Nhịp sống thơ
Thơ Sông Hương 10-2006
16:10 | 05/01/2009
Dư Thị Hoàn - Vi Thuỳ Linh - Hà Châu Anh - Trần Thị Bích Liên - Phạm Tấn Hầu - Nguyễn Phước Loan - Đỗ Hàn - Inrasara - Đào Duy Anh - Phan Văn Chương - Lê Ái Siêm - Văn Lợi - Lại Đăng Thiện - Ngô Minh - Nguyên Quân - Nhụy Nguyên  


DƯ THỊ HOÀN

Huyền  không
                               
Viết cho Trà ...

Em lẽo đẽo theo, bước kinh kệ nặng nhọc, bậc đá dưới chân chôn chặt lời nguyền nàng công chúa, Nai mai mưng Mưkah*...
                                                                                        ngày xưa.
Anh nói sao? Ngôi tháp hoang trên đỉnh núi này, hồn ai ẩn náu? Bây giờ đàn dơi trú ngụ tối om và ẩm mốc thế kia ư!

Ngoài trời cứ thế mưa, trôi tuột muôn lời sáo rỗng. Bài tụng ca thần linh có thể, anh lắp ráp tối nay hát tặng cô gái sặc màu nê-ông.
Khói trầm hương phảng phất, ngăn cản anh lại gần. Em bắt đầu học ăn học nói học chối từ. Đừng gọi tên em nữa, sợ công chúa về...
tháp đổ!

Tagalau** vẫn nở... Ngoài kia, họ tranh cử tổng thống, màn hình lên án Taliban và văn chương đòi nữ quyền. Ngày mai sẽ là lộng hành của WTO thay Lầu Năm Góc. Xứ sở Chăm Pa bắt đầu công trình thế kỷ -  hạt nhân... Trống giong cờ mở thời cơ vàng của anh đó, sao lại còn ngại ngần?
 
Không phải anh đâu, con ma Hời đấy, rước em vào Ninh Chữ mở yến tiệc địa phủ. Câu truyện Ariya*** anh kể, như con suối lạc dòng, gái đồng trinh bị chết trôi trong đó, có hình hài mục rữa của em không?
Mưa ở Linh Đàm
                                                                                                                    
18 / 8 / 2006

---------------------------
* Tựa đề một trường ca cổ tiếng Chăm: Tình ca người xa xứ. (Tham khảo cuốn Tagalau số 7 - NXB Văn nghệ,  Sài gòn 2006) 
** Tiếng Chăm: Hoa Bằng lăng, nở ngút ngàn ở trên đồi hoang vùng Ninh Thuận (được dùng làm tên cho tạp chí văn học Chăm, do Inrasara chủ biên, ấn hành mỗi năm một số từ năm 2000)
*** Trường ca Chăm.

VI THUỲ LINH

Biển bốc cháy

Gửi N.S Ngọc Đại

Biển chật người, em quạnh hiu
Những đợt sóng rung chuông
Một mình Bãi Cháy
Bờ cát ngồi như thân cây mọc một
Cây bay lên khi em gọi tên

Con thuyền lướt căng buồm tím
Anh chỉ hướng giữa ngây ngư vị biển
Nhớ Anh buốt ngực
Biển chật người chật tàu, tẩy rửa mình bằng sóng
Biển hoang mang biển cuồng yêu giải phóng mình bằng sóng
Si tình trỗi dậy em bằng chữ
Bốn hướng dội về mật mã: Anh!
Hơi mặn của sóng của nước mặn bọc lấy khí quyển
Những bầu vú khát yêu triệu năm hoá núi phơi mở muôn đời
Nước dâng đầy và núi dựng cao
Những chóp vú tự do hoan lạc giữa biển trời, giữa ánh sáng
                        và bóng tối giữa những mùa tình không bao giờ hết,
        trong tràn trề bàn tay ân ái.
Mây vuốt ve núi mênh mang tím
Từng viền sóng reo chuông không thể nào ngớt được
Thuyền buồm tím đắm say như em ngơ ngác như em
Loài người ra sao khi thiếu khí quyển yêu
Biển ra sao khi biển hẹp lại ngoài ý muốn giữa cô đơn đau đớn?
Biển bốc cháy!
Những núi vú ưỡn lên nóng bỏng
Những núi vú non tơ sáng rực
Định hướng lại mọi luồng hải đăng
Bứt tung hàng khuy áo Cảng
Dâng hiến đường sâu triều khát...

