lá mới chuyển sang màu xanh nõn. Ngắm màu vàng của mai có lúc anh chàng Thân như quên mất rằng mình đang ẩn náu, quên mất sự nguy hiểm đang rình rập từ những tốp lính luôn qua lại hạch sách ông cụ chủ nhà, từ những loạt AR15 bất thần nổ toang toác bên kia cái đầm chỉ cách chỗ anh ngồi hơn trăm mét. Dù đã biết hoa mai từ những cây mai rừng mạn phía tây Huế. Những cây mai, những bông mai hoang dã mà anh đã gặp trên đường đi, trong các mảnh rừng đơn vị đóng quân ở các mùa xuân trước chưa cho anh chàng Thân một ý niệm gì về vẻ đẹp của mai. Vậy mà đứng trước cả một rừng mai với đủ các dáng, thế, những cây mai có các chồi lá và những nụ hoa xanh óng màu ngọc, những cánh hoa màu vàng chanh như dâng lên, dâng lên mãi trong anh cái cảm giác nôn nao đến khó tả đã làm anh như bị thôi miên.

Ngồi dưới hầm, Thân quan sát ông cụ tỉ mẩn dùng các đoạn thép được tẩm mỡ trăn, sau này anh mới được nghe giảng giải như vậy, quấn quanh các cành để uốn, chằng, níu kéo mà tạo dáng cho từng cây mai. Anh quan sát say mê đến nỗi khi cô con gái nhỏ của ông cụ mang thức ăn đến thì anh mới tỉnh lại. “Răng mà chú ngẩn người ra rứa?”. Biết anh mê ngắm mai, cô bé nói rằng: “Ba cháu chỉ thiếu ngủ bên cây mai nữa thôi. Chú có thích thì nhờ ba cháu dạy cho. Ba cháu quí chú lắm đó”. Cô bé vừa nói vừa nhìn anh bộ đội bằng ánh mắt lóng lánh, trong veo đến xốn xang.
Ông cụ có lẽ đã ngoài sáu mươi, dáng dấp tao nhã với nét mặt sắc sảo, quắc thước. Khi thì ông cầm kìm, lúc cầm kéo, ông ngắm nghía tứ phía của một cây để cắt đi cành này, chằng níu cành kia. Cũng có lúc ông lại tháo dây để uốn lại một cành nào đó. Việc chằng níu và uốn cây ông chỉ làm vào buổi chiều. Sau này Thân được ông giảng giải sỡ dĩ làm vào buổi chiều vì lúc đó thân cây đã bớt nước, thân cành sẽ dẻo hơn, uốn sẽ không bị gãy. Vườn mai đủ các cỡ to nhỏ, được phân loại và trồng ngay hàng, thẳng lối. Ngôi nhà ngói cũ kỹ có cái sân gạch khá rộng, phía gần nhà là những cây lớn được trồng trong chậu, trong bồn, có lẽ vừa để ngắm vừa cho tiện chăm sóc. Số nhỏ hơn được trồng trong các chậu nhỏ xếp thành hàng ngoài vườn. Một loại nữa được trồng thành luống, bên trên có các giàn che mưa nắng. Tiếp đến là những giàn thấp lủng lẳng các bầu đất ươm cây con. Ông cụ lui cui ngoài vườn từ sáng đến trưa, hết trưa sang chiều hết xới đất, tỉa cành rồi dùng cái bình nhỏ phun thứ nước gì đó mà anh thấy ông pha rất cẩn thận, vào các gốc mai. Vừa làm ông như vừa để mắt và lắng tai đến những động tĩnh chung quanh. Thỉnh thoảng ông khẽ nói như bâng quơ: “Chớ có xục rục nghe”. Những lúc ông nhắc, một lúc thế nào cũng có một tốp lính hoặc người lạ đi qua ngõ.

Thân để ý, hình như ông chủ của vườn mai quan tâm nhất đến gốc mai để giữa sân. Ngồi ngoài góc vườn nhìn vào, ngọn của gốc mai đó ngang với mái của ngôi nhà. Ngọn của cây mai là một hình tháp nhỏ vàng rực trong nắng nhẹ. Khi nắng đã nhạt ngoài vườn, ông cụ liếc một lần nữa đến chỗ anh ngồi rồi mới vào nhà. Từ đó đến lúc lên đèn, Thân chỉ thấy ông lui cui bên quanh gốc mai đó.
Gần hai tháng sau, khi vết thương ở bàn chân phải được cô con gái nhỏ của ông chăm sóc đã lên da non và tình hình có vẻ yên yên, gặp lúc vắng vẻ, Thân vào nhà mới được chứng kiến cây mai đó. Cây mai có gốc cỡ hơn một vòng hai bàn tay ôm, mọc thẳng đứng và cao độ tám mươi phân. Các cành của nó được phân về tất cả các hướng một cách đều đặn. Đường uốn của cây mai mềm mại, tự nhiên như vốn từ bé nó đã như vậy. Chẳng tìm đâu ra dấu vết của bàn tay con người. Dù thân cây mai có cong queo nhưng trục của nó vẫn thẳng đứng. Dáng đứng của nó như muốn nói dù đã trải qua bao khắc nghiệt, giông tố, cho dù phải gồng mình chống chọi vẫn đứng vững và hiên ngang đầy thách thức.

Khi thấy Thân tỏ ra yêu cây và muốn tìm hiểu nghề chơi cây thế, ông nói với anh với ý rằng không phải ai cũng “chơi” được cây, nhất là mai. Nghề “chơi cây” chẳng dành cho kẻ nhác nhớn, hời hợt. Những ai không yêu cây, không coi cây như đứa con của mình thì đừng có chơi mà uổng công, vô ích. Thói kênh kiệu, hợm mình, thói ăn gian nói dối, thói làm giả ăn thật, thói coi tiền bạc, của cải hơn người... tất cả đều trái với “đạo mai”. - Trong anh ông đã thấy manh nha một “tín đồ” của “đạo mai”. Khi đã trở thành “tín đồ” của đạo mai anh sẽ hiểu sâu sắc hơn những điều ông nói. Ông nhắc anh rằng chơi cây cũng như mọi việc khác ở đời, muốn làm nên được một điều gì đó thì phải say mê và dồn công sức, tâm lực theo đuổi, phải theo đuổi đến cùng. Điều anh mong ước rồi sẽ thành sự thực bởi cuộc chiến này nay mai sẽ kết thúc. Chính quyền ông Thiệu rặt những kẻ tham lam vơ vét, chúng hành động, bắn giết  không ngoài mục đích nhét đầy túi đô la. Một chính quyền không được lòng dân như thế sớm muộn sẽ cáo chung, sẽ bị cách mạng tiêu diệt...

Nghe ông cụ nói mà Thân như bừng tỉnh. Những triết lý cao siêu qua lời ông cụ đã trở nên mạch lạc. Thân không ngờ một người dân thường suốt ngày cặm cụi với cỏ cây mà đã có triết lý sống giản dị và trong sáng đến như vậy. Là chính trị viên đại đội, thường giảng giải, động viên bộ đội, bây giờ nghĩ lại anh thấy những lời mình đã nói thật sáo rỗng, lên gân. Lời nói của ông cụ, một người sống giữa lòng địch, hiểu sâu xa lẽ phải, chân lý cuộc đời, hằng ngày ông phải đấu lý, đấu trí với kẻ thù, đã làm anh cảm thấy như được uống một giòng nước mát. Ông cụ nói cho anh hay rằng với một cái cây, khi người ta dành tình yêu cả đời cho nó thì nó sẽ không phụ lại mình. Những cây đó cũng không thể đánh giá bằng tiền bạc. Có ai tính được giá của những đêm trằn trọc, thao thức, những giọt mồ hôi nhỏ xuống bên gốc cây. Người ta yêu cây cũng giống như yêu đứa con mang nặng đẻ đau. Vì một lý do nào đó người ta có thể đứt ruột xa con chứ chẳng ai bán con...

Ông cụ quí cây mai ấy đến nhường nào. Ông khoe với Thân, bồn trồng cây mai, ba của ông phải mua tận trong núi Non Nước Quảng với giá gần ba chỉ vàng từ độ em trai ông đi tập kết. Bốn chữ nho chạm nổi ở bốn mặt của bồn là “Đại”, “An”, “Thành”, “Đạt”. Tuy Thân chưa hiểu gì về cái thứ chữ có phần rối rắm đó nhưng anh vẫn nhớ những lời ông cụ giảng giải. Ông bảo ông thích dáng của bồn, nó hợp với dáng thế của cây mai, chứ mấy chữ khắc trên mặt bồn thì ông chưa vừa ý. Chỉ có hai chữ là hợp với mong muốn của ông. Đó là “Đại” và “An”. Ông có mong mỏi gì to tát trong cuộc đời này đâu mà “Thành” với “Đạt”. Đời ông chỉ mong đất nước sớm chấm dứt cảnh binh đao chém giết để ông được thoả chí với cỏ cây, nối nghiệp cha, tiếp tục chăm sóc vườn mai theo ước nguyện của cha. Ông tin rằng vườn mai sẽ có người kế nhiệm, đó là người con trai cả đi tập kết và đang làm việc ở ngoài đó. Lúc nào con trai trở về, ông sẽ  giao lại cái cơ ngơi mà suốt cả cuộc đời bố ông và của ông dày công gầy dựng. Và ông còn phải truyền bí quyết nghề cho con... Cây mai quí này, lớn lên ông đã thấy bố ông chăm sóc. Chính ông cũng không biết cây mai bao nhiêu tuổi. Năm một chín sáu mươi, lúc bố ông đã mất, ông Cẩn cho người nhà đến dạm mua cây mai. Vừa nói ông vừa cười làm rung cả chòm râu trắng cước:- Tiền bạc của “lãnh chúa miền Trung” bỏ mô cho hết, ông nớ cứ tưởng rằng bỏ ra nhiều tiền sẽ mua được nó. Năm lần bảy lượt ông Cẩn cho người đến mà ông vẫn lắc đầu. Can cớ chi công sức mình bỏ ra làm được cây mai đẹp lại để cho người khác ngắm. Bán cây nào thì bán chứ cây này thì ông nhất quyết không bán. Tiền bạc có thể mua được nhiều thứ, nhưng cũng có thứ không tiền bạc mô mua nổi. Đến khi tự tay làm ra được một cái cây thì anh sẽ hiểu...

Vết thương lành, đơn vị cho người xuống đón anh. Thân chia tay ông cụ và cô gái. Phải ra đi anh quyến luyến vô cùng. Sự bịn rịn trước lúc ra đi Thân không sao cắt nghĩa được rạch ròi, lòng tốt của ông cụ, tình cảm của cô gái trẻ hay tại ở vườn mai. Tất cả như níu anh ở lại. Trước khi hoà mình vào đêm tối, anh đưa mắt ngắm nhìn cây mai quí, ngắm nhìn cả vườn mai như muốn thu tất cả vào hồn mình.
Miền   giải phóng, Thân ra quân. Nhớ lời ông cụ nói nếu yêu cỏ cây thì lúc nào yên hàn hãy trở lại đây. Trên đường về quê từ Sài Gòn, nén sự nóng lòng sum họp với vợ con, Thân tụt xe đò, tìm vào cái nhà đã cưu mang mình. Gốc mai quí vẫn còn đó cùng với những chậu mai đặt rải rác quanh sân. Anh thấy các chậu mai dạo trước giờ như lớn thêm lên. Riêng gốc mai già, anh không thấy nó lớn bao nhiêu mà chỉ thấy nó có vẻ cổ kính, sang trọng thêm. Nhà chỉ còn mình ông cụ. Cô con gái, người từng chăm sóc anh đã sang làng bên làm dâu.

Anh ở lại với ông năm ngày. Năm ngày ngắn ngủi, những điều ông nói với anh về các kỹ thuật chăm sóc, uốn tỉa, Thân ghi dày đặc một cuốn sổ. Ông còn biếu anh hai cây mai nhỏ để về trồng thử. Khi trao cây cho anh ông nói “mai chiếu thuỷ”, “mai tứ quí” thì miền nào cũng sống được, khí hậu vùng nào cũng có thể cho hoa, riêng “mai vàng” thì không. Không biết ra ngoài đó nó có chịu ra hoa trong tiết lạnh không, bởi mỗi vùng đất, mỗi vùng khí hậu chỉ thích hợp với một loài cây mà thôi. May ra với sức trẻ và hiểu biết mới, anh có thể cải tạo nó... Thân hiểu lời nói của ông cụ như một lời nhắc nhủ và nhắn gửi sâu xa.
Đứng ngắm cây mai, ông Thân như thấy cả bóng hình ông cụ hồi đó. Cái giọng Huế trầm ấm như đang vang lên rành rọt: “...Đã chơi mai là phải biết yêu quí mai, phải tận tình chăm sóc nó. Nếu hững hờ, bạc đãi thì đừng mong nó trả nghĩa cho mình...”.  
Vậy thì tại sao cây mai đó lại ở đây, ở ngay trước mặt ông?
Mắt hướng về gốc mai mà hồn ông Thân như phiêu diêu. Có tiếng ô tô xình xịch đỗ sau lưng làm ông Thân giật mình. Một người cắp cặp bước xuống xe. Anh ta còn trẻ, có lẽ thua ông đến cả chục tuổi. Trong lúc chờ người nhà mở cổng, người đó đưa mắt nhìn lướt ông Thân một lượt, nét mặt đang khó chịu bỗng nhiên dịu xuống:“- Bác có vẻ yêu cây mai... Xin mời bác vào, mời bác...” Chủ nhà mở rộng cánh cổng, chìa tay mời ông Thân đi trước. Ngập ngừng giây lát, ông Thân mạnh dạn bước hẳn vào sân. Đây là cơ hội để ông được ngắm cây mai cho thoả thích.

Chủ nhà sau khi cất cặp rồi bước ra sân với giọng gọi với vào trong:
- Mang nước ra tiếp khách nghe!
Ông Thân như quì hẳn xuống cạnh cây mai. Hai chữ “Đại” và “An” đây rồi. Vào gần ông còn nhận ra trên cái rễ lớn phía bên này còn có một vết lõm mà hồi đó đã có. Ông đưa tay hết xoa nhẹ lên thân cây rồi đứng dậy lùi xa ngắm nghía.  Xem lại cây mai hôm nay ông Thân mới thấy tay nghề mình còn vụng dại lắm.
- Nghề chơi cũng lắm công phu đấy bác ạ... Giọng cười mãn nguyện của chủ nhà vang lên sau lưng làm ông Thân sực tỉnh.
- Vâng, vâng... Xin hỏi... cây mai này ông mua ở đâu ạ? - Thấy mình lỡ lời, ông Thân trở nên lúng túng.
- Bác cũng yêu cây đấy nhỉ. - Sau khi mời khách ngồi xuống bộ bàn ghế bằng đá nơi tiền sảnh, chủ nhà nói.

Ông Thân nhìn chủ nhà. Người đàn ông có lẽ mới ngoài bốn mươi đầy đặn, nở nang, da thịt mỡ màng, dáng khoan thai, sang trọng đẩy đến trước ông cốc nước cam vàng óng.
- Cây đẹp thế này ai chẳng mê hả ông.
- Thế à? Nhưng không phải ai cũng chơi được cây, đúng không bác?
- Vâng, ông nói chí phải.
Ông Thân giữ nguyên cốc nước cam trong tay ngồi nghe chủ nhà giảng giải luật chơi cây mà lòng mừng thầm. Cây quí được vào một nhà như thế này thì thật là tương xứng. Tuy trong bụng còn thắc mắc tại sao cây mai lại ở đây nhưng ông thấy không tiện hỏi.

Tối đó ông Thân viết một lá thư vào Huế. Tuy nhớ láng máng địa chỉ nhưng ông vẫn viết. Lâu lắm rồi ông mới viết thư vào trong đó, dù biết rằng mình là người có lỗi. Linh tính như báo cho rằng gia cảnh ông cụ đang có điều gì đó không ổn. Ông viết rằng nếu ai nhận được thư này hãy làm ơn cho biết tin tức của ông cụ và cho biết rằng cây mai quí của cụ hồi đó có còn không. Ông Thân không ngờ lá thư gửi bâng quơ như thế vẫn được hồi âm. Người biên thư trả lời ông lại chính là con gái cụ, người đã chăm sóc ông trong căn hầm bên bụi tre năm xưa. Lá thư trả lời cho ông biết rằng ông cụ đã mất năm một chín tám lăm. Người anh trai trở về được tiếp thu cả cái cơ ngơi to lớn đó nhưng không kế được nghiệp của cha. Cây mai quí đã bị anh bán đi để lấy một khoản tiền lớn. Cùng với tiền bán đất và cả vườn mai, anh ta đã vào mua nhà trong phố để buôn bán.

Như vậy là đã rõ.
Nhờ thế mà ông Thân được gặp lại cây mai. Giờ đây nó đã được trao cho một người xứng đáng làm chủ mới của nó. Anh ta là người hiểu luật chơi và biết chơi. Rồi nó sẽ được chăm sóc cẩn thận. Cây mai đã in đậm trong trí nhớ của ông suốt từ bấy đến nay giờ đang ở cạnh ông. Lâu nay, cứ mỗi bận tìm thế cho cây, loay hoay mãi, cuối cùng ông vẫn quay về dáng trực. Ông khó mà bứt ra khỏi cái dáng hiên ngang, vững chãi của nó. Thành thử cả vườn cây hàng trăm chậu, cây nào của ông cũng vẫn na ná nhau. Cho dù đó là “song thụ”, “huynh đệ”, “phụ tử” hoặc “tam đa”... Thế của cây nào cũng có phần ngọn vươn lên một cách mạnh mẽ, bất khuất. Hai cây mai ông mang ở Huế về cũng được ông tạo theo dáng của cây mai này. Mặc dù nó không thể nhiều hoa và đẹp được như cây mai của ông cụ nhưng ông cũng đã sung sướng đến mất ăn mất ngủ. Ông chọn đất để thay chậu cho mai theo đúng định kì, chọn nước sạch để tưới mai, che chắn gió lạnh cho mai. Ông chăm hai cây mai đúng như lời ông cụ dặn. Ông coi những việc làm của mình như là một sự biết ơn người đã cứu giúp và truyền nghề cho mình. Và hai cây mai đã trả nghĩa, tết nào cũng cho những chùm hoa. Dù chưa nhiều nụ, nhiều hoa như mai Huế thì hai cây mai cũng đã nói lên rằng bàn tay người làm ra nó cũng đã tài hoa.

Cây mai quí cách nhà ông hơn mười cây số. Đoạn đường từ nhà ông ra phố vốn đất mấp mô, lầy thụt giữa những ruộng rau đã được thay thế bằng đường bê tông. Vượt qua đoạn này, lên đường lớn, ông thong thả đạp hơn tiếng đồng hồ là tới nơi. Lâu lâu ông Thân lại đạp xe đi trên cái đoạn phố mới hình thành với sự khao khát được ngắm cây mai. Không muốn làm phiền chủ nhà, ông dựng xe đạp vào chân cột điện, cách cái cổng sắt sơn xanh một quãng ngắn rồi vào cái quán nước của một ông già dựng dưới gốc vông cạnh đó. Ngồi ở đây ông cũng có thể ngắm nó thoả thích.
Đã gần năm giờ chiều mà vẫn nóng hừng hực. Hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên, từ các mảng tường sơn vàng, sơn nâu phả xuống khiến cả người ông Thân ướt đẫm mồ hôi. Vừa dựng xe vào chỗ cột điện mọi khi, chưa kịp vào quán nước theo lời mời của chủ quán mà giờ đây ông đã quen, ông thấy phía trong cổng sắt có người đang tưới nước cho cây mai. Một người trung niên cầm cái vòi nhựa dí vào gốc mai. Luồng nước vọt ra xối thẳng vào gốc cây làm đất bắn tung toé. Ông Thân vội vàng chạy đến:
- Tưới như vậy không được đâu, mà sao lại tưới bây giờ?
Người kia sửng sốt buông vòi làm nước phun lênh láng mặt sân:
- Ông nói gì, sao lại không được?

Ông Thân nhìn kỹ cây mai. Trời ơi, mới có mấy tháng không ra thăm mà cây mai đã khác quá. Họ chăm cây như thế chả trách gì trông nó như người ốm nặng. Hoa đã rụng hết, từ các cành của nó mọc lên tua tủa những chồi non. Chẳng ai uốn tỉa nên các cành, các tán đã biến dạng, trông xa như một lùm cây. Màu xanh đậm, láng bóng của lá hồi nào đã chuyển sang khô xác. Lớp đất quanh gốc bị nước xói trôi làm trơ ra cái gốc già nua, những đoạn rễ trắng mốc. Đất trên mặt bồn bị nén đóng cứng và lổn nhổn sỏi.
- Thôi, vào uống cốc nước đã ông bạn già. Người chủ quán nước lên tiếng. Ông lo cho cây mai chứ gì? Chủ nhà chưa lo thì thôi chứ ông lo làm gì cho mệt. Uống nước đã. Chủ quán đặt ra bàn cốc nước mà mắt ông Thân cứ dán mãi vào cây mai.
- Rồi nó sẽ chết thôi ông ạ.
- Ông nói sao? - Ông Thân quay lại thảng thốt.
- Thì ông nhìn xem. Người chủ quán nước chỉ sang đống rác bên kia đường. Đống rác đang chờ công nhân vệ sinh mang xe đến dọn vất ngổn ngang mấy chậu địa lan quí đã héo quắt. Số phận nó rồi cũng như mấy chậu lan kia thôi. Họ vừa vất ra hôm qua đấy. Chủ quán chấm dứt câu nói bằng một nụ cười chua chát, méo mó.

Cuối năm ông Thân lên và chẳng thấy cây mai trong bồn nữa. Cái quán nước cũng đã dời đi, thay vào đó là một móng nhà lớn. Đứng ở cái cột điện, ông thấy cây mai đã bị đưa đi đâu không rõ. Thay thế nó trên cái bồn quí là một gốc cây khô to, thân cong queo. Từ gốc đến các cành của nó được quét một lớp dầu bóng pha màu nâu. Trên các cành  đính những tán, chẳng phải lá cũng chẳng phải là hoa, có lẽ được làm bằng nhựa mỏmg có màu da cam pha đỏ.
                                       N.N.L

(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Sao la (02/10/2008)
Ngày đi lạc (02/10/2008)
Mái chuồng gà (17/09/2008)
Kịch độc (15/09/2008)
Về làng (11/09/2008)