Nhịp sống thơ
Thơ Sông Hương 10-88
09:55 | 05/02/2015

Đỗ Nam Cao - Nguyễn Trọng Tạo - Trần Chấn Uy - Nguyễn Văn Chương - Phùng Tấn Đông - Trần Quang Đạo - Trần Lê Văn

Thơ Sông Hương 10-88
"Cô giáo và thiếu nhi" - tranh của Vĩnh Phối

ĐỖ NAM CAO

Người ơi
Kính tặng nhà thơ Hữu Loan

Nhà thơ của một mầu
Đi tận cùng mầu ấy.

Người từng nắm cục than
(Gan cóc tía!)
Để một đời niu niu hoa lúa
Thế giới lắm sắc mầu
Đi tận cùng mầu ấy

Người khóc người vợ chết cực kỳ
Khóc ai còn che dấu
Kìa xem con cá sấu
Nước mắt cũng lắm mầu
Đi tận cùng mầu ấy

Người giữ lửa
Nùi rơm ngun ngún cháy
Có một chiều mưa nào chạnh thấy
Mống cụt cũng bẩy mầu
Đi tận cùng mầu ấy

Người câm như hạt thóc
Ba mươi năm
Ba mươi năm là mấy
Bỗng nẩy mầm
Òa lên mùa màng con gái lúa ứa sữa

Chỉ thằng điên đập xóa các mầu
Giữ riêng mầu hắn khoái
Người chỉ muốn xới đào tận đáy
Trong vũ trụ hồn mình
Đi tận cùng mầu ấy

Người hư thực bên tôi
Mái tóc bạc ảo mờ sương dĩ vãng
Bất chợt
Giọt nước mắt mầu sim
Chảy nhểu ra từ bên con mắt lớn

                                        4-1988



NGUYỄN TRỌNG TẠO

Hà Nội perestroika

Ba mươi năm lẩn tránh những dòng tên
báo lại in Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt…

ba mươi năm
có tên tuổi đổ bê-tông
phút chốc thành vụn nát...
Hà Nội Perestrôika
Không Đổi Mới đồng nghĩa cùng Tự chết!

Tôi trở lại người kêu oan người lên chức
chợt cất lên tiếng nói những người câm
sắm trăm vai mà chẳng phải diễn viên
bao nhiêu Vân dại
Hà Nội Perestrôika
Tháp Rùa đột ngột trên sương khói…

Cạn một chầu bia hơi
không chờ đợi
chỉ vậy thôi, đủ tin yêu Hà Nội.

Nhưng đừng tin tất cả sẽ ngọt ngào
Perestrôika
có cay đắng của ngôi nhà bị giở
những phóng viên máy ghi âm phòng thủ
giá giấy tăng
giá gạo nhảy bất ngờ
thơ vẫn viết, vẫn giữ vai "đầu nậu"
thơ làm sao sống nổi giữa thủ đô?

Hà Nội Perestrôika
ông lớn tôi gặp lại
Hà Nội nghe cay cú giọng về hưu
em bé mời tôi mua báo mới
hồn nhiên tăng giá, chẳng nhiều lời
có tiếng nói hả hê mùi thịt chó
có bàn tay tái nhợt ngửa xin tôi…

"Nếu rắc muối vào vết thương
cứ rắc
với vết thương
             xin đừng rắc
                       thêm đường!"
đừng an ủi bằng những điều huyễn hoặc
đừng tin yêu như một gã ngoài đời
Hà Nội Perestrôika
không Đổi Mới đồng nghĩa cùng Tự Chết

                               Hà Nội - Huế, 4-1988



TRẦN CHẤN UY

Lương thiện

Khi ta sinh ra, lớn lên
vẫn giữ nếp xưa,
người già dạy ta lương thiện,

Lương thiện
là mười lăm năm lưu lạc Thúy Kiều
là Thị Kính nghìn năm oan khuất
là xác chết Chí Phèo
quằn quại trong trang văn Nam Cao
cha ông xưa
trọng nhân nghĩa, giữ đức lành
sao văn chương
Còn ghi bao cuộc đời oan trái.

Vị đại thần triều Lê, Nguyễn Trãi
Có phải vì thanh liêm mà mắc án Lệ Chi viên,
kẻ sĩ Bắc hà Yên Đổ tam nguyên
thương dân, khóc nước mắt mù
chí sĩ họ Ngô
nhận cái chết để giữ mình lương thiện
Đất nước, trải bốn nghìn năm thanh bình
                                         binh biến
bao người trung liệt bị chém đầu
còn gian thần thì ung dung áo mũ
Có phải khổ đau, oan khuất
là cái giá
làm người lương thiện
của mọi thời chăng?

Cho dù thế khi con ta sinh ra và lớn lên
vẫn giữ nếp xưa
ta sẽ dạy con ta làm người lương thiện.