Nhớ! Nhớ! Nhớ
Biển bốc cháy
Những ngả đường mặt đất nóng ran
Đường từ sống lưng kêu từng đốt mỏi
Đường nhân gian mịt mù bụi lửa
Em đánh chuông cứu hoả chính mình!
                                                             Bãy Cháy, 13.8.2006

HÀ CHÂU ANH

Thuốc thử
                
                  Tặng Nguyên Quân

Em mang trinh tiết của mình
làm liều thuốc thử
Thăm dò đáy tim anh
Với khát khao tận cùng khám phá
Chỗ nông sâu
Em đã quá mạo hiểm
Em đã hoang đường
Em đã mang em vào mê hồn trận
Chợt nhận ra
Đáy tim
trơ đá
của anh.

TRẦN THỊ BÍCH LIÊN

Đàn bà nhiều khi hơn một nửa

Đàn bà là một nửa
Nhiều khi hơn một nửa
Không có Thơ
Đàn tôi ai dạo
Khúc nhạc đầu trái đất cũng ngừng quay

Chiến tranh
Các ngả đường còn có cột cây số
Chúng tôi đợi chờ
Thời gian không cột mốc

Goá bụa
Cô đơn đè nặng cô đơn
Nước mắt hoà nước mắt
Đàn bà lưng tựa vào nhau
Nặng trĩu hai đầu rơm rạ
Thắp hương chờ chồng, chờ con
Vượt trên đau khổ
Tự làm đẹp mình
Và biết làm đẹp vì ai?
Biết đốt cháy hồn mình bằng lửa tình yêu

Đàn ông là mặt trời bất tử
Đàn bà là mặt trăng ấm áp
Giữa âm dương đặt vầng
                       lửa lên cỏ biếc
Nơi tận cùng lạnh lẽo cũng
                                  ấm lên

Đàn bà là một nửa
Nhiều khi hơn một nửa
Sống vì đất
Chết cũng vì đất

Là hoa
Là Hoa Bất Tử
Đàn bà là một nửa
Nhiều khi hơn một nửa
                       
     09/06/2005


PHẠM TẤN HẦU

Đêm qua

Bị dày vò suốt đêm
trong gió
Bao ý nghĩ điên rồ tơi tả
Cây trần trụi trong cây
Như lão già cô độc
Phát tứ tung theo lá vàng
Đơn viết kêu oan
Đến mệt mỏi, ngủ nhờ
Trong chiếc áo choàng
                         rách toạc
Của ngô đồng
Đêm qua
                        9-2006

Vết cắt

Luôn mới và chẳng bao giờ xóa hết
Một vết cắt màu xanh
Như có thể bổ đôi
Cả sự yên bình

Và nẩy mầm trong đó
Một vết cắt khác
Tách bạch với quá khứ
Để lớn hơn nỗi đau

NGUYỄN PHƯỚC LOAN

Người đi

Ngàn thông khóc
Gió đồi hun hút
Ta lặng lòng bên nấm đất hình tròn
Những bông huệ gặng tươi bao chốc lát
Ta lặng lòng cho nước mắt thấm vào tim
Ừ... tạo hoá và luân hồi-sinh-biệt-
Chốn ta là ai ngộ “Sắc và không”
Người để lại cho ta trầm lặng một chữ “Nhân”
Tư vịn đứng lên sau bao lần gục ngã
Ta tựa vào
suốt nửa đời sóng gió
Ta hoàn nhân
giữa cõi yêu ma
Cõi vô thường giờ nhẹ đón người đi
Ta không tin... và sẽ chẳng có chia ly!
Người vẫn đấy... bao dung san sẻ
Đến vô cùng, vô tận đến hư không...
Và một ngày mai xong gian lao trần thế
Người mỉm cười đón ta đến vĩnh hằng
Ta sẽ gục đầu vào vai người
Như bao lần đi xa về nhà nội
“Đời được mừng-mất
đừng tiếc nghe con”
Thế thì có gì đâu mà ngàn thông lại khóc
Thế thì có gì đâu mà gió đồi
hun hút
chiều nay
Có phải người kia
- nhẹ vẫy bàn tay
Như những lần tiễn ta
 vào say đời
đong đếm.
         Huế, tháng 3/2005

ĐỖ HÀN

Hai câu

Ánh nắng là của mặt trời
Có người hái nắng tặng người mình yêu.

Bao câu thơ phú cao siêu
Bạn bè văng giữa túp lều đơn sơ.

Mong đêm là tiếc cơn mơ
Đợi ngày là muốn bất ngờ gặp may

Bàn tay siết chặt bàn tay
Mà bao toan tính chất đầy trong tim

Khi anh đã là của em
Vẫn còn bao lúc ta thèm có nhau

Gia tài để lại đời sau
Có chăng là một đôi câu răn mình.
Chớm Đông 99

INRASARA

Chuyện người đời thường

Chuyện 3. Hàm Bộ* - giấc mơ triển hạn

Giấc mơ bị giam cầm từ rất sớm
dẫu bé con

Đã chết những dấu chân
dấu chân vẫn con đường mòn ấy
từ làng lên đồi và ngược trở về
làm quen thuộc hơi gió

Đã chết cơn mưa đầu đời
chết
câu thơ chưa kịp khai sinh
những khoanh rừng

Với ngọn gió, ngọn đồi quen thuộc
với khoảng rỗng trần gian nơi ý tưởng chưa đầy tràn
anh ở lại
với hơi thở và hơi thơ câm nín
với giấc mơ triển hạn và
cuộc sống mãi mãi làm triển hạn

Khi hơi thở cuối cùng đã hết hạn chờ đợi
anh đi

Ở lại
dấu chân bị xoá
tên sông đã chết
lang thang những câu thơ trì hoãn.

Chuyện 7. Kẻ quê hương

Những người chị Chakleng
trói lưng ngồi hết ngày đời
ngồi lấn cả đêm
những người chị lưng phản
ngồi quên lấy chồng
vòm vú teo không biết

Những bà mẹ Hamu Chrauk
đầu đội giành lu rao bán
khắp phố cùng thôn
ngày sang đêm
tiếng rao dội luôn vào giấc mớ
ai... lu, trã, nồi, trách...  khôôông...

Những chàng trai Pabblap
chân trần lang bạt
kì hồ ciet gha harơk lên vai
gánh dọc thế kỉ hai mươi
hiên ngang gánh sang hai mốt
không lần ngưng nghỉ

Những ông anh của tôi
những bà mẹ của tôi
những người chị của tôi.

---------------------
* Hàm Bộ, nhà Yogi cuối cùng của Chăm, Guru của tôi. Phong thái và đối nhân xử thế của anh khiến tôi không thể không liên tưởng đến Vivekananda. Cũng như Vive, anh mất khá sớm: 42 tuổi.

ĐÀO DUY ANH

Mảng màu câm

Này bóng gương
sao nỡ chan đêm quanh chỗ em ngồi cho huyễn hoặc
   đường cong con gái
căn toan
ái ngại mình nguyên thuỷ
bức bột màu lỗ chỗ ký ức mê mệt nhập nhoà những gam tối sáng
sắc màu nhận chìm em vào ưu tư
cây cọ dự cảm mỏi mòn...

... Choáng ngợp cầu vồng sông Ngân rớt chữ
ta khắc câu thơ vào mây
con chữ ngật ngừ như gió
cõi thức rối bời
hồn gió lặm vào đâu
bóng tối sơ khai thạnh tình trinh bạch
ngọn bút rơi vào vô tăm...

Ngậm hạt bụi trong cơn xoay tiền kiếp
dẫu sao cũng cảm ơn buổi làm người
trên mảnh đất hoang hoá cõi người
linh hồn đi về phía vô hạn - thể xác đếm bước tàn phai trên dấu môi
đã chừng!
trăng khuya!
lật canh đêm xem hồi kinh cứu rỗi
miền giải thoát là bóng tàn canh vùng vẫy những con đường
những mảng màu ám câm - cuộc đời sượng chín
người về trong chiêm bao hiển hiện bóng hình nguyên thuỷ
và ta đã viết để thoát khỏi ám ảnh
đến thảm não bàn tay

Em ơi! Giọt nước mắt nào sẽ cùng ta tuôn chảy thay cho
                                                              giọt rượu bữa tiệc đời người

Trên bức vẽ hiện thực của thời gian
đã thở hơi của pho tượng
im lặng
cóng riết
ngô ngữ lắng vào thiên thu
sự nhiệm màu nào cũng không lời...

Hiện hữu xám

Khi gió tụng ca
thảo nguyên xanh màu cỏ
em mềm xanh... cỏ úa hay người.

Giữa những vòng thắt điêu ngoa - lối mòn đã vạch
em bước vào cuộc chơi. Đời người...
sống lầm - chết lầm
ngột ngạt ước muốn căng bay
ai gút thòng lọng ngày cho thời gian tự vẫn từng giây
em khó ở
tỉnh táo đánh mất ngây thơ mà giọt nước mắt
                                            tinh khôn không chảy được ngọt ngào
cơn trằn trọc mang theo những mạt buồn lấm tấm
tiếng thở dài không thành gió khô dòng lệ.

... Mưa tầm hoang - gió tầm hao
hoai mùi hương cũ
em tầm anh âm vọng bóng lộn chiều ướt hương
quên khái niệm dòng sông
ngây thơ vạch dấu ấn trên thuyền đánh dấu điểm rơi mình.
                                                                                    Dòng chảy...

Nỗi đau thức tỉnh
cỏ sẽ chỉ là ký ức đan bện
khâm niệm cuộc tình
chiêu hồn ngọn lửa thắp lên những se lòng
trắng lại tàn tro
một lần hiện hữu xám

... Mảng buồn màu lạnh
làm ấm môi mình bằng cách thì thầm gọi tên anh
Thượng Đế toàn năng buông tay bất toàn
Lời nguyện cầu... cỏ úa!

PHAN VĂN CHƯƠNG

Mô tuýp

mặt trời
đầu nhà thơ
quả bom bi
nấm mộ...
                                6-06

Tóc
           
          Tặng V.H

Màn đêm tóc em
ánh sao mắt anh

đêm đan chùng sợi
sao hấp háy mi
mù sương hơi thở

tóc em ngàn mây
rạt rào suối mắt
nghiêng ngả hàng cây

đêm lặn vào tóc
người lặn vào người
dùng dằng hai nửa
dùng dằng hai nơi

màn đêm tóc em
ánh sao mắt anh.
                Mùa hè, 2006

LÊ ÁI SIÊM

Phía phố

Chân lãng du không đưa anh về nữa
phố ơi
ngọn đèn chìm trong mưa rơi
đêm ướt tóc
bước chân rưng rưng khóc
khuya ấy em về phố trắng không?
anh giữ màu mưa đi ngược cánh đồng
ngược cơm áo
ngược một bàn tay vẫy
nhận ra lo âu đuổi bám nhịp tim mình

anh bỏ vầng trăng chạm khuyết mối tình
chân trời ủí hai ngôi sao đẫm nước
thôi em đừng khóc
phía phố giấc mơ chưa tắt
lang thang anh tìm những bông hoa vừa đánh mất
thả xuống dòng sông thơ
em đọc ngày vắng anh ở phía sau mùa

phía phố chiều bao nhiêu cửa sổ
gió cứ lùa một ngách tim anh?

Mỏng mảnh chiều

Mỏng mảnh đi
Chiều tà áo
Biếc xanh em
Câu thơ buông một chùm lan tím
Nắng ngủ trong mây
Mưa đỏng dảnh chân trời

Tháp nhà thờ nghiêng ngả
Tiếng chuông
Âm âm trong em anh ngủ
Biến dị giấc mơ
Non tơ cỏ ríu chân người.

VĂN LỢI

Tự vấn

I.

Cây nhìn xuống đất
Thấy mình dài ngoẵng ra
buồn ủ dột

Mặt trời nói với cây:
Hãy nhìn anh khi tôi đứng bóng
Cây nhận ra mình
to, rộng
và, lặng im!

II.
Cây oằn mình chống đỡ
Cơn bão đi qua
Tự hào nhìn đất

Đất lặng im
Phô cho cây thấy
 mình nẻ nứt!

III.
Tôi nấp dưới bóng cây
tránh mặt trời thẳng đứng
Đất mát rượi dưới chân
Tôi lặng im
tận hưởng!
Tháng 9/ 2006

LẠI ĐĂNG THIỆN

Chiều Trung Du
    
                                  Tặng NKT

Núi gồng mình như sóng
Chạy tít tận trời xa
Núi tung bờm... gió lộng
Lắc lư cả rừng già

Suối gặm mòn vách đá
Xôn xao chở chiều về
Khoan thai bò đủng đỉnh
Nghiêng đồi một đàn bê

Mặt trời vội đi ngủ
Mắt đỏ ngây ngất say
Ngơ ngác còn gọi bạn
Chớp trắng giữa rừng cây

Hồ xanh trong mắt núi
Lúng liếng trăng dạo chơi
Hoàng hôn chiều khép lại
Hương tràm lớt phớt rơi.
 Lạt-Hè 2006

NGÔ MINH

Người về vườn chuối
                                  
                                    Tặng nhà thơ NKĐ

dường như ông không nghĩ mình từng  là đại quan
rời  Hồng Cung là về ngay vườn chuối
dép quai mũ chìa vô ra thôn Vỹ
đêm giật mình nghe mưa đếm tuổi
nghe dế rỉ rên thương đất nổi chìm

dường như ông không nghĩ mình quen đi xe con hạng sang
dừng là có người cúi chào mở cửa
 ngày hai bữa  ăn cơm bụi  đạp xe đạp ra phố đông người
vào hiệu sách đến nhà người quen cũ
nâng ly với mọi người nói cười hể hả
rồi đi thăm người đã khuất
ông hỏi chào  như họ còn đương sống
rồi ra Hương Giang với chú bò bè bạn
đêm lại về vườn chuối ngọn đèn
nghe gió lật câu thơ thức ngủ...

ai bảo bây giờ làm quan thật dễ
hoàn dân còn khó hơn nhiều
điều ấy hình như ông không để ý
trước màu lá chuối nõn xanh...
                                                         Huế, 14-8-2006

NGUYÊN QUÂN

Viết trên đồi thịt băm

Ơi! người lính
từ phía bên kia bán cầu xa xôi
bỏ lại chiếc giày bên dốc núi
chiếc thẻ bài treo nghiêng
rừng âm u bao lần trở gió
ủ mục chân rêu...

Ơi! người du kích
của núi rừng xưa
chút máu thịt bị băm nát cuối cùng
len vào thớ gỗ
vào huyền sử quê hương
theo tiếng chiêng về treo hồn vách đá

Hình như
có một thời buồn như thế
tôi cúi tìm dấu tích
một chiếc giày mục rã
một mảnh cây Arlăng thẳm máu
cắm một nhánh hương trầm
rồi bật khóc.

NHỤY NGUYÊN

Đoạn cuối của ngày

5h chiều. Cuối hạ
mặt trời chưa tắt
trên rẻo cao đã lạnh
cụ chủ nhà (có người con trai vừa hóa thân vào
cây Kim Giao) ngồi thu lu trước bậu cửa
tẩu thuốc dài bằng một ngày sắp qua

Tôi trở về từ rừng Ma
vác theo nhành cây Kim Giao làm chứng
cụ già vẫn mê man nhả khói
chẳng màng đến sắn khoai

Mai này, người chủ trọ kia
ký gửi linh hồn vào cây Kim Giao
liệu tôi có bị rừng Ma trừng phạt
tội… đốn gãy ai đó?

Trong ngôi nhà trọ
tôi hết đứng lại ngồi
hết nhìn cụ già lại nhìn vô - bên bếp lửa
đỏ như máu cây Kim Giao
có người phụ nữ ngồi thu lu
Chị mới chết chồng!
                                                                Trại sáng tác A Lưới, tháng 8/2006

 


(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng