Truyện ngắn
Chương trình
16:05 | 17/10/2011
HẠO NGUYÊN 1. Trong căn phòng chạng vạng và thoảng mùi khói thuốc, hai người đàn ông trầm ngâm.
Chương trình
Minh họa: NHÍM
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

A lên tiếng trước, tuy thì thầm nhưng không giấu được sự sôi nổi:

- Tôi có một chương trình, rất thú vị. Không, không chỉ là thú vị, mà phải nói là rất tuyệt. Một chương trình vô cùng bi đát nhưng hết sức lộng lẫy.

A’ cười:

- Bi đát và lộng lẫy? Một sự tuẫn đạo chăng?

- Không, ồ không. Ờ ờ… mà cũng có thể gần giống như thế.

Im lặng. Rồi A lại lên tiếng, vừa như mời mọc, vừa như yêu cầu:

- Tôi muốn anh tham gia!

Lại im lặng. Rồi A’ cười, nụ cười chấp nhận:

- Nếu không tham gia thì tôi không thể trở thành tôi được, đúng không?

- Anh đồng ý?

A ngả người ra ghế, cười mãn nguyện.

- Khi nào thì tôi có thể bắt đầu?

- Sẽ sớm thôi. Tôi còn phải chuẩn bị một vài thứ. Nhưng anh yên tâm, sẽ sớm thôi.

- Một mình tôi hay còn ai khác?

- Sao lại một mình? Trên đời này làm gì có chương trình chỉ một người tham gia? Ngay cả người chết một mình cũng cần phải có rất nhiều người tham gia mới làm nên một đám tang!

2.

A đứng trước một túp lều nằm lọt thỏm trong khu vườn rậm rạp. Có vẻ ngoài cổng có một tấm bảng đề “Cấm tiếng động” hay sao, mà trong này yên tĩnh đến ngợp người. Anh lên tiếng, cố hết sức để không gây đường đột:

- Có ai ở nhà không?

Dù anh nói rất nhẹ, âm thanh gây ra vẫn làm con chuồn chuồn đang ngủ gục trên mái rơm giật mình, hoảng hốt bay.

- Ai thế?

Một lão già bước ra.

- Ông là Z?

Lão nhìn anh từ đầu đến chân, ngạc nhiên:

- Nếu tôi là X thì hóa ra ngay cả chính anh cũng không biết là anh đang đi đúng con đường của anh hay không à?

Lão già cắc cớ. Anh cười nhột.

- Tìm tôi có chuyện gì không?

Lão hạ giọng. Anh thở phào.

- Có chứ.

Anh không muốn đi ngay vào câu chuyện. Nhìn quanh, cười cầu thân:

- Tìm ông thật khó.

- Tôi ấy à? Tôi khó mà có thật!

Ông ta nói đúng. Anh nhủ thầm.

Ông ta khó mà có thật. Nhưng khó và dễ chỉ là hai khái niệm có tính ước lệ.

- Nào, có chuyện gì? Nói nhanh đi.

Tắt nắng là tôi biến đấy.

Anh ngồi xuống một gốc cây đã bị đốn.

- Tôi có một chương trình. Đã có vai chính. Muốn mời ông cùng tham gia.

Lão già nhìn xoáy vào anh:

- Chương trình của anh?

- Vâng.

Da mặt anh như rát lên trước cái nhìn của lão.

- Anh đi tìm người khác đi. Tôi không tham gia.

- Nhưng…

Lão cắt lời anh, thô bạo:

- Tôi không tham gia, anh có nghe rõ không nhỉ?

Anh kiên nhẫn:

- Đây là một chương trình rất sâu sắc, rất công phu, rất hoành tráng, rất… Anh cố tìm thêm vài tính từ nữa, nhưng chịu. Tôi nghĩ chắc chắn ông sẽ thích. Và, sự tham gia của ông sẽ giúp chương trình thêm hấp dẫn.

Anh cố lấy lòng lão.

- Nói thật với anh, lão ngồi xuống gốc cây, giọng uể oải, nói thật nhé, anh đừng buồn! Tôi biết từ chối anh là một việc bất nhẫn, nhưng thật sự tôi không muốn tham gia bất cứ chương trình nào, bất cứ tiết mục nào. Anh hiểu chứ? Lão nhấn từng chữ. Bất - cứ!

- Vì sao?

Giọng anh yếu hẳn.

- Anh biết đấy, mọi chương trình đều sẽ kết thúc, mọi tiết mục đều phải hạ màn. Từ lâu tôi đã không muốn là một yếu tố làm nên cái phù phiếm và hư ảo ấy.

- Nhưng trong ấy, ông sẽ được là ông.

Lão già đứng lên, cười sang sảng.

- Khi tôi không là tôi thì tôi sẽ là tất cả. Điều đó chẳng tuyệt hơn sao?

Rồi lão đổi giọng, nhìn xuống anh, đầy thương cảm.

- Anh không hiểu điều ấy à? Nắng tắt rồi đấy. Tôi biến đây. Anh cũng về đi! Chẳng lẽ anh muốn rủ rê bóng đêm tham gia chương trình?

Tia nắng chót ngã nhào sau hàng chuối. Lão biến thật. Mất tăm.

3.

A’: Cần thiết phải có lão ta tham gia à?

A: Ừ.

A’: Tại sao?

A: Lão sẽ giúp anh thấy điều anh muốn thấy, phải thấy.

A’: Ngón tay chỉ mặt trăng?

A: Chính xác là vậy.

A’: Thế bây giờ làm sao?

Im lặng một lát. Bóng chiều tràn vào cửa sổ.

A’: Bàn tay có mấy ngón?

A: Mười. Hỏi hay nhỉ?

A’: Vậy thì còn nhiều ngón khác.

A: Nhưng chỉ có hai ngón trỏ thôi.

A’: Khi cần có thể dùng ngón út. Thậm chí cả những ngón chân!

Lại im lặng. Khói thuốc lởn vởn.

A’: Hay là tìm một vai nữ?

A: Chắc chắc rồi. Tôi đã tính thế. Nếu không, anh sẽ chỉ là một tồn tại khuyết.


4.

Ngoài kia là biển xanh rì. Và mênh mông. Ngay cả suy nghĩ về nó cũng đủ mệt, huống gì đi hết bề mặt của nó. Nhưng sao cô ta nhìn biển mãi?

- Em trả lời đi chứ? Thế nào?

Cô gái nhìn anh. Đôi mắt rất ướt.

- Có em hay không cũng đâu giải quyết được vấn đề gì.

- Sao lại không? Em là một phần không thể thiếu của chương trình.

Anh nhìn theo hướng đôi mắt cô.

Vẫn biển.

- Thậm chí là một phần không thể thiếu của anh ta.

Cô gái cười. Xanh xao.

- Không phải. Em chỉ là cái gì đó rất phụ, rất đệm vào. Hoàn toàn không quan trọng. Em biết.

Anh nhìn cô, chưa kịp phản đối.

- Vả lại, anh ấy quá cô độc.

Cô nhặt một cánh hoa sen rụng trên bàn.

- Em có tham gia hay không thì anh ấy vẫn cô độc. Mà anh biết rồi đấy, em vốn rất sợ hãi sự cô độc. Và sợ cả sự vô nghĩa của chính mình.

Anh nhìn cánh hoa sen trong lòng bàn tay cô. Một bàn tay đẹp.

- Nếu em không tham gia, em cũng vẫn sẽ cô độc.

Đôi mắt rất ướt nhìn anh:

- Có cần thiết phải nhân sự cô độc lên hai lần không anh?

Một làn hương dịu nhẹ len vào khướu giác anh. Sen!

- Sen sắp khép cánh rồi. Em phải đi đây. Thật tình xin lỗi anh!

Cô ngập ngừng giây lát:

- Và anh ấy!

5.

A’: Nếu tham gia, cô ấy sẽ đi hết chương trình chứ?

A: Không. Có lẽ không. Đến một lúc nào đó thôi.

A’: Vai trò của cô ấy là gì, ngoài việc giúp tôi không phải là tồn tại khuyết?

A: Giúp anh tự soi chiếu một số điều trong chính anh.

A’: Bằng tình yêu?

A: Có lẽ.

A’: Chúng tôi có giao tình với nhau chăng?

A: Đến một thời điểm nào đó, một cuộc giao tình có tính lễ nghi.

A’: Một cách để đạt đến Nhất Thể? Như tín ngưỡng của các tộc người cổ đại?

A: Chính xác là vậy.

A’: Rồi sau đó?

A: Cô ấy rời chương trình. Còn anh tiếp tục.

A’: Nghĩa là tôi vẫn chưa thấy mặt trăng?

A: …

A’: Vậy cô ấy cũng không giúp giải quyết mục đích cuối cùng của chương trình?

A: …

A’: Sao phải thắp lên một ngọn lửa rồi dập tắt vì nó không phải là mặt trăng?

6.

Cậu bé nằm lười bên cạnh con cọp. Cặp mắt con thú dữ nhìn anh đầy nghi ngờ.

- Cháu không tham gia đâu.

Anh giữ một khoảng cách tương đối xa. Thậm chí không nên nhìn cái lưng của cọp, đừng nói đến chuyện cưỡi lên lưng hoặc vuốt râu của nó.

- Chú đừng sợ! Cứ đến gần đây! Có cháu, nó sẽ không làm gì chú đâu.

Anh rón rén xích gần thêm chút nữa. Chủ yếu vì muốn nghe rõ giọng cậu bé.

- Đây là một chương trình rất thú vị, rất hấp dẫn. Cháu sẽ có dịp vào rừng rậm Amazon để vui chơi với cọp và sư tử, qua châu Phi để cưỡi ngựa vằn, sang Úc để chơi đà điểu, và về Ấn Độ để xem voi.

- Ứ ừ, cháu không.

- Sao thế?

- Cháu không thích tham gia các chương trình của người lớn.

Anh nhăn mặt.

- Nhưng mà…

- Người lớn lúc nào cũng rắc rối, nhiễu sự, phiền toái.

- Nhưng mà…

- Nhiều người còn cố tình tỏ ra nguy hiểm. Cháu ghét nhất là thế. Không có gì cả mà vẫn cố tình tỏ ra nguy hiểm!

- Nhưng mà…

- Chương trình của người lớn lúc nào cũng đi xa, lúc nào cũng có ngã ba ngã bảy, lúc nào cũng có cạm bẫy, lúc nào cũng có dừng lại suy nghĩ hoặc thậm chí quay lui…

Anh im lặng. Anh còn biết nói gì?

- Chẳng có gì mới lạ, cháu biết mà. Chán lắm. Chẳng có gì vui vẻ và an toàn, cháu biết mà. Mệt lắm. Tóm lại, cháu không thích.

Anh thở dài. Không có gì khó chịu bằng cảm giác thất bại. Đây là lần thứ ba.

- Chú nán lại tí nữa, cháu dẫn vào xem mấy con cọp con, mới đẻ. Ngộ lắm!

7.

A: (thở dài) Cả thằng bé cũng từ chối.

A’: Cũng phải. Chương trình này có vẻ quá sức nó.

A: Còn tùy. Nhiều khi một đứa trẻ lại chứa nhiều năng lượng hơn chúng ta.

A’: Cũng phải. Thế nếu tham gia, nó sẽ đồng hành với tôi?

A: Tất nhiên.

A’: Đến hết hành trình?

A: Không, cũng chỉ đến một lúc nào đó.

A’: Thế ý nghĩa của nó là gì?

A: Nó là tuổi thơ vĩnh cửu. Là cái hồn nhiên nhi nhiên của nhân loại. Nó, cũng như cô gái, hoặc lão già, sẽ giúp cậu, trong một chừng mực nào đó, soi chiếu chính mình.

A’: (trầm ngâm) Tuổi thơ vĩnh cửu? Vậy thì trong tôi cũng đã từng có nó?

A: Chính xác là vậy.

A’: Nó chính là phần quá khứ nguyên sơ của tôi, là bản lai của tôi, còn tôi lại là phần tương lai đã tha hóa của nó?

A: Chính xác là vậy.

A’: Nếu vậy tôi biết tin tôi hay tin nó trong chương trình này?

A: …

A’: Nó không tham gia có khi lại là một điều hay. Có nó, biết đâu tôi hóa điên vì dằn vặt?

A: Tôi nghĩ kỹ rồi. Còn một người nữa.

A’: Ai?

A: Đàn ông. Khoảng chừng tuổi anh. Cũng muốn tham gia một chương trình lớn. Cũng đầy đam mê và dằn vặt. Tôi nghĩ anh ta sẽ là đồng hành tuyệt vời với anh.

A’: (nhắm mắt và im lặng)

8.

Tôi đã bắt đầu chương trình. Một mình. Lão già, cô gái, em bé, tất cả họ đã từ chối. Tôi không muốn chờ người thứ tư. Tôi biết là anh dự định cả hai chúng tôi sẽ đi với nhau đến hết chương trình. Nghĩa là sẽ cùng nhau đến nơi cần đến, cùng nhau tìm được cái cần tìm. Nhưng đích đến đâu phải là giải Nobel để cả hai đồng sở hữu? Và mặt trăng đâu phải là cái bánh để bẻ đôi?

Chân lý là cái gì đó hoàn toàn không thể chia phần.

Tôi biết chắc: đây phải là một chương trình riêng của tôi. Một mình tôi. Đơn độc. Không cần và không thể có sự can dự của người thứ hai.

9.

Trong căn phòng chạng vạng và thoảng mùi khói thuốc, chỉ còn một người đàn ông trầm ngâm trước xấp giấy trắng. Tuyệt đối trắng.

Nhân vật của mình bắt đầu chương trình gì của anh ta, trong khi tác phẩm của mình vẫn chưa bắt đầu một chữ nào?

H.N
(272/10-11)







Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Giáng Kiều (10/10/2011)
Sống chậm (30/09/2011)
Trăng hạ tuần (09/09/2011)
Tiểu đầu đà (26/08/2011)
Dòng sông máu (21/08/2011)
Buổi sáng (26/07/2011)
Suối nàng tiên (28/06/2011)