Cơ duyên tiền định, người con trai nhỏ một hôm đang buổi ôn bài, tha thẩn dạo chơi nơi rừng vắng, bỗng gặp một nhà sư đi ngang qua. Hai bên chuyện trò, đạo căn của người trẻ tuổi được tưới, bỗng chốc nảy ý tu hành, bèn trở về xin với cha mẹ cho theo thầy học đạo. Từ đó, mái nhà tranh trở nên quá rộng rãi, mà cái chí làm giàu của người cha từ đó cũng nhạt nhoà, chỉ làm ăn siêng năng theo bản tính. Nhà cứ thế nghèo. Dù nghèo nhưng tính ông bà rất hoà mục và hào sảng, luôn lấy cái tâm trong sáng đãi người.
Một hôm, có một kẻ ăn mày đói rét lạc bước tới nhà. Ông bảo vợ lấy cơm cho ăn, lấy áo cho mặc. Chừng hết đói, đỡ rét, kẻ ăn mày cám ơn lạy tạ ra đi. Thấy anh ta là một người khoẻ mạnh, căn cốt không phải kẻ hèn, không biết cơ phận thế nào mà phải làm kiếp ăn mày, ông động lòng thương. Bèn gọi lại bảo ở cùng ông bà, giúp việc nhà, đói no cùng chịu, thoát kiếp ăn xin hèn kém. Thấm thoắt đã mấy mùa mưa nắng, kẻ ăn mày năm xưa giờ trở thành một anh nông dân vạm vỡ, giỏi giang, cáng đáng tất cả việc đồng cho hai ông bà già. Ông bà đứng ra lo cưới vợ cho anh ta, lại thấy con dâu chăm chỉ hiền lành, càng thương hơn; bèn sẻ nửa vườn nhà cấp cho hai vợ chồng trẻ để ra riêng. Gọi là riêng nhưng vẫn chung một khu vườn cũ, chỉ có cái sân là chung, dùng để phơi lạc.
Cái lá có hai mặt, con người dễ có hai lòng. Kẻ ăn mày năm xưa, nay nhờ sức khoẻ, vợ chồng cùng chí thú làm ăn nên của cải gia tăng, trong nhà có lắm người làm công, lòng tham cũng từ đó dần dần phình to, lấn át nghĩa tình. Hai vợ chồng vẫn chưa thoả lòng tham đã sở hữu mấy mảnh đất rộng qua nhiều lần mua đi bán lại, cứ chăm chăm lập mưu chiếm cái sân phơi của ân nhân ngày cũ. Đầu tiên là việc xin vạch vôi phân định chỗ phơi để khỏi nhầm khi xúc lạc mang đi bán hoặc cất vào kho. Đưa ra ý kiến, ân nhân vui lòng gật đầu vì thấy cũng chẳng hại gì. Cho nó cả nửa mảnh vườn còn chẳng tiếc, tiếc gì một góc sân phơi! Được thể, anh ta lấn dần, lại dùng tiền mua chuộc lý trưởng, hương chức, quan lại từ huyện đến phủ để dụng kế dài lâu. Ân nhân ngày mỗi già, chí ganh đua với đời ngày mỗi giảm, chỉ ưa vui thú trong lòng.
Đến một hôm, anh ta lấy cớ lạc nhiều lạc ít, sân rộng sân hẹp để chửi bới ân nhân, lại còn đe bóng đe gió về sức mạnh thế lực nhờ đồng tiền mà có của anh ta. Người giúp kẻ khó năm xưa biết lòng kẻ chịu ơn đã đổi, chỉ tặc lưỡi đọc nhẩm câu ca: “Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhơn, nhơn trả oán”. Chuyện nhùng nhằng được ít lâu, hai ông bà già đành chọn chước mắt lấp tai ngơ cho qua ngày tháng vì nghĩ rồi ai cũng đến lúc xuống mồ. Kẻ đắc thời đắc lộc lại lấy thế làm điều hay, cứ khoai bở đào mãi. Cho đến một hôm, khi thấy thế mình đã vững, sau lưng có quan lại chở che, hắn bèn kiện lên quan, đòi chuyện ngược đạo đời, muốn cướp trắng cái sân của ân nhân ngày cũ, nay đã thành cái gai chắn bước anh ta.
Quan từ lâu đã giao du với hắn, lại có đôi phen hú hí với vợ của hắn ta, nên bày ra một cách xử lạ đời. Cho cả hai tùy ý chọn một trong hai điều: hoặc cái sân hoặc đống lạc đang phơi trên đó. Hắn thì muốn cả hai, ngặt nỗi phải nghe lời quan trên sắp xếp. Do dự mãi, hắn bèn xin rút thăm, tiếng là may nhờ rủi chịu, nhưng lẽ nào quan để hắn chịu thiệt bao giờ. Được hay mất cũng do bàn tay sấp ngửa trắng đen của quan mà ra cả. Xưa thế, nay càng thế, lại càng tinh vi, trắng trợn, bỉ ổi, ghê tởm và tàn nhẫn hơn xưa nhiều. Hắn cứ tưởng ông già chấp thuận chuyện rủi may để họa chăng còn đất. Ai ngờ, ông già nông dân chất phác lại quá đỗi ngu đần, theo như hắn và các quan suy nghĩ, nhất định không chịu bốc thăm, thản nhiên xin chọn lạc, nhường cái sân cả đời khai phá gìn giữ cho kẻ ăn mày được mình cứu sống. Cả quan lại lẫn kẻ đi kiện đều nở ruột nở gan vì chuyện khó coi bỗng trở nên dễ đến không ngờ. Tối đó, hắn cùng quan lại huyện nhà và hương lý trong làng vùi trong men rượu, bất cần biết quan huyện bỏ đi đâu. Quan đã đi riêng cùng vợ hắn, tìm chỗ để thoả lòng tham hưởng thụ cái thơm ngầy ngậy của mùi da thịt gái ruộng đồng đang độ hồi xuân. Hắn được mảnh đất lớn thì mảnh đất nhỏ với dúm cỏ mất đi cũng chẳng tiếc gì!
Xong vụ kiện ít lâu, người con trai cùng sư thầy ghé ngang nhà. Biết chuyện, người con trai hỏi: - Thưa cha! Vì sao cha chọn lạc mà chẳng chọn cái sân? Sân là vật do chính công mẹ cha khai phá, lại không bị hao hụt thất thu vì thời tiết, đã có thì khó mất, vì vậy nó có tính vững bền. Lạc là thứ có tính thời vụ, khi được khi mất không bền. Vì sao cha bỏ dài chọn ngắn, lấy tạm bợ, bỏ vững bền, thưa cha? Người cha già cười nhẹ, trả lời con: - Sân đất mà con nhìn thấy là cái có tính giới hạn, đã có rộng ắt có hẹp. Ai dám bảo là nó không thể đổi dời? Nó trước đây vốn là đất rừng, sau thành mảnh vườn nhờ công cha mẹ khai phá, chăm lo. Biết đâu sau này, nó lại chẳng hoá thành rừng cũ hoặc trở nên một vũng lầy? Đã có được thì có mất. Trời chẳng cho ai được hẳn, chẳng buộc ai mất hẳn. Vì thế, cái sân mà con nhìn thấy chỉ có tính tạm bợ. Lạc là thứ do ta làm ra, mầm lạc do ta ươm trồng, quả lạc tất nhiên ta thụ hưởng và cho người khác hưởng cùng, không lúc này thì có lúc khác, vì vậy nó có tính dài lâu, lại không thay đổi về chất. Bỏ cái tạm bợ trước mắt, chọn cái dài lâu là ý muốn của cha mẹ đó, con ạ! Con tu học đã bao năm, hẳn là hiểu ý của cha muốn nói?
Người con nhíu mày suy nghĩ hồi lâu. Chợt ngẩng đầu lên tươi cười hớn hở: - Thưa cha! Con đã hiểu. Sân là cái khó bỏ, nó làm lòng ta trĩu nặng, mắt ta dễ mờ. Lạc là cái đem lại cho ta niềm vui, lòng yên, óc nhẹ chẳng ưu phiền. Con từ lâu bỏ sân tìm lạc mà không biết. Giờ được cha chỉ rõ ngọn ngành, thật là đại hạnh! Nhà sư đi cùng nãy giờ nghe hai cha con đối đáp, bấy giờ mới cất tiếng cười vang: - Ha ha! Hay thật, hay thật! Thiện tai, thiện tai! Bỏ sân tìm lạc, Lão nông thực quả đạt đạo rồi! Nói đoạn, quay qua học trò, cười bảo: - Ngươi còn theo ta làm gì! Cha ngươi chính thực là thầy của ngươi đó! Nói xong, thoắt cái nhà sư biến mất. Người con từ đó ở nhà làm lụng phụng dưỡng mẹ cha, trở nên cư sĩ thuần thành. Huế, mùa Phật Đản 2004 P.X.P
(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)
|