NGUYỄN VĂN CHƯƠNG

Về một ông quan

Tám mươi năm tròn từ ngày ông mất
Người ta còn tranh luận về ông
Có tội hay có công?
Ông quan họ Đào thăng đến Thượng thư nhưng lại say mê làm thơ, hát bội
Ông lên chức danh nhờ mấy chục pho tuồng hay giết người vô tội?
Lịch sử đã phân minh
Ông làm quan
Phải đâu để mưu danh cầu lợi cho mình
Thời thế ấy lựa chiều gió thổi.
Miễn là đừng khom lưng quì gối
Còn đánh thù, ngọn bút tài há kém thanh gươm
Vạch mặt bọn vua quan ở giữa triều đường
Mà chúng phải ha hả cười khen, ấy ngọn bút ông mới là thần diệu
Những Đắc Kỷ, Trụ Vương đời này chẳng thiếu
Phải chúng đang chễm chệ ngai vàng?
Ông làm quan
Dẫu bốn lần Thượng Thư, ba lần Tổng đốc
Lớn quyền lớn chức
Nhưng ông không lớn lòng tham
Bao kẻ vừa nghi ngoe một chức sắc cỏn con
Lòng không đáy đã bạo tay vơ vét
Riêng ông vẫn thẳng ngay ngọn bút
Hiền tôi gian, lòng những căm lòng
Gươm ba kia, tội gã không dung
Luật tám nọ lỗi mày khó thứ
(1)
Nếu làm quan, xin cứ như Đào công là đủ
Để mai sau, tên tuổi còn thơm
Thành tâm dâng một nén hương
Kính viếng ông - quan - tuồng hiếm hoi trong lịch sử
Thủ vãng sơn hà tâm vị tử (2)
Bông mai vàng nở sáng núi Huỳnh Mai

                            Quy nhơn, đêm 31-10-87

----------------
(1) Lời Tạ Ngọc Lân trong tuồng "Khuê các anh hùng" của Đào Tấn.
(2) Tay đỡ non sông lòng chẳng chết. Thơ Đào Tấn khóc Phan Đình Phùng.




PHÙNG TẤN ĐÔNG

Ngoài kia là mùa thu
           Tặng họa sĩ T.

Khi cơn mưa xua vội mùa thu đi
Mang theo rất nhiều sương trầm nơi đáy mắt
Ta gởi lại gì trên lối mòn năm trước
Chiếc lá ngây ngô như giọt nắng ngời...

Nên nói một điều gì đi em!
Có thể những câu chuyện đời thường buồn vui chóng mặt
Thấp thoáng nụ hồng trong khung cửa hẹp
Anh không muốn nhắc hoài một sự thật
Cọng cỏ xanh như có một linh hồn

Nên nói một điều gì đi em!
Những quyển sách thôi ngồi làm cổ tích
Có những giọt nước đại ngàn không trôi theo sông
Ngẫu hứng trọn đường bay của chim trời cá biển
Đứng làm đóa mây chiều huệ trắng

... Và anh đã ngồi rất lâu, rất lâu, như thể
trong mắt em không một chút nghi ngờ
Như thể dưới đường em kiễng chân gọi
Bước xuống và đời anh không thể khác đi

Không thể khác đi mùa thu ngoài khung cửa

Mỗi rụng rơi là một ngóng chờ
Khi đã lắng hết hồi âm của lá vàng và gió
Anh lầm lì khởi sự những câu thơ

                                    Huế 11-1987



TRẦN QUANG ĐẠO

Mẹ ngồi phơi những lát khoai

Từng đụn cát lóa trên đường số Một
Hàng dương còi chỉ lối một vùng quê
Con gặp mẹ bắc thang vào lô cốt
Cần mẫn ngồi phơi những lát khoai khô

Nhói lòng con khi thấy mẹ ngồi kia
Mẹ lật trên tay từng lát nắng
Đất quê nghèo chỉ đồi đồi cát trắng
Để được lát khoai này mẹ biết mấy lo toan!

Suốt những năm đánh giặc gian nan
Vùng cát nắng trắng một vành đai trắng
Từng ruột tượng khoai khô mẹ giành nuôi người lính
Khoai mẹ trồng giành giật với đạn bom

Bên hàng dương là mái nhà tôn
Nắng trên cát con nhìn nhức mắt
(trên tay mẹ chiếc gáo bằng lon sắt
Những chiều nao cần mẫn tưới dây khoai)

Đất quê giờ đã xóa vành đai
Bàn tay mẹ cấy trồng theo thời vụ
Trên đất cát khoai lớn dần chùm củ
Để trưa nay mẹ ngồi phơi những lát khoai khô.

                                                          Quảng Trị 1985



TRẦN LÊ VĂN

Bông cúc

Hữu tình làm ra vô tình
Hay em vô tình thật đấy?
Thôi cứ vô tình như vậy
Buồn riêng, anh đủ sức mang
Vườn em có bông cúc vàng
Ngày muộn sao còn tươi thế?
Chạm vào áo anh se sẽ
Mà anh rũ mãi không ra!

                            1986

(SH33/10-88)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng