Nhịp sống thơ
Thơ Sông Hương 09-15
16:30 | 30/09/2015

Nguyễn Đông Nhật - Từ Hoài Tấn - Trần Hoàng Phố - Phan Trung Thành - Phùng Sơn - Lê Hồ Ngạn

Thơ Sông Hương 09-15
"Sau cuộc chiến" của HS Đặng Mậu Triết

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Mùa thu

1.
Chầm chậm, màu nắng nhạt đi
và ngày đang thu về những nốt nhạc thừa.
Chưa có gì rơi, đôi cành khô gãy
màu hoa nở vội vàng hay một loài chim báo tin.


Tiếng mưa theo ý nghĩ, dài hơn
những hàng cây muốn nép vào nhau,
nhưng dường như tiếng lá rụng
thoáng rung mình nhẹ lướt qua.


2.
Nỗi cô đơn dịu dàng, như một thói quen
choàng lên quầng trăng ẩm ướt
nhưng lá cỏ đêm dưới trời sương
không ngần ngại mở ra những đôi mắt rạo rực.


Tiếng động sáng chói của ngày qua vọng về
không tiêu phí bằng sự ầm ĩ vô ích
dồn tụ trong thời khắc chờ tái sinh.


3.
Những màu áo dần tươi trên đường phố lắng bụi.
Ngoài đồng, vết bánh xe băng qua thửa ruộng.
Trong hơi thở thêm một phần khí ẩm
(ôi những suy nghĩ của người thức khuya).


Tiếng trống ếch đàn em trong xóm đêm
hồi còi đục trầm trên bến cảng
mang mùa thu ra đi.




TỪ HOÀI TẤN

Gởi về một mùa hè ở Huế

mùa hè không có hoa phượng đỏ
nàng làm gì
ở cái thành phố cũ kỹ ấy


con đường vắng những bàn chân đi
hai bàn chân còn lại cũng lười biếng bước
mùa hè không có hoa phượng đỏ
không có tiếng ve
nàng làm gì
ai hót giùm cho
tiếng vang ngày cũ
mùa hè ấy
tà áo trắng ven sông
con đò đưa ngày mưa bất chợt
nàng đã làm gì
buồn theo cánh diều bay
chiều Ngọ Môn cô độc


mùa hè không có hoa phượng đỏ
làm gì
ngày lập lòe nỗi nhớ
trên những con đường không có ai
vắng tà áo trắng
ngôi trường im bóng
qua đây lời tưởng mộ ngàn năm
dấu tích lưu bức tường vôi tím
thuở hẹn hò


mùa hè không có hoa phượng đỏ
cô nữ sinh lạc loài
con đường trần trụi
nhìn lên cao - trời xanh
trời xanh trong
không bóng mây che nắng lửa
chẳng còn một cánh hoa.




TRẦN HOÀNG PHỐ

Nhìn xa vào mênh mông
            Gởi họa sĩ Đinh Cường

Đầu bạn tóc rụng rồi -
Mặt bạn giờ như Phật
Cười vô ưu với đời
Xem thế gian chớp mắt

Ngứa tay cố vẽ tranh
Dù cầm cọ rất khó
Khi cảm hứng làm thơ
Nhiều yêu thương bè bạn

Dẫu đôi lúc rất đau
Dẫu đôi lúc hoảng sợ
Thời gian còn mấy đâu
Vẫn thấy đời rất đẹp

Thi thoảng nhớ chuyện xưa
Đôi lúc tủm tỉm cười
Bạn bè năm tháng cũ
Giờ thoáng tựa chiêm bao

Sống chết vốn lẽ thường
Xuôi tay là kết thúc

Cười vui ngày còn lại
Vô ưu ngắm vô thường

Mặt bạn hiền như Phật
Nhìn xa vào mênh mông




PHAN TRUNG THÀNH

Có ai nằm xuống mà ngủ được đâu

Mạ điện thoại hỏi con ngủ được không
dạ Mạ, con ngủ ngon
người yêu hỏi anh ngủ được không
ồ anh ngủ tốt, ngủ tốt yên tâm em yên tâm
bác sỹ hỏi anh ngủ được không
dạ tạm tạm
thường chờ giấc đến trễ
có ai nằm xuống mà ngủ được đâu
đất nước mến yêu của tôi
truyền đời thương khó
qua thời dông gió
bão táp mưa sa
Đời ông đời cha
ngàn đời nơm nớp gió phương Bắc
thổi độc trăm bề
có ai nằm xuống mà ngủ được đâu?
Có người ngủ trong thân xác mệt mề
quăng tấm thân gió bụi
có người nằm cạnh nấm mồ
ru giấc lành không mộng mị
giờ này, bản tin cuối đầy lo toan
hình như mình vẫn chưa cài cửa
hình như tiếng sột soạt bóng đêm
hình như đường quanh co thêm khúc.


Chiếc gối ôm tuột khỏi tay
ngủ bây giờ không còn là giấc ngủ!




PHÙNG SƠN

Cha tôi

Thuở ấy trong thời loạn ly
Những người còn cả đôi mắt trong veo
Phải nhìn khói thuốc đạn bom
Những tia chớp xé nát bầu trời
Cha tôi nhìn qua bóng tối
Và ngửi thấy mùi chiến tranh khốc liệt
Lặng lẽ buồn lặng lẽ khóc
Lặng lẽ với những đứa con trong thời binh biến
Hằng đêm
Bàn tay không lành lặn của cha
Vỗ về lên lồng ngực nhỏ bé của tôi
Tiếng hời ru tha thiết của một thời
Chập chờn trong ký ức lửa đạn
Hằng đêm
Tôi nghe rõ lời nguyện cầu của cha
Cho ánh sáng không từ đôi mắt
Mà ánh sáng cho cả bầu trời
Thôi đạn bom thôi những thù hằn


Rồi một ngày
Cha tôi quên sợ hãi
Sờ lên mắt tôi
Sờ lên bàn tay tôi nhỏ bé
Nụ cười mãn nguyện


Hết chiến tranh
Hết hận thù
Có nghĩa là con của cha vĩnh viễn lành lặn
Lành lặn thể xác
Lành lặn tâm hồn
Trước giờ cha tôi nhắm mắt
Tôi vẫn còn nghe câu cha nói người trông đợi -
THỜI BÌNH




LÊ HỒ NGẠN

Một hành trình

Ngày bình minh mùa xuân ấy, Cha đã đi xa
và đi xa mãi…
thời gian như ngừng lại
dòng sông quê hương, ngọn đồi, từng nẻo đường… đã mang dấu ấn
của Cha dường như cũng trầm lặng
giây phút cuối cùng trong kiếp tạm.


kiếp tạm của Cha,
những con đường dốc, những ngọn đồi cao, những thị trấn bằng
phẳng, quán cà phê dọc đường, những người bạn thân, những bữa
cơm ấm áp gia đình…
hạnh phúc và bất hạnh, Cha đều cảm nhận được
trong bất hạnh sẽ có hạnh phúc.


những kỷ niệm ngày nào chợt trở lại,
“chiếc khăn màu tả lót”, trời mùa đông mưa bão, chiếc áo len,
những cơn sốt, những ngày hè nắng nóng, quán nước dọc đường…
rồi sân ga, khu nhà trọ, quán cơm bụi vỉa hè… cho đến khi con đón
nhận tiếng khóc đầu đời của trẻ thơ
đều mang dấu ấn của Cha.


Cha ơi,
Con nào quên được giây phút ấy,
đôi mắt thật sáng nhìn con, Cha muốn nói:

“Cha đã yên lòng, con hãy bước tiếp trên hành trình của mình,
Cha con ta sẽ gặp lại trong luân hồi”.

người con - người bạn của Cha trong đêm yên tĩnh
ở nơi xa ngôi nhà từ thuở lọt lòng của Cha và Mẹ
thầm nhủ: Cha hãy yên nghỉ ấm áp nơi đất mẹ!
Con sẽ bước tiếp trên hành trình! Từ nơi xa, Cha sẽ mỉm cười qua
tín hiệu vô hình.


(SH319/09-15)






 

Các bài mới
Chùm thơ Kim Loan (17/04/2024)
Chùm thơ Vĩ Hạ (10/04/2024)
Các bài đã đăng