Dự thi truyện ngắn SV Huế
Nội ơi!
10:13 | 20/08/2010
ĐỖ THỊ THẮMBiết tìm đâu ra bây giờ! Tiếng ba dưới nhà vọng lên. Tôi rất sợ, mẹ ngồi im những dòng nước mắt lăn dài. Ba mẹ đều khóc - lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy ba khóc. Những dòng nước mắt bất lực, đau đớn.
Nội ơi!
Ảnh: Internet
Lúc ấy, tôi thấy ân hận vô cùng. Tôi vội chạy xuống bên mẹ bật khóc. Mẹ ôm tôi vào lòng và nói không ra tiếng: “Nhật Thiên ơi, bà bỏ gia đình mình rồi con ạ!” tôi càng khóc to hơn. Tôi nấc lên từng cơn rồi nói: “Con... con xin lỗi, con đã sai rồi ba ơi. Con sẽ đi tìm bà...”.

Ba thở dài nghe thật nặng nề: “Con làm sao biết bà đi đâu? Nín đi con, ba sẽ tìm bà về”. Ngày hôm ấy trôi qua sao mà chậm, thật chậm đến vậy. Dường như thời gian đang ngừng trôi thì phải. Gia đình tôi sống trên thành phố nhưng nội thì vẫn sống ở quê. Nội cả đời lam lũ, cực khổ làm lụng để nuôi con, cái lưng còng sát đất. Nội tôi già thật rồi! Tôi nhớ rất rõ. Lần nào ba có ý định đưa bà lên thành phố sống cùng là bà lại bảo: “Bà muốn sống ở căn nhà này, khu vườn nơi đây. Ở đây, có ông bà tổ tiên. Bà không muốn sống nơi khác”. Ba ít khi về thăm bà phần vì công việc bù đầu và phải lo cho tôi. Ba mẹ thường về thăm bà vào các ngày lễ, tết.

*
Đó là ngày tháng 5 đẹp trời. Nắng vàng xuyên qua ô cửa, ông mặt trời dậy từ rất sớm. Nắng khẽ len vào phòng làm tôi tỉnh giấc. Với tay lấy chiếc đồng hồ, mở mắt xem thì mới 6 giờ. Có tiếng gõ cửa, ba tôi lên tiếng: “Sáng rồi, dậy đi nào Nhật Thiên. Hôm nay, mình sẽ về thăm nội. Con mau dậy đi nào!” Tôi nũng nịu: “Hôm nay là ngày nghỉ mà ba. Con muốn ở nhà cơ!”. Bên ngoài im lặng một lát, rồi ba tôi nói tiếp bằng giọng trầm xuống: “Bà đang bệnh, mình về thăm bà đi con...”, rồi tiếng bước chân nhè nhẹ đi xuống. Tôi vùng dậy, mặt không vui tí nào hết. Tôi lẩm bẩm: “Thế là không được đi ăn kem rồi. Chán quá!” Một đứa bé như tôi lúc ấy vẫn chưa hiểu thế nào là tình thương, quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn... sau này lớn lên tôi mới cảm nhận được.

Phải rồi, năm ấy tôi mới 10 tuổi mà. Chỉ mong có ngày nghỉ để ba mẹ đưa đi công viên, đi ăn kem. Vậy mà, lần này lại phải về quê. Tôi không thích tí nào! Ăn sáng xong cả nhà tôi lên xe về thăm nội. Đi qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, tôi reo lên: “Đẹp quá!” Mẹ cười rất nhẹ. Ba mẹ kể cho tôi nghe về mọi thứ nơi đây. Những kỷ niệm thời thơ ấu. Xe chúng tôi leo lên triền đê. Gió hiu hiu thổi những trưa hè. Hơi nước bốc lên man mát, rồi khẽ làm bay mái tóc. Tôi thấy vui, một niềm vui khó tả. Rồi xe cũng đến cổng làng, bên gốc tre già những chú trâu nằm chậm rãi nhai cỏ. Con đường quê thật vắng vẻ, không ồn ào tấp nập như thành phố. Mẹ đưa tay chỉ cho tôi biết về cánh cò xa xa. Ba tôi im lặng. Ba đang nghĩ gì thì phải.

Lối ngõ nhà nội hiện ra, tôi nhận ra nó. Mẹ xuống xe, đẩy cửa bước vào rồi lên tiếng gọi: “U ơi, chúng con về thăm u đây”. Tôi bước cạnh ba dưới giàn hoa thiên lý. Ngõ rụng đầy những hoa xoan, hoa khế. Không gian im lặng quá! “Bà đang ở trong nhà hay đi đâu hả ba?” - Tôi khẽ hỏi, ba yên lặng rồi thở dài: “Chắc bà đang nằm trong nhà, bà bệnh thì đi đâu được hả con”. Chống xe lại một góc, ba lấy đồ đạc ra và lên tiếng: “Thấy u không em”. Tiếng mẹ trả lời: “U đang ở trong nhà thì phải đấy anh”. Ba mẹ vào nhà thấy bà đang nằm mệt mỏi, ba mẹ đỡ bà dậy và nói: “U thấy mệt lắm phải không u, mà u đã ăn gì chưa để nhà con đi bắc ít cháo”. Ba tôi thương nội lắm. Ba kéo tôi lại gần và nói: “Nhật Thiên cũng về thăm u đấy”. Mẹ tôi nhẹ nhàng: “Dạ, con chào u ạ!” “Chào nội đi con” - mẹ kéo tay tôi và bảo. Tôi vội khoanh tay và chào rất nhỏ: “Cháu chào bà”. Bà nhìn tôi rồi cười, nhìn bà cười tôi thấy vui vui. Bà rụng gần hết răng nên cười móm mém. Bà khen: “Về rồi hả con, đi đường có mệt lắm không?” Ba đỡ lời: “Dạ, được về thăm u thì mệt sao được”. Bà vỗ nhẹ lên lưng ba và bảo: “Cha anh nữa, bay về u mừng lắm”. Rồi ba mẹ đỡ bà ra phía ngoài và nói chuyện gì đó rất lâu. Chợt bà nhìn lên bàn thờ mà nói: “Hôm nay, thằng cả về thăm tôi đấy ông ạ!” Bà sụt sịt khóc những dòng nước mắt lăn dài. Bà lại bảo: “Nó muốn tôi lên thành phố ở với nó đấy ông ạ! Nhưng tôi sắp được gặp ông rồi mà”. Ba tôi chặn lại những lời bà và nói như phân bua: “U phải sống lâu trăm tuổi, u còn khỏe mà. Mẹ vẫn ngồi im lặng. Ngoài ngõ tiếng chó sủa xa xa... bữa cơm trưa ấy, mẹ nấu canh cua cá lóc, cả nhà ai ăn cũng khen. Bà là người vui nhất. Mỗi lúc bà âu yếm nhìn tôi móm mém cười để lộ ra hai hàm lợi - Tôi hay nhìn trộm bà. Những lúc ấy đôi mắt bà mới hiền làm sao. Tôi thường biết lúc nào bà nhìn là tôi lại quay mặt đi nơi khác để bà không nhìn thấy. Vườn nhà bà có nhiều trái cây nào ổi, nhãn, khế... tôi lại rất kháu ăn nên khoái chí lắm. Sau bữa cơm mẹ đem ra một ít trái cây cả nhà ngồi ăn vui vẻ. bà chọn cho tôi những quả căng mọng nhất, ngon nhất. Ba mẹ và bà ôn lại chuyện xưa, chuyện nay... tôi ngủ lúc nào không hay trên lòng bà.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu


Có tiếng động mạnh làm tôi giật mình tỉnh giấc. Tiếng chim hót líu lo sau vườn nghe vui tai quá. Ngoài sân, ba đang làm gì đấy thì phải? Tôi xuống giường, chạy ùa tới chỗ ba. Tôi reo lên khi nhìn thấy: “Ôi! Ba thật tuyệt!” Ba đưa mắt nhìn bà rồi khẽ bảo tôi: “Chiều nay, ba con mình lên triền đê thả diều, con thích không?” Tôi nhanh nhẩu trả lời: “Vâng ạ!”.

Ngoài ngõ tiếng chó sủa. Giọng một cụ già: “Bố Nhật Thiên đã về đấy à! Chiều qua bà chơi nhé”. Tiếng ba vọng ra: “Vâng! Con chào cụ ạ! Mời cụ vào nhà chơi”. “Thôi tôi đang bận tí việc”. Bà cụ chào với theo: “Bà ơi, tôi về luôn đây”. Lúc này, trời đã xế chiều. Ba dắt tôi lên triền đê thả diều, con diều giấy ba làm bay xa mãi... tôi ấm ức khóc: “Sao ba lại thả diều đi vậy?” - “Ừ. Ba thả điều ước đấy con gái ạ!” Tôi không biết điều ước hôm đó của ba là gì nữa. Trẻ thơ mà. Tôi thấy ba thương bà nhiều hơn tôi nên buồn lắm... Tôi chẳng biết suy nghĩ đó của tôi có đúng không nữa, sau này lớn lên mới nhận ra. Ba kể cho tôi nghe về thời thơ ấu của ba. Là anh cả nên ba rất thương ba mẹ và em. Ba phải đi chăn trâu, cắt cỏ lớn lên lấy vợ rồi đi bộ đội. Ông và cô tôi đã hi sinh từ hồi kháng chiến chống Pháp. Nhà còn mình ba mẹ và nội, ba thương nội nhiều lắm. Cả cuộc đời tần tảo nuôi các con... im lặng một lát ba lại nhìn ra xa về phía chân trời và nói: “Trên đời hạnh phúc nhất là có mẹ con ạ!” Con đường về nhà sao nhanh quá vậy, xẩm tối rồi. Vừa bước đến đầu ngõ tôi đã reo lên mừng rỡ: “A! Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng, ha ha”. Ba cười và bảo: “Đây là nội lần sau con không được nói như thế nữa”. Cả nhà cùng cười, lát sau mẹ gọi tôi ra bà bảo: “Ra ăn khoai đi con, nhanh lên bà thương nào!” Cả nhà vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, bà lặng lẽ rồi nói: “Ngày tiễn bố con bay đi lên đường chiến đấu, u đứt từng khúc ruột. Rồi ông trời thương u, cho thằng cả về đây với u, với mẹ Tân” (Tân là tên mẹ tôi). “Khoai ngon thật đấy!”, ba tôi trầm trồ khen. Mẹ lại tiếp lời ba: “Bở và thơm thật đấy u nhỉ?” Câu chuyện đang vui vẻ bỗng mẹ lên tiếng: “U lên ở với vợ chồng con u nhé! U ở đây đau ốm một mình thế này không được đâu”. Bà mỉm cười rồi nói: “U ở đây còn có bà con họ hàng mà lo gì. Vợ chồng bay về thăm u là u mừng rồi!” Ba tôi chen vào: “Chẳng lẽ, u không thương vợ chồng con sao?” Bà im lặng, lưng còng sát đất. Bà lặng lẽ vào phòng, mẹ cũng dọn dẹp... Tối đến, ba qua họ hàng chào hỏi. Mẹ dắt tôi lên giường. Trong đêm, nhiều lúc tôi nghe mơ hồ tiếng khóc thầm của mẹ. Ở miền quê yên tĩnh này giấc ngủ sao đến nhanh vậy. Tôi ngủ rất say, chưa bao giờ tôi ngủ ngon đến thế.

Trời sáng rồi! Tiếng chim hót đâu đây sau vườn, tiếng gió khẽ làm lá cây nhè nhẹ đu đưa. Đem lại một làn gió se se lạnh ngay giữa mùa hè. Bà dậy từ rất sớm thì phải, đến bên giường tôi và bà khẽ lên tiếng: “Dậy rồi hả con? Ra rửa mặt rồi vào ăn khoai”. Tôi ngạc nhiên, thắc mắc tại sao ăn sáng ở quê lại là món khoai lang, trên thành phố thì ngược lại, ngủ dậy bao giờ cũng là tô bún, tô phở... vậy mà... tôi đang lưỡng lự như muốn bật khóc thì mẹ cầm trên tay hai hộp sữa, một hộp mẹ mời bà còn hộp mẹ bảo tôi: “Đây, phần của Nhật Thiên”. Ba nhìn thấy tôi nhăn mặt liền lên tiếng: “Được ăn khoan là sướng đấy con ạ!” Bà móm mém chửi yêu ba: “Cha anh, nghèo thì phải ăn khoai thôi con ạ!” Rồi cả nhà cùng cười vui vẻ. Bà chậm rãi, vẻ mặt nhân từ rồi nói: “U nghĩ rồi, u sẽ lên ở với vợ chồng anh”. Mẹ tôi nhanh miệng: “U nghĩ thế là phải đấy u”. Ba tiếp lời mẹ: “U yên tâm đi, tối qua con đã sang bàn bạc với cụ Tố, bác Sáu và bà con rồi. Họ sẽ thay nhau qua đây thắp hương, quét dọn giùm con. Ngày giỗ, tết con sẽ đưa u về”. Bà nhìn ba âu yếm bằng đôi mắt hiền từ: “Thế ra anh đã sắp xếp đâu vào đó rồi à!” - “Dạ. Con biết u sẽ lên với vợ chồng con nên...”, ba ấp úng, trả lời. Rồi ba giục mẹ đi chợ mua đồ về làm cơm cúng ông bà tổ tiên và mời bà con. Ai qua nhà nội hôm ấy cũng đều có quà cho gia đình tôi. Tôi lấy làm rất thích, nào khoai, đậu, mía... nhiều vô kể.

*
Bà lên ở với gia đình tôi. Tôi không hiểu vì sao từ lúc bà lên ở, tôi lại không thích chơi với bà nữa. Chắc vì trẻ con thích vui chơi, đi đây đó mà bà tôi thì đâu biết gì trên thành phố đâu mà dẫn tôi đi. Tôi ít gần bà. Trong đầu tôi lúc ấy chợt nghĩ ra trò rất quỷ quái. Cách ăn trầu của bà rất lạ, điều đó làm tôi thấy vui. Và tôi đã bày trò, hôm tôi giấu bình vôi, gói thuốc... làm bà thèm ăn trầu mà không biết phải làm sao. Bà rụng răng gần hết nên mỗi lần ăn trầu bà bỏ tất cả vào cái cối nhỏ, rồi bà lấy thanh sắt nhỏ giống chiếc đinh mười của ba nghiền nát vị ra và lấy ít một móm mém nhai.

Một hôm, tôi được nghỉ học, ba mẹ đi làm từ sớm tôi rón rén lên phòng bà và nhẹ nhàng gõ cửa: “Bà có đấy không?” Bà bước ra và lên tiếng: “Vào đi con”. Tôi đẩy rộng cửa như mở lối thoát sau này. Tôi tìm cho mình chỗ ngồi ngay mép giường. Khi đã yên tâm tôi lên tiếng: “Sao bà không đi ăn mày, ăn xin? Cháu thấy mấy người ăn xin đó rất giống bà mà!” Bà im lặng, dường như bà đang khóc thì phải - những giọt nước mắt đã cạn vì cả cuộc đời tần tảo, lam lũ rồi thì phải - điều này, mãi sau này tôi mới nghĩ đến còn lúc ấy tôi chẳng để ý đến vấn đề ấy.

Bà trả lời tôi: “Cháu có muốn bà đi ăn xin, ăn mày giống họ không?” Tôi chợt reo lên vui mừng như chờ đợi điều ấy từ rất lâu rồi thì phải. Tôi gãi tai, nhăn mặt rồi lúng búng ra lời: “Nhưng bà phải mặc đồ rách cơ, cả cái nón rách nữa. Vậy người ta mới cho được”. Bà tái mặt trước câu nói hồn nhiên của tôi. Tôi không biết sao lúc ấy tôi lại nghĩ ra một con người ăn xin hoàn thiện đến như vậy. Bà im lặng, tiếng còi xe kêu inh tai nhưng không đủ sức làm bà lên tiếng. Tôi thấy sợ điều mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ có. Tôi lấy hết sức, chạy thật nhanh về phòng, đóng cửa thật nhanh lại. Tôi ngồi thở hổn hển.

Chiều tối, ba mẹ đi làm về. Đến giờ ăn cơm ba lên mời bà. Tôi càng thấy sợ, người run lên. Ba lên tiếng: “Mời u xuống ăn cơm ạ!” Bà từ từ đi xuống, trong buổi cơm tôi thấy bà vui hẳn lên. Điều đó làm ba mẹ tôi rất mừng. Còn tôi, tôi yên tâm vì bà không mách tội của tôi với ba. Ngày lại trôi qua!

Hôm sau, ngủ dậy bỗng thấy ba mẹ mang nét mặt buồn rười rượi. Tôi linh cảm có chuyện gì xảy ra khi nhớ lại chuyện hôm qua. Ba lên tiếng phá vỡ không gian im lặng: “Bà bỏ chúng ta rồi Nhật Thiên ạ!” Tôi im lặng, rồi òa lên khóc. Ba nhìn lên xa xa rồi nói: “Có ai biết bà đi đâu không?” chỉ mình tôi biết giờ này bà đang ở đâu. Nhưng tôi sợ ba, sợ đòn đánh của ba - dù chưa bị một lần ba đánh. Và tôi chỉ biết im lặng.

Một thời gian dài ba mẹ tôi nhờ người đi tìm khắp nơi mà vẫn không thấy bà đâu. Ba cho đăng báo, đài nhưng tin về nội vẫn bật vô âm tín.

Bẵng đi một thời gian, có người gọi điện cho ba và nhắn: “Mẹ anh, bà cụ đã qua đời rồi. Chúng tôi đã chôn cất cụ xong rồi, gia đình anh về thăm thì về...”. Ba im lặng, dòng nước mắt lăn dài và mẹ tôi hiểu mọi chuyện. Kể từ ngày bà bỏ nhà ra đi, ba mẹ tôi gầy sọp, nhất là ba, ba già đi rất nhiều. Mẹ nhìn ba bước những bước chậm rãi lên phòng mà nói trong dòng nước mắt: “Thôi chuyện đã qua rồi, anh cũng đừng buồn nữa. Mình về thăm mộ u đi anh”. Ba vẫn im lặng, riêng tôi, tôi thấy sợ khi mẹ nhắc lên thay đồ về thăm mộ bà, tôi không dám gặp bà dù giờ này bà đã mất. Tôi sợ bà sẽ không tha thứ cho tôi.

Ngôi mộ mới rất gọn, vừa đến nơi ba mẹ tôi òa lên khóc, tiếng khóc nấc chèn giọng nói: “Sao u đành bỏ chúng con vậy u?” Riêng tôi, dường như nước mắt chảy ngược vào trong lòng. Nhìn tấm di ảnh của bà, tôi thấy bà vẫn mỉm cười nhìn tôi. Khuôn mặt hiền từ nhân hậu quá! Tôi òa lên khóc tiếng nấc thật dài “Cháu, cháu xin lỗi bà. Bà mau tỉnh dậy đi, sao bà lại bỏ cháu vậy?”

Ba ôm tôi vào lòng và nói trong dòng nước mắt: “Thôi nín đi con, bà đi thanh thản rồi. Con mau thắp hương cho bà đi”. Tay run run cầm nén hương tôi chắp tay và nói trong dòng suy nghĩ: “Con đã sai rồi nội ơi, nội ơi, nội…”. Tiếng nấc càng dài và chặn họng tôi: “Nội mau tỉnh dậy đi...”.

Dù tôi có nói gì đi chăng nữa thì nội tôi vẫn mãi ra đi, đi thật xa! Nội ra đi mang theo bí mật riêng tôi và nội. Giờ đây, tôi mới thấy thương nội vô cùng. Tôi thường trách mình mỗi khi nhìn lên di ảnh của nội: “Nội ơi, con đã sai thật rồi!”

Đ.T.T
(257/7-10)



Các bài mới
Hoa mặt trời (30/09/2010)
Các bài đã đăng
Du, Sa, Miên... (31/05/2010)
Hành trình (29/01/2010)