Truyện ngắn
Hồn rừng
08:43 | 23/12/2011
HOÀNG TÙNG Ăn của rừng rưng rưng nước mắt                                 (Tục ngữ)
Hồn rừng
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 1.
Thằng Tuấn tìm đến buôn Ma Nết. Với một kẻ lăn lộn chốn đô thị như hắn thì buôn Ma Nết là một nơi bị nguyền, một vùng đất bị lãng quên. Buôn nằm cheo leo bên sườn ngọn núi Chư Yang Sin, xa xa là dòng sông Krông Ana cuộn chảy ầm ì suốt ngày đêm.

Buôn Ma Nết hoang sơ, gần như biệt lập khỏi cuộc sống văn minh. Người dân nơi đây hồn nhiên như cỏ dại. Như thế lại hay. Thằng Tuấn thích những người hồn nhiên, càng hồn nhiên càng tốt. Hắn mong lão Y Bia cũng là một kẻ hồn nhiên như những người dân Ê Đê ở buôn Ma Nết. Càng hồn nhiên, càng dễ bị lừa, càng dễ bị thuyết phục. 

Nhưng hóa ra nhà lão Y Bia không ở trong buôn Ma Nết mà ở tít ngoài rìa rừng. Ngôi nhà rách nát lụp xụp nằm chon von đơn lẻ như một cọm nấm đơn côi. Lão Y Bia đang ngồi dựa cửa mắt nhìn xa xăm. Mái tóc lão bạc trắng rưng rưng. Lão chậm rãi nhấc ống tẩu thuốc ra khỏi mép, ngửa cổ lên trời rồi nhả khói. Làn khói buông lảng luẩn quẩn xung quanh khuôn mặt quắt queo của lão tạo nên một màn sương bí ẩn lạ. Lão ngước mắt nhìn thằng Tuấn rồi lẩm bẩm: “Trời sắp mưa, sắp mưa to lắm đấy”. Thằng Tuấn ngước nhìn lên trời. Xa xa về phía thượng nguồn dòng sông Krông Ana là một quầng mây đen đang lừng lững lao đến như một con giao long khổng lồ nhe nanh múa vuốt.

Thằng Tuấn cố nở một nụ cười xã giao, chào lão Y Bia. Lão già im lặng, chỉ nhìn như muốn hỏi hắn đến có việc gì. Thằng Tuấn liền đi thẳng vào mục đích chính: “Cháu ở chỗ anh Toàn “củi”. Anh Toàn bảo cháu lên mời chú xuống thị xã để cùng bàn chuyện làm ăn”.

Lão Y Bia nhếch mép: “Làm ăn cái gì lũ chúng mày. Lại rủ tao đi phá rừng đúng không?” Thấy lão già nói toạc đúng tim đen, thằng Tuấn hơi lúng túng. Lão Y Bia sầm mặt: “Cút! Cút xéo!!!” Tiếng thét của lão già vang lên, cùng với đó là một tiếng sét long trời lở đất. Thằng Tuấn giật nẩy mình. Mắt lão già long lên sòng sọc. Rồi lão quay ngoắt người, lập cập đứng lên chui vào trong căn nhà lụp xụp.

Thằng Tuấn tần ngần: “Mẹ kiếp! Mất bao nhiêu công lên đến đây. Tưởng mọi chuyện ngon ăn, ai dè lại bị lão già xua như xua tà thế này”. Bỗng “Lộp bộp! Lộp bộp!” Từng hạt mưa rơi xuống. Rồi rào rào. Mưa như trút nước, ào ạt, trắng xóa. Thằng Tuấn vội nép vào hiên nhà lão Y Bia. Gió rừng theo mưa tràn về lạnh buốt. Trời tối sầm lại. Thằng Tuấn đứng co ro run rẩy trước cái lạnh cuối chiều.

Một lúc sau, lão Y Bia trong nhà đi ra. Thằng Tuấn thấy lão già nhìn mình dò xét, hắn vội phân trần: “Trời mưa quá. Chú cho cháu trú mưa nhờ đây một chút. Bao giờ hết mưa cháu đi”. Lão già gục gặc đầu rồi nói: “Người Ê Đê không hẹp bụng đâu. Mày đứng đấy mưa hắt ướt hết người. Vào hẳn trong nhà mà trú mưa. Trời mưa kiểu này không biết bao giờ mới hết!” Nói đoạn lão trùm áo mưa lên đầu. Bóng lão dần mất hút sau màn mưa mờ mịt.

Thằng Tuấn bước vào trong căn nhà. Căn nhà tuềnh toàng, tối tăm, lụp xụp, chẳng có bất cứ một chút đồ vật nào đáng giá. Vật giá trị nhất trong căn nhà có lẽ là rượu, lão Y Bia tích trữ đủ các loại ché rượu khác nhau. Bếp lửa liu riu lách tách. Hắn vội bước lại gần bếp lửa, ném thêm vào chút củi rồi xoa xoa tay sưởi ấm.

Ánh lửa bập bùng. Mưa vẫn rơi ào ạt. Dù đã được Toàn “củi” cảnh báo nhưng thằng Tuấn cũng không ngờ được lão Y Bia lại nóng tính đến thế. Trời mưa có khi lại may. Giờ hắn ở đây, trong nhà của lão già, lại có rượu bên vách. Hắn vạch ra kế hoạch. Trước tiên là làm thân, uống rượu với lão già đến mềm môi, khi ngà ngà say, hắn sẽ tỉ tê thuyết phục dần dần, lão già này kiểu gì cũng xuôi theo thôi.

2.

Nhưng đến hôm nay thì thằng Tuấn thấy mình chẳng may mắn chút nào. Việc thuyết phục lão Y Bia hóa ra khó khăn hơn hắn tưởng tượng.

Trời mưa to. Nước mưa đỏ quạch chảy từ rừng ùa về biến buôn Ma Nết thành một hòn đảo đơn côi. Mà ngôi nhà của lão Y Bia lại là nơi đơn côi nhất giữa hòn đảo đơn côi.

Thằng Tuấn cứ nghĩ rằng được ở lại, hắn sẽ có nhiều thời gian nói chuyện và thuyết phục lão già. Theo như thằng Toàn “củi” nói thì lão Y Bia đã từng theo bọn lâm tặc phá rừng. Cứ lựa lời thuyết phục, kiểu gì lão cũng “ngựa theo đường cũ”. Thằng Tuấn suy nghĩ: “Lão đã từng đi “ăn” gỗ thì hẳn là kẻ thèm tiền. Cứ đem tiền ra dụ chắc được”. Tối hôm trước, khi ngồi quây cùng nhau bên bếp lửa, hắn đã gợi chuyện: “Bọn cháu đã có đầy đủ phương tiện, chỉ cần người dẫn đường. Chú chỉ cần chỉ đường đến những vạt rừng có nhiều cây to, xong việc chú sẽ có nhiều tiền, tha hồ mà tiêu xài uống rượu”. Lão Y Bia nghe xong bậm tím cả mặt quát to: “Mày tưởng tao thèm tiền à? Tao cần gì tiền? Cút ngay ra khỏi nhà tao”. Thằng Tuấn phải xin lỗi rối rít rồi tạm lánh ra ngoài hiên đứng. May mà lúc đó lão già đã say đến bảy tám phần nên một lúc sau lão đã lăn quay ra ngủ. Thằng Tuấn thấy êm xuôi lại chui vào trong nhà.

Hôm nay, lúc tỉnh dậy, thấy thằng Tuấn vẫn đang ở trong nhà, lão già cũng chẳng nói gì. Có lẽ lão đã say đến tám chín phần lúc đuổi thằng Tuấn. Mà cũng có thể lão vẫn nhớ nhưng tại trời mưa to quá. Lão có đuổi thì hắn cũng chẳng dám đi đâu dưới trời giông gió thế này. Có điều, cơn giận của lão Y Bia khiến thằng Tuấn thực sự bối rối. Lão không thích tiền, thế thì lão thích gì? Đời một thằng đàn ông cần nhất là tiền, là quyền, là gái! Hắn không có quyền lực để dụ dỗ lão Y Bia. Mà lão già sống ở buôn làng xa tít tắp này thì cần chó gì quyền lực? Hay là lão thích “em út”? Lão già thế rồi, chẳng hiểu có ham hố cái khoản đấy không? Thằng Tuấn vò đầu bứt tai, có một thứ lão già chắc chắn thích, đó là rượu. Thế nhưng rượu thì lão chẳng thiếu. Lúc nào hắn cũng thấy lão già lật ngật say.

3.

Trời vẫn mưa tầm tã. Đêm đen kịt, đặc quánh. Thằng Tuấn vứt thêm ít củi vào bếp cố xua đi cái lạnh. Hắn thầm oán trách thằng Toàn “củi”. Cái thằng khốn nạn đó giờ chắc vẫn đang ở dưới thị xã ôm ấp mấy ả cave.

Cơn gió lạnh từ rừng xa ùa về khiến thằng Tuấn co ro.

Nhớ lại cái hôm thằng Toàn “củi” bảo hắn lên thuyết phục lão Y Bia, hắn cứ nghĩ đó là việc ngon ăn. Thằng Toàn “củi” ngon ngọt: “Nhìn mặt mũi mày sáng sủa, có khi lão già đó lại có cảm tình. Mày có học, khéo ăn nói, thuyết phục lão chắc dễ chứ lần nào tao vác mặt lên cũng bị lão đuổi như đuổi tà”. Thằng Tuấn thắc mắc: “Anh coi trọng lão thế cơ à? Lão làm gì mà phải mời lão bằng được như thế?” Thằng Toàn “củi” cười: “Mày đéo biết gì cả. Có lão chỉ đường thì anh em mình mới đến được những vạt rừng nguyên sinh. Lão cũng biết những đường nhỏ tránh kiểm lâm. Có lão làm hoa tiêu thì anh em mình chắc thắng”. Rồi thằng Toàn “củi” vỗ vỗ vai thằng Tuấn: “Chỉ cần trúng vài quả thôi, anh em mình cứ gọi là ăn chơi thoải mái”. Nói đoạn thằng Toàn “củi” giơ tay vỗ đánh bốp lên mông ả cave đang nũng nịu ngồi cạnh, cười khành khạch khả ố.

Thằng Tuấn cứ tưởng tượng đến cái thân hình còm nhom của lão Y Bia. Mấy ả tiếp viên đó mà quấn quanh lão thì khác gì mấy con trăn hoa cuốn quanh một cành củi? Không biết lão già này có máu “em út” hay không?

Thử lấy con bài này dụ dỗ lão xem, có khi lại hiệu quả.


4.

Bếp lửa bập bùng lách tách. Thằng Tuấn bỗng để ý phía góc tường chỗ lão Y Bia ngủ có một bàn thờ nho nhỏ. Hắn tiến lại gần. Đúng là một cái bàn thờ. Hắn nhổm nhìn. Trên bàn thờ là ảnh chụp một người phụ nữ và một cô gái trẻ trông giống lão Y Bia như tạc. Đó là bàn thờ vợ con lão.

Thằng Tuấn chưa dám hỏi gì lão Y Bia về quá khứ của lão. Thằng Toàn “củi” đã dặn rồi: “Đừng có hỏi linh tinh. Lần nào hỏi về chuyện gia đình, lão già cũng nổi cơn điên lên đấy”. Trước khi lên gặp lão Y Bia, thằng Tuấn chỉ nghe loáng thoáng rằng lão già chặt phải cây ma nên bị con ma rừng phạt khiến vợ con lão phát điên rồi tự treo cổ. Người khác thì bảo con ma rừng nhập vào lão khiến lão lôi cả vợ và con gái vào rừng đập chết từng người một. Mỗi người kể một kiểu, chẳng biết đâu là sự thật. Chỉ biết rằng lão Y Bia không ở ngôi nhà hồi xưa trong buôn Ma Nết nữa mà dựng một căn chòi nhỏ ven rừng sống biệt lập ở đó.

Mưa ngớt.

Đêm đen kịt.

Không gian bỗng nhiên tĩnh lặng một cách đáng ngờ.

Tiếng mọt cắn gỗ cọt kẹt từ ban thờ vọng ra rõ mồn một khiến thằng Tuấn bỗng nhiên hơi sợ. Ánh lửa nhấp nhổm chập chờn. Hình như người phụ nữ trong ảnh vừa cử động. Lạ thật. Hắn nhìn sâu vào bức ảnh. Đứa con gái trong ảnh bỗng trợn trừng mắt nhìn thẳng vào hắn. Thằng Tuấn khiếp hãi bật ngửa ra đằng sau rồi lồm cồm nhỏm dậy. Củi trong bếp lò chợt nổ lên mấy tiếng khiến hắn giật mình. Ngọn lửa bắt vào thanh củi bừng lên chiếu vào bóng hắn. Chiếc bóng đổ dài in lên vách cong queo ma quái.

Bỗng thằng Tuấn cảm thấy như có tiếng thở thổi ngay sát bên tai khiến tóc gáy dựng đứng. Hắn giật mình ngoảnh lại đảo mắt xung quanh nhưng không có một bóng người. Chỉ có tiếng củi nổ lép bép và tiếng mọt nghiến gỗ cọt kẹt cọt kẹt. Trên bức vách nhà, ánh lửa bập bùng phản chiếu bóng đen của hắn đang nhảy nhót như một bóng ma trong vũ điệu thầm lặng ghê rợn.

Gió từ đâu lùa về lao xao cây lá khiến những giọt mưa rụng xuống rào rào. Căn nhà lạnh toát.

Thằng Tuấn thấy run rẩy co ro. Hắn tự nhiên nhớ lời dặn của thằng Toàn “củi”: “Mày phải cẩn thận. Nhà lão Y Bia bị ma ám đấy. Lão già đấy cũng bị ma ám. Lão mà yểm bùa cho thì hết đường về”.

Bỗng một tiếng “Kẹt!” sắc mảnh. Thằng Tuấn giật bắn mình. Lão Y Bia mở cửa phên liếp bước vào. Người lão ướt lướt thướt. Chắc lão say rượu, vứt áo mưa ở đâu rồi. Lão lừ đừ nhìn quanh nhà rồi khật khừ, giọng đầy hơi rượu: “Mày chưa ngủ à? Sao mà mặt tái mét thế?” Thằng Tuấn gượng cười: “Như là có ma trêu ý chú ạ. Sợ quá!”. Lão già cười bí ẩn: “Ma trêu thật đấy. Cây rừng cũng có linh hồn. Cây bị chặt đi biến thành ma rừng. Ở rừng này thiếu gì ma. Không cẩn thận rồi sớm muộn gì mày cũng sẽ bị ma rừng bắt”. Hắn hít một hơi cố làm vẻ trấn tĩnh: “Làm đếch gì có ma? Cháu chẳng tin”.

Bỗng dưng ngoài trời có tiếng gió thổi ào ạt. Rừng cây xào xạc. Mưa rơi sầm sập trở lại. Tiếng mưa rào rào như một đàn bò rừng đang chạy qua rầm rập. Hơi lạnh ở đâu luồn qua kẽ liếp thổi vào gian nhà trống lạnh lẽo. Thằng Tuấn hơi co người lại xuýt xoa.

Lão Y Bia nghe ngóng rồi chẩu mỏ: “Đấy, ma rừng đấy! Con ma rừng theo tao bao nhiêu lâu nay rồi mà nó chưa buông tha cho tao”. Thằng Tuấn sợ  hãi nhìn lão lo ngại: “Chú nói thật hay đùa đấy? Cháu có thấy con ma rừng nào đâu? Trông nó như thế nào?” Lão Y Bia thất thần nhìn vào bóng đen của lão đang rung rung trên tường. Bỗng lão nôn thốc nôn tháo. Rồi lão quỵ xuống nằm bẹp dưới sàn nhà. Lão nằm thiêm thiếp, say rượu đứ đừ.

5.

Lão Y Bia ốm nặng. Đêm qua lão ướt nhẹp, người lại có hơi rượu, về lại nằm chỏng lỏng rét mướt giữa gian nhà huyếch hoác nên bị cảm nhập tâm. Sáng nay, người lão nóng như lò than, không gượng dậy nổi, giọng khò khè như một con mèo hen.

Trời mưa dần tạnh.

Thằng Tuấn định đi nhưng thấy lão Y Bia ốm quá nên nán lại chăm sóc. Lão cố lọng khọng cuốn lấy cái chăn cũ cáu bẩn, ngồi dựa vào góc nhà, run lên từng hồi lập cập. Lão thèm rượu, bảo thằng Tuấn đưa rượu cho mình uống. Lão uống được một chút là lập tức nôn ra hết. Thằng Tuấn bỗng trở thành bảo mẫu bất đắc dĩ cho lão già. Hắn châm to củi lửa, nấu lấy nồi nước ấm chườm trán cho lão Y Bia. Sau đó hắn tê tái lấy chút gạo nương trộn ngô nấu cháo cho lão già.

Lão Y Bia nhúc nhắc ăn rồi nhìn thằng Tuấn giọng khản đặc: “Mày nấu ăn như cứt ý!” Thằng Tuấn gãi đầu: “Cháu không biết. Bình thường ở nhà có bao giờ cháu phải nấu ăn đâu”. Lão già gục gặc đầu, mắt bỗng ánh lên xa xôi: “Mày phải lấy vợ rồi đẻ con đi. Con gái là tốt nhất. Như con gái tao ý. Nó nấu ăn ngon lắm. Vợ tao cũng nấu ăn ngon. Dạo trước, tuần nào nhà tao cũng phải có vài bữa cháo”.

Thằng Tuấn tỏ vẻ quan tâm: “Ở góc nhà kia là bàn thờ vợ con chú à?”. Lão Y Bia thẫn thờ: “Đúng rồi”. Thằng Tuấn hỏi: “Hai người mất lâu chưa? Mà sao lại mất?”. Lão Y Bia bỗng buông rơi bát, cháo vãi ra tung tóe: “Lâu rồi, chết lâu rồi. Con ma rừng sao nó không giết tao, lại đi giết vợ con tao?”.

6.

Lão Y Bia là thợ săn giỏi nhất buôn Ma Nết. Chân lão thoăn thoắt như con nai, mắt tinh như mắt đại bàng. Lão thuộc lòng từng gốc cây ngọn cỏ, từng viên đá rêu mốc ở khu rừng thiêng quanh ngọn núi Chư Yang Sin. Người Ê Đê vốn tin rừng cũng có linh hồn, cành cây ngọn cỏ cũng biết đau đớn, thế nên chỉ khi cần thiết mới được vào rừng săn bắn. Mỗi khi đi săn, lão Y Bia đều phải làm lễ cúng, xin phép ma rừng cẩn thận.

Một lần đi săn, lão gặp bọn thằng Lân “gỗ” đang bị đi lạc trong rừng. Lão dẫn bọn chúng về nhà, cho ăn uống rồi dẫn chúng ra thị trấn. Bọn thằng Lân “gỗ” biết ơn lắm. Lần nào lên rừng chặt gỗ, bọn chúng cũng tạt qua nhà lão Y Bia. Rồi bọn chúng rủ lão đánh bạc. Lão rất mê đánh bạc. Bao nhiêu tiền lão đều đem ra đánh bạc hết. Qua hai mùa ngô, lão nợ nần chồng chất, bán cả nhà đi cũng không đủ tiền trả nợ. Bọn kia kéo đến nhà lão chửi rủa thậm tệ. Lúc đấy, thằng Lân “gỗ” đứng ra thu xếp cho lão giãn nợ. Đổi lại, lão phải gia nhập cùng nhóm lâm tặc của Lân “gỗ”. Có lão Y Bia, bọn thằng Lân “gỗ” làm ăn phất hẳn lên. Ai cũng phải thừa nhận lão là tay lão luyện đi rừng, biết những vạt rừng có gỗ quý. Có lão chỉ đường thì rất yên tâm. Không lo bị công an bắt. Không lo bị con voi, con hổ nó rình.

Lần đó cả bọn đến một vạt rừng còn nguyên sinh gần đỉnh núi Chư Yang Sin. Thằng Lân “gỗ” cho cả bọn cắm trại, bắt đầu xẻ gỗ. Tiếng cưa máy rào rào. Tiếng cây đổ xuống rầm rập. Thằng Lân “gỗ” rất sốt ruột vì cây gỗ to đã dần cạn kiệt. Mà người ta toàn đặt hắn những cây gỗ to, càng to càng nhiều tiền.

May mà lần này hắn thấy một cây lim cực to, thân cây mốc xì rêu phong. Cái cây này mà cho về đục đẽo thành bộ sập gụ tủ chè, đảm bảo hái ra tiền. Nhưng rồi hắn thấy cả bọn thợ không đứa nào cưa cây lim này. Gã bực mình quát to: “Cái lũ mù kia. Không thấy cây lim to như mả bố chúng mày đấy à? Sao không chặt cây này xuống? Chặt mấy cái cây tin hin kia làm gì?”

Bọn kia nhúc nhắc nhìn lão Y Bia. Lão nói: “Cây đó có ma đấy. Không được chặt đâu. Người Ê Đê không ai dám chặt cây đó đâu”. Thằng Lân “gỗ” trợn mắt nhìn lão rồi cười sằng sặc: “Ma mãnh cái gì? Tôi mà chặt thì bố của cây ma cũng phải đổ”. 

Nói đoạn, thằng Lân “gỗ” cầm lấy rìu bổ như điên như dại vào cây lim. Cả lũ lâm tặc trố mắt nhìn. Cái cây cứng thật. Bổ vào đau cả tay. Thằng Lân “gỗ” bỗng nổi điên: “Nhìn cái thằng bố chúng mày! Tất cả chặt đổ cây này cho tao”. Đoạn hắn vạch quần đái một bãi tồ tồ vào cây lim quát tiếp: “Chừng nào còn chưa chặt xong cây này thì còn chưa được về”.

Lũ lâm tặc châu đầu vào chặt cây lim. Cái cây vẫn đứng trơ trơ. Đứa nào cũng thấy lạ lùng. Bỗng gió từ đâu lùa về. Rồi sấm vang chớp giật. Trời mưa tầm tã. Bọn lâm tặc thấy sợ sợ. Nhưng thằng Lân “gỗ” nhất quyết bắt phải hạ bằng được cây lim. Đến chiều ngày hôm sau, cả đám mệt nhoài. Lão Y Bia đang ngồi nghỉ trong lán thì con gái lão đến gặp. Nhà lão hết nhẵn cả tiền mua gạo, mua ngô. Vợ lão mới sai con gái tìm gọi lão trở về buôn. Nhìn con gái ướt nhẹp trong mưa, lạnh run run, lão Y Bia ứa nước mắt: “Vào trong lán nghỉ một lúc đi”.

Lão Y Bia chạy sang bên lán của thằng Lân “gỗ”: “Mày đưa tiền cho tao. Tao phải về mua gạo cho nhà”. Lân “gỗ” hất hàm: “Ông phải dẫn bọn tôi ra khỏi rừng mới được”. Lão Y Bia van vỉ: “Thế thì đi luôn đi. Mày đã có cả đầy xe gỗ rồi sao còn cố chặt cây ma làm gì? Rồi ma rừng oán thì chết cả lũ”. Thằng Lân “gỗ” tức quá văng tục: “Ma rừng cái con c... Tôi chặt hết. Xong thì mới đi. Ông đừng có mà lằng nhằng”.

Bỗng muôn vật sáng trưng đến một lúc rồi “Đoành!”, một tiếng sét xé rách bầu trời. Có tiếng rào rào như nước lũ tràn về. “Rầm!”. Mặt đất rung lên bần bật. Bọn lâm tặc sợ hết hồn.

Có tiếng gào át cả tiếng mưa. Lão Y Bia đang đào bới điên dại. Lán của lão đã bị cây lim đổ xuống đè bẹp dúm. Tấm vải bạt che mưa loang máu. Đứa con gái của lão nằm bầy nhầy trong đó. Lão Y Bia ôm mặt khóc. Rồi lão lấy một mảnh ni lông, nâng niu đặt xác đứa con gái vào cuốn cẩn thận. Lão ôm xác con đi về phía buôn Ma Nết như người vô định. Thằng Lân “gỗ” vội chạy ra cản: “Ê! Đưa bọn tôi tránh kiểm lâm cái đã. Định không lấy tiền à?”. Lão Y Bia không nói gì, cứ thế chầm chậm đi.

Thằng Lân “gỗ” quay sang chửi bọn lâm tặc. Chợt nhìn cái cây loang lổ máu, hắn bỗng thấy ớn lạnh. Hắn giục bọn kia nhanh nhanh cắt cây ra thành từng khúc rồi còn cút cho nhanh. Bọn chúng đến đúng điểm tập kết, cho xe đến lấy hàng rồi về. Chuyện tưởng êm xuôi. Đang đi đường, một bên là núi, một bên là vực. Bỗng “Ầm! Ầm!”, núi sạt. Mấy xe chở gỗ lăn hết xuống vực. Bọn lâm tặc chết gần hết.

Thằng Lân “gỗ” hấp hối đến lúc công an tới. Hắn chỉ trợn mắt lắp bắp: “Ma! Ma! Lão Y Bia bảo ma...” rồi chết.

7.

“Tất cả là tại tao” - Lão Y Bia ầng ậng nước mắt - “Con tao chết. Công an thấy thằng Lân “gỗ” nói tên tao thì đến tìm. Tao bị công an bắt vì vỡ nợ và liên quan đến bọn lâm tặc. Ở nhà vợ tao tự tử”. Giọng lão Y Bia nghẹn lại.

Thằng Tuấn im lặng như đang bị trôi vào dòng ký ức kinh hoàng của lão Y Bia. Hắn cố vớt vát thuyết phục lão già: “Thằng Toàn “củi” bảo cháu cố thuyết phục chú đi lấy gỗ cùng. Nó sẽ trả chú rất nhiều tiền. Nếu chú thích gái, ở dưới thị xã Toàn “hàng” đẹp, chú cứ thoải mái lựa chọn.” Lão Y Bia cười chua chát: “Giờ mà bọn mày còn định dụ tao đi chặt rừng nữa à? Hãy nhớ rằng cây rừng cũng có linh hồn. Mày chặt đứt một cây rừng chẳng khác gì mày giết một sinh mạng. Tốt nhất là mày đừng có đi theo thằng Toàn “củi”. Rồi thì khốn nạn cả đời”. Thằng Tuấn cười gượng: “Cháu lên đây mong được một mẻ rồi lấy vốn về làm ăn thôi”. Lão Y Bia lắc lắc đầu: “Mày tưởng vào nghề này rồi rút ra được dễ thế à? “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” con ạ”.

Cả hai im lặng. Lão Y Bia uống cạn chén rượu rồi nói khẽ: “Mà kệ cha mày. Bảo thằng Toàn “củi” đấy đừng có vác mặt đến nhà tao. Tao không đi đâu hết”. Rồi lão cúi đầu trầm giọng: “Tao chỉ mong sớm được gặp vợ con tao mà thôi”.             

8.

Cơn mưa dần tạnh. Thằng Tuấn từ biệt lão Y Bia đi về phía thị trấn. Căn nhà xiêu vẹo xa dần. Buôn Ma Nết xa dần. Rừng cây xa dần. Cả tiếng ầm ào của dòng sông Krông Ana cũng xa dần. Chỉ có dáng ngồi hút thuốc lá của lão Y Bia và lời nói của lão vang vọng trong đầu thằng Tuấn: “Mày tưởng vào nghề này rồi rút ra được dễ thế à? Ăn của rừng rưng rưng nước mắt con ạ”.

Thằng Tuấn nhắn với thằng Toàn “củi” là lão Y Bia không tham gia cùng cả đám đi chặt rừng được. Rồi hắn tránh mặt bọn thằng Toàn “củi”, bắt xe đò đi về thành phố. Mấy tuần sau tình cờ đọc báo, hắn thấy tin đưa thằng Toàn “củi” bị bắn què chân khi đang dùng hung khí tấn công kiểm lâm lúc bị bắt gỗ lậu.

9.

Năm nay, thằng Tuấn quay trở lại buôn Ma Nết. Sau những xoay vần của thời cuộc, giờ hắn đã ổn định cuộc sống, lấy vợ, có con. Lần này nhân chuyến công tác đến rừng Chư Y Sang, hắn tìm về ngôi nhà của lão Y Bia. Ngôi nhà vẫn còn đó, xiêu vẹo, ẩm thấp, dột nát, không thấy lão Y Bia đâu.

Thằng Tuấn thẫn thờ bước vào buôn Ma Nết hỏi mọi người. Dân buôn kể cho thằng Tuấn nghe chuyện của lão Y Bia. Năm ngoái lũ về ngập hoang cả sông Krông Ana, gỗ trên thượng nguồn trôi về theo dòng nước nhiều lắm. Đám thanh niên buôn Ma Nết ra hai bên bờ sông vớt củi đem bán. Có một đứa con gái chẳng may bị cuốn trôi. Dòng nước xiết đục ngầu, cánh tay của đứa con gái chấp chới chìm dần. Bỗng lão Y Bia từ đâu lao thẳng ra giữa sông như một con rái cá bơi đến cứu đứa con gái. Vào được đến bờ, lão gục xuống, máu mồm máu mũi ộc ra như suối. 

Thằng Tuấn tìm đến khu nghĩa địa của buôn. Mộ của lão Y Bia nằm nhỏ nhoi cạnh mộ vợ con. Đám cỏ non trên mộ thấm đẫm sương chiều. Hắn cúi đầu. Chưa bao giờ trong cuộc đời mình hắn thành tâm đến thế. Hắn cầu mong cho ba linh hồn dưới mộ sẽ đoàn tụ với nhau mãi mãi.

Bỗng một cơn gió lạnh từ khu rừng hoang thổi đến. Cơn gió u u . Trong gió như có tiếng người. Tiếng của lão Y Bia. Thằng Tuấn nhìn quanh tìm kiếm. Chỉ thấy rừng cây xào xạc. Tiếng người hay tiếng rừng? Rừng cây cũng có linh hồn?

Hà Nội, 10/11/2011
H.T
(SH274/12-11)









Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hy sinh (02/12/2011)
Hương đêm (27/10/2011)
Nàng Điểm Bích (19/10/2011)
Chương trình (17/10/2011)
Giáng Kiều (10/10/2011)
Sống chậm (30/09/2011)