Truyện ngắn
Trước giờ G
11:07 | 27/12/2011
MƯỜNG MÁN Những ngọn đèn mầu ẩn dưới tán lá phả xuống mặt đất thứ ánh sáng vàng nhạt, xanh dịu, tím loãng tạo khung cảnh huyền hoặc giả. Những chiếc bàn vuông thấp kê rải rác dưới các vòm cây.
Trước giờ G
Nhà văn Mường Mán - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Vây quanh là những mặt người - cố ý lắm mới nhận ra đường nét đẹp xấu, mũi thẳng cao gãy hay tẹt, mắt một mí, hai hoặc nhiều mí; đã tật nguyền hay còn lành lặn, đang lính hay đã thương phế binh. Lính có. Dân sự có. Lính đông hơn dân. Quần áo lẫn vào nền đêm bóng lá, viền lóng lánh ánh đèn màu. Gió hạ tuần tháng ba từ mặt sông thổi lên len lách giữa cây lá và người, mát rợn. Nhạc từ máy thâu băng thoát ra. Ca sĩ hát cùng dàn nhạc của cô ta và người nghe, vừa nghe vừa ăn nhậu, râm ran chuyện trò. Thỉnh thoảng bật trên mớ hỗn âm đó là những tiếng cười ngã ngớn của một cô gái còn tỉnh hay một trai đã say. Rượu bia, rượu mạnh, thức nhắm luân chuyển trên những chiếc khay do các cô hầu bàn (áo sơ mi luôn quên cài mấy cái cúc phía trên ngực, quần ống loe dài phủ gót đi như quét trên mặt đất làm vẩn lên từng mảng bụi đêm) lui tới chào mời.

Phía cuối vườn, dưới mái tranh hình lục giác, trong quầng đèn hồng nhạt, một khuôn mặt sầu mộng mọc trên mặt quầy: khuôn mặt của bà chủ quán. Giọt Đắng góa phụ một cố đại úy quân lực Việt Nam cộng hòa - cái đinh, thỏi nam châm có sức thu hút lính tráng ở các doanh trại đóng trong khu vực nội ngoại thành, cả những nơi xa khác, với lời đồn đại truyền miệng "Người đẹp quán Giọt Đắng chỉ để chiêm ngưỡng như một cành hoa, một bức tượng không nên đụng vào. Quan hay lính gì bất kể, đứa nào cặp với nàng, dù chỉ qua một đêm, thế nào cũng có ngày chết trận". Có phải vì cái truyền thuyết ác hiểm ấy đã giữ nàng đứng mãi bên này đời góa phụ, để mỗi ngày khuôn mặt sầu mộng cứ lặn và mọc trên mặt quầy, không bay thoát về một nơi nào xa hơn?

Ban đầu "Giọt Đắng" là quán cà phê như các bảng tên vẫn còn treo giữa chạc ba cây nhãn trước ngõ. Dần dà theo đà tăng vọt của chiến sự, thành phố có đông sắc lính hơn. Những Giọt Đắng không còn làm đã khát các "chiến hữu" không quân, pháo binh, thiết giáp, bộ binh... từ Phú Bài, La Sơn, Giạ Lê đổ lên những nhảy dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến từ Quảng Trị, Phong Điền, Quảng Điền ùa vào, quán trở thành quán rượu tự lúc nào chẳng ai nhớ nữa. Rượu tác dụng nhanh, đã hơn cà phê. Rượu dễ làm nguôi quên nỗi sầu chinh chiến xa nhà của các "chiến hữu" gốc Nam bộ hoặc từ các quê quán khác bị điều động tới ký gửi máu thịt xương da, đời trai trẻ trên vùng giáp ranh địa đầu giới tuyến này. Cho nên Giọt Đắng tha hồ đắng ở các quán tiệm khác, ở đây giờ là những ly cay. Có khách chiến chinh gọi quán là Vạn Giọt Cay. Có bọn khoái gọi là quán Góa Phụ. Ngoài góa phụ chủ quán, những "em" hầu bàn tiếp khách đều là góa phụ. Trẻ, đẹp, chồng chết trận: chi tiết lý lịch chung của những đoạn đời ghép lại thành vẻ hấp dẫn riêng cho địa chỉ này.

Đêm nay, lẩn giữa những đôi cặp nhóm cụm khác bên chai, ly có Nghệ - hạ sĩ phóng viên chiến trường - Đạo, trung úy sĩ quan báo chí của sư đoàn I bộ binh. Họ vừa từ mặt trận sôi động phía đông nam thành phố trở về. Máy quay phim, máy ảnh cassette gọn trong hai túi xách lấm lem bụi cát đặt trên một góc bàn. Chai bia thứ ba vừa rót sủi bọt trong hai chiếc ly cối lớn. Cơn khát mệt dường như đã tạm nguôi, Nghệ uống một ngụm, đưa mắt nhìn quanh:

- Mẹ kiếp, cứ như đang ở trong một đất nước mô khác, cách đây khoảng bảy tám chục cây số chớ mấy, đang máu đổ đạn bay. Hốt hết cả đám vằn vện rằn ri đỏ đen xanh tím ni quăng ra ngoài nớ chắc vui!

- Vẫn chẳng có chi khác cả - Đạo ho khẽ, ném mẩu tàn thuốc xuống chân.

- Một ngày mất công toi, chán và mệt.

- Phải chi đừng tiếc phim, cứ quay tưới hột sen rồi thay vì phóng sự mang tựa "kỷ niệm ngày thành lập tiểu đoàn năm tư bộ binh", đổi lại là ngày u ám...

- Đem bán cho mấy cha Việt Cộng được giá phải biết!

- Rồi tau, mi xách gói theo họ luôn.

Nói xong, cả hai cùng cười.

Buổi sáng ôm xách lên trực thăng đi làm nhiệm vụ, bây giờ nhắc kể thành ra chuyện đùa. Rừng núi Mỏ Tàu đã đón Nghệ và Đạo bằng một loạt pháo kích của quân giải phóng ngay khi chiếc trực thăng đổ họ xuống vừa cất lên quay đầu khuất sau mấy ngọn đồi trọc loang lổ hố pháo hố bom. Những thước phim chờ sẵn trong máy để ghi hình ảnh "oai hùng" của chiến sĩ mang phù hiệu cọp trắng nhân ngày thành lập đã không được sử dụng hết, bởi suốt cả buổi sáng hai phóng viên của ban thông tin báo chí sư đoàn bận chui vào hầm tránh pháo. Trưa ngớt pháo, thiếu tá tiểu đoàn trưởng hò hét vẫn không kiểm đâu đủ quân số để dàn cảnh quay một trận xung phong giả. Xác Việt Cộng lại càng khó kiếm hơn! Lính tráng lớp chết, lớp bị thương, lớp trốn, lớp sợ pháo cứ chui núp dưới hầm, hào, có dí súng colt 45 vào màng tang dọa nổ vẫn chẳng thằng nào chịu cất đầu lên! Chẳng lẽ quay cảnh máy bay tải thương? Thu vào máy ghi âm tiếng rên la kêu khóc, chửi thề tục tĩu?

Thiếu tá Vấn - Tiểu đoàn trưởng, đòi lột lon, phạt trọng cấm đại úy Cảnh - đại đội trưởng đại đội phòng thủ cứ điểm - vì y đã không "nhổ" được lính đang mọc rễ ở những nơi trú ẩn ra làm diễn viên. Đại úy Cảnh cự nự: "Đã bắn một thằng sứt tai, hắn vẫn ỳ tại chỗ, chẳng lẽ chỉ vì hai thằng phóng viên chó chết, những đoạn phim phải gió mà phải giết hết chiến hữu?" Vấn bứt rứt lui tới, hai ngón tay xoắn mãi ngọn ria mép cuối cùng cố nuốt giận nói với Đạo:

Hai ông rán đợi tới sáng mai, tụi tôi sẽ đánh đẹp, mặc sức quay!

Đạo chẳng phải trẻ nít, có thừa kinh nghiệm trong những trường hợp tương tự. Đã từng suýt chết mấy bạn ở Phú Thứ, Khe Sanh, đường Chín Nam Lào, nên cái mũi tinh khôn của tay sĩ quan báo chí lúc này như vừa ngửi thấy cái mùi của sự chết đang rình chờ đâu đó, thậm chí đang tán lạc cả trong gió. Đạo lắc đầu quả quyết:

- Khỏi cần tới sáng mai, thưa thiếu tá. Tôi sẽ quay ông trong tư thế đang chỉ huy qua máy PRC 25, và những ông này - Đạo đưa tay chỉ quanh đám thuộc hạ của Vấn - đang trong tư thế tác chiến, lùng sục. Thêm một màn tiếp xúc phỏng vấn tại chỗ với ít ngoại cảnh ngoài hầm là xong. Phim sẽ được ráp, nối thêm những đoạn chiến đấu, khói lửa sẵn có trong khi lưu trữ phim tài liệu, thiếu khối chi cái hay! - Đạo dừng lại, đón lấy gói Président Vấn đưa, nhón một điếu bật quẹt châm hút.

- Tụi tôi ở lại đây cũng được thôi, nhưng đêm hôm lỡ có đợt tấn công, một trong hai đứa thương vong chẳng hạn, bộ tư lệnh sư đoàn sẽ không để ông yên. Rõ ràng thiếu tá đã báo cáo về sư đoàn không trung thực, Mõ Tàu hết an toàn từ khuya rồi phải không?

Thiếu tá Vấn thở ra nhẹ nhõm, siết chặt tay Đạo, cố uốn cái giọng quen ra lệnh hò hét, thành giọng thân mật xuề xòa:

- "Tuyệt vời, vậy là ổn! mầy thiệt cao tay nghề, tao sẽ chơi đẹp với tụi mầy ngay?".

Vốn gốc Nam Bộ nói làm liền, Vấn rút một xấp tiền dúi vào túi áo Đạo:

- Không có gì, chút đỉnh tiền cà phê nhớ là bao giờ thiếu tá Vấn này cũng biết điều nghe mậy!

- Ông sẽ xuất hiện khoảng mười phút để ở nhà những vợ lớn, vợ bé, bồ bịch của ông thấy và nghe tiếng nói người hùng của mình trên màn ảnh nhỏ - Đạo cười tinh quái.

Thiếu tá Vấn như bất thần được gãi trúng chỗ ngứa hớn hở ôm hôn đánh chụt vào má Đạo.

- Đồ láu cá. Đ. má, hẹn lúc nào về tao sẽ tắm mầy và thằng Nghệ trong bia.

Sau đó, Nghệ bấm mấy, Đạo làm đạo diễn. Thế là mười phút phim mới sẽ được ráp nối với hai mươi phút phim khác, với tiếng nói của thiếu tá Vấn hô: "sẵn sàng bảo vệ phòng tuyến đông nam Huế tới giọt máu cuối cùng!" thành cái phóng sự nóng bỏng, sôi động, mới toanh về các chiến sĩ cọp trắng. Đêm mai phóng sự sẽ phát trên truyền hình trấn an dân chúng, nếu đêm mai chưa tới giờ G, quân giải phóng chưa tiến công vào giải phóng, chiếm lĩnh thành phố.

Xế trưa, sau khi cùng chia lửa nửa chai Gin với thiếu tá Vấn một tiểu đội hộ tống Đạo và Nghệ băng rừng lội suối ra đường đón xe về phố. Đạo rủa sả đám sĩ quan phòng hành quân bộ tư lệnh sư đoàn, bởi trong buổi họp bộ tham mưu họ đã báo lên ông tướng Mõ Tàu vẫn còn là một cứ điểm an toàn, viên trung tá tham mưu phó, trưởng khối chiến tranh chính trị hớn hở hạ lệnh bảo đi. Nghệ thinh lặng rẽ cây gạt lá bước nhanh, chẳng nói năng gì cả. Dọc quốc lộ một, cả hai đã gặp không ít lính đào ngũ bỏ về nhà, hoặc nhập chung vào dòng xe cộ chở người tản cư xuôi về phía Nam. Những tốp đi ngược lại đang tản ra trông phố mang đủ súng đạn quân trang ngồi tràn các quán xá dọc đường.

- Chai nữa không? - Nghệ hỏi, Đào uống hết phần bia còn trong ly mình.

- Thôi đủ rồi, kêu tính tiền rồi về!

- Mi tính đi mô?

- Tạt qua nhà chút xíu.

Nghệ khoác tay, vẻ uể oải:

- Mi về trước tau ngồi nán lại làm thêm chai nữa. Đạo đứng lên - càu nhàu gì đó không rõ, ném xấp giấy bạc lên bàn rồi bỏ đi.

Nghệ vỗ đánh bộp vào mông một chị hầu bàn vừa đi ngang qua bảo mang thêm một chai bia nữa, rồi gác cả hai chân, ghếch đôi dày lấm bụi lên chiếc ghế Đạo vừa bỏ trống.

Một chiếc jeep đậu lại trước quán. Một cô gái và một đại úy thủy quân lục chiến bước xuống, đi vào. Nghệ bỗng nhổm dậy gọi:

- Chị Như!

Gã thủy quân lục chiến và cô gái bước lại phía Nghệ. Cô gái lên tiếng:

- Nghệ đó à? Lâu quá không thấy ghé nhà, con Nhã cứ nhắc mãi. Răng ngồi một mình ngó buồn xo rứa?

- Buồn thiệt, mời anh chị cùng ngồi chơi.

Gã thủy quân lục chiến nhìn chăm miếng vải in chữ "Báo chí - Press" trên túi áo Nghệ, đưa tay ra bắt tay anh với vẻ thản nhiên nhưng thật ra là hạ cố, kéo ghế ngập ngừng ngồi xuống. Cô gái Như-giới thiệu hai người với nhau. Nghệ nhìn bộ quần áo hợp thời trang của Như, giọng nửa đùa nửa châm chọc:

- Chị cũng biết tới mấy cái quán kiểu ni à?

- Tại răng lại không? phải không anh Quân?

Như nói và nhún vai rất đầm, liếc nhìn gã đại úy, mỉm cười.

- Không những tới mà Như còn uống được cả bia lẫn rượu nữa mới tuyệt chứ!

Giọng bắc quá chuẩn quá đanh gọn anh ta làm Nghệ cảm thấy khó chịu. Nghệ buột miệng:

- Những cô giáo như chị đáng sợ thiệt.

- Thì chị cũng đã và đang nổi tiếng rồi còn chi?

Như cười thành tiếng, tỉnh khô.

Nghệ cười, Quân cười, Nghệ gọi thêm bia, đĩa gà nấu nấm.

Ba người cùng cụng ly. Như uống nhâm nhi, hai người đàn ông uống bạo.

- Kể cũng buồn cười, giờ chừ lắm người thu dọn bỏ đi, hấp tấp vội vã, lắm người vẫn còn lê la trong quán xá. Chị Như, răng chị chưa đi? Đà Nẵng hoặc Sài Gòn chi đó. Định trải đời son trẻ ra hứng lửa diêm sinh và tai họa sắp mưa xuống thành phố ni à? Chúa không can thiệp được để tấm đời son trẻ của chị còn lành lặn được mô-Nghệ nói.

- Cậu đang tuyên truyền tâm lý chiến đó à?- Như châm chọc.

- Nói thiệt chớ tuyên truyền chi! Nghe đây này-Nghệ lôi tuột cái máy cassette hiệu Sony ra khỏi túi xách, loay hoay điều chỉnh. Tiếng nói của Đạo từ băng nhựa vang lên khe khẽ: "Chúng tôi hiện có mặt tại cứ điểm Mõ Tàu, phòng tuyến bất khả xâm phạm do những tay súng tiểu đoàn hai, trung đoàn năm tư bộ binh trấn thủ..." Làm nền cho tiếng nói Đạo là những loạt pháo rền. Như đưa tay tắt máy.

- Thôi dừng cái trò nghịch ngợm và trẻ con của cậu lại đi, không ai dại mà tin mô. Hãy tiếp tục câu chuyện của chúng ta. Không có chúa mô cả, nếu có chắc chúa cũng đứng né ra bên lề. Có mưa thì cũng do những người trên núi xuống, hoặc đang ở cùng chúng ta. Cũng cầu một trận mưa thiệt lớn để rửa sạch phố phường, mặt đất.

- Tưởng tượng còn sống sót chị sẽ chui ra từ đống tro than, gạch ngói vỡ nát, xác người, thú vị hết biết! - Nghệ cười.

- Nhưng sẽ được thấy những cái mới hơn, khác hơn mọc lên sau đó chớ! Có lần cậu bảo cậu nhàm chán quá cái đời sống ni rồi mà.

Quân bật lách cách cái bật lửa zippo trên tay:

- Thưa cô giáo triết, cô đang cãi giùm bọn Việt cộng.

Như phá lên cười:

- Thì Nghệ cũng đang dở giọng tâm lý chiến ra mà. Còn anh?

- Tôi là võ biền, đánh đấm dễ hiểu hơn lý luận.

- Rứa anh có nhận là sắp có một cơn mưa như Nghệ nói không?

- Có chứ! Hơn là mưa, đôi khi cả một trận bão cơ đấy.

- Anh bị bắt buộc chờ đợi và chịu đựng cơn bão đó phải không?

- Phải rồi, có thể nói gần như là thế!

- Cũng như Nghệ thôi. Còn tôi, tôi hoàn toàn tự do, nhưng tôi đếch thèm chạy trốn - Như khẽ nhún vai.

Thấy câu chuyện dần trở nên nặng nề, Nghệ cười xuề xòa:

- Không ai đi thì mỗi người cùng chia lửa diêm sinh và tai họa với những người ở lại, cãi nhau chi cho mệt? Chừ thì uống đi, uống bù cho cơn khát ngày mai mốt, rồi tôi tìm xuống một chiếc đò, còn anh chị đi tâm tình nơi mô đó, mai mốt rất khó kiếm một chỗ thơ mộng.

Như đỏ mặt. Gã thủy quân lục chiến gật gù có vẻ biểu đồng tình với câu nói đậm đặc chất lính của Nghệ. Như với qua tát vào vai Nghệ:

- Thằng quỉ, thì mi cứ uống cho đã đi, rồi tới giờ G vắt giò lên cổ mà chạy.

Và, họ tiếp tục ăn uống. Như nhâm nhi, hai người đàn ông cạn ly này đầy ly khác. Gió, nhạc, tiếng động thấm mãi vào đêm. Giờ này có khi phòng tuyến Mõ Tàu đã vỡ. Những tiếng kêu, những hình người tháo chạy lom khom trong các hầm hố tuyến hào, chấp chới, lập lờ dưới ánh pháo, ánh đèn trái sáng. Nghệ lắc đầu, ôi! hơi đâu mà nghĩ! Đêm mai, vợ con bồ bịch thiếu tá Vấn sẽ nhìn thấy anh ta trên màn ảnh truyền hình có khi đấy là lần cuối. Có khi chúng ta không còn dịp để tắm bia như đã hứa, kính thưa thiếu tá! Lỡ chơi đành chịu, thì cứ làm ra vẻ chịu chơi! Nghệ nhủ thầm và bật cười khan. Khá khen cho cái tài láu cá của mi nghe Đạo, cứ tưởng tượng nếu lúc ni hai thằng còn lui cui bò tới bò lui trên cái miệng chảo lửa nớ! Ôi, hơi sức mô… Nghệ ngồi dựa ngửa trên thành ghế, nghe cơn say ngấm dần, tản mạn, âm u trong da thịt. Quán thưa vắng dần. Khuôn mặt sầu mộng của bà chủ quán biến đâu mất. Những bông cúc vàng trơ trọi với chiếc bình hoa trên mặt quầy. Những chị hầu bàn bắt đầu rỗi việc vô ra ngáp vặt. Như và gã đại úy thủy quân lục chiến cơ hồ đã quên hẳn Nghệ, hai người chụm đầu với nhau thầm thì chuyện gì đó có vẻ thú vị.

Chị như không thèm chạy trốn, lì thiệt! Nghệ nghĩ và chăm chú nhìn ngắm. Như qua kẽ hở giữa chiếc ly và chai bia mới mở còn đầy ắp trên bàn. Khuôn mặt trông nghiêng với mái tóc xõa, hàng mi cong, mũi thẳng, môi cười trông Như đẹp một cách kiêu kỳ.

Ba mươi hai tuổi, chưa chồng. Tu nghiệp năm năm ở Pháp về, dạy triết ở đại học Văn Khoa. Như - Tịnh Như- mê thể thao, ăn mặc thời trang, bát phố hơn mê dạy học. Phía trên ngực áo bên phải luôn luôn thêu một nhánh hồng dại như là dấu hiệu độc đáo riêng. Đấu thủ quần vợt thuộc loại khá của Câu lạc bộ thể thao Cercle, nơi tụ tập những nghệ sĩ-thương-gia, quan chức lắm tiền, nơi các bà các cô "quý tộc" thích bơi périssoire(1), lướt ván vào những chiều đẹp trời trên sông Hương. Bông hoa đẹp biết nói, của những dạ hội có khiêu vũ hoặc không ở các căn cứ quân sự. Bạn bè hầu hết là sĩ quan. Bữa nay ngồi xe Jeep với một thiếu tá nhảy dù, mai mốt lại thấy cặp tay một đại úy không quân ung dung đi dạo phố... Trong những đôi mắt nghiêm khắc và hiền hậu của Huế, Tịnh Như là một cô giáo hippy, một cái gì rất gai chướng. Cái khó chịu cô bày ra trước mọi người có lẽ là vẻ tươi trẻ hồn nhiên pha chút kiêu bạt.

Ngoài quan hệ là người thân của gia đình, Nghệ thích cái vẻ ấy ở Như và thích kiến thức khá đa dạng của cô từ triết học, phim ảnh, hội họa, văn chương hiện đại đến những suy nghĩ - đôi khi, khá lạ lùng, và độc đáo về đời sống. Có điều hẳn không ai ngờ với bề ngoài ấy, thỉnh thoảng Như lại thích triết luận với Nghệ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của tất cả các Đảng thuộc giai cấp vô sản, của xã hội xã hội chủ nghĩa, xã hội Cộng sản chủ nghĩa, khác hẳn chủ nghĩa của cái xã hội cô đang sống, đang là một thành viên trong đó. Thật tình Nghệ không thể hiểu nổi con người Như.

Cũng như lúc này đố ai biết được ai là Việt Cộng, ai không phải Việt Cộng. Việt Cộng đang ở giữa mọi người. Trong quán này, ngoài đường sá, phố chợ kia. Họ ở dưới mọi hình thức, dưới đủ mọi màu áo. Là đặc công đang âm thầm xâm nhập, là quần chúng đang sẵn sàng nổi dậy và chuyện sẽ khó tưởng tượng nếu Tịnh Như cũng là một nữ Biệt động! Cả gã đại úy thủy quân lục chiến này, biết đâu là một trinh sát, tình báo của Việt cộng, thằng bé bán đậu phộng rang đang tha thẩn từ bàn này sang bàn nọ nhặt những cái nút chai kia cũng là liên lạc viên chẳng hạn! Quanh đây ai ai cũng có thể là Việt Cộng cả... Nghệ cảm thấy ghê gai cả da thịt, cảm thấy cần nói một câu gì đó để xua ý nghĩ kinh hoàng ấy đi.

- Này chị Như, có thiệt là tới giờ G chị cũng không thèm bỏ chạy? - Nghệ khoát tay nói:

Như hơi sửng sốt quay lại rồi dịu dàng mỉm cười nói như dỗ dành một đứa trẻ:

- Nghệ, em say rồi, nhắm mắt ngủ đi một lát sẽ dễ chịu ngay.

- Còn chị, bộ chị không buồn ngủ à? - Nghệ lè nhè, đoạn giật thót người khi nghe Như nói một cách bình thản:

- Không, chị thức chờ.

M.M.
(SH19/6-86)




---------------------
(1) Xuồng thoi, có hai mái chèo.








Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Hồn rừng (23/12/2011)
Hy sinh (02/12/2011)
Hương đêm (27/10/2011)
Nàng Điểm Bích (19/10/2011)
Chương trình (17/10/2011)
Giáng Kiều (10/10/2011)
Sống chậm (30/09/2011)