VI THUỲ LINH
Huế thơm
Trên đất nước Việt Nam, nhiều địa danh trùng tên
Duy chỉ có sông Hương của Huế
Tả Trạch khởi nguồn từ Trường Sơn Đông
Nhánh sông chính theo hướng Tây Bắc, từ vườn quốc gia Bạch Mã qua 55 thác
Hữu Trạch theo hướng Bắc, vượt 14 thác hợp lưu ở ngã ba Tuần
Sông Hương dành 33km cho kinh thành, ra cửa Thuận An, hòa biển
Chảy dưới nhiều chân núi, vạt rừng nhiệt đới
đầy cỏ hoa, dòng nước ướp hương thiên thảo
Huế thơm lâu bền - là thành phố nghệ thuật
Thơ, ca, nhạc, họa, ảnh, phim... mọi nét đẹp đặc trưng nhất dồn trong trầm mặc
Bàn tay ngón thon hái sen ướp trà
Bàn tay da nâu đồi mồi mở cửa nhà rường
Bàn tay bé xinh chạm nụ hoa nhà vườn
Bàn tay khẽ khàng mở cuốn thư, giở sử
Bàn tay chạm vòng sóng âm thanh
Âm giai ngũ cung hò mái nhì mái đẩy... vẳng xa...
Chẳng ở đâu tôn xưng danh từ định danh riêng có:
Tím Huế, nón Huế, hò Huế, ca Huế
Miền thơ, xứ sở mộng mơ nhất Trung kỳ và cả nước
Khiến Phạm Duy, người trai phố Hàng Dầu Hà
thành đưa chàng Trương tài hoa huyền thoại
từ Kinh Bắc vào Huế để bừng cháy "Khối tình Trương Chi":
“Êm đềm dần vang
Cung Nam Thương mờ vang
Cung Nam Ai thở than
Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn cung”...*
Huế thơm Kinh thành bi ai vàng son lệ thẳm
Huế thơm trầm tích lịch sử trong lịch sử
Huế thơm bóng sắc giai nhân kiều mỵ
Huế gợi phức cảm muôn phần
Hiện thực quyện hòa ảo diệu
Không cần xức thứ nước hoa trứ danh nào
Tôi tắm chậm... đẫm sáng Hương giang
Kìa Trường Tiền tuổi 124 - công trình thép
6 nhịp 12 vì (vài)
Kìa chùa Thiên Mụ tháp Phước Duyên 7 tầng trên nền bát giác
Kìa 5 lăng vua bên bờ sông lững thững
Đây núi Ngự Bình kia đồi Vọng Cảnh
Ôi Hoàng thành, Tử Cấm thành, Đại Nội
Đâu riêng Trung thu mới lễ hội ánh sáng đêm rằm
Hương giang - sông ánh sáng
Biểu tượng nên thơ, mỹ diệu, bí ẩn tuyệt cùng
Dòng chảy văn hóa Cố đô tương tư bao thế hệ
Không đơn giản nói lời yêu với Huế
Gọi tên sông - hôn kỹ hương mênh mông...
-------------------------
* Sáng tác năm 1946 của Phạm Duy (1921 - 2013).
Huế nhớ
Pha ly trà sữa
Uống tạm thay giọng Huế ngọt ngào
Nhớ thắt eo miền Trung nắng đổ
Nhớ những phố ngắn vút dài lá gió
Nhớ mưa dầm đẫm sũng cô đơn
Mọi khuôn hình đang lấy nét, đậm lên
Tuổi 20 lần đầu qua cầu Trường Tiền
Tuổi 22 lưu ảnh Huế vào tim
Chuyến xích lô sáng - chiều - đêm
Để dành trưa cho giấc vội
Huế ôm trong lòng mà vẫn ghì tay giữ
Tàu chưa vào ga đã sợ phải xa
Vì một chấn động đau, tôi đã không trở lại Huế, quá lâu
Chỉ ngang qua, nhớ Huế từ cửa sổ tàu Thống Nhất
Lâu lắm không đi hỏa xa
Mà lửa bỗng đốt lên mắt sâu lệ ướt
Mà những ô kính nhòe như từng đường màu nước
Sắc tím quyền năng mãi mãi
Tím Huế - duy nhất hành tinh
Những cung điện châu Âu tôi đã thăm
Vẫn nhớ sắc xanh lăng Minh Mạng
Bao nhiêu nắng vẫn nhớ “nắng minh mang”* những vườn mướt ngọc
Có dòng sông nào thơm hơn Hương giang
Có manchette nào gợi cả một miền thiêng
Tạp chí Sông Hương giữ cho bao người khắc vân ký ức
Vân tay chất trên mộc bản triều Nguyễn
Những vương triều vàng son bão tố
Những hoàng hậu, vua quan, hoàng tử, công chúa
Bước chân còn đau dấu hoàng cung
Lặng ngắm tranh phong cảnh vẽ khi sống ở Alger
Vua Hàm Nghi tuổi trung niên vẽ thiên nhiên đầy ẩn ức
Bi kịch tha hương nỗi đau vong quốc 13 tuổi lên ngôi, 17 tuổi xa Huế vĩnh viễn
Hàm Nghi được đặt tên cho phố tại Sài Gòn,
Hà Nội, Đà Nẵng, Móng Cái - nơi ông chưa hề đến
19 bức tranh thiên nhiên tìm thấy trên gác mái của nhà một sĩ quan Pháp
Là kho báu trong tay nhà đấu giá Lynda Trouvé
Tháng 9, ngày 22, tại số 9 phố Drouot,
khách sạn cùng tên phố, quận 9 Paris
Cuộc đấu giá tranh của vua Hàm Nghi
Những bức sơn dầu khổ nhỏ vào phiên đấu
“Đông Dương - chương 16”
Không có tranh về Kinh thành Huế, Đông Dương
Bao nhớ thương u uất mang xuống đất Thonac, thuộc Nouvelle - Aquitaine - vùng hành chính lớn nhất nước Pháp
Nằm ở Tây Nam Pháp, linh hồn về An Nam
Vua Hàm Nghi có biết ViLi xót xa thương ông òa khóc.
Xét cho cùng, cố đô Huế là miền nhớ
Nhớ quá thì chạy xe nhiều lần trên phố Huế ở thủ đô
Đường một chiều, hai dãy nhà, mọi biển hiệu, mũi tên
Bỗng rùng mình hóa thành tím Huế!
--------------------
* Chữ trong bài thơ Nhớ Huế, sáng tác 6/8/1983 của nhà thơ Thu Bồn (1935 - 2003).
(TCSH51SDB/12-2023)